jeudi 14 juin 2007

Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh công khai chống Việt MinhTờ Việt Nam ra đời

VIỆT NAM, MỘT THẾ KỶ QUA
Nguyễn Tường Bách

24. Những nhân vật hải ngoại về nước: Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh công khai chống Việt MinhTờ Việt Nam ra đời


Những ngày đầu tháng mười năm 1945, một sự kiện đặc biệt làm người Hà Nội chú ý. Tại một toà nhà góc đường Quan Thánh và phố hàng Bún, xế cửa tòa báo Ngày Nay trước đây một cái loa lớn ngày nào cũng ra rả lớn tiếng hô hào độc lập tự do dân chủ, chỉ trích chính sách độc tôn của chính phủ Hồ Chí Minh. Nó hấp dẫn được một số có khi rất đông đứng trên hè nghe, đa số là công chức, trí thức, giới trung lưu hay những kẻ hiếu kỳ.
Toà nhà đó lại có những vệ binh mặc quần áo màu đen, trong đó có cả nữ binh lạ mắt.
Đó là trụ sở của Việt nam cách mệnh đồng minh hội - gọi tắt là Việt cách - một tổ chức do người Việt lưu vong thành lập tại Quảng Tây, nay đã trở về nước hoạt động, sau khi bôn ba nơi hải ngoại đã nhiều năm trời.
Việt cách lúc thành lập, bao gồm rất nhiều đảng phái và nhân sĩ, trong đó có cả Hồ Chí Minh. Nhưng sau đó, Hồ Chí Minh đã mang một số cán bộ và tiền, lãnh sứ mạng của Hội để về nước hoạt động. Hồ và đảng cộng sản đã hoạt động riêng rẽ, lập ra Việt nam Độc lập đồng minh hội (gọi tắt Việt minh) -thực ra cái tên này đã sẵn có từ trước.
Chủ tịch Việt cách là cụ Nguyễn Hải Thần, với một số cán bộ như Tạ Nguyên Hối, Bồ Xuân Luật, lại có Nhượng Tống, Nguyễn Triệu Luật gia nhập góp sức. Về mặt quân sự, có đạo quân Vũ Kim Thành, nhưng đóng ở miền Quảng Yên và Hải Ninh.
Ngoài ra, các anh em Phục Quốc cũng gia nhập Việt cách. Trên danh nghĩa, Việt nam quốc dân đảng cũng là một thành viên của Việt cách, song trên thực tế quốc dân đảng là một phái lớn mạnh nhất, vẫn có hoạt động riêng của mlnh. Trong một buổi họp nội bộ, lần đầu tiên tôi được gặp cụ Nguyễn Hải Thần, một nhà cách mạng lão thành đã lưu vong ở hải ngoại gần 40 năm, đã từng làm giáo viên tại trường võ bị Hoàng Phố ở Quảng Châu, một trường đã đào tạo ra nhiều nhân vật cách mạng Trung quốc. Cụ đã già, mắt đeo kính, trông dáng mặt thì biết là một người đã từng trải, chịu nhiều phong sương. Là một hậu sinh trong số các anh em Việt Quốc, Phục Quốc, và cả Đại việt Quốc xã, tôi cố ý quan sát nhà lãnh đạo có tiếng này. Trong khi bàn luận vấn đề thời cuộc, thú thực tôi cảm thấy bối rối, và hơi thất vọng, vì cụ nói tiếng khó nghe hiểu và chậm chạp, và không được nghe cụ đưa ra những nhận xét hay phân tích sâu sắc hay đề ra một đường lối hành động có kế hoạch để hướng dẫn mọi người.
Lúc đó, chúng tôi cần nhất là được hiểu rõ thêm về tình thế quốc tế liên quan tới Việt nam, và một sách lược đối nội, đối ngoại sao cho thích ứng với hoàn cảnh khó khăn của phe quốc gia đứng trước sự đe dọa lớn lao của cả hai phe Việt minh và Pháp. Tuy cụ không phải là một chiến lược gia giỏi, nhưng cụ có lập trường vững và khí tiết trong việc phê bình những sai lầm của cộng sản.
Trong lúc này, tại toà báo, tự nhiên một hôm có một vị khách không ngờ: Xuân Diệu. Đã lâu không gặp, trông anh ta đã già hơn trước, nhưng bộ tóc vẫn còn để bồng bềnh.
- Sao hôm nay rồng đến nhà tôm vậy ?- Tôi vừa cười vừa hỏi.
- Các anh mới là rồng chứ! - Xuân Diệu trả lời, vừa nhìn vào bản bài báo maquette - Làm báo thì phải học các anh thôi!
Truyện trò bâng quơ một lát, Xuân Diệu cáo từ. Chúng tôi hỏi qua về Huy Cận, thì anh lắc đầu bảo Huy Cận bận nhiều công tác quá tuy chỉ giữ chức Bộ trưởng không có bộ. Không biết Xuân Diệu có mục đích gì khác không. Song một tuần sau, một số người cầm đầu bên Việt minh có mời anh em bên này đến dự tiệc trà đoàn kết cùng một số nhân vật trí thức trong xã hội. Tiệc này, vì có việc bận cần đi xa nên tôi không đến đự được, nghe nói, mấy vị bên Việt minh tỏ ý rất lấy làm tiếc, trong đó có cả Võ Nguyên Giáp.
Các anh em quốc dân đảng đã đặt một trụ sở ở trường Tiểu Học Đỗ Hữu Vị -trước là một nơi đóng binh của Nhật- cách nhà chúng tôi ở một ngõ hẹp. Thực là tiện để hoạt động. Tuy có trụ sở nhưng chỉ có các đảng viên Việt nam quốc dân đảng (kể cả chúng tôi đã gia nhập) ra vào, với mấy anh Trung ương như Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Xuân Tùng, Phạm Văn Hể, Hoàng Đạo và tôi. Trong trường, độ ba chục anh em làm việc, và có một toán vệ sĩ mang súng trường cùng súng ngắn. Toán vệ sĩ này còn bảo vệ cả toà báo, nhất là về sau này, tờ báo Việt nam Thời Báo đã bị đảo chính thành tờ Việt nam, cơ quan ngôn luận của Việt nam quốc dân đảng.
Tới chỗ này, cần phải nói rõ mấy điểm. Tuy trên từng lớp Trung ương, đại diện ba đảng VQ, Đại việt quốc dân đảng và Đại việt dân chính đã đồng ý tại quốc nội lấy danh xưng chung là quốc dân đảng, nhưng các anh em Đại việt quốc dân đảng từ anh Trương Tử Anh trở đi vẫn chưa ra công khai ở Hà Nội, và rất ít khi tới trụ sở Đỗ Hữu Vị. Nếu cần họp chung thì tìm địa điểm khác bí mật hơn.

Tờ bấo Việt nam cũng lấy danh nghĩa là cơ quan của Việt nam quốc dân đảng. Các đảng bộ địa phương cũng lấy danh nghĩa Việt Quốc, song trong sinh hoạt, các thành phần vẫn lấy danh xưng riêng.
Giữa tháng mười năm 46, anh Vũ Hồng Khanh cùng một số cán bộ mới trở về tới Hà Nội. Sở dĩ chậm trễ là vì khi tới Lào Cai, anh em bị quân Trung Hoa, nhận một số vàng hối lộ của Việt minh, làm khó dễ, bị trở ngại tới một tháng. Việc về tới Hà Nội của nhóm cán bộ hải ngoại làm tăng sự phấn khởi và lòng tin tưởng của anh em trong nước. Trên đường về, anh em đã giành được từ trong tay Việt minh mấy địa điểm để làm căn cứ như Lào Cai, Yên Bái, Việt Trì, đặt cơ sở cho Đệ Tam Chiến Khu sau này từ Vĩnh Yên lên tới Hà Giang, dưới sự hỗ trợ của quân đội Trung Hoa.

Ngày đó, hai anh Tam và Nghiêm Kế Tổ vẫn chưa về được. Tại trụ sở, đặt một bữa tiệc nhỏ để đón mừng anh Vũ và các anh em mới. Được nghe nói tới anh Vũ đã lâu, bây giờ mới được gặp, Vũ Hồng Khanh, tức Giáo Giản, một chiến hữu cạnh liệt sĩ Nguyễn Thái Học, để phải lánh ra ngoài nước đúng mười lăm năm. Mười lăm năm gian truân, vật lộn, đã từng bị tù tội ngay tại Vân Nam, nhưng vẫn kiên trì chiến đấu và duy trì được đảng bộ hải ngoại, không có nghị lực phi thường thì không làm nổi. Do anh Chu Bá Phượng giới thiệu, chúng tôi xiết chặt tay nhau. Người anh không cao, nhưng thân hình chắc nịch, đôi mắt hơi nhỏ song đầy vẻ rắn giỏi, tỏ ra là một người đã từng trải nhiều. Tôi cảm thấy anh là một người gan dạ, bình tĩnh. Hai hàng anh em trẻ ở ngoài về, mặc quân phục gọn ghẽ, đeo súng tay, diễu qua trước mặt chúng tôi. Rồi đồng thanh hát bài đảng ca trước bàn thờ Tổ Quốc nến hương nghi ngút. Tôi cảm thấy xúc động, nhưng đồng thời lại lo âu vì lực lượng còn quá nhỏ yếu, kể cả ở Hà Nội và ở những địa phương đã ra hoạt động công khai.
Mọi người mời anh Vũ phát biểu ý kiến. Tôi đợi anh phun châu nhả ngọc, nói ra những điều cao siêu, nhưng anh chỉ nói rất ngắn gọn mấy điều chung chung. Về sau, chúng tôi cũng rõ rằng về lý luận và nghiên cứu các vấn đề sách lược, anh cũng không đi sâu lắm, ngoài phạm vi của chủ nghĩa Tam Dân. Phải công nhận đây là sự thiếu sót chung của các phái quốc gia. Do số anh em phát triển, Việt Quốc lấy thêm Khu Ngũ Xã bên bờ hồ Trúc Bạch để làm chỗ trú ngụ và huấn luyện cho cán bộ.

Việc ra công khai của đảng tại Hà Nội và nhiều tỉnh đòi hỏi tăng cường công tác tuyên truyền. Ngoài việc truyền thanh và rải truyền đợn ra, cần phải có một tờ báo để phổ biến cương lĩnh chính trị và đường lối của đảng, cùng mọi tin tức về hoạt động các nơi. Đứng trước nhu cầu, sau khi bàn luận với anh Hoàng Đạo, tôi và Khái Hưng liền thực hành ngay một hành động rất cách mạng: đổi ngay tờ Việt nam Thời Báo sang tờ Việt nam, cơ quan ngôn luận của Việt nam quốc dân đảng mà không báo trước cho ông chủ nhiệm là Nguyễn Trọng Trạc biết, vì sợ nếu Trạc phản đối sẽ kéo dài thời giờ.
Để bảo đảm cho tờ báo phát hành đều đặn, chúng tôi thực hành việc quản chế toà báo và nhà in, bằng cách đặt vệ binh gác cổng, không ai được ra ngoài nếu không có giấy phép. Thực là một tờ báo cách mạng đầu tiên của phe quốc gia, lại có binh gác.
Lẽ tất nhiên anh Trạc kháng nghị nghiêm trọng, và đòi bồi thường thiệt hại, do số vốn anh đã bỏ ra, nhưng tất cả đều biết kháng nghị lấy lệ, vì trong tay anh còn số tiền chục ngàn của nhà đại lý đặt báo trước đây.

Trung ương đặt tôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo, vó nhiệm vụ giữ vững đường lối đấu tranh: bảo vệ độc lập, tự do, dân chủ, liên kết với các nước dân chủ, phê bình chính sách sai lầm của chính phủ, Việt nam theo con đường cộng sản nhất định sẽ bị cô lập và có nguy cơ đế quốc Pháp trở lại thống trị.
Đương nhiên, trái với quy định của Việt minh, chúng tôi ra báo không cần xin phép ai cả ... Dù hai bên có đấu khẩu kịch liệt, chính phủ HCM cũng không thể ra lệnh cấm, vì vô ích. Họ bèn dùng một phương pháp bất lịch sự và nhỏ mọn là chuyên tịch thu báo của những đứa trẻ bán báo. Vì có nhiều người hiếu kỳ nên báo Việt nam cũng khá chạy, nên luôn luôn xẩy ra xung đột giữa trẻ bán báo với cảnh sát hay những tay khủng bố.
Thực là một cảnh hiếm có trong đời làm báo của chúng tôi. Làm báo Việt nam, quả là một cuộc đấu chọi rất găng hàng ngày. Luôn luôn phải tìm ra những vấn đề gay go, phải công kích những luận điệu xuyên tạc của tờ Cờ Giải Phóng hay tờ Độc lập.
Toà báo hầu như trở thành một thành trì. Về ăn uống thì mọi nhân viên đều phải ăn lối cách mạng, toàn là rau với chút ít thịt cá, đậu phụ ... trừ công nhân nhà in có thể tự do ăn uống do người nhà mang tới.

Có điều dù khắt khe như vậy hẳu hết đều tỏ ra nguyện ý ở lại làm việc. Chỉ có một người thừa cơ nhẩy qua hàng rào chạy đi.
Vì gần như bị giam lỏng ở đây, chẳng bao lâu ai nấy đầu tóc, râu ria đều mọc dài ra gắn như Robinson Crusoe trong tiểu thuyết. Có lần về đến nhà, người nhà không nhận được ra là ai, và gọi ngay thợ húi tóc đến cắt tóc, cạo mặt cho nó sáng sủa một chút. Vì ít ngủ quá, nên tôi lăn ra giường làm một giấc no mãi tới trưa mới dậy.

Trông anh Khái Hưng gầy nhom, bây giờ lại càng gầy, đôi má hóp lại, nhưng anh có tài chịu đựng, viết lách và sửa bài in đêm nào cũng tới rất khuya. Thỉnh thoảng, chúng tôi tạm ngừng vài tiếng, làm cốc càphê đen đặc và một ván cờ tướng. Chúng tôi làm báo khẩn trương như vậy, trong một hoàn cảnh khủng bố bất ổn đặc biệt của thành phố Hà Nội thời bấy giờ. Đã có một số anh em phái quốc gia bị bắt cóc, hay đột nhiên mất tích. Thỉnh thoảng lại nghe có tiếng súng nổ ở xa. Nhưng chắc bên Việt minh cũng chịu cảm giác khủng bố không kém, vì quân Trung Hoa đã kéo đến nhiều, chia nhau chiếm các vị trí chủ chốt. Đồng thời, hoạt động của phe quốc gia cũng càng ngày càng nổi lên bề mặt. Việt minh tuy muốn trừ khử ngay nhưng chưa thể làm được.
25. Gia đìnhTinh thần đoàn kếtTổng tuyển cử
Công việc bận rộn và gay cấn khiến cho chúng tôi không còn thì giờ để nghĩ tới gia đình. Liên vẫn đi dạy học ở trường Trung Hoa. Gia đình anh chị Cả vẫn sống bình yên. Chị Tam vẫn buôn cau. Chị Sáu (Thạch Lam) thì về ở trại Cẩm Giàng cùng với mẹ chồng, nhưng sau, thấy không ổn, mẹ tôi phải lánh vào một ngôi chùa ở, chúng tôi cũng không rõ là ở đâu.
Có khi ngồi nghĩ tới tình thế mọi người trong gia đình, tôi cảm thấy lo ngại. Vì thế nào Việt minh cũng sẽ làm khó dễ, mặc dầu chỉ là đàn bà, con trẻ. Nhất là tại các địa phương, có những tên lưu manh hay cực đoan, cái gì chúng cũng có thể hạ thủ được. Mẹ tôi và các chị sống trong sợ hãi, phải ẩn nấp, trốn tránh, nay đây mai đó, tuy rằng hoàn toàn không có liên quan gì đến công việc của chúng tôi.
Là những người thanh niên yêu nước, chúng tôi chỉ nghĩ tới làm sao cho dân tộc được độc lập, người dân được sinh sống trong tự do và góp sức vào việc tự tay mình xây dựng một đất nước hoà bình, giàu mạnh. Tôi không ngờ được rằng, vừa mới thoát khỏi ách đế quốc Pháp, Nhật lại rơi vào ngay cảnh cùng là đồng bào mà đã thành đối địch với nhau.
Đa số dân chúng hồi đó không có hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa cộng sản, họ chỉ biết nay đã có một chính phủ cộng hoà trong độc lập và chính phủ đó tuyên bố chống Pháp bảo vệ độc lập, không theo chính phủ này thì theo ai? Nhiều nhà trí thức tham dự vào chính phủ Hồ Chí Minh cũng nghĩ như vậy, họ không phải là đi theo chủ nghĩa Mác, Lê. Có người tán thành chống tư bản bóc lột, giải phóng công nông, tiến tới một xã hội bình đẳng. Người ta chưa hiểu thấu gì về cái gọi là chuyên chính vô sản, cũng chưa hiểu thấu thế nào là dân chủ thực sự. Cho nên, đại đa số dân chúng ủng hộ Việt minh và cho các phe quốc gia là muốn tranh giành quyền vị, cũng là tự nhiên. Huống hồ, nắm chính quyền trong tay, Việt minh vận dụng bộ máy tuyên truyền chỗ nào cũng vu cáo phe quốc gia là thân Nhật, phản động, phá hoại an ninh, theo gót ngoại quốc ... Việc hoạt động của các đảng phái quốc gia trong tình hình nguy hiểm khó khăn như thế khó mà phát triển thuận lợi. Quân Trung Hoa chỉ đóng ở một số nơi cần thiết, và sự giúp đỡ của họ cũng chỉ có hạn.

Những viên tướng Trung Hoa, theo lệnh của Nam Kinh, đứng ra hô hào các phe phái Việt nam đoàn kết hợp tác để thành lập một chính quyền thống nhất, có đủ danh nghĩa đối nội cũng như đối quốc tế và tạo nên một hoàn cảnh ổn định có lợi cho nhiệm vụ tiếp quản của họ. Họ chỉ có thể che chở cho phe quốc gia khỏi bị Việt minh thẳng tay đàn áp, nhưng, nếu như một số người mong muốn không thực tế lắm - mong họ dẹp được chính quyền Việt minh và đưa phe quốc gia lên cầm quyền thì không đúng với chủ trương của họ và cũng là một lối mong mỏi quá ỷ lại vào ngoại bang.
Người đứng ra dàn xếp là tướng Tiêu Văn, chủ nhiệm bộ chính trị của quân đoàn Đệ Tứ Chiến Khu do Trương Phát Khuê làm tư lệnh. Ông này là một nhân vật quen thuộc với các nhà cách mạng người Việt hải ngoại, và đã từng tham dự vào làm cố vấn cho Việt nam Cách Mạng đồng minh hội ngay lúc bắt đầu thành lập tại Liễu Châu. Kể cả từ Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công cho tới Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Nguyễn Tường Tam, và Hồ Chí Minh.

Dù muốn hay không, các lãnh tụ người Việt cũng phải tham dự những cuộc đàm phán. Theo chỉ thị, trên tờ Việt nam cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết của sự đoàn kết tất cả các đảng phái để nhất trí chống Pháp, bảo vệ độc lập. Đứng trên lập trường đoàn kết kháng chiến. Vì lúc đó, quân Pháp với sự giúp đỡ của quân Anh, đã chiếm đóng hầu hết những thành phố quan trọng tại miền Nam và cũng đã tiến vào miền Nam Trung kỳ. Những nhóm võ trang, gồm cả của Việt minh hay những phái quốc gia, đều phải rút lui về hậu phương.
Không phải là phe quốc gia không chú ý tới vấn đề nếu chịu ngồi thảo luận hợp tác với Việt minh, thì sẽ có lợi cho cộng sản, giúp cho chính phủ Hồ Chí Minh có danh nghĩa chính thức hơn. Nhưng một là lực lượng của mình so với Việt minh còn quá yếu kém, quân đội quá ít và vũ khí thiếu thốn, tổ chức ở các địa phương còn rời rạc, không phải là lúc ra mặt quyết liệt được, hai là áp lực của quân đội Trung Hoa rất mạnh, nên mọi người đồng ý cần đàm phán với Việt minh để tỏ thiện chí đoàn kết dân tộc trước quốc dân, và tranh thủ một thời gian hoà hoãn để tăng cường nội bộ nhất là tãng cường lực lượng võ trang, với mục đích có thể chống cự với Việt minh một khi quân Tưởng rút lui ...

Có những người nghĩ rằng lúc đó phe quốc gia phải chống đối Việt minh đến cùng vì mình có đủ lực lượng và có quân Tưởng ủng hộ, điều đó chỉ là mong mỏi chủ quan và không thực tế. Vả lại, quân dân tại miền Nam sự thực đương kháng chiến và hy sinh, nếu không tán thành đoàn kết dân tộc tất nhiên sẽ bị quốc dân chỉ trích hay hoài nghi, và các anh em ở các địa phương tất sẽ bị Việt minh lấy cớ để khủng bố mạnh. Một điều thiếu sót rõ rệt trong sách lược quốc dân đảng hồi đó là đã không chú ý tới đẩy mạnh phong trào tự động chống Pháp tại miền Nam. Tại đây có nhiều nhóm dân quân không chiụ sự chỉ huy của Việt minh, trong đó Đệ Tam Sư Đoàn, do một đảng viên Việt nam quốc dân đảng -Nguyễn Hoà Hiệp chỉ huy, là một lực lượng đáng kể, và đã đối chọi trong nhiều trận đối quân Pháp. Những nhóm kháng chiến đó, vì thiếu lãnh đạo đúng mức và thiếu cộng tác trong hành động, nên đã suy yếu dần giữa sức ép của Pháp và của cộng sản. Đồng thời, đã không được các nhà lãnh đạo tại miền Bắc giúp đỡ tối thiểu về đường lối chính trị, sách lược cần thiết đối với thời cục phức tạp. Nếu có đường lối, sách lược đúng đắn để kết hợp thành một khối mạnh -mạnh hơn lực lượng quốc gia tại ngoài Bắc, vì số quân đội theo tài liệu hồi đó, có thể đạt tới 20.000-30.000 người- thì cả Việt minh lẫn Pháp đã không hoành hành được như hồi ấy.

Những cuộc đàm phán tay ba bắt đầu. Những đại biểu chủ yếu bên phe quốc gia là Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Long, Chu Bá Phượng. Không có anh em Đại việt tham gia, vì theo nguyên tắc chỉ có anh em Việt nam quốc dân đảng mới hoạt động bề nổi mà thôi.

Tôi được cử làm một đại biểu trong hội nghị liên tịch các đẫng phái, gồm có đại diện của Tổng bộ Việt minh (người cộng sản), đảng Dân chủ (Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hoè, Đỗ Đức Dục ...). Việt nam Cách Mạng đồng minh hội (Nguyễn Hải Thần, Tạ Quang Hối, Bồ Xuân Luật) Việt nam quốc dân đảng (Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Long, Chu Bá Phượng, Nguyễn Tường Bách) -lúc đó anh Tam và anh Nghiêm Kế Tổ chưa về tới Hà Nội - Đại diện trung lập có Huỳnh Thúc Kháng, Phan Anh. Trừ Hồ Chí Minh ra, những đại diện thường gặp là Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Võ Nguyên Giáp ...
Đầu tháng 11 năm 1945, người ta bỗng thấy một thông cáo trên mặt báo, nghe cũng giật gân: Đảng cộng sản Đông dương tự giải tán, lại thêm một đầu đề nhỏ nữa là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác được thành lập. Nhưng cái trò này không lường gạt được ai tại trong nước cũng như trên quốc tế. Được tin, chúng tôi chỉ nhìn nhau, mỉm cười, Hôm sau, một bài bình luận, trào phúng và một bức tranh khôi hài xuất hiện trên tờ Việt nam.
Tất nhiên, phe bên kia cũng không chịu kém. Trên tờ Độc lập, một bức tranh hí họa vẽ mấy người nhô con đứng đằng sau một anh lính Trung Hoa, với cái tít: Cách mạng chân chính!
Cuộc đấu khẩu trên mặt báo càng ngày càng kịch liệt trong lúc các cuộc đàm phán vẫn kéo dài. Báo Việt nam kết án Việt minh là phát xít với hình ảnh thập tự quốc xã chồng lên ngôi sao vàng.
Nhưng, các cuộc đàm phán cũng có những phút đặc biệt. Một là những phút tranh luận gay cấn và hai, những bữa tiệc thịnh soạn.

Dự những bữa tiệc không những được ăn ngon, mà còn được hàn huyên với những tướng tá Trung Quóc. Tiêu Văn khổ người hơi thấp và mập, đôi mắt khá tinh nhanh và nói truyện rất hùng hồn -mặc dầu chúng tôi không nghe hiểu tiếng Tàu. Còn tướng Diệp, viên phó tư lệnh của đạo quân 52 hay 53 gì đó, thì điềm đạm, ít nói hơn.
Một lần, theo lối quen huấn thị một viên tướng đứng dậy diễn thuyết. Ông cứ nhắc đi nhắc lại (có người làm thông dịch viên) mãi làm cách mạng rất khó khăn, gian khổ, phải đổ máu mới thành công giống như đàn bà đẻ con phải đau đớn, phải đổ máu mới sinh ra được. Điều này quá sáo, chúng tôi từng nghe đã nhiều, nên ông nói thì cứ nói, chúng tôi vẫn không quên gắp đồ ăn lia lịa, tuy hơi bất lịch sự song nhìn chung quanh hầu hết ai cũng làm như mình.

Đại diện Việt minh - tôi không nhớ là ai, thường phát biểu hô hâo đoàn kết dưới sự lãnh đạo của chính phủ kháng chiến và phê bình có những người gây trở ngại cho sự đoàn kết. Một lần, vì hơi nóng mặt trưởc những lời khiêu khích đó, tôi nói thẳng là nếu muốn đoàn kết thực thì trước hết Việt minh phải đình chỉ mọi sự khủng bố, đàn áp tại các địa phương, và phê bình chính sách chia rẽ ở miền Nam đã đưa tới chỗ quân Pháp xâm chiếm mau chóng.

Rút cục, cuối tháng 11, hai bên đồng ý cho ra một bản tuyên cáo chung với nhan đề Tinh Thành Đoàn Kết, đại ý nói các đảng phái, các tầng lớp nhân dân đều chân thành đoàn kết hợp tác để giữ vững độc lập tự do với sự bảo trợ của Đồng minh.
Bản tuyên cáo này được đăng lên tất cả các báo hồi đó. Xin thú thực, độ ấy trình độ Hán văn của tôi rất kém, nên vắt óc cũng không hiểu ý nghĩa hai chữ tinh thành là thế nào?
Anh Gia Trí bình phẩm:
- Đoàn kết thì là tốt, nhưng sao lại phải tinh thành sao không nói nôm na là tinh thần đoàn kết cho có vẻ Việt nam và dễ hiểu hơn ?
Phải công nhận là Hồ Chí Minh nói truyện giản dị và dễ hiểu, gọn ghẽ hơn. Còn Nguyễn Hải Thần thì dùng nhiều danh từ chữ Hán, nghe lạ tai và khó hiểu.

Trên thực tế, các phe phái có thực lòng tinh thành hay không, tất nhiên không do một bản tuyên cáo mà thành. Sự thực, đây chỉ là một kế hoãn binh. Nếu đoàn kết chân chính thực hiện, thì sẽ ngăn cản được quân Pháp tiến thêm và sẽ tránh được nội chiến sau này, tránh được bao nhiêu hy sinh đau khổ cho dân tộc. Bảo tất cả đều là giữ miếng, trong bụng đều một bồ dao găm thì cũng không đúng. Có rất nhiều người thành thực tin rằng phải đoàn kết chân thành để cứu nước, và cũng tin rằng có thể đoàn kết với nhau, dù có chủ trương khác nhau. Vấn đề then chết ở đây là có những người chủ trương độc tôn, độc tài, không thể dung thứ những ai thách thức quyền lực của họ. Bên Việt minh, họ vừa đàm phán vừa tổ chức những tuẳn lễ vàng vừa sửa soạn cho một cuộc tổng tuyển cử.

Ai cũng biết, lấy danh nghĩa mộ quyên cho cuộc kháng chiến thần thánh, chính phủ đã thâu lượm được một số vàng và tiền khá lớn. Một phần số vàng đó, nghe nói đã dùng để hối lộ bọn tướng Tnmg Hoa, cầu nới tay ... Do đó, mới có cái gọi là tinh thành đoàn kết ra đời.
Còn một việc nữa, tổ chức tổng tuyển cử với mục đích hợp pháp hoá, chính thức hoá chính quyền với bộ mặt dân chủ, tự do. Thực ra, nắm được quyền trong tay, kiểm soát được gẳn toàn bộ dân chúng, ứng cử viên đã do Việt minh tuyển lựa chu đáo, thì cuộc tổng tuyển cử cũng chỉ là một trò đã xếp đặt trước để bầy hàng.
Vì vậy, các phe quốc gia đều phủ nhận tổng tuyển cử một chiều, cho là không có giá trị, đặc biệt là trong không khí khủng bố, những phe phái đối lập thì chỉ là phản dân chủ mà thôi. Trên mặt báo, chúng tôi tuyên bố không chấp nhận kết quả của cuộc tuyển cử và hô hào dân chúng tẩy chay.

Do sự phản đối nhiều mặt, Hồ Chí Minh phải nhượng bộ, và tuyên bố hoãn ngày tuyển cử cho đến tháng giêng năm 1946. Đàm phán và đối chọi, đó là đặc điểm của một thời kỳ giằng co giữa hai phái dưới sự bảo trợ của quân đội Trung Hoa.
26. Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ về tới Hà Nội.Tình hình chung của phe quốc gia.Mặt Trận quốc gia Thống Nhất.

Anh Tam về nước hơi muộn, là vì còn mắc mấy việc, trong đó có vụ Ba Viên.
Ai cũng đã nghe qua vụ Ba Viên làm phản và sau đó bị Việt nam quốc dân đảng thi hành bản án tử hình.
Ba Viên vốn là một thiếu úy trong quân đội Pháp. Hồi quân Nhật đảo chính tháng 3-1945, Viên mang một toán quân chạy sang Vân Nam, trú ngụ ở Mông Tự trên đường xe lửa Côn Minh - Lào Cai. Muốn tăng thêm lực lượng quân sự, anh Tam thuyết phục Ba Viên mang quân về với Việt nam quốc dân đảng. Viên tình nguyện hợp tác và đưa toán binh sĩ của mình, có đủ khí giới do nhà chức trách Vân Nam trả lại, các anh em ở Hải Ngoại Bộ Côn Minh và ở Hà Giang tin rằng Viên thực lòng, muốn quy nhập nên đồng ý thương lượng với nhà chức trách cho phép toán quân đó trở về Hà Giang.

Nhưng Ba Viên theo mật lệnh của Pháp đã rắp tâm lợi dụng cơ hội để làm phản. Như mọi người đều biết, quân của Viên đột nhiên vây bắt những anh em, cán bộ đảng viên ở đó, rồi đón bộ đội cộng sản vào thành. Những anh em ấy sau đều bị cộng sản giết. Anh Tam đã rời khỏi Hà Giang trước khi xẩy ra việc biến loạn, rồi về tới Hà Nội. Còn anh Nghiêm Kế Tổ về tới đích xác vào ngày nào, tôi không nhớ rõ. Thế là hầu hết các nhân vật quan trọng tại hải ngoại đã trở về quê hương. Đã gần 5 năm rồi, tôi mới gặp lại anh Tam, cả nhà đều vui mừng, tất nhiên người vui nhất là chị Tam cùng các con và bà mẹ. Trong mấy năm vừa qua, anh quả đã trải nhiều gian truân trốn được khỏi bàn tay người Nhật tại Quảng Châu, nhưng lúc đến Liễu Châu lại bị quân Trung Hoa tống giam vào ngục vì nghi là gián điệp của Nhật - đồng thời với Nguyễn ái Quốc - sau nhờ mấy nhà cách mạng lưu vong giao thiệp mới được thả ra, và đi Vân Nam. Chàng Dũng trong Đoạn Tuyệt này đã thành một chiến sĩ thực thụ bôn ba nơi hải ngoại. Chúng tôi mong có người anh trong đảng về chỉ dẫn hành động trong lúc khó khăn.
Trông anh cũng không khác trước mấy, hơi gầy và đen hơn, nhưng rắn giỏi, bớt vẻ thư sinh nho nhã trước kia. Điều mà anh khác trước kia là đã biết quay sang dựa vào Đồng minh và kết hợp với Việt nam quốc dân đảng.

Lúc đó, chúng tôi đứng trước hai vấn đề trọng yếu: Một là vấn đề chủ nghĩa và cương nnh chính trị chung cho toàn quốc dân đảng, hai là vấn đề đường lối và chương trình hành động trong cục thế hiện nay. Theo chỗ tôi biết, trong ban Trung ương, chưa có một lần nào thảo luận và quyết định cho triệt để về những vấn đề trên. Có thể cục thế quá gay go và nguy hiểm đã không cho phép làm như vậy, song chính vì thế mà trong hoạt động, đảng thiếu kế hoạch cụ thể để cứu nguy, đặc biệt về phương diện củng cố và phát tnển hàng ngũ, tăng cường tính chiến đấu và kỷ luật không thể thiếu cho một tổ chức cách mạng trong nguy cơ bị tiêu diệt.

Đa số thành viên Việt nam quốc dân đảng vẫn tin tưởng ở chủ nghĩa Tam Dân, nhưng không được huấn luyện gì về mặt này, nhất là đối với những người mới vào. Chủ nghĩa dân tộc sinh tồn cũng vẫn ở trong phạm vi những anh em Đại việt, chưa thấy Trung ương phổ biến lý thuyết này trong toàn đảng. Trên thực tế, mấy phái trong quốc dân đảng đã có đồng thuận trên cơ sở độc lập, tự do, không cộng sản và một nền kinh tế tư hữu. Trước tình hình đó Trung ương có ủy thác ban tuyên huấn chúng tôi soạn thảo một cương lĩnh chính trị chung, do tôi, Khái Hưng phụ trách, anh Hoàng Đạo góp ý. Bản sơ thảo ấy được Trung ương chấp thuận và đưa ra toàn thể đảng viên góp ý kiến, và đã đăng trên mặt báo Việt nam, đồng thời cũng in thành văn bản phát cho đảng bộ các nơi.

Bản cương lĩnh này là một sản phẩm dung hòa giữa các chủ thuyết, với chủ điểm là dân tộc dân chủ, bỏ những chủ truơng độc tài và bên cạnh phần đoàn kết toàn dân, giành độc lập hoàn toàn, chủ trương toàn dân bình đẳng, có đủ quyền tự do, bao gồm quyền tuyển cử quốc hội, chính phủ, tự do kinh tế, nhưng cũng chú trọng bảo đảm quyền lợi tất yếu của công nông. Trên tính chất, nó áp dụng những nguyên lý của nền dân chủ Tây Phương kết hợp với sắc thái dân tộc Việt.

Song, thực ra lúc đó không có đủ thời giờ và điều kiện để mở một cuộc thảo luận rộng rãi. Nhưng nguyên tắc dân tộc dân chủ đã hình thành từ lúc ấy, và trừ ngoại lệ, hầu hết các tổ chức quốc gia đều có cương lĩnh trong phạm trù dân tộc và dân chủ (cho tới tận nay, cuối thế kỷ -tác giả ghi nhận) Còn trên sách lược trước mắt, mọi người ý kiến có khác nhau, chủ yếu trong việc có nên họp tác với Việt minh hay không ?
Theo chỗ tôi biết, trong nội bộ Trung ương, không thấy ai công khai phản đối việc hợp tác, đoàn kết để chống Pháp tái xâm lăng, bảo vệ độc lập. Trong một buổi họp tháng 11, trong đó có cả các anh Truơng Tử Anh, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tiến Hỷ, Chu Bá Phượng, tôi, anh Xuân Tùng ... có bàn về việc này, và về ý kiến của cụ Nguyễn Hải Thần đề nghị nên hợp tác. Cũng như đã thuật ở trên, dưới áp lực của các tướng Trung Hoa, áp lực của dư luận dân chúng muốn thấy các phái đoàn kết, và nguy cơ bị đàn áp trong khi chưa đủ lực lượng để tự vệ, ai cũng thấy cần phải hoãn binh. Khi tạm thời hòa hoãn được rồi, tạo được cơ hội cho các địa phương hoạt động.
Cái hại cho công cuộc là sự hợp tác sẽ mang một bộ mặt tốt đẹp hơn cho Hồ Chí Minh, để lung lạc quốc dân và quốc tế. Cân nhắc hai phiá, hội nghị cuối cùng cũng đồng ý đoàn kết hợp tác, nhưng cần thận trọng, vận dụng cơ hội để tăng cường lực lượng rồi sau tùy cơ ứng biến. Theo tài liệu các nơi báo cáo về, tình hình phe quốc gia có thể tóm tắt như sau:

1. Phe quốc dân đảng nói chung, gồm Việt nam quốc dân đảng, và Đại việt quốc dân đảng. Phe Đại việt dân chính không còn tồn tại nữa, vì đã sát nhập hoàn toàn vào Việt nam quốc dân đảng. Việt nam quốc dân đảng và Đại việt quốc dân đảng tuy đã ước định lấy danh nghĩa chung là quốc dân đảng, và tại nhiều nơi, hai bên đã hoạt động hỗn hợp chung với nhau, nhưng tại những nơi khác và ngay trong những nơi hành động chung vẫn có hoạt động riêng rẽ hay bộ phận riêng rẽ. Riêng về những người nguyên là Đại việt dân chính chúng tôi thì không có thành kiến hay phân biệt đối đãi nào, coi Đại việt hay Việt nam cũng chỉ là một.

Vào thời kỳ tháng 11, sau khi Nguyễn Tường Tam và Nghiêm Kế Tổ đã về tới Hà Nội, một cuộc hội nghị khoáng đại đã được mở tại một địa điểm gần hồ Bẩy Mẫu (không phải là Ôn Như Hầu) và đã cử ra một ban lãnh đạo Trung ương. Cuộc đề cử này do các anh Trương Tử Anh, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam chủ tọa. Theo chỗ tôi nhớ, thì tuy là khoáng đại nhưng vì tình thế khẩn trương, nên cán bộ tới họp chừng độ hơn 30 người, trong đó có một số cán bộ các tỉnh. Trong số 12 ủy viên Trung ương hôm ấy, tôi được anh em đề cử, và sau đó, được giao nhiệm vụ bộ trưởng bộ Tuyên Truyền. Ban thường vụ gồm có Trương Tử Anh (chủ tịch) Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tiến Hỷ, Chu Bá Phượng, Nguyễn Tường Long, Phạm Khải Hoàn.

Đảng kỳ, một lá cờ sao trắng, và đảng ca Việt nam minh châu trời đông cũng được xác nhận trong hội nghị. Tuy vậy một điều gây ra mâu thuẫn là, trên mặt công khai, vẫn dùng danh xưng Việt nam quốc dân đảng, và có nhiều địa phương vẫn dùng danh từ này, mà không dùng danh từ QD Đảng. Điều này tỏ ra về mặt tổ chức, quyết nghị từ trên chưa được thi hành triệt để, song trong thời kỳ đó, khó tránh được sự hỗn độn. Việc liên lạc với các tỉnh cũng rất khó khăn, liên lạc đối miền Nam lại càng thưa thớt. Một số đảng bộ ở miền trung đã được thành lập trong điều kiện gian nan.

2. Phe Việt nam Cách Mạng đồng minh hội: phe này do cụ Nguyễn Hải Thần đứng đầu, gồm có một số người trước đây ở Trung quốc về, đa số là anh em Phục Quốc đồng minh hội, có cơ sở tại vùng Lạng sơn. Ngoài ra còn nhóm Vũ Kim Thành và Vệ An Quốc đóng tại miền Hòn Gai, Tiên Yên, Móng Cái.
Việt nam cách mạng đồng minh hội hoạt động tại Hà Nội, còn có một số đảng viên. Đại việt Quốc xã cộng tác.
Nói chung, lực lượng Việt nam cách mạng đồng minh hội không nhiều và cũng thiếu lực lượng võ trang mạnh, và thiếu ảnh hưởng rộng trong dân chúng.

3. Đại việt duy dân đảng - với người sáng lập và lãnh tụ là Lý Đông A - còn có tên là Nguyễn Hữu Thanh - được thành lập năm 1942 lý thuyết chính trị là chủ nghĩa duy dân, duy dân Đảng về sau phát triển ở trong nước, hoạt động bí mật. Đại việt duy dân là một trong những chính đảng Việt nam ở hải ngoại đã hội họp với nhau năm 1943 và đồng ý đoàn kết hợp tác

4. Tân Việt nam quốc dân đảng và Đại việt Quốc gia Liên minh thành lập vào năm 1944, vì thời cục đã biến chuyển mạnh, một phần vì nhiều thành viên bị Việt minh khủng bố, nên hầu như đã tan rã hay ngừng hoạt động, một số thành viên tham gia vào hàng ngũ Việt cách hay quốc dân đảng.

5. Tại miền Nam, để hoạt động độc lập với Việt minh, một Mặt Trận Đoàn Kết Quốc gia, kết hợp những lực lượng Cao Đài Hòa Hảo, Việt nam quốc dân đảng, Phục Quốc ... có võ trang, và chiếm cứ một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, trong khi quân Pháp chiếm được Sàigòn và những tỉnh lỵ. Trong những lực lượng dân quân kháng chiến, đáng kể nhất là Đệ Tam Sư Đoàn do Nguyễn Hoà Hiệp, một đảng viên Việt nam quốc dân đảng chỉ huy. Đệ Tam Sư Đoàn bị ép giữa hai thế lực Pháp và Cộng Sàn, nên tuy cố gắng khai triển du kích chiến, nhưng cũng không phát triển được mạnh.
Có một điều đáng chú ý là, trong mặt Trận Quốc gia này, lại có những phần tử Đệ Tứ Quốc tế (trotzkistes) tham gia hợp tác vì tuy là một hệ phái cộng sản, họ lại là tử địch của cộng sản Đệ Tam. Tạ Thu Thâu đã bị Việt minh bắt được và thủ tiêu ... Tổ chức Đệ Tứ lực lượng không có mấy, lại không có võ trang. Tại Hà Nội, chỉ có một số nhỏ người hành động trong bí mật, nhưng có liên lạc với chúng tôi.

Đầu tháng 12 năm 1946, Trung ương quốc dân đảng, cụ Nguyễn Hâi Thần và một số nhân sĩ vô đảng phái, qua một cuộc hội nghị, nhận thấy cần phải xúc tiến một trận tuyến quốc gia mới để tăng cường ảnh hưởng và hiệu triệu dân chúng chống Pháp, chống độc tài.
Chúng tôi đưa ra đề nghị thành lập một tổ chức lấy tên Mặt Trận quốc gia Thống Nhất, đối chọi với Mặt Trận Việt minh, để có tính chất rộng rãi hơn, vì Việt cách lúc đó trên thực tế chỉ là một đoàn thể, và cái danh xưng ấy không còn thích hợp với thời thế.
Mặt Trận quốc gia Thống Nhất Việt nam ra đời. Trong nội bộ, vẫn đề cử Nguyễn Hải Thần làm chủ tịch, phó chủ tịch là Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam. Việc thành lập Mặt Trận Quốc gia được đăng trên báo Việt nam. Mặc dầu việc này không thúc đẩy được công việc nhiều, nhưng nó có ảnh hưởng tượng trưng. Đây là Mặt Trận Quốc gia Thống Nhất đầu tiên trong lịch sử Việt nam.

Với danh xưng này, Nghiêm Kế Tổ được cử làm ủy viên Ngoại giao, chuyên trách việc giao thiệp với các tướng Trung Hoa trong việc mong họ giúp đỡ thiết thực và cung cấp võ khí cho mình.
Anh Tổ là một người vóc trung bình, dáng dấp có vẻ chững chạc, nói tiếng quan thoại rất lưu loát, và xem ra cũng mồm mép hơn anh Vũ. Tuy nhiên, đối với đảng vụ, về lý luận, kế hoạch, hay hành động cụ thể, không thấy anh đưa ra những ý kiến thiết thực. Có lần chính anh chép miệng nói với tôi, khi trao đổi ý kiến về việc hợp tác với Việt minh và đối sách của mình:
- Cũng phải hợp tác thôi. Nhưng chúng ta không có toàn bàn kế hoạch để mà hành động ...- Vậy ý kiến anh thế nào, sao không đưa ra ?- Tôi hỏi.- Khó, khó lắm. - Anh lắc đầu, rơi im lặng, khiến tôi hơi thất vọng.

Hợp tác với Việt minh chỉ là một chiến thuật. Nhưng trong, và sau khi hợp tác toàn đảng cằn làm thế nào? Quân Pháp tới, hay quân Tàu rút, thì ngay bây giờ cần phải chuẩn bị những gì? Làm thế nào để xoay chuyển cục thế bị động của mình? Tất cả những vấn đề phức tạp và khẩn thiết này đều không được đưa ra để thảo luận và đi tới một chương trình rõ ràng.
Trung ương quốc dân đảng lúc đó quá chú trọng tới những công việc đàm phán. Huống hồ, chính trong Trung ương lại không được nhất trí. Công tác tuyên huấn của tôi nhiều khi gặp khó khăn và thiếu tài liệu để chuyển xuống đàng viên các nơi.
Đảng vụ không được kiện toàn, lại thiếu kinh phí. Chỉ trông mong vào đảng viên và vào một số nhỏ Mạnh thường Quân, làm sao cung cấp nổi cho mọi việc, đặc biệt là việc mua võ khí tối thiểu. Các anh em ở Hà Nội chỉ có súng ngắn và một số tiểu liên (kiểu Thompson của Mỹ), và tại các chiến khu, thì thiếu súng máy. Súng cối và đạn cũng thiếu thốn.
Không trông rõ nguy cơ sẽ xẩy ra khi quân Trung Hoa rút, là nguyên nhân sẽ trở tay không kịp ngay nửa năm sau.

http://ykien.net/ntb_nuaTK10.html
Mục Lục - Xem tiếp

Aucun commentaire: