Tác giả: Minh Võ
MINH VÕ
SÁCH - LƯỢC XÂM-LĂNG CỦA CỘNG-SẢN
COPYRIGHT BY THE AUTHOR
Lời Nói Đầu
Tựa
A- PHẦN I
Chiếc cầu khỉ của Hồ Chí Minh
Siêu thực dân hay thực dân đỏ
Liên-Nga dung cộng hay là nưôi ong tay áo
Viên thuốc bọc đường
Khúc xương trong cổ họng Nga-sô
B- PHẦN I I -
Từ lý thuyết đến thực hành
Một phương pháp duy tâm của thuyết Duy Vật
Ðịnh luật "biến chuyển" có chuyển biến hay không?
Ba giai đoạn chiến lược
Cao trào và thoái trào
Năm giai đoạn sách lược
Bốn giai đoạn sách lược tiếp theo
Ba hình thức sách lược điển hình
Dĩ hoà vi quý
Trung lập hay cô lập?
C- PHẦN I I I -
Cộng sản Việt Nam mọc mầm giữa những mâu thuẩn và mâu thuẩn
Từ mặt trận "dân chủ" đến mặt trận "tổ quốc"
Thành lập mặt trận "Tổ quốc" để che giấu sự phản bội Tổ quốc
Trường Chinh đặt tên và Xuân Thủy công nhận "Mặt Trận Giải Phóng miền Nam"
"Ðảng ta" củng cố miền Bắc.
Liên Minh công nông hay sát hại công nông?
Ðường lối "đi hai chân song song"
Khuyết điểm nằm trong ưu điểm
TÀI - LIỆU THAM - KHẢO
A.- SÁCH
TÁC GIẢ TÁC PHẨM
1.-Domenach (J.M.) - La Propagande Politique (Editions Que-sais-je?
2.-Dulles (Allen) nguyên Giám Ðốc Trung Ương tình báo Mỹ -Muốn thắng Cộng Sản trước hết phải biết rõ Cộng Sản (S. Reader's Digest)
3.- Ðông (Mao Trạch) Lãnh tụ Trung Cộng - Chiến tranh du kích ở Trung Hoa và du kích quân (Bản dịch của Phòng Quân Huấn, Bộ Tổng Tham Mưu)
4. Ðông (Mao Trạch) Lãnh tụ Trung Cộng - Mao trạch Ðông tuyển tập (1) nhà xuất bản Xã Hội
5.-Ðường (Lâm Ngữ) -Bí danh (Bản dịch của Ngôn Luận, Saigon (1958)
6.-Green Pagoda Press A decade under MaoTse Tung (G.P.P. 1960)
7- Hoà (Phan Xuân) - Lịch sử Việt Nam hiện đại (V)
8.-Inkles (Alexis) -Public Opinion in Soviet Russia
9.-Kennedy (John F.) Tổng Thống Mỹ -Báo cáo đọc trước Quốc Hội Hoa Kỳ về cuộc du hành Âu Châu 1961 (Tài liệu phiên dịch của Sở Thông Tin Hoa-kỳ)
10.- Khrouctev (Nikita) Thủ tướng chánh phủ và đệ nhất bí thư Nga Cộng - Báo cáo về đại hội 81 đảng Cộng Sản họp tháng 11-1960 tại Mạc Tư Khoa (bản dịch Pháp ngữ của tạp chí Tin Tức , nhà xuất bản Xã Hội
11.- Labin (Suzann) - Il est moins cinq (2è édition)
12.- Malik (Charles) nguyên chủ tịch Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc - Est-il trop tard de vaincre le communisme?
13.- Minh (Hồ Chí) - "Các lời kêu gọi của H.C.T" Sự Thật 1956
14.- Nghiêm (Thái Lăng ) - Ðoàn kết luận: Kinh Dương, 1957
15.- Pirenne (Jacques) - Les grands courants de l'histoire universelle (VI) Éditions Albin Michel, Paris, 1955
16.- Politzer, một cán bộ Pháp Cộng -Những nguyên tắc triết học căn bản
17.- Quang (Trần) -Thủ đoạn của Hồ Chí Minh
18.- Sauvy (Alfred de) -L'Opinion politique, Éditions Que sais je
19.- Staline (Joseph) -Les principes du léninisme
20.- Staline (Joseph) - Staline toàn tập (cuốn I ): nhà xuất bản Xã Hội
21.-Stowe (Leland) nguyên Giám Ðốc Thông Tin của hệ thống Vô Tuyến Truyền Thanh Âu Châu -La Chine Rouge dans l'hégémonie mondiale
22.- Thạch (Tưởng Giới) Tổng Thống Trung Hoa Dân quốc - Phản Cộng kháng Nga Cơ Bản Luận
23.-Thomas (Lowell) - Terror in Tibet
24.-Trí (Hoàng Văn) -Trăm hoa đua nở trên đất Bắc (Mặt trận bả vệ Tự do Văn hoá 1959)
25.-TUnion Research, Institute (Hong Kong) -Communism in China (U.R.I. Hongkong, 1959)
B.- BÁO CHÍ
26.- Ðại Học Quân Sự - số 7-1961
27.- Văn Hữu - số 9 tháng 2-1961
28.-Việt Nam Thông Tấn Xã -Bản tin hàng ngày từ 1-6-1959 đến 31-12-1959 (vấn đề biên giới Ấn và vụ Kerela)
29.- Việt Nam Thông Tấn Xã -Bản tin hàng ngày từ 9-8-1960 đến 31-05-1961 (Biến cố Ai Lao và hội nghị Genève)
30..- Việt Nam Thông Tấn Xã -Bản tin hàng ngày từ 1-6-1961 đến 31-08-1961 (vụ Bá Linh)
31.-Journal d'Extrême Orient -ngày 30-05-1961
32.-Selection Reader's Digest - Tháng 4-1961
C.- TÀI-LIỆU VIỆT-CỘNG
33.- Bức thư của Quốc Tế Cộng Sản về việc thành lập Ðông Dương Cộng Sản Ðảng.
34.- Bước ngoặc vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam (ủy ban nghiên cứu Lịch sử Ðảng, nhà xuất bản Sự Thực 1960)
35.- Cương lĩnh "Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam". 36.- Luận cương chính trị Ðông Dương Cộng Sản Ðảng
37.- Nghị quyết của Ðại Hội đảng Lao Ðộng Việt Nam lần thứ ? từ 5 đến 10-9-1960
38.- Nguyệt san "Học Tập" số đặc biệt tháng 1-1960
39.- Nguyệt san "Học Tập" tháng 7-1960
40.- Nguyệt san "Nhân Dân" số 1 và số 2 1957
41.- Nhựt báo Nhân Dân
42.- Tuyên ngôn của Ðại Hội lần thứ 3 của đảng Xã Hội Việt Nam tháng 12-1960
43.- Tuyên ngôn kháng Nhựt của đảng Cộng sản Trung Hoa 7-7-1937
44.- Và các tài liệu tuyên truyền và huấn luyện khác của Việt Cộng
Trang 1 của 20 trang
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 >
*
***
*
BỐN CÔNG-TÁC KỸ-THUẬT CHÍNH-YẾU
Ðể đạt được mục-tiêu chiến-lược và chu-toàn các nhiệm-vụ sách-lược trên đây, Cộng-sản Quốc-Tế đã tự đề ra những công-tác kỹ-thuật tinh-vi mà cán-bộ khắp nơi , mọi lúc phải luôn luôn thực-hiện cho bằng được. Những công-tác này có thể thâu tóm lại 4 điểm chính : xâm nhập, tình báo, tuyên truyền và phá hoại . Cơ-quan đầu não chỉ-huy trực-tiếp hoặc giật dây từ cấp tối-cao là Trung-Ương Ðảng-bộ Nga-cộng. Các bộ-phận thi-hành hoặc trung-gian là các đảng Cộng-sản trá-hình. Với thủ-đoạn ném đá giấu tay chuyên-nghiệp, Cộng-sản ít khi lộ diện, mà thường dùng những tay sai đắc-lực. Những tay sai này có thể hoặc vô-tình khờ dại không biết rằng mình tiếp tay một cách đắc lực cho Cộng-sản. Nhưng cũng có một số tay sai ý thức rõ việc họ làm. Hoặc vì bất mãn với chế-độ hiện-hữu, hoặc vì ngây-thơ hy-vọng ở một chế-độ tương-lai tốt đẹp do Cộng-sản đem lại; những người này rất dễ trở thành những đảng-viên Cộng-sản tích-cực hăng-hái.
Xâm nhập
Trước hết, muốn xâm nhập một quốc-gia hay một tổ-chức nào, Cộng-sản thường nghiên-cứu hoàn-cảnh cụ-thể của quốc-gia hay tổ-chức đó, để tìm ra những kẽ hở. Những kẽ hở đó có thể là những mối bất bình, « mâu-thuẫn » xung đột giữa một lớp người này với một lớp người khác; hoặc là những cách-thức liên lạc lỏng lẻo rời rạc, hờ hững khinh thường giữa các phần tử, chủ chốt. Và bao giờ Cộng-sản cũng rất quan-tâm đến việc lựa chọn, đào tạo, hướng dẫn những cán-bộ nòng cốt như Trần độc Tú (Trung-cộng), Thorez (Pháp-cộng), Hồ-Chí-Minh, Trần-Phú (Việt-cộng), Souphanouvong (Lào-cộng), Sanzo Nosaka (Nhật-cộng), Togliati (Ý-cộng), Sekou Touré (Guinée) v.v…
Cũng có khi Cộng-sản Quốc-Tế phái cán-bộ nòng-cốt tới địa-phương với tư-cách cố-vấn kỹ-thuật, chuyên môn hay phái-đoàn liên-lạc để chọn lựa tại chỗ các phần-tử có thể trở thành đảng-viên Cộng-sản sau này. Trường-hợp Borodine ở Trung-Hoa vào những năm 1921, 1922 là một ví dụ.
Cũng có khi Cộng-sản chọn lọc và đưa những cán-bộ địa-phương có khả-năng nhất về đào tạo tại các trường cán-bộ trung-ương như trường-hợp lãnh-tụ Ý-cộng Togliatti và Việt-cộng, Hồ-Chí-Minh.
Những trường-hợp xâm-nhập bằng các toàn biệt-kích vào các vùng núi non hiểm-trở ở biên-giới cũng thấy xảy ra khi nước bị xâm nhập nằm kế cận 1 nước Cộng-sản như trường-hợp Ấn-Ðộ (các vùng Sikhim, Boutan, Ladak) và Ai Lao (Phong Saly, Sầm Nứa).
Một hình-thức thông thường nhấtg là xâm-nhập qua các tổ chức Quốc-tế và các phái-đoàn liên-lạc, thương-mại, văn-hoá, thể-thao v.v…
Ðối tượng xâm-nhập của Cộng-sản Quốc-Tế chia làm hai loại, quốc-gia và tổ-chức. Ðối với các quốc-gia Cộng-sản chú trọng nhất tới các nước kém mở mang và các nước bị trị. Kroutchev cũng như Mao Trạch Ðông đều nhắc đến các nước « Á-châu, Phi-châu và châu Mỹ La-tinh ». Ðối với các đoàn-thể, tổ-chức thì đầu tiên là các nghiệp-đoàn, các hội hoà-bình và các hội thanh-niên, sinh-viên.
Sau khi đã xâm nhập vào một nước hay một đoàn-thể, Cộng-sản liền tiến-hành song song 2 công-tác tiếp theo : tình-báo và tuyên-truyền.
Tình báo
Có thể nói tổ-chức tình-báo Nga-cộng là một tổ-chức hoàn-bị nhất, vĩ-đại nhất hoàn-cầu, không những vì tính cách đồ-sộ của nó ở Trung-ương, mà còn vì những mạng lưới chi chít của nó ở khắp các nước. « Mỗi đảng viên Cộng-sản phải là một cán-bộ tình-báo », đó là mục-đích huấn-luyện của các lớp huấn-luyện đảng-viên.
Cộng-sản không trừ một lãnh-vực nào mà họ không tìm cách đặt gián-điệp vào. Albert Vassart, một thành-phần trong ban bí-thư đảng Pháp-cộng, sau khi ra khỏi đảng, tiết lộ rằng : năm 1936 Mạc Tư Khoa đã ra lệnh cho gửi những đảng-viên chọng lọc, vững lập-trường vào các chủng-viện công-gaío để sau này có thể trở thành linh-mục.
Các công-chức Nga-cộng làm việc tại các toà đại-sứ hay lãnh-sự ở ngoại-quốc thường được chọn lọc rất cẩn thận và được huấn-luyện trước một cách chu-đáo, để có thể bảo-vệ bí-mật cho nước họ và triệt-để khai-thác các tin-tức liên-quan đến chính-trị, quân-sự và kinh-tế v.v.. ở nơi họ làm việc. Họ học tiếng địa-phương, học về phong-tục tập-quán và cách giao-thiệp theo từng vùng, từng xứ và cả cách gợi chuyện làm quen, để khai-thác tin-tức theo các kỹ-thuật tình-báo.
Các công-hàm ngoại-giao, các thành-phần phái-đoàn liên-lạc văn-hoá, thương-mại, thể thao v.v.. đều có thể là những hộp thư trong hệ-thống chuyển tin và tài-liệu về Mạc Tư Khoa. Thỉnh thoảng, người ta lại thấy loan tin một nhân-viên toà Ðại sứ Nga ở nước này hay nước kia, một tùy viên báo chí Nga ở xứ này hay xứ khác bị trục-xuất vị bị-cáo làm gián-điệp hay phá-hoại.
Tuyên truyền
Nhưng công-tác mà Cộng-sản Quốc Tế chú ý hơn cả và cũng gây ảnh-hưởng tai-hại nhất cho thế-giới tự-do là công-tác tuyên truyền .
Chúng tôi không có ý nói tới « nhiệm vụ lịch sử » của cán-bộ Cộng-sản là giáo-dục quần-chúng, dấy động quần-chúng trong nước đã thành-lập chế-độ theo « Xã-Hội chủ-nghĩa » bằng tuyên-truyền. Chúng tôi cũng không có ý nhắc lại những cơ cấu tuyên-truyền và dấy động quần-chúng vĩ-đại của Nga-Sô mệnh danh là bộ « dấy động và tuyên truyền » (Agit-Prop) (1) mà chỉ có ý trình bày ở đây về nhiệm-vụ và hoạt-động tuyên-truyền của cán-bộ Cộng-sản ở nước ngoài - ở những nước « kém mở mang và bị trị » cũng như ở các nước « tư bản mở mang, thống trị » với mục đích xâm-lăng mà thôi.
Mục-đích cuối cùng của Cộng-sản là thành-lập một chính-phủ hoàn toàn theo lệnh của Mạc Tư Khoa, để thực hiện các chính-sách kinh-tế chính-trị văn-hoá…theo chủ-nghĩa Mát-xít Lê-nin-nít. Nhưng công việc đầu tiên, không bao giờ họ tuyên-truyền ủng-hộ Cộng-sản hay đả đảo các « chân lý tư sản ». Họ rất xảo quyệt. Việc đầu tiên của họ ở đây cũng như ở các lãnh-vực khác, là triệt-để khai-thác các bất-đồng , mâu-thuẫn, thổi phồng nó lên để tuyên-truyền chia rẽ đối-phương. Rồi họ sẽ tuyên-truyền cho dân chúng đứng lên chống đối chính-quyền sở tại, vì họ đã nói cho dân chúng một nước nào đó ủng-hộ lập trường sống chung hoà-bình của ông Nehru – là một nhà ái-quốc không phải là Cộng-sản- hay ủng-hộ chính-sách trung-lập-hóa Ai Lao của thái-tử Sihanouk – là một quốc-trưởng không Cộng-sản-. Họ tuyên truyền cho những chính-khách có uy-tín ở "Á-châu, Phi-châu và châu Mỹ La-tinh" ủng-hộ lập-trường của Nga về tài-binh, về Bá-Linh, mà không cho biết đó là lập-trường Nga-Sô.
Họ tuyên-truyền cho dân chúng cũng như các chính-khách chống lại một tổ-chức xây-dựng một châu Âu tự-do, chống lại các tổ-chức Bắc Ðại-Tây-Dương, Ðông Nam Á, Trung-Ðông, nhưng không chống lại hiệp-ước Varsovie; đòi Mỹ rút quân-lực ra khỏi Âu-Châu, nhưng không đòi quân Nga ra khỏi Hung Gia Lợi.
Họ tuyên-truyền chống các lãnh-tụ chống Cộng uy-tín như Tưởng-Giới-Thạch, Ngô-Ðình-Diệm mà họ gọi là độc-tài , phong-kiến. Nhưng lại ủng-hộ các nhà độc-tài có tiếng ở Nam Mỹ, ở Guinée, ở Trung Ðông.
Ðể làm công-tác này, Cộng-sản đã xử-dụng những phương tiện, nhân sự và tài chính khổng-lồ mà chi-phí hàng năm, theo nữ sĩ Suzanne Labin, lên tới 2 tỷ Mỹ kim. Số người phục-vụ cho công tác này lên tới 500 ngàn (2)
Những phương-tiện mà Cộng-sản dùng vào công-tác này gồm đủ mọi loại, đặc biệt là phát-thanh, báo chí, sách vở, tranh-ảnh, triển-lãm, các tổ-chức hiệp hội thế-giới v.v..
Hãy lấy ví dụ một xứ Mễ Tây Cơ là xứ chỉ có chừng một vạn đảng-viên trong số 30 triệu dân; tại Quốc Hội, Mễ Cộng chỉ có 1 dân-biểu và 1 thượng nghị sĩ. Thế mà Cộng-sản cũng đã có tới chừng này tờ báo :
« Tiếng nói Mễ Tây Cơ », nhật báo;
« Giải phóng », nguyệt-san;
« Tháng một », bán-nguyệt-san;
« Vấn-đề châu Mỹ La-Tinh ;», nguyệt-san;
« Mãi mãi », tuần báo;
« Vĩ tuyến 20 », nguyệt-san;
« Văn-hoá Mễ-Tây-Cơ » phụ bản 2 tờ nhật-báo có tiếng « Novedales » và « Excelsior », bị Cộng-sản xâm nhập rất nhiều (3)
Tại bất cứ nước nào, một tờ báo không do Cộng-sản hoàn toàn chi phối đều có thể hoặc ít hoặc nhiều chịu ảnh-hưởng trực-tiếp hay gián-tiếp của chính-sách Cộng-sản. Nếu chủ-nhiệm không phải do Cộng-sản thì có nhiều Biên-tập-viên là Cộng-sản. Thường người đọc không gặp thấy trong bài họ viết những danh tính của Marx, Engels, Lénine, Staline hay những lý-thuyết mệnh danh là duy-vật biện-chứng-pháp, duy-vật sử-quan, thặng-dư giá-trị, cách-mạng vô-sản…Càng không thấy những âm-mưu xâm-lăng của Nga-cộng. Nhưng người đọc sẽ thấy nhan nhản những danh từ : « Trung-lập, sống chung hoà-bình, độc-lập, giải-phóng » theo ý nghĩa hoàn toàn riêng biệt của Cộng-sản đúng theo kế-hoạch của Mạc Tư Khoa hay của Bắc Kinh.
Phát thanh cũng được Cộng-sản triệt-để khai-thác theo chiều hướng đó. Trong cuốn « Chỉ còn 5 phút nữa » (Il est moins cinq), nữ sĩ Suzanne Labin đã so sánh và nhận thấy rằng tuyên-truyền của Nga-Sô bằng Phát –thanh, xét về thời-lượng, gấp bốn lần tuyên-truyền của Hoa-kỳ cũng trên phương-diện đó. Và đau đớn thay, chính nước Pháp của nữ sĩ lại chẳng có một chương trình phát-thanh nào bằng Nga-ngữ, để đương đầu với nửa tá các đài Nga không ngơi tấn-công Pháp trên các xứ thuộc-địa Bắc-Phi bằng chính ngôn-ngữ của người Pháp.
Nhà cầm quyền Ðông Ðức cũng đã cho thiết-lập ở Conakry một đài phát thanh với mục đích truyền-bá đường lối Cộng-sản và nhất là ủng-hộ các chính-sách ngoại-giao của Nga-Sô.
Ở Á châu, hoạt động tuyên-truyền Cộng-sản được thực-hiện bởi các cố-gắng của Trung-cộng. Tại đây cũng như tại các lục địa khác (5) hãng thông-tấn « Trung Hoa mới » (tức Trung-cộng) đặt phóng-viên hầu khắp các nước và cũng như phóng-viên hãng thông-tấn TASS ở Mạc Tư Khoa, các phóng viên này vừa là gián-điệp tình báo, vừa là cán-bộ tuyên-truyền. Chính ông Nehru, một chính-khách trung-lập nổi tiếng về đức tính mềm dẻo, kiên-nhẫn đối với Cộng-sản, cũng nhiều lần tố-cáo Hoa-kiều về hoạt động tuyên-truyền, phổ-biến tài-liệu có tính-cách khuynh-đảo chính-quyền Ấn. Và mới đây đã phải cho đóng cửa chi-nhánh của hãng thông-tấn Trung-Hoa -Mới tại Ấn.
Leland Stowe, nguyên giám đốc sở Thông-tin của hệ-thống truyền-thanh Âu Châu tự do trong một tác phẩm về âm-mưu bá-chủ hoàn-cầu của Trung-Hoa Ðỏ, đã nói rành mạch về kỹ thuật –hay đúng ra là thủ-đoạn – tuyên-truyền của Trung-cộng tại Miến-điện như sau (5) :
« Năm 1956 Trung-cộng đã bịt miệng một tờ nhật-báo chống Cộng ở Miến bằng cách dúi vào tay ông chủ báo một mối lợi lớn : hoạt động trong công-ty thương-mại của họ ở Ðông Phương. Ông Giám Ðốc của một tờ báo khác đã nhận được công việc có lợi của Công-ty Thương Mại hỗn hợp Miến-Hoa. Họ cũng cho các ông Giám-đốc các tờ báo khác vay mượn những món tiến lớn với điều-kiện con cái các ông này phải theo học ở các trường Cộng-sản. Và đến cuối năm, Miến Ðiện đã có 5 tờ báo thân Trung-cộng. »
Hiện thời tại rất nhiều nước, Trung-cộng đã phân-phối hai tờ báo lớn với hình thức, khuôn khổ theo kiểu các báo Âu Mỹ, với giá rẻ mạt; đó là tờ : « Trung Quốc Minh Hoạ » : 17 thứ tiếng và tờ « Trung Quốc Kiến Thiết » xuất bản bằng nhiều thứ tiếng và vừa mới thêm tiếng Tây Ban Nha để dành cho độc giả các xứ Châu Mỹ La-inh.
Ðài Phát thanh Bắc Kinh rất mạnh và có thể nghe được từ hầu khắp các xứ. Ngoài các nước Viễn Ðông, Ðài Bắc-kinh còn có những chương trình bằng tiếng Thổ và tiếng Á-Rập để dành cho các nước Trung Ðông.
Ðó là về báo chí và phát thanh là hai hình-thức chuyển đạt các đề tài tuyên-truyền cổ-điển. Ngoài ra Cộng-sản còn rất chú-trọng đến các hình-thức tuyên-truyền bằng các tổ-chức quốc-tế, các đại-hội quốc-tế, các phái-đoàn thiện-chí, các cuộc trao-đổi văn-hoá, y-tế, thể-thao, du-lịch v.v…
Trong cuốn « Chỉ còn 5 phút nữa » nữ sĩ Suzanne Labin đã kể ra 13 tổ-chức Cộng-sản trá hình có tầm hoạt động quốc-tế, do Cộng-sản lập ra, phần nhiều có trụ-sở trung-ương ở các thủ đô các nước chư hầu Cộng-sản (6) . Ðó là chưa kể không biết bao nhiêu đoàn-thể hiệp hội do Cộng-sản điều khiển trực tiếp hay gián tiếp hoạt động trong phạm vi quốc-gia ở khắp các nước. Cũng theo bà Suzanne Labin thì nguyên ở nước Pháp đã có tới 140 tổ chức Cộng-sản trá hình.
Kể từ 1947, cứ 2 năm một lần, Cộng-sản lại cho tổ-chức 1 đại-hội thanh-niên và sinh-viên mệnh danh là « Ðại Hội Liên-hoan Thanh-niên, Sinh-viên Dân-chủ Thế-giới » (7) nhằm mục đích thu hút những phần tử hiếu động , ít kinh nghiệm.
Bề ngoài những đại-hội này được coi nhu có tính chất thuần túy liên-lạc văn-hoá. Nhưng bên trong bao giờ cũng có những buổi họp, bài diễn văn hoặc lời lẽ sặc mùi chính trị theo chính sách ngoại-giao của Nga Sô . Và thế nào cũng có những vấn đề cũ rích nhưng cốt tử của Cộng-sản là vấn-đề thực-dân, vấn-đề "các dân-tộc bị áp-bức", vấn-đề cấm thử võ khí nguyên-tử; những vấn-đề mà Cộng-sản biết rằng bất cứ thanh-niên nào đều tha thiết tới, những vấn-đề mà Nga Sô muốn nêu lên với mục đích tuyên-truyền thuần-túy để ve vãn , chinh-phục (đối với các xứ thuộc-địa) hoặc chia rẻ (đối với các cường-quốc Tây-phương)
Phá hoại
Ngoài các công-tác tình-báo và tuyên-truyền vừa kể, Cộng-sản còn ngấm ngầm điều-khiển hoặc giật dây các công-tác Phá-hoại nhằm làm suy-giảm lực lượng của các nước không Cộng-sản và, nếu có thể, khuynh-đảo chính-quyền của các nước này.
Công-tác phá-hoại này có thể có ba hình-thái khác nhau tùy theo nước chịu phá-hoại là nước độc-lập dân-chủ tân tiến, hay là nước bán khai mới độc-lập nhưng đa-số dân chúng còn nghèo khổ, kém học hay là nước bị trị.
Tại phần nhiều các nước nhỏ thuộc loại thứ nhất, Cộng-sản được hoạt-động công-khai, nên họ dùng tất cả mọi khả năng có thể vào việc củng-cố phát-triển các đảng Cộng-sản, làm sao số đảng-viên càng ngày càng tăng, số ghế trong Quốc-hội càng ngày càng thuộc về nghị-sĩ Cộng-sản càng nhiều và tìm cách lật đổ các chính-quyền của các đảng đối-lập. Thường Cộng-sản tìm mọi cách để nắm được các nghiệp-đoàn lao-động, các tổ-chức thanh-niên để xúi-dục đình-công, bãi-thị, khi cần phản-đối một chính-sách do đảng nắm chính-quyền đưa ra. Nhưng dẩu sao tại các nước này Cộng-sản cũng không hoạt-động được bao nhiêu. Vì dân trí phần đông rất cao, đủ sáng suốt để nhận-định một đường lối, một chính-sách, ít khi mắc mưu Cộng-sản . Ðời sống vật-chất cũng thường tương-đối khả-quan, ổn-định, nên những kẻ chỉ chờ cơ-hội nước đục thả câu không có dịp trổ tài.
Tại các nước mới độc-lập, dân-trí phần nhiều còn thấp kém, kinh-nghiệm chính-trị còn tương-đối non nớt, đời sốn vật chất cũng chưa ổn-định, tâm-lý đa số các nhà cầm quyền cũng như quốc-dân còn thù ghét chế-độ thực-dân. Cho nên Cộng-sản lợi dụng tâm-lý này để đặt họ đối-lập với các quốc-gia độc-lập Âu-châu, Mỹ-châu và nhất là các cựu đế-quốc. Nếu Cộng-sản không làm cho các chính-phủ các nước đó đứng hẳn về phía Cộng-sản để ra mặt chống-đối các cường quốc Âu-Tây, thì ít là họ cũng phỉnh gạt lòng tự ái của các lãnh-tụ, hay khai-thác mối cựu-thù của các dân-tộc, để giữ cho các quốc-gia theo một chính-sách trung-lập không theo hẳn về phía Cộng, cũng không đứng về phía các cường-quốc tự-do; nhưng vẫn mặc nhiên cho phép hoặc dung nạp các cán-bộ, tài liệu tuyên-truyền của Cộng-sản. Tại các nước này thường các đảng Cộng-sản cũng được công-khai hoạt-động, và các hoạt-động này trước tiên nhắm mục-đích đánh đổ chính-quyền hiện hữu, để thành-lập một chính-quyền hoàn toàn Cộng-sản .
Tuy nhiên, Cộng-sản vẫn khéo léo mơn trớn các chính khách trung-lập, để họ quên hiểm hoạ kế bên. Có thể nói tại các nước này, Cộng-sản chú trọng tới tình-báo và tuyên-truyền nhiều hơn.
Trong trường hợp các nước mới độc lập, theo một chính sách chống Cộng tích-cực, các đảng Cộng-sản hoạt đột một cách bất hợp pháp. Các điều-kiện sinh-hoạt, tổ-chức, liên lạc khó khăn hơn, nhưng Cộng-sản lại dồn lực lượng vào để phá-hoại. Trước hết, họ coi chính-quyền các nước đó là độc-tài, phong-kiến, và lợi dụng mọi bất đồng, bất mãn trong nước để chia rẽ dân chúng với nhà cầm-quyền và sau đó đánh đổ chính-quyền hiện hữu để đưa ra một chính-quyền thân Cộng hay trung-lập. Có thể nói hoạt-động phá-hoại của Cộng-sản các nước này cũng giống như tại các nước dân-chủ tân tiến, nhưng hoàn-cảnh ở đây thích-hợp hơn, vì dân-trí còn tương-đối kém, đời sống vật-chất bất ổn, cho nên kết quả thường Cộng-sản đã thu lượm nhiều hơn.
Tại các nước loại 3, nghĩa là các nước bị trị, Cộng-sản quốc-tế triệt để khai thác tinh thần yêu nước, yếu tố quốc gia, dân tộc của đại đa số dân chúng bản xứ. Hay nói theo kiểu các chiến-lược gia Mác xít, là khai thác "yếu tố mâu-thuẫn giữa đế-quốc thống-trị và nhân dân thuộc-quốc."
Lénine, Staline trong các tác phẩm bàn về chiến-lược, sách-lược , Kroutchev mới đây trong báo cáo 6-1-61 về Ðại Hội 81 Ðảng Cộng-sản và Công nhân tháng 11-60 cũng đều nhắc tới nguyên-tắc triệt-để khai-thác các mâu-thuẫn nầy. Mao-Trạch-Ðông khi bàn về mâu-thuẫn cũng xác nhận như vậy ( .Lưu Thiếu Kỳ hồi 1949 cũng viết:
"Trung Hoa (?) ủng-hộ hết mọi cuộc chiến-tranh giải-phóng quốc-gia ở khắp mọi nước thuộc địa"
Các biến-cố ở Cao-Ly (19530, Bắc-Việt (1954), Tây Tạng (1956), kênh Suez (1956), Liban (1958), Algérie, Congo, Cuba, Ai Lao xác-nhận điều đó.
********
Về kỷ-thuật, Cộng-sản phá-hoại bằng kinh-tế, văn-hoá, ngoại giao, hoặc bằng đình-công bãi thị, hoặc bằng các toán du-kích, biệt-kích chuyên môn phá khuấy các đồn biên-giới, cắt đứt đường giao-thông, phá cầu, phá đường, in bạc giả, tiếp tay cho bọn buôn lậu, ám sát các công-chức v.v..
Ðể thi-hành bốn công-tác kỷ-thuật chính-yếu kể trên, Cộng-sản tổ-chức tại khắp nơi các đảng Cộng-sản, mà cán-bộ cốt cán do Mạc Tư Khoa đào tạo và trực-tiếp ra chỉ thị. Hiện nay theo thống-kê của "Ðại Hội các đảng Công nhân và Cộng-sản" họp tháng 11-60, trên khắp thế-giới có tới 87 đảng Cộng-sản . Ðó là chưa kể các tổ-chức có tính-cách quần-chúng do cán-bộ Cộng-sản giật dây, cũng chưa kể một giới tay sai tình nguyện hay vô-tình ủng-hộ chính-sách ngoại-giao - nghĩa là xâm-lăng - của Ðệ tam quốc tế. Kể từ 5-5-1961, nghĩa là từ khi Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Nga cộng thông qua một nghị-quyết đặc biệt "về biện-pháp cải-tiến việc lựa chọn và đào-tạo cán-bộ tuyên-truyền" Cộng-sản Quốc tế đã nghĩ đến việc đào tạo cán bộ tuyên truyền, dự trữ, tổ chức lại các trường Ðại học Marx-Lénine buổi tối, có nhiệm vụ đào tạo cán-bộ tuyên-truyền. Chương-trình ở các trường học đã có những môn đặc biệt về thực-tiển và phương pháp tuyên-truyền:
"Ngoài các ban lịch-sử học, triết-học, kinh-tế học, đã lập thêm các ban kinh-tế học cụ-thể, vô-thần học, quan-hệ quốc-tế và phong-trào Cộng-sản , công-nhân thế-giới "
"Ðể đào tạo lực lượng dư-trử, các thành-ủy, khu-ủy, đảng-ủy của các xí-nghiệp lớn phải tổ-chức những khoá học tại chức với thời hạn một năm.."
Ngoài các trường Ðại-học Marx-Lénine và "nhà học chính-trị", các trường Ðảng, các trường Ðại học đều có thể dùng làm chỗ dựa vật-chất cho các khoá học một năm đào tạo cán-bộ tuyên-truyền nông-thôn..." Tại các trường đảng cao cấp tại các Cộng-hoà, tổ-chức các lớp học liên tỉnh để đào tạo cán bộ tuyên-truyền của các ban chấp-hành Ðảng-bộ. Tại các tổ-chức Ðảng của nước Cộng-hoà xã hội chủ-nghĩa Sô-viết U-cơ-ren, hiện có trên 2500 phòng giáo-dục chính-trị. Ở Mạc Tư Khoa đã có trên 300 phòng và 500 hội-đồng nghiên-cứu phương-pháp tuyên-truyền (9)
Ngoài các trường đào tạo cán bộ Cộng-sản trong các nước thuộc khối Cộng, Nga Sô còn tổ-chức các trường-học có tính-cách quốc-tế với nhãn hiệu "liên lạc", "thân hữu", "hoà-bình" để ảnh hưởng tới thanh-niên trí-thức các dân tộc Á-châu, Phi-châu và châu Mỹ La-Tinh. Trong số các loại trường này phải kể trường "Ðại Học Hữu-nghị các dân-tộc" mới thành lập đầu niên-khoá 1960-1961, có tới 4000 sinh-viên, phần đông là da đen (10) .
Nhờ có một hệ-thống Ðảng chặt chẽ và những trường đào-tạo nhất loạt, thống-nhất, nên hoạt-động của Cộng-sản trên khắp thế-giới rất dễ phối-hợp và dễ theo một đường lối duy nhất. Cán-bộ Ðảng có một số kiến-thức lý-thuyết và thực-hành giống nhau, cùng theo một phương-pháp suy luận như nhau. Các học-viên không Cộng-sản bị nhồi sọ lý thuyết "cách mạng và kỹ-thuật tranh đấu cách-mạng" theo Cộng-sản , cho nên sau này sẽ lệ-thuộc vào đường lối lý-thuyết đó, dù họ có đủ can-đảm đứng ngoài Ðảng.
Tóm lại, về phương-pháp kỹ-thuật, kế-hoạch xâm-lăng của Cộng-sản , chú-trọng đặc-biệt đến 4 công-tác: xâm-nhập, tình-báo, tuyên-truyền và phá-hoại.
Ðể thi-hành 4 công-tác này, Cộng-sản đã đặc biệt khai-thác các yếu-tố cán-bộ, tổ-chức và tâm-lý quần-chúng. Các trường đào tạo cán-bộ mọc lên như nấm. Các đảng Cộng-sản được tổ-chức hầu khắp nơi ,có thể ví như những căn-cứ chiến-lược, trong cuộc chiến-tranh tâm-lý, chính-trị. Tâm-lý quần-chúng được nghiên-cứu tỷ mỷ và đối với mỗi loại tâm-lý Cộng-sản cho áp-dụng một kế-hoạch thu-phục hay đàn-áp thích-hợp.
Nữ sĩ Suzanne Labin, trong cuốn "Chỉ còn 5 phút nữa" sau khi đã làm một cuộc tổng-kê các phương-tiện và hoạt-động của Cộng-sản ở địa-hạt này, đã tóm tắt rằng Cộng-sản đã nổ-lực hơn thế-giới tự-do 100 lần trong cuộc tranh đua tâm-lý (11) . Như vậy, nếu cho đến nay mà Cộng-sản chưa bá-chủ hoàn-cầu, trái lại có rất nhiều đảng Cộng-sản sa sút ở Pháp, Ý, Áo, Nhật, Ấn nhất là Phi-luật-Tân, Mã Lai , Hy-Lạp v.v.. đó là vì một yếu-tố nào khác, chứ không phải vì Cộng-sản thiếu kỹ-thuật xâm-lăng (12) .
Chú-thích của tác-giả
(1) Agitation et Propagande
(2) Il est moins cinq – trang 53 (2e édition)
(3) Il est moins cinq – trang 23, 24 (2e édition)
(4) Hiện nay hãng thông tấn « Tân Trung Hoa » (tức Trung-cộng) đã có cơ-sở ở Ai-cập, Soudan, Liban, Irak, Maroc, Guinée, Ghana, Cuba và Congo (theo Leland Stowe)
(5) Sélection Reader’s Digest, tháng 1-1961
(6)
1.- Hội đồng Hoà-bình thế-giới : trụ sở tại Prague (Tiệp) thành lập năm 1949
2.- Liên Hiệp Nghiệp-đoàn thế-giới : trụ sở tại Prague (Tiệp) thành lập năm 1945
3.- Liên Hiệp Thanh niên Dân chủ thế-giới : trụ sở tại Budapest (Hung) thành lập năm 1945
4.-Sinh-viên Quốc-tế đoàn kết : Prague, 1946
5.- Liên Ðoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế : Ðông Bá Linh (Ðức), 1945
6.- Liên Hiệp nghiệp đoàn giáo gìới quốc tế : Paris, 1945
7.- Hiệp Hội Luật-sư dân chủ quốc tế : Bruxelles (Bỉ), 1949
8.- Liên Ðoàn lao-động khoa-học thế-giới : Londres, 1946
9.- Tổ-chức ký-giả quốc-tế : Prague, 1946
10.- Ðại Hội Y-sĩ thế-giới : Vienne (Áo), 1954
11.- Tổ chức vô-tuyến truyền thanh quốc-tế : Prague, 1946
12.- Liên Ðoàn quốc tế kháng nhân, nạn nhân và tù nhân Phát-xít : Paris và Vienne, 1951
13.- Ủy-ban quốc tế phát-triển thương-mại : Vienne, 1951
(7)
1947 : tại Prague (Tiệp)
1949 : tại Budapest (Hung)
1951 : tại Ðông Bá Linh (Ðức)
1935 : tại Bucarest (Bảo)
1955 : tại Mạc Tư Khoa (Nga-Sô)
1959 : tại Vienne (Áo)
( Xin coi lại phần trên về sách-lược Lénine-Staline-Mao-Trạch-Ðông
(9) Tài liệu của cán-bộ Nga-cộng M.I-va-nốp đăng trong "Những vấn đề hoà-bình và chủ-nghĩa xã hội". Cũng theo tài liệu này thì cho đến năm 1960, Nga Sô đã có 6.800.000 người lao-động ngoài đảng tham-gia các lớp học tập Mác-xít Lê-nin-nít theo hệ thống Ðảng. Những con số này nguyên ở Nga Sô và trong một phạm vi nhỏ thôi. Nếu kể cả hệ-thống giáo-dục và tuyên-truyền ở các nước khác như Trung Cộng , Tiệp-Khắc v.v.. thì con số 20 trường đào tạo cán bộ mà bà Suzanne Labin nói ở cuốn "Chỉ còn 5 phút nữa" là một con số tối htiểu chứ không có gì quá đáng. Xin xem cuốn này (bản chữ Pháp) trang 51. Cũng theo nữ sĩ thì ngay ở Pháp, một nước dân chủ, không phải Cộng-sản mà Cộng-sản cũng có tới 6 trường đào tạo cán-bộ tuyên truyền.
(10) Sau này, sau khi Lumumba (Congo) chết, trường này mới được đặt tên là trường "Patrice Lummumba"
(11) Op. Cit. trang 54. Muốn rõ các chi tiết lý-thú và đáng ngạc nhiên xin coi sách nói trên từ trang 19 đến trang 56.
(12) Một yếu tố khiến Cộng-sản thất bại phải chăng là vì Cộng-sản không có chính nghĩa, hành động trái với lòng NGƯỜI nghịch với lẽ TRỜI
dimanche 17 juin 2007
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire