jeudi 21 juin 2007

Hai Bức Chân Dung Hồ Chí Minh Thường Được Giới Thiệu Tới Ngày Nay

VIET BAO Số: 4039 Ra Ngày: 24/4/2006

Hai Bức Chân Dung Hồ Chí Minh Thường Được Giới Thiệu Tới Ngày Nay

Minh Võ

Lời tác giả: Nhận định về nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh từ trước tới nay rất đa dạng, trái ngược nhau, từ cực tả sang cực hữu. Có người tôn thờ ông ngang hàng với ĐứcTrần Hưng Đạo, có người lập bàn thờ tôn là Bồ Tát. Có người (gần đây thôi) lập hẳn một ngôi chùa ở Bình Dương rồi đặt tượng ông trước bàn thờ Phật. Nhưng cũng có người gọi ông là tên phản quốc số một của thời đại, là tên ma đầu, là con yêu râu xanh, là quỷ, quỷ vương.

Trong cuốn Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp, phần ghi chú trước khi vào sách, chúng tôi có chọn hai bức chân dung tương đối ôn hòa, trung dung, nhưng rất khác nhau để xin bạn đọc phán đóan rồi tự xét xem mình chọn bức nào, coi như gần với thực tế nhất. Riêng người viết cũng xin đưa ra nhận định của riêng mình trong chương sách thứ 51 gửi kèm theo đây, để Đàn Chim Việt tùy nghi phổ biến, nếu tiện. xin cám ơn.

Minh Võ 21-04-06.

– Bức chân dung thứ nhất:

Sinh ngày 19-5-1890, tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung sau đổi là Nguyễn Tất Thành, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình bần nho có thành tích chống Pháp. Từ tuổi thơ ấu đã được hun đúc, rèn luyện để trở thành nhà ái quốc.

15 tuổi đã có ý thức chính trị siêu phàm, phê bình các bậc tiền bối cách mạng lừng danh là những người đi lạc đường sẽ không thể cứu nước được.

Do đó, 21 tuổi quyết chí lên tầu làm phụ bếp rời quê hương để ra đi tìm đường cứu nước.

Mang tên Nguyễn Ái Quốc để tập họp các người yêu nước ở nước ngoài tranh đấu đòi tự do dân chủ độc lập cho tổ quốc.

Gia nhập đảng Xã Hội Pháp để học hỏi và tìm phương tiện đấu tranh cho mục đích trên.

Ra khỏi đảng Xã Hội, sáng lập đảng CS Pháp cùng với những đảng viên Xã Hội bỏ phiếu cho QT3.

Sang Liên Xô gặp gỡ các nhà lãnh đạo QT3, học hỏi, thảo luận, nghiên cứu thêm để tìm đường cứu nước.

Từ Liên Xô sang Trung Quốc, bán báo để kiếm sống và hoạt động cách mạng cứu nước. Từ đó vào làm thông dịch viên cho Borodin. Tập họp giới trẻ VN ở Hoa Nam lập nên Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội.

Được QT3 cử đứng ra sắp xếp thống nhất 3 đảng CS ở Đông Dương thành một đảng duy nhất.

Lập mặt trận Việt Minh để đoàn kết mọi lực lượng yêu nước giải phóng đất nước.

Lãnh đạo cách mạng tháng 8 thành công.

Lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Ký kết hiệp định sơ bộ 6-3-1946 với Pháp để tranh thủ một nền tự trị trong Liên Hiệp Pháp. Pháp muốn tái lập nền đô hộ ở Đông Dương vi phạm hiệp định này khiến Hồ Chí Minh phải lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Pháp để duy trì nền độc lập.

Hồ Chí Minh luôn luôn chủ trương đường lối ôn hòa không muốn có chiến tranh, nhưng do Pháp ngoan cố nên phải quyết chiến. Việc xâm nhập, đánh chiếm miền Nam là do đàn em chủ trương. Hồ Chí Minh bị “thiểu số” nên bất đắc dĩ phải theo.

Những thảm trạng tàn sát người vô tội trong Cải Cách Ruộng Đất, Tết Mậu Thân, Xô Viết Nghệ Tĩnh vv... đều do đám thủ hạ ở dưới gây ra chứ Hồ Chí Minh không chủ trương như vậy.

– Bức chân dung thứ 2:

Sinh ra trong một gia đình nhà Nho. Ngày, tháng, năm sinh đều không rõ vì có nhiều niên hiệu khác nhau. Tên khai sinh là Nguyễn Tất Thành. Thân phụ là phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đang làm quan cho chính phủ Nam triều bị cách chức vì say rượu đánh chết người. Thiếu phương tiện sinh sống, Nguyễn Tất Thành xuống tầu Latouche - Tréville làm phụ bếp kiếm kế sinh nhai, nhờ đó được chu du thế giới. Đến Marseilles, anh Thành nộp đơn xin vào trường Thuộc Địa của Pháp nhưng bị từ chối. Anh tiếp tục làm bồi tàu, thuỷ thủ để kiếm sống do đó từng qua cả Mỹ lẫn Anh. Thời gian ở Anh không được rõ anh ở đâu làm gì. Năm 1917, Thành trở lại Pháp, tiếp xúc với những nhà ái quốc tên tuổi như Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, nhất là nhà cách mạng Phan Chu Trinh, bạn học cũ của thân phụ anh và được mang tên chung Nguyễn Ái Quốc cùng với các nhân vật này để hoạt động tuyên truyền vận động cho phong trào yêu nước tại Pháp.

Năm 1919 Thành gia nhập đảng xã hội Pháp là một đảng Mác-xít có đường lối đấu tranh tương đối ôn hòa. Anh say mê nghiên cứu học thuyết Marx. Đại tác phẩm Tư Bản Luận là sách gối đầu giường của anh (Sainteny).

Anh cũng theo dõi các biến chuyển trong phong trào Mácxít và tìm đến Lênin vì ông này đã lãnh đạo thành công cách mạng tháng mười.

Cuối năm 1920 dự hội Tours của đảng xã hội, trong đó đảng chia làm hai và anh theo phe ủng hộ QT3 của Lênin tham gia thành lập đảng CS Pháp.

Lúc ấy Manuilski, đồ đệ của Lênin từng lưu vong ở Pháp từ 1905, đang có ảnh hưởng lớn trong đảng CS Pháp, tiếp xúc với Thành mà ông ta chỉ biết dưới tên chung Nguyễn Ái Quốc. Manuilski lợi dụng Quốc để quảng bá chủ trương sách lược mới của Lênin: khai thác lòng yêu nước của nhân dân các nước bị trị để đánh đổ các đế quốc thực dân, làm suy yếu chế độ Tư Bản. Thành cũng lợi dụng Manuilski để có dịp gặp Lênin và các cán bộ cao cấp QTCS. Với sự thông minh và tài ngoại giao anh đã toại nguyện. Anh được được đi dự các hội nghị lớn của QT3, được cử vào ủy ban trung ương QT Nông Dân. Rồi vào trung ương Ủy Ban Tuyên Truyền Quốc Tế.

Cuối năm 1924, Manuilski cử Quốc sang Trung Hoa làm phụ tá và thông dịch viên cho Mikael Borodin, trưởng đoàn cố vấn Liên Xô cạnh chính phủ Quốc Dân Đảng Tôn Dật Tiên. Thực ra, đó chỉ là bình phong, vì Quốc được QT3 trao nhiệm vụ Tuyên Truyền chủ nghĩa CS và lập các chi bộ CS tại Đông Nam Á. Quốc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên được cử đại diện cho QT3 lo hợp nhất 3 đảng CS ở Đông Dương ngày 3-2-1930.

Bị nhà cầm quyền Anh bắt ở Hương Cảng vì tình nghi hoạt động Cộng Sản, bị giam rồi được thả (nhờ QT3 can thiệp cử luật sư người Anh có khuynh hướng thiên tả bào chữa), sau đó bị gọi về Mạc Tư Khoa tái huấn luyện và học 3 năm tại trường cao cấp Lênin.

Trong đại hội VII (1935), theo tình hình Liên Xô muốn đấu dịu với các nước Tư bản Tây Phương, Đảng CS Đông Dương được lệnh Mac Tư Khoa đổi hướng đấu tranh đòi tự do dân chủ theo chân đảng Cộng Sản Pháp với Mặt Trận Bình Dân.

Năm 1938, Quốc được phái trở lại Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc hợp tác Quốc - Cộng của nước này vào năm sau, khi thế chiến II bùng nổ.

Được trang bị đầy đủ về lý thuyết, chiến lược sách lược đấu tranh của Lênin, nhất là được rèn luyện kỹ hơn về tình báo gián điệp và tuyên truyền, Quốc trở lại hoạt động ở Hoa Nam. Ông đã thành công trong việc xâm nhập, thao túng và chiếm danh của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, lũng đoạn chính phủ lâm thời của Trương Bội Công, thao túng Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội của Nguyễn Hải Thần. Hai tổ chức này đều đã tiếp nhận Quốc và bị ông phản, vì mục đích của ông là gia nhập để “biến chúng thành tổ chức của mình” thể hiện đúng kỹ thuật đấu tranh theo sách lược liên minh giai đoạn của Lênin.

Năm 1942 Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Hồ Chí Minh, nhận sự giúp đỡ của tướng Trương Phát Khuê của THDQ và những người Mỹ trong tổ chức OSS, tiền thân của CIA. Để đổi lại, ông hứa cung cấp những tin tức về hoạt động của quân Nhật tại Việt Nam.

Với uy tín hội Việt Minh của Hồ Học Lãm và tài tổ chức của một cán bộ QTCS lão luyện, Hồ Chí Minh nhân danh hội này, lập nên Mặt Trận Việt Minh ngày 19-5-1941 tại hang Pác Bó tỉnh Cao Bằng, quy tụ đồng bào trong nước tiến hành cuộc Cách Mạng Tháng Tám thành công, lập nên chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Dần dần các cá nhân đoàn thể yêu nước từng ủng hộ ông nhưng không tán thành đường lối CS đều bị ông loại khỏi Việt Minh. Từ đó Việt Minh coi như đồng nghĩa với CS nên ông lập ra mặt trận Liên Việt để quy tụ những nguời không tán thành đường lối của Việt Minh. Với mặt trận này, Hồ Chí Minh tiến hành chiến tranh chống Pháp.

Nhưng lúc ấy có nhiều dấu hiệu cho thấy dân chúng đã nhận ra tính chất CS của Hồ Chí Minh và các nước Đồng Minh cũng không còn ủng hộ. Tình thế càng nguy ngập hơn do những tổn thất nặng về quân sự sau những trận đánh lớn ở vùng Việt Bắc trong năm 1947.

Ông bèn ngồi viết kiệt tác tuyên truyền dưới bút hiệu Trần Dân Tiên, tự mô tả mình như một nhà ái quốc chân chính được nhân dân gọi là “Cha Già Dân Tộc” với những đức tính dễ thương, lòng nhân ái vô hạn. Ông cho dịch gấp ra tiếng Pháp, gửi sang Ngưỡng Quang, Miến Điện để dịch ra tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác. Cán bộ Cộng Sản khắp nơi dựa theo đó tô vẽ, tạo ra các huyền thoại biến ông thành vị thần bí ẩn và một số nhà báo, học giả ngoại quốc cũng theo đó ca tụng ông là “Cha già dân tộc”, là nhà ái quốc. Nhân danh “cha già dân tộc”, Hồ Chí Minh lôi cuốn, xô đẩy nhân dân vào vòng lửa đạn để nắm vững quyền lực và gây thanh thế.

Áp dụng chiến thuật Mao Trạch Đông và tự đặt dưới sự chỉ đạo của các tướng Trung Cộng Trần Canh, Vi Quốc Thanh, ông đánh thắng Pháp tại Điện Biên Phủ, chiếm được nửa nước, từ vĩ tuyến 17 trở ra.

Lập tức, ông cho tiến hành Cải Cách Ruộng Đất và Hợp Tác Hóa nông, công, thương nghiệp theo mô hình các nước cộng sản đàn anh. Trong CCRĐ nửa triệu dân đã bị hành quyết vì “tội sở hữu một số tư điền”, và bị những tòa án nhân dân do ông chỉ thị cho dựng lên kết án họ là địa chủ, cường hào ác bá. CCRĐ coi như thất bại, ông cử đàn em thân tín là Võ Nguyên Giáp xin lỗi nhân dân, mở ra chiến dịch “sửa sai” để làm cái bẫy bắt gọn những ai ra mặt phê bình “Bác” và đảng.

Kế hoạch kinh tế chỉ huy thất bại khiến kinh tế miền Bắc suy sụp. Năm 1959, ông đưa cán binh xâm nhập miền Nam, mở con đường mòn xuyên lãnh thổ Ai Lao mang tên HCM chuyển quân và vũ khí vào Nam, thi hành chính sách “chiếu cố miền Nam”. Cán bộ “nằm vùng” được lệnh ám sát, bắc cóc, thủ tiêu các viên chức chính quyền Miền Nam tại các thôn xã.

Quốc hội miền Nam đối phó bằng cách ban hành luật 10/59 đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Trong khi miền Nam dùng luật pháp để tự vệ, thì ông Hồ và đảng cộng sản khủng bố phá hoại miền Nam bằng mọi cách phi pháp. Cuối năm 1960 ông cho lập “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam” do các cán bộ cộng sản nằm vùng đứng sau điều động đẩy mạnh hơn nữa các hành động phá hoại khủng bố.

Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm tại miền Nam bị giết, Hồ Chí Minh theo lệnh Trung Cộng tiến hành một kế hoạch đại quy mô tiến chiếm miền Nam trong lúc hỗn loạn. Nhưng Mỹ đã can thiệp để cố giữ miền Nam thêm 10 năm nữa. Đầu năm 1968, mặc dầu đã gần 80 và đang dưỡng bệnh tại Trung Quốc, ông Hồ vẫn tích cực chỉ đạo và thường xuyên theo dõi cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân là trận đánh quyết liệt đẩy gần năm chục ngàn cán binh cộng sản vào chỗ chết.

Hơn năm sau ông cũng chết vào ngày 2-9-1969, nhằm đúng ngày “quốc khánh” của ông.

Minh Võ

Trích Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp, phần chú thích trước khi vào sách, trang 27- 32.

Hồ Chí Minh Và Vị Đại Anh Hùng Ai Quốc (phần 1)

Minh Võ

Không một ai thắc mắc khi nghe nhắc Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… là những đại anh hùng cứu quốc hoặc Trần Bình Trọng, Lê Lai hay Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học… là những anh hùng dân tộc và Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… là những nhà cách mạng yêu nước.

Cũng không một ai thắc mắc khi các danh xưng trên không được dành cho nhiều nhân vật lịch sử lừng danh như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung, Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Ánh …

Vấn đề không phản ảnh thái độ gán ghép chủ quan mà thể hiện sự đáp ứng trọn vẹn các tiêu chuẩn trong hàm nghĩa của ngôn từ. Hành vi và quyền lực của Trần Thủ Độ chưa dễ có người sánh nổi hoặc vượt qua, nhưng Trần Thủ Độ vẫn mãi mãi chỉ là Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ là nhân vật trung tâm gây dựng một triều đại lẫy lừng nhưng lịch sử đã ghi nhận xu hướng mưu đồ cho một dòng họ và thủ đoạn tranh đoạt quyền hành bá đạo. Trần Thủ Độ đã thành công, đã chứng tỏ tầm vóc phi thường nhưng không phải anh hùng, cũng không phải người yêu nước.

Lịch sử không nghiệt ngã, thiên kiến nhưng công bằng.

Bởi danh hiệu anh hùng, yêu nước luôn bác bỏ việc đặt quyền lợi cá nhân hoặc phe phái cao hơn cuộc sống toàn dân và bác bỏ mọi hành vi đi ngược nhân tính. Ở các trường hợp trên, mọi tiêu chuẩn trong hàm nghĩa của ngôn từ đều được thực tế đáp ứng nên danh chính khiến ngôn thuận, và vì thế, không còn thắc mắc.

Trong trường hợp Hồ Chí Minh, việc phù hợp với danh hiệu nào không đơn giản. Tuy đều dựa vào nền tảng thực tế, mọi danh hiệu luôn có vẻ thiếu chính danh và tiếp tục khơi gợi những thắc mắc.

Người xưng tụng Hồ Chí Minh là anh hùng, yêu nước cũng như người kết tội Hồ Chí Minh là phản dân, hại nước đều có thể nêu chứng cớ và đều gặp chống đối.

Người xưng tụng dựa trước hết vào mục tiêu đoàn kết dân tộc chống xâm lăng, giải phóng đất nước của các tổ chức đấu tranh mà Hồ Chí Minh tham dự qua nhiều thời kỳ.

Kế tiếp, là lòng yêu nước và bản tính nhân hậu bẩm sinh được tô bồi từ thuở thơ ấu bởi cả hoàn cảnh gia đình lẫn xã hội đã sớm đặt Hồ Chí Minh vào sự chọn lựa ý hướng tự nguyện hy sinh, sống trọn đời gian khổ vì dân, vì nước.

Cuối cùng là thái độ sùng kính mà toàn dân dành cho Hồ Chí Minh thể hiện qua sự triệt để hưởng ứng mọi hành động của Hồ Chí Minh, qua danh hiệu Cha già dân tộc và qua tiếng gọi Bác thân thiết…

Những người khác phủ nhận mọi viện dẫn trên cho rằng tất cả chỉ là trò trình diễn lường gạt nhắm lôi cuốn quần chúng để khai thác cho tham vọng cá nhân và mục tiêu truyền bá ảnh hưởng Liên Xô tại vùng Đông Á là nhiệm vụ mà Hồ Chí Minh được Đệ Tam Quốc Tế giao phó.

Bởi, từ thập niên 1920, Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành tín đồ Cộng Sản, (1) đã dứt khoát chọn con đường cách mạng vô sản thế giới và chưa bao giờ tỏ một dấu hiệu nào cho thấy chỉ dựa vào Liên Xô như một phương tiện khai thác cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

Cho nên, Hồ Chí Minh từng bị dân chúng gọi là Cáo Hồ, là Quỷ Vương, Mặt Trận Việt Minh từng bị coi là tiêu biểu của dối trá qua tiếng Vẹm (2) phổ biến từ 1945…

Sự khác biệt như ngày với đêm, như nước với lửa bắt nguồn từ thực tế phức tạp của một giai đoạn lịch sử mà mỗi sự việc, mỗi biến cố, mỗi hành vi của các nhân vật đều có thể hiểu theo nhiều cách, tùy thế đứng, tùy trình độ và tùy cả cảm quan cá nhân. Nói một cách khác, thực tế đã trải nhiều uốn nắn cho phù hợp với những phát biểu mang nặng tính chủ quan thay vì được giới thiệu chính xác để tự phát biểu.

Sau ngót 7 năm xuôi ngược mưu sinh, cuối năm 1917, Hồ Chí Minh định cư tại Pháp và bắt đầu tham gia đấu tranh qua tổ chức Những Người Việt Nam Yêu Nước của Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường. Nhưng toàn bộ hoạt động của Hồ Chí Minh cho tới cuối năm 1920 hoàn toàn không đáng kể, ngoại trừ sự gia nhập Đảng Xã Hội Pháp theo thúc đẩy của Phan Văn Trường là người lúc đó có nhiều tương quan với tổ chức này.

Cuối tháng 12-1920, Hồ Chí Minh ngả theo nhóm đảng viên Xã Hội ly khai để một năm sau, cuối tháng 12-1921, có mặt trong số những người thành lập Đảng Cộng Sản Pháp rồi được cử sang Nga vào năm 1923.

Từ đây, Hồ Chí Minh mới thực sự bước vào đấu tranh với một quá trình hoạt động có thể phân thành 3 thời kỳ chủ yếu:

- Thời kỳ hoạt động giải phóng dân tộc 1924-1945.

- Thời kỳ cầm đầu lực lượng kháng chiến 1945-1954.

- Thời kỳ “chiếu cố miền Nam” từ 1954 tới cuối đời.

– Thời kỳ hoạt động giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh khởi sự cuối năm 1924 tại Hoa Nam là vùng đất quy tụ người Việt Nam lưu vong đấu tranh chống thực dân Pháp.

Từ đầu thập niên 1920, diễn biến chính trị tại Á Đông không thể rũ bỏ ảnh hưởng của cuộc chính biến tháng 11-1917 tại Nga. Trong khung cảnh này, việc Lenin và đảng Cộng Sản Nga đoạt được quyền lãnh đạo đất nước có tác động hết sức lớn đối với hết thẩy người Việt Nam đang đấu tranh giành lại chủ quyền độc lập.

Câu hỏi đến với mọi người lúc đó không phải chủ nghĩa Cộng Sản ra sao mà chỉ đơn giản là người Nga có bí quyết gì để lật đổ nổi chế độ Nga hoàng?

Nguyện vọng đánh đuổi thực dân Pháp thúc đẩy tâm trạng nôn nóng muốn nắm ngay bí quyết này. Cho nên, năm 1920, Phan Bội Châu đã tìm gặp các viên chức Nga tại Bắc Kinh ngỏ ý nhờ giúp đỡ huấn luyện về kỹ thuật đấu tranh.

Phan Bội Châu không đạt ý muốn vì bị đặt trước đòi hỏi phải chấp nhận sự ràng buộc của Liên Xô.

Ảnh hưởng chính biến tại Nga cũng gây chấn động với giới lãnh đạo cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 của Trung Hoa khiến lãnh tụ Tôn Dật Tiên đã chấp nhận dung nạp Cộng Sản Trung Quốc để liên kết với Nga qua việc ban bố chính sách Liên Nga Dung Cộng. Việc liên kết Liên Xô – Trung Hoa Dân Quốc dẫn tới sự xuất hiện phái bộ cố vấn Borodin tại Quảng Châu là lý do Hồ Chí Minh có mặt tại đây từ cuối tháng 11-1924 với cái tên Lý Thụy (3).

Sự có mặt của Hồ Chí Minh khiến Hoa Nam không còn là địa bàn hoạt động riêng của những người Việt Nam đấu tranh thuần túy cho mục tiêu giải phóng dân tộc mà bắt đầu có sự chen chân của Cộng Sản Quốc Tế với mục tiêu vận động giai cấp đấu tranh tiến tới chuyên chính vô sản thế giới.

Vì tuy là người Việt Nam, Hồ Chí Minh đã có mặt với tư cách một cán bộ Đệ Tam Quốc Tế để thực hiện các nhiệm vụ ghi rõ trong quyết định ngày 25-9-1924 dưới sự chỉ huy trực tiếp của các cán bộ thuộc Bộ Phương Đông Đệ Tam Quốc Tế như Hilaire Noulens, Serge Lefrank… và theo lời lẽ của Hồ Chí Minh qua bản báo cáo ngày 18-12-1924 khi bắt đầu có mặt tại đây: “Trong lúc này, tôi là một người Trung Quốc chứ không phải là một người Việt Nam và tên tôi là Lý Thụy chứ không phải là Nguyễn Ái Quốc”.

Công việc trước mắt của Hồ Chí Minh cũng được ghi rõ trong một văn thư của Quốc Tế Nông Hội thuộc Đệ Tam Quốc Tế: “Theo nghị quyết của đoàn chủ tịch ngày 31-7 (1925), đồng chí được phân công phụ trách không những phong trào của nông dân Trung Quốc mà còn của tất cả các thuộc địa mà đồng chí có thể liên hệ được từ Quảng Châu, nghĩa là của Đông Dương, Miến Điện, Xiêm, Đài Loan và Nam Dương. Đồng chí đặt ngay liên lạc với những thuộc địa trên và tiến tới lập những nông hội ở đấy”.

Thời gian này, Hồ Chí Minh thường xuyên báo cáo công tác của mình và nguyên văn một đoạn báo cáo gửi về Mạc Tư Khoa mùa hè 1926 như sau:

“ Từ khi tới đây tôi đã làm những việc sau đây cho Đông Dương:

1. Lập một tổ chức bí mật.

2. Lập một hội nông dân (của những Việt Kiều sống ở Xiêm).

3. Lập một nhóm thiếu niên tiền phong Đông Dương, con cái công nông. Các cháu đang ở Quảng Châu do chúng tôi nuôi dậy.

4. Tổ chức một nhóm phụ nữ cách mạng (bắt đầu từ tháng tư, có khoảng 12 thành viên)

5. Lập một trường tuyên truyền...”

Bản báo cáo còn đề cập tới vấn đề tài chánh cung cấp bởi Đệ Tam Quốc Tế:

“Các chuyến đi dài ngày (khoảng 2 tuần) nguy hiểm và tốn kém nhiều mà phương tiện của chúng tôi lại ít ỏi (với tiền lương của tôi cộng với tiền lương của một trong số các đồng chí Liên Xô, công việc vẫn chưa chạy nhanh như mong muốn)... (4)

Không thể xóa bỏ nguồn cỗi Việt Nam, nhưng Hồ Chí Minh không còn coi mình là người Việt Nam như lời tự xác nhận vì đã chọn ý hướng phục vụ Đệ Tam Quốc Tế, được tổ chức này nuôi dưỡng và chỉ thị trong từng bước hành động.

Tuy nhiên để đạt hiệu quả trong thực tế, Hồ Chí Minh không thể công khai hóa tư cách Cộng Sản mà cần có bộ áo quốc gia che kín thân hình màu đỏ xẫm của mình tức không thể tách rời khỏi hàng ngũ người Việt Nam yêu nước.

Theo đúng chiến lược Lenin “đường tới Paris phải qua Bắc Kinh”, Liên Xô đặc biệt chú trọng việc bành trướng ảnh hưởng về phương Đông mà hầu hết các quốc gia đều mất quyền tự chủ nên đang sôi sục nguyện vọng giải phóng dân tộc.

Lenin đã đề ra sách lược liên minh qua chính sách mặt trận dân tộc với lời nhắc nhở: “Thắng lợi của cách mạng thế giới sẽ không thể có, nếu không có liên minh cách mạng giữa vô sản tại các nước tiên tiến với các dân tộc bị áp bức tại các thuộc địa bị nô dịch.”

Liên minh để tăng sức mạnh cho giai cấp vô sản đồng thời phân rẽ kẻ thù tư sản thành từng cụm nhỏ cô lập.

Tại phương Đông, cụm kẻ thù đầu tiên là các chính quyền thực dân và liên minh là đoàn kết với các thành phần chống đối thực dân. Nhưng nghĩa chữ đoàn kết theo Cộng Sản đã được Bùi Tín nêu rõ như sau: “Với những người lãnh đạo Cộng Sản, chữ đoàn kết có ý nghĩa khác với ý nghĩa thông thường...

Đoàn kết luôn có nghĩa và chỉ có một ý nghĩa là: Theo tôi! Đoàn kết trong Mặt Trận Việt Minh, trong Mặt Trận Liên Việt hay trong Mặt Trận Tổ Quốc có nghĩa là theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, chịu mọi sự áp đặt của Đảng Cộng Sản. Nói khác với Đảng, cãi lại Đảng là vi phạm tinh thần đoàn kết, là phá vỡ khối đoàn kết, là có tội…

Ngay ở trong Đảng, vấn đề giữ đoàn kết của Đảng như con ngươi của mắt mình, có nghĩa là luôn phải tuân theo ý kiến của lãnh đạo, không được có ý kiến khác, nếu có ý kiến khác thì liền bị kết tội bè phái, chia rẽ, phá vỡ sự đoàn kết, thậm chí là phản bội, phản động…

Trong phe xã hội chủ nghĩa, đoàn kết với Liên Xô luôn bao hàm ý tuân theo sự lãnh đạo và chỉ huy của Liên Xô, những ý kiến của Liên Xô phải coi là chỉ thị để chấp hành nghiêm chỉnh.

Trong mối quan hệ trên bán đảo Đông Dương, giữa ba nước Việt Miên Lào cũng vậy, đoàn kết bao gồm ý phải công nhận sự lãnh đạo của Việt Nam, phải coi ông Hồ Chí Minh là người lãnh đạo của cả ba đảng…

Đoàn kết trở thành sợi dây vô hình trói buộc mọi cá nhân với Đảng, mọi tổ chức với Đảng Cộng Sản, thủ tiêu các quyền dân chủ, thủ tiêu sự bình đẳng, làm cơ sở cho mọi sự chuyên quyền và độc đoán tệ hại. Đây cũng là một kiểu cách lạt mềm buộc chặt của ông Hồ Chí Minh” (5)

Hồ Chí Minh đã được huấn luyện tại Mạc Tư Khoa về sách lược liên minh và ý nghĩa đoàn kết đó trước khi nhận nhiệm vụ tại Bộ Phương Đông của Đệ Tam Quốc Tế.

Cuối năm 1924, Hồ Chí Minh có mặt bên cạnh các phần tử dân tộc đấu tranh tại Hoa Nam trong tinh thần liên minh và đoàn kết theo đúng hướng đã học tập.

Để thuận tình hợp cảnh, Hồ Chí Minh bắt buộc phải xuất hiện như một người yêu nước nhiệt thành với nguyện vọng tranh thủ độc lập và chủ nghĩa Cộng Sản chỉ được trình bày như phương tiện hữu hiệu duy nhất để đạt nguyện vọng này.

Đây không phải thủ đoạn cá nhân mà chính là nguyên tắc đấu tranh đã trở thành kinh điển. Không chỉ Hồ Chí Minh trình diễn bộ mặt yêu nước mà hết thẩy những người khác sau khi trở thành đảng viên Cộng Sản cũng phải trình diễn tương tự.

Cũng không riêng các cá nhân mà mọi tổ chức Cộng Sản đều phải thực hiện cùng một cung cách, dù hết thẩy đảng viên Cộng Sản các cấp đều thuộc lòng điều tâm niệm "dân tộc chỉ là màu sắc chứ không phải bản chất và chủ nghĩa ái quốc là một điều nguy hiểm” như khẳng định của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội trên báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội số ra ngày 20-12-1926.

Trước đó, tháng 6-1924, nghị quyết đại hội V của Đệ Tam Quốc Tế về sự hợp tác với các phần tử dân tộc tại Phương Đông cũng ghi rõ: "Điều mà chúng ta bắt buộc các đảng Cộng Sản phải làm là tìm cách xử dụng các phần tử dân tộc chống lại giai cấp tư sản. Các đảng Cộng Sản phải thúc đẩy các phần tử bất mãn chống lại chế độ…Dĩ nhiên chúng ta không bao giờ chấp nhận các phần tử dân tộc…Chúng ta chỉ lợi dụng sự bất mãn của họ để phục vụ cuộc cách mạng vô sản.” (6)

Hồ Chí Minh có mặt tại đại hội này và từng phát biểu: “Hiện nay nọc độc và sức sống của bọn rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc” (7)

Lời phát biểu không chỉ bày tỏ sự tán trợ sách lược vận dụng hình thức mặt trận dân tộc đoàn kết, lợi dụng các phần tử yêu nước mà còn xác nhận thế đứng dứt khoát trong trận tuyến đấu tranh giai cấp tiêu diệt kẻ thù tư bản.

Mục tiêu theo đuổi của Hồ Chí Minh không còn là nền độc lập dân tộc nữa mà là sự thành công của cách mạng vô sản và kẻ thù không chỉ là các guồng máy thực dân thống trị mà là toàn thể bọn rắn độc tư bản chủ nghĩa.

Dân tộc Việt Nam trước mắt Hồ Chí Minh không còn là một tập thể đồng bào cùng chung huyết mạch mà là một tập thể đầy rẫy bọn rắn độc tư bản chủ nghĩa, kẻ thù không đội trời chung của giai cấp vô sản là giai cấp tiền phong trong cuộc đấu tranh cách mạng đem lại hạnh phúc cho con người và cũng là giai cấp được Hồ Chí Minh chọn lựa phụng sự.

Trong tầm nhìn mới của Hồ Chí Minh so với ba năm trước, đấu tranh giải phóng dân tộc chỉ còn là đoạn đường đoạt thủ quyền lực, cụ thể là đoạt thủ chính quyền cho giai cấp vô sản.

Do các phần tử đấu tranh giải phóng dân tộc đều nhắm mục tiêu lật đổ guồng máy thực dân thống trị để giành độc lập nên tạm thời được coi như đối tượng liên minh cần thiết để tăng triển sức mạnh đối đầu với kẻ thù tư bản trong đó các phần tử thực dân là đối tượng cần tiêu diệt trước hết.

Liên minh chỉ là giai đoạn và ngay trong liên minh vẫn phải nắm quyền chủ động để bảo đảm chính quyền thuộc về giai cấp vô sản khi thực dân bị xô đổ, bởi như Engels đã định nghĩa, chính quyền chỉ là bộ máy mà một giai cấp dùng để hủy diệt giai cấp kia nên không thể để rơi vào tay các giai cấp khác, dù là giai cấp đang được liên minh.

Suốt thời gian hoạt động tại Hoa Nam, Thái Lan và cho tới cuối đời, trong mọi cuộc liên minh, Hồ Chí Minh đã tuân thủ triệt để ý nghĩa đoàn kết mà Bùi Tín diễn tả chính bởi mục tiêu này.

Liên minh để tăng triển lực lượng đấu tranh với điều kiện bảo đảm vị thế độc tôn của giai cấp vô sản nên đoàn kết trở thành tiêu diệt mọi dị kiến.

Trước hết là biến đổi các đối tượng đã tuân phục thành tín đồ tận tụy và kế tiếp là thanh lọc bằng mọi cách các đối tượng không chịu tuân phục. Cho nên khi Phùng Thế Tài bài bác việc gia nhập hàng ngũ các tổ chức đấu tranh giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã giảng giải: “Không vào là sai rồi. Tại sao không vào? Chúng mở cửa cho ta vào nắm quần chúng, sao ta lại quay đi? Chúng mở được hội, thì chúng có khả năng triệu tập quần chúng. Ta phải lợi dụng khả năng ấy. Phải vào mà biến tổ chức địch thành tổ chức ta.”

Tới Quảng Châu tháng 11-1924, chỉ vài tuần lễ sau, Hồ Chí Minh đã tiếp cận tổ chức Tâm Tâm Xã và tháng 6-1925 biến tổ chức này thành Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội với cái nhân được gọi là nhóm bí mật Cộng Sản Đoàn.

Nhóm bí mật gồm Hồ Chí Minh và 8 thành viên Tâm Tâm Xã tuân phục Hồ Chí Minh đã điều khiển tổ chức gồm rất đông hội viên đang có mặt tại Hoa Nam, Thái Lan, Việt Nam vận dụng chiêu bài giải phóng dân tộc, ngấm ngầm truyền bá tư tưởng Cộng Sản.

Với danh nghĩa Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội và chiêu bài tranh thủ độc lập, kể từ 1925, Hồ Chí Minh thu hút nhiều phần tử dân tộc đấu tranh ở trong nước tham gia Cộng Sản như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Xuân Khu, Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh…cùng nhiều phần tử chống Pháp khác đang hoạt động tại Thái Lan, Hoa Nam…

Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội nêu mục đích “hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mạng dân tộc, đập tan bọn Pháp, giành lại độc lập cho xứ sở, rồi sau làm cách mạng thế giới, lật đổ chủ nghĩa đế quốc”, nhưng trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng, phần được nhấn mạnh chỉ là làm cách mạng dân tộc.

Đầu năm 1930, khi Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội bị xóa tên để trở thành Đảng Cộng Sản Đông Dương thì đảng viên Cộng Sản tiếp tục xâm nhập các tổ chức yêu nước khác như Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của Hồ Học Lãm, Việt Nam Cách Mạng Đồng Chí Hội của Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần… đồng thời nêu chiêu bài dân tộc đấu tranh chống Thực Dân Đế Quốc qua một loạt tổ chức, trước hết là Hội Phản Đế Đồng Minh xuất hiện tháng 11-1930, rồi Mặt Trận Phản Đế Đông Dương tháng 4-1931, Đông Dương Phản Đế Liên Minh tháng 3-1935, Mặt Trận Dân Chúng Thống Nhất Phản Đế tháng 6-1936, Mặt Trận Nhân Dân Đông Dương tháng 10-1936, Mặt Trận Dân Chủ Đông Dương tháng 3-1939, Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất Phản Đế Đông Dương tháng 11-1939 và Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh tức Mặt Trận Việt Minh tháng 5-1941 với lời tuyên truyền Việt Minh không phải là đảng cộng sản, chỉ là một mặt trận gồm tất cả các đảng phái lấy lại độc lập cho nước nhà – theo ghi nhận của Trần Trọng Kim.

Suốt 20 năm từ 1925 đến 1945, Hồ Chí Minh không ngừng thúc đẩy đồng chí tuyên truyền cho mục tiêu đấu tranh của Cộng Sản là đập tan chế độ thực dân Pháp để thu hồi độc lập dân tộc và không ngừng hô hào đoàn kết dân tộc, thống nhất lực lượng đấu tranh để sớm đi tới thành công. Nhưng trong hành động thực tiễn, Hồ Chí Minh và các đồng chí không rời xa ý hướng gây dựng và phát triển sự tồn tại duy nhất của đảng Cộng Sản.

Cho nên Douglas Pike mô tả về hoạt động của Hồ Chí Minh trong giai đoạn này như sau: “Hầu hết những thắng lợi chính trị của Hồ trong thời kỳ tiền Việt Minh là kết quả của tài tổ chức: tạo dựng, xử dụng và đưa ra ánh sáng một cách thuận lợi một chuỗi những tổ chức mặt trận thống nhất, cái sau bao giờ cũng cao hơn cái trước, mỗi cái đều tăng cường quyền lực của đảng, mở rộng thêm sự ủng hộ của cơ sở quần chúng và loại trừ đối lập (rivals). Kỹ thuật (loại trừ) này gồm có việc bao lấy tổ chức đối lập đưa nó vào trong một cộng đồng xã hội rộng lớn hơn như một phương cách làm lu mờ căn cước riêng của nó và như một màn mở đầu để chặt mất đầu, không còn lãnh tụ nên phải tan rã…”

Thực chất sách lược liên minh hay đoàn kết dân tộc dành cho tất cả các tổ chức chấp thuận liên hiệp cùng Cộng Sản dưới một hình thức nào đó với mục đích tăng cường lực lượng chống thực dân chỉ là lôi cuốn, khai thác, lũng đoạn để cuối cùng chiếm đoạt hoặc tiêu diệt theo cách Hồ Chí Minh từng giải thích với Phùng Thế Tài là biến tổ chức địch thành tổ chức ta.

Để giữ vững thành quả, sách lược này còn bao gồm một loạt hành động nối tiếp nhắm loại trừ trở ngại và những mầm mống đe dọa được định danh là kẻ địch.

Quan niệm không có chân lý thứ hai ngoài chân lý Cộng Sản đã biến mọi tổ chức hay phần tử không tuân phục Cộng Sản đều trở thành kẻ địch. Tất nhiên, trong loại trừ kẻ địch thì mọi phương tiện đều tốt, bất kể kẻ địch là ai, ở đâu.

Bernard Fall ghi lại cách đối phó của Hồ Chí Minh với những người từng tham gia các lớp huấn luyện do Hồ Chí Minh hướng dẫn tại Quảng Châu nhưng không chịu từ bỏ tinh thần dân tộc: "Đối với những kẻ chứng tỏ không đáng tin cậy, hoặc sau khi tốt nghiệp trường Hoàng Phố mà từ chối không theo cộng sản, Hồ dùng một liều thuốc rất công hiệu: sai đảng viên cộng sản tiết lộ danh tánh họ cho tình báo Pháp. Sở an ninh trong nước sẽ tóm cổ họ ngay khi về tới.”

Cộng tác với mật thám Pháp chỉ là một trong nhiều phương cách thanh trừng trở ngại. Hai phương cách khác đã trở thành hoạt động đấu tranh của Cộng Sản là vu cáo, bôi nhọ hết thẩy các tổ chức, phần tử dân tộc có uy tín trong quần chúng hoặc thủ tiêu, ám sát.

Sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu nhìn phương cách hành động của Hồ Chí Minh qua sự biểu hiện một tài năng đấu tranh siêu việt theo kiểu nhìn của Halberstam, Douglas Pike, Buttinger … hoặc như chứng cớ cho một bản tính hiểm độc tàn ác theo kiểu nhìn của nhiều người khác.

Đó là những kiểu nhìn chỉ nhắm dẫn đến những lời khen hay tiếng chê về một con người biệt lập chứ không đóng góp tích cực cho nhu cầu xác định các biến cố đã xẩy ra trong thực tế với tính cách lịch sử.

Tiếng nói quan trọng cất lên từ phương cách hành động của Hồ Chí Minh đối với những người nặng tinh thần dân tộc, không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản là tiếng nói xác định ý hướng phụng sự của Hồ Chí Minh.

Ít nhất kể từ 1918, Hồ Chí Minh đã tham gia hoạt động trong nhóm Phan Chu Trinh do thúc đẩy của lòng yêu nước.

Nhưng từ 1923, khi trở thành cán bộ Đệ Tam Quốc Tế, Hồ Chí Minh tin tưởng tuyệt đối rằng “chủ nghĩa Mác-Lenin là ánh sáng chân lý, là mặt trời đưa lại nguồn vui” (8)

Ánh sáng của vừng mặt trời này cho thấy ngoại trừ giai cấp vô sản và những người tin theo Cộng Sản, mọi giai cấp hoặc phần tử khác đều thuộc hàng ngũ kẻ thù tức bọn rắn độc tư bản chủ nghĩa – theo ngôn ngữ của Hồ Chí Minh.

Vì thế, lòng yêu nước theo cái nghĩa thông thường đã được chính Hồ Chí Minh chỉ cho các đồng chí trong Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội hiểu là nguy hiểm bởi vừa khuôn hạn giữa các biên giới quốc gia nhỏ hẹp vừa đồng nghĩa với sự yêu thương bọn rắn độc tư bản.

Lòng yêu nước, nếu không được hiểu như một vỏ ngoài theo sách lược, sẽ phải hàm chứa ý nghĩa mới là mở rộng theo tầm soi rọi của ánh sáng chân lý Mác – Lenin tức bao quát hết thẩy giai cấp vô sản cùng những người tin theo Cộng Sản trên thế giới. Đất nước của Hồ Chí Minh không còn mang tên Việt Nam mà đã đổi thành quê hương của giai cấp vô sản.

Cho nên mới có lời nhắc nhở của Hồ Chí Minh về tính chất cuộc cách mạng tại Việt Nam như Trần Văn Giàu đã lập lại: “Chúng ta làm cách mạng đánh đế quốc thực dân tức là đánh tư bản chủ nghĩa. Cuộc cách mạng đó có qui mô thế giới mà cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là một bộ phận”.

Tính giai cấp đã hoàn toàn thay thế mọi thứ tình nhân loại, tình đồng bào… thậm chí cả tình gia đình ruột thịt.

Bởi tất cả những thứ tình này đều đe dọa gây trở ngại cho hoạt động đấu tranh cách mạng vô sản trong trường hợp thiếu nền tảng giai cấp tính.

Sách lược đấu tranh đòi hỏi Hồ Chí Minh phải vận dụng lòng yêu nước theo cái nghĩa thông thường, nhưng ý hướng đấu tranh và mục tiêu phụng sự của Hồ Chí Minh đã đặt trọn vào giai cấp vô sản. Phương cách hành động của Hồ Chí Minh từ 1924 tới 1945 là tiếng nói dứt khoát khẳng định thực tế này và phương châm hành động của Cộng Sản là cứu cánh biện minh cho phương tiện.

Từ đây tiếng nói quan trọng thứ hai đã cất lên là tiếng nói xác định những tổn hại mà lực lượng dân tộc yêu nước phải gánh chịu do phương cách hành động của Hồ Chí Minh.

Sau 20 năm hoạt động, Hồ Chí Minh đã có trong tay Đảng Cộng Sản Đông Dương đủ sức đoạt chính quyền vào Tháng Tám 1945. Sự lớn mạnh của Đảng này tất nhiên do tinh thần tích cực của các đảng viên nhưng không thể phủ nhận xương máu của nhiều nạn nhân là những người Việt Nam yêu nước kể từ tháng 6-1925. Những nạn nhân này đã đóng góp mạng sống vào sự phát triển của Đảng Cộng Sản bằng cách tự nguyện hy sinh cho chiêu bài yêu nước mà Hồ Chí Minh và các đồng chí luôn giương cao hoặc bằng cách bị đẩy vào ngục tù thực dân hay bị âm thầm hạ sát bởi những người Cộng Sản.

Song song với sự lớn mạnh của Đảng Cộng Sản, lực lượng dân tộc yêu nước đã liên tục bị triệt hạ, bị tiêu hao không vì mục tiêu phụng sự dân tộc hằng mong mỏi. Duncanson tỏ ra không xa thực tế khi cho rằng dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng Sản Đông Dương đã trở thành lực lượng chống lại những người-yêu-nước-chống-thực-dân.

Bởi khó thể nói khác rằng sức mạnh của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Đông Dương đã được nuôi dưỡng bằng xác chết của không biết bao nhiêu tổ chức dân tộc đấu tranh và những người Việt Nam yêu nước.

Douglas Pike biện giải rằng dù thực tế diễn ra như thế nhưng có thể ông Hồ không muốn thế và Larteguy coi đây là cái giá phải trả cho một cuộc cách mạng – “Để giữ nguyên sự thán phục dành cho cuộc cách mạng, tốt nhất là không nên nhắc đến các nạn nhân của nó”.

Douglas Pike, Larteguy là những người ngoài cuộc có thể phát biểu theo bất kể cách suy nghĩ đảo điên nào, nhưng tiếng nói cất lên từ thực tế Việt Nam vẫn khẳng định Hồ Chí Minh đã tranh thủ vị thế lãnh đạo bằng cái giá gây tổn hại đau đớn nặng nề cho dân tộc và hàng ngũ những người yêu nước đấu tranh.

Hồ Chí Minh đã nhân danh lòng yêu nước, nhân danh mục tiêu tranh thủ độc lập để tiến hành thủ đoạn tiêu diệt các lực lượng yêu nước hầu đi tới việc độc chiếm quyền hành vào Tháng Tám 1945.

Thời kỳ được gọi là đấu tranh giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh đã diễn ra theo chiều hướng này với những nỗ lực nhắm chủ yếu gây sức mạnh và giành quyền lực cho đảng Cộng Sản Đông Dương.

Hồ Chí Minh đã hoàn thành nhiệm vụ do Đệ Tam Quốc Tế giao phó là mở một đầu cầu bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản tại vùng Đông Nam Á bằng cách vận dụng hữu hiệu các nguyên tắc chiến lược sách lược Lenin-được-Staline-hóa để tiêu diệt hầu hết trở ngại là các tổ chức dân tộc yêu nước Việt Nam.

Điểm chính trong chiến lược sách lược này là phải kết hợp mọi tầng lớp nhân dân trong nước bị trị dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, hay dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản do Hồ Chí Minh, đại diện Đệ Tam Quốc Tế sáng lập và lãnh đạo. Mục tiêu tối hậu của mọi hoạt động là nắm chính quyền tại Đông Dương để tiến tới Cộng Sản hóa vùng Đông Nam Á.

Hồ Chí Minh đã thành công nhưng hàng loạt bàn tay khối óc cần thiết cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam đã bị hãm hại, thủ tiêu đồng thời đẩy tập thể dân tộc vào cảnh ngộ phân ly thù hận không thể hàn gắn tới ngày nay.

Bởi vì cuối cùng những người yêu nước đã thấy không còn chọn lựa nào ngoài sự cúi đầu cho Cộng Sản sai phái hay trở thành nạn nhân bị thanh toán. Tất nhiên, khi không chịu trở thành công cụ và muốn tránh số phận nạn nhân thì hành vi đối đầu tự vệ là hành vi bắt buộc phải làm và do đó không thể tránh tình trạng phân ly thù hận.

– Thời kỳ thứ hai là thời kỳ Hồ Chí Minh cầm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp từ 1945 tới 1954.

Biến cố mở đầu được gọi là Cách Mạng Tháng Tám hoặc cuộc Tổng Khởi Nghĩa Cướp Chính Quyền Về Cho Nhân Dân xẩy ra ngày 19-8-1945 là cuộc biểu tình tổ chức tại Công Trường Nhà Hát Lớn Hà Nội, sau đó biến thành tuần hành tới một số cơ quan để đại diện Việt Minh tiếp thu chính quyền theo thỏa thuận đã dàn xếp.

Mấy ngày sau, 27-8-1945, Hồ Chí Minh ra tuyên cáo về việc Ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng thuộc Mặt Trận Việt Minh “tự cải tổ thành Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, mời thêm một số nhân sĩ tham gia để cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó… Chính Phủ lâm thời không phải là chính phủ riêng của Mặt Trận Việt Minh… Nó thật là một chính phủ thống nhất quốc gia giữ trọng trách chỉ đạo cho toàn quốc, đợi ngày triệu tập được Quốc Hội để cử ra một Chính Phủ Dân Chủ Cộng Hòa chính thức…”.

Trước đó, ngày 25-8-1945 tại Huế, Bảo Đại chính thức tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện Việt Minh đồng thời tại Sài Gòn, Khâm Sai Nguyễn Văn Sâm cũng bàn giao chính quyền cho Lâm Ủy Hành Chánh do Trần Văn Giàu làm Chủ Tịch.

Các phe phái không Cộng Sản trên khắp nước đã bày tỏ cụ thể tinh thần liên hiệp đoàn kết. Hồ Chí Minh đã tuyên cáo chính phủ không phải của riêng Mặt Trận Việt Minh mà là chính phủ thống nhất quốc gia.

Khó khăn trước mắt là hậu quả nạn đói và trận lụt vừa xảy ra bắt đầu từ ngày 18-8-1945 tại nhiều tỉnh miền Bắc cùng với thái độ của nhiều phần tử thực dân trong chính giới Pháp không muốn từ bỏ chủ quyền tại Đông Dương.

Tuy nhiên, công việc đầu tiên của chính phủ do Hồ Chí Minh lãnh đạo lại xoay theo hướng khác.

Chỉ mấy ngày sau khi chính phủ chính thức ra mắt, ngày 1-9-1945, lực lượng võ trang Việt Minh mở cuộc tấn công tiêu diệt căn cứ Nga My, Ninh Bình của Đảng Đại Việt Duy Dân.

Trong 10 ngày đầu tháng 9-1945, Võ Nguyên Giáp nhân danh Bộ Trưởng Nội Vụ ký một loạt sắc lệnh giải tán các đảng Đại Việt Quốc Gia Xã Hội, Đại Việt Quốc Dân Đảng… vì âm mưu với ngoại quốc đe dọa nền Độc Lập của Việt Nam và bắt giữ nhóm lãnh đạo Thanh Niên Ái Quốc Hội với tội danh Việt gian.

Tại miền Nam, các nhân vật giáo phái và nhóm Cộng Sản Đệ Tứ Quốc Tế bị lùng bắt với tội danh âm mưu đảo chính. Hành động này khiến bùng nổ cuộc biểu tình phản đối của tín đồ Hòa Hảo tại Cần Thơ ngày 8-9-1945 và trở thành một vụ thảm sát khi Việt Minh đưa lực lượng võ trang tới trấn áp.

Trả lời dư luận thắc mắc, ngày 10-9-1945, Trần Huy Liệu họp báo tại Hà Nội thanh minh chính phủ không hề khủng bố hay bắt bớ tràn lan “mà chỉ bắt những kẻ đã được nhận thấy là có phương hại tới chính quyền của nhân dân”.

Ngày 11-9-1945, báo Cứu Quốc của Việt Minh loan tin bắt giữ một số Việt gian xâm nhập từ các tỉnh Cao Bằng, Lào Kay mà thực tế chỉ là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Thanh Niên Ái Quốc Hội…

Trong cùng ngày, Võ Nguyên Giáp ký sắc lệnh giải tán Việt Nam Hưng Quốc Thanh Niên Hội, Việt Nam Thanh Niên Ái Quốc Hội.

Hai ngày sau, 13-9-1945, báo Cứu Quốc loan tin bắt giữ hai lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng từng là đồng chí của Nguyễn Thái Học là Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thế Nghiệp với tội danh phản quốc. Hai người này đều bị giết sau đó. Tờ báo đăng một bài dài mạ lỵ nhóm lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng đồng thời, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 31 buộc mọi công dân “phải khai báo ý định biểu tình, hội họp cho chính quyền trước 24 giờ” và ngày 15-9-1945, Hồ Chí Minh ký thêm sắc lệnh “đưa đi an trí tất cả những phần tử nguy hiểm cho cách mạng”…

Bộ máy chính quyền đã được vận dụng tối đa và tức khắc vào việc trấn áp các phần tử được nhận thấy có phương hại tới chính quyền của nhân dân như cách nói của Trần Huy Liệu.

Chỉ có một thay đổi nhỏ so với thời kỳ trước là không cần sự tiếp tay của cơ quan mật thám Pháp vì lúc này Đảng Cộng Sản đã nắm quyền trong tay.

Bernard Fall nói về hoạt động của Hồ Chí Minh: “Ông ta quyết tâm làm cho cái Nhà Nước Việt Nam (Dân Chủ Cộng Hòa) sống sót bằng bất cứ giá nào…Khi Hồ thương thuyết với Pháp ở Fontainebleau thì đồng chí của ông là Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giầu, Nguyễn Bình, Phạm Văn Bạch thanh toán "các kẻ nội thù của chế độ" gồm các nhà lãnh đạo các giáo phái, các quan lại (Ngô Đình Khôi), các nhà trí thức (như Phạm Qùynh), nhóm Trotskit, và các người yêu nước chống cộng” khiến dẫn đến cái hậu quả là " tại Nam Kỳ, cả hai phía, giáo phái và Việt Minh đã giải quyết thanh toán những phần tử cảm tình của đối phương như sau: Trói lại từng chùm rồi thả xuống sông Mê Kông cho chết trôi ra biển.”

Trong lúc tiến hành các thủ đoạn khủng bố tàn khốc đó, Hồ Chí Minh luôn tỏ ra sẵn sàng chấp nhận sự nhượng bộ tối đa trước đòi hỏi của các lực lượng dân tộc để chứng minh lòng yêu nước.

Ngày 11-11-1945, Hồ Chí Minh công bố nghị quyết tự động giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương với lời phát biểu muốn “hợp tác tinh thành với các đảng phái khác” trong tinh thần đoàn kết dân tộc và tiến tới thành lập chính phủ liên hiệp để cùng chung lo việc nước.

Các lực lượng Việt Cách, Việt Quốc từ Hoa Nam trở về đáp ứng lời kêu gọi đoàn kết qua bản thông cáo chung ký tên Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh ngày 24-12-1945 với mục tiêu cụ thể:

– Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết, tinh thành cùng nhau thảo luận để giải quyết hết thẩy những vấn đề khó khăn trước mắt.

– Ủng hộ một cách thiết thực cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc Hội.

– Đình chỉ mọi sự công kích nhau bằng ngôn luận và hành động.

Rồi chính phủ liên hiệp ra mắt, bầu cử Quốc Hội được tiến hành. Trên thực tế, cuộc liên hiệp chỉ giúp Hồ Chí Minh củng cố vai trò lãnh đạo trong hoạt động ngoại giao với Pháp, ngoài ra các biện pháp tấn công phe đối lập vẫn tiếp diễn.

Trong Một Cơn Gió Bụi, Trần Trọng Kim ghi lại diễn tiến liên hiệp thời điểm đó: “Việt Minh đem một số người ở ngoài đảng của họ vào trong chính phủ như Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Đào Trọng Kim vv... để tỏ ra là một chính phủ liên hiệp có cả các hạng người. Song những cơ quan trọng yếu như quốc phòng, nội vụ, tài chính, tuyên truyền đều ở tay những người chính thức Việt Minh, tức là cộng sản như Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiến, Phạm Văn Đồng vv...

Về phương diện quân sự thì quân của Việt Minh có Giải Phóng Quân là quân đã được huấn luyện chính trị cộng sản, Vệ Quốc Quân và Tự Vệ Quân tức là công dân do các ủy ban xã, phố cắt để canh gác và giữ trật tự.

Quân của Quốc Dân Đảng thì có từng khu riêng. Tuy bề ngoài nói các quân đội thuộc về bộ quốc phòng, nhưng thực ra bộ ấy không có quyền hành gì cả. Việc gì cũng quyết định ở quân sự ủy viên hội có Võ Nguyên Giáp, Cộng Sản, làm chủ tịch … Lúc ấy khẩu hiệu của chính phủ là "thống nhất quân đội" mà ba tháng sau khi chính phủ liên hiệp thành lập, quân đội vẫn không thống nhất được… Quân Việt Minh chỉ rình có cơ hội là đánh quân Quốc Dân Đảng, hay bao vây để tiêu diệt lực lượng đối phương, thành ra hai bên cứ kình địch nhau mãi… Sở công an Việt Minh bắt những người Việt Nam Quốc Dân Đảng hay những người bị tình nghi vào tra tấn cực hình, có khi dùng những cách tàn nhẫn ghê gớm hơn thời Pháp và Nhật cai trị. Người một nước với nhau mà đối xử vô nhân đạo như thế, thật là thê thảm.”

Về tình hình chung, Trần Trọng Kim nhận định: “Cộng sản đảng, theo cách tổ chức và hành động, là một tôn giáo mới… Ai không tin theo và phản đối những người đứng đầu đảng tức những bậc giáo chủ, là người phản đạo, phải trừng trị rất nghiêm... Cho nên cha con, anh em, bè bạn không có tình nghĩa gì cả, chỉ biết tôn trọng chủ nghĩa cộng sản và phục tòng người cầm quyền của đảng, ngoại giả, giết hại lẫn nhau, lừa đảo nhau: hễ ai làm những việc lợi cho đảng là người giỏi, người tốt… để thành lập xã hội mới. Xã hội mới ấy không tranh đấu cho quốc gia hay dân tộc. Dù có nói tranh đấu cho quốc gia hay dân tộc, cũng chỉ là phương pháp dùng tạm thời cho được việc mà thôi, chứ mục đích cốt yếu là tranh đấu cho giai cấp vô sản… để thực hiện một thế giới đại đồng, đặt dưới quyền chỉ huy của giáo chủ cộng sản ở bên Nga... Phương thuật của đảng cộng sản bên Nga nói là bài trừ đế quốc chủ nghĩa và tiêu diệt những chế độ độc tài áp chế nhưng lại áp dụng chế độ độc tài áp chế hà khốc và tàn ác hơn… Người cộng sản hay dùng chữ giải phóng…Có phải trước kia có cái cũi giam người, bây giờ đem cái cũi kiểu mới đến bên cạnh rồi bảo người ta chạy sang cái cũi mới ấy là giải phóng không? Nếu cái nghĩa giải phóng là thế, thì cũi cũ hay cũi mới cũng vẫn là cái cũi, chứ hơn gì?… Người nào công kích người cầm quyền của đảng là phải tội bị đày, bị giết. Ai không sốt sắng theo mình thì bị tình nghi, phải chịu mọi phiền khổ. Nhân dân vẫn bị đàn áp lầm than…Như thế thì giải phóng ở đâu?…Lúc đầu Việt Minh tuyên truyền rầm rĩ: "Nước Việt Nam đã được Đồng Minh cho hoàn toàn độc lập, dân được tha hết các thứ thuế"… Dân nghe nói thế chạy ùa ùa theo. Sau chẳng thấy độc lập đâu và dân lại phải đóng góp nặng hơn trước... Thủ đoạn của Việt Minh là dùng mọi cách bạo ngược, giả dối cho được việc trong một lúc. Như họ đối với Việt Nam Quốc Dân Đảng, nay nói đoàn kết, mai nói đoàn kết, nhưng vẫn đánh úp, vẫn bao vây cho tuyệt lương thực. Khi đánh được thì giết phá, đánh không được thì lại đoàn kết, rồi cách ngày lại đánh phá...”

Cho nên, giữa lúc hiện diện chính phủ liên hiệp, tháng 7-1946, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy công an tấn công các trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Hà Nội với lý do triệt hạ bọn cướp của giết người và cán bộ Cộng Sản dựng hình nộm khắp các cửa chợ, bến sông với tấm băng quàng trước ngực ghi tên Việt gian Nguyễn Hải Thần, Việt gian Vũ Hồng Khanh, Việt gian Nguyễn Tường Tam… là những người có mặt trong chính phủ liên hiệp nhưng không chấp nhận Cộng Sản…

Hồ Chí Minh đã tiếp nối hoạt động của thời kỳ trước với mức độ cao hơn.

Nhu cầu đoàn kết dân tộc khẩn thiết hơn bao giờ hết khi chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ cuối tháng 12-1946, nhưng với Hồ Chí Minh, chiến tranh là cơ hội tốt để thanh toán các phần tử đối lập hầu củng cố đảng Cộng Sản được tuyên bố giải tán từ cuối năm 1945. Bernard Fall là người từng gặp gỡ và có nhiều thiện cảm với Hồ Chí Minh đã ghi lại: "Chiến tranh Đông Dương bùng nổ đã đơn giản hóa những khó khăn về chính trị của ông Hồ. Không cần phải đối xử với phe đối lập bằng bàn tay bọc nhung nữa: Cứ việc gọi họ một cách đơn giản là Việt gian.”

Tất nhiên không phải toàn thể quần chúng đều dễ dàng tin theo luận điệu chụp mũ vu cáo do Cộng Sản đưa ra.

Nếu có những người do lòng yêu nước thúc đẩy chỉ dồn trọn tâm lực vào việc chiến đấu chống Pháp không băn khoăn về mọi diễn tiến khác thì cũng có những người ưu tư về chủ trương của Hồ Chí Minh.

Những người sau này đã nhận thấy đối với Hồ Chí Minh, không phải thực dân Pháp mà chính những người yêu nước không chấp nhận Cộng Sản mới là kẻ thù số một. Cho nên thay vì tập trung sức mạnh toàn dân để ngăn chống Pháp, Hồ Chí Minh đã lợi dụng tình thế chiến tranh để tiêu diệt các phần tử đối lập bằng mọi thủ đoạn.

Mục tiêu phụng sự quốc gia dân tộc mà Hồ Chí Minh luôn tuyên bố đã hiện hình là chiêu bài che đậy cho mục tiêu giai cấp đấu tranh. Quốc gia dân tộc chỉ là phương tiện giúp Hồ Chí Minh và các đồng chí áp đặt một đường lối chính trị vào Việt Nam.

Ý thức này khiến mọi hy vọng cuối cùng về hòa hợp hòa giải dân tộc hết lý do tồn tại và không ít người đã dứt khoát từ bỏ hàng ngũ kháng chiến do Cộng Sản đang khai thác để mở ra cục diện tình hình mới là sự hình thành trận tuyến những người Việt Nam yêu nước chống Cộng Sản.

Trên thực tế, sự hiện diện của yếu tố Cộng Sản trong tình hình Việt Nam ngay từ 1945 đã trở thành vấn đề hết sức phức tạp đối với chính giới Pháp, Mỹ. Tư cách cán bộ Đệ Tam Quốc Tế của Hồ Chí Minh giúp thêm lý do cho các phần tử thực dân Pháp theo đuổi tham vọng tái lập chủ quyền tại Đông Dương, đồng thời trở thành chướng ngại cho chủ trương của Mỹ chống đối chế độ thực dân. Bốn tháng trước khi chính thức tuyên chiến với Đức, Tổng Thống Roosevelt đã thuyết phục Thủ Tướng Anh Churchill cùng ký tên trong bản Tuyên Cáo 14-8-1941 được gọi là Hiến Chương Đại Tây Dương cam kết tôn trọng quyền tự quyết của các quốc gia bị trị. Với chủ trương này, Mỹ không đồng ý cho quân Pháp giải giới Nhật tại Đông Dương và đặt lực lượng Đồng Minh tại Đông Nam Á dưới sự chỉ huy của Anh. Do đó, đơn vị đặc vụ Mỹ tại Hoa Nam đã hỗ trợ Việt Minh từ đầu năm 1945 và nhiều sĩ quan Mỹ tỏ ra có thiện cảm với Hồ Chí Minh. Trong ngày tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 của Việt Nam, một số tướng tá Mỹ đã hiện diện trên khán đài ở Hà Nội, thậm chí tướng Gallagher còn lên đài phát thanh Hà Nội hát “quốc ca” đòi “phanh thây uống máu quân thù” đến nỗi sau đó bị khiển trách. Tuy nhiên, Mỹ lại nắm chắc tính lệ thuộc Liên Xô của Hồ Chí Minh và đang đối diện với mối lo về tình trạng Liên Xô mở rộng ảnh hưởng khắp Đông Âu sau sự sụp đổ của Đức. Một chính quyền Cộng Sản xuất hiện tại Việt Nam với tư cách đầu cầu cho Liên Xô tràn lấn khắp Đông Nam Á là điều ngoài ý muốn của Mỹ. Cũng ngoài ý muốn của Mỹ nếu Pháp tái lập chế độ bảo hộ tại đây.

Thực ra không phải chính quyền Paris lúc đó không chia xẻ mối ưu tư của Mỹ về hiểm hoạ Cộng Sản. Ngay trong thời gian tiến hành hội nghị Fontainebleau, thủ tướng Pháp George Bidault đã căn dặn trưởng đoàn Pháp Max André về thái độ thận trọng để không biến Hồ Chí Minh thành con cờ của Liên Xô như chính Võ Nguyên Giáp đã ghi lại trong tập hồi ký Những năm tháng không thể nào quên.

Lời căn dặn của Bidault có thể hiểu là lời nhắc nhở phái đoàn Pháp nên uyển chuyển, thậm chí sẵn sàng mềm dẻo tới mức tối đa để thu hút Hồ Chí Minh về phía Tây Phương. Nhưng thái độ của Hồ Chí Minh đã khiến mọi nỗ lực của Pháp không thể đưa tới kết quả mong muốn. Khởi từ sự việc này, có thể nói sự có mặt của Pháp tại Việt Nam đã mang ý nghĩa ngăn chống Cộng Sản ngay từ năm 1946, cụ thể là ngăn chống sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô. Tuy nhiên, ý nghĩa này đã bị che khuất bởi các định kiến sẵn có từ lâu về vai trò thực dân của Pháp tại Đông Dương, nhất là khó tránh bị khai thác bởi một số người vẫn chưa thể chấm dứt giấc mơ tái lập chế độ thuộc địa.

Những yếu tố phụ thuộc này đã dễ dàng biến ý hướng ngăn chống Cộng Sản của người Pháp thành một chiêu bài che giấu ý đồ thực dân và vì thế đã đặt Pháp vào một trận tuyến không được dư luận quốc tế hỗ trợ.

Chính vì thế, trong bản thông báo ngày 16-12-1946 gửi các đại sứ Mỹ, Ngoại Trưởng James Byrnes tuy ghi nhận ảnh hưởng Pháp tại Việt Nam không chỉ là kháng tố với ảnh hưởng Liên Xô mà còn mang tính bảo vệ toàn vùng Đông Nam Á trước đà bành trướng của Cộng Sản, nhưng Mỹ vẫn giữ thái độ hết sức dè dặt. Do đó, nhiều viên chức ngoại giao Mỹ như Abbott, Landon, Reed, O’Sullivan đã tới Việt Nam với vai trò điều giải cố tìm một lối thoát cho tình thế khó khăn tại đây đã không vượt khỏi tình trạng thụ động chờ đợi.

Cuối cùng, tháng 12-1946, Abbott thú nhận đành bó tay, bởi thay vì nhắm tạo một liên bang kinh tế cần thiết cho cả hai bên thì Pháp cũng như Việt Minh đều nhìn theo hướng khác. Pháp không thể xác định nổi thế nào là quan điểm quốc gia tự do trong khối Liên Hiệp Pháp còn Việt Minh giữ thái độ như trẻ nít chỉ nêu đòi hỏi trong sự thiếu kém kiến thức cả về kinh tế lẫn vấn đề độc lập. Việt Minh không rời bỏ ý đồ độc bá trong khi Pháp không thể dễ dàng đặt các xứ Đông Dương vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô. Nhưng lập trường ngăn chống Cộng Sản của Pháp luôn bị đồng hoá với mong muốn tái lập đặc quyền của Pháp, trong khi Việt Minh lại nắm được chiêu bài tranh thủ độc lập cho dân tộc. Trên thực tế, mong muốn tái lập đặc quyền của Pháp vẫn tồn tại với không ít nhân vật trong chính giới Pháp lúc đó và trở thành một xu hướng có ảnh hưởng đáng kể. Hai xu hướng này chỉ có một điểm gặp gỡ là cùng đối đầu với lực lượng yêu nước Việt Nam nên đã có lúc mặc nhiên hợp sức cố loại khỏi chính trường tiếng nói đại diện trung thực cho nhân dân Việt Nam, và chỉ ngừng tại đó. (9)

Thành ra Mỹ không có lý do can thiệp vào nội tình Đông Dương, cũng không thể nghiêng về phía Việt Minh hay về phía Pháp, và chiến tranh trở thành tất yếu. Đương nhiên, cả hai phía đều cố che giấu thực chất của mình. Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản đã có sẵn bộ áo dân tộc yêu nước để hô hào toàn dân hỗ trợ chống xâm lăng trong khi những phần tử chủ trương tái lập chế độ thuộc địa cũng khai thác danh nghĩa ngăn chống Cộng Sản của Pháp để thúc đẩy tình hình diễn biến theo những tính toán của mình. Thực tế phức tạp này đã đem lại thuận lợi nhiều hơn cho chiêu bài yêu nước của Hồ Chí Minh trong khi phủ mờ ý nghĩa ngăn chống Cộng Sản của Pháp vào thời gian bùng nổ cuộc chiến, nhất là khi Cộng Sản Quốc Tế mở rộng mặt trận tuyên truyền trên khắp thế giới.

Tháng 9-1947, tổ chức Đệ Tam Quốc Tế Komintern sống lại dưới cái tên Phòng Thông Tin Quốc Tế Cộng Sản Kominform đặt các quốc gia và tổ chức Cộng Sản khắp nơi vào cuộc đấu tranh cho cách mạng thế giới do Liên Xô lãnh đạo.

Do ảnh hưởng Liên Xô mở rộng sau chiến tranh, cuộc cách mạng thế giới không còn hạn chế trong phạm vi hưởng ứng của một số tổ chức mà có sự tiếp tay qui mô của nhiều quốc gia. Tình hình thế giới lập tức biến thành thế phân cực đối đầu giữa Liên Xô và các nước Tây Phương.

Do đặt dưới quyền chỉ đạo của Cộng Sản, cuộc kháng chiến tại Việt Nam đã gắn kết chặt chẽ với cuộc chiến ý thức hệ giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản như Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng ta làm cách mạng đánh đế quốc thực dân tức là đánh tư bản chủ nghĩa. Cuộc cách mạng đó có qui mô thế giới mà cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là một bộ phận. Cách mạng Việt Nam được sự ủng hộ của cách mạng thế giới, và cách mạng Việt Nam góp phần vào cuộc cách mạng thế giới đó."

Lời tuyên bố của Hồ Chí Minh cho thấy rõ cuộc kháng chiến không hoàn toàn nhắm mục tiêu giải phóng dân tộc mà nhắm góp phần vào cuộc cách mạng thế giới đánh đổ tư bản chủ nghĩa. Nền độc lập của Việt Nam trở thành thứ yếu vì cuộc chiến mang tính cục bộ của cách mạng vô sản thế giới với mục tiêu bành trướng ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam được sự ủng hộ của cách mạng thế giới – như lời Hồ Chí Minh tuyên bố – để đẩy nhân dân Việt Nam vào một cuộc trường chinh mở rộng biên thùy cho thế giới Cộng Sản.

Vai trò chống Cộng Sản của Pháp tại Đông Nam Á trở thành sự thực, nhưng hình ảnh thực dân vốn có nơi Pháp không dễ xóa nhòa trong dư luận.

Dân chúng Việt Nam sau gần một thế kỷ bị Pháp đô hộ đã quen đồng hóa người Pháp vào các quan chức thuộc địa.

Với dư luận thế giới, sự xuất hiện những đoàn quân viễn chinh trên một đất nước xa lạ để chống người dân địa phương không dễ giải thích bằng việc bảo vệ bất kỳ thứ lý tưởng nào.

Hơn nữa, nhiều người còn ngờ vực về cuộc chiến tranh ý thức hệ, vì không nhìn thấy cuộc chiến đó ở đâu và ngờ vực luôn cả sự hiện diện của tình trạng chiến tranh lạnh.

Tâm trạng này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó quan trọng hơn hết là sự không lưu tâm tới quan niệm đấu tranh giai cấp với chủ trương liên tục và trường kỳ chiến đấu khắp toàn cầu dưới mọi hình thức để xóa bỏ ý thức hệ Tư Bản. Từ quan niệm này, Cộng Sản đã phát động cuộc chiến mệnh danh chiến tranh ý thức hệ bất chấp thái độ của kẻ địch, kể cả trường hợp kẻ địch phủ nhận sự hiện diện của ý thức hệ Tư Bản – một cuộc chiến tất yếu theo quan niệm đấu tranh giai cấp và xảy ra dưới nhiều hình thức nhắm đánh đổ mọi kẻ địch được nêu rõ theo lập luận duy vật biện chứng, kể cả những kẻ không hề nghĩ tới Cộng Sản hay chống lại Cộng Sản. Cũng do đó đã xuất hiện danh từ “chiến tranh lạnh” để diễn tả tình trạng chiến tranh không có tiếng súng. Dưới sự lãnh đạo của Liên Xô, các quốc gia và tổ chức Cộng Sản khắp nơi kết thành một trận tuyến chống lại mọi xu hướng tư tưởng khác với tư tưởng Cộng Sản bao gồm Phong Kiến, Thực Dân, Tư Bản, Dân Tộc… kể cả các hệ phái Cộng Sản ngoài Đệ Tam Quốc Tế như Kausky, Trotski …

Hồ Chí Minh là cán bộ Đệ Tam Quốc Tế từ 1923, Đảng Cộng Sản Đông Dương là chi bộ trực thuộc Đệ Tam Quốc Tế từ 1931 nên cuộc chiến chống Pháp tại Việt Nam gắn chặt với trận tuyến này, tức không thể không mang tính cục bộ của cuộc chiến ý thức hệ thế giới đang diễn ra giữa hai phe Cộng Sản và Tư Bản.

Từ đây, không thể phủ nhận vai trò chống Cộng Sản của Pháp dù trong chính giới Pháp vẫn tồn tại những phần tử chưa muốn từ bỏ chính sách thực dân.

Theo đúng nguyên lý Lenin với sách lược mặt trận dân tộc, hết thẩy các quốc gia và đoàn thể chịu ảnh hưởng Liên Xô đã khai thác sự hiện diện của những phần tử thực dân để vùi dập, bôi nhọ vai trò chống Cộng Sản của Pháp đồng thời khai thác sự hiện diện của những người yêu nước trong hàng ngũ kháng chiến Việt Nam để tán dương chính nghĩa chống xâm lăng của Hồ Chí Minh. Để tăng hiệu quả cho lời tán dương này cũng xuất hiện những lập luận vu cáo, kết án mọi phần tử yêu nước từ bỏ hàng ngũ kháng chiến vì nhận rõ con đường đi ngược nguyện vọng dân tộc của Hồ Chí Minh.

Chính nghĩa và ngụy nghĩa trở thành xen lấn, đảo lộn trong tình thế thực giả, khó phân. Vai trò chống Cộng Sản của Pháp không thể hoàn toàn hiển thị vào lúc đầu nên bị bôi xóa dễ dàng và ảnh hưởng nặng nề tới trận tuyến của những người Việt Nam yêu nước khi từ bỏ hàng ngũ kháng chiến để liên kết với Pháp.

Cuộc liên kết giữa những người Việt Nam yêu nước với Pháp khởi từ cuối năm 1947 là một quá trình vận động hết sức gập ghềnh cho cả hai phía.

Để đại diện cho tiếng nói dân tộc, những người Việt Nam yêu nước phải đẩy Pháp về vị trí đồng minh thuần túy trong cuộc chiến ngăn chống Cộng Sản, trong khi Pháp một phần bị ràng buộc bởi thực tế chiến trường phần khác vẫn có những phần tử chưa thể từ bỏ ngay các đặc quyền. Tới cuối năm 1947, nhiều nhân vật chính trị Pháp vẫn nuôi ý đồ dùng các phần tử yêu nước Việt Nam như một chiêu bài trong chiêu bài chống Cộng Sản. Vì thế, không ít khó khăn đã kéo dài với việc chấp thuận các điều kiện liên kết do những người Việt Nam yêu nước đặt ra, trong số có 2 vấn đề:

– Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 3 miền Bắc, Trung, Nam có một chính phủ độc lập do người Việt Nam cử ra.

– Việt Nam sẽ có quân đội riêng do chính phủ Việt Nam độc lập nắm quyền điều động.

Đổi lại, Việt Nam chấp nhận gia nhập Liên Hiệp Pháp, sẵn sàng dành cho Pháp thay mặt về các vấn đề ngoại giao và quân đội Việt Nam sẽ tham gia bảo vệ khối Liên Hiệp Pháp.

Hồ Chí Minh Và Vị Đại Anh Hùng Ai Quốc (phần 2)

Những đòi hỏi này được Cao Ủy Pháp tại Đông Dương Bollaert thỏa thuận với Bảo Đại từ cuộc gặp gỡ tại Hạ Long đầu tháng 12-1947 nhưng mãi 6 tháng sau mới được ghi thành điều 1 trong bản tuyên cáo chung 3 điểm Bollaert – Bảo Đại ngày 5-6-1948 như sau: “Nước Pháp long trọng nhìn nhận sự độc lập của Việt Nam. Từ rày về sau, việc tự do thực hiện nền thống nhất quốc gia tùy nơi nước Việt nam. Về phần mình, nước Việt Nam tuyên bố chịu gia nhập vào Liên Hiệp Pháp với danh nghĩa một quốc gia đồng hội với nước Pháp”. (10) Bản tuyên cáo được gọi là Hiệp Ước Hạ Long không được Quốc Hội Pháp thông qua. Suốt thời gian này, Mỹ đã nhiều lần cảnh giác Pháp về việc có thể đẩy toàn bộ Đông Dương vào tay Liên Xô và ngày 9-7-1948 Tây Âu Sự Vụ của Bộ Ngoại Giao Mỹ đã đề nghị với ngoại trưởng Marshall chính thức nói rõ với chính phủ Pháp rằng Pháp đang đứng trước hai ngã đường: “Hoặc chấp nhận ngay nguyên tắc Việt Nam thống nhất gồm cả 3 miền Nam, Trung, Bắc và độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp hoặc sẽ mất hết toàn cõi Đông Dương”.

Tuy vậy, vẫn phải chờ thêm 8 tháng nữa, hai bên mới tiến tới thỏa ước Élysée 8-3-1949 giữa Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và Bảo Đại, chấp thuận các đòi hỏi mà những người yêu nước nêu ra.

Bản thỏa ước công nhận sự hình thành nước Việt Nam thống nhất độc lập với danh xưng Quốc Gia Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng Bảo Đại, nhưng trên thực tế việc xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập cho Việt Nam vẫn chưa hết khó khăn trong đó có những khó khăn ngay từ phía Pháp.

Khó khăn lớn nhất là dư luận chống đối dấy lên từ chính nước Pháp bởi các tổ chức Cộng Sản và những phần tử chưa muốn từ bỏ chính sách thực dân. Cộng Sản Pháp trong thế liên kết với cuộc chiến ý thức hệ đã vận dụng tối đa các phương tiện truyền thông triệt hạ uy tín của những người Việt Nam yêu nước hầu ngăn chặn mối nguy cho phe Cộng Sản do sự xuất hiện lực lượng dân tộc yêu nước tại Việt Nam.

Trong khi đó, các phần tử chủ trương tái lập chế độ bảo hộ bắt đầu nhìn thấy viễn tượng tan vỡ các đặc quyền. Những bài báo tương tự bài của Simone Terry gọi Hồ Chí Minh là Bác Hồ – L’Oncle Ho – từng xuất hiện trên tờ L’Humanité lúc Hồ Chí Minh tới Paris tháng 6-1946 lại xuất hiện trên các báo Revue Socialiste, Franc-Tireur… ca ngợi “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qui tụ được những người quốc gia không đảng phái cũng như một số đông người Thiên Chúa Giáo yêu nước” hoặc “Việt Nam đứng sau lưng Hồ Chí Minh. Trước hết phải thương thuyết với Hồ Chí Minh – Le Vietnam est derrière Ho Chi Minh. Il faut traiter en premier lieu avec Ho Chi Minh”… Tại diễn đàn Quốc Hội Pháp, các dân biểu Cộng Sản và phe De Gaulle như Guillon, Marc Dupuy… vu cáo nhục mạ Cựu Hoàng Bảo Đại bằng đủ mọi lời lẽ như “Bảo Đại là tay sai của Nhật, đã giao Đông Dương cho Nhật, một ông vua mất chức được biết nhiều ở các sân Golf tại Cannes hay ở các hộp đêm…” và xuyên tạc những người Việt Nam yêu nước “chỉ là một nhóm cựu quan lại, cựu công chức, vài trưởng giả giàu có… chỉ nghĩ đến gia tăng quyền lợi bản thân trước khi nghĩ đến tổ quốc của họ…”

Những người này chống đối thỏa ước Élysée, cho rằng Pháp nhượng bộ quá nhiều so với các hiệp ước ký với Hồ Chí Minh năm 1946, vì Hồ Chí Minh đã đồng ý gác lại vấn đề Nam Kỳ, vẫn coi như lãnh thổ hải ngoại của Pháp…

Trận đánh không có tiếng súng này kìm chân Quốc Hội Pháp trì hoãn tới ngày 2-2-1950 (11) mới phê chuẩn bản thỏa ước. Lúc này, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã thành lập và công nhận chính phủ Hồ Chí Minh ngày 18-1-1950. Ngày 1-2-1950, Liên Xô cũng công nhận chính phủ Hồ Chí Minh và yêu cầu cử đại sứ tới Mạc Tư Khoa. Hồ Chí Minh đã có một hậu phương khổng lồ ở sát sau lưng với sự yểm trợ về mọi mặt của toàn khối Cộng Sản trong khi trận tuyến những người Việt Nam yêu nước chưa ổn định xong về mặt tổ chức.

Dù sao Quốc Gia Việt Nam đã thành hình với chủ quyền độc lập, lãnh thổ thống nhất, được Mỹ chính thức thừa nhận ngày 4-2-1950 và Anh thừa nhận ngày 7-2-1950.

Sự kiện thực tế này gần như luôn bị gạt qua bởi những người cố tình diễn tả cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến giải phóng đất nước. Theo những người này, lý do bùng nổ cuộc chiến là hành vi xâm lược của Pháp được Mỹ yểm trợ và chính quyền Quốc Gia Việt Nam chỉ là bù nhìn do Pháp dựng lên – dập khuôn theo luận điệu tuyên truyền mà toàn thể khối Cộng Sản nỗ lực đưa vào dư luận thế giới.

Người ta không chỉ gạt bỏ cuộc vận động giành lại chủ quyền dân tộc của những người yêu nước, gạt bỏ chủ trương tiêu diệt phe đối lập của Hồ Chí Minh mà còn cố tình quên tình trạng bị ràng buộc với Đệ Tam Quốc Tế khiến Hồ Chí Minh không thể làm khác được những việc đã làm, trong đó có cả điều mà Vụ trưởng Đông Nam Á Sự Vụ của Mỹ George Moffat Abbott từng mô tả là “thái độ như trẻ nít chỉ nêu đòi hỏi trong sự thiếu kém kiến thức cả về kinh tế lẫn vấn đề độc lập”.

Hồ Chí Minh không bao giờ là trẻ nít mà tuân thủ đúng nguyên tắc đấu tranh, đẩy mọi sự việc theo hướng cần thiết. Từ tháng 9-1945, sau khi quân Pháp đổ bộ Sài Gòn cho tới cuối 1946, Hồ Chí Minh vẫn nhượng bộ, không bàn về vấn đề Nam Kỳ và ký kết cho quân Pháp vào miền Bắc với dụng ý mà các tác giả Lacouture, Sainteny… đã thấy và chính Võ Nguyên Giáp đã ghi lại là tạm hòa với Pháp để có đồng minh tiêu diệt kẻ thù số một vào lúc đó là các phần tử phản động tức những người yêu nước không chấp nhận cả Cộng Sản lẫn Thực Dân.

Khi trấn áp xong lực lượng này thì đồng minh tạm thời là Pháp trở thành kẻ địch. Bước đi được định sẵn của Cộng Sản là lợi dụng các phần tử dân tộc bất mãn với thực dân nên hành động chặt đứt mọi hy vọng thương lượng, đẩy Pháp vào thế phải gây chiến là nước cờ theo đúng lớp lang.

Toàn thể dân tộc không còn chọn lựa nào ngoài việc kháng chiến chống Pháp trong khi Hồ Chí Minh và những người Cộng Sản với vị thế độc tôn lãnh đạo sẽ biến cuộc chiến thành một bộ phận của cách mạng thế giới và được sự ủng hộ của cách mạng thế giới để góp phần vào cách mạng thế giới như Hồ Chí Minh tuyên bố.

Chuyến du hành qua Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa đầu năm 1950 của Hồ Chí Minh và sự tái xuất hiện Đảng Cộng Sản dưới danh xưng Đảng Lao Động Việt Nam cuối 1951 để mở đầu cho chiến dịch thanh lọc rộng rãi kéo dài từ 1953 tới 1956 trong khuôn khổ các chính sách rèn cán chỉnh quân, cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp… là tiếng nói khẳng định mục tiêu bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản.

Sự việc càng cụ thể hơn, khi Liên Xô thay đổi đường lối sau cái chết của Stalin và Trung Cộng cần có thời gian hồi phục sau cuộc đối đầu với Mỹ tại Triều Tiên thì Hồ Chí Minh sẵn sàng chấp nhận giải pháp chia đôi đất nước năm 1954, bất kể nguyện vọng dân tộc ra sao, bất kể đã có bao nhiêu con dân Việt Nam bỏ mình vì mục tiêu bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ cầm đầu cuộc kháng chiến 1945-1954, Hồ Chí Minh vẫn luôn đặt quyền lợi tối thượng của dân tộc dưới quyền lợi của Cộng Sản Quốc Tế. Lòng yêu nước theo ý nghĩa thông thường đã khô cạn hẳn trong tâm tư Hồ Chí Minh nên dù hàng ngũ kháng chiến có mặt nhiều người yêu nước và ngay cả một số đảng viên cộng sản cũng kháng chiến vì yêu nước hơn vì lý tưởng cộng sản thì cuộc kháng chiến vẫn không vì lý tưởng quốc gia. Bởi hàng ngũ kháng chiến được lãnh đạo bởi một tông đồ (apostle) của tôn giáo Cộng Sản – như Khrutshchev mô tả – và không lúc nào tách khỏi sự chỉ đạo của Đệ Tam Quốc Tế, cụ thể là Liên Xô, nên luôn hướng cuộc kháng chiến xoay theo đích nhắm của khối Cộng Sản.

Kết quả là bất chấp 9 năm hy sinh xương máu của con dân, đất nước bị chia đôi tại vĩ tuyến 17, sau khi đã giành được sự thống nhất Bắc-Trung-Nam với thỏa ước Élysée 1949 do nỗ lực của những người yêu nước.

Rõ ràng Hồ Chí Minh đặt nặng nhiệm vụ củng cố thế lực Cộng Sản hơn quyền lợi dân tộc nên dù luôn kêu gọi liên hiệp, hòa giải vẫn khăng khăng bảo vệ thế độc chiếm quyền hành, cắt đứt mọi điều kiện hình thành một khối dân tộc đoàn kết thực sự, kể cả bằng cái giá là chia đôi lãnh thổ.

Hiệp định Genève 1954 đã đem lại cho Hồ Chí Minh một nửa phần đất nước tựa lưng vào hậu phương Trung Cộng để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp nối của cuộc chiến cục bộ tại Đông Nam Á trong cách mạng thế giới, đẩy Việt Nam vào cục diện tranh chấp mới trong cuộc chiến ý thức hệ giữa Cộng Sản và thế giới tự do. Đây cũng là thời kỳ tranh đấu thứ ba của Hồ Chí Minh.

– Thời kỳ thứ ba khởi từ 1954 với nhiệm vụ trước mắt là “chiếu cố miền Nam” theo nghị quyết của Đảng Cộng Sản. Trong thời kỳ này, bộ máy quyền lực tại miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh tiếp tục được vận dụng gần như không rời phương hướng cũ. Các chính sách rèn cán chỉnh quân, thanh lọc hàng ngũ, cải cách ruộng đất, cải tạo thương nghiệp… nhắm mục tiêu chủ yếu là củng cố tổ chức và quyền lực cho Cộng Sản đã làm tê liệt mọi sinh hoạt xã hội đồng thời gieo rắc thảm họa tang tóc khắp nơi.

Kết luận này không do gán ghép để chỉ trích Hồ Chí Minh mà được nói lên từ thực tế xã hội miền Bắc qua ghi nhận của chính các đảng viên Cộng Sản.

Theo Bùi Tín, thực tế đã dẫn đến những nỗi khổ ải của nhân dân, sự đổ vỡ của nền kinh tế, sự lạc hậu triền miên của xã hội, tình trạng nghèo đói và bất công của số đông là những thất bại nặng nề mà Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo đảng Cộng Sản chịu hoàn toàn trách nhiệm dù cho ông có thiện chí, có mong muốn tốt đi nữa. (12)

Ngày 29-10-1956, trước công chúng tại sân vận động Hàng Đẫy Hà Nội, Võ Nguyên Giáp đã nói rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến những thất bại đó: “Chúng ta đã giết quá nhiều người lương thiện ... chỗ nào cũng thấy địch và dùng tới khủng bố tràn lan ... Khi chỉnh đảng, chúng ta quá chú trọng tới giai cấp xã hội thay vì chỉ căn cứ vào khả năng chính trị mà thôi. Thay vì lấy giáo dục làm chính, ta chỉ dùng tới những biện pháp tổ chức như phạt kỷ luật, khai trừ, xử tử, giải tán tổ chức chi nhánh đảng hay những chi bộ đảng. Tệ hơn nữa, tra tấn được coi như việc bình thường trong thời gian chỉnh đốn tổ chức đảng.” (13)

Việc xây dựng miền Bắc theo hướng củng cố và bành trướng sức mạnh cho đảng Cộng Sản bằng mọi cách, kể cả chém giết, dẫn đến một xã hội “sống kín mít…giống như đứng dưới đáy giếng. Ăn, mặc, ở, quan hệ với nhau coi như ổn, không thành vấn đề. Mặc gần như đồng phục, ăn uống cũng gần giống nhau, theo mức của tem phiếu. Lấy vợ lấy chồng cũng giống nhau, được phép của đảng, của tổ chức, đám cưới đơn sơ giản dị… không cần có động cơ vun đắp lứa đôi… chẳng khác gì xưa bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Nay là tổ chức đặt đâu, đảng đặt đâu xin ngồi nguyên đấy cho yên phận…Thế là trong gần 30 năm, do điều kiện chiến tranh, do chính sách bế quan tỏa cảng, hàng chục triệu nhân dân Việt Nam bị tước quyền được là công dân thế giới …Lý lịch là bản mệnh cán bộ và công dân. Nhận xét của cơ quan tổ chức cán bộ và cơ quan công an là có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh chính trị mỗi người. Đối với công dân được nhận xét là trung thành với chế độ, thông suốt chính sách của đảng và nhà nước là điểm son. Đối với cán bộ thì lập trường chính trị vững vàng, thông suốt đường lối chính sách, tin tưởng ở đảng và nhà nước, không có gì vướng mắc… là điểm ưu. (14)

Kiểu mẫu xã hội đó chắc chắn không cần thiết và cũng không phù hợp với nguyện vọng sống bình thường của con người ở mọi nơi, nhưng cần thiết cho đảng Cộng Sản Việt Nam để đẩy mạnh đấu tranh giai cấp với mục tiêu trước mắt là “chiếu cố miền Nam”.

Biến xã hội miền Bắc thành trại lính là điều kiện bảo đảm cho sự tiến hành chính sách chiếu cố miền Nam bằng bạo lực. Đảng Cộng Sản đã trù liệu chiến tranh từ khi ký hiệp định Genève 1954 với kế hoạch chôn giấu vũ khí, cài đặt “cơ sở” tại miền Nam và chiến dịch dựng vợ gả chồng cho cán binh trước khi tập kết ra Bắc để tạo tương quan tình cảm…

Hơn ai hết, Hồ Chí Minh và các đồng chí đã nhìn thấy sự từ khước chủ nghĩa Cộng Sản của đa số dân chúng, nhất là của những phần tử dân tộc yêu nước đang nắm quyền ở miền Nam, sau quá nhiều kinh nghiệm đoàn kết bi thảm với Cộng Sản trước và sau 1945.

Cũng hơn ai hết, Hồ Chí Minh và các đồng chí tự hiểu họ đã chọn con đường chỉ có một hướng nhắm duy nhất là tiêu diệt mọi xu hướng dị biệt. Khi các chiêu bài liên hiệp, đoàn kết để hãm hại ngầm không còn điều kiện tiến hành thì giải pháp duy nhất là sử dụng binh lực.

Bởi vì đích nhắm cuối cùng của Hồ Chí Minh với tư cách đảng viên Cộng Sản là góp phần vào cách mạng thế giới để tạo dựng một thế giới đại đồng dưới nền chuyên chính vô sản. Trong khuôn khổ cách mạng đó, mọi người Cộng Sản đều có nhiệm vụ tham gia trận chiến liên tục trường kỳ cho tới khi đạt thắng lợi cuối cùng.

Cho nên, phát động chiến tranh để chiếu cố miền Nam trở thành tất yếu, ngoài trừ trường hợp không thể xẩy ra là Hồ Chí Minh từ bỏ khối Cộng Sản để đặt mục tiêu phụng sự dân tộc lên hàng đầu và chân thành đoàn kết cùng mọi phần tử yêu nước khác chính kiến.

Bùi Tín vẫn nghĩ Hồ Chí Minh là người yêu nước vẫn phải nhận định: “Trở nên cán bộ của Quốc Tế Cộng Sản Ba, ông bị ảnh hưởng lớn của Stalin và Mao Trạch Đông, đích của ông là giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho đất nước và đích cao hơn nữa là cách mạng vô sản ở Đông Dương, ở châu Á và toàn thế giới… Sùng bái “mặt trời phương Đông”, nể sợ “thiên triều” Bắc Kinh, ông Hồ đã truyền cho những người lãnh đạo khác ở quanh ông, cho cả đảng Cộng Sản một thái độ thụ động vô lý, mất hết khả năng phản kháng và tự vệ. Chính ông cũng bị cỗ xe Mác-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông đè lên đầu trong khi cả Đảng Cộng Sản và xã hội bị cỗ xe ấy nghiền nát”. (15)

Tuy thế, Bùi Tín cho rằng “không phải bất cứ lúc nào Hồ Chí Minh cũng chỉ là tay sai ngoan ngoãn, trung thành và mù quáng của Đệ Tam Quốc Tế.” Chứng cớ được viện dẫn là Hồ Chí Minh đã giữ thái độ tự chủ trong lãnh đạo chiến tranh. Không nghe theo lời Mao và Lâm Bưu khuyên là ở miền Nam chỉ nên duy trì chiến tranh du kích, chỉ nên đánh ở cỡ đại đội … cũng không nghe theo lời Liên Xô khuyên là nên hạ súng tìm giải pháp hòa bình vì Việt Nam không thể chống nổi Mỹ về mặt quân sự. (16)

Trong tác phẩm của mình, Bùi Tín nhắc lại sự việc này nhiều lần, coi là ưu điểm của Hồ Chí Minh – “cùng với một số người lãnh đạo khác trong Đảng không mù quáng theo lời khuyên của Mao là chỉ nên tiến hành chiến tranh du kích ở miền Nam và cũng không theo sức ép của Liên Xô là phải ngừng chiến tranh để tìm một giải pháp thương lượng nhằm chung sống hòa bình bằng mọi giá”. (17)

Cứ cho rằng đây là ưu điểm của Hồ Chí Minh thì đã dẫn đến kết quả thực tế ra sao?

Trước hết, Hồ Chí Minh vẫn đặt Việt Nam vào cuộc chiến ý thức hệ với mục tiêu bành trướng ảnh hưởng Cộng Sản thay vì đặt quyền lợi dân tộc vào hướng nhắm cuối cùng để giải quyết mọi mâu thuẫn với các lực lượng đối lập.

Vì điều mà Bùi Tín kể như ưu điểm do sáng suốt, không mù quáng của Hồ Chí Minh chỉ là từ chối thương lượng và cương quyết mở lớn qui mô chiến tranh.

Hồ Chí Minh và các đồng chí đã đạt ý muốn là đánh bại các phe phái đối lập, giành trọn quyền lãnh đạo để thành lập nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nhưng cái giá thực tế mà dân tộc Việt Nam phải trả từ 1954 tới 1975 khó thể diễn tả là gì ngoài thảm cảnh tương tàn bi đát kinh hoàng với tất cả mọi người dân trên khắp các miền đất nước.

Thời kỳ thứ ba trong cuộc đời tranh đấu của Hồ Chí Minh tại miền Bắc là các chính sách chỉnh đảng, chỉnh quân, cải cách ruộng đất, cải tạo thương nghiệp, ba khoan ba chống, ba đảm đang ba sẵn sàng… tới nay vẫn là ác mộng của nhiều người dân khi nhớ lại và còn lưu dấu trong tác phẩm của nhiều tác giả như Dương Thu Hương, Phùng Thế Lộc, Tạ Duy Anh, Bùi Ngọc Tấn… hay trong hồi ký của Nguyễn Minh Cần, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên…

Với miền Nam là những ngày đêm khắc khoải âu lo trước tai họa pháo kích bất ngờ, trước nguy cơ khủng bố ám sát và cảnh sống hãi hùng dưới những trận mưa bom đạn luôn sẵn sàng ập tới…

Hậu quả thực tế của thời kỳ này do ưu điểm trong chỉ đạo chiến tranh của Hồ Chí Minh là mọi nỗ lực xây dựng đất nước trên cả hai miền Nam Bắc bị hạn chế tối đa, ruộng đồng trở thành chiến địa, nhà cửa bị tàn phá với hàng triệu người bị sát hại và hàng triệu người khác trở thành tàn phế, kéo lê cuộc sống vô dụng đau đớn…

Theo Bùi Tín, đây là tấn bi kịch của cả dân tộc bắt nguồn từ lòng tin tuyệt đối của Hồ Chí Minh đặt vào chủ nghĩa Cộng Sản: “Bi kịch của cả dân tộc cũng là của ông Hồ là chính ông đã đi đầu trong việc đưa chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất là chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao vào Việt Nam”. Bùi Tín nhắc lại ý kiến của Phan Chu Trinh về chọn lựa của Hồ Chí Minh ngay từ năm 1921 và viết: “Cụ Phan phê phán Nguyễn Ái Quốc về phương pháp cách mạng… một mực can ngăn Nguyễn Ái Quốc chớ chủ quan cho phương pháp của mình là đúng. Cụ còn phê phán Nguyễn là xưa nay, từ Âu sang Á, chưa ai làm cái việc như Nguyễn làm… Con đường cụ Phan chủ trương gần giống như con đường của các ông Gandhi và Nehru ở Ấn Độ. Đó là con đường bất bạo động, con đường nâng cao trình độ hiểu biết của nhân dân, mở mang học vấn, cổ động tinh thần đấu tranh, đồng thời tranh thủ các thế lực dân chủ và tiến bộ ở chính quốc…Nếu như hồi ấy, đường lối đấu tranh đại loại như của cụ Phan đề xướng được chấp nhận và thành hiện thực thì đất nước ta rất có thể đã khác hẳn hiện nay, vừa có độc lập thống nhất, có dân chủ và phát triển, có thể tránh được chiến tranh và tránh bị cỗ máy nghiền mà chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao đã đưa đến thông qua đảng Cộng Sản với biết bao hậu quả nặng nề chưa biết đến bao giờ mới khắc phục được…” (18)

Mong mỏi của Bùi Tín không xa với mong mỏi của mọi người nhưng không trở thành hiện thực, vì Việt Nam đã được gắn vào cuộc chiến toàn cầu giữa khối Cộng Sản và thế giới tự do theo đường lối lãnh đạo của Hồ Chí Minh.

Từ giữa thập niên 20, Hồ Chí Minh đã tận lực đấu tranh đưa đất nước vào chiều hướng dẫn tới thực tế như được diễn tả. Thực tế này không thể là nền tảng vững chắc cho sự xưng tụng Hồ Chí Minh là nhà ái quốc hay đại anh hùng của dân tộc Việt Nam. Dù muốn dù không, sự nghiệp của Hồ Chí Minh đã gắn liền với những tàn phá khủng khiếp mà dân tộc phải gánh chịu.

Tuy nhiên, sẽ bất công nếu khẳng định Hồ Chí Minh chỉ là kẻ nuôi mưu đồ phản dân, hại nước. Trên thực tế Hồ Chí Minh đã bước vào đấu tranh do thúc đẩy của lòng yêu nước, góp mặt bên cạnh các lãnh tụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường.

Sự thay đổi sau đó không hẳn do Hồ Chí Minh muốn bán rẻ đất nước cho ngoại bang như nhiều người đã kết buộc mà chủ yếu do niềm tin mù quáng ở khám phá của mình để chọn lựa một lý tưởng bôi xóa dân tộc trong quan niệm phân chia giai cấp.

Hồ Chí Minh chắc chắn không muốn bán rẻ đất nước, nhưng đã biến giai cấp vô sản thành toàn thể dân tộc. Ngoài giai cấp vô sản, mọi thành phần giai cấp khác đều trở thành rắn độc trước mắt Hồ Chí Minh.

Quan niệm về đồng chí, đồng bào của Hồ Chí Minh đã đặt trên một nền tảng tư duy khác biệt hoàn toàn so với nền tảng tư duy thông thường. Khi triệt hạ những người yêu nước, Hồ Chí Minh có thể chỉ nghĩ đang thực hiện sứ mạng triệt hạ những con rắn độc để đem lại an toàn cho đời sống của con người đã được nêu rõ là chỉ gồm giai cấp vô sản.

Trong hoàn cảnh đó, không thể phủ nhận những ý định tốt – dù là mù quáng – để quả quyết Hồ Chí Minh chỉ có ý định phản dân hại nước. Nhưng, ý định tốt hay xấu không thể là nền tảng để đánh giá con người, nhất là những con người mà cuộc đời gắn liền vào lịch sử.

Trên thực tế, vẫn diễn ra không ít trường hợp “nền hỏa ngục lát bằng những ý định tốt” – L’enfer est pavé de bonnes intentions”.

Cho nên, tư tưởng gia Revel đã định nghĩa “Lịch sử không phải là kết quả do những ý định của người ta mà là kết quả do những hành động của họ”.

Những bạo chúa trong lịch sử nhân loại như Tần Thủy Hoàng, Néron hay những lãnh tụ khát máu như Hitler, Staline … vẫn có thể theo đuổi ý định tốt nào đó, nhưng ý định này không thể xóa nhòa kết quả hành động của họ là hàng triệu nạn nhân bị tàn sát và những tai họa kinh hoàng mà con người phải gánh chịu. Do đó, đánh giá về Hồ Chí Minh, Revel không nghĩ Hồ Chí Minh có ý định xấu khi chọn lựa lý tưởng Cộng Sản và tôn thờ Lenin như thầy, như cha...

Vào lúc chọn lựa, Hồ Chí Minh có thể đang nuôi nhiều ý định tốt nhưng kết quả hành động rõ ràng chỉ đưa lại những thảm họa cho dân tộc Việt Nam: “…Những kết quả còn đó: Nô lệ, xương máu, chết chóc và đói khát. Đã trưng dụng cuộc chiến đấu chống thực dân để đưa đến một tình trạng suy sụp như thế thì chẳng còn cách gì chống chế để chạy tội cả. Trái lại, đây là một trường hợp phạm tội gia trọng, một vụ đánh cắp, một vụ lừa bịp không hơn không kém.”

So với mọi cách đánh giá đã có, lối nhìn theo tiêu chuẩn thực tế của Revel là cách đánh giá trung thực và công bằng nhất, vì không mang nặng ảnh hưởng của những thiên kiến có tính gán ghép chủ quan.

Nhưng, khó thể gọi kẻ đã hành động lừa bịp, đã phạm tội gia trọng là anh hùng yêu nước, dù trong khi hành động vẫn có thể có ý định tốt là muốn phục vụ cho một mục tiêu lý tưởng nào đó. Vả lại, trong mỗi con người đều tiềm ẩn hai mặt tốt và xấu với những xu hướng khi nhịp nhàng ăn khớp với nhau, khi xung khắc loại trừ nhau.

Cá nhân Hồ Chí Minh dù là một chính trị gia, một lãnh tụ hẳn cũng có những xu hướng trái ngược, một bên là ông thánh, một bên là con quỷ, hay nói theo Pascal, một bên là thiên thần, một bên là con thú. Bi kịch là lòng ham muốn trở thành thiên thần quá mạnh lại dễ biến con người thành con thú.

Với cách đánh giá này, các cơ sở khác đã được nêu ra như lòng ái quốc bẩm sinh khiến Hồ Chí Minh sớm chọn ý hướng hy sinh, sống đời gian khổ vì dân, vì nước và được toàn dân sùng kính, triệt để tin theo không còn đáng kể nữa.

Dù vậy, vẫn có thể nhìn lại các luận cứ viện dẫn để nhận diện thêm về đối tượng.

Duiker là tác giả tiêu biểu cho những người đề cao Hồ Chí Minh dựa trên hai cơ sở này. Trong Ho Chi Minh, a life, Duiker dành nhiều trang tả thời thơ ấu của Hồ Chí Minh chìm ngập giữa tác động của lòng yêu nước và quả quyết Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra sự lạc hướng trong đấu tranh của các bậc tiền bối.

Theo Duiker, từ thuở mới lọt lòng, Hồ Chí Minh đã được mẹ ru bằng ca dao và những vần thơ Kiều rồi được nghe bà kể chuyện về các bậc anh hùng, được cha là một nhân sĩ yêu nước chống Pháp nhắc về các nhân vật lịch sử, được một người thợ rèn hàng xóm nói về các cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng...

Trong không khí un đúc này, Hồ Chí Minh sớm nẩy nở tinh thần cứu nước và sớm nhận ra các phong trào đấu tranh lúc đó của các lãnh tụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… đều sai hướng nên năm 1911 đã xuất ngoại tự tìm lấy con đường cứu nước để trở thành nhà ái quốc vĩ đại, trở thành vị anh hùng dân tộc của Việt Nam.

Duiker trưng dẫn nhiều nguồn tài liệu khi viết Ho Chi Minh, a life, nhưng những trang viết về đoạn đời này của Hồ Chí Minh chỉ phản ảnh trọn vẹn tài liệu của các sử gia Cộng Sản Việt Nam.

Bùi Tín tuy ngưỡng mộ Hồ Chí Minh đã phát biểu về khuôn mẫu này như sau: “Những người viết sử ở Hà Nội theo sự chỉ đạo của Đảng đã tô vẽ ông Nguyễn Sinh Sắc thành một nhân vật cách mạng kiên cường chống thực dân nên bị mất chức, là cố tình bịa đặt sai sự thật. Việc nêu lên chuyện anh Nguyễn Tất Thành vì thấy cách mạng bế tắc do chủ trương Đông Du và cải lương thất bại nên ra đi để tìm đường cứu nước là cố nói lấy được nhằm tô vẽ lãnh tụ đã giác ngộ cách mạng từ lúc còn rất trẻ cũng là việc sai sự thật lịch sử”.

Dựa theo các tài liệu xác tín (19) do sử gia Daniel Hemery sưu tập và nhiều nguồn tài liệu khác, Bùi Tín cho thấy cuộc đời thực của Hồ Chí Minh tương phản hoàn toàn với bức họa của William J. Duiker.

Trên thực tế, Nguyễn Sinh Sắc (cha của Hồ Chí Minh) chưa từng tham gia đấu tranh. Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1863, mồ côi cha mẹ năm 1868, được ông đồ Hoàng Xuân Đường đem về nuôi dạy. Năm 1881, Nguyễn Sinh Sắc thành con rể của Hoàng Xuân Đường, được cha mẹ vợ tặng cho một số vốn ra sống riêng, theo đuổi con đường cử nghiệp nhưng tiếp tục lận đận. Năm 1893, ông đồ Hoàng Xuân Đường qua đời nên Nguyễn Sinh Sắc cùng vợ con trở về sống chung với mẹ vợ.

Ngoài 30 tuổi, Nguyễn Sinh Sắc mới đậu cử nhân kỳ thi Hương 1894, nhưng năm 1895 thi trượt kỳ thi Hội.

Năm 1898, Nguyễn Sinh Sắc lại thi trượt nên đổi tên là Nguyễn Sinh Huy và đổi tên hai con trai từ Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung thành Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành.

Năm 1901, Nguyễn Sinh Huy thi Hội đậu Phó Bảng (20) và theo phép nước lúc đó, dân làng Kim Liên phải cất cho vị tân khoa một căn nhà lá 5 gian. Năm 1902, vợ Nguyễn Sinh Huy qua đời và năm 1904, Nguyễn Sinh Huy được bổ nhiệm làm một viên chức nhỏ trong bộ Lễ nên dẫn các con về Huế.

Tháng 5-1909, Nguyễn Sinh Huy được cử làm tri huyện Bình Khê, Bình Định, nhưng năm 1910 bị sa thải vì tội say rượu đánh đập đến chết một nông dân tên Tạ Đức Quang.

Sở Mật Thám mở cuộc điều tra xác định ngộ sát do Nguyễn Sinh Huy say rượu, nhưng Hội Đồng Nhiếp Chính ở Huế quyết định tước mọi chức quyền. Thế là gần 50 tuổi bị thu hồi ấn tín, sa thải khỏi quan ngạch, Nguyễn Sinh Huy vỡ mộng quan trường, lâm cảnh sinh kế cùng quẫn phải về Lộc Ninh làm giám thị cho một đồn điền cao su. Tại đây, Nguyễn Sinh Huy đã nhiều lần gửi đơn lên Khâm Sứ Trung Kỳ tả cảnh nghèo khó của mình để xin được giao cho một công việc nào đó. (21)

Bùi Tín viết về Hồ Chí Minh thuở đó đại để như sau: “Năm 1911, khi anh thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu xuất dương, anh chưa nghĩ đó là đi tìm đường cứu nước…Bằng cấp anh có trong tay chỉ là bằng Certificat (tiểu học)…Anh vào trường Dục Thanh, Phan Thiết làm trợ giáo là do sinh kế. Bi kịch gia đình đang tác động mạnh mẽ đến anh. Ông Nguyễn Sinh Huy vốn nghiện rượu rất nặng…Bà Thanh kể rằng hồi ấy cứ lên cơn thèm rượu và say rượu là bà bị ông bố đánh bằng tay và bằng roi rất tàn nhẫn… Cho nên khi xuống tàu xuất dương, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đang ở tâm trạng bế tắc, việc học dở dang, ông thân sinh bị “đứt gánh” đột nhiên trên con đường hoạn lộ. Anh ra đi để cứu mình trước hết, tìm việc tìm nghề và phần nào để giúp gia đình…

Cho nên ngay khi vừa đến Pháp, ngày 15-9-1911, anh đã nộp đơn xin vào trường Thuộc Địa. Anh bị từ chối vì không thuộc tầng lớp con cháu quan lại cao cấp bản xứ và không có học vấn khá. Từ đó, anh trở thành bồi tàu với mối lo lớn nhất là sự sống của gia đình và niềm mong ước là có lúc bản thân sẽ trở thành một maitre d’hotel…

Cuối năm 1912, khi tới New York, anh đã liên tiếp gửi 2 lá thư cho Khâm Sứ Trung Kỳ kèm theo số tiền 15 đồng bạc Đông Dương nhờ chuyển cho cha và “cầu mong Ngài Khâm Sứ vui lòng cho cha tôi được nhận một công việc như Thừa Biện ở các Bộ” (22)… Phải đến sau đệ nhất thế chiến 1914-1918, tư tưởng chính trị của Nguyễn Tất Thành mới thành hình rõ nét, sau khi tiếp xúc với Đảng Xã Hội, tiếp đó là Đảng Cộng Sản Pháp”.

Theo Bùi Tín, Đảng đã chỉ thị cho các sử gia dựng lên khuôn mẫu nhân vật Hồ Chí Minh thuộc một gia đình chí sĩ cách mạng, được un đúc lòng yêu nước từ tuổi ấu thơ, cha bị cách chức vì chống chính sách sưu cao thuế nặng đối với dân chúng nên sớm nuôi chí đấu tranh rời quê hương đi tìm phương cứu nước cứu dân…

Không thể ngờ vực việc Đảng ra chỉ thị nhưng không thể quên rằng khuôn mẫu trên không do Đảng hay các sử gia mà do chính Hồ Chí Minh đã dựng lên trong tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch được Hồ Chí Minh viết dưới bút hiệu ẩn danh Trần Dân Tiên. Con người yêu nước từ thuở sơ sinh và sáng suốt hơn bất kỳ người Việt Nam nào của thế kỷ 20 chỉ là con người trong tưởng tượng của Hồ Chí Minh, sau đó được các nỗ lực tuyên truyền Cộng Sản trên khắp thế giới tô vẽ lại và Duiker tin theo. Con người này rõ ràng khác rất xa với con người viết thư cho một quan chức thuộc địa cầu xin ân huệ với lời lẽ như “sự quan tâm cao quý của Ngài” và “xin Ngài nhận những lời chào kính cẩn của kẻ dân-con và kẻ tôi tớ chịu ơn Ngài”… Kẻ có lời lẽ đó không thể là khuôn mẫu anh hùng từ tuổi thiếu niên đã quyết bỏ trọn đời đấu tranh cứu dân cứu nước.

Duiker cùng các tác giả xưng tụng Hồ Chí Minh cũng nhắc rằng Hồ Chí Minh đã trải nhiều gian khổ, đã hy sinh mọi sinh thú cá nhân tận tụy đấu tranh để cuối cùng trở thành nhà ái quốc vĩ đại, là vị anh hùng dân tộc lớn nhất trong lịch sử Việt Nam …

Trên thực tế, trọn đời đấu tranh của Hồ Chí Minh chỉ là lãnh lương của Đệ Tam Quốc Tế, đi lại đó đây như một du khách từ Pháp, qua Nga, qua Đức, qua Trung Hoa, qua Đông Nam Á… với cả nửa tá người tình. Gian khổ cùng cực của Hồ Chí Minh chỉ là 18 tháng bị Trung Hoa Dân Quốc bắt giữ do nhập cảnh trái phép và 13 tháng nằm trong nhà giam Hương Cảng của người Anh vì là tay sai Nga bị nghi ngờ muốn phá hoại Hương Cảng.

Hồ Chí Minh bị bắt không do đấu tranh cho đất nước, chưa qua một ngày trong ngục tù thực dân, không chịu một ngọn đòn tra tấn nào, dù chỉ là một cái bạt tai.

Cảnh ở tù được chính Hồ Chí Minh kể lại là “mỗi tuần hai lần, chúng cho ông ăn thịt bò, cơm trắng... Mỗi ngày, chúng cho ông ra sân đi bách bộ mười lăm phút… Những buổi đi hỏi cung là những lúc nghỉ ngơi khoái nhất trong khi ở tù. Vì bọn mật thám thường mời ông hút thuốc lá Anh…” (23)

Cảnh tù đầy đó so với cảnh sống của người dân Việt Nam hiện nay vẫn là cảnh thần tiên nên khó thể trở thành mức hy sinh gian khổ đủ khiến toàn dân kính phục tri ân người phải trải qua để xưng tụng là Cha già dân tộc. Danh hiệu này cũng do Hồ Chí Minh tự gán qua cuốn sách viết về mình và được các họng loa tuyên truyền đổi thành lời xưng tụng của nhân dân.

Riêng người dân nghĩ về Hồ Chí Minh ra sao thì Vũ Thư Hiên từng có thời quấn quít bên Hồ Chí Minh, coi Hồ Chí Minh như người bác thực sự đã ghi lại lời của một bạn thân: “Chúng ta nhầm…Ông Hồ cũng là vua như các ông vua khác, lại không phải vua hiền. Ông ấy biến những con người lương thiện thành những con quỷ. Ông ấy là Quỷ Vương” (24)

Thái độ rõ rệt nhất đối với Hồ Chí Minh do thực tế nêu lên là hơn một triệu người dân miền Bắc ào ạt chạy vào Nam sau hiệp định Genève 1954 khi biết miền Bắc sẽ đặt dưới sự lãnh đạo của “vị Cha Già Dân Tộc” và chọn lựa tương tự của số đông gấp nhiều lần với những nguy hiểm lớn gấp nhiều lần sau tháng 4-1975 tạo thành những trang sử được Michel Tauriac diễn tả “đó là lịch sử của những người được gọi là boat people và còn được mệnh danh là những kẻ chết đắm của tự do. Lịch sử của một dân tộc đã bị tàn hại bởi thứ chính trị hận thù và phân rẽ của chủ nghĩa Cộng Sản” (25)

Diễn tả vắn gọn của Michel Tauriac có thể coi là bao quát hết diễn tiến thực tế lịch sử Việt Nam từ giữa thập niên 1920 về sau. Mức tàn phá của thứ chính trị hận thù và phân rẽ theo quan điểm Cộng Sản trước hết đã đánh phá hàng ngũ người Việt Nam yêu nước đang đấu tranh đòi độc lập, khi Hồ Chí Minh hoạt động bí mật. Sau đó, khi Hồ Chí Minh giành được chính quyền thì toàn thể dân tộc trở thành đội ngũ tiền phong xung trận trong cuộc chiến ý thức hệ giữa hai khối cực quyền trên thế giới.

Tính chất kháng chiến giành độc lập được gán cho giai đoạn 1945-1954 và kháng chiến chống xâm lăng được gán cho giai đoạn 1954-1975 không hề phản ảnh thực tế mà chỉ là kết quả của một trận chiến tuyên truyền với phạm vi bao trùm dư luận khắp thế giới.

Trong giai đoạn 1945-1954, sự hiện diện của quân đội Pháp bên cạnh hàng ngũ yêu nước và sự có mặt của những người yêu nước trong hàng ngũ kháng chiến khiến các luận điệu che giấu tính cục bộ của cuộc chiến ý thức hệ bằng chiêu bài giải phóng dân tộc dễ được chấp nhận.

Trong giai đoạn 1954-1975, sự có mặt của quân đội Mỹ bên cạnh quân đội miền Nam tiếp tục bị khai thác theo hướng cũ với chiêu bài chống ngoại xâm cũng dễ thu đạt hiệu quả do các nỗ lực tuyên truyền của Cộng Sản.

Có thể nói không sợ lầm lẫn rằng trong cuộc chiến ý thức hệ, Cộng Sản luôn nắm ưu thế tuyệt đối về tuyên truyền.

Lý do trước hết là thế giới tự do không đặt nặng việc tuyên truyền trong khi Cộng Sản coi tuyên truyền là mặt trận quan trọng có tầm mức quyết định lớn hơn các mặt trận sử dụng bom đạn.

Lý do kế tiếp là Cộng Sản đã có một quá trình kết khối với kỷ luật rõ ràng là tuân hành mọi chỉ thị từ Liên Xô khiến mọi hành vi đều phối hợp nhịp nhàng với qui mô phủ khắp thế giới nên một luận điệu tuyên truyền được đưa ra ở nơi này sẽ lập tức được lập lại ở nhiều nơi khác để tăng cường tối đa hiệu quả.

Lý do khác không kém quan trọng là kỷ luật thép trong chính sách cai trị tại các quốc gia Cộng Sản và không khí sinh hoạt dân chủ tại phía thế giới tự do. Mọi phương tiện truyền thông, thậm chí mọi lời nói của từng cá nhân tại các quốc gia Cộng Sản đều phải lập lại quan điểm của giới lãnh đạo trong khi người dân phía thế giới tự do có toàn quyền bày tỏ chính kiến theo bất kỳ quan điểm nào. Ưu điểm trong sinh hoạt dân chủ đã mở ra khoảng trống khổng lồ cho Cộng Sản tấn công tuyên truyền tại bất kỳ nơi nào, với bất kỳ thành phần quần chúng nào.

Cuối cùng, cuộc chiến Việt Nam với tính cục bộ trong cuộc chiến ý thức hệ đã thành cuộc chiến của mọi quốc gia Cộng Sản, mọi đảng Cộng Sản, mọi tổ chức Cộng Sản. Tất cả đều đứng trước đòi hỏi phải góp phần, vì là nhiệm vụ chung trên đường đấu tranh giai cấp để giành thắng lợi cuối cùng cho lý tưởng Cộng Sản, nên hợp quần chiến đấu trong mặt trận tuyên truyền bằng những luận điệu xuyên tạc thực tế, vu cáo bôi nhọ tạo một dư luận dẫn tới cô lập đối phương.

Trong diễn tiến tình hình, vũ khí chiến cụ do Liên Xô, Trung Cộng tiếp trợ gần như chỉ đủ giúp Cộng Sản Việt Nam mở các trận đánh duy trì tình trạng chiến tranh để toàn khối Cộng Sản khai thác vào mặt trận tuyên truyền với tầm mức quyết định kết quả cuộc chiến.

Trên mặt trận này, Hồ Chí Minh đã góp phần không nhỏ là dựng bản thân mình thành một người yêu nước, một anh hùng dân tộc để qua đó thu hút sự hỗ trợ của dư luận quốc tế tạo thành áp lực chính trị nặng nề cho đối phương. Khuôn mẫu nhân vật yêu nước Hồ Chí Minh do Hồ Chí Minh nêu lên đã được chép lại ở khắp nơi và chinh phục sự ngưỡng mộ của nhiều người.

Cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch ký tên tác giả Trần Dân Tiên chính là công binh xưởng số một, lò đúc võ khí vô tận không ngừng được tiếp tế tài nguyên dồi dào của bộ chỉ huy chiến tranh ý thức hệ toàn cầu ở Mạc Tư Khoa. (26)

Khuôn mẫu nhân vật yêu nước Hồ Chí Minh khiến nhiều người không nhìn ra một phần lý do khiến người Pháp, ngay từ 1945, không muốn trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam, là mối lo Liên Xô bành trướng qua Đông Nam Á, nên đã phủ nhận tính cục bộ trong chiến tranh ý thức hệ của cuộc chiến Đông Dương I.

Không riêng dư luận quốc tế mà nhiều người ở trong nước cũng bị chinh phục bởi khuôn mẫu này. Do đó, đã có những người yêu nước đứng trong hàng ngũ do Hồ Chí Minh lãnh đạo và không thiếu người xin gia nhập đảng Cộng Sản vì tin rằng Đảng đang chiến đấu giành độc lập cho đất nước. Gương hy sinh chiến đấu của những người này đã góp phần không nhỏ vào việc tạo sự nể phục cho dư luận đối với lập trường cứu nước của đảng Cộng Sản và Hồ Chí Minh.

Thực ra, Hồ Chí Minh không chỉ tạo ra khuôn mẫu yêu nước cho bản thân bằng cuốn sách ký tên Trần Dân Tiên mà bằng rất nhiều thủ đoạn khác.

Cuối năm 1945, Hồ Chí Minh từng ôm Nguyễn Hải Thần khóc nức nở với lời nói tha thiết: “Cả Nam Bộ lại lọt vào tay thực dân Pháp. Mong cụ và anh em Việt Nam Quốc Dân Đảng hãy vì Tổ Quốc Việt Nam gánh vác trách nhiệm chung với chúng tôi”. Tính chất của lời nói đã được chứng minh bằng hành vi thực tế đối với Nguyễn Hải Thần và Việt Nam Quốc Dân Đảng vào mấy tháng sau.

Trước đó, Hồ Chí Minh từng tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản để chứng tỏ một lòng vì dân tộc, trong khi trên thực tế đảng Cộng Sản vẫn tiếp tục hoạt động và năm 1951 đổi tên để tái xuất hiện công khai. Về sự việc này, Nguyễn Minh Cần đã ghi lại lời lẽ và cử chỉ của Hồ Chí Minh trong hội nghị quyết định đổi tên Đảng: “Ông giơ cao nắp hộp thuốc lá thơm Craven "A" của ông lên về phía có nhãn hiệu thuốc và nói: "Đây là Đảng Cộng sản", rồi ông quay phía trong nắp không có nhãn hiệu và nói: "Còn đây là đảng Lao Động". Ông lại lớn tiếng hỏi: "Thế thì các cô các chú có thấy khác gì nhau không?" Cả hội trường đồng thanh đáp vang: "Dạ không ạ." Ông nghiêm nghị nói: "Các cô các chú nên biết rằng việc đổi tên đảng ta, bác đã xin ý kiến các đồng chí Stalin và Mao Trạch Đông rồi (chúng tôi được biết hồi ấy ông vừa đi Moskva về), các đồng chí đã đồng ý. Các cô các chú nên biết rằng: Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể nào sai được." Cả hội trường vỗ tay rầm rầm.” (27)

Cung cách và hành vi của Hồ Chí Minh nếu được những người như Douglas Pike, Robert Shaplen, Halberstam…coi là biểu hiện mức độ tài năng siêu việt thì bị nhiều người khác, thậm chí cả Honey, Sainteny… nhìn thành hiểm ác, xảo trá. Những hướng nhìn đó không đánh giá chính xác con người Hồ Chí Minh để giải đáp nghi vấn vẫn treo lơ lửng là nhà anh hùng cứu nước hay kẻ đại phản quốc.

Thay vì khen chê theo những tiêu chuẩn đạo đức hay khả năng cần đặt mọi cung cách, ngôn ngữ và hành vi đó thành nền tảng cho sự xác định con đường phục vụ và phương pháp đấu tranh của Hồ Chí Minh.

Bằng thực tế, Hồ Chí Minh cho thấy đã gắn bó với đức tin của một tín đồ vào tín ngưỡng Cộng Sản từ năm 1921. Sau sự chọn lựa này, Hồ Chí Minh đã tận tụy không ngừng trong việc thực hiện sứ mạng tông đồ nên ngay từ năm 1926, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các đồng chí rằng dân tộc chỉ là màu sắc và chủ nghĩa ái quốc là điều nguy hiểm.

Bởi vì, trong giáo điều của tín ngưỡng Cộng Sản không hề có quốc gia dân tộc mà chỉ có giai cấp và giai cấp duy nhất được quyền tồn tại là giai cấp vô sản theo đúng quy luật biện chứng lịch sử. Các giai cấp khác bắt buộc phải bị đào thải theo những ý thức hệ phụ thuộc bao gồm mọi hình thái chủ nghĩa đế quốc thực dân, quốc gia dân tộc…

Trước mắt Hồ Chí Minh chỉ còn duy nhất “chủ nghĩa Mác-Lenin là ánh sáng chân lý, là mặt trời đưa lại nguồn vui” và con đường phục vụ của Hồ Chí Minh hướng trọn về phía ánh sáng chân lý này.

Sở dĩ Hồ Chí Minh luôn xuất hiện dưới vóc dáng người yêu nước, một tín đồ dân tộc chủ nghĩa, vì theo nguyên tắc sách lược Lenin, phải thích ứng với thực tế từng giai đoạn để từng bước tiến lên. Không thể với một bước nhảy vọt hoặc theo một con đường thẳng tắp để đi từ chân lên đỉnh núi. Dù không muốn, vẫn phải tùy địa thế dựa theo các triền dốc, uốn theo các khúc quanh. Vóc dáng người yêu nước hay màu sắc dân tộc chính là những khúc quanh, những triền dốc bắt buộc phải bám theo trong phương pháp đấu tranh để đi tới mục tiêu cuối cùng.

Trên tờ Học Tập, cơ quan lý luận và tuyên huấn của đảng Cộng Sản Việt Nam, số tháng 1-1960 nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập đảng, Hồ Chí Minh đã viết: “Năm nay đảng ta 30 tuổi chẵn.... Chúng ta chân thành cảm ơn đảng Cộng Sản Liên Xô và đảng Cộng Sản Trung Quốc đã giúp ta tự rèn luyện thành một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân.”

Trong cùng số báo đó, Lê Duẩn viết: “30 năm nay, lý luận khoa học Mác–Lênin luôn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của đảng ta”

Lênin đã phát biểu: “Chiến tranh lật đổ chế độ tư sản quốc tế là cuộc chiến tranh trăm phần khó khăn, lâu dài, phức tạp hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào giữa các quốc gia. Nếu ngay từ đầu đã từ bỏ không chịu dùng những con đường quanh co, khai thác các mối mâu thuẫn, xung đột quyền lợi thường chia rẽ các đối phương, không chịu thỏa hiệp ký kết thì có khác gì, trong một cuộc mạo hiểm leo núi chưa từng có ai đặt chân tới, mà lại từ chối ngay từ đầu, không chịu đi quanh co một đôi lúc và, đôi khi, quay đầu trở lại, để tìm một hướng đi mới?” (28)

Khai triển ý niệm trên, trong Những nguyên lý của chủ nghĩa Lênin, Stalin đã viết: “Nhiều người nghĩ rằng chủ nghĩa Lênin, nói chung, chống lại cải cách, hiệp ước và điều đình. Điều đó hoàn toàn sai. Người Bolshevick cũng biết rõ như ai rằng ở những hoàn cảnh nào đó, cải cách nói chung và điều giải, thỏa hiệp nói riêng, là điều cần thiết. Chiến sĩ cách mạng chấp nhận sự cải cách, để dùng làm một thứ mồi lửa phối hợp công tác bất hợp pháp, dùng làm nơi ẩn náu ngõ hầu tăng cường công tác bất hợp pháp, chuẩn bị quần chúng làm cách mạng lật đổ chế độ tư bản.” (29)

Mọi cung cách nói năng và hành động của Hồ Chí Minh trong diễn tiến tình hình Việt Nam kể từ thập niên 1920, chiếu theo diễn giải của Stalin, chỉ là những điều giải, thỏa hiệp mang tính ẩn náu trong từng giai đoạn hoặc các mồi lửa với mục đích tăng cường chuẩn bị lực lượng làm cách mạng lật đổ chế độ tư bản.

Trong trường hợp gạt bỏ nền tảng thực tế mà Revel đã nhắc tới để chỉ nhận diện Hồ Chí Minh trên nền tảng lý tưởng và phương pháp đấu tranh, việc xưng tụng Hồ Chí Minh là nhà đại ái quốc hay anh hùng dân tộc cũng hoàn toàn thiếu căn bản.

Hình ảnh chính xác nhất của Hồ Chí Minh vẫn là hình ảnh theo Krutshchev diễn tả: “Hồ Chí Minh là tông đồ nhiệt thành của tôn giáo Cộng Sản… là vị thánh của chủ nghĩa Cộng Sản, người nhiệt thành xả thân vì đại nghĩa Cộng Sản”. Vì thế, Krutshchev đã kêu gọi những người Cộng Sản: “Các bạn phải tôn kính người này, hãy quỳ gối trước ông ấy để tỏ lòng biết ơn về những đóng góp vô vị lợi của ông ấy cho chính nghĩa Cộng Sản”.

Với Cộng Sản, dân tộc chỉ là một tập hợp đầy rẫy nọc rắn độc và chủ nghĩa yêu nước là điều nguy hiểm – như Hồ Chí Minh nhắc nhở – nên sự đóng góp lớn lao cho chủ nghĩa Cộng Sản của Hồ Chí Minh đến mức lãnh tụ Krutschev đòi các đồng chí phải quỳ gối tôn kính cũng đồng nghĩa với sự tàn phá khủng khiếp mà dân tộc phải gánh chịu.

Dù theo đuổi ý đồ tốt đẹp nào trong tranh đấu, Hồ Chí Minh cũng không thể được đặt vào hàng ngũ yêu nước để trở thành anh hùng dân tộc.

Thái độ của người dân Đức hiện nay với Hitler hay người dân Nga hiện nay với Stalin có thể là thái độ thích hợp nhất đối với mọi người Việt Nam để dành cho thần tượng Hồ Chí Minh.

Minh Võ

Trích Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp, phần chú thích trước khi vào sách, trang 27- 32.
*
CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 51

(01) Tín đồ cộng sản là từ do chính đảng Cộng Sản Đông Dương dùng để gọi các đảng viên. Trong nghị quyết ngày 5-11-1945 tự giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương được Hồ Chí Minh công bố ngày 11-11-1945 có câu: “Những tín đồ của chủ nghĩa Cộng Sản muốn tiến hành việc nghiên cứu chủ nghĩa sẽ gia nhập Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mã Khắc Tư ở Đông Dương”

(02) Vẹm là từ ngữ xuất hiện từ chữ VM viết tắt của Việt Minh với hàm nghĩa nói dối. Tiếng Vẹm rất phổ biến trong quần chúng Việt Nam từ 1945: Nói dối như Vẹm…

(03) Dùng thay cho tên Nguyễn Ái Quốc mang từ khi gia nhập đảng Xã Hội Pháp đầu năm 1919 và được nhắc tới nhiều từ sau tháng 6-1919.

(04) Bác Hồ trên đất nước Lenin – Hồng Hà, tr. 190

(05) Mặt Thật – Thành Tín, tr. 120-121

(06) Xin xem Hồ Chí Minh, tên phản quốc … – Nguyễn Phương Minh.

(07) Biên niên tiểu sử – Tập I, tr. 224

(08) Những năm tháng không thể nào quên – Võ Nguyên Giáp, tr. 13

(09) A Dragon Embattled – Buttinger, tr.402 viết về khung cảnh Việt Nam sau hiệp ước 6-3-1946: “...Những cuộc tuần tiễu hỗn hợp Pháp – Việt Minh được thành lập để giữ trật tự và đề phòng bạo động chống Pháp thêm nữa. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Những bước tiếp theo cho thấy Việt Minh đã nhìn ra rằng đây là dịp tốt để họ tiêu diệt các đảng thân Trung Hoa và người Pháp vốn coi phe quốc gia không thể thỏa hiệp còn tệ hơn phe cộng sản chịu hợp tác nên quyết định ủng hộ Việt Minh trong vấn đề này. Nhằm mục đích loại trừ kẻ thù không cộng sản, Pháp đã trở thành đồng minh tạm thời của Việt Minh.”

(10) Nguyên văn tiếng Pháp: “La France reconnait solennellement l’indépen-dance du Vietnam auquel il appartient de réaliser librement son unité. De son côté, le Vietnam proclame son adhésion à l’Union Francaise en qualité d’État associé à la France. L’indépendance du Vietnam n’a d’autres limites que celles que lui impose son appartenance à l’Union Francaise”.

(11) Trong The Struggle For Indochina, Ellen J. Hammer ghi Quốc Hội Pháp phê chuẩn Thỏa Ước Élysée ngày 23-4-1949. Thực ra vào ngày trên chỉ mới có việc Hội Đồng Lãnh Thổ Nam Kỳ thông qua sáp nhập Nam Kỳ vào Việt Nam. Từ đó cho tới ngày 2-2-1950 là ngày Quốc Hội Pháp phê chuẩn bản thỏa ước, giao dịch giữa Việt Nam và Pháp chỉ dựa trên văn thư chính thức giữa các đại diện hành pháp là Auriol, Pignon và Bảo Đại.

(12)-(14)-(15)-(16)-(17)-(18) Mặt thật – Bùi Tín, tr. 99, 128-129 & 134, 39, 91, 99, 98-102

(13) Vision accomplished? – Nguyễn Khắc Huyên – tr. 260

(19) 21 tài liệu gồm thư của Nguyễn Sinh Huy (cha Hồ Chí Minh) gửi Khâm Sứ Trung Kỳ, thư của Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) gửi Khâm Sứ Trung Kỳ, công văn của Sở Mật Thám Trung Kỳ, lời khai của trưởng làng Kim Liên, lời khai của các hương chức Kim Liên, lời khai của Nguyễn Tất Đạt (anh Hồ Chí Minh), lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh (chị Hồ Chí Minh), ghi chép của Sở Mật Thám Nam Bộ, điện của Toàn Quyền Đông Dương …

(20) Từ thời Minh Mệnh, bãi bỏ chức Trạng Nguyên nhưng thêm Phó Bảng là bậc cuối cùng trong 5 cấp đậu trong kỳ thi Hội theo thứ tự sau: Bảng Nhãn, Thám Hoa, Hoàng Giáp, Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân và Phó Bảng.

(21) Nguyễn Lý Tưởng, tác giả Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu (Tác giả XB, Nam Cali, 2001) cho biết, theo lời kể của ông Võ Như Nguyện, con cụ Võ Bá Hạp bạn thân và đồng môn với cụ Phan Bội Châu (tuy kém Phan 10 tuổi), ông Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ ông Hồ, sau khi vợ chết và bị mất chức, đã đem ba người con là Nguyễn Thị Thanh tức Kim Liên, Nguyễn Tất Đạt tức cả Khươm hay Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Côn tức Nguyễn Tất Thành vào Huế gửi ông nội của ông Nguyện là cụ Võ Văn Giáp trông coi hộ. Ông Võ Như Nguyện cũng kể rằng, khi ông bị Việt Minh bắt sau cách mạng Tháng Tám, chính ông Nguyễn Tất Đạt, tức Cả Khiêm đã tự động can thiệp với Trần Hữu Dực lúc ấy là chủ tịch Việt Minh Trung Bộ thả ông, vì nhớ ơn gia đình ông. Hiện ông Võ Như Nguyện sinh sống tại Pau, miền Nam nước Pháp. - xem SĐD trang 73- 75.

(22) Một đoạn thư của Hồ Chí Minh ký tên Paul Tất Thành viết ngày 15-12-1912 như sau: “J’ose même désirer vous prier de bien vouloir lui accorder un emploi comme Thừa Biện des Bộ ou Huấn Đạo, Giáo Thụ, afin qu’il puisse se gagner sa vie sous votre haute bienveillance. En espérant que votre bonté ne refuserait la demande d’un enfant qui, pour remplir son devoir, n’a l’appui que vous et en attendant votre réponse, veuillez agréer, Monsieur le Résident Supérieur, les respectueuses salutations de votre filial peuple et reconnaissant serviteur”. PAUL TẤT THÀNH, New York le 15 Décembre 1912 – Tôi cầu mong Ngài vui lòng cho cha tôi được nhận một công việc như Thừa Biện ở các Bộ hoặc là Huấn Đạo hay Giáo Thụ để cha tôi sinh sống dưới sự quan tâm cao quý của Ngài. Với mong mỏi lòng tốt của Ngài sẽ không từ chối lời yêu cầu của một đứa con chỉ còn biết dựa vào Ngài để làm bổn phận của mình, xin Ngài Khâm Sứ nhận những lời chào kính cẩn của người dân-con và kẻ tôi tớ chịu ơn Ngài.”

(23) Những mẩu chuyện trong đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch – Trần Dân Tiên, tr. 90-91

(24) Đêm giữa ban ngày – Vũ Thư Hiên, tr.251

(25) Vietnam, le dossier noir du Communisme – Michel Tauriac – Bản Việt ngữ, tr. 82.

(26) Về TUYÊN TRUYỀN có hàng trăm đề tài để nói. Chỉ xin đưa một ví dụ rất đơn giản về TIN ĐỒN. Một cán bộ được huấn luyện về tuyên truyền sẽ biết cách tạo ra tin đồn sao cho có nội dung gần với sự thật, nhưng không phải sự thật rồi chọn đúng nơi, đúng lúc, đúng người để gieo cái tin đồn đó. Nó khởi sự bằng cách khoác cái áo mờ ảo “nửa thật nửa giả”. Những tin đồn loại đó sẽ tạo ra huyền thoại và nhiều huyền thoại sẽ tạo nên thần tượng. Không có huyền thoại không có thần tượng. Do đó thần tượng Hồ Chí Minh đã được tạo nên bởi phần lớn những huyền thoại do chính ông Hồ tạo nên trong tác phẩm tự kể về mình theo phương pháp “vẽ rồng không có đuôi”. Huyền thoại còn được tạo nên bằng tin đồn do cán bộ tuyên truyền và khuấy động quần chúng sáng tác, được lặp đi lặp lại qua bộ máy truyền thông do họ nắm độc quyền. Khi đã giữ độc quyền truyền thông thì dễ dàng chi phối các tin đồn và đối phương hay dân chúng không có cách gì kiểm tra hay cải chính. Chính vì thế, ngay sau ngày 19 tháng 8 năm 1945, Việt Minh đã nắm ngay đài phát thanh và đặt mọi tờ báo dưới quyền Trần Huy Liệu bộ trưởng bộ tuyên truyền.

(27) Xin xem Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến cố – Nguyễn Minh Cần

(28)-(29) Sách Lược Xâm Lăng của Cộng Sản – Minh Võ, Saigon 1970, t. 68

http://anhduong.net/binhluan/Jun07/HoChiMinh-MinhVo.htm

Aucun commentaire: