jeudi 14 juin 2007

Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và tinh thần dân tộc

Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và tinh thần dân tộc


DCVOnline- Việt Hồng phỏng vấn Bùi Tín

Tiếp theo: Phần I

Việt Hồng: Người ta nói nhiều tới tư tưởng Hồ Chí Minh (HCM), nhà nước đã tổ chức những cuộc thi, những đợt học tập. Vậy theo ông cốt lõi của tư tưởng HCM là gì?

Bùi Tín: Qua những gì tôi đọc về HCM thì tôi thấy, ông nhắc nhiều nhất tới việc "VN bỏ qua phát triển Tư Bản Chủ Nghĩa (TBCN) để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hôi (CNXH)’’. Mẫu mực là mô hình là Liên Xô. Nếu có tư tưởng HCM thì theo tôi đó là tư tưởng rõ nhất, sâu đậm nhất. Cho tới khi chết ông ấy vẫn tin tưởng rằng có thể bỏ qua con đường phát triển TBCN để tiến thẳng lên CNXH.

Việt Hồng: Nếu cốt lõi của tư tưởng HCM là như vậy thì tư tưởng này đã phá sản?

Bùi Tín: Từ cuối những năm 1990 CNCS đã phá sản tại châu Âu, chỉ còn vài nước là Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, Cu Ba. Việt Nam, để tồn tại đã phải quay lại với kinh tế thị trường, với Chủ Nghĩa Tư Bản. như vậy không phải là bỏ qua nữa, họ phải lội ngược dòng tư tưởng Hồ Chi Minh mà không dám nói ra.

Cộng Sản (CS) Việt Nam hiện nay đi ngược lại hoàn toàn với tư tưởng giáo điều này, ngược với định hướng của ông HCM trước khi chết. Ông đã đưa về cho dân tộc cái học thuyết mà bây giờ nó đã phá sản.

Tháng này, người ta sẽ có một bia kỷ niệm ở Washington DC dành cho những nạn nhân của chủ nghĩa (CN) CS gồm mấy chục triệu của Nga, 40 triệu của Trung Quốc và Việt Nam cũng đóng góp vài triệu, từ Cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, rồi những vụ án chống Đảng, trại cải tạo, thuyền nhân… rồi tới những phiên xử án gần đây. Tất cả đều là nạn nhân của CNCS.

Nếu so ta với Thái Lan, với những nước mà ĐCS không cướp chính quyền thì thấy sao người ta hạnh phúc như thế, tự do như thế…, chỉ vì người ta không rước cái CNCS về. Họ may mắn hơn ta là như thế.

Việt Hồng: Ông vừa nhắc tới Phan Bội Châu, có lời đồn đại về việc HCM bán đứng Phan Bội Châu cho Pháp, ông nghĩ sao về điều này?

Bùi Tín: Chuyện này thì tôi nghĩ là nên thận trọng, tất cả những gì còn hoài nghi thì không nên khẳng định. Mặc dù có nhiều người nói nhưng tôi thấy còn thiếu bằng chứng. Khi nói một cáí gì đó thì ta cần có bằng chứng xác thực, nhất là với những người mà mình ghét thì càng nên thận trọng để tránh nói theo cảm tính, thổi phồng khuyết điểm của người ta lên.

Trong kho lưu trữ Pháp có tài liệu nói như thế, nhưng có tài liệu khác lại bảo không phải như vậy. Theo tôi, chưa đủ cơ sở để kết luận, để khẳng định được.

Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm một chuyện. Khi còn chiến tranh Nam- Bắc, phía miền Bắc đã giáo dục lòng căm thù cho toàn dân, từ mẫu giáo trở lên, đã là kẻ thù thì phải gọi ông Diệm, ông Thiệu bằng "thằng” như "thằng Thiệu”, "thằng Diệm”… Rồi họ dùng những thông tin sai lệch, như người ta nói là "ông Diệm suốt ngày ôm bà Lệ Xuân trong dinh Độc lập”. Sau này, khi tôi hỏi ông Vũ Ngọc Nhạ, ông ấy bảo "không có chuyện ấy đâu, ông Diệm ông ấy là người đi tu, ông ấy không bao giờ ngồi trong phòng một mình với bà Lệ Xuân hay bất kỳ người phụ nữ nào cả”.

Rồi người ta cũng nói: "Ngô Đình Nhu lúc nào cũng ôm cái bàn đèn thuốc phiện”. Tôi cũng hỏi ông Nhạ, ông ấy bảo "làm gì có chuyện ấy, ông ấy chỉ hút thuốc lá thôi, không hút thuốc phiện đâu”. Nhưng khi đó người ta tuyên truyền như vậy và ai ở miền Bắc cũng tin. Đã là kẻ thù thì mặc sức bôi nhọ. Tôi không thể đồng tình với sự vô lý, bất công, vu cáo chụp mũ như thế.

Việt Hồng: Thưa ông, hiện nay báo chí của nhà nước Việt Nam cũng đã có sự đánh giá lại với ông Ngô Đình Diệm (NĐD), coi ông như một người có tinh thần dân tộc. Ông nghĩ sao về về việc này?

Bùi Tín: Tôi cho rằng, nếu so sánh giữa tinh thần dân tộc của ông HCM và ông Ngô Đình Diệm (NĐD) thì hai người ở 2 thái cực khác nhau, một người CS, một người Quốc gia. Tôi cũng rất thận trọng suy nghĩ nhưng nếu tách riêng 2 điểm là đạo đức cá nhân và tinh thần dân tộc thì nay tôi nhận ra rằng ông NĐD trội hơn ông HCM. Quan điểm này bị trong nước người ta nhao nhao lên phản đối tôi.


Ngô Đình Diệm (1901-1963): “Môt người yêu nước, có tinh thần dân tộc, ” Bùi Tín
Nguồn: www.nationaalarchief.nl
--------------------------------------------------------------------------------

Thứ nhất về tinh thần dân tộc, năm 1932, khi được chọn vào chính phủ Nam Triều, đứng đầu Nội các, nhưng chỉ sau 4 tháng ông ấy xin từ chức vì ông ấy đòi Pháp phải tăng quyền hạn cho các Hội dồng Dân biểu Bắc kỳ và Trung kỳ, đòi trả lại cho chính quyền Nam Triều quyền cai trị cả Bắc kỳ như Trung kỳ …Khi không được đồng tình, ông từ quan luôn mặc dù khi đó ông mới 33 tuổi. Tôi cho rằng đây là hành động của môt người yêu nước, có tinh thần dân tộc.

Hay khi ông ấy chết, người ta cho rằng, nguyên nhân vì ông không đồng ý cho quân Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam Việt Nam. Ông muốn giữ thế độc lập cho Miền Nam. Quân Mỹ chỉ đúng ngoài giúp thôi. Ông còn nói rằng, nếu sau này quan hệ Bắc – Nam người ta chất vấn tôi, thì tôi biết trả lời ra sao? Trong khi đó HCM đem một học thuyết hoàn toàn xa lạ vào VN. Cho tới nay người ta vẫn trương cái ảnh to tướng của 2 ông Tây râu xồm Marx và Lénine mỗi khi họp hành, trong đại hội đảng, thì hỏi ai có tinh thần dân tộc hơn ai? HCM khi chết, trong di chúc nói "Tôi về với cụ Mác, cụ Lênin”, tại sao không về với Quang Trung, với Trần Hưng Đạo? Tinh thần dân tộc ở đâu?

Thứ hai, là vấn đề đạo đức cá nhân thì ông HCM vợ nọ, con kia… trong khi đó lại tô vẽ mình như một nhà tu đạo hạnh… Còn ông Ngô Đình Diệm không có vợ, không có con, không có nghiện ngập gì… và là con người nổi tiếng về vấn đề trong sạch, thanh liêm; tất nhiên sau đó ông ấy có một số hạn chế như gia đình trị, quan liêu… nhưng nếu chỉ xét riêng về tinh thần dân tộc và đạo đức trong đời sống hàng ngày thì tôi đánh giá ông Diệm cao hơn ông Hồ. Không phải tôi bất mãn với chế độ CS mà nói vậy, mà đây là công bằng, ngay thật, theo lương tâm trong sáng của mình.

Việt Hồng: Người ta truyền nhau nhưng câu chuyện về những người phụ nữ trong cuộc đời ông Hồ, ông nghĩ sao về những chuyện này?

Bùi Tín: Câu chuyện về ông Trần Quốc Hoàn thường đưa bà Nông Thị Xuân vào phủ chủ tịch cho ông Hồ, rồi việc người ta tổ chức giết bà ấy, ông Hồ biết mà lơ đi… là những điều có nhiều phần thật, cần phải làm rõ thêm.


HCM 65t + Nong thi Xuan 22t : co con trai la Nguyen Tat Trung nam 1957

Trên cơ sở dựa trên những bằng chứng và xem xét sự việc một cách khách quan công bằng, thì tôi cho rằng việc ông ấy cưới bà Tăng Tuyết Minh là đúng 100% vì đây là tài liệu từ Trung Quốc (TQ) mà nhiều học giả, nhà sử học của TQ người ta viết ra. Việc này cũng được lưu giữ trong hồ sơ của TQ, trong đó ghi rõ ngày cưới, nơi cưới, người làm chứng… của việc kết hôn này, trong số đó có Đặng Dĩnh Siêu là vợ của ông Chu Ân Lai tham dự. Rồi có cả thư của HCM gửi cho bà Tăng Tuyết Minh, trong thư còn gửi lời thăm mẹ của bà ấy.


Hinh Tang Tuyet Minh o Trung quoc

Sau này, khi ông HCM là chủ tịch nước, bà Tăng Tuyết Minh có ý tìm gặp ông ấy nhưng ông ấy không trả lời. Có thể là đảng CS lúc bấy giờ không cho phép ông ấy vì mối quan hệ như vậy sẽ làm khó cho quan hệ Việt – Trung. Theo tôi, đây là người vợ chính thức, được cưới công khai của HCM.

--------------------------------------------------------------------------------

Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941), một trong những đảng viên đầu tiên của đảng CSĐD
Nguồn/Ảnh: Ho Chi Minh, A life, William J. Duiker/TTXVN -

Còn bà Minh Khai, theo tài liệu của bà nhà báo Mỹ Quinn Judge, đã sang Paris gặp tôi 2 lần, tôi cũng gặp bà nhiều lần tại Washington, với tinh thần nhà báo ngay thẳng và những tài liệu được tìm thấy ở Moscow thì ông Hồ đã từng sống với bà Minh Khai ít nhất 6 tháng ở Học Viện Phương Đông. Tài liệu lưu giữ tại Đệ Tam Quốc tế cho hay, 2 người cùng ở một phòng, cùng chung một giường, cùng chung những dụng cụ sinh hoạt gia đình như thau rửa mặt...

Hà Nội cho rằng đây là chuyện bịa đặt vì khi hoạt động bí mật người ta có khi phải đóng vai như vợ chồng… Nhưng đây đâu có phải là hoạt động bí mật vì họ đang ở Moscow, ở quốc tế CS kia mà? Đâu có cần thiết phải che mắt mật thám?


Tôi cho rằng đó là điều không hay với ông Hồ vì ông cố tình che giấu nhiều chuyện để biến mình thành một ông Thánh, một người tu nhân tích đức, một anh hùng gương mẫu.…

Việt Hồng: Theo ông thì sai lầm lớn nhất của ông HCM là đem chủ nghĩa CS vào VN, còn Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm hay những vụ án chống Đảng… khi đó ông HCM còn sống?

Bùi Tín: Đó là cái chỗ khó hiểu của ông Hồ, ông cũng là người rất thông minh đi đây đi đó, am hiểu tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh… Hiếm có một người Việt Nam vào thời của ông được đi nhiều, đọc biết nhiều như vậy. Nhưng tôi tìm hiểu và tôi thấy nó thế này, tiếp thu của ông Hồ còn quá hạn chế. Mặc dù ông ấy ở Pháp nhưng ông ấy không tiếp thu được tinh thần của cuộc Cách Mạng Tư Sản Nhân quyền. Tinh thần của cuộc cách mạng này là tôn trọng cá thể, cá nhân, đế cao cá nhân của con người, giải phóng con người cá thể (individu ), chứ không phải con người tập thể.

Do sai lầm của ông Hồ và ĐCS là thủ tiêu cá nhân, thủ tiêu cá thể, tiêu diệt sở hữu cá nhân đề cao tập thể, tính đại đồng, đấu tranh giai cấp… nên dẫn đến những sai lầm to lớn kéo dài.

Ngay về câu "Không có gì quý hơn độc lập tự do", Học viện chính trị ở Hà Nội giải thích tự do đây là tự do tập thể của dân tộc, họ coi tự do cá nhân là nguồn gốc mọi tội ác, cho nên đến nay tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo của mỗi người công dân vẫn chỉ là bánh vẽ, là mơ ước, là trái cấm.

Việt Hồng: Thưa ông, những sai lầm của ông HCM mang tính lịch sử, nhiều người vào thời của ông, cả ở Tây, Tầu, lẫn ta đều sai lầm. Vậy việc một số người lên án ông rất gay gắt, nặng nề có phải là điều đúng đắn hay không?

Bùi Tín: Đúng đó là sai lầm có tính lịch sử, liên quan tới cá nhân ông và cả ĐCS VN nhưng ông HCM phải chịu trách nhiệm chính. Rồi lớp lớp Bộ Chính Trị, cho tới ngày nay phải liên đới chịu trách nhiệm về sai lầm theo gót ông HCM. Theo tôi, trí thức VN, tuổi trẻ VN phải góp phần vào việc giaỉ tỏa thần tượng này để chấm dứt sai lầm mang tính lịch sử đó. Khoa học chỉ biết tiến lên khi biết hoài nghi, biết tìm ra những chân lý mới thay cho “chân lý” thật ra là tà thuyết cũ. Giống như việc trước kia người ta tưởng là trái đất vuông, mặt trời là trung tâm của vũ trụ…

Việc đánh giá lại ông Hồ, trả lại cho ông sự thật cho ông, cho lịch sử là điều cần thiết. Một người sai lầm đã là nghiêm trọng đây lại vác về cả một học thuyết, bắt cả dân tộc phải theo hàng nửa thế kỷ, đến nay vẫn chưa dứt ra được thì vô cùng tai hại, là quá đáng. Thời hòa nhập quốc tế rồi, lại càng phi lý, tận cùng vô lý.

Việt Hồng: Nhiều người đánh giá bản Hiến pháp 1946 mà ông Hồ giữ vai trò quan trọng trong đó là một bản Hiến pháp tiến bộ, còn ý kiến của ông ra sao?

Bùi Tín: Vâng, cái đó tiến bộ hơn so với bản sau này vì không có điều 4. Sau này, VN học tập Liên Xô, điều 4 của Hiến pháp VN được lấy từ điều 6 của Hiến pháp Liên Xô mà sau này Yeltsin chính là người khai tử nó.

Việt Hồng: Cách đây vài tháng, Đảng đã phát động một đợt học tập tư tưởng HCM, ông đánh giá chuyện này ra sao?

Bùi Tín: Thì họ muốn đưa ông ấy lên thần thánh. Họ muốn dùng ông ấy làm bình phong để giữ vai trò lãnh đạo của mình. Họ phát động học tập đạo đức HCM, nếu học HCM thì học ông ấy cả sự dối trá à? Cả việc lấy tên Trần Dân Tiên, tự ca ngợi mình à? Mục đích duy nhất của họ là làm cho dân sùng bái ông Hồ để dựa vào hình ảnh ông Hồ, đạo đức ông Hồ để giữ vai trò độc quyền lãnh đạo đất nước làm cho người ta lầm tưởng vào tính chính đáng của chính quyền này.

Việt Hồng: Xin được hỏi ông, cá nhân ông đã gặp ông HCM bao giờ chưa?

Bùi Tín: Tôi gặp nhiều lần, không biết bao nhiêu lần. Trong những cuộc họp Hội nghị tại Ba Đình, khi đến thăm báo Quân đội, báo Nhân dân..., ông HCM cũng tới nhà gặp riêng ông cụ tôi. Ông mời ông cụ tôi làm Thanh tra chính phủ, làm Trưởng ban thường vụ Quốc Hôi (như chủ tịch Quốc Hội ngày nay), rồi khi ông cụ nhà tôi nằm ở bệnh viện Việt – Xô, tuần nào ông ấy cũng đến thăm 1, 2 lần. Ông ấy cũng đến gia đình tôi hỏi thăm từng người một, thăm hỏi các bà chị của tôi. Tôi còn giữ nhiều thư của ông ấy, những họa thơ của ông với cha tôi… Tình cảm của tôi với ông Hồ trước đây khá nặng nhưng tôi nghĩ rằng, không thể vì tình cảm, vì việc ông ấy quý trọng ông cụ thân sinh ra tôi trước kia mà tôi phải nói khác đi. Phải yêu thương nhân dân trên hết và tôn trọng sự thật trên hết.

Việt Hồng: Những ngày này, nhiều người dân VN thường vào lăng viếng Bác, còn nhiều người Việt hải ngoại thì đòi phá sập đi. Còn ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Bùi Tín: (Cười) À, cô hỏi câu ấy rất hay đấy! Tôi còn nhớ năm 1990 khi tôi còn ở VN, khi tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh HCM, nhà sử học Việt Kiều Lê Thành Khôi về đọc một bản tham luận, ca ngợi công lao của ông Hồ, nhưng cuối cùng ông kết luận là: Theo một số ý kiến của Việt kiều yêu nước thì không nên duy trì lăng HCM mà nên hỏa táng HCM theo di chúc, vì đạo đức phương Đông coi ý nguyện người quá cố là thiêng liêng… Lập tức ông ấy bị phản đối, người ta cho ông ấy là phản động và bị hắt hủi ông phải quay về Pháp ngay.

Theo tôi, truyền thống phương Đông là tôn trọng ý nguyện của người đã chết, trong di chúc ông Hồ, chính ông muốn được hỏa táng, tro đem chôn trên môt quả đồi để ai đến viếng thì trồng cây trên quả đồi đó, cho tới khi thành một rừng cây. Đó là một ý nguyện đẹp. Tại sao lại không tôn trọng ý nguyện ấy mà lại làm ngược lại?

Tôi nghĩ rằng, ngay ở trong nước bây giờ nhiều người cũng có ý kiến khác đi rồi. Có người cho rằng, phải làm theo di chúc vì quan niệm tín ngưỡng. Người chết phải "mồ yên mả đẹp” và họ cho rằng đất nước này bị “động” vì ông Hồ chưa được chôn cất trong lòng đất mẹ. Ngay quê ông, nhiều cụ già cũng yêu cầu phải chôn ông dưới lòng đất để cho đất nước được yên. Có những người cho rằng vì linh hồn ông chưa được yên nghỉ nên đất nước còn bị loạn, không yên được.…

Ý kiến của tôi là phải thảo luận việc này trong xã hội, trong Quốc Hội, nếu cần phải trưng cầu dân ý. Trước kia, khi xây lăng, người ta không có tham khảo gì cả mà làm theo lăng của Stalin, Lenin. Nay Stalin người ta chôn rồi, Lenin cũng nhiều ý kiến đòi bỏ, Dimitrow của Bulgaria, người ta cũng đem chôn rồi…

Việc xây lăng vừa trái với ý muốn của ông, trái thuần phong mỹ tục, cực kỳ tốn kém, không phù hợp với xã hội văn minh mà giống như thời ướp xác Ai Cập… Vậy chúng ta không nên duy trì nữa.

Việt Hồng: Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Bùi Tín: Xin cám ơn cô và Đàn Chim Việt.

© DCVOnline
dcv

Aucun commentaire: