Hồ Chí Minh đưa chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam
Minh Võ - 2/2/2007
Cho tới nay, khi nhắc về chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam, hầu hết đều nghĩ ngay tới Hồ Chí Minh, nhưng Hồ Chí Minh là người đến sau so với rất nhiều người trong hàng ngũ tiên phong truyền bá tư tưởng Cộng Sản tại Việt Nam.
Trên thực tế, từ những năm đầu thập kỷ 1920, chủ nghĩa Cộng Sản đã vào Việt Nam gần như tự do qua sách báo bằng tiếng Pháp, tiếng Hoa giống như các triết thuyết hay học thuyết xã hội khác.
Truyền thống tự do tư tưởng Pháp đã góp phần tạo nên thực tế này, mặc dù chính quyền thực dân thuộc địa không tán thành. Qua nguồn sách báo, một số trí thức Việt Nam thông hiểu ngoại ngữ tiếp xúc với luồng tư tưởng mới này đã tỏ ra ngưỡng mộ tán thành tương tự nhiều nhà trí thức nổi tiếng đương thời trên thế giới.
Chủ nghĩa Cộng Sản xâm nhập lúc đó là chủ nghĩa Marx thuần túy nặng về tư tưởng triết học, cải cách xã hội qua sách báo tiếng Pháp hoặc qua những tác phẩm có tính nghiên cứu như Mã Khắc Tư chủ nghĩa, Liệt Ninh chủ nghĩa của các học giả Trung Hoa Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi ...
Xu hướng vận động chuyển hóa theo chủ nghĩa Cộng Sản lúc đó là xu hướng ôn hòa và hợp pháp của phong trào Đệ Nhị Quốc Tế. Vì vậy, những người tiên phong tán thành và truyền bá chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam tập trung nỗ lực vào các hình thức đấu tranh tư tưởng trong phạm vi văn hóa xã hội với các hoạt động như viết báo, diễn thuyết, hội thảo…
Những nhân vật đấu tranh nổi tiếng trong thời điểm này như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường ... đều tỏ ra tin tưởng ở hiệu năng xây dựng xã hội của chủ nghĩa Cộng Sản. Những nhân vật trên đã được phép xuất bản báo để công khai cổ võ cho nguyện vọng cải cách xã hội và truyền bá chủ nghĩa Cộng Sản qua sự hiện diện của các tờ La Cloche Fêlée, L’Annam từ 1923 và La Réssurection, Đuốc Vô Sản, La Lutte, Tranh Đấu ... từ 1928…
Nhưng kể từ 1926, tiếng vang lớn của Cách Mạng Vô Sản Nga và sự thắng thế của Đệ Tam Quốc Tế với chủ trương đấu tranh bằng bạo lực bắt đầu giới thiệu một bộ mặt khác hơn của chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam.
Lấy tuyên truyền làm võ khí chủ yếu nên Đệ Tam Quốc Tế không coi nhẹ các phương thức vận động đang được mọi người theo đuổi. Tuy nhiên, hướng nhắm của phương thức này không còn đơn thuần là thay đổi quan điểm chính trị của quần chúng mà trực tiếp vận động quần chúng bạo động chống chính quyền.
Do đó, hoạt động xuất bản sách báo, diễn thuyết, hội thảo … có đích nhắm rõ rệt hơn: vận động tổ chức các hội đoàn bí mật, lôi cuốn quần chúng tham gia đình công, bãi thị, mít tinh, biểu tình đồng thời thúc đẩy nổi dậy và tiến hành khủng bố khi gặp điều kiện thuận lợi.
Chủ nghĩa Cộng Sản không còn thuần túy là một học thuyết xã hội mà là một chủ thuyết đấu tranh. Vì đây là chủ nghĩa Cộng Sản được diễn giải theo quan điểm Đệ Tam Quốc Tế do Lênin thành lập và mang thêm màu sắc tư tưởng Lênin. Nói cách khác, chủ nghĩa Cộng Sản với tính cách chủ nghĩa Marx thuần túy du nhập Việt Nam trước đó đã được thay thế bằng chủ nghĩa Cộng Sản theo quan điểm Lênin với tên gọi chủ nghĩa Mác-Lê. Sự kiện này từng được Trần Văn Giàu nhấn mạnh trong tác phẩm Sự phát triển tư tưởng tại Việt Nam, qua lời phát biểu:“Tạ Thu Thâu chỉ là một phần tử Mác-xít, chứ không phải người Cộng Sản.”
Đệ Tam Quốc Tế được Lênin thành lập năm 1919 và một năm sau đó đã gây được ảnh hưởng tại Pháp với tác động đầu tiên là phân tán đảng Xã Hội Pháp thành hai phe. Cho tới thời điểm trên, đảng Xã Hội Pháp vẫn theo đường lối vận động cải cách xã hội của Đệ Nhị Quốc Tế và Hồ Chí Minh là một trong số 80 người Việt Nam gia nhập đảng này từ đầu năm 1919, sau hai năm định cư tại Pháp.
Trong đại hội thứ 18 của đảng Xã Hội Pháp vào tháng 12-1920 ở thành phố Tours, một số đảng viên tán thành quan điểm của Lênin phê phán Đệ Nhị Quốc Tế đi sai hướng chỉ đạo của Marx nên nêu vấn đề gia nhập Đệ Tam Quốc Tế.
Hồ Chí Minh lúc đó mang cái tên chung Nguyễn Ái Quốc có mặt tại đại hội này đã theo nhóm đảng viên Xã Hội ly khai, bỏ phiếu tán thành gia nhập Đệ Tam Quốc Tế.
Cuối năm 1921, nhóm đảng viên Xã Hội ly khai thành lập đảng Cộng Sản Pháp đặt mình trong phong trào Quốc Tế Cộng Sản dưới sự chỉ đạo của Đệ Tam Quốc Tế. Do sự việc này Hồ Chí Minh được kể là một trong số những đảng viên sáng lập đảng Cộng Sản Pháp.
Trên lý thuyết, chủ nghĩa Cộng Sản Mác-Lênin vẫn tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Cộng Sản của Marx là phát động đấu tranh giai cấp bằng cách mạng bạo lực để tiêu diệt giai cấp tư bản, tiến tới thiết lập chuyên chính vô sản trên toàn thế giới.
Sự khác biệt chỉ nằm trong phương pháp hành động. Theo Marx, điều kiện để phát động đấu tranh giai cấp chỉ có tại các quốc gia công nghiệp phát triển, vì công nghiệp là nguyên nhân chủ yếu hình thành giai cấp vô sản. Công nghiệp càng phát triển, giai cấp vô sản càng đông đảo sẽ tạo thành lực lượng đấu tranh hùng mạnh.
Lênin theo đuổi đấu tranh giai cấp nhưng chủ trương không dựa riêng vào giai cấp vô sản mà dựa vào mọi tầng lớp quần chúng để gây lực lượng. Theo Lênin, cách mạng vô sản chỉ thành công khi có sự hỗ trợ của các giai cấp khác tức là cần tạm thời thỏa hiệp với mọi giai cấp để tạo ra những lực lượng liên minh trong đấu tranh.
Điều kiện thứ nhất để lôi cuốn đối tượng chấp nhận liên minh là nắm vững nguyện vọng của đối tượng.
Điều kiện thứ hai quan trọng hơn là phải luôn giữ quyền chủ động trong liên minh để duy trì tính đấu tranh liên tục trường kỳ dẫn tới mục tiêu cuối cùng là thiết lập chuyên chính vô sản.
Điều kiện thứ hai tương đối đơn giản vì thu gọn trong phạm vi kỹ thuật tổ chức và điều hành. Điều kiện thứ nhất phải bám theo thực tế nên vô cùng phức tạp vì diễn biến tình hình tại mỗi địa phương, mỗi thời điểm luôn luôn khác biệt.
Lênin đã tìm thế liên minh với giới nông dân để giành quyền lực tại Nga, nhưng cho rằng muốn giành quyền lực trên toàn thế giới, bắt buộc phải liên minh với phong trào đấu tranh chống thực dân tại các quốc gia bị trị.
Vì thế, Lênin mới nêu quan điểm chiến lược là muốn đi tới Paris phải qua Bắc Kinh. Quan điểm chiến lược này khiến khẩu hiệu do Marx và Engels nêu trong tuyên ngôn Cộng Sản thay đổi từ “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại” biến thành “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại.”
Theo Stalin nhắc lại, Lênin đã nói đi nói lại nhiều lần rằng thắng lợi của cách mạng thế giới sẽ không thể có, nếu không có liên minh cách mạng giữa vô sản của các nước tiên tiến với các dân tộc bị áp bức của các thuộc địa bị nô dịch. Cho nên, cùng với khẩu hiệu nêu trên, Lênin còn đưa ra bản luận cương về chủ nghĩa dân tộc và các vấn đề thuộc địa tương tự một hình thức tuyên ngôn về hành động của Đệ Tam Quốc Tế. Đây là những thứ đã thực sự lôi cuốn Hồ Chí Minh lúc đó và là bước mở đầu cho sự xâm nhập Việt Nam của chủ nghĩa Mác – Lê.
Cho tới lúc đó, Hồ Chí Minh cũng như hầu hết người Việt Nam lưu vong vì mọi lý do đều không thể quên cảnh ngộ bị trị của dân tộc. Nhưng cũng như hầu hết những người Việt Nam đang sống lưu vong trên đất Pháp, Hồ Chí Minh chỉ là một phần tử xoay quanh Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường là hai nhân vật sáng lập và lãnh đạo Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước từ 1914 tại Pháp.
Khi nói về thời kỳ này của Hồ Chí Minh, Lacouture viết Hồ Chí Minh tập họp xung quanh mình những nhân vật nổi tiếng như Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh… Lacouture cố diễn tả Hồ Chí Minh như một nhân vật đấu tranh vượt trội so với mọi người nhưng dụng ý trên không gạt nổi người đọc, khi chính Lacouture đã ghi nhận Nguyễn Ái Quốc chỉ là một bút hiệu của Phan Chu Trinh và bản thỉnh nguyện thư 8 điểm ký tên Nguyễn Ái Quốc đệ trình tại Hội Nghị Hòa Bình Versailles ngày 18-6-1919 là do Phan Chu Trinh hướng dẫn và Phan Văn Trường soạn với sự góp phần của Hồ Chí Minh.
Lúc đó, Hồ Chí Minh với cái tên thực Nguyễn Tất Thành hoàn toàn là một kẻ vô danh giữa đám đông gần 90 ngàn người Việt Nam lưu vong tại Pháp. Rời Việt Nam năm 1911, Nguyễn Tất Thành đã có 8 năm sống tại hải ngoại nhưng qua gần hết 6 năm lênh đênh theo những con tàu buôn với nhiều loại công việc mưu sinh.
Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành mới thực sự sống tại Pháp bằng nghề thợ ảnh và không hề tương quan với một phong trào chính trị nào. Cho nên, muốn dùng từ tập họp xung quanh như Lacouture và dùng chính xác thì chỉ có thể nói Nguyễn Tất Thành là một trong số những người Việt Nam lưu vong thường tập họp xung quanh Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường.
So với những người khác, Nguyễn Tất Thành có hai lợi điểm là nghèo túng và tuổi trẻ đơn độc khiến Phan Văn Trường đã nẩy ý giúp đỡ cho về sống chung tại nhà và sau đó tham gia một số hoạt động của Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước. Đây là nguyên nhân khiến Nguyễn Tất Thành có tên Nguyễn Ái Quốc vốn là một bút hiệu của Phan Chu Trinh rồi trở thành tên chung cho nhóm người đấu tranh do hai nhân vật Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường chỉ đạo trực tiếp.
Có thể hình dung chàng trai Nguyễn Tất Thành được luật sư Phan Văn Trường giao cho đem những bài do Phan Chu Trinh hoặc Phan Văn Trường viết với bút hiệu Nguyễn Ái Quốc tới các tòa báo hoặc các nhóm người nào đó đồng thời dưới sự hướng dẫn của hai nhân vật này, chàng trai cũng bắt đầu viết một vài bài và được đồng ý cho ký tên Nguyễn Ái Quốc hoặc Nguyễn Le Patriote. Vì thế, khi gia nhập đảng Xã Hội Pháp vào đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành đã ghi tên là Nguyễn Ái Quốc. Bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc mà Cộng Sản Việt Nam coi như tài liệu lịch sử gây chấn động trong đời tranh đấu sôi nổi của Hồ Chí Minh là bản thỉnh nguyện thư 8 điểm bằng 3 ngôn ngữ Việt – Pháp – Hán gửi Hội Nghị Hòa Bình Versailles đã được Lacouture ghi là soạn chung với Phan văn Trường. Nguyên văn phần chính trong bản thỉnh nguyện thư 8 điểm bằng Việt ngữ mang tựa đề Việt Nam yêu cầu ca như sau:
………………………………..
Việt Nam xưa cũng oai thiêng
Mà nay đứng dưới thuộc quyền Lang Sa
Lòng thành tỏ nỗi xót xa
Dám xin đại quốc soi qua chút nào:
Một xin tha kẻ đồng bào
Vì chung chính trị mắc vào tù giam.
Hai xin pháp luật sửa sang
Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng
Những tòa đặc biệt bất công
Dám xin bỏ dứt rộng dung dân lành.
Ba xin rộng phép học hành
Mở mang kỹ nghệ, tập tành công thương.
Bốn xin được phép hội hàng,
Năm xin nghĩ ngợi, nói bàn tự do,
Sáu xin được phép lịch du
Bốn phương mặc sức, năm châu mặc tình.
Bảy xin hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền.
Tám xin được cử nghị viên
Qua Tây thay mặt gửi quyền thế dân.
Tám điều cạn tỏ xa gần,
Chứng nhờ Vạn Quốc công dân xét tình,
Riêng nhờ dân Pháp công bình,
Đem lòng đoái lại của mình trong tay.
Pháp dân nức tiếng xưa nay,
Đồng bào, bác ái sánh tầy không ai!
Nỡ nào ngoảnh mặt ngơ tai,
Để cho mấy ức triệu người bỏ cơ.
Dân Nam một dạ ước mơ,
Lâu nay tiếng núp bóng cờ tự do.
Rộng xin dân Pháp xét cho,
Trong phò tiếng nước, sau phò lẽ công. (1)
……………………………………………
Thời điểm này, Nguyễn Tất Thành đã gia nhập đảng Xã Hội Pháp nhưng phương thức hành động và quan điểm đấu tranh phản ảnh qua tài liệu trên cho thấy chưa vượt khỏi chiếc bóng của Phan Chu Trinh và ý chí đấu tranh chưa vượt khỏi mức độ thông thường của bất kỳ người Việt Nam lưu vong nào lúc đó. Nhìn chung, chàng trai Nguyễn Tất Thành ở tuổi 28 hoặc 29 do gần gũi với những nhân vật đấu tranh yêu nước như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường nên không thể không ưu tư về cuộc sống nô lệ của đồng bào và chia xẻ nguyện vọng giành độc lập với mọi người bằng hành động tham gia đảng Xã Hội Pháp là một tổ chức chính trị thường phản đối các chính sách thực dân đối với các quốc gia thuộc địa.
Trong tình cảnh đó, sự thắng lợi của cách mạng vô sản Nga và lời kêu gọi của Lênin đề cao cuộc liên minh giữa giai cấp vô sản với dân chúng các quốc gia bị trị trên toàn thế giới thành một lực lượng đấu tranh xô đổ ách thực dân thống trị đã có hấp lực đặc biệt như chính Hồ Chí Minh từng diễn tả.
Hồ Chí Minh đã hoan hỉ tiếp nhận cương lĩnh này như kẻ sắp chết đuối vớ được chiếc phao đến nỗi đang ngồi một mình trong phòng riêng cũng hô lớn lên một cách vui mừng – như chính ông đã ghi lại. Khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại” trở thành ánh sáng mới mở ra một hướng đường cho nỗ lực đấu tranh giải phóng dân tộc trước mắt Hồ Chí Minh.
Vấn đề giải phóng dân tộc luôn là mối quan tâm của mọi người Việt lưu vong tại Pháp lúc đó và là mối quan tâm hết sức lớn với những người đấu tranh như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường…
Chàng trai Nguyễn Tất Thành sống gần gũi và còn có dịp chia xẻ công việc với hai nhân vật này nên chắc chắn phải nghĩ đến giải phóng dân tộc.
Cho nên, có thể cho rằng Nguyễn Tất Thành đã thành thực khi trả lời câu hỏi của nữ đồng chí Rose về lý do tán thành gia nhập Đệ Tam Quốc Tế: “…Tôi không hiểu thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản…Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Đệ Tam Quốc Tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng dân tộc”
Trong Danh Nhân Hồ Chí Minh, Trần Đình Huỳnh đã ghi lại sự kiện này như sau: “Đây có thể coi là cái mốc quan trọng đầu tiên phản ảnh sự chuyển biến cả trong tư tưởng lẫn hành động của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội khoa học… Sau đó Người đã viết thư bằng tiếng Pháp gửi Quốc Tế Cộng Sản cho biết Luận Cương này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan của Người và giúp Người dứt khoát đi theo Quốc Tế III.” (2)
Một số tác giả như Bernard Fall, Halberstam đều ghi nhận bước ngoặt quan trọng nhất trong đời Hồ Chí Minh đã mở ra từ bản luận cương của Lênin.
Trên thực tế, bản luận cương không chỉ chuyển biến tinh thần quốc gia sang tinh thần quốc tế hình thành thế giới quan chính trị mới của Hồ Chí Minh mà đã đưa lại cho Hồ Chí Minh cơ hội hóa thân từ một chàng trai vô danh thành một nhân vật đấu tranh có tầm vóc.
Từ 1917 tới 1920, Hồ Chí Minh mới mon men bước vào đấu tranh với tư cách một phần tử nhỏ nhoi tham gia vài sự việc bình thường trong Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước của các lãnh tụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường.
Năm 1921, Hồ Chí Minh trở thành đảng viên Cộng Sản Pháp và không lâu sau trở thành một nhân tố được lưu ý. Lý do quan trọng nhất của chuyển biến này chỉ đơn giản là Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ một quốc gia nông nghiệp đang sống dưới ách thực dân ở phương Đông.
Quan điểm chiến lược Lênin đặt nặng vai trò nông dân và vai trò các dân tộc bị trị Á Châu nên Hồ Chí Minh lập tức lọt tầm mắt xanh của các lãnh tụ Đệ Tam Quốc Tế. Năm 1923, Hồ Chí Minh trở thành một trong 52 ủy viên của Hội Đồng Quốc Tế Nông Dân, được bầu vào ban lãnh đạo gồm 11 ủy viên, được chọn vào trường Đại Học Cộng Sản Mạc Tư Khoa dành cho giới lao động phương Đông và ngày 14-4-1924 chính thức nhận quyết định bổ nhiệm làm cán bộ của Bộ Phương Đông, Đệ Tam Quốc Tế. (3)
Ngày 25-9-1924, Đệ Tam Quốc Tế cử Hồ Chí Minh đi công tác tại Quảng Châu, Trung Quốc với tư cách phụ tá cho Borodin. Theo Hồng Hà qua tác phẩm Bác Hồ trên đất nước Lê Nin, trang 135, thì “quyết định của Ban Chấp Hành Quốc Tế Cộng Sản ngày 25-9-1924 trao tay cho anh Nguyễn Ái Quốc ghi rất vắn tắt: “Đồng Chí Nguyễn Ái Quốc cần đi Quảng Châu. Chi phí do ban Phương Đông chịu.”
Sách của Hồng Hà xuất bản năm 1980. 21 năm sau Trần Đình Huỳnh, trong cuốn Danh Nhân Hồ Chí Minh ghi thêm về nhiệm vụ mà Hồ Chí Minh được giao phó gồm:
– Thiết lập quan hệ giữa các quốc gia tại Đông Dương và Quốc Tế Cộng Sản.
– Thông báo cho Quốc Tế Cộng Sản về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của các thuộc địa này.
– Bắt liên lạc với các tổ chức chính trị ở các xứ đó.
– Cố gắng tổ chức một cơ sở thông tin và tuyên truyền. (4)
Có lẽ sẽ còn nhiều chi tiết khác về nhiệm vụ của Hồ Chí Minh lúc ấy được bổ túc thêm. Nhưng có một điều chắc chắn là những nhiệm vụ thực sự quan trọng và các chi tiết về việc thi hành thường được trao qua khẩu lệnh – như Sophie Quinn-Judge đã ghi trong tác phẩm Ho Chi Minh, the missing years và như chính Hồng Hà đã viết: Nhiệm vụ đích thực của anh Nguyễn chỉ có vợ chồng đồng chí Borodin biết.
Thực ra, nhiệm vụ của Hồ Chí Minh lúc ấy không chỉ giới hạn ở Đông Dương mà là toàn vùng Đông Nam Á. Hồ Chí Minh nhận chỉ thị, báo cáo công tác và nhận ngân sách điều hành từ ban Phương Đông có trụ sở tại Thượng Hải, do Hilaire Noulens, bí danh của Jakov Rudnik điều khiển. Chính Hồ Chí Minh trong một cuộc gặp gỡ Manuilski, trước khi khởi hành đi Quảng Châu cũng đã xác nhận: “... Ngoài ra tôi còn chịu trách nhiệm trước Quốc Tế Nông Dân, và tham gia chỉ đạo phong trào nông dân Á Châu.” Ngay lúc đó Manuilski đã nói rõ: “Quốc Tế Cộng Sản cử đồng chí làm ủy viên ban Phương Đông phụ trách cục Phương Nam, chỉ đạo phong trào cách mạng các nước Đông Nam Á Châu.” (5 )
Sophie Quinn-Judge, qua cuốn Ho Chi Minh, the missing years, dựa theo các tài liệu mới được giải mật tại Văn Khố Liên Bang Nga cho biết: “Tháng 8-1925, Quốc Tế Đông Phương đã gửi cho Hồ 5000 rúp (trị giá 2,500 MK vào lúc ấy) qua trương mục của Borodin trong ngân hàng Viễn Đông...” để thi hành 4 việc, trong đó có “(điều 4) cung cấp đều hòa cho Mạc Tư Khoa những tin tức và tài liệu về phong trào nông dân ở Trung Quốc.” (6) Nhiệm vụ của Hồ Chí Minh không hạn chế ở địa bàn Đông Dương mà còn mở rộng hơn theo diễn tả của Hồng Hà (7): “Ban Đông Phương Quốc Tế Cộng Sản giới thiệu anh với Trung Ương Quốc Dân Đảng Trung Quốc để làm việc ở đấy.... Anh Nguyễn sẽ ở đó với tư cách cá nhân, chứ không phải với tư cách là cán bộ của Quốc Tế Cộng Sản.”
Lúc ấy đang có sự liên minh giữa Liên Xô – Trung Hoa Dân Quốc theo sách lược “mặt trận thống nhất” của Lênin, nhưng Quốc Tế Cộng Sản không giới thiệu Hồ Chí Minh với tư cách cán bộ Cộng Sản hầu giấu kín âm mưu thao túng lũng đoạn để dễ hoạt động trong hàng ngũ người Quốc gia Trung Hoa cũng như Việt Nam. Chính vì thế, ngoài việc bí mật liên hệ với các tổ chức Quốc Tế Cộng Sản và đảng Cộng Sản Trung Hoa, Hồ Chí Minh còn được bà Tống Khánh Linh là phu nhân lãnh tụ Tôn Dật Tiên bao bọc, giúp đỡ và công việc lập những hạt nhân cho đảng cộng sản Việt Nam sau này đã tiến hành dễ dàng.
So với mấy năm trước, khi đặt chân tới Quảng Châu ngày 11-11-1924, Hồ Chí Minh đã trở thành một người hoàn toàn khác từ suy nghĩ đến khả năng và tư thế cá nhân.
Cho đến khi đã trở thành đảng viên Xã Hội Pháp, Hồ Chí Minh vẫn chỉ là một trong số nhiều chiếc bóng mờ giữa những người Việt Nam lưu vong tại Pháp. Nhà ở không có phải dựa vào luật sư Phan Văn Trường để được dành cho một căn phòng trong ngôi biệt thự số 6 đường Gobelins. Nghề nghiệp không có nên được Phan Chu Trinh cho giúp việc trong tiệm ảnh của mình để học nghề thợ ảnh. Khó khăn hơn nữa là trình độ hiểu biết Pháp ngữ. Trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Hồ Chí Minh dưới bút hiệu Trần Dân Tiên đã ghi về mình trong thời điểm đó như sau: “Ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là Công hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng… Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết…Ông Trường viết giỏi, nhưng không muốn ký tên. Mà chính ông Nguyễn phải ký tên những bài báo.” (8) Đó là những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc (đúng ra là Nguyễn Le Patriote) viết cho tờ Le Peuple của đảng Xã Hội Pháp và là những hoạt động đấu tranh tích cực nhất mà Hồ Chí Minh tham dự cho tới năm 1921.
Nói một cách khác, tới giữa năm 1921, Hồ Chí Minh chỉ là người được Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường tin cậy giao cho vai trò giao dịch, được phép mang cái tên Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng Xã Hội Pháp để phát biểu quan điểm của người Việt Nam tại Pháp.
Tình trạng trên thay đổi vào tháng 7-1921 tức 7 tháng sau khi Hồ Chí Minh biểu quyết gia nhập Đệ Tam Quốc Tế. Suốt thời gian này, tại ngôi nhà số 6 Gobelins thường có tranh luận lớn tiếng giữa Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường với Hồ Chí Minh và ngày 14-7-1921, Hồ Chí Minh rời khỏi ngôi nhà.
Không ai biết nội dung những cuộc tranh luận nhưng có thể hiểu Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường không tán thành việc gia nhập Đệ Tam Quốc Tế. (9)
Hồ Chí Minh bỏ ngôi nhà số 6 đường Gobelins nhưng giữ tên Nguyễn Ái Quốc vốn là cái tên chung của một số người trong ngôi nhà đó từ trước khi Hồ Chí Minh tới. Tuy nhiên, cái tên này cũng như tâm tư của những con người đấu tranh trong ngôi nhà số 6 đường Gobelins không còn gắn bó với tư tưởng và tâm tư của Hồ Chí Minh nữa.
Kể từ tháng 7-1921, Hồ Chí Minh hoàn toàn gắn kết với chủ nghĩa Cộng Sản. Ngày 29-12-1921, tại đại hội kỳ 1 của Đảng Cộng Sản Pháp, Hồ Chí Minh đã phát biểu: “…Tôi vui sướng biết chừng nào khi được dự đại hội đầu tiên của những người Cộng Sản. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chủ nghĩa xã hội Pháp, một đồng chí người bản xứ thực sự tham gia vào công việc của Đại Hội. Tôi cũng phải nói đó là dấu hiệu tốt, bởi vì điều đó xác nhận rằng chỉ có trong chủ nghĩa Cộng Sản, người ta mới thấy tình hữu ái thực sự và quyền bình đẳng, và cũng chỉ có nó, chúng ta mới có thể thực hiện sự hòa hợp và hạnh phúc ở chính quốc và ở các thuộc địa.” (10)
Do đó, Hồ Chí Minh tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền phát triển đảng Cộng Sản Pháp và đầu năm 1923 đã ghi lại trong tờ truyền đơn cổ động cho báo Le Paria những dòng sau: “Chỉ có chủ nghĩa Cộng Sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc nguồn gốc, sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dày ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau. Tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới. Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!” (11)
Không còn gì để ngờ vực về quan điểm chính trị mới của Hồ Chí Minh trong đó nguyện vọng độc lập dân tộc đã được thay thế bằng nguyện vọng chung sống hạnh phúc hòa bình trong nền cộng hòa thế giới của những người lao động chấp nhận đứng dưới lá cờ đỏ Cộng Sản.
Cho nên, trong bản báo cáo đầu tiên của Hồ Chí Minh ghi ngày 18-12-1924, sau một tháng có mặt tại Quảng Châu, đã có dòng cuối cùng nhấn mạnh: “Trong lúc này, tôi là một người Trung Quốc chứ không phải là một người Việt Nam và tên tôi là Lý Thụy chứ không phải là Nguyễn Ái Quốc.” (12)
Với tên Lý Thụy, Hồ Chí Minh đặt hạt nhân cho đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong 4 công tác được giao phó, hai công tác cụ thể thuộc về vận động phát triển tổ chức là bắt liên lạc với các đoàn thể chính trị địa phương và tạo dựng một cơ sở thông tin, tuyên truyền. Hơn hai tuần lễ trước khi viết bản báo cáo, qua hướng dẫn và sắp đặt của phái bộ Borodin, Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào việc thực hiện hai công tác trên bằng cách tìm tới nhà Nguyễn Công Viễn làm quen với một nhóm thanh niên trong tổ chức Tâm Tâm Xã của Phan Bội Châu. Cuộc gặp gỡ đầu tiên diễn ra vào một buổi tối đầu tháng 12-1924. Hồ Chí Minh tự xưng là Vương Sơn Nhị phóng viên của tờ Quảng Châu báo tới để tỏ lòng ngưỡng mộ những người cùng chí hướng với liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Trong câu chuyện, Hồ Chí Minh vẫn giữ tên Vương Sơn Nhị nhưng cho hai người bạn của Nguyễn Công Viễn cùng có mặt lúc đó là Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu biết mình là người Nghệ An, đồng hương với họ.
Những cuộc tiếp xúc ngày càng nhiều và càng ngày nhóm thanh niên Lê Hồng Sơn càng bị cuốn hút vào nội dung các vấn đề do ông Vương đặt ra. Chủ nghĩa cộng sản, cách mạng vô sản, tổ chức Đảng, quần chúng công nông vv… bắt đầu được các anh quan tâm tìm hiểu. Ông Vương chỉ cho các anh những sách báo cần đọc, giảng giải cho các anh rõ thêm những điều sách báo nói đến. Cứ như vậy, dần từng bước, với lòng khát khao hiểu biết cái mới, được sự dìu dắt của ông Vương, nhóm thanh niên Lê Hồng Sơn đã tìm được đường sáng. Nỗi băn khoăn của các anh về con đường và cách thức cứu nước đã được giải đáp. Đó là con đường cách mạng vô sản. Trước mắt, các anh cùng ông Vương lựa người tâm đắc, chỉ ra đường đi nước bước cho anh em để cùng chung sức lập ra tổ chức (13)
Kết quả, vừa đúng 2 tháng sau, ngày 19-2-1925, Hồ Chí Minh đã gửi báo cáo về Mạc Tư Khoa, báo tin vui cho Chủ Tịch Đoàn Đệ Tam Quốc Tế: “Chúng tôi đã lập được một nhóm bí mật gồm 9 hội viên. Trong đó, 2 người đã được phái về nước. Trong số hội viên đó, 5 người đã là đảng viên dự bị của Đảng Cộng Sản. Chúng tôi còn có 2 đoàn viên dự bị Đoàn thanh niên cộng sản Lênin.” (14)
Nhóm bí mật 9 hội viên này gồm Hồ Chí Minh và 8 người thuộc Tâm Tâm Xã là Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ tức Nguyễn Công Viễn, Vương Thúc Oánh, Lưu Quốc Long và Trương Vân Lĩnh.
Vương Thúc Oánh, Lưu Quốc Long, Trương Vân Lĩnh là những thanh niên hoạt động tại Thái Lan được Hồ Tùng Mậu tới thuyết phục chuyển về Quảng Châu. Nhóm này được gọi là “Cộng Sản Đoàn” và trở thành hạt nhân để tới tháng 6-1925 biến tổ chức Tâm Tâm Xã thành Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội với một tổng bộ lãnh đạo do Hồ Chí Minh cầm đầu. Việc làm đầu tiên của tổ chức này là xuất bản tuần báo Thanh Niên, số ra mắt đề ngày 21-6-1925 tức trong thời gian xẩy ra biến cố Phan Bội Châu bị mật thám Pháp bắt tại Thượng Hải.
Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng Chí Hội xác định mục đích là “hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mệnh dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành lại độc lập cho xứ sở) rồi sau làm cách mệnh thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản)”. Bản điều lệ của Hội nêu chương trình hoạt động là “thành lập chính phủ nhân dân, áp dụng nguyên tắc tân kinh tế chính sách, đoàn kết với giai cấp vô sản các nước, thành lập xã hội Cộng Sản”. ( 15)
Bên cạnh hình Tôn Dật Tiên, Phạm Hồng Thái lúc này xuất hiện thêm hình Karl Marx và Lênin tại trụ sở Hội. Một lớp huấn luyện chính trị đặc biệt được tổ chức thường trực để đào tạo cán bộ và mọi học viên đều thuộc lòng bản Quốc Tế Ca được Hồ Chí Minh dịch ra tiếng Việt theo thể thơ lục bát như sau:
Hỡi ai nô lệ trên đời
Hỡi ai cực khổ đồng thời đứng lên
Bất bình này, chịu sao yên
Phá cho tan nát một phen cho rồi
Bao nhiêu áp bức trên đời
Sạch sành sanh phá cho rồi mới tha
Cuộc đời nay đã đổi ra
Ta xưa con ở, nay là chủ ông
Trận này là trận cuối cùng
Ầm ầm Đoàn lực, đùng đùng Đảng cơ
Lanh-te-rô-na-xi-on-na-lơ
Ấy là nhân đạo, ấy là tự do. (16)
Đồng thời với việc củng cố tăng cường cơ sở tại Quảng Châu, Hội bắt đầu cử người về nước và đi Thái Lan tuyên truyền thu hút thanh niên qua tham gia các lớp huấn luyện chính trị để trở về hoạt động quảng bá tư tưởng Cộng Sản. Trong năm 1926, Lê Duy Điếm được cử về Nghệ An đã thu phục được nhóm Phục Việt của Trần Phú, Tôn Quang Phiệt đồng ý gia nhập Hội và cử người đi Quảng Châu dự các lớp huấn luyện.
Kết quả tương tự cũng gặt hái được với Lê Hữu Lập được cử về vận động các nhóm học sinh trung học tại Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, và với Hồ Tùng Mậu được cử đi vận động Việt kiều tại Đông Bắc Thái Lan …
Con đường xâm nhập Việt Nam của chủ nghĩa Cộng Sản kể từ sau 1926 không còn qua sách báo từ Pháp mà trực tiếp với những cán bộ tuyên truyền từ Quảng Châu, Thái Lan.
Chủ nghĩa Cộng Sản được truyền bá lúc này là chủ nghĩa Mác-Lênin tức chủ nghĩa Cộng Sản cộng với phương thức đấu tranh Lênin vì điều lệ Đệ Tam Quốc Tế đã qui định chỉ được coi là người Cộng Sản khi vừa tin theo Marx vừa tán thành đường lối Lênin.
Trên căn bản này, từ năm 1926, Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài báo xỉ vả nhóm Đệ Nhị Quốc Tế là tổ chức tiểu tư sản gồm những tên xã hội chủ nghĩa gian xảo, làm lợi khí cho bọn bóc lột và lừa đảo và từ sau 1930 đã không ngừng kết án nhóm Đệ Tứ Quốc Tế là bọn chó săn, tay sai Phát Xít cần phải tiêu diệt.
Quan điểm bạn và thù với chính những người cùng chung tư tưởng Cộng Sản đã được xác định như thế nên không thể có sự dễ dàng chấp nhận những người theo đuổi tư tưởng quốc gia dân tộc.
Tuy nhiên, trọng tâm quan điểm chiến lược Lênin là hiệu quả của sự liên minh với các thành phần tùy theo giai đoạn nên mọi hoạt động tuyên truyền đều khoác những chiêu bài thích nghi với thực tế của từng thời điểm, từng địa phương và việc xâm nhập các đoàn thể khác để chi phối lũng đoạn là việc cần thiết. Xâm nhập là cơ hội bớt thù thêm bạn, vì có thể đạt điều kiện biến các đoàn thể đó thành tổ chức của chính mình.
Hồ Chí Minh đã hoàn tất việc này khi xâm nhập nhóm Tâm Tâm Xã vốn là một tổ chức do những người theo Phan Bội Châu thành lập năm 1923 với mục tiêu giải phóng đất nước.
Hồ Chí Minh khởi sự làm quen với nhóm Tâm Tâm Xã vào tháng 12-1924, tới tháng 6-1925 đã lôi cuốn những thành viên chủ chốt đồng ý biến nhóm thành Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội đặt dưới sự điều động của Hồ Chí Minh.
Tuy nắm tổ chức này trong tay, Hồ Chí Minh chỉ cho bày thêm tại trụ sở Hội 2 tấm hình Marx, Lênin bên cạnh hình Tôn Trung Sơn, Phạm Hồng Thái là những biểu tượng đấu tranh của Tâm Tâm Xã và vẫn luôn cổ võ lòng yêu nước. Vì luận cương chính trị Lênin đã phân tích rõ nguyện vọng tha thiết nhất của quần chúng tại các thuộc địa chỉ là lật đổ ách thực dân, giành lại độc lập nên phải đặt chủ nghĩa dân tộc trong khuôn khổ đấu tranh giai cấp như một võ khí vận động quần chúng tham gia cách mạng vô sản toàn thế giới. Tất nhiên, khi thành công trong việc giành quyền chính để tiến tới thiết lập chế độ vô sản thì chủ nghĩa dân tộc sẽ không còn lý do tồn tại, nhưng đây là điều không thể công khai tuyên bố và cũng không cần thiết công bố khi chưa giành được quyền chính.
Chính vì thế, trong lúc hết lời công kích các nhóm Đệ Nhị, Đệ Tứ Quốc Tế, Hồ Chí Minh đã không ngừng đề cao lòng yêu nước và tinh thần cách mạng dân tộc.
Động cơ của nỗ lực này không khởi từ sự theo đuổi nguyện vọng yêu nước của dân tộc mà khởi từ yêu cầu phát triển ảnh hưởng Đệ Tam Quốc Tế để tiến tới tranh thủ mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt chế độ Tư Bản giành quyền chuyên chính trên toàn thế giới cho giai cấp Vô Sản đại diện bởi tổ chức Đệ Tam Quốc Tế, cụ thể là chính quyền Liên Xô.
Nói một cách khác, chủ nghĩa Cộng Sản Mác-Lênin từ sau 1925 đã xâm nhập Việt Nam qua trung gian của nhiều phong trào tổ chức đấu tranh yêu nước và đây là một trong những lý do khiến không ít người nghiên cứu về vấn đề Việt Nam đã đồng hóa Cộng Sản Việt Nam với các lực lượng đấu tranh yêu nước.
Cái hạt nhân đỏ mà Hồ Chí Minh gieo vào Đông Dương là Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội từ 1926 đến 1929 đã nẩy mầm bén rễ thành nhiều tổ chức như các Hội Việt Kiều Thân Ái tại một số địa phương Thái Lan, Tân Việt Cách Mạng Đảng tại Huế, Đông Dương Cộng Sản Đảng tại Hà Nội rồi An Nam Cộng Sản Đảng, Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn tại mấy tỉnh miền Bắc Trung Phần… tạo thành một tình trạng theo Đặng Hòa là rất khẩn trương. Đặng Hòa đã diễn tả: “Năm 1929 quá trình hình thành các nhóm cộng sản đang diễn ra rất khẩn trương. Mấy năm qua, hoạt động của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội đã phổ biến ngày càng rộng những tư tưởng của chủ nghĩa Mác–Lênin trong quần chúng yêu nước, phong trào công nhân phát triển mạnh, ý thức giác ngộ chính trị của công nhân ngày càng cao. Những nhóm cộng sản bí mật đã xuất hiện ở cả Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Mỗi nhóm đều có ý muốn tổ chức của mình là Đảng Cộng Sản duy nhất ở trong nước. Quan hệ giữa các nhóm với nhau không bình thường.” ( 17)
Lúc này Hồ Chí Minh đang có mặt tại Thái Lan sau khi theo phái bộ Borodin rời Trung Quốc năm 1927 trở về Nga qua công tác tại Pháp – Đức.
Tháng 7-1928, Hồ Chí Minh tới Thái Lan và tháng 12-1929 được lệnh của Đệ Tam Quốc Tế xuống tàu trở lại Trung Quốc lo hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Việt Nam.
Ngày 3-2-1930, tại Hong Kong, các đại diện Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng đồng ý hợp nhất thành Đảng Cộng Sản Việt Nam trước sự chứng kiến của Hồ Chí Minh với tư cách đại diện Đệ Tam Quốc Tế.
Kể từ đây, tại Việt Nam bắt đầu hiện diện một tổ chức Cộng Sản thực sự nắm quyền chỉ đạo hoạt động của mọi nhóm cộng sản địa phương. Tổ chức mang tên Đảng Cộng Sản Việt Nam vào lúc thành lập tới tháng 10-1930 đổi tên thành Đảng Cộng Sản Đông Dương theo chỉ thị của Đệ Tam Quốc Tế và được nhìn nhận là một chi bộ độc lập của Đệ Tam Quốc Tế theo nghị quyết ghi ngày 11-4-1931 nguyên văn như sau: “Đảng Cộng Sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng Sản Pháp, từ nay được công nhận là một chi bộ độc lập thuộc Quốc Tế Cộng Sản.”
Nghị quyết này đặt Cộng Sản Việt Nam vào vị thế cao hơn trong hệ thống Quốc Tế Cộng Sản đồng thời cũng là vị thế bị chi phối trực tiếp chặt chẽ hơn bởi Đệ Tam Quốc Tế.
Trong tình thế mới mẻ này, những hoạt động phản đối như mít tinh, bãi công lẻ tẻ tại vài nơi trong nước vào thời điểm 1928-1929 đã được nhìn lại để biến thành phong trào quy mô hơn là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh thúc đẩy một loạt các cuộc nổi dậy tại nhiều xã ở Nghệ An trong tháng 9-1930, tại Phổ Đức, Quảng Ngãi và Tiền Hải, Thái Bình tháng 10-1930 …
Trong hồi ký Một Cơn Gió Bụi, Trần Trọng Kim đã ghi lại tổng quát về 20 năm chủ nghĩa Cộng Sản xâm nhập Việt Nam, từ 1925 tới 1945, như sau: “Nguyên từ khoảng 1925-1926 trở đi, ở Việt Nam đã có người nói đến chủ nghĩa cộng sản. Lúc ấy có một thiếu niên tên Nguyễn Tất Thành, sinh năm 1894, con nhà thi lễ, quê làng Kim Liên huyện Nam Đàn thuộc tỉnh Nghệ An. Trước học trường trung học ở Huế rồi bỏ sang Pháp theo Xã Hội Đảng, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Sau lại sang Nga vào đảng Cộng Sản, đến khoảng 1929-1930 ông trở về gây phong trào cộng sản cách mệnh ở vùng Nghệ Tĩnh. Lúc ấy chính phủ bảo hộ Pháp dùng võ lực đàn áp một cách tàn nhẫn. Việc ấy thất bại, đảng cộng sản tuy phải im hơi lặng tiếng, nhưng vẫn ngấm ngầm tuyên truyền trong đám dân gian và thợ thuyền, theo đúng phương pháp đã định ở Mạc Tư Khoa bên Nga …
Bọn ông Hồ Chí Minh… lợi dụng danh hiệu Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội để che đậy công việc làm…Trong khi ông Hồ Chí Minh ở bên Tàu để chờ đợi thời cơ, ở trong nước đâu đâu cũng có cán bộ, ngấm ngầm hành động và tuyên truyền rất khôn khéo. Họ lợi dụng lòng ái quốc của dân chúng mà tuyên truyền Việt Minh không phải là đảng cộng sản, chỉ là một mặt trận gồm tất cả các đảng phái lấy lại độc lập cho nước nhà, vậy nên từ bắc chí nam đâu cũng có người theo.
Cách hành động của họ thì bất cứ công sở hay tư sở, hễ đâu có một tổ chức làm việc là có người của họ chen lấn vào, hoặc để tuyên truyền, hoặc để hoạt động theo chủ nghĩa họ. Đảng viên cộng sản lại biết giữ kỷ luật rất nghiêm và rất chịu khó làm việc. Xem như Hội Truyền Bá Quốc Ngữ khi mới thành lập ở Hà Nội là có ngay những người cộng sản vào hội rồi, và những người nhận việc đi dạy học rất chăm, không quản công lao gì cả. Một tổ chức có kỷ luật và chịu khó làm việc như thế, làm gì mà không mạnh.
Sự tổ chức của đảng cộng sản đã mạnh và nhất là từ khi quân Nhật Bản vào đóng ở Đông Dương, rồi xem hình như người Pháp lại ngấm ngầm dung túng họ, có ý để họ quấy nhiễu quân Nhật may ra có xảy biến đổi gì chăng. Cho nên người ta thấy lúc ấy chính phủ bảo hộ vẫn bắt bớ những người làm thuyền thợ theo cộng sản, song người cộng sản nào có chút thế lực thì bắt rồi lại thả ra, hoặc dùng để làm việc với mình…
Trong khi ấy ông Hồ Chí Minh ở bên Tàu vẫn cộng tác với Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, không có tranh dành địa vị như những người khác, cứ làm việc của một đảng viên có kỷ luật. Cái khôn khéo của ông lúc ấy không để lộ cho ai biết ông là lãnh tụ đảng cộng sản Đông Dương …
Về khoảng cuối năm 1944, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội lại dời về tỉnh Quảng Tây và cho ông Hồ Chí Minh về Bách Sắc để trù liệu kế hoạch nhập Việt. Sau đó hội cho ông Hồ Chí Minh cùng 22 đảng viên phần nhiều là người trong đảng Phục Quốc về nước để khởi sự hành động. Trong số 22 người ấy có một nữ đảng viên tên là Đỗ Thị Lạc là người sau có đứa con gái với Hồ Chí Minh. Về sau thấy người ta nói khi về đến địa hạt Bắc Giang, có ba đảng viên trong 22 người ấy bị giết vì không chịu theo cộng sản.
… Việc ấy xảy ra vào khoảng tháng hai năm 1945. Từ đó bọn ông Hồ Chí Minh bỏ danh hiệu Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội mà dùng danh hiệu cũ là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, tức Việt Minh, và dùng cờ đỏ sao vàng của cộng sản.”
Nhìn chung, chủ nghĩa Cộng Sản ban đầu xâm nhập Việt Nam qua sách báo Pháp – Hoa với tác động của một học thuyết xã hội đối với giới trí thức nhưng chỉ mấy năm sau đã đổi thành chủ nghĩa Mác– Lênin xâm nhập qua hoạt động tuyên truyền của một cán bộ Đệ Tam Quốc Tế là Hồ Chí Minh mượn tay nhiều tổ chức và các phần tử quốc gia yêu nước để truyền bá tới mọi tầng lớp quần chúng trên khắp nước.
Chủ nghĩa Mác – Lênin đã đem về cho Việt Nam những thành quả nào?
Đã có không ít lời giải đáp cho câu hỏi trên theo nhiều lối nhìn khác nhau.
Chủ điểm của chương sách này không nhắm tìm thêm một lời giải đáp mà chỉ nhìn lại những đoạn đường xâm nhập của chủ nghĩa Cộng Sản cùng những người đã đưa chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam. Hiển nhiên, Hồ Chí Minh chỉ là một người đi sau nhiều người khác trong công việc này. Nhưng cũng hiển nhiên, Hồ Chí Minh là người duy nhất thành công trong việc nhuộm đỏ toàn bộ đất nước Việt Nam nhờ đức tin tuyệt đối ở chủ nghĩa Mác – Lênin cộng với nhiệt tình phụng sự Đệ Tam Quốc Tế, sự trung thành với quan điểm chiến lược sách lược Lênin và khả năng vận dụng linh hoạt mọi yếu tố thực tế trong nhiều thời kỳ khác nhau.
Trích Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, Chương 44
Minh Võ
(http://danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=2920 )
Chú thích:
(1) Bác Hồ, những năm tháng ở nước ngoài – Đặng Hòa, Trung Tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc VIỆT NAM, Hà Nội 2001, tr.37-38. Nguyên văn bản thỉnh nguyện ngoài đoạn trích dẫn trên còn 6 câu mở đầu và 18 câu kết.
(2) Trong tác phẩm Ho Chi Minh The missing years, bà Quinn-Judge, có lẽ vì không tìm thấy văn kiện nào bằng Nga ngữ trong văn khố liên bang Nga, nên quả quyết Hồ Chí Minh không được QTCS trọng dụng, và còn bị ngược đãi. Nhưng việc Hồ Chí Minh được cử vào ban Phương Đông thuộc QTCS là đích xác, vì trong cuốn Bác Hồ Trên Đất Nước Lênin, nơi các trang 62 và 106, Hồng Hà đã trưng văn kiện chính thức của ban chấp hành QTCS ghi rõ ngày 14-4-1924 chứng nhận: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là cán bộ của Ban Phương Đông QTCS”, mang chữ ký của “tổng thư ký ban Phương Đông thuộc ban chấp hành Quốc Tế Cộng Sản, PÊ-TƠ-RỐP”, và ở một chỗ khác còn ghi thêm: “với khoản tiền trợ cấp hàng tháng là 6 tréc-vô-nhét, tương đương với 60 rúp.”
(3) Danh Nhân HCM – Trần Đình Huỳnh, Nxb VănHọc, HàNội 2001, tr. 14-15.
(4) Các chi tiết về giấy chứng nhận ký tên Pê-tơ-rốp, công tác tại Quảng Châu, phí khoản trợ cấp cho Hồ Chí Minh được ghi rõ trong Danh Nhân Hồ Chí Minh các trang 33, 35 và ghi rõ trong Hồ Chí Minh Biên Niên Tiểu Sử, Tập I, các trang 231, 237)
(5), (7) Bác Hồ Trên Đất Nước Lênin, Hồng Hà, tr. 133-134, 130
(6) Ho Chi Minh The missing years – Sophie Quinn-Judge, tr. 88
9) Bác Hồ, những năm tháng ở nước ngoài – tr.51-53. Tác giả trích một đoạn thư ngày 18-2-1922 của Phan Chu Trinh từ Marseille gửi Hồ Chí Minh ở Paris, có câu:… tôi không thích cái phương pháp “ngoạ ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội” của anh…
(10), (11) Danh Nhân Hồ Chí Minh – tr.21 & 27
(12) Biên niên tiểu sử – Tập I, tr.239.
(13), (14), (15), (16), (17) Bác Hồ, những năm ... tr. 99-101, 102-107 & 115-116
jeudi 14 juin 2007
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire