jeudi 14 juin 2007

Đàn Chim Việt phỏng vấn Minh Võ (2006)

Đàn Chim Việt phỏng vấn Minh Võ
Việt Hồng thực hiện

Cuối tháng 6 vừa qua, ông Minh võ tới San Jose để ra mắt cuốn sách “Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp”. Đây là một cuốn sách dầy hơn 700 trang do tác giả viết và tổng hợp từ các tác giả trong và ngoài nước. Nhân dịp này, Đàn Chim Việt (ĐCV) đã có một cuộc phỏng vấn ông, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Việt Hồng (VH): Thưa ông Minh Võ, xin ông cho biết đôi điều về quyển sách mà ông ra mắt lần này tại San Jose?

Ông Minh Võ (MV): Trước hết, lần đầu tiên được gặp cô VH, đại diện ĐCV, tôi cũng được biết là anh chị em bên Ba Lan phần lớn mới ra đi sau này nhưng đã có một tinh thần tiến bộ, một tham vọng nhìn thấy đất nước được đổi mới. Tôi xin qua cô Việt Hồng, gửi lời thăm hỏi tới tất cả anh em ở bên đó.

Đây là một dịp may hiếm có để tôi nói đôi diều về quyển sách cùa tôi. Tình cờ mà tôi tới đây, chứ tôi ở cách xa đây những hơn 400 km, còn cô lại từ Ba Lan sang. Về quyển sách, đã nhiều người hỏi tôi: “tại sao lại phải viết một cuốn sách về HCM?” Bởi vì nhiều người đã viết rồi nhưng tôi muốn đặt ông HCM vào một bối cảnh khác để tìm hiểu ông ấy kỹ hơn đồng thời cũng nhân dịp này để trình bày quan điểm của một số người khác. Về ông HCM thì có nhiều người khen, kẻ chê mà phần đông người ta khen ông ấy là anh hùng dân tộc nhưng tôi thấy nhìn vào cuộc đời của ông ấy cũng như phân tách về cuộc chiến tranh ý thức hệ mà ông ấy cùng đảng cộng sản VN đã khởi xướng lên để rồi thế giới phải xúm vào chống cộng cho tới năm 1991 thì CS mới sụp đổ, thì ông Hồ không phải như vậy.

Tôi muốn làm cho những người trước kia bị lầm hoặc chưa có cơ hội, tài liệu để nhận định chính xác về ông Hồ nay có cái nhìn đầy đủ hơn về ông.

VH: Thưa ông, xin ông cho biết những tài liệu mà ông sử dụng trong cuốn sách, ông lấy những nguồn nào, có đáng tin cậy hay không?

MV: Tôi không có dịp sang Nga, sang Pháp hay về lại Việt Nam để lục lại những tài liệu gốc. Nhưng tôi cũng đã từng đọc kỹ những tác phẩm của Marx, Engels, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Trường Chinh...Tôi đọc nhiều lắm. Qua đó tôi có quan niệm khá rõ rệt về chủ nghĩa CS và phương pháp đấu tranh của người CS.

Còn những tư liệu trong cuốn sách này, về phía VN, tôi có đọc những cuốn HCM toàn tập, hồi ký của Hoàng Văn Hoan, Trần Văn Giầu trong quyển “Sự phát triển tư tưởng VN”, hay quyển "Bác Hồ bên đất nứơc Lê nin” của Hồng Hà, “Những năm tháng không thể nào quên” của Võ Nguyên Giáp, Phùng Thế Tài, Nguyễn Thị Bình...

Về phía ngọai quốc những tác giả như Jean Lacouture, Andree Violiis, Joseph Buttinger, Henry Kissinger. Louis Roubaud... và nhất là quyển của William Duiker, một quyển sách rất đầy đủ và thu hút sự chú ý nhiều.

VH: Ông viết về HCM có khó hơn so với các nhân vật lịch sử khác không?

MV: Tôi chưa viết nhiều về các nhân vật lịch sử, tôi chỉ viết một cuốn sách nhỏ về ông Ngô Đình Diệm nhưng tôi cũng không đi sâu vào đời tư của ông ấy, tôi chỉ nói về những lời khen tiếng chê của ông ấy thôi. Khi viết về HCM, tôi thấy nó khác xa một trời một vực, ông Ngô Đình Diệm đơn sơ dễ dàng hơn nhiều. Ông Ngô Đình Diệm chỉ có một uẩn khúc đó là việc đảo chính và cái chết của ông. Viết về HCM rất khó vì ông đã được viết nhiều, xung quanh ông ấy như có mây mù che phủ, ông ấy không có một bộ mặt thật. Tôi phải cố gắng giải tỏa những đám mây mù đó, phá tan những huyền thoại xung quanh ông ấy.

VH: Quyển sách của ông dày hơn 700 trang, nhưng nếu có thể nói điều gì đó ngắn gọn nhất về HCM thì ông sẽ nói gì?

MV: Tôi có thể tóm tắt ngay rằng ông HCM là người có chí, người thông minh, có tài tháo vát. Ông cũng được rèn luyện rất kỹ trong lò đào tạo cán bộ tại Liên Xô trong trường Lao động Stalin, nhất là trường Lê nin, ông ấy học ở đó ít nhất là 3 năm. Tất cả mọi phương pháp đấu tranh chính trị, tuyên truyền, tình báo, đấu tranh du kích, cách xâm nhập các đoàn thể đối lập để lũng đoạn... thì không có một nhà lãnh đạo nào của quốc gia có được cái đó cho nên tôi cho rằng, ông ấy là người có trí, có tài có khả năng lãnh đạo. Nhưng tiếc rằng ông ấy đã phục vụ chế độ hoang tưởng là chế độ CS. Chính ông HCM khi làm thơ ở đền Kiếp Bạc đã tự so sánh mình với Trần Hưng Đạo:

Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu tới đại đồng

Năm châu là vĩ đại hơn một nước nhiều lắm chứ, như thế là HCM cho rằng mình vĩ đại gấp triệu lần Trần Hưng Đạo. Mà ông ấy dắt chúng ta đi đâu? Đi đến cái thế giới mà chúng ta đã biết là ảo tưởng. Dắt toàn dân chiến đấu chết hàng triệu người để bảo vệ một cái chủ nghĩa ảo tưởng như vậy. Hàng triệu người đã chém giết nhau vì một cái thứ chủ nghĩa không là cái gì cả. Đó là một sai lầm nghiêm trọng, một tai họa cho Việt Nam! Nếu chủ nghiã CS mà thắng thì còn tai họa hơn nữa ông ấy sẽ dắt nhân lọai tới chỗ... không có gì cả

VH: Bây giờ người ta dễ dàng phê phán chủ nghĩa cộng sản vì nó đã sụp đổ, nhưng ông Hồ tiến hành cuộc cách mạng vô sản vào đầu thế kỷ 20, trong một bối cảnh lịch sử khác, ông có nghĩ như vậy không?

MV: Đúng như vậy nên nhiều người đã lầm. Nhiều trí thức của ta đã lầm, dân tộc ta đã lầm. Nhiều người cộng sản (tôi không nói là tất cả) họ cũng là những người yêu nước chứ. Nhưng họ bị nhồi sọ và họ đều nhầm. Đó có lẽ là sách lược của Lê nin, dùng chủ nghĩa dân tộc để chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản ảo tưởng. Điều này có lẽ ông Hồ hiểu nhưng nhiều người CS khác không hiểu.

VH: Như vậy ông đồng ý với nhận định là ông HCM là một người yêu nước, một nhà lãnh đạo thiên tài nhưng đã chọn nhầm đường?

MV: Yêu nước? Xét cho cùng thì không! Nước của ông ấy là một thế giới đại đồng bao gồm toàn thể nhân loại. Khi người ta chưa biết được CS là xấu, là tai họa thì cái lý thuyết CS đó đã mê hoăc được nhiều người kể cả những trí thức như Picaso, v.v... ở VN thì Trần Đức thảo, Nguyễn Mạnh Tường ... Rất nhiều người đã lầm đó là con đường chung cho nhân loại và cho Tổ Quốc. Bây giờ chúng ta có những dữ kiện thì chúng ta phải phê phán. Cuộc chiến tại việt Nam chống lại Pháp, Mỹ thực ra là cuộc chiến của nhân lọai với chủ nghĩa CS. Khi ông Marx, Engels đưa ra tuyên ngôn, đại diện cho những người CS vào năm 1848 trong đó chủ yếu nói tới việc đánh đổ quyền tư hữu là quyền tối thượng của con người. Quyền tư hữu là linh hồn, là động cơ để xã hội phát triển. Đánh đổ nó là triệt tiêu các quyền tự do cơ bản của con người! Khi đó người ta nhầm tưởng rằng ông bênh đỡ giới lao động nghèo khổ chống lại giới chủ. Khi cuộc chiến ý thức hệ được khai mào đầu tiên bởi bản Tuyên Ngôn đảng CS thì ta mới hiểu được cuộc chiến của VN là cuộc chiến của tất cả những người tự do trên thế giới chống lại chủ nghĩa CS vì các nước kia người ta ý thức được sự tai hại của chủ nghĩa CS. Những nước như Tân Tây Lan (New Zealand), Úc, Thái Lan, Nam Hàn, ... người ta cũng có quân sang VN chiến đấu đâu phải vì vấn đề thuộc địa. Như vậy nó không còn là cuộc chiến yêu nước nữa mà là cuộc chiến của nhân lọai tiến bộ toàn cầu chống lại một đám cuồng tín, quá khích là chủ nghĩa CS!

VH: Như vậy, sai lầm chính của ông Hồ là đã đem chủ thuyết cộng sản vào VN?

MV: Đúng vậy. Nhưng ông Hồ còn có tội là đại diện cho Quốc tế III để thống nhất ĐCSVN vào ĐSC Đông Dương... đổi ngày sinh của đảng từ 6/1 sang 3/2. Tất cả những cái đó đều theo lệnh Quốc tế III, tức Liên Xô.

VH: Ngay trong số những nhà tranh đấu cho dân chủ cũng có hai cách suy nghĩ về vấn đề HCM. Có những người cho rằng, đây là một vấn đề rất tế nhị, chưa nên nói tới trong lúc này để có thể tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng miền Bắc, phần lớn được giáo dục từ nhỏ nên vẫn coi HCM như một vị anh hùng dân tộc. Và một số khác, coi việc đánh đổ thần tượng HCM như là một bước quan trọng trong việc đánh đổ chủ nghĩa CS tại Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào?

MV: Đây là vấn đề tranh cãi lớn trong các đoàn thể tranh đấu cho dân chủ. Đúng là có hai xu hướng như vậy. Riêng tôi, tôi thấy rằng, phải làm cho dân dần dần tỉnh ngộ vì đây là vấn đề sự thật chứ không phải chỉ có chiến thuật mà thôi. Muốn làm một vấn đề cho tới nơi tới chốn thì ta phải tôn trọng sự thật mới có thể thành công được. Tập đoàn CSVN hiện nay là hiện thân của sự giả dối ta phải dùng sự thật thì mới có thể thắng được. Song song với dùng sự thật ta phải dùng các biện pháp khác để tiếp cận một cách từ từ với giới trẻ ở trong nước nhưng ta phải đặt một kế hoạch lâu dài để đánh tan lớp mây mù bao quanh thần tượng HCM. Một quyển sách của tôi không là gì hết, phải có nhiều bài, nhiều người thì mới thuyêt phục được.

Còn một số người muốn thu phục dân chúng trong nước bằng cách tạm chấp nhận ông Hồ là một người yêu nước để dân chúng trong nước không đến nỗi chói tai quá. Sau đó, dần dần cho họ biết ông ấy có hàng lô vợ, viết sách lấy bút danh Trần Dân Tiên tự ca ngợi mình, rồi cải cách ruộng đất, ... Dù ông ấy có yêu nước thì ông ấy vẫn có tội hay nói như ông Bùi Tín thì yêu nước như vậy thà đừng yêu nước còn hơn! Đó là một thứ Tội Lỗi viết hoa.

VH: Theo ông, ông HCM có rất nhiều tội, nhưng khi ông HCM còn sống, ông ấy đã ra một bản Hiến pháp năm 1946 tiến bộ hơn rất nhiều so với bản Hiến pháp hiện nay?

MV: Đối với tôi, Hiến pháp của ông HCM hay Hiến pháp bây giờ nó vẫn là tác phẩm của CS mà CS thì có bao giờ họ tôn trọng Hiến pháp đâu. Thời ông HCM cũng thế nếu ông ấy tôn trọng Hiến pháp sao ông lại làm cải cách ruộng đất giết chết hơn nửa triệu người. Ông ấy làm như vậy là theo lệnh của Trung Quốc, của Mao Trạch Đông, của Stalin. Ông ấy có tôn trọng gì Hiến pháp đâu nên phải nhìn vào những ví dụ cụ thể như vậy.

VH: Tức là nó chỉ hơn về mặt hình thức thôi?

MV: Đúng vậy. Chính cái hình thức ấy đã đánh lừa người ta, đánh lừa các đảng phái Quốc gia. Đây là sách lược của HCM, trước khi tới được đích, ông ấy phải thi hành những chính sách mềm dẻo, phải đi con đường vòng. Khi đạt được mục đích rồi ông ấy sẵn sàng hy sinh các đảng phái Quốc gia.

VH: Xin cám ơn ông. Mong rằng tiếp tục nhận được các bài viết của ông về HCM vì đây là đề tài luôn được bạn đọc ĐCV rất quan tâm.

MV: Tôi cũng xin cám ơn cô VH và anh em biên tập của ĐCV.

07-07-2006
(Copyright @ DCVonline 2006)

Aucun commentaire: