jeudi 14 juin 2007

Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 ! - chinh DDao

Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946


Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 [Convention priliminaire de 6 mars 1946] là văn kiện ngoại giao đầu tiên ký giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] với đại diện Cộng Hòa Pháp tại Ðông Dương, qua trung gian chính phủ Trùng Khánh. Mặc dù chỉ có tính cách tạm thời, văn kiện này công nhận sự hiện hữu của VNDCCH. Nó chính thức cải biến, nói theo các viên chức Bri-tên và Pháp, một thực thể chính trị “sinh ra trong hỗn loạn” thành một chính phủ lâm thời, của một “nước tự do” [un état libre] “có quốc hội, quân đội, tài chính và ngoại giao riêng,” nằm trong Liên Bang Ðông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp.( 1)

Ðây không phải là một hiệp ước ký giữa Pháp với Việt Minh hay cá nhân Hồ Chí Minh [HCM] (1892-1969), mà giữa đại diện hai chính phủ Cộng Hòa Pháp và Liên Hiệp Kháng chiến [LHKC] VNDCCH. Jean H. Sainteny, Ủy viên Cộng Hòa Pháp tại Bắc vĩ tuyến 16, đại diện Pháp, do Cao ủy Georges Thierry d’Argenlieu (1888-1964) ủy nhiệm. Thủ tướng Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh (1907-1993), Phó Chủ tịch Hội Ðồng Kháng Chiến, đại diện Việt Nam. Phụ Ước [Accord Annexe] Quân sự do Võ Nguyên Giáp (tên thật, Võ Giáp), Chủ tịch HÐKC, và Vũ Kim Thành, Ủy viên HÐKC, ký với Raoul Salan, Tư lệnh Pháp ở miền Bắc (chính thức ngày 3/4/1946). Hiệp ước cũng được chính phủ Félix Gouin (1-6/1946) phê chuẩn ba ngày sau, 9/3/1946.

Dù những người đặt bút ký các văn kiện trên có lý do riêng–không hẳn nói chung thứ ngôn ngữ hòa bình, thiện chí hay đoàn kết tinh thành như họ rêu rao–Hiệp ước 6/3/1946 và phụ ước quân sự có phần đời lịch sử riêng. Kết quả chung cuộc, nó giúp quốc quân Trung Hoa yên tâm triệt thoái, sau khi tạo cho Việt Nam và Pháp cơ hội tiếp tục thảo luận về tương lai. Pháp trở lại miền Bắc, kiêu hãnh nhìn lá cờ tam tài phất phới trong nắng Xuân Bính Tuất Hà Nội sau một năm vắng bóng. Phía Việt Nam, Hồ ít nữa cũng được sinh tồn, trút bỏ mối hiểm họa Trung Hoa, và hy vọng đạt một giải pháp chính trị với Pháp. Ngoài ra, có thêm thời gian củng cố thực lực, loại bỏ đối lập–những thành phần bị xếp hạng “phản động” nội địa hay quốc tế, sớm muộn phải ngừng hiện hữu. Phần những người chống Cộng, dù chịu thiệt thòi, nhưng có một cơ hội tham gia vào việc tái khai sinh nước Việt Nam mới–trong luật chơi khắc nghiệt ngàn đời, mạnh được, yếu thua; và, được làm vua, thua làm giặc.

Dĩ nhiên, giữa những điều hứa hẹn và thực tế không nhất thiết giống nhau. Việc thảo luận một giải pháp chính trị cho Việt Nam sau ngày quân Trung Hoa triệt thoái–qua hai Hội nghị trù bị Ðà Lạt (4-5/1946) và Fontainebleau tại Pháp (7-9/1946)–đi từ bế tắc này sang bế tắc khác. Lập trường hai bên khác biệt sâu đậm ở ba điểm: độc lập/tự chủ, thống nhất ba kỳ, và qui chế Liên Bang Ðông Dương. Cả ba vấn nạn trên bắt rễ với nhau, và nỗ lực chỉ giành đoạt cho mình những điều lợi ích nhất có thể rút ra từ các văn kiện đã ký kết–tảng lờ những điều bất lợi–khiến cả hai phe cuối cùng để cho vũ lực quyết định. Giai đoạn thứ nhất (1945-1954) của cuộc Tam Thập Niên chiến (1945-1975) đã lan rộng trên toàn bán đảo Ðông Dương–thay vì hạn chế ở phía Nam vĩ tuyến 16, và tự tiêu hủy đi từ ngày 30/10/1946.

Trong khối văn chương sử học hiện nay, Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 chưa được nghiên cứu tường tận và khách quan. Người ta mới chỉ được đọc tài liệu tuyên truyền đủ màu sắc, hoặc những nhận xét sơ lược đến phiến diện về hiệp ước trên. Ngay những nghiên cứu cổ điển giá trị như The Struggle for Indochina của học giả Ellen J. Hammer cũng không dịch sát ý văn bản hiệp ước, nên không phản ánh được ý định hai phe.( 2)

Muốn hiểu rõ “hòa ước thiện chí” [bonne foi hay good will] trên công luận–và “giai đoạn” [d’une étape] trong tâm ý một số viên chức Việt-Pháp(3)–trước hết cần phân tích những yếu tố chi phối sự hình thành Hiệp ước, tức bối cảnh lịch sử đã khiến nó được ký kết; sự khác biệt giữa những thỏa thuận viết thành văn bản cùng chủ tâm của mọi phe phái; và, từ đó, rút ra kết luận về khả năng đạt được một hiệp định chính thức vượt trên những dị biệt trên.

Với những tư liệu đã giải mật ở đầu thế kỷ XXI,(4) kết luận duy nhất là khả năng đạt được một hiệp định chính thức rất giới hạn. Cả hai phe đều không đủ thiện chí và lòng tin cậy để sống chung hòa bình.



I. NHỮNG YẾU TỐ CHI PHỐI SỰ HÌNH THÀNH HIỆP ƯỚC SƠ BỘ 6/3/1946:

Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 được ký kết không do thiện ý của hai phe Pháp-Việt. Yếu tố có tính cách quyết định là Trung Hoa, một trong ngũ cường được đồng minh ủy nhiệm giải giới quân Nhật và bảo vệ an ninh ngay sau khi Thế Chiến thứ hai (1939-945) chấm dứt. Có áp lực của Liên bang Mỹ hay chăng, một trong những điều kiện Trung Hoa nhấn mạnh là Pháp chỉ có thể thay Quốc quân sau khi đạt thỏa thuận với VNDCCH–một chính phủ Liên hiệp Kháng Chiến, được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn ngày 2/3/1946 (dù còn nặng tính cách sân khấu). Vì những lý do riêng, như sự mỏng yếu của quân viễn chinh–mà không hẳn vì sự an nguy của 20,000 Pháp kiều ở Hà Nội như tuyên truyền bấy lâu(5)–các đại diện Pháp phải ký một hiệp ước không đúng ý muốn của Cao ủy d’Argenlieu hay Bộ Ngoại Giao và Bộ Hải Ngoại Pháp. Phần Việt Nam cũng không đạt được tất cả những gì mong mỏi. Ðiều cả hai phe Pháp-Việt nhất trí là tạo cơ sở pháp lý cho quốc quân Trung Hoa triệt thoái.

A. YẾU TỐ TRUNG HOA:

Hiệp ước sơ bộ Pháp-Việt ngày 6/3/1946 là sản phẩm của Trung Hoa. Quan Tướng Trung Hoa áp lực cả Pháp lẫn Việt Nam ký văn kiện trên trước khi cho Pháp đổ bộ lên phía Bắc vĩ tuyến 16. “Yếu tố Trung Hoa” này chỉ được làm sáng tỏ từ thập niên 1980, khi tư liệu văn khố Pháp bắt đầu mở ra cho các nhà nghiên cứu.

Chính sách của Trung Hoa với Ðông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng không, và cũng không thể, nhất quán hoặc dài hạn. Theo kế hoạch sơ khởi của Bộ Tổng Tư lệnh Quốc Quân, Ðông Dương chỉ có ưu tiên hạng ba, sau Hoa lục, và Triều Tiên, Mãn Châu, Ðài Loan.( 6)

Giữa chính phủ trung ương và các lãnh chúa vùng Vân Nam, Lưỡng Quảng cũng có dị biệt. Trên đại thể, Trùng Khánh không muốn can thiệp vào nội bộ Ðông Dương. Phía sau hậu trường, Thống chế Tưởng Giới Thạch từng nói với Ðại sứ Zinovic Pechkoff từ tháng 10/1944 là sẵn sàng yểm trợ Pháp tái lập nền đô hộ ở Ðông Dương. Trong những cuộc hội kiến Thủ tướng Charles de Gaulle tại Oat-shinh-tân vào tháng 8/1945, và rồi tại Paris ngày 19/9, Ngoại trưởng Tống Tử Văn (T. V. Song) lập lại cam kết trên. Khi d’Argenlieu sang thăm xã giao Tưởng từ ngày 10 tới 12 tháng 10/1945, cả Tống và Tưởng cùng tái khẳng định lập trường này. Trước công luận, Tưởng nhiều lần tuyên bố không có tham vọng lãnh thổ ở Ðông Pháp. Ngày 24/8/1945, khi loan báo chính sách 14 điểm về việc chiếm đóng phía Bắc vĩ tuyến 16, Tưởng nhấn mạnh nhiệm vụ quốc quân Trung Hoa thuần có tính cách quân sự; và không can thiệp vào nội bộ Ðông Dương, theo đúng Quân Lệnh số 1 của Tướng Douglas MacArthur, Tổng Tư lệnh Quân Ðồng Minh tại Thái Bình Dương.( 7)

Mặt khác, Tưởng không nhìn nhận chính phủ lâm thời VNDCCH thành lập ngày 2/9/1945, chỉ coi nó như một thực thể phụ giúp việc quân quản trong khi chờ trao trả chủ quyền cho Pháp. Bởi thế, Ngoại kiều Phủ tảng lờ công điện kêu gọi can thiệp để ngăn chặn sự tái xâm lăng của Pháp hay đề nghị qua thăm thân hữu Trùng Khánh của Hồ.( 8)

Trùng Khánh cũng bổ nhiệm các chức vụ Tổng Lãnh sự Hà Nội và Sài Gòn, cùng Lãnh sự Hải Phòng, trực thuộc Ðại sứ TH ở Paris.

Dẫu vậy, Tưởng không nhẫn tâm lên án VNDCCH hay các tổ chức chống Pháp là “phiến loạn,” hay “côn đồ” [hooligans] cần bị tước khí giới, hay truy diệt để tái lập trật tự và luật pháp như London chỉ thị cho quân Bri-tên đã làm ở miền Nam.( 9)

Là một lân bang của Việt Nam, Trung Hoa làm ngơ cho Quốc Dân Ðảng và các lãnh chúa liên lạc với những nhà hoạt động Việt kháng Pháp. Từ năm 1942, Trùng Khánh còn khai sinh và tài trợ các nhóm Việt kiều lưu vong dưới bảng hiệu Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội (Ðồng Minh Hội hay Việt Cách), trong kế hoạch “Hoa quân nhập Việt.” Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Trương Trung Phụng và ngay cả Hồ Chí Minh đều là ủy viên trung ương Ban Hành động của tổ chức này. Mùa Thu 1944, Hồ còn được về nước hoạt động kháng Nhật, mang theo 18 cán bộ Việt Cách, kể cả một nữ nhân viên truyền tin là Ðỗ Thị Lạc, tức “chị Thuần.” Chỉ từ sau chiến dịch Meigo (9-10/3/1945), HCM và Việt Minh mới tách biệt dần khỏi Việt Cách, sau khi đạt được thỏa thuận với cơ quan tình báo Mỹ tại Hoa Nam khiến ngày 6/5/1945 Tiêu Văn đe dọa sẽ tiêu diệt Việt Minh. (10)

Liên hệ giữa quốc quân TH với chính phủ VNDCCH cũng nằm trong chính sách chung của Trùng Khánh–tức không công nhận. Viên chức Việt, khi muốn di chuyển, phải có giấy phép của cảnh vệ TH. Giám đốc Cảnh sát Hà Nội có lần bị bắt vì không giữ được trật tự hay kiểm soát các hành động bài Pháp. Ngay đến Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội Vụ, hay Chủ tịch HCM cũng từng bị tạm giữ vài giờ. Giây phút nào cũng lo sợ sẽ bị đảo chính hay bắt giữ. Từ chuyến qua thăm Hà Nội của Hà Ứng Khâm vào đầu tháng 10/1945, tới việc đưa Lộ Quân 53 Trung ương từ Vân Nam vào Bắc Việt sau cuộc lật đổ Long Vân.

1. Thương thuyết Pháp-Hoa:

Trùng Khánh coi nhiệm vụ giải giới quân Nhật tại Ðông Dương như một thứ chiến lợi phẩm để giải quyết một số vấn đề căn bản trong bang giao Pháp-Hoa: Trước hết là những hòa ước bất bình đẳng từ cuộc chiến tranh nha phiến; sau đó, đến lợi nhuận vật chất khác, như việc sử dụng hải cảng Hải Phòng và quyền sở hữu khoảng 500 cây số đường xe lửa Hải Phòng/Côn Minh nằm trong lãnh thổ Vân Nam; và, tình trạng Hoa kiều ở Ðông Dương.

Bắc Ðông Dương còn được dùng như nơi tập trung và dưỡng quân để chuẩn bị cho kế hoạch củng cố quyền lực trung ương và “thanh Cộng”. Bởi thế, để tước khí giới khoảng 30,000 quân Nhật dưới quyền Tướng Tsuchihashi Yuitsu, Trùng Khánh vận dụng tới hơn 4 quân đoàn (152,500 người), so với khoảng một sư đoàn Bri-tên và 2 sư đoàn Pháp tại miền Nam.

Trong khi đó, quan Tướng Trung Hoa cũng có mục đích tư riêng–từ trả thù cá nhân, buôn lậu, làm giàu tới quan điểm chính trị và sở thích. Tại Lào, chẳng hạn, dù không có quân Nhật, Trung Hoa vẫn gửi qua một sư đoàn Vân Nam, và lực lượng này rút khỏi Ðông Dương trễ nhất (9/1946).

Từ tháng 8/1945, sau khi biết được quyết định Potsdam của Bộ Tư lệnh Tối Cao Ðồng Minh, Ðại sứ Pechkoff đẩy mạnh thương thuyết với Trùng Khánh về quyền tài phán của Pháp tại Hoa lục, đặc biệt là Quảng Châu Loan [Guangzhouwan]; cùng vấn đề cư trú và tái võ trang khoảng 5000 binh sĩ Pháp đã chạy qua Vân Nam sau chiến dịch Meigo. Tiếp đó, những vấn đề nổi cộm nhất liên quan đến quân phí của Quốc quân Trung Hoa tại phía Bắc cùng tiếp vận, thực phẩm (gạo miền Nam).

Thương thuyết Pháp-Hoa về việc đưa quân Pháp ra Bắc chính thức bắt đầu sau khi Tưởng bật đèn xanh với Pechkoff ngày 7/12/1945, và Ðại sứ TH tại Paris chuyển giao cho Quai d’Orsay thông điệp tương tự ít ngày sau. (11)

Tân Ðại sứ Jacques Meyrier hối hả rời Paris tới Trùng Khánh ngày 17/1/1946 để trực tiếp thảo luận với Ngoại kiều Phủ. Hai bên gặp trở ngại từ đầu vì vấn đề kinh tế và tài chính. Ðiểm then chốt là quân phí, đã được d’Argenlieu đưa ra từ tháng 10/1945 để bày tỏ thiện chí. Trùng Khánh đòi 95.8 triệu đồng Ðông Dương mỗi tháng, trong khi Pháp chỉ muốn trả khoảng 25 tới 27 triệu. Tháng 11/1945, hai bên đồng ý con số 60 triệu, nhưng chưa thoả thuận về thời gian chiếm đóng, tức tổng số tiền Pháp phải ứng trước. Ngoài ra, còn 3 vấn đề khác–tức chủ quyền phần đường xe lửa trên lãnh thổ Trung Hoa, quan thuế tại cảng Hải Phòng, và qui chế ngoại kiều dành cho người Hoa.

Vấn đề quân sự cũng được thảo luận tại Trùng Khánh từ ngày 8/1/1946, giữa Tướng Raoul Salan, Ðại tá Crépin và Tùy viên quân sự Pháp với Bộ Tư lệnh Trung Hoa. (12) Như một dấu hiệu thiện chí trước lời than phiền của Pháp–do đích thân d’Argenlieu nêu lên vào tháng 10/1945, và qua Ðại tá Jean Crèvecoeur, trưởng đoàn liên lạc tại Bộ Chiến Tranh TH–ngày 7/1, Tướng Trịnh Khải Dân (Tseng Kai-ming) cho lệnh Sư đoàn 93 Vân Nam rút khỏi Lào, và 40% Lộ quân 93 tại vùng Hà Nội/Hải Phòng triệt thoái về hướng Lạng Sơn-Quảng Tây nội trong tháng 1/1946. Các đề mục thảo luận chính là việc cho phép quân Pháp ở Vân Nam trở lại Ðông Dương theo các trục Mương La, Phong Thổ và Lai Châu, tái võ trang 5,000 thường dân Pháp, và sử dụng các phi trường ở miền Bắc. Trùng Khánh chỉ chấp thuận trên nguyên tắc việc vũ trang 5,000 thường dân Pháp ở Hà Nội.

Giữa lúc thương thuyết đang diễn ra, bạo động chống Pháp lại đột ngột bùng lên ở Hà Nội. Từ tháng 3/1945, bài Pháp đã là thực đơn hàng ngày của dân chúng các đô thị miền Bắc. Việc quân Pháp được quân Bri-tên yểm trợ tái chiếm miền Nam từ tháng 9/1945 càng khiến tình hình căng thẳng. Thêm vào đó là kế hoạch giảm giá giấy bạc 500 Ðông Dương cũ, và từ chối công nhận số giấy bạc do Nhật phát hành sau ngày 9/3/1945. Việc cải cách trên chỉ nhằm vào chính phủ lâm thời VNDCCH, cùng ngoại kiều Hoa, Ấn đã làm giàu dưới thời Nhật chiếm đóng, và đang kiếm lợi qua chợ đen quan kim. Nhưng quan tướng Quốc quân không đồng ý. Tháng 11/1945, họ từng bắt giữ Beylin, Giám đốc chi nhánh Ngân Hàng Ðông Dương [NHÐD] Hà Nội, cùng Jean Laurent, Phó Tổng Giám đốc NHÐD, đang qua thăm Hà Nội, đưa về Côn Minh. Nhờ Tướng Philip E. Gallagher trong phái bộ Mỹ nỗ lực hòa giải tình hình mới tạm yên. Ngày 4/12, Pháp phải bỏ việc thâu hồi giấy bạc 500, và đồng ý đổi giấy bạc 500 bằng giấy nhỏ hơn. (13)

Thời gian này, Thượng tướng Chu Phúc Thành, Tư lệnh Quân Ðoàn 53, đang trực tiếp cai trị Hà Nội và châu thổ sông Hồng. Chu chống Cộng, và ủng hộ nhóm Nguyễn Hải Thần-Nguyễn Tường Tam-Vũ Hồng Khanh. Ðầu tháng 12/1945, Chu từng tra vấn HCM trọn một ngày về vụ ám sát một Pháp kiều. Ðây không phải là vụ sát nhân đầu tiên. Từ tháng 11/1945, đã có 30 vụ sát nhân và 30 vụ bắt cóc [rapts] Pháp kiều.

Tướng Võ Nguyên Giáp thuật lại rằng đầu tháng 12/1945, Hồ đến tư dinh Tiêu Văn, rồi được đón vào Bộ Tư lệnh quân Trung Hoa ở nhà thương Ðồn Thủy (Bệnh viện 108 hiện nay). Bị tra vấn gần trọn một ngày mới thả, nhưng xe và tài xế bị giữ lại. Lý do là Chu nghi Lê Tùng Sơn, một cán bộ trung ủy của Việt Cách đã bí mật theo Cộng Sản, giết chết một Pháp kiều. Theo Sơn, đang vận động ứng cử Ðại biểu Quốc Hội ở Thái Bình, bị gọi về Hà Nội, rồi tống giam. Bị đánh đau, thoạt tiên Sơn nhận tội. Nhưng khi chánh thẩm mớm cung cho Sơn khai HCM và Giáp đã cho lệnh giết người, Sơn phản cung. Chu ra lệnh xử tử Sơn, nhưng Tiêu Văn xuất hiện kịp thời cứu mạng. Sau Sơn thấy Bảo, tài xế của HCM, cũng bị bắt, cùng Quý, con Từ Ngọc Liên, do công an Việt giải giao. Nhưng rồi Nguyễn Hải Thần can thiệp cho Quý được phóng thích. Trong thời gian Sơn bị giam, Uông Bài Thành. Trưởng phòng II của Lư Hán, can thiệp.( 14)

Việc thẩm cung Hồ hay bắt giữ Sơn chỉ giúp tình hình tạm lắng dịu. Ngày 9/1/1946, vừa trở lại Hà Nội, Beylin bị ám sát. Rối loạn tiếp tục trong hai ngày 10-11/1/1946 vì Hoa kiều biểu tình chống Pháp. Tướng Ma Ying, Tham Mưu trưởng của Lư Hán, phải đích thân can thiệp.

Ngày 16/1, Trùng Khánh đồng ý cho quân Pháp trở lại đất Lào để trao đổi với việc chuyên chở gạo Sài Gòn ra Bắc hầu đáp ứng nhu cầu quốc quân, lên tới 5,000 tấn mỗi tháng. Trước đó, ngày 12/11/1945, khi Tướng Ma Chang Yang vào Sài Gòn, đòi Pháp tải gạo ra Bắc, d’Argenlieu chỉ đồng ý với điều kiện quân Trung Hoa phải rút khỏi Lào trước ngày 1/1/1946.( 15)

Nhưng ngay sau khi có tin quân Pháp tiến vào Lai Châu, bạo động lại bùng lên. Ngày 19/1, Arnoux, một cựu giáo sư trường Bách Nghệ, bị bắn chết ngay trước cửa nhà. D’Argenlieu khai thác tối đa sự kiện này để hỗ trợ kế hoạch tái chiếm miền Bắc. Ngày 20/1, Sainteny họp khẩn với viên chức Trung Hoa (Lin Chi Han, phái viên của Tưởng bên cạnh Lư Hán), và viên chức Bri-tên/Mỹ về cái chết của Arnoux. Ðại diện Mỹ và Bri-tên theo Sainteny tới tận Ðồn Thủy để phản đối ban quân quản TH (gồm Thiều Bá Xương, Chu Phúc Thành và Tiêu Văn) đã không bảo đảm được an ninh cho Pháp kiều. Ngày 27/1, Cố vấn Ngoại Giao Clarac và Pignon lại gặp Chu và Lin về việc này. Lin hứa sẽ không xảy ra những chuyện đáng tiếc nữa.( 16)

2. Hoà Ước Trùng Khánh (28/2/1946):

Giữa tháng 1/1946, d’Argenlieu cử Tướng Jean Etienne Valluy về Paris, mang theo một hồ sơ mật và thư riêng cho de Gaulle, xin đẩy mạnh thương thuyết để sớm thực hiện “kế hoạch bí mật H,” hoặc “hành quân Bentre”–với ý định gương cao lá cờ tam tài ở Hà Nội ngày 9/3/1946, tức đệ nhất chu niên ngày Nhật lật đổ chế độ Vichy Jean Decoux. Buổi họp ngày 27/1 tại Quai d’Orsay, do Valluy yêu cầu triệu tập, quyết định tiếp tục “cắt nhượng.” Ngày 7/2, Ủy ban Liên Bộ về Ðông Dương (Comindo) đồng ý nhường thêm phần đường xe lửa trong lãnh thổ Vân Nam; trừ tiền ứng trước quân phí vào số tiền bồi hoàn chiến tranh của Nhật; và Pháp trả giúp tiền mua phần đường xe lửa trên (do công ty tư Pháp làm chủ).

Ngoại kiều phủ cảm thấy đã hài lòng. Ngày 16/2, Trùng Khánh đồng ý hạn chót rút quân vào ngày 30/3/1946. Bốn ngày sau, 20/2, Ủy ban Ðông Dương chấp thuận dự thảo Hoà ước với vài sửa đổi nhỏ.( 17)

Ngày 28/2/1946, Ngoại trưởng Vương Thế Kiệt [Wang Shih-chiek] và Meyrier chính thức ký Hiệp ước Pháp-Hoa; gồm những văn kiện sau:

- Hủy bỏ quyền tài phán của Pháp tại Trung Hoa, kể cả Quảng Châu Loan [Văn?] (đã thoả thuận từ ngày 18/8/1945).

- Một hiệp ước về liên hệ Hoa-Pháp, kể cả điều kiện cắt nhượng cho Trung Hoa phần đường xe lửa Hải Phòng/Vân Nam nằm trên lãnh thổ Vân Nam.

- Một văn kiện bí mật về việc võ trang cho 5,000 thường dân Pháp ở Hà Nội [không công bố].

- Ba văn kiện trao đổi giữa Meyrier và Kiệt, khẳng định quân Trung Hoa sẽ rút từ 15/3 tới 31/3/1946; số tiền ứng trước 60 triệu đồng mỗi tháng, từ 1/9/1945 tới 28/2/1946, và lời hứa sẽ thương thảo thêm về số tiền phụ trội cần thiết sau ngày 28/2. Phần chính phủ Trung Hoa đồng ý ứng trước cho quân Pháp đang đồn trú trên lãnh thổ Trung Hoa (Thượng Hải, Quảng Châu Loan) số tiền 600 triệu quan kim, sẽ bồi hoàn trong vòng 6 tháng.( 18)

Tuy nhiên, việc thay quân Trung Hoa không theo đúng dự kiến của cả Paris lẫn d’Argenlieu. Ngày 1/3, khi Meyrier yêu cầu Trung Hoa ký ngay phụ ước quân sự để Pháp có thể đổ bộ Hải Phòng ngày 5/3 và ngược lên Hà Nội ngày 8/3, Trung Hoa từ chối, nêu lý do cần được Tướng McArthur phê chuẩn. Ngày 4/3, TH lại đặt thêm điều kiện Pháp phải đạt được thỏa thuận với Việt Nam.

Sự đình trễ của Trung Hoa khiến Pháp ít nhiều nghi ngờ rằng có áp lực của giới chức Mỹ. Sự hiện diện ở Sài Gòn từ tháng 1/1946 của Phó vụ trưởng Ðông Nam Á Kenneth P. Landon dường giúp xác tín sự nghi ngờ này. Chẳng hiểu chuyến đi của Landon có liên hệ gì đến đề nghị ngày 28/2 của Trùng Khánh là Mỹ và TH cùng đứng ra hòa giải cuộc tranh chấp Pháp-Việt hay chăng. (19)

Tưởng nên ghi nhận thêm vai trò Tổng Lãnh sự Trung Hoa ở Hà Nội, Yuen Tsi-kai, trong việc thương thuyết. Tới Hà Nội từ tháng 10/1945, Yuen liên hệ tốt với chính phủ HCM. Mặc dù hiểu rằng HCM muốn trục xuất quân TH càng sớm càng tốt, nhưng Yuen tin rằng Việt Nam phải được độc lập. Theo Lãnh sự Mỹ James O’Sullivan, Yuen nói nếu Việt Nam được độc lập mà trở thành tay sai Mat-scơ-va, TH dễ hành động hơn. Yuen còn nhận định thêm:

1/ Pháp muốn tái lập một chế độ tiền chiến ở Ðông Dương;

2/ Hồ được sự ủng hộ của hầu hết dân chúng;

3/ Pháp không đủ binh lực và trang bị để đạt được chiến thắng quân sự;

4/ Pháp không hiểu rằng thế giới đã thay đổi suốt 7 năm qua. (20)

Vì nhiệm vụ chính của Yuen là bảo vệ quyền lợi Hoa kiều ở Ðông Dương, Yuen ít nhiều ảnh hưởng đến việc thương thuyết Pháp-Hoa, hay lời đề nghị Mỹ can thiệp.

B. Yếu tố Pháp:

Pháp thoạt tiên chỉ chú tâm thương thuyết với Trung Hoa để đưa quân ra phía Bắc vĩ tuyến 16. Mặc dù Alessandri và Pignon tiếp xúc với HCM từ thượng tuần tháng 10/1945, đây chỉ là những thăm dò sơ khởi. Việc tiếp xúc, thảo luận với các phe phái Việt Nam khác cũng nhắm mục đích thông tin, tuyên truyền cho Tuyên ngôn “24/3/1945”, do Bộ trưởng Thuộc địa Paul Giaccobi công bố tại Paris ngày 25/3/1945.

Muốn hiểu rõ tâm ý người Pháp không thể không lược duyệt qua nội dung Tuyên ngôn 24/3/1945 và quan điểm người được giao trách nhiệm hiện thực nó, tức Cao Ủy d’Argenlieu.

1. “Tuyên ngôn 24/3/1945”

Văn kiện này được khai sinh khẩn cấp nhằm đáp ứng nhu cầu phản tuyên truyền kế hoạch trao trả độc lập cho ba nước Ðông Dương của Nhật sau chiến dịch Meigo (9-10/3/1945). Tác giả là Henri de Laurentie, Tổng Giám đốc chính trị vụ Bộ Hải ngoại, với sự phụ tá của R. Saller. Theo sơ thảo đầu tiên, Liên Bang Ðông Dương sẽ gồm 5 xứ, với những quyền tự trị rộng rãi. Trong mùa Xuân 1945, Jean de Raymond, Trưởng đoàn Thuộc Ðịa Pháp tại Calcutta, chỉ thị các phái viên phải luôn mang theo mình bản Tuyên Ngôn để tham khảo người bản xứ. (21)

Ngày 20/8/1945, để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của de Gaulle, Paris mới bạch hóa 5 nguyên tắc về tự trị kinh tế của Liên Bang Ðông Dương: tự trị quan thuế, tự do hối xuất giữa đồng Ðông Dương và đồng franc [quan]; tự trị viện hối đoái; không áp dụng luật quốc hữu hoá và các phương thức chỉ huy kinh tế tại Pháp; và quyền tự do kinh tế cho người nước ngoài. Ngày 24/8, De Gaulle cũng tuyên bố tại Oat-shinh-tân sẽ thiết lập một chế độ mới ở Ðông Dương. Chính phủ Ðông Dương gồm cả người bản xứ và kiều dân Pháp tại đây, do một đại diện Pháp chủ tọa. Sẽ có một nghị viện và một nền kinh tế tự do. (22)

Tưởng cũng nên ghi thêm, từ đầu năm 1945, de Gaulle đã thiết lập một văn phòng Ủy Ban Liên Bộ đặc trách vấn đề Ðông Dương (Comindo) tại Phủ Thủ tướng. Tất cả mọi quyết định về Ðông Dương đều phải qua Comindo. Francois de Langlade–một cựu Giám đốc đồn điền cao su ở Malaysia từng hoạt động với Lực lượng [Force] 136 tại Bộ Tư lệnh Ðông Nam Á của Bri-tên, hai lần đột nhập Ðông Dương để chiêu hồi Decoux–được cử làm Tổng Thư ký. Vì chính phủ de Gaulle qui tụ đại đa số đoàn viên Pháp tự do, sự phối hợp giữa Comindo và Bộ Hải ngoại khá chặt chẽ. Sau ngày de Gaulle từ chức, Thủ tướng Gouin, thuộc Ðảng Xã Hội, giao cho Moutet nắm Bộ Hải ngoại. Moutet dần dần chi phối Ủy Ban Ðông Dương, và đưa Labrouquère lên thay de Langlade ngày 15/4/1946.

Dù những biến cố tại Ðông Dương và Á châu khiến ngay đến chủ quyền thuộc địa của Pháp cũng bị đe dọa triệt tiêu, Moutet và chính khách Pháp đều không muốn thay đổi tinh thần Tuyên ngôn 24/3/1945, tức tái lập một Liên bang Ðông Dương thuộc Pháp.

2. D’Argenlieu:

Ðược de Gaulle đích thân chọn làm Cao Ủy, và đặc cách lên Phó Ðô đốc trước khi nhiệm chức, Linh mục d’Argenlieu coi Tuyên ngôn 24/3/1945 như một thánh kinh thứ hai. D’Argenlieu tự cho mình sứ mệnh phục hồi sự vĩ đại của nước Pháp, bằng cách cho ý niệm Liên Bang Ðông Dương những phần thịt xương.

Ngày 18/11/1945, trong báo cáo lên De Gaulle, D’Argenlieu kiêu hãnh nhấn mạnh: “Sự hiện diện của tôi ở đây là nhắm thực hiện Tuyên ngôn 24/3/1945.” Gần một tháng sau, ngày 17/12, D’Argenlieu tự nhận đã thành công đầy khích lệ trong sứ mệnh biến Tuyên ngôn 24/3/1945 thành một thực thể sinh động, mà tiêu biểu nhất là sự thiết lập Hội đồng Liên bang [Conseil fédéral], tiền thân của chính phủ tương lai, từ ngày 1/11/1945.( 23)

Hai đơn vị kiểu mẫu của Liên Bang Ðông Dương dự trù là Kampuchea và Nam Kỳ. Ngày 7/1/1946, vua Norodom Sihanouk chấp nhận tự trị trong Liên Bang Ðông Dương thuộc Khối Liên Hiệp Pháp. Nhưng tình hình Nam Kỳ không diễn tiến như Cao ủy mong muốn. Dù quân Pháp chiếm đóng một số vị trí và trục lộ chiến lược, lực lượng kháng chiến Việt tiếp tục hoạt động. Dẫu vậy, d’Argenlieu vẫn xúc tiến thành lập nước Nam Kỳ bằng cách phát động phong trào đòi “Nam Kỳ của người Nam Kỳ” và rồi bổ nhiệm Hội đồng Tư Vấn Nam Kỳ vào tháng 2/1946, cho nỗ lực chiến lược “Bình định”, tức tiêu diệt các hành động “khủng bố” của “phản loạn” và “quân cướp bóc,” những thành phần Việt Minh bất mãn, những cựu tội phạm. (24)

Riêng với Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, đề nghị ngày 7/12/1945 của Pignon và chỉ thị ngày 12/2/1946 của D’Argenlieu cho Sainteny cũng nhấn mạnh đòi hỏi Hà Nội phải tham gia Liên Bang Ðông Dương. (25)


3. Thương thuyết Pháp-Việt:

Những cuộc bạo động chống Pháp kiều ở Hà Nội trong tháng 10/1945 mở đường cho Pháp và Việt Minh chính thức thảo luận. Ngày 15/10, Sainteny được gặp Hồ Chí Minh.

Sainteny đã từ Côn Minh trở lại Hà Nội ngày 8/10 với phương vị Ủy Viên Cộng Hòa Bắc Kỳ, cùng một số nhân viên mới thuộc Ðoàn Thuộc Ðịa. Tuy nhiên, các cấp chỉ huy quốc quân TH chẳng mấy thiện cảm. Ngay tại phi trường Gia Lâm, Sainteny đã bị binh sĩ TH gây trở ngại, lục soát hành lý; phải nhờ Ðại tá Mỹ Stephen Nordlinger can thiệp, mới được vào Hà Nội. Ngày 16/10, Sainteny còn bị bắt giữ ít giờ; và cũng chỉ được tha nhờ Mỹ can thiệp.( 26)

Ngày 3/11, Việt Nam đề nghị nói chuyện với Pháp về an ninh, trật tự ở Hà Nội. Từ đó, Sainteny bắt đầu mật đàm với Thứ trưởng Ngoại Giao Hoàng Minh Giám và HCM. Thương thuyết tiến triển tốt đẹp hơn sau khi HCM tuyên bố tự giải tán đảng CSÐD, hiệu lực từ ngày 11/11/1945.

Ðầu tháng 12/1945, Hồ, Giám và Giáp gặp Sainteny, Salan, Pignon (cố vấn chính trị của Sainteny), và Louis Caput, lãnh tụ Xã Hội tại miền Bắc, chính thức mật đàm. Vấn đề cơ bản Hồ nêu lên là chính phủ Pháp phải chấp nhận nguyện vọng độc lập công bố ngày 2/9/1945. Ngày 4/12, Giám thúc dục Pignon sớm đạt thỏa ước, và tiết lộ Hồ muốn gặp d’Argenlieu. Ba ngày sau, 7/12, Pignon giao cho Giám một dự thảo Hiệp ước, gồm 2 điểm chính yếu:

(1) Ðồng ý cho Việt Nam được thể hiện đòi hỏi “tinh thần quốc gia annamite, đổi lại, Việt Nam nhìn nhận quyền lợi [droits et intérêts] chính đáng của Pháp tại Viễn Ðông và Thái Bình Dương;” và,

(2) Phương thức tìm kiếm là dành cho dân annamite một nền “độc lập tương dung với khả năng duy trì” [compatible avec son maintien], trong khuôn khổ Liên Bang Ðông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp. (27)

Giám đề nghị sửa phần đầu thành “cho dân chúng Annamite thỏa mãn nguyện vọng chính đáng độc lập quốc gia, đổi lại, Việt Nam nhìn nhận quyền lợi chính đáng của Pháp tại Viễn Ðông và Thái Bình Dương.” (28)

Hôm sau, Giám yêu cầu gặp Pignon ngày 9/12, và tiết lộ sợ Trung Hoa làm đảo chính trước ngày dự trù bầu cử quốc hội, 23/12/1945. Trong buổi gặp mặt ngày 9/12, Giám nói một chính phủ Liên Hiệp sẽ thành lập trong tương lai gần.

Một tuần sau, 16/12, Pignon vào Sài Gòn báo cáo kết quả mật đàm với d’Argenlieu. D’Argenlieu cảm thấy chẳng cần vội vã, muốn đợi kết quả cuộc bầu cử dự định tổ chức vào ngày 23/12 (mà dư luận Pháp không tin Việt Nam đủ khả năng thực hiện). Ngày 18/12, do áp lực TH, Hồ phải dời ngày bầu cử tới 6/1/1946. Hai ngày sau, 20/12, Pignon trở lại Hà Nội với đề nghị d’Argenlieu sẽ gặp Hồ trên chiến hạm Richelieu ngoài khơi Ðồ Sơn khoảng cuối tháng 12/1945. Nhưng ngày 24/12 Sainteny yêu cầu tạm gác cuộc hội kiến d’Argenlieu-Hồ Chí Minh vì Trung Hoa chưa chấp thuận, và nó có thể khiến Hồ bị lật đổ.( 29)

Một trong những lý do khác khiến d’Argenlieu chưa muốn đạt thỏa ước là sự xuất hiện của một “nhân tố mới” ở Paris. Ngày 14/12, de Gaulle đột ngột tiếp kiến Thiếu tá Vĩnh San (1900-1945), tức cựu hoàng Duy Tân (1907-1916)–đã bị truất phế vào tháng 5/1916 vì tội “làm loạn,” rồi đầy qua Réunion. Nhưng cái chết đột ngột ngày 26/12/1945 của Vĩnh San khiến d’Argenlieu chẳng còn lựa chọn nào khác hơn phải đương đầu một đối thủ mà Cao ủy tri nhận được khả năng, nhưng có phần lo ngại về liên hệ với Quốc Tế Cộng Sản. Kế hoạch chấp thuận cho Việt Nam một thứ “độc lập compatible [tương dung]” mà d’Argenlieu muốn dành cho “nhân tố mới” trong mật thư ngày 28/12 gửi de Gaulle–do đích thân Thiếu tá Paul Mus mang về Pháp–cũng tan theo giấc mơ đẹp.( 30)

Từ đầu năm 1946, D’Argenlieu trở lại với lập trường cũ: Không độc lập, không self-government mà chỉ tự chủ [maitre de chez-lui]. Sự trì trệ này có thể liên hệ đến niềm tin ở Paris rằng khoảng đầu Xuân 1946, quân Pháp có thể làm chủ tình hình Ðông Dương.( 31)

Giữa thời gian này, lãnh tụ nhóm Gaullist đột ngột từ chức ngày 20/1/1946. Cùng ra đi với de Gaulle là chính sách luật kẻ mạnh. Cuối tháng 1/1946, sau khi chính phủ Gouin (1-6/1946) thành lập, có sự thay đổi đáng kể trong chính sách Pháp. D’Argenlieu được lệnh xúc tiến nhanh việc thương thuyết.

Nhưng d’Argenlieu vẫn kiên trì. Sau khi được công điện ngày 6/2/1946 của Sainteny xin nối lại mật đàm với Hồ, Cao Ủy đích thân soạn một chỉ thị để hướng dẫn Sainteny trong thời gian mình vắng mặt. Chỉ thị ngày 12/2/1946 gồm những điểm cơ bản sau:

(1) VN không được chủ trương tách rời khỏi Pháp hay từ chối những quyền lợi của Pháp.

(2) Pháp sẽ không sử dụng võ lực để bảo vệ quyền lợi cùng sự an ninh của kiều dân Pháp.

(3) Pháp sẽ thỏa mãn nguyện vọng của dân Việt và tuyên bố chính phủ Hà Nội được tự do và làm chủ chính mình.

(4) Nước Pháp sẽ kêu gọi dân Pháp ủng hộ chính phủ Hà Nội bằng viện trợ chuyên viên kỹ thuật cũng như hành chính.

(5) Chính phủ Hà Nội phải tham gia Liên Bang Ðông Dương.

(6) Chính phủ Hà Nội bảo đảm cho Pháp kiều được hưởng quyền pháp nhân riêng.

(7) Không bảo đảm Việt Nam được thống nhất ba kỳ. Dành cho Nam Kỳ quyền quyết định khi thời điểm đến.

(8) Tạm thời không dùng tiếng độc lập, hay self-government; vì không có từ tương đương trong Pháp ngữ.( 32)

D’Argenlieu còn gửi thư riêng cho Sainteny, phân tích về yếu tố Trung Hoa, và một thư khác cho Hồ Chí Minh, mong muốn đạt được hiệp ước càng sớm càng tốt.

Thứ Bảy, 16/2, Sainteny báo tin vui về Paris: Hồ đồng ý thay tiếng độc lập bằng self-government [tự chủ], trên nguyên tắc gia nhập Liên Hiệp Pháp, và cho quân Pháp thay quân Trung Hoa phía Bắc vĩ tuyến 16. Ðổi lại, Pháp phải hứa hẹn sẽ thảo luận tương lai Nam Kỳ; và, chính phủ Pháp phải trả lời tức khắc. (33)

Ðược Ủy Ban Liên Bộ chấp thuận, ngày 21/2, D’Argenlieu đồng ý cho Việt Nam self-government, nhưng không chấp nhận nguyên tắc thống nhất ba kỳ, và Nam Kỳ sẽ tự do quyết định vị thế tương lai [La Cochinchine décidera librement elle-même de sa position future vis-à-vis du Vietnam].( 34)

Tại Paris, Moutet và ngay cả Phó Thủ tướng Maurice Thorez của Ðảng Cộng Sản Pháp cũng chống việc giao trả Nam Bộ cho chính phủ liên hiệp VNDCCH mới thành lập ngày 1/1/1946. Nếu tin được lời chứng của d’Argenlieu, chiều ngày 22/2, Thorez từng tuyên bố:

“Quốc kỳ của chúng ta trên hết! Vậy nếu cần đánh, cứ đánh, nện cho nặng vào.” [“Nos couleurs avant tous! Et donc s’il faut cogner, cognez et cognez dur.”].( 35)

Cuối tháng 2/1946, còn lại ba vấn đề ngoại giao, Liên bang Ðông Dương, và Nam Bộ. D’Argenlieu chẳng có gì vội vã, hy vọng việc ký hiệp ước Pháp-Hoa sẽ khiến Hồ mềm dẻo hơn. (36)

Ngày 28/2, d’Argenlieu cũng giao cho Leclerc làm đại diện ở miền Bắc để điều động kế hoạch bí mật H, tức đổ quân ở Hòn Gai và Hải Phòng. Nhưng cả d’Argenlieu lẫn Leclerc đều không ngờ là hai ngày trước, 26/2, Việt Cách làm đảo chính ở Hòn Gai, phá hỏng kế hoạch giương cao lá cở tam tài ở Hòn Gai ngày 6/3/1946. (37)

Niềm hy vọng cuối cùng chỉ còn là các điều khoản của Hiệp ước Trùng Khánh và thiện chí hợp tác của quan tướng Trung Hoa tại Hải Phòng.

C. Yếu tố Việt Nam:

Lập trường hoà đàm đầu tiên của Hồ là Pháp phải chấp nhận nền độc lập và sự thống nhất lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng từ tháng 11/1945, Hồ mềm dẻo hơn. Một trong những lý do là áp lực nặng nề của Trung Hoa và các phe chống Cộng.

1. Giải tán Ðảng Cộng Sản Ðông Dương:

Hành động độc đáo nhất của Hồ giữa cảnh trên búa dưới đe vào tháng 11/1945 là giải tán Ðảng CSÐD–một quyết định đến nay vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Theo Cờ Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Ðảng CSÐD, Ban Chấp hành trung ương Ðảng họp ngày 5/11/1945, “nghị quyết tự động giải tán Ðảng Cộng Sản Ðông Dương từ ngày 11/11/1945. Những tín đồ của Chủ nghĩa CS muốn tiến hành việc nghiên cứu chủ nghĩa sẽ gia nhập Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mã Khắc Tư [Marxist] ở Ðông Dương.” Trường Chinh–người chống đối việc giải tán Ðảng–được cử làm Tổng Thư ký.( 38)

Ðộng cơ của việc giải tán Ðảng CSÐD thường được biết như nhắm tránh sự tiêu diệt của quốc quân Trung Hoa, giải tỏa sự nghi ngờ của dư luận quốc tế, đặc biệt là Liên bang Mỹ, và đoàn kết tinh thành với các phe nhóm để bảo vệ độc lập, tự do. Không ít người cho rằng việc giải tán Ðảng CSÐD chỉ nhằm “đánh lừa” phe tư sản. Hoàng Tùng (Trần Thọ)–cựu Bí thư Hải Phòng, rồi chánh văn phòng của Trường Chinh, Tổng biên tập báo Nhân Dân–đưa ra lập luận này. Trong thập niên 1990, tại Việt Nam, người ta truyền tay nhau một bản “hồi ký” của Hoàng Tùng, cho rằng HCM muốn “lừa” địch; nhưng địch không bị lừa, mà chính “phe ta” sinh ra nghi ngờ, nên không ủng hộ VNDCCH trong giai đoạn 1946-1949.

Tình báo Pháp cũng ghi nhận quyết định giải tán Ðảng CSÐD của Hồ đã tạo nên sự bất mãn và nghi ngờ của Văn phòng Ban Phương Ðông [Dalburo] Thượng Hải, đưa đến những lời cáo buộc nặng nề như “bán mình cho đế quốc” và “phản bội” dân tộc Việt Nam và giai cấp công nhân vào mùa Hè 1946. Vẫn theo tình báo Pháp, mùa Hè 1946, Dalburo Thượng Hải còn gửi phái đoàn bí mật qua Hà Nội để điều tra về quyết định rất “phản động” trên.( 39)

Nhưng để hiểu rõ hơn quyết định lịch sử này, không thể không duyệt xét lại kinh nghiệm cá nhân của HCM, qua hơn hai thập niên hoạt động cho QTCS, trước khi lên cầm quyền. Sự tiếp cận với chủ thuyết Cộng Sản của HCM, cần nhấn mạnh, không do sự quyến rũ hay thâm sâu của Marxist-Leninism–một hình thái Nga hóa sơ khởi thuyết Karl Marx–mà ngày đó HCM chưa nghiên cứu kỹ lưỡng. Hồ đã đến với Ðảng Cộng Sản Pháp và rồi Ðệ Tam QTCS, tức Liên Sô, từ năm 1920-1923 phần lớn vì thời điểm này chỉ có Mat-cơ-va bày tỏ thiện cảm với các nước bị Tây phương xâm chiếm, gọi chung là các nước thuộc địa hay bán thuộc địa. Hồ nhiều hơn một lần, khẳng định điểm này.

Dĩ nhiên, chủ nghĩa Cộng Sản tự nó có sức quyến rũ của một thứ giả tôn giáo (pseudo-religion), chẳng phải xa lạ với Ðông phương: đó là lấy tài sản phi nghĩa của tham quan, ô lại, hay cường hào, ác bá (kẻ giàu có, gian ác), chia cho đám đông đói khổ. Những anh hùng phổ thông trong dân gian tại Trung Hoa hay Việt Nam là những Ðơn Hùng Tín hay 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (Thủy Hử). Và viễn tượng của một xã hội cộng sản, đại đồng–ở đó mỗi người hưởng theo nhu cầu, làm theo khả năng; nhà nước tức guồng máy thư lại tự tan biến đi [withering away] mà Marx hay Engels hoang tưởng đã từng hiện hữu trong các xã hội nguyên thủy, dù chẳng hề được chứng nghiệm–mang sức quyến rũ chẳng kém gì cõi thiên đường sau khi chết của các tôn giáo Ðông Tây. (40)

Nhưng vào đường hoạt động, HCM dần dần khám phá ra những sự thực cay đắng ở hậu trường sân khấu. Quốc gia nào cũng có những quyền lợi tư riêng ẩn dấu sau những chiêu bài truyền đơn, khẩu hiệu đẹp đẽ. Việc khai tử bí danh Nguyễn Ái Quốc tại Mat-scơ-va vào mùa Hè 1932 (và dưới chính ngòi bút của Thống đốc Hong Kong ngày 19/1/1933, vì “ho lao và nghiện thuốc phiện”)–tám năm ăn không ngồi rồi, chẳng được giao phó một công tác nào vì đã lầm lỗi khai sinh Ðảng Cộng Sản Việt Nam ngày 6/1/1930–viết nên những tài liệu bị chính đồng chí mình tại Ðại học Phương Ðông chỉ trích là nặng tinh thần cải lương quốc gia, đầu cơ–không được ra công khai với những vợ con cách mạng của mình, v.. v...– lời tuyên bố tâm đắc của Hồ, “Tôi thuộc Ðảng Việt Nam,” hay lý lịch tự khai “Ðảng Quốc Gia” khi công bố danh sách chính phủ lâm thời ngày 2/9/1945, cần được hiểu dưới ánh sáng lịch sử khoa học hơn những lý luận giáo điều hay những lời nguyền rủa, chỉ trích đầy xúc động.

Quyết định giải tán QTCS của Josef V. Stalin năm 1943 cũng ảnh hưởng trên quyết định của Hồ. Từ ngày này, vì lý do sinh tồn, Hồ bắt đầu nghiên cứu thêm về tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên và hệ thống chính trị dân chủ Mỹ. Không chỉ dịch tác phẩm của Tôn Dật Tiên và Tưởng Giới Thạch qua Việt ngữ cho cán bộ Việt Minh học tập, Hồ còn dùng ngay câu mở đầu của Bản Tuyên ngôn độc lập Mỹ để bắt đầu Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 của mình. Ngày 13/9/1946, Hồ vẫn còn khẳng định với nhân viên ngoại giao Mỹ tại Paris mình không phải là Cộng Sản. Và tại Hội trường Nhà Hát lớn Hà Nội ngày 3/12/1946, Hồ thêm một lần nhấn mạnh câu “Tôi thuộc Ðảng Việt Nam.”( 41)

Nhưng tình báo Mỹ vẫn tin rằng Hồ là tay Cộng Sản lão luyện, và Ðông Dương không có vị thế chiến lược cao trong danh sách ưu tiên của Mỹ, nên chính phủ Harry Truman (1945-1953) quyết định “hands-off” (không can thiệp). D’Argenlieu và cơ quan tuyên truyền Pháp cũng không ngừng khoét sâu sự nghi ngờ của Mỹ hay Trung Hoa về gốc gác QTCS của Hồ.

Thảm kịch Việt Nam trong hạ bán thế kỷ XX phần nào khởi phát từ những thành kiến [perceptions] trên. Cho tới khi có tài liệu chứng minh ngược lại, kết luận khả tín là Hồ chỉ “tả khuynh” và tìm đến nước Nga xin cầu viện đánh thực dân Pháp giành độc lập hơn thành tâm tin tưởng ở thuyết Marxist-Lennism hay Stalinism. Ðiều đó không có nghĩa Hồ không bị ảnh hưởng bởi phương pháp lý luận duy vật biện chứng và phương cách tổ chức một đảng chính trị, cùng hệ thống tổ chức chính quyền theo kiểu mẫu Liên Sô Nga.( 42)

2. Bầu cử Quốc Hội & Chính phủ Liên Hiệp:

Dưới áp lực Quan tướng Trung Hoa và Pháp, Hồ còn phải dàn xếp với các tổ chức thân Trung Hoa, chống Cộng, để lập chính phủ liên hiệp và tổ chức bầu cử Quốc Hội.

Ðể bảo đảm sự hợp pháp của VNDCCH, từ ngày 8/9/1945, chính phủ Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh số 14, quyết định tổ chức bầu “Quốc dân đại biểu đại hội” trong vòng 60 ngày. Ngày 26/9, Hồ lại ký sắc lệnh số 39, thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử. Nhưng sau đó, phải dời ngày bầu cử tới 23/12/1945. (43)

Cả Pháp lẫn Trung Hoa đều tìm cách ngăn chặn màn trình diễn dân chủ này. Quyết tâm bầu cử Quốc Hội của HCM chứng tỏ Hồ có kiến thức về ngoại giao và liên hệ quốc tế thâm sâu hơn những người đương thời (và ngay cả một số luật gia chống Cộng ở hạ bán thế kỷ XX). Quốc Hội sẽ mang lại cho HCM và chế độ VNDCCH thế chính thống mới, thay cho vương quyền mà Bảo Ðại đã thoái nhượng. Chính vì thế, quan tướng TH không cho phép HCM thực hiện bước chính trị cơ bản này, trước khi lập được một chính phủ liên hiệp với Việt Cách và VNQDÐ. Ngày 23/10, đúng ngày Hồ chọn ngày 5/11/1945 làm ngày Kháng chiến Toàn quốc, phe Hồ tung tin hai phe Việt Minh và Ðồng Minh Hội (Việt Cách) ký thỏa ước hợp tác lần thứ nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là một màn kịch do Võ Nguyên Giáp và Lê Tùng Sơn chủ trương. Ít ngày sau, Vũ Kim Thành rút chân khỏi Hội liên tịch Ðồng Minh Hội và Việt Minh.( 44)

Sau khi Hồ tuyên bố giải tán Ðảng CSÐD, ngày 24/11, Tiêu Văn áp lực ba phe Việt Minh, Việt Cách và VNQDÐ ký một thoả ước liên hiệp, nhưng sớm đổ vỡ. (45)

Phe chống Cộng–dù thực lực quân sự và tổ chức yếu kém, nhưng có thế tựa quốc quân TH–tăng gia hoạt động. Họ không chỉ chống Cộng mà còn chống cả Pháp. Những cuộc bạo động và công kích trên báo chí giữa Việt Minh và phe VNQDÐ-Ðồng Minh Hội diễn ra hàng ngày. Tại Hà Nội, phe VNQDÐ-Ðồng Minh Hội thành lập được một khu vực tự trị tại vùng Quan-Thánh/Ngũ Xã, mở trận chiến phản tuyên truyền chống Việt Minh, tố cáo gốc Cộng Sản của Hồ. Các toán cảm tử VNQDÐ còn ám sát “Ba” [Ðại úy Nguyễn Văn] Viên, một “đảng viên” phản bội, và mưu sát Bồ Xuân Luật. Trương Trung Phụng, một lãnh tụ Ðồng Minh Hội, cũng bị bắt cóc, nhưng Tiêu Văn can thiệp phải thả. Có lần, phe VNQDÐ còn bắt cóc được Võ Nguyên Giáp. Ngày 10/12, Việt Minh tấn công một số căn cứ của VNQDÐ tại Vĩnh Yên. Trong khi đó, phe Việt Cách cũng chia làm hai. Trương Trung Phụng hợp tác với Hồ; trong khi phe Nguyễn Hải Thần chống đối.

Theo Thiều Bá Xương, sở dĩ việc thương thuyết liên hiệp bị bế tắc vì phe không Cộng Sản đòi ghế Chủ tịch và 6 ghế Bộ trưởng. Hồ thì chỉ chịu nhường 3 ghế Bộ trưởng và một ủy ban Cố vấn. (46)

Do nỗ lực của Tiêu Văn, ngày 19/12, ba phe lại gặp nhau tại Bộ Tư lệnh quân Trung Hoa. Rồi ngày 24/12, ký một thoả ước “hợp tác tinh thành” khác, dưới sự chủ tọa của Văn. Thỏa ước này gồm 18 điểm, có những điểm chính sau:

1. Thành lập ngày 1/1/1946 một chính phủ liên hiệp với 10 bộ, do Hồ làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần làm phó. Số ghế được chia 2 ghế cho VM, 2 cho VNQDÐ, 2 cho Ðảng Dân Chủ, 2 cho Ðồng Minh Hội, 2 cho độc lập.

2. Tổ chức bầu cử ngày 6/1/1946.

3. VNQDÐ được dành 50 ghế, ÐMH, 20 ghế.

4. Các đảng tự nguyện không gây hấn với nhau.( 47)

Hai ngày sau, 26/12, báo chí thủ đô đều đăng thông cáo “Ðoàn Kết”. Nguyên văn như sau:

Ngày 24-12-1945, chúng tôi là Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh thay mặt cho Việt Minh, Quốc Dân Ðảng và Cách Mệnh Ðồng Minh Hội, cùng ký tên công nhận những điều ước sau đây:

1. Ðộc lập trên hết, đoàn kết trên hết. Căn cứ vào thái độ thân ái, tinh thành cùng nhau thảo luận để giải quyết hết thẩy những vấn đề khó khăn trước mắt. Ai dùng ngang vũ lực gây nên những cuộc nội loạn sẽ bị quốc dân ruồng bỏ.

2. Kể từ ngày 25-12-1945, đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc tổng tuyển cử, quốc hội và kháng chiến.

3. Bắt đầu từ ngày 25-12-1945, đôi bên đều đình chỉ hết thẩy những việc công kích nhau bằng ngôn luận và hành động.

Ký tên: Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh. (48)



Ðúng ngày 1/1/1946, chính phủ Liên Hiệp lâm thời ra mắt tại Nhà Hát lớn, Hà Nội. Hồ giữ chức Chủ tịch; Nguyễn Hải Thần làm Phó. Giáp mất Bộ Nội Vụ, nhưng được cử làm Chủ tịch Hội đồng Quốc Phòng, với Khanh (VNQDÐ) và Thành (ÐMH) là hai trong những thành viên.

Năm ngày sau, cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên của Việt Nam được tổ chức. Ða số cử tri không biết đọc, không biết viết, nhưng họ đã có cán bộ hướng dẫn, giải thích, và thực sự bỏ phiếu giúp. Tại Hà Nội, Hồ Chí Minh của “Ðảng Quốc Gia” về đầu trong số 6 người đắc cử với 169,222 phiếu trên tổng số 172,765 cử tri đi bầu.( 49) Trong số 356 ghế dân biểu, như đã dàn xếp sẵn, Việt Cách (tức Ðồng Minh Hội) và VNQDÐ được dành riêng 70 ghế, và Nam Bộ 18 ghế. (50)

Dẫu vậy, đoàn kết quốc gia vẫn là hoa trong gương, trăng đáy nước. Cả hai phe đều không chịu thống nhất quân đội, và chẳng phe nào thực tâm chịu khuất phục đối thủ. Xô xát giữa Việt Minh và các phe nhóm chống Cộng vẫn tiếp tục. Từ ngày 13/1, VM tấn công QDÐ ở Việt Trì, Yên Bái, Phủ Lý, Phú Thọ. Ngày 23/1, Việt Minh tấn công Việt Cách ở Tiên Yên. Những vụ bắt cóc, ám sát diễn ra khắp nơi. Hàng ngàn cán bộ Ðại Việt và Việt Quốc tại vùng nông thôn bị thủ tiêu (kể cả Lý Ðông A, lãnh tụ Ðại Việt Duy Dân), bắt giữ và truy tố ra tòa về những tội hình sự như trộm cắp, hiếp dâm, v.. v... Tại Hà Nội, Trần Ðình Long–một cựu học viên Ðại học Phương Ðông, từng được chỉ định thay Lê Hồng Phong trong trường hợp bất trắc–bị giết. Nguyễn Thành Lê, Ðỗ Ðức Dục, Lê Trọng Nghĩa của báo Ðộc Lập, có lần phải leo tường trốn chạy. Bồ Xuân Luật bị bắn gãy chân ở phố Hàng Ðào. HCM phải cử Hoàng Văn Ðức cầm thư lên Vĩnh Yên dàn xếp với Ðỗ Ðình Ðạo, giải quyết vụ đương đầu giữa VNQDÐ và VM tại chân núi Tam Ðảo (Vĩnh Yên). (51)

Thượng tuần tháng 2/1946, tình báo Pháp ghi nhận là quan Tướng Trung Hoa đang có kế hoạch thay chính phủ HCM bằng lực lượng Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Việt Cách (Ðồng Minh Hội), với sự tiếp tay của các phe Ðại Việt và tổ chức thân Nhật đã bị Võ Nguyên Giáp đặt ra ngoài vòng pháp luật từ tháng 9/1945. Mục đích của TH là loại bỏ HCM và lập một chính phủ không CS. (52)

Trong khi đó tại miền Nam, Cao Ðài công khai chống Việt Minh từ tháng 1/1946. Ðại diện Việt Minh đến thương thuyết, kể cả Dương Minh Châu, bị phục kích chết. Nguyễn Bình điều quân đánh Tây Ninh; nhưng thất bại. Tại miền Tây, tín đồ Hòa Hảo nhiều nơi công khai chống lại Việt Minh, bất chấp nỗ lực duy trì đoàn kết của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (1919-1947).( 53)

Các tổ chức thân Pháp cũng được khai sinh và phát triển, như Mặt Trận Bình Dân Nam Kỳ, cánh tay ngoại vi của Ðảng Nam Kỳ–nguồn cung cấp lực lượng cảnh sát, an ninh, và lính phụ lực bản xứ đầu tiên. Việc liên lạc giữa miền Tây và miền Ðông Nam Bộ hầu như bị cắt đứt. Cán bộ liên lạc Việt Minh phải đi bọc qua lãnh thổ Miên khi cần tiếp xúc với miền Ðông.( 54)

Trong khi đó, Hội truyền giáo Hải ngoại và Khâm sai Vatican, Antonin Drapier, không ngớt vận động khối giáo dân Ki-tô chống Cộng. Drapier còn đưa ra đề nghị phục hồi chế độ quân chủ truyền thống từ cuối năm 1945, nhưng d’Argenlieu không tán thành.( 55)

Ngay trong nội bộ Ðảng CSÐD, cũng phân hóa trầm trọng. Chủ đề chính gây phân hóa là “hòa hay chiến” với Pháp. Hồ chủ hòa, trong khi nhóm Trường Chinh-Hoàng Quốc Việt chủ chiến. Dù cũng thuộc loại chủ chiến, chống Pháp bằng cả ngọn lửa thù hận cá nhân, Võ Nguyên Giáp, người được Hồ tuyên thệ vào Ðảng ở Côn Minh năm 1940, rồi giao phó toàn quyền nội chính, tiếp tục trung thành và ủng hộ lập trường “nước còn tát được cứ tát” của Hồ.

Sinh “ngày 25/8/1911” tại thôn An Xá, nay thuộc xã Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, trong một gia đình trung nông, Giáp dấn thân vào đường tranh đấu khá sớm, giữa cao trào học sinh, thanh niên ở Huế đòi ân xá cho Phan Bội Châu (1868-1940) và quốc táng Phan Châu Trinh (1872-1926). Năm 1927, gia nhập Tân Việt Cách Mạng Ðảng, viết báo Tiếng Dân. Ngày 25/11/1930, bị toà Thừa Thiên kết án hai năm tù. Ngày 18/11/1931, được tạm thích, chỉ định cư trú tại quê. Nhờ Louis Marty nâng đỡ với hy vọng cải hóa, năm 1932 ra Hà Nội học và dạy học tại trường Thăng Long.

Không khí sinh hoạt chính trị tại Hà Nội dưới thời “chính phủ bình dân” (1936-1938) đưa Giáp–cùng Phạm Văn Ðồng (1908-2000)–vào sâu hơn về phe tả. Năm 1939, khi đang học năm thứ hai ban Cử nhân Luật, nổi danh là một lãnh tụ của Mặt Trận Dân Chủ Ðông Dương, ban nửa hợp pháp của Ðảng CSÐD. Biên tập viên các báo Notre Voix [Tiếng nói chúng ta], En Avant [Tiến lên], Rassemblement [Tập hợp], Ðời nay, Tin tức, Thời báo, Cờ Giải Phóng; sáng lập báo Le Travail [Lao Ðộng]. Tham gia phong trào Ðông Dương Ðại Hội, Chủ tịch UB Báo chí Bắc Kỳ. Dù chưa chính thức vào Ðảng, tháng 5/1940, được Bùi Ðức Minh dẫn qua Vân Nam cùng Phạm Văn Ðồng để tránh sự truy lùng của Pháp.

Người vợ đầu tiên của Giáp–Nguyễn Thị Quang Thái (1915(?)-1942)–phần nào đóng góp vào sự chuyển biến này. Quang Thái là em Nguyễn Thị Vịnh (tức Minh Khai, 1910-1941), một nữ lãnh đạo nổi danh của Ðảng CSÐD. Sau khi Giáp qua Vân Nam, Quang Thái và con ở lại Hà Nội. Ngày 10/5/1941, Quang Thái bị trục xuất khỏi trường nữ hộ sinh vì “nhục mạ cờ tam tài.” Ðành đưa con về Vinh, sống bằng nghề bán vải của gia đình. Năm 1941, vào Sài Gòn chứng kiến chị ruột bị hành hình. Từ đó, tiếp tục hoạt động cho Ðảng CSÐD. (Minh Khai, tưởng cũng nên ghi nhận, bị kết hai án tử hình dù đã bị bắt trước cuộc nổi dạy từ ngày 22 tới 30/11/1940 và Toàn quyền Decoux bác đơn ân xá vì muốn chứng tỏ quyết tâm tái lập trật tự và bảo vệ chủ quyền Pháp). Ngày 6/6/1942, Quang Thái bị bắt ở Vinh, dẫn giải ra Hà Nội vì bị tố cáo có liên hệ với nhóm Nguyễn Hữu Xuyến, Ðào Duy Dzếnh, Ðào Duy Kỳ. Sau đó chết trong ngục. Phần Giáp, tháng 6/1940, được HCM gửi lên Diên An huấn luyện. Dọc đường, vì Pháp đột ngột bại trận ở Âu Châu, Hồ cho lệnh Giáp về Quảng Tây hoạt động. Tháng 10/1940, chính thức vào Ðảng (HCM tuyên thệ). Năm 1941, về nước kháng chiến ở vùng Cao Bắc Lạng, rồi phụ trách ban xung phong Nam tiến. Ngày 22/12/1944, nhận trách nhiệm thành lập Ðoàn vũ trang tuyên truyền giải phóng, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 5/1945, Tư lệnh Việt Nam Giải Phóng Quân. Ba tháng sau, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 (8/1945), được vào TWÐ, và UB Khởi nghĩa. Ngày 29/8/1945, làm Bộ trưởng Nội Vụ. Khi chính phủ Liên Hiệp Kháng chiến thành hình ngày 2/3/1946, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp Kháng chiến, Bí thư Quân ủy TW, Ủy viên thường vụ TW (gồm HCM, Trường Chinh, Lê Ðức Thọ, Giáp). (56)

Tại miền Nam, hai phe Việt Minh mới và Việt Minh cũ công khai kình chống nhau. Trần Văn Giàu, người đứng ra tái tổ chức Xứ bộ Ðảng Cộng Sản Ðông Dương ở miền Nam trong hai năm 1933-1934, và rồi từ 1942 tới 1945, không được công nhận. Ðối thủ chính của Giàu là nhóm Trần Văn Di và Nguyễn Thị Thập (Nguyễn Thị Ngọc Tốt, 1908-1996), xứ ủy viên dự khuyết từ tháng 4/1935. Từ Côn Ðảo về trại Bà Rá, hiềm khích giữa Di và Giàu ngày càng gia tăng. Tháng 4/1945, nhóm Di lập xứ ủy riêng với Di làm Bí thư. Nhóm Giàu, “Zao” Bùi Công Trừng, Hoành, Lý Chiến Thắng, Còn, v... v... tự xưng là Ðông Dương Cộng Sản Ðảng, với đảng kỳ cờ vàng sao đỏ, có báo Tiền Phong. Nhóm Di tự xưng là Ðảng CSÐD, với cờ đỏ sao vàng, có báo Giải Phóng. Khoảng tháng 6/1945 hai phe hợp nhất hành động. Tháng 9/1945, Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang) thống nhất xứ ủy. Thoạt tiên Nguyễn Công Trung làm Bí thư, rồi đến Nguyễn Văn Nguyễn. Trần Văn Giàu bị gọi ra Hà Nội, rồi cử làm đại diện ở Thái Lan và Miến Ðiện, phụ trách việc thu mua khí giới, đạn dược. (Theo Giáo sư Giàu, ông nói với Hoàng Quốc Việt rằng, Cờ đỏ sao vàng lúc đó có ngôi sao quá mập, khác với lá cờ khởi nghĩa hồi tháng 11/1940, ngôi sao ốm hơn)

Tháng 2/1946, Nguyễn Thị Thập, Bourov Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, v.. v... được cử làm Dân biểu Quốc Hội, ra Bắc. Cuối tháng 5/1946, Thường vụ Trung ương lập “Ban củng cố Ðảng bộ Nam Bộ” để thanh lọc tổ chức. (57)

Ngắn và gọn, Hồ Chí Minh đang tứ bề thọ địch. Mỗi đêm Hồ phải thay đổi chỗ cư ngụ, tạo nên huyền thoại về kỹ thuật hóa trang giống như những ngày còn hoạt động bí mật ở hải ngoại.

Nhưng lập trường độc lập và thống nhất lãnh thổ của HCM cũng trở nên cứng rắn hơn phần nào vì ảnh hưởng của các phe phái không Cộng Sản. Trong khí thế cuồng nhiệt, lãng mạn của hệ thống tuyên truyền tinh vi của nhiều hơn một phe phái, đa số chủ trương quyết chiến giành độc lập, phanh thây uống máu quân thù bất kể mạng sống.( 58)

Chỉ có HCM tương đối tỉnh táo và có viễn kiến, không bị lôi kéo vào cơn sốt thi đua ái quốc do chính mình phát động. Lập trường này được HCM giải thích cặn kẽ cho Max André, sứ giả của Edmond Michelet, trong hai buổi tiếp xúc tại Hà Nộiá ngày 16 và 21/1/1946. Theo D’Argenlieu, André tiết lộ HCM không chú trọng đến hình thức (forme) mà chỉ chú tâm đến thực chất (substance)–độc lập có nghĩa là một định chế liên hệ mới Pháp-Việt, một sự hợp tác công bằng và bình đẳng với dân tộc Pháp. Ngắn và gọn, HCM cần một chính phủ, một quân đội, một nền kinh tế, tài chính và ngoại giao độc lập. Về Nam Bộ, HCM lập lại những gì Pháp đã biết rõ: Bất cứ người Nam Kỳ nào làm việc chính thức với Pháp đều là phản quốc [traitres à la patrie]. Trong buổi hội kiến ngày 21/1/1946, HCM còn nhấn mạnh với André muốn nhận được một lời tuyên bố long trọng của chính phủ Pháp. (59)

3. Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến:

Khoảng giữa tháng 2/1946, như đã lược nhắc, HCM thêm một lần thay đổi lập trường, muốn đạt hòa ước với Pháp càng sớm càng tốt. Có dấu hiệu khiến HCM nghi ngờ quan tướng TH muốn lật đổ chính phủ Hồ, đặc biệt qua việc Chu Phúc Thành tra vấn HCM vài tiếng đồng hồ ngày 2/2/1946. D’Argenlieu cũng nhân cơ hội này chỉ thị Sainteny gián tiếp cho Trung Hoa biết không muốn thấy một chế độ Marxist tại Việt Nam, và mong đạt hòa ước với một chính phủ liên hiệp rộng rãi, thân Hoa. Có lẽ vì thế ngày 16/2, HCM quyết định nhân nhượng: Bỏ độc lập, chỉ đòi tự chủ [self-government]. Nhưng thương thuyết bế tắc vì d’Argenlieu không bảo đảm Việt Nam được thống nhất ba kỳ. Trong bối cảnh Việt Nam lúc đó, nếu không đạt được nguyện vọng độc lập và thống nhất ba kỳ là một cuộc tự sát chính trị. Chỉ nguyên chủ đề hòa hay chiến–tức thương thuyết với Pháp hay kháng chiến đến cùng–đủ gây nên tranh cãi, ẩu đả. Trong hai ngày 20-21/2, Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã tổ chức biểu tình ở Hà Nội, đòi chính phủ liên hiệp kháng chiến phải từ chức, quyết chiến đấu đến cùng, và yêu cầu Bảo Ðại lên cầm quyền. (60)

Dẫu vậy, ngày 23/2/1946, ba phe VM, VNQDÐ và Việt Cách lại đồng ý đổi tên thành Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Hai bộ Canh Nông và Công Chính dành cho miền Nam. Bộ Quốc Phòng và Nội Vụ dành cho người độc lập (Phan Anh và Huỳnh Thúc Kháng). Việt Minh và Ðảng Dân Chủ được 4 bộ; VNQDÐ và Việt Cách 4 bộ còn lại. Hội Ðồng Quốc Phòng được cải danh thành Ủy ban Kháng Chiến Toàn quốc. Ðoàn Cố vấn quốc gia thì ngoài Vĩnh Thụy có thêm Lê Hữu Từ, Giám mục Ki-tô Phát Diệm (thay Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn).

Dù các đơn vị Phục Quốc của Việt Cách trên thực tế đã chiếm đóng một số địa điểm ở duyên hải vào cuối tháng 2/1946, HCM vẫn triệu tập Quốc Hội, công bố danh sách chính phủ liên hiệp, gồm nhiều phe phái ngày 2/3/1946.( 61)

Ðể chứng tỏ tinh thần đoàn kết của mình, HCM còn yêu cầu Quốc Hội nghiên cứu và biểu quyết việc lựa chọn một quốc kỳ khác.( 62)

Những lãnh tụ không Cộng Sản–trước một thực tế khó tránh mặt–đã chọn giải pháp “mất tích” sau ngày ký Hiệp ước Pháp-Hoa. Tuy nhiên, dưới áp lực Trung Hoa, họ vẫn phải tham gia chính phủ Liên Hiệp. Dẫu sao, đây cũng là cơ hội cho phe chống Cộng công khai hoạt động, chấn chỉnh tổ chức, và gây dựng lực lượng vũ trang cùng căn cứ chiến đấu. Trong khi đó, tin đồn Nguyễn Hải Thần, và rồi Vĩnh Thụy, tức Bảo Ðại, sẽ thay Hồ được loan truyền khắp nơi. Theo tin tình báo Mỹ, Hồ tuyên bố đã đề nghị nhường chức Chủ tịch cho Bảo Ðại, nhưng nhiều lãnh tụ Việt không đồng ý, sợ làm mất tinh thần dân chúng. (63)

Ngày Thứ Hai, 4/3, chính phủ Liên hiệp Kháng chiến họp lần đầu tiên. Nguyễn Hải Thần vẫn vắng mặt. Nguyễn Tường Tam cũng chưa chịu nhận chức, vì không muốn ký vào Hiệp ước Pháp-Việt.

Sự thờ ơ với quyền lực, chức tước của Hồ hay nhóm Tam, Thần này thực ra có hai nguyên ủy chính; đó là Hoà ước Hoa-Pháp ngày 28/2/1946, và một hiệp ước Việt-Pháp đang thành hình. Cả hai hoà ước này có liên hệ mật thiết với nhau, và là môi sinh tạo nên những chuỗi diễn biến chính trị vừa lược thuật.

4. Từ “Ðộc Lập” Tới “Tự Do”:

Dù biết sớm muộn Pháp sẽ mang quân ra Bắc, Hồ chưa nhân nhượng ngay. Chiến thuật của HCM, theo Sainteny, là thảo luận từng điểm cho tới phút chót. Lối “mặc cả có hệ thống, dựa trên sự thiếu thành tín rõ ràng” khiến Sainteny hoài nghi là có thể HCM muốn Pháp phải nhượng bộ hoàn toàn, vì HCM tạo đủ cớ để trì hoãn; và không ngần ngại nuốt cả lời mình trước đó. Sainteny chỉ còn biết nuôi hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận vào hôm sau.( 64)

Cuối tháng 2/1946, trong ba vấn đề tồn đọng, vấn đề Nam Bộ, tức thống nhất ba kỳ, gai góc nhất. Hồ nhất quyết Pháp phải công nhận nguyên tắc thống nhất ba kỳ: Nam Kỳ là bộ phận không thể tách rời của Việt Nam; không cần thảo luận và cũng chẳng cần trưng cầu dân ý; và, nếu VN chấp nhận cho Pháp thay quân TH, VN cũng đòi hỏi xác định số quân VN và nơi trú đóng của họ. Sau khi Salan nhượng bộ về quân sự, Hồ chịu nhượng về lãnh thổ–tức đồng ý cho dân Nam bộ trưng cầu dân ý để tự quyết định thể chế tương lai như d’Argenlieu nhấn mạnh. (65)

Sau khi được Sainteny thông báo Hiệp ước Pháp-Hoa đã ký kết, HCM quyết định chọn đường hòa với Pháp để mua thời gian: chờ đợi lực lượng TH rút khỏi miền Bắc càng sớm càng tốt; đồng thời tạm hòa hoãn với các đảng phái chống đối, để thiết lập được tính cách pháp lý (chính thống) với dư luận quốc tế cũng như quốc nội.

Theo tài liệu Cộng Sản, quyết định này dựa trên những nhận xét sau về tình hình quốc tế cũng như nội địa:

1. Về tình hình quốc tế, mục đích Anh-Mỹ muốn kéo thực dân Pháp bao vây Liên Sô và ngăn ngừa cách mạng thuộc địa. Qua Hiệp uớc [28/2/1946], cho thấy Anh Pháp Mỹ dẹp mâu thuẫn nội bộ chống phong trào cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa.

2. Trước khi rút hết quân, Tàu-Pháp ép cải tổ chính phủ VN, để phái địa chủ và tư sản phản động, được tham gia với 3 mục đích: (1) bắt nhân dân Việt Nam nuốt chửng hiệp ước Pháp-Hoa; (2) yêu sách thêm ít nhiều quyền lợi nữa; và (3) ngăn ngừa cuộc đàm phán riêng Pháp-Việt Minh. Vì thế Tàu đã ủng hộ bọn “triết trúc” (địa chủ phản động) và “Việt Nam” (tư sản phản động) biểu tình ở Hà Nội ngày 20, 21 tháng 2/1946, thúc chính phủ liên hiệp lâm thời mau từ chức, và giúp bọn Phục Quốc quấy rối ở Hòn Gay, Quảng Yên và Hải Phòng vào cuối tháng 2/1946.

3. Tại phía Nam, Pháp mở cuộc tấn công trước và sau Tết (1/2/1946), với mục đích: Giải quyết mau vấn đề Ðông Dương để bảo toàn uy tín và thực lực; và kéo ta để cân sức Tàu. Thực ra cũng vì cuộc kháng chiến của chúng ta làm chúng hao tốn, hai là phong trào phản chiến, chính phủ Gouin (trong đó CS và XH chiếm đa số) không muốn kéo dài cuộc đổ máu ở Ðông Dương; và chính Mỹ-Anh cũng sợ cuộc chiến kéo dài ở Ðông Dương và Indonesia, gây ảnh hưởng ở India va các thuộc địa khác.

4. QDÐVN đòi kháng chiến đến cùng, không điều đình với ai hết. Thắng hay là chết. Dã tâm là phá cuộc đàm phán giữa ta và Pháp, đẩy ta chống lại Hiệp ước Pháp-Hoa, để cho cả ba lực lượng Tàu trắng, thực dân Pháp và phản động quan lại tiêu diệt ta.

5. Hòa hay đánh? Nếu Pháp chủ trương cho Ðông Dương tự trị theo Tuyên ngôn 24/3/1945 thì ta nhất định đánh, nhưng nếu công nhận tự chủ thì sẽ có thể hòa.

6. Vấn đề lúc này không phải là muốn hay không muốn. Phải nhận xét một cách khách quan: Không còn khai thác được mâu thuẫn Tàu-Pháp. LHQ cũng không giúp. Ảnh hưởng trong dân chúng bị giảm.

7. Hòa có hai lợi lớn: Phá được mưu mô Tàu trắng, phát xít, Việt gian, bảo toàn được thực lực; Dành được giây phút nghỉ ngơi để chuẩn bị cuộc chiến đấu mới, tiến tới giành độc lập hoàn toàn.

8. Muốn hòa cho có kết quả, phải: Mạnh dạn giải thích cho quần chúng biết chủ trương của ta là duy nhất đúng; Lợi dụng thời gian hòa hoãn để triệt bọn phản động bên trong, tay sai của Tàu trắng, trừ những hành động ly gián, khiêu khích giữa ta và Pháp; Thận trọng để không mắc lừa thực dân Pháp; Liên lạc mật thiết với Ðảng CS Pháp; Lợi dụng khả năng mới để tuyên truyền quốc tế.

9. Ðồng thời, chấn chỉnh đội ngũ, đào tạo cán bộ, củng cố phong trào; tìm cách giải quyết dân sinh; khôn khéo chính sách đối với dịa chủ, quan lại, tư sản, trí thức, v.. v... làm cho bọn phản động không có cơ sở mà hoạt động chia rẽ, phản đối.

10. Phải tiếp tục chuẩn bị kháng chiến.

11. Lập trường: độc lập nhưng liên minh với Pháp. Chấp nhận Pháp đóng quân trong một thời gian hạn định. Bảo đảm tài sản của Pháp, ngoại trừ quốc phòng. Những gì Pháp đã ký nhượng cho Tàu phải thảo luận lại, đạt một hiệp ước tay ba. Pháp phải thừa nhận quyền tự chủ hoặc tự trị rộng rãi của Lào, Miên.( 66)

Tưởng cũng nên ghi nhận, thời gian này, HCM khai thác tối đa mâu thuẫn Pháp-Mỹ, và mâu thuẫn Hoa-Pháp để giành lợi thế. Ngày 18/1/1946, HCM viết thư cho Truman, xin giúp Việt Nam được hoàn toàn độc lập và tái thiết quốc gia. HCM còn khẳng định chính phủ của mình gợi hứng từ bài diễn văn ngày Hải Quân 27/10/1945 của Truman. Cùng ngày, HCM viết thư cho Tướng [George] Marshall chúc mừng Marshall công du Hoa lục để giải quyết vấn đề Quốc-Cộng. (67)

Những vận động của HCM tạo nên sự chú ý đặc biệt của Oat-shinh-tân. Ngày 16/2/1946, Hồ lại viết cho Truman và các lãnh tụ thế giới:

Sự xâm lăng [của Pháp] đi ngược lại những nguyên tắc công pháp quốc tế và những lời hứa của Ðồng Minh trong Thế Chiến. . . .

Sự xâm lăng của Pháp với một dân tộc hiếu hoà đe dọa trực tiếp nền an ninh thế giới. Nó hàm ý sự đồng lõa [complicity], hoặc ít nữa, là mưu đồ [connivance] của những cường quốc dân chủ. Liên Hiệp Quốc phải giữ lời hứa của mình. Liên Hiệp Quốc phải can thiệp để ngưng ngay cuộc chiến bất công này, và để chứng minh rằng họ muốn thực hiện trong thời bình những nguyên tắc mà vì đó họ đã chiến đấu trong thời chiến. (68)

Trong thỉnh nguyện thư gửi bốn cường quốc Mỹ, Liên Sô, Bri-tên và Trung Hoa hai ngày sau, Hồ kêu gọi sự can thiệp tức thời để trước hết, ngăn chặn cuộc chiến tại Việt Nam và dàn xếp một giải pháp công bằng; và, thứ hai, đưa vấn đề Ðông Dương ra trước Liên Hiệp Quốc. Hồ kết thúc bản thỉnh nguyện bằng tuyên bố dân tộc Việt “đã quyết tâm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống lại sự tái thiết lập chế độ thực dân Pháp.” (69)



II. THƯƠNG THUYẾT SAU HIỆP ÐỊNH PHÁP-HOA:

Hiệp ước Pháp-Hoa ngày 28/2/1946 giúp cuộc thảo luận Pháp-Việt có những biến chuyển tích cực hơn. Mặc dù không biết rõ ngày ký Hiệp định trên cùng nội dung các văn kiện, HCM khai thác tối đa lợi thế của mình trước nhu cầu đổ bộ của Pháp. Hồ cũng tìm cách khai thác mâu thuẫn Pháp-Hoa, kéo dài cuộc thảo luận cho đến phút chót. Nhờ vậy, bản văn Hiệp ước sơ bộ khác hẳn với dự thảo mà d’Argenlieu đã phê chuẩn. Dù chỉ đạt được những lợi thế nặng phần hình thức, những điều thêm thắt vào cho phép Hồ đòi hỏi thêm những gì chưa đạt được trong những cuộc thương thuyết sắp tới.

A. THƯƠNG THUYẾT PHÁP-HOA:

Thương thuyết Pháp-Hoa về việc thay quốc quân Trung Hoa tại phía Bắc vĩ tuyến 16 diễn ra tại ba nơi: thương thuyết tổng quát ở Trùng Khánh, thương thuyết chi tiết ngay tại Hải Phòng, nơi quân Pháp dự trù và mong muốn đổ bộ ngày 6/3/1946, và ở Hà Nội.

1. Tại Trùng Khánh, như đã lược nhắc, ngày 1/3/1946, Ðại sứ Meyrier và phái đoàn quân sự Pháp đã yêu cầu Trung Hoa ký ngay phụ bản quân sự bí mật của Hiệp ước 28/2. Ðại diện Pháp (Ðại tá Crépin và Jean Daridan) cũng cho TH (Kong Yu và Giám đốc Âu châu vụ của Bộ Ngoại giao) biết muốn đổ bộ Hải Phòng ngày 5/3 và Hà Nội ngày 8/3. Trung Hoa không đồng ý. Lý do đầu tiên nêu lên là cần McArthur phê chuẩn; dù không thấy có gì trở ngại trong việc đổ bộ quân Pháp.

Ngày 3/3, Crepin lại báo cáo Ngoại kiều phủ sẽ chịu trách nhiệm ký Phụ bản quân sự; không cần sự phê chuẩn của McArthur hay Tổng Tham Mưu Ðồng Minh [Combined Chiefs of Staff]; nhưng muốn Pháp dời ngày đổ bộ Hải Phòng tới 7/3. Hôm sau, 4/3, TH lại đặt thêm điều kiện phải được sự thỏa thuận của Việt Nam mới ký Qui ước quân sự. Sự bất nhất này, theo Meyrier, là do sự khác biệt ý kiến giữa hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng TH. (70)

2. Tại Hải Phòng, ngày 2/3/1946, Leclerc gửi thư cho Tướng Wang Hu Huan, Tư lệnh SÐ 130/53–sẽ thay Tướng Long, Tư lệnh Sư đoàn 25/93 Vân Nam, làm Tư lệnh Hải Phòng–yêu cầu được đổ bộ ngày 6/3. Wang từ chối; nêu lý do chưa có lệnh Trùng Khánh. Ngày 3/3, HQ Thiếu tá Legendre, sĩ quan liên lạc bên cạnh BTL/TH Hải Phòng, trao cho Wang một bản sao Hiệp định Trùng Khánh, và đề nghị họp với đại diện các bang hội ngày hôm sau.

Ngày 4/3 này, SÐ 130/53 Trung Ương chính thức thay Sư đoàn 25/93 Vân Nam. Tối đó, Wang gặp đại diện của Leclerc. Nhưng trưa ngày 5/3, khi Legendre trao cho Wang công điện xác định giờ đổ bộ của quân Pháp, thái độ Wang thay đổi hẳn, hết vẻ thân thiện. (71)

3. Tại Hà Nội, ngày 4/3/1946, Salan cùng Ðại tá Repiton-Preneuf và Trung tá Lecomte gặp Ma Ying, Tham Mưu Trưởng của Lư Hán. Phái đoàn Pháp mang theo một bản thảo Hiệp ước Pháp-Hoa không có chữ ký, và thông báo với Ma rằng Trùng Khánh đồng ý cho đổ bộ ngày 6/3. Vì thế Leclerc đã cho lệnh hạm đội khởi hành. Hơn nữa, Thống chế Tưởng Giới Thạch từng tuyên bố muốn thấy việc thay thế quân TH không gặp trở ngại nào.

Ma Ying hẹn gặp lại vào buổi chiều, nhưng mãi tới 20 giờ hai bên mới chính thức hội nghị. Phái đoàn Salan thông báo quân Pháp sẽ đổ bộ ngày 6/3.

Giới chức quân sự TH phản đối là thời gian quá ngắn, chỉ còn 48 tiếng đồng hồ trước giờ đổ bộ. Họ cũng cho rằng vấn đề thủy triều–tức mực thủy triều quá thấp sau ngày 7/3–khó thuyết phục. Nhưng lý do chính là sự an toàn của Hoa kiều. Hoa kiều ở rải rác khắp nơi; sở dĩ bấy lâu được yên tĩnh là nhờ quốc quân TH tuyệt đối giữ trung lập. Sau khi Pháp đổ bộ, Hoa kiều tại các thành phố lớn có thể được an ninh; nhưng những cộng đồng nông thôn hẻo lánh sẽ gặp trở ngại. Pháp không thể bảo đảm an ninh của họ. Bởi vậy, Pháp cần dàn xếp với người Việt. Ma Ying kết luận: “Nếu Tưởng thống chế đồng ý cho Pháp đổ bộ là do ông ta không rõ tình hình địa phương. Tiện lợi nhất là chúng tôi phải trình bày cho ông ta rõ mọi việc để thống chế quyết định.”

Vào khoảng 2 giờ sáng, Chu Phúc Thành đề nghị Pháp viết đơn cam đoan chịu mọi trách nhiệm nếu có việc gì xảy ra. Lúc 3G30 [rạng sáng ngày 5/3], các Tướng TH soạn một văn kiện, rồi bỏ phiếu quyết định. Nội dung như sau: Nếu xảy ra bất cứ chuyện gì bất trắc, sau khi đổ bộ ở Hải Phòng ngày 6/3/1946, Pháp sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Sau đó, đồng ý gửi TMT QÐ 53 cùng Lecomte bay xuống Hải Phòng trong ngày 5/3 để dàn xếp việc đổ bộ.

Khoảng trưa ngày 5/3, khi phi cơ đang chuẩn bị cất cánh đưa Lecomte và TMT Quân đoàn 53 xuống Hải Phòng, đột ngột có lệnh hủy bỏ phi vụ. Trùng Khánh cho lệnh hoãn việc đổ bộ [ngày 6/3/1946], vì sợ sẽ gây nên rối loạn nếu quân Pháp tới Bắc Việt mà chưa hoàn tất thương thuyết với Việt Nam.

Thực ra, phái đoàn Pháp đã biết rõ điều này. Trong đêm 4 rạng 5/3/1946, Sainteny ờ nhận được một công điện của Meyrier, chỉ có hai phần 2 và 3 như sau:

Thứ hai: Có sự chống đối gay gắt giữa Ngoại Kiều Phủ và quân đội;

Thứ ba: Vì việc đổ bộ của quân Pháp liên hệ đến việc triệt thoái quân TH; khó ấn định một ngày rõ ràng cho việc đổ bộ;

[Meyrier] sẽ gặp ngay Ngoại Kiều Phủ trong chiều ngày 4/3, nhưng khó đoán biết kết quả.

Trong thư viết tay cho Salan để sao chuyển công điện trên, Sainteny nhận xét thêm: Chưa nhận được phần còn lại của CÐ của Meyrier, nhưng chắc chẳng thú vị gì. Về việc thảo luận với HCM, Sainteny nói hoàn toàn bế tắc lúc 21G30; hy vọng hôm sau sẽ khả quan hơn. (72)

Từ 16G00 ngày Thứ Ba, 5/3, hai phái đoàn quân sự Pháp và TH tiếp tục thương thuyết ở Hà Nội. Salan được thông báo Trùng Khánh tạm hoãn việc đổ bộ cho tới khi có lệnh của McArthur.

Lúc 21G00, Chu Phúc Thành tới. Hỏi tại sao không thương thuyết nhanh hơn với Việt Nam. Khi được báo hai bên sắp ký Hiệp ước, Chu nói sẽ tới nơi cho rõ đầu đuôi.

B. THẢO LUẬN PHÁP-VIỆT:

Thời gian này, vị thế chính trị của HCM thêm vững chắc. Ngày 2/3/1946, Quốc Hội Việt Nam thứ nhất họp khóa đầu tiên, trước sự hiện diện của các phái đoàn ngoại giao quốc tế. Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến được phê chuẩn.( 73)

Ngày này, Hồ cho Sainteny biết đã rời bộ ngoại giao, và hôm sau sẽ giới thiệu Ngoại trưởng Nguyễn Tường Tam. Trong khi đó, dư luận vô cùng hiếu chiến, đòi chuẩn bị đánh nhau trong thành phố. Nhiều người đã tản cư. (74)

Hôm sau, Chủ Nhật 3/3, D’Argenlieu gửi cho Sainteny nội dung Hiệp ước Pháp-Hoa và chỉ thị Sainteny thông báo với HCM. D’Argenlieu cũng lập lại những điều kiện trong tài liệu cơ bản [ngày 12/2/1946] là Nam Kỳ sẽ tự do quyết định vị thế đối với Việt Nam. Dân Nam Kỳ sẽ được tham khảo theo phương thức dân chủ; nếu HCM tự tin, chẳng có gì sợ hãi. Mấy tháng qua dân Nam Kỳ lo lắng về thái độ nhân nhượng của Pháp với Việt Minh, nên cần cho họ sự bảo đảm là không bị bỏ rơi hay phản bội. Về phương diện pháp lý, cũng cần một sắc luật của Quốc Hội. D’Argenlieu chỉ thị thêm:

“Nói với Hồ là bấy lâu tôi nhiều lần tuyên bố không có quyết định tiên thiên nào về ba kỳ. Ðó là vấn đề của người Annamites tìm một giải pháp dựa theo Tuyên ngôn San Francisco [LHQ].”( 75)

Ngày 4/3, sau khi chính phủ Liên hiệp Kháng chiến họp lần đầu, HCM lại gặp Sainteny vì Nguyễn Tường Tam chưa nhận chức Ngoại trưởng. HCM nhấn mạnh Pháp phải nhìn nhận sự thống nhất ba kỳ. (76)

Cũng nên lập lại là thời gian này, để phản công lời tuyên truyền rằng Việt Minh là Cộng Sản, HCM không những nêu cao lập trường “quốc gia” của mình, mà còn chấp nhận cho Quốc Hội nghiên cứu việc đổi quốc kỳ, vì lá cờ đỏ sao vàng gây nhiều hiểu lầm tại Mỹ, Trung Hoa và ngay cả Bri-tên.( 77)

Trong khi đó, Hồ đồng ý trưng cầu dân ý để dân Nam bộ tự quyết định thể chế tương lai. Tuy nhiên, Hồ vẫn muốn Pháp nhìn nhận nguyên tắc Việt Nam có ba kỳ; trong khi Pháp chỉ muốn Việt Nam nhiều lắm bao gồm vùng lãnh thổ phía Bắc vĩ tuyến 16, và Pháp sẽ lập một xứ thứ năm cho Liên bang Ðông Dương, được biết như Tây kỳ tự trị sau này.( 78)

Sáng Thứ Ba, 5/3, Sainteny thông báo cho Ðại tá Lecomte biết sẽ ký được hiệp ước. Tuy nhiên, khi Chu Phúc Thành tới Bắc Bộ Phủ, vẫn còn bế tắc. Chu sừng sộ hỏi HCM: “Hạm đội và quân Pháp đã tới, gần lắm rồi. . . Ðến lúc phải kết thúc.... Tại sao các ông không đạt thỏa thuận với Pháp?” Hồ viết một văn thư thông báo cho các Tướng TH là đã đạt được thỏa thuận, và tóm lược nôi dung Hiệp ước, trao cho Chu. (79)

Khuya đó, d’Argenlieu nhận được công điện của Sainteny, yêu cầu ký Hiệp ước để có thể đổ bộ ngày hôm sau. Ðính kèm 3 điểm chính của nội dung Hiệp ước sơ bộ:

Chính phủ Pháp nhìn nhận VN là một nước tự do, có chính phủ, quốc hội, quân đội và tài chính, nằm trong Liên bang Ðông Dương và Liên Hiệp Pháp. Về việc thống nhất ba kỳ, chính phủ Pháp sẽ tham khảo ý kiến của dân chúng qua trưng cầu ý kiến.

Chính phủ VN đồng ý đón nhận quân Pháp thay thế quân Trung Hoa. Quân số chỉ được 25,000 người, gồm 15000 Pháp và 10000 Việt, dưới quyền chỉ huy của Pháp. Việc phối trí, v.. v... sẽ được thảo luận giữa hai Bộ Tham mưu Pháp-Việt.

Những điều khoản trên sẽ có hiệu lực tức khắc. (80)

Mờ sáng Thứ Tư, 6/3, Hoàng Minh Giám cho Sainteny biết HCM đồng ý ký Hiệp ước, và Hồ sẽ trình bản dự thảo cho Quốc Hội. Trưa đó, lúc 12G30, D’Argenlieu nhận thêm một công điện (số 409) của Sainteny cho biết đã đạt được thỏa thuận miệng lúc 8 giờ sáng, đang chờ Quốc Hội VN biểu quyết. Nhưng D’Argenlieu đợi tới 14G00 mới đồng ý.

20G30 tối 6/3, Sainteny lại điện cho d’Argenlieu biết đã có vài sửa đổi chi tiết khác dự thảo hôm trước; nhưng vì tình hình đặc biệt ở Hải Phòng, không kịp xin d’Argenlieu phê chuẩn. Sainteny cũng thêm là lúc 17G30, một phái đoàn Pháp-Việt đã đi Hải Phòng (gồm cả Võ Nguyên Giáp). Từ hôm sau, Pignon sẽ cùng một phái đoàn Pháp-Hoa-Việt đi Vinh, Thanh Hóa và Huế để thông báo về Hiệp ước và đề phòng những tai nạn đáng tiếc xảy ra. (81)

Theo D’Argenlieu, mãi tới ngày 7/3 mới nhận được báo cáo của Leclerc về “tình hình đặc biệt ở Hải Phòng”: Mờ sáng ngày 6/3, 5 chiến hạm Pháp định theo Lục Ðầu Giang tiến vào Hải Phòng, bị quân Trung Hoa chặn lại. Khi tàu Pháp không chịu rút lui, quân sĩ Sư đoàn 130/53 dùng pháo binh bắn xuống tàu đổ bộ [Landing Craft Infantry, LCI] và tàu Triomphant khiến 34 quân nhân Pháp chết và 93 bị thương. Valluy, Tư lệnh Sư Ðoàn 9, cũng bị thương nhẹ. Sau 40 phút, Leclerc cho lệnh chiến hạm Pháp phản pháo, khiến một kho đạn phát nổ, rồi rút ra khơi. Ðể vãn hồi hòa khí cần thiết, Phó Ðô Ðốc Auboyneau và Valluy đi gặp Tướng Wang để thảo luận.( 82)



III. HIỆP ƯỚC SƠ BỘ & NHỮNG VẤN NẠN:

Ðược ký kết dưới áp lực Trung Hoa, Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 chỉ được cả hai phe Pháp-Việt coi như “giai đoạn,” nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình thế. Cần lược qua nội dung Hiệp ước để thấy rõ những vấn nạn ngay từ lúc chữ ký trên Hiệp ước chưa ráo mực.

A. Hiệp Ước Sơ Bộ:

Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 gồm hai phần: Hiệp định sơ bộ [Convention préliminaire] và Phụ ước [Accord Annexe] về quân sự.

Hiệp định sơ bộ gồm 3 điều:

1. Chính phủ Pháp nhìn nhận Việt Nam [Dân Chủ] Cộng Hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, quốc hội, quân đội và tài chính, là một thành viên Liên bang Ðông Dương, và Liên hiệp Pháp. Về việc thống nhất ba “kỳ”, chính phủ Pháp tự nguyện thừa nhận những quyết định của các sắc dân được tham khảo qua trưng cầu dân ý.

2. Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng thân thiện đón tiếp quân đội Pháp khi thay thế quân Trung Hoa trong khuôn khổ các hiệp định quôc tế. Một phụ ước đính kèm Hiệp ước sơ bộ này sẽ qui định phương thức đề thực hiện việc thay thế quân.

3. Những điều khoản nêu trên sẽ có hiệu lực tức khắc. Ngay sau khi trao đổi chữ ký mỗi phe giao kết sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ngưng chiến, giữ binh sĩ tại nguyên vị trí và tạo bầu không khí thuận lợi cần thiết để mở ngay những cuộc thảo luận thân hữu và ngay thẳng. Những cuộc thương thuyết này sẽ đặc biệt liên quan đến:

a. các vấn đề ngoại giao của VN vơi các nước khác,

b. qui chế tương lai của Ðông Dương,

c. quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp tại Việt Nam.

Hà Nội, Sài Gòn hay Paris có thể được chọn làm nơi mở hội nghị.

Làm tại Hà Nội ngày 6/3/1946.

Ký tên: Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh Ký tên: Sainteny.

Trong Phụ ước [Accord Annexe] về quân sự, 10,000 quân Việt Nam và 15,000 quân Pháp sẽ giữ nhiệm vụ “tiếp phòng” [thay thế] 180,000 quân Trung Hoa.

Lực lượng Pháp chia làm 3 loại:

a. Các đơn vị chịu trách nhiệm canh giữ tù binh Nhật: sẽ rút lui sau khi hồi hương tù binh Nhật; và sẽ không kéo dài quá 10 tháng.

b. Các đơn vị, phối hợp với lực lượng Việt Nam, để bảo đảm an ninh, trật tự. Sẽ thay thế dần bằng quân Việt mỗi năm một phần năm [1/5], và hoàn tất trong vòng 5 năm.

c. Các đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ căn cứ hải quân và không quân: Sẽ được thảo luận sau.( 83)

B. VIỆC THỰC THI HIỆP ƯỚC:

Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946–như Moutet sau này giải thích–là một hiệp ước “thiện chí.” Tuy nhiên thiện chí có lẽ là điều cả hai phe ký kết đều không nỗ lực khi thực thi những điều khoản của Hiệp ước trên.

1. Thân thiện đón tiếp quân Pháp:

Việc thay thế quân TH, như đã viết rõ trong điều 2 và 3 của Hiệp ước: có hiệu lực ngay sau khi ký kết.

Ngày 8/3/1946, Leclerc an toàn đổ bộ xuống Hải Phòng. Ðích thân Valluy vào bến cảng đón Giáp ra hội kiến với Leclerc trên tàu Sénégalais ngoài khơi. Giáp đã được phân công ra Hải Phòng dự mít-tinh, giải thích Hiệp ước. (84)

Năm ngày sau, 13/3, Pháp và Trung Hoa ký qui ước quân sự về việc thay quân TH ở phía Bắc vĩ tuyến 16.

Thứ Bảy, 16/3, quân Leclerc được phép lên Hà Nội. Hai ngày sau, 18/3, Leclerc và Valluy cùng 1,200 quân Pháp và 200 xe, từ Hải Phòng vượt 105 cây số đường số 5 tới Hà Nội. Ngày này, báo L’Entente của Sainteny ra số đặc biệt với hàng tít lớn “Hanoi libéré” [Hà Nội Ðược Giải Phóng]. Chiều, lúc 17G00, Leclerc, Sainteny, Pignon, Salan, Valluy vào Bắc bộ phủ thăm Hồ.( 85)

Ngày 22/3, Pháp bắt đầu trách nhiệm bảo vệ an ninh và trật tự Hải Phòng. Ngày 29/3, một tiểu đoàn Pháp vào Huế. Ngày 7/4, quân Pháp thay Sư đoàn 2 Danh dự Quốc quân ở Nam Ðịnh.

Dẫu vậy, quân Trung Hoa không triệt thoái đúng như dự trù. Cuối tháng 3/1946. 3 quân đoàn Trung Hoa vẫn còn ở miền Bắc, tức Quân đoàn 60, ở Hải Phòng, Ðông Hải Phòng và Hà Nội, chờ xuống tàu Mỹ hồi hương–Quân đoàn 93 sẽ rút theo đường bộ về Vân Nam–và, Quân đoàn 53 ở Hà Nội chưa công bố kế hoạch triệt thoái. Quân đoàn “Thanh Y” này có nhiệm vụ bảo vệ trật tự.( 86)

Nhưng sự trì hoãn trên không gây nên những hậu quả đáng kể. Giai đoạn thống trị của quốc quân Trung Hoa đã chấm dứt.

Hồ Chí Minh chứng tỏ thiện chí khi chấp nhận “Hiệp ước này có hiệu lực ngay sau khi hai bên trao đổi chữ ký.” Võ Nguyên Giáp xuống ngay Hải Phòng để giải thích cho UBHCKC tại đây việc đồng ý cho quân Pháp đổ bộ.

Trung Hoa có thiện chí cho Pháp đổ bộ từ ngày 8/3, vì tình trạng sức khoẻ của quân sĩ bỏ neo ngoài chiến hạm, trước khi Phụ bản quân sự Pháp-Hoa hay Pháp-Việt hoàn tất. Dù Pháp than phiền về những khó khăn gây ra bởi quốc quân quanh việc đổ bộ, trên đại thể TH thực thi những điều ký kết. (87)

Leclerc cũng bày tỏ thiện chí bằng cách chỉ thị thuộc hạ phải đối xử nhã nhặn với dân chúng cảng Hải Phòng và Hà Nội. Leclerc còn nhiều lần thúc dục d’Argenlieu mời HCM qua thăm Paris theo đúng Hiệp ước.

Thị dân Hà Nội cũng đầy thiện chí đón tiếp đạo quân Pháp mới. Dù có dư luận cho rằng đây là một thứ “Hiệp định Mac-xít,” các nhà giải trí và khiêu vũ trường ở khu Cửa Nam đều hoạt động, đón tiếp thêm các sĩ quan Pháp vào số khách người Hoa, người Việt.( 88)

Tuy nhiên, những thiện chí trên rất giới hạn và chủ quan.

2. Vấn đề phê chuẩn:

Vì Quốc Hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp ước trước khi ký kết, không có trở ngại nào được đặt ra. Ngày 7/3, những thành phần chống đối tổ chức biểu tình lớn ở Hà Nội. Nhiều người lên án HCM là Việt Gian, bán nước. Lực lượng võ trang tuyên truyền của Giáp và an ninh, tình báo tổ chức phản biểu tình ngay. HCM cũng đột ngột xuất hiện, tuyên bố: “Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước.” Theo Sainteny, Hồ đã biến cuộc biểu tình chống đối thành một cuộc trưng cầu dân ý chính sách của mình. (89)

Trong khi đó, tại Sài Gòn, dù chất vấn Sainteny về Phụ ước quân sự, D’Argenlieu vẫn xin Paris phê chuẩn. (90)

Thứ Bảy, 9/3, D’Argenlieu đọc diễn văn kỷ niệm 1 năm ngày Nhật đảo chính, tóm lược thành tích tái lập chủ quyền Pháp ở Ðông Dương, và sự kiện lá cờ tam tài đã tung bay trên vòm trời miền Bắc. Theo tinh thần sứ mệnh được de Gaulle giao phó ngày 17/8/1945, d’Argenlieu đã phần nào tái lập được chủ quyền Pháp ở Ðông Dương, ít nhất ở bề ngoài và trên pháp lý.

Từ Paris, ngày 8/3, Francois de Langlade chúc mừng và khen ngợi d’Argenlieu. Hôm sau, ngày 9/3 [tức 10/3/1946, Sài Gòn], Moutet cho d’Argenlieu biết chính phủ Pháp đã phê chuẩn Hiệp ước. (91)

Sự vui mừng của các viên chức Pháp có lý do. Hiệp ước 6/3/1946 là chìa khoá cuối cùng về ngoại giao để hợp thức hoá cuộc tái xâm lăng–hoặc tái thiết lập chủ quyền, nếu muốn–của Pháp. Hiệp ước, như Moutet nhận định hơn một năm sau, đã bảo đảm rằng quân Pháp có thể chiếm lại Bắc Ðông Dương không tốn một giọt máu, khi lực lượng quân sự hai bên hoàn toàn chênh lệch: Pháp chỉ có 16,000 quân so với “185,000” quân Trung Hoa, cộng thêm 30,000 lính Nhật. (92)

Thực ra, Moutet không nói hết sự thực. Sự an nguy của kiều dân Pháp khộng hề được coi như một yếu tố trong việc thương thuyết. Từ tháng 10/1945, D’Argenlieu và Leclerc đã chống lại đề nghị di tản họ vì lý do nhân đạo của Trung Hoa và Mỹ. Chua chát hơn nữa là d’Argenlieu muốn sử dụng họ như cái cớ [prétextes] để vận động dư luận Pháp cũng như thế giới trong tiến trình tái chiếm miền Bắc,

C. NHỮNG VẤN NẠN:

Vì chỉ là một Hiệp ước sơ bộ–mà điều khoản duy nhất có hiệu lực tức khắc là 15,000 quân Pháp sẽ đổ bộ ở miền Bắc để cùng với 10,000 quân VNDCCH thay thế quân Trung Hoa bảo vệ an ninh–việc thảo luận những vấn đề hệ trọng trong bang giao Pháp-Việt lập tức gây nên nhiều vấn nạn–từ địa điểm để thảo luận một hiệp ước chính thức, tới những vấn đề “quốc gia tự do,” Liên bang Ðông Dương, và tương lai Nam Kỳ.

Trong công điện gửi Gouin ngày 12/3, d’Argenlieu bộc lộ rõ tâm ý: Mục đích chính yếu của Hiệp ước 6/3/1946 là để tạo một không khí thuận lợi cho việc thương thuyết trong tương lai, và để ngăn ngừa, càng nhiều càng tốt, sự chống đối bằng võ lực của người An-nam-mít trong khi thay thế quân Trung Hoa. Hiệp ước trên giới hạn về thời gian lẫn không gian. Nó chỉ có tính chất địa phương, ký kết giữa UVCH Bắc Kỳ với chính phủ An-Nam-mít trên thực tế ở Hà Nội, và bản chất chẳng khác gì hiệp ước đã ký với Kampuchea. Không nên cho Hiệp ước 6/3/1946 và những cuộc thảo luận kế tiếp tầm vóc nó không có. Hiệp ước 6/3/1946 chỉ là một giai đoạn [L’accord du 6 mars n’est qu’une étape]. (93)

Với d’Argenlieu, Hiệp ước 6/3/1946 chỉ là khởi điểm để làm việc.

1. Phụ ước quân sự:

Ðiều khiến d’Argenlieu và Leclerc không hài lòng là Phụ ước quân sự, nhưng vì nhu cầu đổ bộ, đành chấp nhận và chờ dịp sửa đổi nó.( 94)

Paris cũng than phiền về Phụ ước trên. Ngày 13/3, Ủy ban Liên bộ cho rằng bị đặt trước một chuyện đã rồi vì nhu cầu đổ bộ quân, nên quyết định phải điều chỉnh lại một số chi tiết, như: (1) không thể giới hạn quân số Pháp ở mức 15,000; (2) không thể giới hạn việc trú quân trong 5 năm phía Bắc vĩ tuyến 16; và, (3) cần thiết lập những căn cứ Hải quân và Không quân vĩnh viễn, v.. v.... (95)

Hai ngày sau, 15/3, Moutet chỉ thị thêm: Phía Bắc vĩ tuyến 16, cần căn cứ Hon Gay với phi trường cùng một khu Thái; phía Nam vĩ tuyến 16, căn cứ Cam Ranh và Cap Saint-Jacques với phi trường; toàn khu Mọi [cao nguyên Trung phần] với phi trường. (96)

Lúc 11G00 ngày 13/3, Moutet lại chỉ thị phải cho Salan về Paris báo cáo về Phụ ước quân sự. (97)

Kết luận rằng đây là một đại tác phẩm về sự tráo trở [duplicité]–dựa trên sự sai lầm, thiếu chân thực [malveillance] đối với Cao ủy của những phụ tá cao cấp quân sự, khi nịnh bợ chính phủ lâm thời VNDCCH một cách thái quá–nên D’Argenlieu quyết định sẽ bình tĩnh rút ra phần ưu thế nhất từ Hiệp ước, đặc biệt là sựỳ cam kết triệt thoái trong 5 năm hay các chi tiết có thể tạo gánh nặng tài chính cho mẫu quốc. (98)

Dẫu vậy, vì quan niệm Hiệp định sơ bộ chỉ có tính giai đoạn, các đạo quốc quân không mấy thân thiện, nếu chẳng phải thù hận vẫn hiện diện ở miền Bắc, trong khi quân Pháp mỏng yếu, chưa củng cố được cột trụ quân sự ở miền Bắc, d’Argenlieu giữ im lặng, mặc cho Salan và Valluy cùng Giáp chính thức ký Phụ ước quân sự ngày 3/4/1946. Việt Nam đồng ý Pháp được trú đóng 5,000 lính tại Hà Nội, 1,750 lính ở Hải Phòng, 825 tại Nam Ðịnh và Ðiện Biên Phủ; 650 tại Hải Dương, và 1,025 người ở Hòn Gai. (99)

Hai bên cũng đồng ý thành lập một Ủy ban liên lạc và kiểm soát hỗn hợp trung ương [liên kiểm] tại Hà Nội để kiểm soát việc “tiếp phòng”, và một Ủy ban đình chiến vào Nam Trung Bộ. Nhưng d’Argenlieu cầm chân và vô hiệu hóa Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang), đại diện Việt Nam, ở Nha Trang.

Sau đó, d’Argenlieu cử Valluy làm Tư lệnh miền Bắc, thay Salan. Ngày 7/4, Cao ủy chỉ thị mật cho Valluy phải sẵn sàng phản ứng cứng rắn nếu Việt Minh có thái độ bạo động. Chính trong thời khoản này, tiêu lệnh hành quân của Valluy ngày 10/4/1946 ra đời, dù nội dung không khác biệt gì với tiêu lệnh của Leclerc ngày 6/4/1946–một thứ bằng chứng mặt nổi cho cuộc tổng tấn công “phòng bị” ngày 19/12/1946 của Việt Minh.( 100)

Phần Võ Nguyên Giáp cũng có dụng ý. Hơn một năm qua, vùng duyên hải là căn cứ địa của Phục Quốc và Quốc Dân Ðảng, đặc biệt là Hòn Gai, “thủ đô” của Nguyễn Hải Thần-Vũ Kim Thành. Thỏa thuận cho Pháp thay quân TH ở những vị trí trên là một hòn đá ném hai chim.( 101)

Giáp cũng không công bố rõ quân số và các đơn vị của VNDCCH. Ðồng thời, Phạm Văn Ðồng và Trần Ðăng Ninh được lệnh tái tu bổ các chiến khu Việt Bắc. Nguyễn Lương Bằng (Cù Vân) cầm đầu nỗ lực thu mua khí giới đạn dược từ Thái Lan, Miến Ðiện, Thương Hải, Hong Kong và nhất là nội địa. Cũng có nỗ lực tuyển mộ những người “Việt Nam Mới”–tức lính đào ngũ cùng các chuyên viên Nhật –để tăng cường guồng máy quân sự, kinh tế tài chính.( 102)

2. Ðịa điểm hội nghị:

Ðiều 3 của Hiệp ước sơ bộ qui định “Ngay sau khi trao đổi chữ ký mỗi phe giao kết sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ngưng chiến, giữ binh sĩ tại nguyên vị trí và tạo bầu không khí thuận lợi cần thiết để mở ngay những cuộc thảo luận thân hữu và ngay thẳng.” Và, “Hà Nội, Sài Gòn hay Paris có thể được chọn làm nơi mở hội nghị.”

Chiều 7/3, HCM đã nói với Sainteny là muốn thương thuyết ngay ở Paris, để chứng tỏ cho dân chúng thấy Hiệp ước sơ bộ không phải là cái bẫy của Pháp, và muốn tự mình sẽ dẫn một phái đoàn qua Pháp. Hồ còn đề nghị gặp d’Argenlieu trong tương lai gần, hoặc trên đường qua Pháp. Sainteny và những viên chức khác đều đồng ý không nên thương thuyết ở Hà Nội. (103)

Hôm sau, 8/3, d’Argenlieu đề nghị chính phủ Gouin cho thương thuyết ở Ðà Lạt. Theo d’Argenlieu, sẽ là một lỗi lầm nghiêm trọng nếu mở hội nghị tại Paris. Ðiều này sẽ khiến Kampuchea và Lào buồn lòng. Không kém quan trọng là ý định muốn loại bỏ quyền lực Cao ủy Ðông Dương của Hà Nội. Vinh dự được qua Paris còn khiến HCM cứng rắn hơn trong vấn đề cử nhân viên ngoại giao. Trong khi đó Ðà Lạt không nằm ở Nam Kỳ hay Bắc Kỳ. Hội nghị sẽ diễn ra trong sự thanh bình, không bị xáo trộn vì những cuộc biểu tình tự phát hay có tổ chức khi d’Argenlieu sẽ cho Nam Kỳ tình trạng giống như VNDCCH.

Chính phủ Gouin không đồng ý vì đề nghị của d’Argenlieu trái ngược với văn bản Hiệp ước. Ngày 12/3, d’Argenlieu phải thú thực rằng muốn chọn Ðà Lạt làm thủ đô Liên bang. (104)

Các cộng sự viên của d’Argenlieu cũng chống lại Cao Ủy. Ngày 13/3, và rồi liên tiếp hai ngày 15 và 16, Leclerc yêu cầu d’Argenlieu chấp thuận mở hội nghị ở Paris. Trong công điện ngày 16/3, Leclerc còn thêm rằng Sainteny, Salan và Valluy đều đồng ý. (105)

Trong khi đó, ngày 13/3, Comindo lại đổi ý, quyết định không thể thương thuyết ở Sài Gòn hay Paris. Bốn ngày sau, 17/3, d’Argenlieu đề nghị mời HCM qua Paris, nhưng sẽ thương thuyết tại Ðông Dương. Moutet chấp thuận. (106)

Trong khi đó, d’Argenlieu muốn gặp riêng Hồ để nói chuyện trực tiếp với nhân vật không đơn giản này. Ngày 17/3, D’Argenlieu gửi cho Sainteny một văn kiện (Memorandum) để Sainteny hoặc Leclerc nói với HCM là muốn gặp nhau trên soái hạm L’Emile Bertin ngày 24/3/1946. D’Argenlieu chịu nhân nhượng là sẽ mời Thủ tướng Hồ Chí Minh thăm Paris, đồng thời chính phủ Pháp sẽ gửi phái đoàn qua thảo luận trù bị cho hiệp ước chính thức tại Ðông Dương. Nhưng ngày 18/3, Leclerc báo cáo chưa chuyển đề nghị mới trên cho HCM vì sợ sẽ đổ vỡ, phải dò ý HCM trước. Lúc này, quân Pháp vừa tới Hà Nội, dư luận còn xôn xao, sợ HCM sẽ cắt đứt thương thuyết, di tản vào chiến khu. (107)

D’Argenlieu không hài lòng, cho rằng nhóm Sainteny và Salan đã đi từ nhân nhượng này sang nhân nhượng khác–một thứ “Munich nho nhỏ”. Ngày 20/3, đích thân D’Argenlieu viết thư chỉ thị Sainteny và Leclerc phải thi hành ngay lệnh của mình và cấp tốc báo cáo kết quả. Trong lúc chánh văn phòng Longeaux đang đánh máy thư, d’Argenlieu được điện tín của Sainteny báo tin HCM đồng ý gặp mặt ngày 24/3/1946, với điều kiện tiên thiên là sẽ được mời qua Paris.( 108)

3. Liên Bang Ðông Dương

Trong phần thêm vào giờ chót của Hiệp định, hai bên đồng ý sẽ xúc tiến ngay việc thảo luận về qui chế tương lai của Ðông Dương.

Ngày Thứ Tư, 20/2/1946, khi tham dự phiên họp của Commindo tại Paris, d’Argenlieu thuyết phục được chính phủ Gouin về sứ mệnh thực hiện Liên Bang Ðông Dương trên cơ sở Tuyên ngôn 24/3/945.( 109)

Trong khi đó, dù chấp nhận gia nhập Liên bang Ðông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp, Hồ Chí Minh vẫn giành quyền thảo luận ngay về qui chế tương lai Ðông Dương. Theo Sainteny, đòi hỏi này do Hồ Chí Minh sợ Liên Bang Ðông Dương trở thành cái bẫy ngăn cản ước muốn thống nhất và tự chủ thực sự. Ngày 3/3/1946, Ðảng CSÐD cũng nhấn mạnh làợ “Nếu Pháp chủ trương cho Ðông Dương tự trị theo Tuyên ngôn 24/3/1945 thì ta nhất định đánh.[ 43], nhưng nếu công nhận tự chủ thì sẽ có thể hòa.”( 110)

Trong cuộc gặp mặt ngày 24/3/1946 ở Vịnh Hạ Long, Hồ chỉ chấp nhận gia nhập Khối Liên Hiệp Pháp, như một thành viên có đầy đủ quyền tự chủ theo khuôn mẫu dominion [xứ tự trị] của Khối Liên Hiệp Bri-tên. Riêng Liên Bang Ðông Dương, chỉ là một hình thức liên hiệp kinh tế, kể cả thuế quan và tài chính. Ðây có lẽ là lý do thầm kín khiến Hồ nhấn mạnh đòi hỏi hòa đàm ở Pháp và cá nhân mình sẽ qua Paris.

Với d’Argenlieu, lập trường của Hồ không chấp nhận được. Sứ mệnh của d’Argenlieu là tái lập sự vĩ đại của nước Pháp qua việc tái khai sinh một Liên Bang Ðông Dương mới. D’Argenlieu sẽ trở thành một thứ “quốc trưởng,” chịu trách nhiệm trực tiếp với chính phủ Pháp mà không lệ thuộc vào Bộ Hải Ngoại. D’Argenlieu tin rằng Hồ Chí Minh, giống như Norodom Sihanouk, các vua Lào, hay các tù trưởng sắc dân thiểu số trên toàn lãnh thổ Ðông Dương đều phải thuần phục Cao Ủy, không thể giao dịch trực tiếp với Paris. Nhưng sau buổi hội kiến ngày 24/3/1946, D’Argenlieu kết luận rằng Hồ–một tay cách mạng chuyên nghiệp, có khuynh hướng Marxism, rất mưu kế, biết rõ mình muốn gì, và đang khôn khéo khai thác mọi ưu điểm của hiệp ước sơ bộ mà tảng lờ mọi điều khác–chẳng bao giờ thành thực với Pháp.

Không kém mưu kế và quyết tâm, D’Argenlieu chỉ thấy Hiệp ước 6/3/1936 như sản phẩm của hoàn cảnh, không đáng được giành cho những gì nó không có. Nên d’Argenlieu từng hứa với Comindo sẽ sửa đổi lại những điều đã ký kết để giành phần ưu thắng tốt đẹp nhất cho nước Pháp. (111)

Ðể đạt mục đích, d’Argenlieu áp dụng một chiến thuật vừa nhu, vừa cương. Ở khía cạnh nhu, d’Argenlieu đề nghị Paris chấp thuận mời phái đoàn thiện chí Quốc Hội Việt Nam và cá nhân Hồ qua Pháp, tổ chức hội nghị trù bị ở Ðà Lạt để tìm hiểu và giải quyết những vấn đề then chốt cá biệt, dùng làm cơ sở cho Liên Bang trong tương lai, nhưng tránh bàn sâu khung tổ chức Liên Bang. Qui chế tương lai của Ðông Dương có thể là: Lào, Miên, Nam Kỳ với 9 triệu dân. Bắc Kỳ và An Nam cũng có thể tham gia. Một phần lớn dân miền Bắc không chấp nhận chủ quyền của Việt Minh. Như thế tương lai cần trưng cầu dân ý ở đây. Nam Trung Kỳ có thể sát nhập với Nam Kỳ.( 112) Trên khía cạnh cứng, d’Argenlieu quyết biến Nam Kỳ thành một xứ tự trị, sẽ có cơ sở pháp lý tương tự như VNDCCH, tức một nước tự do, trong Liên Bang Ðông Dương. Ðiều duy nhất khiến d’Argenlieu bận tâm là bao giờ có thể nói thẳng ra với đại diện Việt Nam. D’Argenlieu hiểu rõ sự khác biệt rất lớn giữa phương pháp truyền thống Tây phương và Marxist. Phương pháp Marxist này hoàn toàn xa lạ với người Việt. Nó dựa trên lối diện giải duy vật lịch sử và một chiến thuật đặc thù: đấu tranh giai cấp. (113)

Paris cũng đồng quan điểm. Ngày 3/4/1946, trả lời CÐ 532F ngày 29/3/1946 của d’Argenlieu (đồng ý gửi qua Paris phái đoàn thiện chí), Moutet đề nghị nếu có thể, cử thêm phái đoàn Miên và Lào. Việc này giúp khởi đầu sự chấp thuận nguyên tắc tổng quát về Liên bang Ðông Dương trong Khối Liên Hiệp Pháp, mà không cần hạn định ngày tháng cuối cùng đạt thỏa ước. Cần thiết lập các chính quyền địa phương tổng và xã. Nói cách khác, lập được một Liên bang Ðông Dương càng nhiều xứ càng tốt. (114)

Tuy nhiên, d’Argenlieu và Paris quyết định không đi vào chi tiết tổ chức Liên Bang Ðông Dương tại Ðà Lạt.

4. Thày Tu và Nhà Cách Mạng:

Buổi hội kiến ngày Chủ Nhật, 24/3/1946, lưu lại trong d’Argenlieu những ý niệm đậm nét về Hồ. Có lẽ được cố vấn khá kỹ về vấn đề gọi là “thể diện” của người Việt, d’Argenlieu dành cho HCM những nghi lễ Hải quân trang trọng nhất. 21 phát thần công chào đón khi chiếc thủy phi cơ đưa HCM cùng đoàn tùy tùng ra Vịnh Hạ Long, rồi đáp tàu tới soái hạm L’ Emile Berlin. Ngay sau đó là buổi sơ kiến trong phòng làm việc của d’Argenlieu. Khi Linh mục Cao ủy nói rất thỏa mãn thấy liên hệ Pháp-Việt truyền thống được tái lập; HCM trả lời: “Thưa vâng, Cao ủy, những liên hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc chúng ta; nhưng chính tình hữu nghị mà những liên hệ trên phải tiến tới!” [Relations amicales entre nos peuples, monsieur le Haut Commissaire, oui; mais c’est fraternelles qu’elles doivent devenir!...]. (115)

Sau cuộc khán duyệt hạm đội Pháp, HCM và d’Argenlieu thảo luận vấn đề Liên Bang Ðông Dương mà HCM coi như cái bẫy. Về đề nghị ngày 17/3/1946 của D’Argenlieu, Hồ nói muốn dẫn ngay một phái đoàn qua Paris để tiếp tục thảo luận hiệp ước chính thức giữa hai quốc gia. D’Argenlieu đề nghị gửi phái đoàn thiện chí qua Pháp, họp trù bị tại Ðông Dương, và rồi chính thức ký kết ở Paris. Hồ có vẻ thỏa mãn, hoặc, không công khai phản đối.

Hai bên tạm ngưng họp, ăn trưa. Trong lời chào mừng, d’Argenlieu nói về Hiệp ước sơ bộ như một khởi đầu cho những thảo luận tương lai. Hy vọng sẽ vượt qua mọi trở ngại. HCM đáp lễ. Tiếp đó, HCM được làm khách danh dự của cuộc diễn hành đoàn chiến hạm Pháp.

Buổi nói chuyện lần thứ ba bắt đầu lúc 15G30. Ngoại trưởng Nguyễn Tường Tam, Hoàng Minh Giám, Jean Sainteny và Longeaux được tham dự. Vấn đề tổ chức Liên Bang Ðông Dương và địa điểm họp hòa đàm là hai trong những trở ngại lớn. Vì Hồ cần trở lại Hà Nội trước buổi tối, hai bên đồng ý Sainteny và Hồ sẽ tiếp tục thảo luận thêm. 17G00, HCM rời soái hạm. Lại 21 phát súng đại bác đưa tiễn.

Ngày 25/3, sau khi tiếp đại diện Ðồng Minh trên tàu L’Emile Berlin, d’Argenlieu thúc dục Sainteny báo cáo gấp kết quả đề nghị của mình ngày 24/3. Nhưng ngày 26/3, khi được hồi đáp của HCM, D’Argenlieu cảm thấy không chấp nhận được: Hồ không nhắc gì đến Liên Bang Ðông Dương hay việc Cao Ủy chủ tọa phiên họp trù bị. (116)

Trên soái hạm từ Hạ Long về Nha Trang, D’Argenlieu ghi nhận về Hồ như sau:

Sinh năm 1889, 56 tuổi. Hiện nay chưa phải là nhà lãnh đạo quốc gia mà chỉ là một thủ lĩnh cách mạng Cộng Sản. Ðây là một người tinh tuyền, về đạo đức: không có sự đút lót hay sai vạy nào có thể khiến ông ta đáng bị chỉ trích . Về phương diện tri thức, ông ta thu thập được khá nhiều; ông ta biết cách làm mình nhỏ lại, khiêm tốn và ... thích ca ngợi người khác [un flatteur]. Ông ta thật ấm áp. Ông ta bén nhậy về vấn đề đối xử. Ông ta tự nguyện sử dụng những thuật ngữ tình cảm: tình bạn [amitié], tình hữu nghị [tình bác ái] [fraternité], chung thủy [loyauté], sự ngay thẳng [thật thà] [franchise], v.. v...

Nhưng ông ta biết rõ những gì mình muốn. Ông ta muốn một qui chế biến Ðại Nam thống nhất thành một dominion [kiểu xứ tự trị trong Liên Hiệp Bri-tên], theo trình độ tiến hóa hiện tại. Giáo điều và lý tưởng, ông ta không đo lường được nếu sự trưởng thành chính trị đã cho phép điều đó hay chưa.

Sức mạnh to lớn của ông ta là sự thành thật liên tục. [239]

Có thể nào thay đổi ông ta mà ông ta không thấy đó là sự bội phản? Ông ta không tin tưởng ở ý định của chúng ta, dù ông ta ngưỡng mộ và chấp nhận sự ngay thẳng của chúng ta [la droiture de tel ou tel de notres].

Ông ta chỉ tin tưởng ở những gì phục vụ kế hoạch [desseins] của ông ta. Ông ta lắm mưu kế [Il sait ruser]. Ở lúc mà người ta ngỡ rằng có thể đạt thỏa thuận, ông ta khiến mọi sự trở lại từ đầu. Ông ta không thể, ông ta không muốn hủy bỏ những điều có lợi của hiệp định sơ bộ và phụ ước quân sự mà ông ta phải miễn cưỡng ký kết. Ông ta muốn rút ra từ nó nhiều hơn nữa. Giữ lại những gì ông ta thích, và quêạn lãng tất cả những thứ khác. Ông ta biết cách khéo léo ràng buộc những người thiếu thẩm quyền và không trách nhiệm hứa hẹn một cuộc thương thuyết ở Paris. Ông ta bám cứng vào đó.[ 239]

Ngày 24/3/1946, ông ta dường có vẻ đồng ý: một phái đoàn thiện chí của Quốc Hội; hội nghị trù bị ở ....; kết thúc ở Paris.

Bản phản đề nghị thay đổi, gạch bỏ, thêm, hiệu đính....

Giấc mộng của ông ta là tiêu hủy Liên Bang Ðông Dương và nói chuyện trực tiếp giữa Hà Nội với Paris. Ðó là lòng kiêu ngạo Á Ðông. Không giành được tiếng độc lập, ông ta nỗ lực đạt được nó trong thời gian ngắn nhất.

Chỉ đồng ý cho một phái đoàn thiện chí qua Pháp.

Phần cá nhân HCM, sở dĩ ông ta muốn qua Pháp để khuấy động giới tả phái Pháp và gây áp lực với chính phủ lâm thời. Ðó là cách vận động của lãnh tụ một đảng.( 117)

Ngày 29/3/1946, d’Argenlieu viết báo cáo về Paris:

Mục đích cuối cùng của HCM là độc lập. Ông ta biết mình muốn gì, và hành động cứng cỏi [opiniâtreté].

Ông ta phải ký hiệp định sơ bộ một phần vì giống chúng ta, để tránh cho dân chúng tình trạng chiến tranh khổ sở, phần vì muốn củng cố sự lãnh đạo của đảng ông ta với chính phủ Hà Nội và nếu có thể với dân chúng khắp nơi.

Vị thế của ông ta là vị thế chiến thuật. Chính sách của ông ta là tách rời dần khỏi văn bản Hiệp ước 6/3/1946, và đòi cho bằng được độc lập. Ðiều đầu tiên ông ta muốn loại bỏ là Liên Bang Ðông Dương. Thủ thuật của ông ta là không thương thuyết ở Ðông Dương mà phải nói chuyện ở Paris.

Bởi vậy, D’Argenlieu đề nghị chính phủ Pháp đồng ý cho một phái đoàn thiện chí qua Paris, nhưng không chấp thuận phản đề nghị mới của HCM. Tại Hội nghị trù bị Ðà Lạt tạm thời không đề cập đến chi tiết tổ chức Liên bang hay liên hệ giữa các nước thành viên và liên bang. Hai lý do chính là thế quân sự của Pháp ở miền Bắc còn yếu và VNDCCH cương quyết chống lại việc gia nhập Liên Bang. Hội nghị trù bị Ðà Lạt cũng như hiệp ước chính thức tại Paris sẽ chỉ nhấn mạnh nguyên tắc các nước tự do gia nhập Liên bang. Sẽ bàn về chi tiết vấn đề nhân viên ngoại giao, bảo vệ công dân Pháp và ngoại kiều, vấn đề an ninh và căn cứ quân sự, hải quân và không quân, duy trì quyền lợi kinh tế. (118)

Ngày 30/3/1946, d’Argenlieu chỉ thị cho Sainteny yêu cầu HCM họp hội nghị trù bị [conférence préparatoire] ở Ðà Lạt mà Chính phủ Pháp cho là nơi tốt nhất. Ngoài ra, nên giải thích với HCM rằng Ðà Lạt thích hợp nhất với sức khoẻ của cá nhân Cao Ủy. Nên giải quyết sớm để phái đoàn thiện chí qua Pháp, rồi HCM sẽ qua Paris. (119)

Cuối cùng, Hồ đồng ý họp trù bị ở Ðà Lạt, rồi thương thuyết chính thức ở Fontainebleau. Phái đoàn QH Việt Nam thăm thiện chí Pháp trong thời gian Hội nghị trù bị Ðà Lạt diễn ra. Hồ cũng được mời qua Paris như quốc khách. Trước khi Hồ lên đường, d’Argenlieu sẽ ra thăm Hà Nội theo lời mời của Hồ. (120)

Giải pháp này, theo d’Argenlieu, vừa gỡ sĩ diện cho Hồ, vừa bao bọc cho những phụ tá cao cấp đã vượt quá quyền hạn và trách nhiệm khi hứa hẹn với Hồ trước và sau ngày ký Hiệp ước sơ bộ. Hai nhân vật d’Argenlieu ám chỉ có lẽ là Sainteny và Salan. Sainteny đã tự động ký với Hồ một số điểm không hề được d’Argenlieu phê chuẩn, kể cả Phụ ước quân sự. Salan thì bị Paris yêu cầu đích danh phải về nước báo cáo lý do đã ký những điều khoản không thể chấp nhận được. Bởi thế, d’Argenlieu đồng ý cho Sainteny từ chức, và gửi trả Salan về Bộ Quốc Phòng sau Hội nghị Ðà Lạt.( 121)

Phần Leclerc, dưới mắt d’Argenlieu, “thiếu kiên nhẫn.” Leclerc cũng đôi khi vượt quá quyền hạn, không tuân hành chỉ thị của d’Argenlieu. Trò đấu trí giữa d’Argenlieu và Hồ Chí Minh về việc họp Hội nghị tại Pháp là giọt nước làm tràn ly của mối liên hệ chẳng mấy thân thiết giữa hai người được đích thân de Gaulle tuyển chọn để đưa con thuyền lạc bến Ðông Dương trở lại với mẫu quốc. Là người bén nhạy với những biến đổi của xã hội Việt Nam qua giai đoạn Nhật chiếm đóng, Leclerc đã chuyển dần quan điểm từ tái chinh phục bằng sức mạnh quân sự qua chính trị, hay ngoại giao.

Sau nửa năm đương đầu với kháng chiến quân miền Nam, Leclerc thấy được mối hiểm họa của một cuộc chiến du kích kéo dài bất tận, giữa một đạo quân viễn chinh bị giới hạn tiềm năng với một chính phủ lang thang trong rừng núi, và một hậu phương đầy khủng hoảng ở Âu Châu. Bởi thế, Leclerc nghiêng về thương thuyết với một chính phủ hợp pháp ở Hà Nội. Công điện ngày 14/2/1946 của Leclerc, đề nghị chấp nhận độc lập cho Việt Nam–chỉ 48 tiếng đồng hồ sau khi d’Argenlieu nắn nót viết ra chỉ thị hòa đàm cho Sainteny–đã gây chấn động Paris.( 122)

Việc Leclerc đình trễ chuyển giao đề nghị của d’Argenlieu ngày 17/3–tức thảo luận tại Ðông Dương thay vì Paris–càng khiến d’Argenlieu thiếu tin tưởng hơn ở Leclerc. Bởi thế, trong buổi hội nghị với Hồ tại Vịnh Hạ Long, d’Argenlieu không cho Phó chủ tịch Hội Ðồng Liên Bang kiêm Ủy viên quân sự, người hùng giải phóng Hà Nội, tham dự. Theo d’Argenlieu, ông ta muốn giải tỏa cho Leclerc những sự cam kết trước đó với Hồ. (123)

Sau đó, Leclerc được chấp thuận cho hồi hương, thay thế bằng Valluy–người d’Argenlieu tin tưởng hơn với các đức tính cứng rắn, thuần túy quân sự. Cựu ủy viên chính trị de Raymond được chuyển làm Ủy viên Cộng Hòa Lào. Pignon–người từng dự mật đàm với Hồ từ năm 1945–lên thay de Raymond với chủ trương dùng biện pháp mạnh, miễn hồ không xé bỏ Hiệp ước 6/3/1946. (124)

Sự thay đổi nhân sự vào đầu tháng 4/1946 này không chỉ để chuẩn bị cho Hội nghị trù bị Ðà Lạt mà nằm trong một sách lược rõ rệt của d’Argenlieu: Ðó là bước qua giai đoạn 2 của chu trình thiết lập Liên Bang Ðông Dương. Không kém quan trọng, là quyết định thực hiện lời đe dọa từ trước ngày ký hiệp định: Cao Ủy Linh Mục không muốn dùng sức mạnh, chẳng phải không có sức mạnh. Biểu hiệu đầu tiên là việc thành lập chính phủ Cộng Hoà Nam Kỳ tự trị, song hành với thời gian triệu tập Hội nghị trù bị Ðà Lạt.( 125)

Những biến cố chính trị này, tưởng cũng nên ghi nhận, diễn ra trên bối cảnh một cuộc du kích chiến ở miền Nam mà giới chức Pháp mệnh danh là “bình định” đã kéo dài hơn nửa năm, và viễn ảnh dọa nạt của việc chiến tranh lan rộng ra khắp phía Bắc vĩ tuyến 16–nơi Pháp chỉ có 15,000 quân nhân các quân binh chủng. Một lực lượng tinh nhuệ, nói theo Bernard B. Fall, “quá mạnh để Pháp chống lại ý muốn sử dụng chúng, nhưng không đủ mạnh để ngăn cản Việt Minh thử giải quyết toàn bộ vấn đề chính trị bằng cách đuổi người Pháp ra biển.” [The French forces . . . were too strong for France to resist the temptation of using them, yet not strong enough to keep the Viet Minh from trying to solve the whole political problem by throwing the French into the sea].( 126)

Tuy nhiên, Fall có lẽ đi quá xa khi kết luận:

Sự bùng nổ của cuộc chiến Ðông Dương có thể truy nguyên tới sự ước lượng sai lầm bi thảm trên. [“The outbreak of the Indochina war can be traced back to that single, tragic erroneous estimate.”] (127)

Thực ra cuộc chiến Ðông Dương đã khởi đi từ tháng 9/1945, khi binh đội của Leclerc chưa kịp đổ bộ ở Cap Saint Jacques hay Sài Gòn. Nguyên ủy của cuộc Tam Thập Niên chiến là ý chí thực dân của de Gaulle và phe đảng “Pháp mới” hay “Pháp tự do.” Ít nữa với người Việt, một cuộc kháng chiến chống Pháp đang tiến hành khi Pháp theo chân quân Bri-tên trở lại Sài Gòn; và vấn đề đặt ra là hòa hay tiếp tục chiến đấu. Tách biệt cuộc kháng chiến ở miền Nam với khối dân tộc Việt ở những phần đất còn lại là một sai lầm chiến lược của các viên chức Pháp, và càng sai lầm hơn trong những nghiên cứu sử học thiếu khách quan hoặc thiếu thông tin trung thực.( 128)

D’Argenlieu và một số tác nhân lịch sử Pháp chẳng phải không hiểu rõ điều đó. Nhưng họ cố giải thích cuộc kháng chiến của người Việt ở miền Nam như một cuộc nổi loạn, hay những hành động cướp bóc, khủng bố vì mục đích riêng: Ðó là không chấp nhận một chính phủ Việt Nam độc lập, thống nhất do HCM cầm đầu, vì lý do này hay lý do khác. Lập luận của d’Argenlieu vào hạ tuần tháng 4/1946 rằng đòi hỏi thống nhất lãnh thổ của Việt Nam không có cơ sở địa lý, lịch sử, kinh tế–là một trò chơi của trí tuệ, thứ lý luận của kẻ mạnh, kiểu các Thánh lệnh trong hai năm 1493-1494 của Giáo Hoàng Alexander VI (129)–chỉ cho phép vũ trụ và nhân loại hiện hữu trên chiếc giường thành kiến tiên thiên của mình. (130)

Hơn nữa, Cộng Sản và chống Cộng là hai khuynh hướng chính trị đang lôi cuốn cả thế giới vào một cuộc đương đầu gay gắt sắp tới. Bài diễn văn “Bức Màn Thép” của Winston Churchill chưa được đọc, nhưng sự hợp tác chống khối Trục Phát xít giữa các siêu cường đang rạn nứt dần từ sau Hội nghị Potsdam. Tại Trung Hoa, dù Stalin đang cố dàn xếp một giải pháp liên hiệp giữa Tưởng và Mao, viễn tượng nội chiến tiềm ẩn từng ngày. Tại Việt Nam, dù Hồ đã giải tán Ðảng CSÐD, nhưng d’Argenlieu khó thể dung thứ hay lãng quên dĩ vãng Hồ. Là người chỉ có thể phân biệt thiện [good] và ác [evil] theo nguyên tắc Ki-tô–tức chỉ có phe ta mới thiện, và không phải phe ta là ác quỉ–d’Argenlieu không đủ khả năng nhận hiểu, hoặc tảng lờ tính chất bì phu [nominal] của những người tự nhận theo một ý thức hệ hay tôn giáo nào tại Việt Nam. Ðiều khiến HCM và nhóm cầm quyền đáng bị ghét bỏ hơn nữa là họ có sức mạnh thực sự, về tổ chức, binh lực, cũng như sự yểm trợ của quần chúng. Một lãnh tụ VNQDÐ trẻ, có học thức, nhiều năm sau phản ảnh:

Tôi gặp anh Lê, người cầm đầu Bộ chỉ huy [chiến khu 3 tại Vĩnh Yên] lúc đó. Sau bữa cơm rau dưa thanh đạm với anh em, chúng tôi đi dạo trong thành phố và ra cả ngoài thị trấn nhưng không thể đi xa được nhiều vì chung quanh làng mạc đều do Việt Minh kiểm soát. Có cách nào để phát triển ra vùng nông thôn? Anh Lê cũng chịu bó tay vì không có người biết cách tuyên truyền nông dân. Mà dùng võ lực thì chỉ có vài chục tay súng. Muốn giữ vững thị trấn cũng đủ hụt hơn rồi. Tất cả anh em, kể cả đảng viên và các anh em khác, không quá vài trăm người. Về tài chánh lại quá eo hẹp. Quân đội chủ yếu do đám lính khố xanh cũ hợp thành. . . .( 131)

Chính cái sức mạnh thực sự này của VNDCCH–và khả năng tự tồn của nó–khiến d’Argenlieu và Valluy không đành cam tâm nhìn Việt Nam nói riêng, và Ðông Dương nói chung, lướt trượt khỏi sự kiểm soát của Pháp. Bởi thế, một cuộc thánh chiến khó tránh. Với đủ loại lý do muốn trưng dẫn [prétextes].



Kết Luận:

Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 được ký kết phần lớn do sự khuyến khích, nếu không phải áp lực của Trung Hoa.

Những người bạn rừng xanh của HCM và Việt Minh, cùng một số chuyên viên ngoại giao cấp trung bình, vẫn yểm trợ Việt Minh. Vì đa số những người này đều hoạt động tại Trung Hoa và Ðông Nam Á, sự hiện diện và tiếng nói của họ ít nhiều giúp HCM sống sót qua chế độ quân quản TH trong hai năm 1945-1946. (132)

Danh từ chính xác nhất để gọi Hiệp ước 6/3/1946 là một Hiệp ước “tiện nghi.” Vì đã được ký dưới áp lực của Trung Hoa và hoàn cảnh đặc thù của xã hội Việt Nam vào mùa Xuân 1946, cả hai phe ký kết đều chỉ muốn công nhận những gì tiện nghi cho mình.

Về phía Pháp, việc Trùng Khánh hoãn ký Phụ bản quân sự và quyết tâm ngăn cản quân viễn chinh Pháp đổ bộ trước khi đạt được thỏa thuận với chính phủ VNDCCH khiến chiều ngày 6/3/1946 Sainteny đã phải ký một Hiệp ước khác hẳn với những gì đã gửi về Sài Gòn xin d’Argenlieu phê chuẩn. D’Argenlieu buông xuôi, coi nó như cơ sở cho những thương thuyết kế tiếp. Paris cùng một tâm ý. Mối quan tâm hàng đầu của Pháp là đưa quân đội ra phía Bắc vĩ tuyến 16, cho quốc quân TH triệt thoái; sau đó sẽ “đóng cửa” bàn “việc nhà” với HCM hoặc bất cứ ai sẽ lên nắm quyền. Về phía Việt Nam, dưới áp lực Chu Phúc Thành, HCM đã đạt được những điều khoản tốt đẹp nhất có thể đạt được trong cảnh trên búa, dưới đe. Trước hết là quân TH, với lập trường chống Cộng, sẽ rút khỏi VN, mở ra cơ hội tiêu diệt các lực lượng chống đối, đặc biệt là Việt Quốc (VNQDÐ và Ðại Việt). Việt Minh nắm được độc quyền cai trị, độc quyền yêu nước và độc quyền kháng Pháp nếu cần.

Vì Hiệp ước chỉ được các phe phái ký kết thi hành những điều khoản lợi ích nhất cho họ, hầu hết những điều khoản còn lại đều không được tôn trọng, và diễn giải theo ý hướng riêng. Từ “nước tự do” tới Liên Bang Ðông Dương, hay thống nhất ba kỳ. Ngay đến địa điểm thảo luận một hiệp ước chính thức cũng bị sửa đổi, tranh cãi. Sự thất bại của Hội nghị trù bị Ðà Lạt, và nỗ lực không thực thi Tạm ước [modus vivendi] 14/9/1946 của cả hai phe–d’Argenlieu với những cái cớ [prétextes] như “Tuyên ngôn 24/3/1945” và điều 9 của Tạm ước 14/91946–đẩy hai bên tới điểm “không thể quay trở lại.”

Trong khi đó, cả đôi bên không ngần ngại sử dụng sức mạnh, nếu cần. D’Argenlieu từng chỉ thị cho Sainteny nên bảo thẳng HCM rằng Pháp không muốn sử dụng sức mạnh quân sự, mà không phải thiếu sức mạnh. Leclerc, Valluy hay những phụ tá của họ–như Mus–cũng đồng ý rằng người Việt chỉ hiểu lý lẽ khi đối diện sức mạnh. Bởi thế, dù chỉ vận dụng được một quân số trên dưới 30,000 người từ chính quốc và các thuộc địa, đa số cấp chỉ huy Pháp chỉ thấy sức mạnh quân sự của mình mà không thấy được sự đổi thay rộng lớn và sâu xa ở Việt Nam–sự thay đổi toàn diện khiến d’Argenlieu và đạo quân viễn chinh trở thành đoàn lữ hành lang thang vô định hướng giữa hai thế giới: một, Liên Bang Ðông Dương của trước năm 1940-1941 đã chết; và một Liên Bang Ðông Dương thuộc Pháp mới chưa đủ khả năng để khai sinh.

Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp nghĩ khác: Sức mạnh quân sự Pháp không đáng kể, cuộc kháng chiến ở miền Nam chứng tỏ Pháp đang lúng túng với chiến thuật du kích, và nhóm lãnh đạo CS sẵn sàng rút ra chiến khu. Với người tự nhận là Cộng Sản theo Stalinist, cách mạng là tấn công; hòa đàm hay ngoại giao đều là một hình thức của tấn công, cho tới lúc đạt được mục tiêu cuối cùng–tức giành đoạt được quyền cai trị và độc quyền biến đổi xã hội theo khuôn mẫu mà họ nghĩ Karl Marx và Lenin đã dạy bảo. Cách nào đó, giống như người Pháp mới, nhóm lãnh đạo Việt Nam–Dân chủ mới hay Cộng Sản–lôi cuốn toàn dân Việt vào một cuộc phiêu lưu vô định hướng từ một thế giới đã chết là ba xứ Bắc Kỳ, An-Nam và Nam Kỳ “thuộc địa-phong kiến” đến một nước Việt Nam đại đồng chưa, nếu không phải chẳng bao giờ, có khả năng ra đời. Họ không sợ bạo lực và luôn luôn muốn tìm cơ hội sử dụng bạo lực để đạt mục tiêu cuối cùng. Những cuộc nổi dạy năm 1930-1931 hay 1940 chỉ là những “bài học diễn tập.” Cuộc chiến tranh chống Pháp (1945-1954) và rồi nhất thống miền Nam (1959-1975)–dưới chiêu bài kháng chiến chống Mỹ–là những bằng chứng khác của chủ trương sử dụng bạo lực. Lê Duẩn (1908-1986)–qua những bài nói chuyện tại Hội nghị Trung Ương thứ 12 (khoá III) ngày 27/12/1965 và Hội nghị Trung Ương thứ 14 (khoá III) vào tháng 1/1968 tóm lược một cách chính xác nhất nguyên tắc, “Cách mạng là tiến công, không tiến công là thất bại” của phe chủ chiến Cộng Sản.( 133)

Sự khác biệt của hai bên khó thu hẹp, và cuộc đương đầu bằng võ lực khó tránh; chẳng nên qui trách cho bất cứ phe nào. Kết quả chung cuộc là cả hai dân tộc Pháp-Việt đều thua. Việt Nam bị lọt vào một vùng trời nhiễu loạn các cuộn sóng từ lực sắt máu trong tiến trình tái thiết lập một thế quân bình chính trị-quân sự-kinh tế mới ở Á Châu–một trật tự hậu thực dân kiểu tân Trung Cổ.

Từ thời điểm này nhìn lại, không thể không tự hỏi nếu các cường quốc áp lực mạnh hơn–khiến Pháp chấp nhận một chế độ khuynh tả của HCM, trong Khối Liên Hiệp Pháp bình đẳng về chính trị, kinh tế và ngoại giao, trước ngày Mao Trạch Ðông chiến thắng ở Hoa lục trong hai năm 1948-1949–liệu có khả năng tiết kiệm được bao xương máu và mất mát của ba dân tộc Việt, Pháp và Mỹ trong 30 năm kế tiếp? Một câu hỏi, dĩ nhiên, chẳng bao giờ có đáp án chính xác, vì không xảy ra. Với người Cộng Sản, cách mạng là thực tiễn. Họ không sợ sai lầm, vì sai lầm nhất định sẽ có, và được “sửa sai” qua các biện pháp tự phê, phê bình, và giáo dục. Vài cá nhân và phe nhóm có thể bị thay thế, rút vào hậu trường–như trường hợp Trường Chinh, Lê Văn Lương hay Hồ Viết Thắng sau cuộc “sửa sai” Cải Cách Ruộng Ðất năm 1956-1958–rồi lại được đánh bóng trở lại khi thời cơ đến. Con đường “định hướng xã hội chủ nghĩa” là một chuỗi những cuộc phiêu lưu vô định hướng kế tục mà cái giá phải trả được tính lên đám đông “nhân dân làm chủ” dưới sự quản lý của nhà nước ngày một phát triển nặng nề, chồng chéo, chẳng có hy vọng gì sẽ tan biến đi.

CHÍNH ÐẠO

Houston, 6/3/2006

Phụ chú: HIỆP ƯỚC SƠ BỘ 6/3/1946

1. Cao Ủy Thierry d’Argenlieu, chẳng hạn, coi chính phủ Hồ như một ị giả chính phủ do cá nhân Hồ Chí Minh thống trị [pseudo-gouvernement (que domine la personalité de Ho Chi Minh)]; Ể Amiral Thierry d’Argenlieu, Chronique d’Indochine, 1945-1947 (Paris: Albin Michel, 1985), tr. 431-432. Sẽ dẫn: Chronique.

2. Ðoạn liên hệ đến thống nhất ba kỳ, Giáo sư Hammer ghi: “The question of the reunification of the three kys [regions] ‘the French government pledges to honor the decisions of the people consulted through a referendum [by plebiscite]’;” Idem., The Struggle for Indochina (Stanford, Cal.: Stanford Univ Press, 1954), tr. 153. Trong nguyên bản Hiệp định, đại diện Pháp nhấn mạnh ở chữ “les populations” [the peoples], tức tất cả các sắc tộc tại ba kỳ, kể cả dân thiểu số như Miên, Ê-đê, Chàm, Jarai, Nùng, Tày [Thổ], Mường, Mán, v.. v... Ða số các tác giả cũng không đề cập đến những điểm thêm vào giờ chót trong văn bản Hiệp định, hay Phụ ước quân sự. Xem infra.

3. Xem Chronique, 1985; Jean Sainteny, Histoire d’une paix manquée: Indochine, 1945-1947 (Paris: Amiot Dumont, 1953), Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, in lần thứ 5 (Hà Nội: QÐND, 1975, 2001) và Idem., Chiến đấu trong vòng vây (Hà Nội: QÐND, 2001). Sẽ dẫn: Paix manquée: KTNQ và CÐTVV.

4. Kho tài liệu giá trị nhất, theo kinh nghiệm của chúng tôi, là văn khố Sở Sử Học Lục Quân Pháp [SHAT], tại Vincennes, một ngoại ô Paris. Tại Trung Tâm Văn khố Hải Ngoại Pháp [CAOM] ở Aix en-Provence, hai sưu tập Indochine Nouveaux Fonds [INF] và Cao Ủy Liên Bang Ðông Dương [HCFI], đặc biệt là tài liệu của Ủy viên Chính trị [Conseillers Politiques] là nguồn thông tin cơ bản. Trung Tâm Lưu Trữ Trung Ương Pháp [CARAN] ở Paris cũng có những sưu tập giá trị về chính phủ lâm thời Charles de Gaulle, cùng các tác nhân lịch sử quan trọng như Henri de Laurentie, Georges Bidault, v.. v... Năm 1983, chúng tôi yêu cầu gia đình Jean Sainteny cho phép tham khảo tư liệu Sainteny tại Trường Cao Ðẳng Chính Trị (Paris), nhưng bị từ chối. Riêng tư liệu Việt Nam và Trung Hoa chưa giải mật hoàn toàn. Chúng tôi phải dựa trên các ấn phẩm định kỳ xuất bản tại Ðông Dương trong thời gian này, so sánh với tập Văn Kiện Ðảng Toàn Tập [VKÐTT], cùng những nghiên cứu của các học giả có cơ hội làm việc tại văn khố Quốc Dân Ðảng Trung Hoa, như King C. Chen, hoặc văn khố Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, như Qiang Zhai, v.. v...

5. Ngày 18/3/1947, Bộ trưởng Hải ngoại Marius Moutet tuyên bố trước Quốc Hội Pháp rằng Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 được ký kết vi sự an toàn của 20,000 Pháp kiều. Nhưng trong thư ngày 5/10/1945 gửi Thủ tướng de Gaulle, d’Argenlieu chống lại việc di tản Pháp kiều ở Hà Nội và Trung Kỳ (Huế) theo lời yêu cầu của Mỹ và Trung Hoa trên phương diện nhân đạo. D’Argenlieu muốn Pháp kiều ở lại, để có thể khai thác sự an toàn của họ trong nỗ lực tái thiết lập chủ quyền ở Ðông Dương; Chronique, 1985:65.

6. Op Directive 25, HQ USFCT, 28 Aug 45, China Theater files; dẫn trong Ronald H. Spector, United States Army in Vietnam–Advice and Support: The Early Years, 1941-1960 (Washington, DC: CMH US Army, 1983), tr. 52.

7. Charles de Gaulle, Complete War Memoirs, tr. 929; Vũ Ngự Chiêu, “Social and Cultural Change in Vietnam Between 1940 and 1946,” Ph.D. Dissertation, Univ. of Wisconsin-Madison, Dec 1984, part III, tr. 557; Chronique, 1985:67, 70; King C. Chen, “The Chinese Occupation of Viet-Nam, 1945-1946;” France-Asie/Asia, No. 196 (1er trimestre, 1969), tr. 6. Chen sử dụng nhật ký của Chu Hsieh, Yueh-nan shou hsiang jih chi (Shanghai: Commercial Press, 1947), tr. 2-4, một luật sư cha Quảng Ðông, mẹ Việt, phụ trách Ban Tài chính của quân quản Trung Hoa.

8. Thư ngày 22/10/1945, Hồ Chí Minh và Vĩnh Thụy gửi Tưởng Giới Thạch (do Tiêu Văn chuyển lên Tướng Trần Thành); US Department of Defense, United States-Vietnam Relations, 1945-1967 (Washington: GPO, 1971), Book 1:C-83; Công điện ngày 28/10/1945, HCM gửi Tưởng (do Tướng Philip E. Gallagher chuyển); Ibid., C-91. Những công điện và thư từ của HCM trong giai đoạn này đều được tóm lược bằng Việt ngữ trong Chính Ðạo, Việt Nam Niên Biểu, tập IA: 1939-1946 (Houston: Văn Hoá, 1996). Sẽ dẫn: US-Vietnam Relations, 1945-1967, và VNNB, IA: 1939-1946.

9. Xem Tài liệu số 1, “Extract from the Report to the Combined Chiefs of Staff by the Supreme Allied Commander, South-East Asia, 30 June, 1947;” Great Britain, Parliamentary Debates, 1945-1946.

10. Thiếu tá Allison Thomas, trưởng toán Deer Team, chuyển về Côn Minh lời đe dọa này; United States Congress, Senate, Causes, Origins, and Lessons of the Vietnam War. Hearings before the Committee on Foreign Relations, 92nd Congress, 2nd Session, May 1972 (Washington: GPO, 1973), tr. 270 [pp. 243-271]; Chính Ðạo, VNNB, IA: 1939-1946, 1996:219-220. Về kế hoạch “Hoa quân nhập Việt,” xem King C. Chen, Vietnam and China, 1938-1954 (1969); Lê Tùng Sơn, Nhật ký một chặng đường (Hà Nội: Văn Học, 1978)á; Nguyễn Lương Bằng et al, Ðầu Nguồn (Hà Nộiá: 1977); Phùng Thế Tài, Bác Hồ những kỷ niệm không quên (Hà Nộiá: 2002).

11. Tài liệu cơ bản chúng tôi sử dụng là CAOM (Aix), Affaires politiques [AP], carton 3441. Chúng tôi chỉ ghi xuất xứ các tư liệu khác khi cần thiết.

12. “Relevé des troupes chinoises par les troupes francaises en Indochine du Nord: Evolution des pourparlers et des événements, jour par jour;” SHAT (Vincennes), 10H 141.

13. Báo cáo ngày 6/6/1946 của Bloch-Lainé, tr. 16; CAOM (Aix), Affaires Economiques [A.E.], c. 308; Thư ngày 29/11/1945 của J. Fontaine; Ibid., INF, c. 338, d. 2718; Ibid., AP, c. 3441, d. 2.

14. Giáp, KTNQ, 1975:107-108, 2001:96-98; Sơn, 1978:200-209. [209-210] Trước khi rút khỏi Bắc Việt, Chu mới giao trả Sơn cho Huỳnh Thúc Kháng.

15. Công điện số 206-G, Hausaire gửi Comindo; CAOM (Aix), INF, c. 158, d. 1362. Ngày 21/1, từ Trùng Khánh, Salan chỉ thị cho tiểu đoàn E-đê [Rhadé] của Lepage, đã theo Alessandri qua Vân Nam từ tháng 5/1945, rời Tsao Pa lên đường vào Lào ngày hôm sau. Tiểu đoàn này gồm 178 Âu, 969 Ðông Dương, 25 ngựa vận tải, 228 ngựa chiến [chevaux de bât]; Raoul Salan, Memoires: Fin d’un empire, 4 vols. (Paris: Presses de la Cité, 1970-1971), I:258-78.

16. Chronique, 1985:119-120, 139-140.

17. CAOM (Aix), AP, c. 3441; Chronique, 1985:161-168. Chính phủ Hà Nội chỉ biết tin này qua lời tuyên bố của Moutet ngày 20/2, là Trùng Khánh đã đồng ý cho quân Pháp thay quân Trung Hoa tại Bắc vĩ tuyến 16; Giáp, KTNQ, 2001:129.

18. CAOM (Aix), AP, c. 3441, d. 2. Tính đến ngày 28/2/1946, Ngân hàng Ðông Dương đã ứng cho quân TH 394 triệu. Chi phí cho dân sự Pháp 68 triệu và quân đội 251 triệu; Ibid., Affaires économiques [AE], c. 308.

19. US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk I, C-96, 100, 101; FRUS, 1946, VIII:29-30; Chính Ðạo, VNNB, I-A: 1939-1946, 1996: 307-308, 310.

20. FRUS, 1947, VI:91.

21. CAOM (Aix), INF, carton 128, d. 1152. Xem infra.

22. CAOM (Aix), INF, carton 368, d. 2925.

23. Chronique, 1985:432, 433-435. Hội đồng Liên Bang Ðông Dương gồm có: D’Argenlieu, Cao ủy, Chủ tịch; Leclerc, Phó Chủ tịch kiêm quân sự. Các Ủy viên (Conseiller) Tư pháp: Albert Torel; Ngoại giao: Achille Clarac; Chính trị: Jean de Raymond; Kinh tế: Esquisseaux [sau đó, Guillanton]; Tài chính: Francois Bloch-Lainé; Giáo dục: Marcel Ner; Lục lộ: Gassier; Y tế: Solier. Các Ủy viên Cộng Hoà (commissaire): Alessandri, Miên; Cédile, Nam kỳ; Sainteny, Trung và Bắc kỳ; Lào, Ðại tá Imfeld. (JOFI, I [15/11/1945]:9-10).

24. Chronique 1985:163-166.

25. Chronique, 1985:98, 147. Xem infra.

26. Sainteny, 1953:117; Eugène Mordant, Au service de la France en Indochine, 1941-1945 (Saigoná: Edition IFOM, 1950), tr. 183-184; CAOM (Aix), INF, c.159, d. 1363. Thời gian này, Sainteny cũng gặp Nguyễn Hải Thần hai lần, nhưng không đạt kết quả nào.

27. Chronique 1985:98.

28. Chronique 1985:99.

29. Chronique 1985:100, 105-107.

30. Chronique 1985:107-113; Vũ Ngự Chiêu, Lá bài bí mật của de Gaulle: Hoàng tử Vĩnh Sang (Houston: Văn Hóa, 1992); Idem., Các vua cuối nhà Nguyễn, 1883-1945, 3 tập (Houston: Văn Hóa, 1999-2000), tập III. Ngày 3/1/1946, de Langlade mới báo cho d’Agenlieu tin Vĩnh San bị tử nạn. Ngày 8/2/1946, một Phiếu trình [“Note”] của Sở Nghiên Cứu và Thông Tin, Nha Quân nhân Thuộc Ðịa [SEITC], Bộ Quốc Phòng Pháp, ghi: “Trước khi nhận một một vai trò quan trọng ở An Nam, Vĩnh San muốn trở lại Réunion thăm gia đình một lần chót.” Ngày 22/2/1946: Trung tá Regondeau, Giám đốc SEITC, gửi thư cho d’Argenlieu, đính kèm hai tấm hình của Thiếu tá Vĩnh San, và một bài viết trên Climats của Claude Artois, “Vinh San: Prince d’Annam, mort pour la France.” Theo ghi nhận của Ủy viên Chính trị Bonfils năm 1949, Duy Tân được chú ý nhờ thư của Langlade, báo cáo của Thiếu tá Trocard thuộc SÐ 9, và Trung úy Bousquet. Vĩnh San có nhóm Tam Ðiểm (Franc-maconnerie) yểm trợ. Nhiều người Pháp và Việt tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Nghệ An và Hà Tĩnh yểm trợ Duy Tân; CAOM (Aix), HCFI, CP 255 [sẽ giải mật năm 2009]. Ðinh Nho Hàng, một sĩ quan điệp báo của Pháp tại miền Nam từ thập niên 1930, cũng thành lập Ðảng Bảo Hoàng để phò Duy Tân. Hàng là tác giả những báo cáo khá chính xác về chuyến thăm Ðông Dương của Maurice Honel (18/7-13/9/1937), cùng sinh hoạt của lãnh đạo Ðảng CSÐD như Cinitchkin Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Nguyễn, Bourov Dương Bạch Mai, Fan Lan Nguyễn Thị Minh Khai, “chị Hai Sóc” v.. v... trong năm 1937; TTLTQG 2 (TP/HCM), GOUCOCH, IIA 45/231 (2); CAOM (Aix), SPCE, 365. Xem thêm thư ngày 10/9/1937, F.L. gửi QTCS; RC 495, 10a, 140, pp. 23-27; dẫn trong Quinn-Judge, “Women,” p. 265; SPCE 385.

31. Note ngày 4/12/1945; Papiers Bidault; Valette 1984:4.

32. Chronique 1985:146-149.

33. Tel No. 515/Cab, Cororient gửi EMGDN Paris, ngày 17/2/1946; SHAT (Vincennes), 10H 143; Chronique 1985:156-157.

34. Tel. số 232/C.I., ngày 21/2/46, D’Argenlieu gửi Sainteny; SHAT, 10H 143á; Chronique 1985á:159-161.

35. Chronique, 1985:168.

36. Chronique, 1985:173-175.

37. SHAT (Vincennes), 10H 141.

38. CGP (Hà Nội), số 33, 18/11/1945. Năm 2000, Ðảng CSVN sửa lại là BCH Ðảng CSÐD họp ngày 11/11/1945, quyết nghị tự giải tán, thành lập “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Ðông Dương;” VKÐTT, 8:1945-1947, 2000:19-20.

39. Chỉ thị tháng 9/1946; dẫn trong République francaise, S.D.E.C.E., “Notice technique de contre-espionnage: Extrême-Orient, Les services spéciaux sovietiques en Extrême-Orient” (20 mai 1947); Annexe II,” tr. 12; CAOM [Aix], INF, c. 138-139, d. 1245. Xem thêm “Le Parti communiste chinois en Indochine du Nord;” Ibid., Affaires Politiques [AP], carton 3441, d. 4; và Haut Commissariat de France pour l’Indochine, Affaires Politiques, Note No. 1687 CP/1, Saigon le 23 Sept 1948, “Les Communistes chinois et le Viet Minh (du Septembre 1945 à Septembre 1948) [par Charles Bonfils]; SHAT (Vincennes), 10H 287 [sẽ dẫn: Báo cáo Bonfils ngày 23/9/1948].ợ

40. V. I. Lenin, State and Revolution (New York: International Publishers, 1974), tr. 15-20.

41. Chính Ðạo, VNNB, I-A: 1939-1946, 1996; Idem., Hồ Chí Minh: Con người & huyền thoại, 3 tập (Houston: Văn Hóa, 1993, 1997), tập Iⅈ Idem., “Báo Tiếng Dân: Vài tư liệu mới;” Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số 86 (Xuân Bính Tuất, 2006), tr. 25-26, 28; TTLTQG 3 (Hà Nội), QH, HS 1.

42. Xem Ðường Kách Mệnh (1929), in lại trong Văn Kiện Ðảng Toàn Tập [VKÐTT], 1:1924-1930 (Hà Nội: NXB CTQG, 2000); Huỳnh Kim Khánh, Vietnamese Communism, William J. Duiker, Ho Chi Minh (New York: 2000), tr. 618ns13,15. Anatoli A. Sokolov, Quốc Tế Cộng Sản và Việt Nam, bản dịch Ðào Tuấn (Hà Nội : NXBCTQG. 1999). Ðây là tác phẩm xuất sắc nhất về các sinh viên Việt Nam tại Nga. Về việc khai tử Nguyễn Ái Quốc, xem “Biographie de Ho Chi Minh (1949);” Ibid., 19 PA, c. 4, d. 62; Quinn-Judge, Ho Chi Minh: The Missing Years, 1924-1941 (Berkeley: Univ. of California Press, 2002), tr. 202-203; Idem, “Women in early Vietnamese communist movement: sex, lies, and liberation;” South East Asia Research (London), 2000, Vol. 9, 3:249.

43. Cứu Quốc [CQ] (Hà Nội), 10/9/1945; TTLTQG 3 (Hà Nội), QH, HS 1. Xem thêm, Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Văn phòng Quốc Hội, Lịch sử Quốc Hội Việt Nam, 1946- 1960 (Hà Nội: NXBCTQG, 2000), tr. 30-31.

44. CQ, 23/10/1945. Theo tài liệu CS, “Hội nghị liên tịch của Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Hội và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội” nhóm họp tại Hà Nội ngày Chủ Nhật 21/10/1945; sau đó, ra tuyên ngôn đoàn kết, đặt nước nhà và dân tộc lên trên hết. Ðại biểu VM có Nguyễn Lương Bằng, Dương Ðức Hiền, Nguyễn Văn Ba, Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi), Nguyễn Công Truyền. Ðại biểu Ðồng Minh Hội (Việt Cách) gồm có Ðinh Chương Dương, Trương Trung Phụng, Lê Tùng Sơn, Bồ Xuân Luật, Hồ Ðức Thành, Vũ Kim Thành, và Dương Thanh Dân; CGP (Hà Nội), 28, 25/10/1945. Thời gian này, theo Lê Tùng Sơn, Sơn được Giáp chỉ thị lập ra một hệ phái Ðồng Minh Hội ly khai; cũng xuất bản báo Ðồng Minh, để tấn công nhóm Nguyễn Hải Thần-Vũ Hồng Khanh; Sơn 1978:189-91.

45. DPSG, Rapport mensuel, Décembre 1945 (7/1/1946); CAOM (Aix), CP, Carton 125.

46. Thư Thiều Bá Xương gửi King C. Chen; Chen 1969b:129. Xem thêm Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử (Québec, Canada: NNCSÐ, 1981), tr. 80-83; Vũ Ðình Hoè, Hồi ký (Hà Nội: NXB Hội Nhà Văn, 2004), tr. 750-812.

47. Tài liệu Mật thám Pháp ghi thoả hiệp ký ngày 23/12. Theo Lê Tùng Sơn, cùng tham dự trong buổi này có Hoàng Cương, Tham mưu trưởng của Lư Hán, và Từ Xấu Thu, đại biểu Tam Dân Chủ Nghĩa Thanh Niên Ðoàn, cơ quan mặt nổi của tình báo Trung Hoa.

48. CQ, 26/12/1945. Ngày 26/12, trong một buổi họp báo, Hồ chính thức tuyên bố là từ ngày 1/1/1946, chính phủ lâm thời sẽ mở rộng, nhưng chỉ có 10 bộ. VNQDÐ sẽ nắm hai bộ Kinh tế Quốc Gia và Vệ Sinh. Riêng Quốc Hội sẽ được bầu vào ngày 6/1/1946. Số nghị sĩ trong Quốc Hội sắp tới sẽ dành riêng 70 ghế cho phe Quốc Dân Ðảng; CQ, 28/12/1945; Giáp, KTNQ, 1975:110-1; 2001:99.

49. Năm người khác là Trần Duy Hưng (Việt Minh, Ðô trưởng Hà Nội); Vũ Ðình Hoè (Dân Chủ); Nguyễn Văn Luyện (Dân Chủ, báo Tin Mới); Nguyễn Thị Thục Viên (Không đảng phái); Hoàng Văn Ðức, kỹ sư canh nông (Dân Chủ); Vũ Ðình Hoè, 2004:767.

50. Xem danh sách 70 Ðại biểu này trong TTLTQG 3 (Hà Nội), Kho QH, HS 1; Lịch sử QHVN, 2000:369-372.

51. CAOM (Aix), INF, c. 126, d.1125á; Nguyễn Tường Bách, 1981:84-85á; Vũ Ðình Hoè, 2004:756-757; Sơn, 1978:216-217.

52. Báo cáo ngày 6/2/1946, Pignon gửi d’Argenlieu; Chronique, 1985:140-141.

53. Hai nghiên cứu xuất sắc về Hòa Hảo và Cao Ðài bằng Mỹ ngữ là Hue Tam Ho Tai và Jayne Werner. Giáo sư Hồ Huệ Tâm sử dụng tài liệu văn khố Pháp, nhất là kho tài liệu trong Văn khố Lục quân Pháp (SHAT (Vincennes)), trong khi Werner nghiên cứu ngay tại Việt Nam. Học giả Sơn Nam và Hứa Hoành cũng cung cấp những ngiên cứu giá trị về đồng bằng sông Cửu Long, như một cơ sở chung để tìm hiểu lý do dẫn đến sự hình thành hai giáo phái trên. Xem thêm David G. Marr, Vietnamese Tradition On Trial (1980); Vũ Ngự Chiêu, 1984, chương 4-6. Một số tư liệu về Cao Ðài, Hòa Hảo trong kho Phủ Thủ Tướng và Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa tại TTLTQG 2 (TP/HCM) đã mở ra cho các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.

54. Mai Chí Thọ, Những mẩu chuyện đời tôi (Hà Nội: NXB Công An Nhân Dân, 1995), tr. 124, 137-138.

55. CAOM (Aix), HCFI, CP 192?. Từ tháng 5/1946, và nhất là từ năm 1947, các lãnh đạo Ki-tô mới trực tiếp tham gia hoạt động chính trị và quân sự.

56. TTLTQG 3 (Hà Nội), QH, HS 5865. Tài liệu Pháp ghi sinh năm 1912; SHAT (Vincennes), 10H 642; Một tài liệu CSVN khác ghi Giáp sinh năm 1910; ND, 11/9/1960. Về Nguyễn Thị Quang Thái, xem CAOM (Aix), RST F30 [4]. Cho tới nay, cuộc nổi dạy tháng 11/1940 vẫn chưa được nghiên cứu tường tận. Xem Ibid., 7F 27, và PA 14, c. 2; Vũ Ngự Chiêu, 1984; Marr, 1995.

57. Xem, Nguyễn Thị Thập, Từ đất Tiền Giang (Sài-gòn: Văn Nghệ, 1986), tr. 64, 260, 265-267, 284-287, 312, 384, 387.

58. Phạm Văn Liễu, Trả Ta Sông Núi, 3 tập (Houstoná: Văn Hóa, 2001-2004), tập Iá; Nguyễn Tường Bách, 1981:85-86.

59. Chronique, 1985á:118.

60. CAOM (Aix), INF, Carton 126, d. 1125á; Thư gửi Sainteny ngày 12/2/1946; Chronique 1985:146-149; công điện 354, 355, 356 của Sainteny ngày 25-27/2/1946, SHAT (Vincennes), 10H 143; “Tình hình và chủ trương, ngày 3/31946;” VKÐTT, 8:1945-1947, 2000:42-43; Giáp, KTNQ, 1974:142-4, 2001:129-131; Nguyễn Tường Bách, 1981:80-87.

61. La République (Hà Nội), 10/3/1946. Theo Giáp, Hồ đã bàn về việc thành lập chính phủ Liên Hiệp này với Tiêu Văn; vì các đảng phái chống đối; Giáp, KTNQ, 1974:149-50; 2001:136-137. Ngày 2/3/1946 này, 70 đại biểu VNQDÐ và Việt Cách mới được chính thức giới thiệu. Xem danh sách trong TTLTQG 3 (Hà Nội), Kho QH, HS 1; Quốc Hội Việt Nam, Lịch sử QHVN, 2000, I:369-372.

62. Báo cáo của Nguyễn Văn Tố và trả lời chất vấn của HCM tại Phiên họp khóa 2 Quốc Hội từ 28/10 tới 9/11/1946; TTLTQG 3 (Hà Nội), Kho QH, HS 5.

63. Nguyễn Tường Bách, 1981:89-92; US Senate, Hearings, 1973:330.

64. CÐ ngày 27/2, Sainteny gửi Haussaire; SHAT (Vincennes), 10H 143.

65. Xem công điện số 152/E, ngày 3/3/1946, d’Argenlieu gửi Sainteny; số 2960-2962, ngày 5/3/1946, và số 404-407, ngày 5/3/1946, Comrep [Sainteny] gửi Haussaire [d’Argenlieu]; SHAT (Vincennes), 10H 143. Chronique, 1985:173-175.

66. “Tình hình và chủ trương, ngày 3/3/1946” (VKÐTT, 8:1945-1947, 2000:41-47) Xem thêm Chỉ thị của Ban TVTW Hòa Ðể Tiến ngày 9/3/1946;” VKÐTT, 8:1945-1947, 2000:48-56. Theo tư liệu Pháp, chỉ thị này được gửi đi ngày 7/3/1946.

67. US-Vietnam Relations, Bk I, 1971:I C:93-94.

68. US-Vietnam Relations, Bk I, 1971:C-96.

69. US-Vietnam Relations, Bk I, 1971:C-100. [Ðây là những thư tín cuối cùng HCM đích thân gửi cho chính phủ Mỹ, do Landon đích thân mang từ Hà Nội về Côn Minh và Trùng Khánh ngày 27/2/1946].

70. SHAT (Vincennes), 10H 141; Chronique, 1985:441.

71. Thư ngày 10/4/1946, Legendre gửi Salan, 10H 141; VNNB, 1996:314-315.

72. Chronique, 1985:441. Phái đoàn TH có Ma Ying, Gaston Wang, Tsai và các sĩ quan tham mưu; SHAT (Vincennes), 10H 141.

73. Chủ tịch: Hồ Chí Minh; Phó CT: Nguyễn Hải Thần (Việt Cách); Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng (độc lập); Ngoại Giao: Nguyễn Tường Tam (Ðại Việt Dân chính); Quốc Phòng: Phan Anh (độc lập); Tư Pháp: Vũ Ðình Hoè (Dân Chủ); Giáo dục: Ðặng Thai Mai (Mác-xít) [tạm thời cho tới khi Ca Văn Thỉnh nắm quyền]; Lao Ðộng: Nguyễn Văn Tạo (Mác xít); Xã hội-Y tế: Trương Ðình Chi [hay Tri] (Việt Cách); Tài chánh: Lê Văn Hiến (Mác xít); Kinh tế: Chu Bá Phượng (VNQDÐ); Canh Nông: Huỳnh Thiện Lộc (Nam); Công Chính: Trần Ðăng Khoa (Nam). Cố vấn tối cao: Nguyễn Vĩnh Thụy (Bảo Ðại). Thứ trưởng: Hoàng Minh Giám (Nội Vụ), Tạ Quang Bửu (Quốc Phòng), Nghiêm Kế Tổ (Ngoại giao), Nguyễn Văn Hưởng (Tư Pháp), Ðặng Phúc Thông (Giao thông, Công Chánh), Trịnh Văn Bính (Tài Chánh), Ðỗ Ðức Dục (Giáo Dục), Bồ Xuân Luật (Canh Nông), Ðỗ Tiệp (Xã Hội); US-Vietnam Relations, Bk I, B-52.

74. CÐ số 152-E, ngày 3/3/1946, d’Argenlieu gửi Sainteny; SHAT (Vincennes), 10H 143; Chronique, 1985:182.

75. Công điện số 152/E, ngày 3/3/1946, d’Argenlieu gửi Sainteny; SHAT (Vincennes), 10H 143.

76. Tels 2960-2962, 4/3/1946, Comrep [Sainteny] gửi Hausaire [d’Argenlieu]; SHAT (Vincennes), 10H 143; Chronique, 1985:183.

77. Ngày 30/10/1946, Dân biểu Lê Trọng Nghĩa hỏi về việc sửa quốc kỳ. Nguyễn Văn Tố trả lời là thoạt tiên chính phủ có đề nghị sửa lại đôi chút nhưng Ban Thường trực QH cương quyết chống lại. Tối 31/10/1946, HCM tuyên bố thêm về việc đề nghị đổi cờ: Thời thế đã thay đổi. Lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm máu đồng bào Trung Bộ, Nam Bộ, vinh danh từ Ðông qua Tây, nay không thể thay đổi được. TTLTQG 3 (Hà Nội), QH, HS 4: Khoá họp lần thứ hai của QH nước VNDCCH tại thủ đô Hà Nội (từ 28/10 đến 9/11 năm 1946).

78. Xem các công điện trao đổi giữa d’Argenlieu với Sainteny và Sài Gòn với Paris trong SHAT (Vincennes), 10H 140, 141, 143. Xem thêm những lời tự biện bạch của d’Argenlieu trong Chronique, 1985:182-183. Tháng 3/1947, tại Quốc Hội Pháp, Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Moutet còn tiết lộ đã nhiều lần tuyên bố với Hồ rằng “Việt Nam” trong bản Hiệp ước sơ bộ chỉ có nghĩa phần lãnh thổ phía Bắc vĩ tuyến 16. Bởi thế mới có điều khoản tổ chức trưng cầu dân ý [referendum] về vấn đề Nam Kỳ; AAN, 1947:878, col 1.

79. Chronique, 1985:442, 195.

80. CÐ 404-407, 5/3/1946; SHAT (Vincennes) 10H 143; Chronique, 1985:185-186.

81. SHAT (Vincennes) 10H 143; Chronique, 1985:187.

82. Xem chi tiết trong báo cáo của Valluy; SHAT (Vincennes), 10H 140, trích đăng trong Chính Ðạo, VNNB, IA: 1939-1946, 1996). Xem thêm Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam Máu Lửa (Los Amitos, Cal.á : Xuân Thu, 1989), tr. 66-68.

83. SHAT (Vincennes), 10H 143; Chronique, 1985:188-189.

84. Giáp, KTNQ, 1975:201-2; 2001:177-181.

85. Giáp, KTNQ, 1975:218; 2001:194-195.

86. US Senate, Hearings, 1973:339.

87. Giáp, KTNQ, 1975:224-225, 2001:168.

88. Vũ Ðình Hoè, 2004:776.[ 776-783], [784-785]; Lê Trọng Tấn, Từ Ðồng Quan đến Ðiện Biên (Hà Nội: NXB Quân đội Nhân Dân, 1994), tr. 34.

89. Giáp, KTNQ, 2001:172-176; Chronique, 1985:197.

90. Chronique, 1985:191-193.

91. Tel. 213 CI, 9/3/1946; SHAT (Vincennes), 10H 141.

92. Annales de l’Assemblée Nationale [AAN] (Paris), 1947:876, col 2).

93. Chronique, 1985:207.

94. Chronique, 1985:202-203.

95. Tel No. 237 CI, 13/3/1946, Paris gửi Haussaire; Chronique, 1985:207.

96. Tél. 264/CI/1006, ngày 15/3/1946; Chronique, 1985:211.

97. Chronique, 1985:212. Ngày 19/3, Moutet tiết lộ thêm rằng Bộ trưởng Ngoại Giao (Georges Bidault) chống đối mãnh liệt phụ bản quân sự; Tél 289/CI/1042; Chronique, 1985:215.

98. Tél. 290/EMHC, 23/3/1946; Chronique, 1985:228, 210-211.

99. SHAT (Vincennes), 10H 141; Giáp, KTNQ, 1975:224-225; 2001:199-200.

100. SHAT (Vincennes), 10H 141. Tiêu lệnh trên được nhắc đến trong văn thư ngày 31/12/1946 của HCM gửi chính phủ Pháp, do Lãnh sự O’Sullivan chuyển giao cho Sainteny. Ngày 18/3/1947, Moutet cho rằng HCM chỉ đưa ra Tiêu lệnh trên như một cái cớ, và diễn dịch nó theo lối dẫn chứng đoạn chương cho mục đích tuyên truyền.

101. Pháp được đồn trú 1,750 quân ở Hải Phòng; 825 tại Nam Ðịnh; 1,025 ở Hòn Gay; Giáp, KTNQ, 1975:224-225, 2001:168.

102. Lê Văn Hiền, Nhật ký một Bộ trưởng, 2 tập (Ðà Nẵng: NXB Ðà Nẵng, 2004); Bernard B. Fall, The Two Vietnams: A Political and Military Analysis (New York: Praeger, 1964,1965), pp. 70-71.

103. Chronique, 1985:197.

104. Chronique, 1985: 198-199, 204, 206)

105. Tél. 31, 33, 35 CAB/A, ngày 13, 15, 16/3/1946; Chronique, 1985:210.

106. CÐ số 263/CI/1005, ngày 13/3/1946; Tél. 472-F, ngày 17/3/1946, Haussaire gửi Comindo; 1985:212-213; Tél. 289/CI/1042, ngày 19/3/1946, Comindo gửi Haussaire; Chronique, 1985:211, 215.

107. Chronique, 1985:219-221.

108. Chronique, 1985:[221-225]

109. Chronique 1985:164.

110. VKÐTT, 8:1945-1947, 2000:43.

111. Chronique, 1985:251.

112. Chronique, 1985:251.

113. Chronique, 1985:251.

114. CÐ số 370/CI/1146; Chronique, 1985:246-247.

115. Chronique, 1985:229.

116. Chronique, 1985:237-239.

117. Chronique, 1985:238-240.

118. CÐ 532F, Haussaire gửi Comindo; Chronique, 1985:240-241, 245.

119. Tél. 284 E, ngày 30/3/1946, Haussaire gửi ComRep; Chronique, 1985:246.

120. Chronique, 1985:249-250. Nguyễn Văn Xuân là người được Việt Minh liệt kê như một thành viên chính phủ lâm thời ngày 28/8/1945. Sau này, tài liệu Cộng Sản giải thích rằng Nguyễn Văn Xuân là một đảng viên VNQDÐ. Tập tài liệu của Quốc Hội Việt Nam còn đăng cả hình Nguyễn Văn Xuân. Tuy nhiên, khi tham khảo tư liệu văn khố Quốc Hội Việt Nam năm 2005, chúng tôi chỉ tìm thấy tên Nguyễn Ngọc Xuân. Bởi thế, kết luận của chúng tôi trong luận án 1984 và bài viết về chính phủ Trần Trọng Kim năm 1986 trên Journal of Asian Studies–tức Việt Minh tự do sáng tạo trong việc tuyên truyền đoàn kết quốc gia–vẫn khó thể điều chỉnh.

121. Sau này, Salan mượn Leclerc gọi d’Argenlieu là “un Monsieur vilain” [một ông xảo quyệt] trong hồi ký.

122. CÐ 501/4 ngày 14/2/1946, Haussaire Saigon gửi Haussaire Paris; SHAT (Vincennes), 10H 143. Tướng Juin giao công điện này cho d’Argenlieu ngày 18/2/1946 tại Paris; và cả hai đều sửng sốt; Chronique 1985:155.

123. Chronique, 1985:233; Chính Ðạo, VNNB, I:A, 1996:323; Giáp, KTNQ, 2001:202-206

124. Cuối năm 1946, khi d’Argenlieu quyết định nhóm HCM-Võ Nguyên Giáp đã trở thành dĩ vãng, Pignon đưa ra sáng kiến về thí nghiệm Bảo Ðại. Tuy nhiên, mãi tới ngày 8/3/1949, khi Pignon lên làm Cao Ủy Ðông Dương, Hiệp ước Elysée mới được ký kết.

125. Người đề xướng việc thành lập Nam Kỳ tự trị là Jean Cédile. D’Argenlieu mượn bài diễn văn ngày 1/2/1946, tức Tết Bính Tuất, để công bố kế hoạch “La Cochinchine aux cochinchinois,” khởi đầu bằng việc thiết lập Hội Ðồng Tư Vấn Nam Kỳ.

126. Fall, Two Vietnams, 1965:75.

127. Ibid.

128. Có tác giả cho rằng cuộc chiến Ðông Dương chỉ bắt đầu từ tháng 12/1946. Ða số các tác giả này đều coi chính phủ Trần Trọng Kim (4-8/1945) như một thứ bù nhìn của Nhật; và tất cả những kế hoạch của chính phủ Kim là “những lời tuyên bố ý định” [declaration of intents]. Và, người ta không thể giải thích được rằng tại sao chính phủ “cách mạng” HCM, từ tháng 8/1945, đã ra sức thực hiện hầu hết “những lời tuyên bố ý định” trên.

129. Xem tóm lược về các Thánh lệnh [bulls] này trong Nguyên Vũ, Ngàn Năm Soi Mặt (Houston: Văn Hóa, 2002), tr. 389-396.

130. Xem báo cáo ngày 26/4/1946, Haussaire gửi Comindo; Chronique, 1985:274-277.

131. Nguyễn Tường Bách, 1981:91-92.

132. Về liên hệ giữa HCM với các cơ quan tình báo Mỹ, xem David G. Marr, Vietnam 1945 (Berkeley, Cal.: Univ. of California Press, 1995), tr. 227-229, 241-296, 476-479, 482-490,498-á501, 538-539; US Senate, Hearings, cùng hồi ký của Archimedes Patti, Charles Fenn, v... v...

133. VKÐTT, 26:1965, 2003:607-616, 29:1968, 2004:1-40. Xem thêm Chính Ðạo, “Mậu Thân 68: Thắng Hay Bại?;” Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số 87 (Tân Niên Bính Tuất), tr. 43-49.


http://www.hopluu.net/HL88/CHINHDAO.htm

Aucun commentaire: