vendredi 15 juin 2007

Stalin (1878–1953): Mặt trái chiếc huân chương

Stalin (1878–1953): Mặt trái chiếc huân chương

Nguyễn Minh Cần (Moskva)
Nguồn: www.thongluan.org

Chế độ phát-xít Đức là một con quái vật khủng khiếp của thế kỷ 20, đã gây ra cuộc thế chiến thứ hai, ngốn hàng chục triệu sinh mạng người vô tội, gieo rắc biết bao đau thương, tang tóc, điêu tàn cho các dân tộc hồi đầu thập niên 40. Nhờ sự chiến đấu của đồng minh các nước chống phát-xít, gồm có Liên Xô, Hoa Kỳ và Anh, nên mới đánh bại hoàn toàn được quân phát-xít vào đầu tháng 5 năm 1945. Trong cuộc chiến thắng vĩ đại đó, Liên Xô đã góp phần quan trọng nhất và cũng là nước bị thiệt hại nặng nề nhất. Theo con số chính thức thì Liên Xô có 27 triệu người chết, trong số đó 11 triệu 300 ngàn người chết trên chiến trường, số thương binh là 18 triệu 400 ngàn người, khoảng 6 triệu người bị bắt làm tù binh (1).

Chiến thắng quân phát-xít Đức là một sự kiện lịch sử huy hoàng của thế kỷ 20. Nó đem lại hào quang rực rỡ cho Liên Xô. Nhưng, oái ăm thay! Chế độ cộng sản của Stalin cũng là một con quái vật khủng khiếp của thế kỷ 20, về bản chất nó không khác gì chế độ phát-xít của Hitler, nó cũng độc tài toàn trị và đẵm máu không kém gì. Trong hơn bảy thập niên tồn tại, chế độ cộng sản Liên Xô cũng đã ngốn đến 65 triệu sinh mạng người vô tội chủ yếu là dân nước mình (2).

Chính vì thế trong dịp kỷ niệm 50 năm Liên Xô thắng phát-xít Đức, khi xác nhận tầm quan trọng của chiến thắng, những người trung thực không thể không nghĩ tới tấn bi kịch khủng khiếp của các dân tộc và những con người bình thường, vô tội đã phải gánh chịu trong và sau chiến tranh. Có thể nói đó là mặt trái chiếc huân chương "Chiến Thắng".

Ở đây, tôi không nói đến những vụ thảm sát khủng khiếp hàng vạn sĩ quan và binh sĩ Ba Lan vô tội ở Katyn và Mednoe, mà chỉ nhắc đến những hành động diệt chủng đối với người dân của nước mình mà chế độ cộng sản Liên Xô đã thực thi trong thời gian cuối và sau chiến tranh. Bắt đầu từ cuối năm 1943, các nhà cầm quyền Liên Xô đã ra lệnh cho NKVD (3) xua đuổi trên hai triệu người thuộc các dân tộc Kalmykia, Karachaev, Chechnya, Ingush, Tatar Crimé, Balkaria, Bulgari, Grec (Hy Lạp), Turkia (Thổ), Kurd, Khemshil, v.v... khỏi quê hương, bản quán của mình để đi lưu đày đến các vùng xa xôi, hẻo lánh, như Sibiria, Altai, Omsk, Novosimbirsk, Trung Á, Kazakhstan... Đông nhất trong số đó là gần nửa triệu dân Chechnya và Ingush, trên 183 ngàn dân Tatar Crimé, trên 93 ngàn dân Kalmykia và trên 68 ngàn dân Karachaev. Ở đây chưa tính đến cộng đồng sắc dân Corea ở Viễán Đông bị lưu đày đến Trung Á.

Những dân tộc bị lưu đày đều không được báo trước để chuẩn bị, mà lệnh vừa đưa ra là bị lùa tất cả đi ngay, ai vớ được cái gì thì đem theo cái ấy. Mọi sự phản đối đều bị trấn áp ngay bằng súng đạn. Già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà bị lèn chặt trong toa hàng, xe vận tải hoặc xe ngựa. Trên đường đi, họ không được cung cấp gì về sinh hoạt, thuốc men, đến nơi đã định thì không có nhà lều gì hết, tất cả đều phải tự mình làm lấy, trước nhất là dựng lều tạm trú, rồi tự mình lo liệu mọi sư để ổn định cuộc sốngï. Chính vì thế có rất nhiều người, nhất là trẻ con và cụ già đã chết ngay trên đường đi và tại nơi mới đến. Có điều kỳ quái là bọn đao phủ chẳng cần quan tâm gì đến các binh sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận, chúng lùa đồng loạt cha mẹ, vợ con, anh chị em của họ đi đày cũng như mọi người khác. Thậm chí, những người có danh hiệu "Anh hùng Liên Xô" chúng cũng không tha, như L. Mandzhiev (người Kalmykia), B. Khechiev (anh này bị chết khi đi đày).

Còn sau chiến tranh, Anh hùng Liên Xô Khansultan Dachiev, người Chechnya, thượng tá M. Visaitov trong bộ tư lệnh Tập đoàn quân Belarus, cũng là người Chechnya, đã bị bắt đi đày. Chính vì thế, các dân tộc căm hận cao độ cái chính sách lưu đày của chế độ cộng sản Liên Xô. Điều đó giải đáp cho chúng ta câu hỏi : tại sao đến bây giờ nhiều người dân Chechnya vẫn còn kiên cường chiến đấu chống lại quân Nga để bảo vệ quyền tự quyết cho dân tộc mình.

Sau chiến tranh, người dân Liên Xô chỉ mong mỏi được sống yên ổn, nhưng nào có yên đâu! Không cần nói đến chính sách trả thù, bắn giết hàng loạt những người đã cộng tác với địch trong thời kỳ chiến tranh bất kể tự nguyện hay là bị bắt buộc. Ngay đối với tất cả những người dân bình thường đã sống trong vùng bị địch chiếm đều nghiễm nhiên bị xếp vào loại công dân hạng... "đặc biệt".
Mọi chính sách tuyển chọn nhân viên, tuyển sinh, v.v. đều có phân biệt, có kỳ thị rất rõ ràng. Thậm chi trong những bản mẫu khai lý lịch đều có mục "bản thân có sống trong vùng địch chiếm không?, những năm nào?, làm gì?", "cha mẹ, vợ con, họ hàng có ai sống trong vùng địch chiếm không?, những năm nào?, làm gì?", "có mồ mả ông bà, cha mẹ, họ hàng chôn trong vùng địch chiếm không?"... Mẫu lý lịch này cho đến những năm 1960, 1970 vẫn còn, và chính tôi cũng đã nhận một mẫu như vậy. Chắc các bạn có thể tưởng tượng là số dân đã từng sống trong vùng địch đông như thế nào? Con số đó lên đến hàng chục triệu người! Đó là dân nước Ukraina, nước Belarus, một bộ phận miền Tây nước Nga, vùng Caucasia và vài vùng mới thôn tính, như Moldavia, ba nước vùng Baltic. Tất cả đều bị kỳ thị suốt mấy chục năm ròng. Và cố nhiên, ở ba nước Baltic, người ta lại thi hành chính sách lưu đày đến vùng Sibiria xa xôi, như các dân tộc đã kể trên. Hồi những năm 1970, chúng tôi có những người bạn là dân Lithuania, họ kể cho nghe về những đợt lưu đày khủng khiếp của dân tộc họ đến Sibiria.

Cũng cần nói rõ việc lưu đày các dân tộc này khác với chính sách bắt vào các trại tập trung, nói đúng ra là trại tù: các dân tộc bị lưu đày tuy mất tự do thật, nhưng chưa chính thức bị coi là tù nhân, họ phải tự kiếm sống trong khuôn khổ vùng lưu đày. Còn những người ở trại tù đều bị coi là tù nhân, họ bị giam giữ, bị bắt làm việc và hàng ngày buộc phải thực hiện đủ định mức lao động, không thì bị cúp khẩu phần. Đây là nguồn nhân lực lớn không phải trả tiền mà chế độ cộng sản triệt để khai thác nhằm thực hiện những kế hoạch sản xuất của họ. Đến sau chiến tranh, do nhu cầu nhân lực cho công cuộc phục hồi kinh tế rất lớn, nên người ta càng đẩy mạnh việc bắt người vào trại tập trung. Diện người bị bắt càng mở rộng. Theo chính sách, những người tích cực hợp tác với địch thì bị bắn, những người hợp tác với địch thì đưa vào trại tù, nhưng người ta tống vào trại tù cả những người gọi là "không tích cực đấu tranh với địch" - một tiêu chuẩn cực kỳ mơ hồ ! Những sĩ quan và binh lính Hồng quân bị bắt làm tù binh Đức (4), những công nhân Liên Xô bị lùa sang Đức làm việc, những người dân Liên Xô có thái độ bất mãn, nói năng không thận trọng, bị quy là "phản động", "chống đối chính sách"... đều nhất loạt bị bắt vào trại tù. Ngoài ra còn có những người bị coi là "phần tử thù địch" ở các nước Baltic và các nước gọi là "dân chủ nhân dân", như Ba Lan, Đông Đức, Rumania, Hungary, Bulgaria...

Con số tù nhân trong các trại tù, mà nhà văn A. Solzhenitsyn gọi là "quần đảo Gulag", không bao giờ được Liên Xô công bố, nhưng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì nhân số thường xuyên là 8 triệu người, cao nhất là 15 triệu. Theo báo cáo của chính phủ Anh ngày 15-8-1950 tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc, số tù nhân của Liên Xô là 10 triệu người. Chính vì số tù nhân đông đảo như thế nên đất nước Liên Xô đã được mệnh danh là "đế quốc trại tù”". Điều kiện sinh sống trong trại tù vô cùng tồi tệ, số tù nhân bị chết rất nhiều, số người ốm yếu cũng rất cao đến nỗi năm 1950, người ta ra lệnh bắn hàng loạt tù nhân ốm yếu với định mức là phải thanh toán 5% số tù để khỏi phải "nuôi báo cô" những người đau yếu!

Có một điều quái gở là sau chiến tranh, việc bắt bớ trong hàng ngũ cán bộ, sĩ quan... dưới thời Stalin đã xảy ra nhiều đến nỗi tất cả mọi người đều run sợ, sống hôm nay mà không biết số phận của mình ngày mai ra sao. Ông cụ thân sinh nhà tôi là một đại tá đã vào sinh ra tử ở mặt trận Leningrad, bị thương nặng, mất một lá phổi, teo một cánh tay, được tặng nhiều huân chương, đã kể lại cho tôi là cứ mỗi tối trước khi đi ngủ cụ xếp sẵn sàng đồ dùng vào chiếc va-li con để khi người ta đến bắt thì có thể đi ngay. Chỉ sau khi Stalin chết, cụ mới bỏ thói quen này. Và điều này chắc nhiều bạn Việt Nam cũng không được biết là ngay như nhà chế tạo tên lửa nổi tiếng Liên Xô S. Koroliov, mãi đến khi bắn tên lửa đầu tiên đi vào vũ trụ, vẫn còn ngồi trong trại tù ! Chỉ sau khi bắn thành công rồi ông mới được thả ra.

Cái giá xương máu trên chiến trường và mọi sự chết chóc, tù đày oan uổng của người dân, mọi đau thương của các dân tộc trong và sau chiến tranh to lớn biết dường nào! Nhưng có điều đáng buồn là chiến thắng thực tế đã không đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Và đại đa số các cựu chiến binh Liên Xô, tức là những người đã làm nên chiến thắng huy hoàng - có lẽ chỉ trừ một số tướng lĩnh cao cấp - giờ đây vẫn cảm thấy hụt hẫng, ngao ngán, chán nản: họ so sánh cuộc sống của họ và của dân chúng "đất nước chiến thắng" với cuộc sống bình thường của người dân các "nước bại trận" là Đức, Ý, Nhật - sao mà khác nhau một trời một vực ! Chính vì thế, trong những cuộc biểu tình hồi tháng 3 năm nay để chống chính sách của tổng thống V. Putin chuyển các khoản ưu đãi thành tiền cấp đã có không ít cựu chiến binh Liên Xô tham gia.

Nói đến Chiến thắng của Liên Xô, tưởng cũng nên nói qua một chút đến cái gọi là "Chiến thắng" của Hà Nội. Cũng là những bài bản cũ của Liên Xô được những người cộng sản Việt Nam lặp lại: chính sách kỳ thị, phân biệt đối xử với những người sống dưới chế độ "cũ", chính sách trả thù, chính sách trại tù với 300 ngàn sĩ quan, binh sĩ, viên chức, trí thức bị mệnh danh là "nguỵ", với hàng chục ngàn người bình thường, bị quy là "phản động", "gián điệp", "chống đối" mà thực ra họ chỉ có cái "tội" là đề nghị với đảng và chính phủ những ý kiến khác với ý kiến kẻ cầm quyền hay chỉ đòi kẻ cầm quyền thực thi những quyền tự do dân chủ đã ghi rõ ràng trong hiến pháp! Cho đến cả sự suy sụp kinh tế, hồi những năm 1970, 1980, cũng như tâm lý hụt hẫng, chán chường của dân chúng cũng không khác nhau! Nếu nói nghiêm túc thì cái khác biệt đáng kể là cuộc chiến tranh của Liên Xô chống phát-xít Đức là một cuộc chiến tranh chống kẻ xâm lược, còn cuộc chiến tranh Bắc-Nam vừa qua là một cuộc nội chiến mà những người lãnh đạo cộng sản đã lừa mị dân chúng để đưa quân vào đánh miền Nam. Đến khi thắng rồi thì nhiều người mới "vỡ mộng": hóa ra là người dân hy sinh xương máu đi đánh nhau với anh em ruột thịt trong nhà, và cuối cùng thì... chỉ để cho một số kẻ cầm quyền toạ hưởng!

Nhân dịp này, mọi người nên để một phút tưởng niệm những người bị ngã xuống cả ở hai phía, những oan hồn của các chế độ độc tài toàn trị, phát-xít cũng như cộng sản.

___________________
Ghi chú:
1. Tháng 3-1946, Stalin nói là 7 triệu người chết, tương đương với con số người chết của Đức. Năm 1956, Khrutchev nói là 20 triệu. Còn các số liệu này lấy từ Bách khoa toàn thư Nga.
2. Con số do chủ tịch Ủy ban xét lại các vụ án chính trị dưới thời xô-viết là A. Yakovliev công bố.
3. Bộ nội vụ, tức là bộ công an khét tiếng độc ác.
4. Theo điều lệnh, họ phải tự sát chứ không được để bắt làm tù binh.

Stalin (1878–1953)

*
***
*
Dưới đây là một trích đoạn, thể hiện việc khủng bố trắng trợn của Stalin với người bất đồng chính kiến:Thu thập được nhiều số liệu chứng tỏ sự độc đoán trắng trợn đối với các cán bộ đảng, Ban chấp hành trung ương đã lập ra một ủy ban ‐ hoạt động dưới sự kiểm soát của Ðoàn Chủ tịch Ban chấp hành trung ương đảng ‐ nhằm nghiên cứu những nguyên nhân đã gây nên các vụ đàn áp hàng loạt đối với đa số thành viên chính thức và dự khuyết của Ban chấp hành trung ương do Ðại hội nghị lần thứ XVII bầu ra.Ủy ban này, trong quá trình tìm hiểu một số lớn tài liệu lưu trữ của Bộ Dân ủy Nội vụ (N.K.V.D.)(1) và các tư liệu khác, đã đi đến nhận định sau: trong nhiều trường hợp, các vụ án ngụy tạo được bày đặt để đàn áp các đảng viên cộng sản, những lời buộc tội giả trá được đặt ra, luật pháp xã hội chủ nghĩa bị xâm phạm trắng trợn, dẫn đến việc nhiều người vô tội bị sát hại. Rõ ràng là nhiều chiến sĩ của đảng, của xô‐viết, của các ngành kinh tế ‐ bị lên án là ʺkẻ thùʺ trong những năm 1937‐ 38(2) ‐ thực ra họ chưa bao giờ là kẻ thù, là gián điệp, là kẻ phá hoại v.v... mà luôn luôn là những người cộng sản chân chính. Nhưng họ đã bị vu khống và thường thường, vì không chịu nổi những đòn tra tấn dã man, họ đã tự gán cho mình (theo lệnh của lũ nhân viên điều tra man trá) những tội tày đình và vô lý nhất.Ủy ban đã đệ trình lên chủ tịch đoàn Ban chấp hành trung ương một tư liệu đồ sộ và có cơ sở về các vụ đàn áp đại quy mô đối với các đại biểu Ðại hội lần thứ XVII và các thành viên Ban chấp hành trung ương do đại hội đó bầu ra. Ðoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương đã nghiên cứu cặn kẽ tư liệu trên.Cuộc điều tra đã cho thấy 98 người trong số 139 ủy viên chính thức và dự khuyết của Ban chấp hành trung ương do Ðại hội thứ XVII bầu ra, nghĩa là 70 %, đã bị bắt bớ và bị xử bắn (phần đông vào những năm 1937‐38). (Cả phòng họp xôn xao công phẫn)Thử xem thành phần các đại biểu ở Ðại hội lần thứ XVII ra sao? Ta được biết 80% đại biểu có quyền biểu quyết ở Ðại hội thứ XVII đã gia nhập đảng trong những năm đảng còn ở trong vòng bí mật, trước cuộc cách mạng hoặc trong cuộc nội chiến, nghĩa là trước năm 1921. Về thành phần xã hội, đa số các đại biểu ở Ðại hội (60% số đại biểu có quyền bỏ phiếu) là công nhân.Chúng ta không thể tưởng tượng được một đại hội với thành phần như trên đã bầu ra một Ban chấp hành trung ương mà đa số thành viên là kẻ thù của đảng. Lý do độc nhất làm 70% ủy viên chính thức và dự khuyết của Ban chấp hành trung ương bị tố cáo là kẻ thù của đảng và nhân dân là ở chỗ các chiến sĩ cộng sản trung thực đã bị vu khống dựa trên những lời buộc tội bịa đặt, khiến pháp lý cách mạng bị vi phạm trầm trọng.Bên cạnh những ủy viên Ban chấp hành trung ương, đa số đại biểu Ðại hội lần thứ XVII của đảng cũng chịu số phận ấy. Trong số 1956 đại biểu đại biểu chính thức và dự thính, 1108 người (nghĩa là đại đa số đại biểu Ðại hội) bị bắt và bị kết án phản cách mạng. Ngay bản thân sự kiện này chứng tỏ tính phi lý, ngược đời, trái với lương tri của những lời buộc tội ʺphản cách mạngʺ gán cho đa số đại biểu Ðại hội lần thứ XVII. (Cả phòng nhôn nhao phẫn nộ)Chớ quên rằng Ðại hội lần thứ XVII được biết đến trong lịch sử như ʺđại hội của những người chiến thắngʺ. Các đại biểu trong Ðại hội này đã từng tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Số đông đã chịu đựng gian khổ và đã đấu tranh cho lợi ích của đảng trong những năm tiền cách mạng, trong vòng bí mật và trên các mặt trận thời cuộc nội chiến. Họ đã anh dũng chống lại kẻ thù và thường xuyên trực diện với cái chết. Làm sao chúng ta có thể tin được những người như thế lại là những kẻ giả dối và gia nhập phe thù địch của chủ nghĩa xã hội, ở thời kỳ mà bè phái Dinôviép, Trốtsky và bọn hữu khuynh đã bị thủ tiêu về mặt chính trị và ở thời kỳ mà nhiều công trình xây dựng xã hội chủ nghĩa đã được thực hiện.Ðó là hậu quả của việc Stalin lạm dụng quyền hành, dùng khủng bố hàng loạt đối với các cán bộ đảng.

----

Một trích đoạn khác:
==============
Một thí dụ của sự khiêu khích đê hèn, sự man trá bỉ ổi và sự vi phạm tội lỗi luật pháp cách mạng là trường hợp của đồng chí Âykhê(17), chiến sĩ của đảng từ năm 1905, cựu ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, một cán bộ xuất sắc của đảng và chính phủ Liên Xô. (Trong phòng, mọi người ngạc nhiên)Ðồng chí Âykhê bị bắt ngày 29‐4‐1938 trên cơ sở những tài liệu vu khống, không có lệnh bắt của công tố viên Liên Xô (lệnh bắt này chỉ có 15 tháng sau khi Âykhê bị bắt).Phiên tòa xét xử đồng chí Âykhê đã diễn ra với sự vi phạm trắng trợn nhất pháp chế xô‐viết, kèm theo những bịa đặt có chủ mưu.Bị tra tấn, Âykhê bắt buộc phải ký nhận một biên bản điều tra ʺthú tội được chuẩn bị từ trước, trong đó Âykhê và vài cán bộ đảng có uy tín khác bị buộc tội hoạt động chống lại chính thể xôviết.

Ngày 1/10/1939, Âykhê gửi cho Stalin lá đơn trong đó đồng chí ấy kiên quyết phủ nhận lời buộc tội và yêu cầu thẩm xét lại trường hợp của mình. Trong lá đơn, đồng chí Âykhê viết:Ðối với tôi, không gì đau đớn hơn là bị giam cầm trong ngục tù của nhà nước mà tôi đã luôn luôn đấu tranh để xây dựng nó. Lá đơn thứ hai của Âykhê gửi cho Stalin ngày 27‐10‐1939 cũng được lưu trữ, trong đó Âykhê đưa ra những bằng chứng và phủ nhận một cách rất xác đáng những lời buộc tội vu khống đồng chí.
Âykhê chứng tỏ lời buộc tội mang tính khiêu khích này một phần là sản phẩm của bọn trốt‐kít thực thụ vì bọn ấy đã bị đồng chí bắt giam trên cương vị Bí thư thứ nhất thành ủy vùng Tây Sibia và do đó, chúng âm mưu báo thù đồng chí; phần kia do kết quả việc man trá tài liệu điều tra.Âykhê viết như sau trong lá đơn này:Ngày 25‐10 năm nay, vụ điều tra về trường hợp của tôi đã kết thúc. Tôi được biết nội dung những tài liệu điều tra. Nếu tôi chỉ làm một phần trăm những hành vi phạm pháp mà người ta buộc cho tôi, không bao giờ tôi dám gửi đến đồng chí lá đơn trước khi tôi chết. Nhưng tôi không hề phạm một tội gì trong tất cả những tội mà người ta gán cho tôi. Lương tâm tôi trong sạch, không hề gợn một vết nhơ. Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi nói dối đồng chí, và ngay cả bây giờ, khi tôi sắp sửa bước xuống mồ, tôi cũng không giấu giếm đồng chí một điều gì. Trường hợp của tôi là thí dụ điển hình của một cuộc khiêu khích, vu khống và vi phạm những điều căn bản nhất của pháp chế cách mạng.

Những lời thú tội đã được ghi lại và làm nên ʺvụʺ của tôi chẳng những phi lý mà nó chứa đựng những điều vu khống đối với Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản (bônsêvích) Liên Xô, với Hội đồng Dân ủy, bởi những nghị quyết thực thụ của Ban chấp hành trung ương và của Hội đồng Dân ủy ‐ vốn không phải do tôi đề xướng, tôi không tham dự gì vào quá trình thảo luận ‐ đã được trình bày như hành động thù địch của các tổ chức phản cách mạng mà tôi là kẻ khởi xướng.Bây giờ tôi xin đề cập đến giai đoạn nhục nhã nhất của đời tôi: một tội lỗi nặng nề đối với đảng và đối với đồng chí mà quả thực tôi đã thực hiện. Ấy là lời thú tội của tôi về hoạt động phản cách mạng...
Nhưng sự thật là như thế này: vì không chịu đựng nổi những sự hành hạ của Ushakốp và Nikôlaiép, nhất là Ushakốp biết tôi gãy xương sườn và chưa lành hẳn, hắn lợi dụng điều này trong quá trình thẩm cung, gây cho tôi những đau đớn khủng khiếp và cưỡng bức tôi phải tự lừa dối mình và tố cáo những kẻ khác (bằng lời thú tội của tôi).
Phần lớn những lời thú tội của tôi là do Ushakốp ʺđề nghịʺ hoặc trắng trợn đọc cho tôi viết, phần kia là do tôi nhớ lại tập hồ sơ do Bộ Nội vụ (N.K.V.D.) vùng Tây Sibia thu thập và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về chúng. Mỗi lần trong truyền thuyết do Ushakốp bịa đặt và buộc tôi phải ký nhận, có những điều gì không khớp với nhau, thì người ta lại bắt tôi ký nhận một dị bản hoang đường khác và cứ thế tiếp diễn. Người ta cũng làm như thế đối với Rukhimôvích: thoạt tiên đồng chí ấy bị coi là thành viên của một mạng lưới trù bị, sau đó người ta gạch tên đồng chí ấy đi nhưng lại không hề nói cho tôi biết. Củng như trường hợp một người bị coi là người lãnh đạo mạng lưới trù bị, tuồng như do Bukharin thành lập năm 1935.

Buổi đầu tôi phải ký nhận, tự xưng là người lãnh đạo nọ; sau đó người ta ra lệnh thay tên tôi bằng Mêgiơlaúc. Còn nhiều những thí dụ tương tự như vậy.Tôi yêu cầu đồng chí, tôi van xin đồng chí hãy xét lại trường hợp của tôi, không phải tôi mong muốn được tha thứ, mà để vạch mặt âm mưu khiêu khích hèn hạ này, nó như con rắn cuốn lấy nhiều người do sự yếu hèn của tôi và sự vu khống đầy tội lỗi của tôi. Tôi thề không bao giờ phản bội đồng chí. Tôi không bao giờ phản bội đảng. Tôi biết tôi sắp ra đi vì những vu cáo xảo quyệt, đê tiện chống tôi, do kẻ thù của đảng và nhân dân bày đặt ra. Một lá đơn quan trọng như thế thiết tưởng phải được Ban chấp hành trung ương biết đến và thế nào cũng phải được bàn bạc. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Lá đơn được chuyển đến tay Bêrya và đồng chí Âykhê ‐ ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị ‐ vẫn bị tiếp tục tra tấn tàn nhẫn. Phiên tòa xử đồng chí Âykhê diễn ra ngày 2‐2‐1940. Trước tòa, Âykhê không nhận một tội lỗi nào. Ðồng chí tuyên bố như sau:Trong tất cả cái gọi là ʺlời thú tộiʺ của tôi, không một từ nào là sự thật, không một chữ nào tự tay tôi viết ra, ngoại trừ chữ ký của tôi ở dưới tờ biên bản mà người ta đã dùng nhục hình để cưỡng bức tôi. Tên công an điều tra, là tên đã hành hạ tôi từ ngày tôi bị bắt, đã buộc tôi phải ʺthú nhậnʺ. Sau những lần bị tra tấn, tôi đã ký nhận tất cả những điều thô thiển này... Ðiều quan trọng là tôi phải tuyên bố trước tòa án, trước đảng và trước Stalin: tôi vô tội. Tôi không bao giờ chủ trương một âm mưu nào cả. Tôi sẽ chết với lòng tin tưởng ở chính sách đúng đắn của đảng, cũng như tôi đã tin tưởng trong suốt cuộc đời tôi. Âykhê bị hành quyết ngày 4/2. (Phẫn nộ trong phòng)Hiện nay, chúng ta biết chính xác: vụ án Âykhê hoàn toàn bịa đặt, ngụy tạo. Ðồng chí đã được phục hồi sau khi mất.

đọc tiếp:
src

*
***
*
http://www.newsru.com/russia/06nov2005/poros.html

Aucun commentaire: