jeudi 14 juin 2007

Ông Hồ Chí Minh Có Tư Tưởng Gì ? - PTran

Ông Hồ Chí Minh Có Tư Tưởng Gì ?
Phạm Trần

Hoa Thịnh Ðốn.- Ðảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã rất ồn ào trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành tư tưởng – văn hóa (1-8-1930 – 1-8-2000) vì nó gắn liền với ông Hồ và chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nó dính đến việc Ðảng ra lệnh cho cán bộ phải kiên định lập trường để bảo vệ quyền lãnh đạo toàn trị cho Ðảng, nhưng cũng chứng tỏ tình trạng thoái trào thật não nề : Ðảng nói cho Ðảng nghe.

Trong buổi lễ có mặt đầy đủ những người lãnh đạo ngành tư tưởng – văn hóa cũ và đương nhiệm tập trung về Hà Nội ngày 31-7, Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Ðảng đã nói về “nhiệm vụ của công tác tư tưởng – văn hóa trong giai đoạn mới”, nhưng nội dung vẫn chỉ là chuyện cũ nhắc lại đầy tính ảo tưởng : “khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” và “khẳng định chủ nghĩa xã hội sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng.”

Phiêu nói:” Những nhà làm công tác tư tưởng phải kiên định mục tiêu này, kiên định, nhưng trong tuyên truyền phải sáng tạo vì cuộc sống luôn luôn phát triển. Công tác tư tưởng phải làm rõ quan điểm của Ðảng ta trong từng giai đoạn.”

Vậy mục tiêu công tác tư tưởng – văn hóa hàng đầu hiện nay của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) là gì ? Ðó là việc không để cho đảng viên mất tin tưởng, nghi ngờ hiệu quả của xã hội chủ nghĩa, chận đứng khuynh hướng không thi hành đúng các Nghị quyết do Ðảng đưa ra và phải loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, thanh toán các tệ nạn tham nhũng và tha hóa trong đội ngũ cán bộ và đảng viên.

Báo Nhân Dân (31-7) kể lại quan điểm của Phiêu về mục tiêu công tác tư tưởng hiện nay :” Về tuyên truyền công tác xây dựng Ðảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng lúc này tuyên truyền, giáo dục để khắc phục sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là rất quan trọng. Những chiến sĩ làm công tác tư tưởng của Ðảng lúc này phải là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội, trong Ðảng, chúng ta vừa xây, vừa chống, nhưng dứt khoát phải đẩy lùi bệnh suy thoái trong Ðảng về đạo đức, phẩm chất, lối sống, bảo đảm Ðảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.”

Những tệ trạng vừa kể của hàng ngũ cán bộ, đảng viên đã được Phiêu nói cách nay hơn một năm khi Ðảng tung ra hai chủ trương “phê bình và tự phê bình” và “ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng”. Từ đó đến nay guồng máy tư tưởng – văn hóa Trung ương do Hữu Thọ cầm đầu đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực và nước bọt phân tích hơn thiệt, phải trái và nhồi vào sọ mỗi đảng viên để làm tốt hai nhiệm vụ thế mà cán bộ và đảng viên vẫn chưa thông suốt hay họ đã tảng lờ để mặc cho Ðảng nói Ðảng nghe ?

Ðể bổ túc cho nhiệm vụ thi hành những chỉ thị có tính cách quyết định vận mệnh của Ðảng, ngoài những lời nói của Phiêu nhà nước còn cho phổ biến rộng rãi không biết bao nhiêu bài viết, bài phát biểu về hai chủ trương này của Phan Văn Khải (Thủ tướng) , cựu Thủ tướng Phạm Văn Ðồng , Nguyễn Ðức Bình (Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương), Hoàng Tùng, cựu Bí thư Trung ương Ðảng; Hữu Thọ, Trưởng Ban tư tưởng – văn hóa Trung ương; Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội v.v.. thế mà những tật xấu vẫn ăn sâu bám rễ, sinh sôi nẩy nở trong Ðảng !

Nguyên nhân vì mặt trái của kinh tế thị trường hay cái thế lãnh đạo của ông Phiêu không mạnh như người ta tưởng ? Trong lời phát biểu hôm 31-7, Phiêu chỉ dám “mong” mà không cương quyết dứt khoát buộc cán bộ “phải” chu toàn nhiệm vụ tư tưởng – văn hóa tuyên truyền cho Ðảng.

Báo Nhân Dân tường thuật :” Tổng Bí thư mong những người làm công tác tư tưởng – văn hóa cùng với Ðảng giáo dục ý chí, phẩm chất cách mạng để đưa cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng giành thắng lợi, bảo đảm mục tiêu đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, đưa sự nghiệp cách mạng của chúng ta đến thắng lợi hoàn toàn. Mong các cán bộ lão thành cách mạng giúp đỡ kinh nghiệm để những người làm công tác tư tưởng – văn hóa của Ðảng hôm nay làm tốt công tác được giao, bảo đảm đưa đường lối của Ðảng vào cuộc sống, cùng toàn Ðảng, toàn dân thực hiện sự nghiệp cách mạng đến cùng.”

TẠI SAO LẠI PHẢI 20 NĂM NỮA ?
Chủ trương chuyển một Việt Nam nông nghiệp sang công nghiệp (kỹ nghệ) là một phiêu lưu không tưởng, nếu đảng CSVN không mau chóng chấm dứt theo đuổi trò chơi chéo cẳng ngỗng : phát triển kinh tế theo “ định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bởi vì ai cũng thấy chỉ có một nền kinh tế dân chủ, tự do và phương tiện của tư bản mới có thể giúp Việt Nam biến cải nền kinh tế lạc hậu hiện nay.

Những người cầm đầu đảng CSVN biết rõ như thế và đang cố gắng làm như vậy, nhưng luôn luôn có bàn tay Nhà nước nhúng vào kiểm soát, lãnh đạo. Vì vậy mà kinh tế của Việt Nam mới sình lên, sập xuống, tụt hậu trong mấy năm gần đây.

Nhưng Phiêu đã căn cứ vào đâu để đưa ra thời điểm năm 2020 và tại sao lại phải đợi đến 20 năm nữa đảng CSVN mới đạt được “thắng lợi hoàn toàn ?” Ai cũng tưởng Ðảng này đã thắng hoàn toàn kể từ sau khi chiếm được miền Nam tháng 4-1975 ? Vậy trong suốt 25 năm qua, Ðảng này đã phung phí sức người và của cải vào trận chiến nào nếu không phải chỉ để chống lại kẻ nội thù tham nhũng, thối nát nằm ngay trong lòng đội ngũ cán bộ Ðảng và Nhà nước ?

Khi bắt dân phải đợi thêm 20 năm nữa thì ông Phiêu có còn nhớ người tiền nhiệm và bậc thầy của ông là Lê Duẩn cũng đã có lời hứa hão như thế vào năm 1976 khi ông ta oang oang ở Sài Gòn rằng chỉ trong vòng 20 năm nữa, nhân dân Việt Nam sẽ có mức sống ngang hàng với các dân tộc trong vùng Ðông Nam Á ?

Nếu đem mức sống hiện nay của người dân Việt Nam so với các dân tộc láng giềng thì Việt Nam chỉ hơn được hai dân tộc Cao Miên và Lào. Ðiều này có làm cho đảng CSVN xấu hổ không hay vẫn còn nghênh nghênh tự đắc với ý tưởng viển vông xây dựng nền kinh tế hùng mạnh mà không theo phương pháp kinh tế tư bản ? Người CSVN gọi lối làm việc này là theo định hướng “quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên xã hội chủ nghĩa” ?

Chỉ tiếc rằng thực tế đã cho thấy Ðảng càng “quá độ” bao nhiêu thì đất nước càng thụt lùi sau các nước láng giềng bấy nhiêu. Vậy mà những người cầm đầu đảng CSVN vẫn tìm mọi cách để du ngủ nhân dân níu lấy những mảnh vụn của một lâu đài sụp đổ từ khi Liên bang Sô viết tan rã năm 1992. Ta hãy nghe đảng CSVN tự vỗ về mình :” Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử.” (Trong cương lĩnh của đại hội VII, đảng CSVN, từ 9-8 – 16-8-1999).

Song song với đề cương tuyên truyền vào dịp kỷ niệm năm nay Nhà nước còn cho in lại trong báo Nhân Dân hàng loạt bài viết về lĩnh vực này của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh Ðặng Xuân Khu, Nguyễn Văn Linh, Ðào Duy Tùng, Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Hoàng Tùng và phỏng vấn cả Tố Hữu, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Ðảng; Hà Xuân Trường, nguyên Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ Trung ương và Hà Ðăng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản v.v...

Nội dung các bài viết, kể cả bài của ông Hồ, đều lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng cho cách nghĩ, cách tuyên truyền và cách làm của người Cộng sản. Và vì ông Hồ đã “Việt Nam hóa chủ nghĩa Mác – Lê-nin” nên những điều ông nói và viết đều được các đầy tớ và học trò trung thành nối nghiệp lãnh đạo thần thánh hóa lên thành những tư tưởng được gọi là “vĩ đại”.

Tỷ dụ như câu viết của ông Hồ :”Ðảng áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp Mác – Lê-nin mà giải quyết các vấn đề thực tế của cách mạng Việt Nam.” và việc ông Hồ có công “truyền bá lý luận Mác – Lê-nin vào trong nhân dân” đã được vận dụng, khai thác triệt để cho công tác tuyên truyền bám trụ cho Ðảng hiện nay.

Nhưng hậu quả đã đi ngược lại mong muốn của lãnh đạo. Những khẩu hiệu “dân nói, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” hay “cán bộ là công bộc, đầy tớ trung thành của nhân dân” do ông Hồ đề ra từ thập niên 60 đã mất hết ý nghĩa trong thực tế đời sống và hành động của cán bộ bây giờ.

Trong bài viết “Ðể xứng đáng với lòng tin của dân” trong Tạp chí Cộng sản số 13, tháng 7 năm nay, Lê Khả Phiệu đã nói ra tất cả những chứng hư tật xấu và bê tha của một guống máy cai trị ù lì, chậm chạp.

Phiêu viết :”Còn điều gì cần nói nữa ? Ðó là bộ máy của chúng ta còn cồng kềnh, chưa hoàn thiện, chưa mạnh...Dĩ nhiên, phải có thời gian thì bộ máy mới gọn, mới tinh được, nhưng, cái lớn hơn lại là ở chỗ này : đó là sự chưa thật trong sạch của bộ máy.”

Hay :”Thời gian qua, một bộ phận cán bộ trong bộ máy chúng ta bị suy thoái về phẩm chất đạo đức và lối sống. Ðiều này Ðảng đã nghiêm túc nhìn nhận và có biện pháp khắc phục. Chúng ta không chịu bó tay và đang tiếp tục làm mạnh mẽ hơn. Nhưng cũng phải thấy rằng, nó là một căn bệnh nguy hiểm ta phải chữa liên tục. Có lúc bệnh bớt đi nhưng rồi lại tái phát, có lúc phát mạnh, hoành hành nhân dân, hoàn hành đất nước, gây đau đớn cho Ðảng, cho mọi người. Nhưng đây là căn bệnh không dễ chữa, gần như đã trở thành căn bệnh mạn tính.”

Vậy sau hơn một năm “xây dựng, chỉnh đốn Ðảng” căn bệnh mạn tính này có triệu chứng gì “nhiễm thuốc” không ? Phiêu viết :” Có người bị bệnh, thấy bệnh, chịu uống thuốc thân thể khỏe mạnh lên . Nhưng cũng có người bị bệnh lại giấu bệnh, hoặc không muốn nhận mình có bệnh, nên không chịu uống thuốc. Số người biết bệnh nhưng giấu bệnh bây giờ không phải ít. Ở loại người này, cái sai cứ nối tiếp cái sai. Vì sợ mọi người biết mình có bệnh, nên kéo bè, kéo cánh để cùng giấu bệnh cho mình. Khi bị vạch trần họ chống trả nhiều khi rất quyết liệt và vô nhân đạo đối với chính người chữa bệnh cho mình.”

Theo Phiêu, muốn cho cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Ðảng thành công thì mỗi cán bộ phải “tự kiểm tra lại mình, vừa chống vừa xây, vừa xây vừa chống, mỗi người phải tự đề phòng, tự chống bệnh cho mình và cả tập thể xung quanh cùng tham gia chống và xây, giống như cả xã hội tham gia chống bệnh dịch.”

Phiêu nhấn mạnh :”Vừa tự chữa cho mình, vừa chữa cho người khác làm cho con “ma cá nhân” phải gục ngã.”

Nhưng gục ngã để làm gì thì Phiêu tiết lộ :”Hiện nay toàn Ðảng đang tích cực chuẩn bị cho đại hội các cấp và Ðại hội IX của Ðảng. Ðại hội IX sẽ quyết định nhiều vấn đề. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải kiên định con đường mà nhân dân và Ðảng ta đã lựa chọn. Ðó là con đường xã hội chủ nghĩa.”

Vấn đề đặt ra là nhân dân Việt Nam đã chọn “con đường xã hội chủ nghĩa” từ khi nào và bằng cách nào hay Ðảng CSVN đã nhét vào miệng họ mà không cần biết họ có muốn hay không ?

Sự đổ vỡ đang như bệnh dịch của guồng máy cai trị hiện nay ở Việt Nam do đâu mà có, nếu không phải từ “con đường xã hội chủ nghĩa” mà ra ? Và những người cầm quyền bây giờ có trách nhiệm gì không hay đó là sự sai lạc của tư tưởng ông Hồ mà đến bây giờ đảng CSVN vẫn chưa nhận ra ? -/-


Phạm Trần
(7-2000)

Aucun commentaire: