samedi 23 juin 2007

Thêm vài nét về HCM

Thêm vài nét về HCM

Sinh ra trong một gia đình nhà Nho. Ngày, tháng, năm sinh đều không rõ vì có nhiều niên hiệu khác nhau. Tên khai sinh là Nguyễn Tất Thành. Thân phụ là phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đang làm quan cho chính phủ Nam triều bị cách chức vì say rượu đánh chết người. Thiếu phương tiện sinh sống, Nguyễn Tất Thành xuống tầu Latouche - Tréville làm phụ bếp kiếm kế sinh nhai, nhờ đó được chu du thế giới. Đến Marseilles, anh Thành nộp đơn xin vào trường Thuộc Địa của Pháp nhưng bị từ chối. Anh tiếp tục làm bồi tàu, thuỷ thủ để kiếm sống do đó từng qua cả Mỹ lẫn Anh. Thời gian ở Anh không được rõ anh ở đâu làm gì. Năm 1917, Thành trở lại Pháp, tiếp xúc với những nhà ái quốc tên tuổi như Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, nhất là nhà cách mạng Phan Chu Trinh, bạn học cũ của thân phụ anh và được mang tên chung Nguyễn Ái Quốc cùng với các nhân vật này để hoạt động tuyên truyền vận động cho phong trào yêu nước tại Pháp.

Năm 1919 Thành gia nhập đảng xã hội Pháp là một đảng Mác-xít có đường lối đấu tranh tương đối ôn hòa. Anh say mê nghiên cứu học thuyết Marx. Đại tác phẩm Tư Bản Luận là sách gối đầu giường của anh (Sainteny).

Anh cũng theo dõi các biến chuyển trong phong trào Mácxít và tìm đến Lênin vì ông này đã lãnh đạo thành công cách mạng tháng mười.

Cuối năm 1920 dự hội Tours của đảng xã hội, trong đó đảng chia làm hai và anh theo phe ủng hộ QT3 của Lênin tham gia thành lập đảng CS Pháp.

Lúc ấy Manuilski, đồ đệ của Lênin từng lưu vong ở Pháp từ 1905, đang có ảnh hưởng lớn trong đảng CS Pháp, tiếp xúc với Thành mà ông ta chỉ biết dưới tên chung Nguyễn Ái Quốc. Manuilski lợi dụng Quốc để quảng bá chủ trương sách lược mới của Lênin: khai thác lòng yêu nước của nhân dân các nước bị trị để đánh đổ các đế quốc thực dân, làm suy yếu chế độ Tư Bản. Thành cũng lợi dụng Manuilski để có dịp gặp Lênin và các cán bộ cao cấp QTCS. Với sự thông minh và tài ngoại giao anh đã toại nguyện. Anh được được đi dự các hội nghị lớn của QT3, được cử vào ủy ban trung ương QT Nông Dân. Rồi vào trung ương Ủy Ban Tuyên Truyền Quốc Tế.

Cuối năm 1924, Manuilski cử Quốc sang Trung Hoa làm phụ tá và thông dịch viên cho Mikael Borodin, trưởng đoàn cố vấn Liên Xô cạnh chính phủ Quốc Dân Đảng Tôn Dật Tiên. Thực ra, đó chỉ là bình phong, vì Quốc được QT3 trao nhiệm vụ Tuyên Truyền chủ nghĩa CS và lập các chi bộ CS tại Đông Nam Á. Quốc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên được cử đại diện cho QT3 lo hợp nhất 3 đảng CS ở Đông Dương ngày 3-2-1930.

Bị nhà cầm quyền Anh bắt ở Hương Cảng vì tình nghi hoạt động Cộng Sản, bị giam rồi được thả (nhờ QT3 can thiệp cử luật sư người Anh có khuynh hướng thiên tả bào chữa), sau đó bị gọi về Mạc Tư Khoa tái huấn luyện và học 3 năm tại trường cao cấp Lênin.

Trong đại hội VII (1935), theo tình hình Liên Xô muốn đấu dịu với các nước Tư bản Tây Phương, Đảng CS Đông Dương được lệnh Mac Tư Khoa đổi hướng đấu tranh đòi tự do dân chủ theo chân đảng Cộng Sản Pháp với Mặt Trận Bình Dân.

Năm 1938, Quốc được phái trở lại Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc hợp tác Quốc - Cộng của nước này vào năm sau, khi thế chiến II bùng nổ.

Được trang bị đầy đủ về lý thuyết, chiến lược sách lược đấu tranh của Lênin, nhất là được rèn luyện kỹ hơn về tình báo gián điệp và tuyên truyền, Quốc trở lại hoạt động ở Hoa Nam. Ông đã thành công trong việc xâm nhập, thao túng và chiếm danh của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, lũng đoạn chính phủ lâm thời của Trương Bội Công, thao túng Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội của Nguyễn Hải Thần. Hai tổ chức này đều đã tiếp nhận Quốc và bị ông phản, vì mục đích của ông là gia nhập để “biến chúng thành tổ chức của mình” thể hiện đúng kỹ thuật đấu tranh theo sách lược liên minh giai đoạn của Lênin.

Năm 1942 Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Hồ Chí Minh, nhận sự giúp đỡ của tướng Trương Phát Khuê của THDQ và những người Mỹ trong tổ chức OSS, tiền thân của CIA. Để đổi lại, ông hứa cung cấp những tin tức về hoạt động của quân Nhật tại Việt Nam.

Với uy tín hội Việt Minh của Hồ Học Lãm và tài tổ chức của một cán bộ QTCS lão luyện, Hồ Chí Minh nhân danh hội này, lập nên Mặt Trận Việt Minh ngày 19-5-1941 tại hang Pác Bó tỉnh Cao Bằng, quy tụ đồng bào trong nước tiến hành cuộc Cách Mạng Tháng Tám thành công, lập nên chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Dần dần các cá nhân đoàn thể yêu nước từng ủng hộ ông nhưng không tán thành đường lối CS đều bị ông loại khỏi Việt Minh. Từ đó Việt Minh coi như đồng nghĩa với CS nên ông lập ra mặt trận Liên Việt để quy tụ những nguời không tán thành đường lối của Việt Minh. Với mặt trận này, Hồ Chí Minh tiến hành chiến tranh chống Pháp.

Nhưng lúc ấy có nhiều dấu hiệu cho thấy dân chúng đã nhận ra tính chất CS của Hồ Chí Minh và các nước Đồng Minh cũng không còn ủng hộ. Tình thế càng nguy ngập hơn do những tổn thất nặng về quân sự sau những trận đánh lớn ở vùng Việt Bắc trong năm 1947.

Ông bèn ngồi viết kiệt tác tuyên truyền dưới bút hiệu Trần Dân Tiên, tự mô tả mình như một nhà ái quốc chân chính được nhân dân gọi là “Cha Già Dân Tộc” với những đức tính dễ thương, lòng nhân ái vô hạn. Ông cho dịch gấp ra tiếng Pháp, gửi sang Ngưỡng Quang, Miến Điện để dịch ra tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác. Cán bộ Cộng Sản khắp nơi dựa theo đó tô vẽ, tạo ra các huyền thoại biến ông thành vị thần bí ẩn và một số nhà báo, học giả ngoại quốc cũng theo đó ca tụng ông là “Cha già dân tộc”, là nhà ái quốc. Nhân danh “cha già dân tộc”, Hồ Chí Minh lôi cuốn, xô đẩy nhân dân vào vòng lửa đạn để nắm vững quyền lực và gây thanh thế.

Áp dụng chiến thuật Mao Trạch Đông và tự đặt dưới sự chỉ đạo của các tướng Trung Cộng Trần Canh, Vi Quốc Thanh, ông đánh thắng Pháp tại Điện Biên Phủ, chiếm được nửa nước, từ vĩ tuyến 17 trở ra.

Lập tức, ông cho tiến hành Cải Cách Ruộng Đất và Hợp Tác Hóa nông, công, thương nghiệp theo mô hình các nước cộng sản đàn anh. Trong CCRĐ nửa triệu dân đã bị hành quyết vì “tội sở hữu một số tư điền”, và bị những tòa án nhân dân do ông chỉ thị cho dựng lên kết án họ là địa chủ, cường hào ác bá. CCRĐ coi như thất bại, ông cử đàn em thân tín là Võ Nguyên Giáp xin lỗi nhân dân, mở ra chiến dịch “sửa sai” để làm cái bẫy bắt gọn những ai ra mặt phê bình “Bác” và đảng.

Kế hoạch kinh tế chỉ huy thất bại khiến kinh tế miền Bắc suy sụp. Năm 1959, ông đưa cán binh xâm nhập miền Nam, mở con đường mòn xuyên lãnh thổ Ai Lao mang tên HCM chuyển quân và vũ khí vào Nam, thi hành chính sách “chiếu cố miền Nam”. Cán bộ “nằm vùng” được lệnh ám sát, bắc cóc, thủ tiêu các viên chức chính quyền Miền Nam tại các thôn xã.

Quốc hội miền Nam đối phó bằng cách ban hành luật 10/59 đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Trong khi miền Nam dùng luật pháp để tự vệ, thì ông Hồ và đảng cộng sản khủng bố phá hoại miền Nam bằng mọi cách phi pháp. Cuối năm 1960 ông cho lập “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam” do các cán bộ cộng sản nằm vùng đứng sau điều động đẩy mạnh hơn nữa các hành động phá hoại khủng bố.

Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm tại miền Nam bị giết, Hồ Chí Minh theo lệnh Trung Cộng tiến hành một kế hoạch đại quy mô tiến chiếm miền Nam trong lúc hỗn loạn. Nhưng Mỹ đã can thiệp để cố giữ miền Nam thêm 10 năm nữa. Đầu năm 1968, mặc dầu đã gần 80 và đang dưỡng bệnh tại Trung Quốc, ông Hồ vẫn tích cực chỉ đạo và thường xuyên theo dõi cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân là trận đánh quyết liệt đẩy gần năm chục ngàn cán binh cộng sản vào chỗ chết.

Hơn năm sau ông cũng chết vào ngày 2-9-1969, nhằm đúng ngày “quốc khánh” của ông.

Minh Võ

http://diendan.datviet.com/forum/showthread.php?t=147956

Aucun commentaire: