jeudi 14 juin 2007

Hồ Chí Minh Và Một Giai Ðoạn Lịch Sử

Hồ Chí Minh Và Một Giai Ðoạn Lịch Sử

Ðã có rất nhiều bài viết về Hồ Chí Minh, nhân vật đã khơi nguồn cho những tai họa của dân tộc Việt Nam từ nhiều thập niên qua. Nhưng thêm một bài viết nữa cũng không phải là vô ích. ít nhất nó cũng góp phần làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử mà ngày nay, với guồng máy cầm quyền trong tay, đảng CSVN đang viết theo "sự thật của họ" nhằm đầu độc những thế hệ tương lai.

"Ra đi tìm đường cứu nước, Bác mang theo hình ảnh người dân miền Nam đau khổ dưới ách nô lệ phong kiến thực dân"... Tình cờ đọc được những giòng chữ này trong một bài viết mang tên "Miền Nam trong trái tim người" đăng trên báo Nhân Dân ngày 19/5/98, tôi đã khám phá thêm một giai thoại mới về nhân vật Hồ Chí Minh : Hồ Chí Minh "rất thèm miền Nam" và vì thế mà nhất quyết tiến hành cuộc "Nam Tiến".

Từ trước tới nay, chuyện Hồ Chí Minh "hy sinh cả đời cho công cuộc cứu nước, không màng đến hạnh phúc cá nhân..." đã được đảng CSVN vẽ vời như một bậc thánh. Nhưng sự thật về những lời ca tụng này đã được từ từ vạch rõ, với những câu chuyện về Nguyễn thị Minh Khai, Nguyễn thị Xuân với cái chết thật đau đớn và bí mật, Phương Mai ở Khu Bốn, Lý Huệ Khanh (em vợ của Lâm Ðức Thụ)... Người ta cũng biết Hồ Chí Minh với các tên gọi tự phong cho mình như "Cha Già Dân Tộc", "bác Hồ vĩ đại" (vĩ đại hơn cả Lê Lợi, Trần Hưng Ðạo),...

Sau khi đọc một số tài liệu, điều đáng chú ý nhất là số lượng tên giả của con người mà người ta hay gọi là Hồ Chí Minh, con số này nhiều đến nỗi người ta đã quên mất cái tên cúng cơm của ông. Không phải chỉ có cái tên mà ngày sanh của ông, người ta cũng không biết đích xác là năm nào. Trên bước đường bôn ba từ Á sang Âu, mỗi nơi ông khai một tên với một ngày sanh khác. Bên cạnh đó, những mưu mô của Hồ Chí Minh cũng thật là nham hiểm và ác độc...

Từ Nguyễn Sinh Cung đến Nguyễn Tất Thành : những ngày còn "trong trắng".
Cái tên cúng cơm của Hồ Chí Minh được ghi nhận là Nguyễn Sinh Cung, đảng CSVN công nhận năm sinh của ông là 1890, quê ở làng Hoàng Trù, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An. Thân sinh là ông Nguyễn Sinh Huy (sau đổi tên là Nguyễn Sinh Sắc), bạn đồng khóa với cụ Phan Chu Trinh (1). Năm 1905, ông theo cha vào Huế và theo học tại trường Quốc Học. Ông đã bị đuổi khỏi trường sau khi tham dự cuộc biểu tình đòi giảm thuế trước Tòa Khâm Sứ tại Huế (13/5/1908). Năm 1909, ông Huy được bổ làm tri huyện Bình Khê (Bình Ðịnh), ông cũng theo vào và tại đây làm nghề trợ giáo, với cấp bằng Certificat (tiểu học) và sau đó tiếp tục học lên tới năm thứ hai bậc trung học (2). Ðược ít tháng, ông Huy bị thi hành kỷ luật, giáng chức tri huyện và phải dời vào Sài Gòn sinh sống. Nguyễn Sinh Cung cũng theo cha vào Nam và đổi tên thành Nguyễn Tất Thành từ đó.

Tại Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành theo học trường Bách Nghệ, vài tháng sau xin vào làm việc ở sở Ba Son. Tháng 6 năm 1911, xin được một chân phụ bếp ở tàu La Touche Tréville và theo tàu đi khắp nơi, Âu châu, Mỹ châu, Phi châu...(1)

Từ Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc : từ "yêu nước" đến yêu Ðệ Tam Quốc Tế.
Năm 1917, vốn là chỗ quen biết từ trước, Nguyễn Tất Thành đến ở chung với ông Phan Chu Trinh tại Paris. Ông gia nhập đảng Xã Hội Pháp và hay lui tới gặp gỡ, sinh hoạt với nhóm của cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền (hai nhà trí thức yêu nước du học tại Pháp), Nguyễn An Ninh (sau này theo CS đệ tứ), thường được gọi chung là nhóm Ngũ Long. Năm 1922, nhóm này bắt đầu viết báo chống thực dân, chủ động là cụ Phan Chu Trinh với sự đóng góp tích cực của các ông Trường, Truyền, còn Nguyễn Tất Thành thì lãnh nhiệm vụ giao bài đến các tòa soạn. Cả nhóm lấy bút hiệu chung là Nguyễn Ố Pháp (những người họ Nguyễn ghét Pháp) sau đổi thành Nguyễn Ái Quốc, một bút hiệu được nhiều người yêu thích và làm gai mắt nhà cầm quyền Pháp.

Cái hay là sau khi nhóm này tan rã vì một số người lần lượt về nước, Nguyễn Tất Thành giữ bút hiệu này làm tên riêng của mình. Và mọi người được mặc nhiên chiêm ngưỡng Nguyễn Ái Quốc bằng xương bằng thịt mà người ta từng hâm mộ bấy lâu tại một số diễn đàn như câu lạc bộ Faubourg, Hội Nghị Versailles năm 1919, đại hội đảng Xã Hội Pháp tại Tours năm 1920 ...

Khi Lénine thành lập Ðệ Tam Quốc Tế năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã say mê lý thuyết của Lénine và trở thành một trong những sáng lập viên của đảng Cộng Sản Pháp. Sau khi tham dự Hội Nghị Nông Dân Quốc Tế vào tháng 10/1923, Nguyễn Ái Quốc ở lại Moscou 18 tháng để nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê (3).

Từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh : thay tên đổi họ để phỉnh gạt các đảng phái quốc gia.

Trong phần này, chúng tôi chỉ xin nhắc đến một số sự kiện chứng tỏ sự mưu mô và tinh vi của Nguyễn Ái Quốc trong vai trò phục vụ CS Quốc Tế mà không đi vào chi tiết về các tổ chức đảng phái quốc gia cũng như nhiều biến cố khác.

Từ tháng 12/1924, Nguyễn Ái Quốc được Cộng Sản Ðệ Tam Quốc Tế gửi về Quảng Châu (Trung Hoa) để tổ chức các phong trào thân cộng ở vùng Ðông Nam Á.

a) Bán đứng cụ Phan Bội Châu cho Pháp, tiêu diệt VN Quang Phục Hội, tố cáo VN Quốc Dân đảng.
Trở về Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc xuất hiện dưới chiêu bài chủ nghĩa dân tộc, dấu nhẹm cái gốc CS của mình. Quốc đã tìm cách móc nối với nhóm Việt Nam Quang Phục Hội (VNQPH) do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo.

Bất thành trong việc chiêu dụ để biến cụ Phan Bội Châu và VNQPH thành tay sai của Cộng Sản Quốc tế, Nguyễn Ái Quốc bàn với các thuộc viên rằng : cụ Phan nay đã già rồi, không còn thích hợp với cách mạng ; do đó, nếu cụ Phan bị bắt sẽ khích động mạnh mẽ tinh thần yêu nước của người Việt và số tiền nhận được khi chỉ điểm cho Pháp có thể dùng cho việc nuôi dưỡng và đào tạo các lực lượng mới. (4)

Sau đó, Quốc đã bày mưu cùng Lâm Ðức Thụ bán Cụ cho thực dân Pháp với giá 10 vạn đồng (một chi tiết cần biết để lượng giá món tiền này : lương công chức hạng trung lúc đó chỉ vào khoảng 300 đồng/tháng). Thụ viết thư mời cụ Phan nhân ngày giỗ của chí sĩ Phạm Hồng Thái cùng nhau tổ chức một cuộc tuyên truyền cho Cách Mạng Việt Nam. Cụ Phan tin thật, khăn gói lên đường và đã bị bắt tại Thượng Hải vào tháng 6/1925. (5)

Một mặt, Quốc dùng số tiền này để gây dựng Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội (VNTNCMÐCH) ; mặt khác đối với các thanh niên Việt Nam được gửi sang học trường võ bị Hoàng Phố (Quảng Châu), Quốc và đồng bọn ra sức chiêu dụ họ tham gia VNTNCMÐCH, những người không đồng ý đều bị chỉ điểm cho Pháp bắt khi họ được đưa về biên giới Hoa Việt. Với những thủ đoạn này, VNQPH dần dần tan rã và VNTNCMÐCH ngày càng mở rộng.

VNTNCMÐCH thoát thai từ Tâm Tâm Xã, một bộ phận của Việt Nam Quốc Dân đảng lưu vong tại Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc đã khuyến dụ được một số đảng viên nồng cốt của Tâm Tâm Xã như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong gia nhập CS Quốc Tế và trở thành những cánh tay đắc lực của mình.

Ngoài ra, nhằm tiêu diệt mọi hoạt động của các đảng phái quốc gia, trong cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân đảng do Nguyễn Thái Học đề xướng vào tháng 2/1930, cán bộ đảng CS Ðông Dương do Nguyễn Ái Quốc thành lập đã rải truyền đơn tố cáo cuộc chuẩn bị nổi dậy này. (6)

b) Bí danh Hồ Chí Minh và các tổ chức Việt Minh, Việt Cách.
Hồ Chí Minh nguyên là bí danh của cụ Hồ Học Lãm (1880 - 1942), hoạt động cùng thời với cụ Phan Bội Châu tại Trung Quốc. Là một người yêu nước, có tinh thần quốc gia, buồn lòng trước cảnh đô hộ của Pháp, tuy không hoạt động cho Cộng Sản nhưng ông vẫn che chở và giúp đỡ tích cực cho các thành viên của nhóm Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội (7).

Ông đã từng cùng với cụ Nguyễn Hải Thần vận động kết hợp một số tổ chức đấu tranh như Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Tân Việt Cách Mạng Ðảng và Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội để thành lập Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh vào tháng 8 năm 1934 tại Nam Kinh. Nhưng tổ chức này đã bị ngưng hoạt động vào năm 1935 vì các thành viên của Việt Nam Quốc Dân Ðảng nhìn rõ sự thao túng của các phần tử thiên cộng đang ẩn náu trong tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội (8).

Vài năm sau, biết được lòng yêu nước và ước muốn tập hợp các đảng phái của cụ Lãm, Nguyễn Ái Quốc đã lèo lái và làm sống lại tổ chức Việt Minh, cụ Lãm tham gia tích cực với tư cách là Chủ Tịch và Phạm Văn Ðồng (bí danh Lâm Bá Kiệt) là Phó Chủ Tịch, cùng với những khuôn mặt CS khác như Võ Nguyên Giáp (bí danh Dương Hoài Nam), Hoàng Văn Hoan (bí danh Lý Quang Hoa)..., khai báo cùng chính quyền Tưởng Giới Thạch với tên chính thức là "Biện Sự xứ Việt Minh Hải Ngoại" vào tháng 10 năm 1940 (9).

Sau khi đảng CS Ðông Dương thất bại liên tiếp trong các cuộc mưu đồ tổng nổi dậy chống Pháp từ Nam chí Bắc trong năm 1940, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Việt Nam để tiến hành một số đường hướng mới. Ngày 19/5/1941, trong một phiên họp của Ủy Ban Trung ương tại Pắc Bó, đảng Cộng Sản Ðông Dương đã tuyên bố thành lập "Mặt Trận Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh" cũng gọi tắt là Mặt Trận Việt Minh, với mục tiêu kêu gọi lòng yêu nước trong mọi tầng lớp dân tộc nên phải có một tên gọi thể hiện bản chất quốc gia rộng lớn, lôi cuốn và phù hợp với hoàn cảnh đất nước, thực chất hoàn toàn là do các cấp bộ cộng sản điều khiển ngay từ đầu. Song song với sự ra đời của mặt trận Việt Minh, một loạt tổ chức quần chúng ngoại vi của đảng Cộng Sản Ðông Dương cũng được dựng lên và sinh hoạt trong Mặt Trận Việt Minh như Hội Công Nhân Cứu Quốc, Hội Nông Dân Cứu Quốc, Hội Thanh Niên Cứu Quốc, Hội Phụ Nữ Cứu Quốc, Hội Phụ Lão Cứu Quốc... Mặt trận này cho ra đời tờ báo "Việt Nam Ðộc Lập" (10).

Mặt Trận Việt Minh cố gắng che dấu các chương trình, khẩu hiệu của đảng CS như tịch thu ruộng đất của địa chủ, chiến dịch cải cách ruộng đất..., và đã đưa ra một chương trình hành động gồm 3 muc tiêu chính : Ðánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật ra khỏi đất nước nhằm thu hồi nền độc lập cho Việt Nam ; Liên kết với các lực lượng Ðồng Minh đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Hoa để chống lại Ðức, Nhật ; Thiết lập một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Trong lúc Mặt Trận Việt Minh ra đời tại Việt Nam thì các tổ chức phe quốc gia, nồng cốt là Việt Nam Quốc Dân đảng, đang hoạt động ở Trung Hoa cũng vận động thành lập Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội (4/10/1942), gọi tắt là Việt Cách để đối đầu lại với nhóm Việt Minh vì họ nhận ra tổ chức này là do CS dựng lên. Việt Cách được sự ủng hộ tài chánh và hậu thuẫn của Trung Quốc để phát triển, chủ tịch là Nguyễn Hải Thần.

c) Nguyễn Ái Quốc đổi tên thành Hồ Chí Minh
Sự thay đổi tên này xảy ra khi Nguyễn Ái Quốc từ Pắc Bó sang Trung Hoa vào tháng 8 năm 1942, ông bị bắt ngày 29/8/42 tại tỉnh Quảng Tây và tại đây ông đã khai với nhà nước Tưởng Giới Thạch tên là Hồ Chí Minh. Ông bị bắt giam tại nhà tù Liễu Châu trong vòng 13 tháng.

Về giai thoại này, có nhiều tài liệu ghi lại sự kiện khác nhau :

- Theo Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Ái Quốc bị bắt vì nhóm Việt Cách đã tố cáo là ông trở về Trung Hoa là để phá hoại tổ chức của họ (11).

- Theo Hoàng Văn Hoan, trong chuyến đi này, Nguyễn Ái Quốc muốn đến thương lượng cùng Tưởng Giới Thạch về việc hợp tác chống Nhật. Nhưng theo lời khai báo của nội tuyến thì mới khám phá Hồ Chí Minh chính là Lý Thụy, là Nguyễn Ái Quốc, là Hoàng Quốc Tuấn, đích thực là lãnh tụ CS, lãnh tụ Việt Minh nên Hồ Chí Minh đã bị bắt (12).

- Trong quyển sách "Histoire du Vietnam", Philippe Devillers cho rằng Hồ Chí Minh bị bắt vì cái tên Nguyễn Ái Quốc quá lừng danh, nhưng Quốc lại hứa với chính quyền Trung Quốc sẽ tổ chức hệ thống gián điệp tại Bắc Việt nên họ yêu cầu Quốc đổi tên là Hồ Chí Minh.(13)

Nhà nghiên cứu Lữ Giang cho biết là năm 1937, ông Hồ Học Lãm về Hồ Nam, rồi sau đó về Quý Châu hoạt động và lấy tên hẳn là Hồ Chí Minh. Cụ Lãm qua đời năm 1942, tất cả những giấy tờ và hồ sơ cá nhân của ông Lãm đều được chuyển về cho Nguyễn Ái Quốc để sử dụng cho dễ hoạt động, dưới danh nghĩa của một lãnh tụ quốc gia có uy tín đối với Trung Quốc và phong trào cách mạng Việt Nam tại hải ngoại để đánh lừa các đảng phái quốc gia, xa hơn nữa là phe Ðồng Minh, nhất là Hoa Kỳ (14).

Hồ Chí Minh phản bội VN Cách Mạng Ðồng Minh Hội (VNCMÐMH).
Nhờ sự can thiệp của VNCMÐMH, chính quyền Trung Quốc đã trả tự do cho Hồ Chí Minh và Nguyễn Tường Tam (bị bắt vào cuối năm 1942, ông chạy sang Tàu vì bị thực dân Pháp khủng bố) vào ngày 16/9/43 và sau đó cả hai đều về tham gia VNCMÐMH.

Cuối năm 1943, VNCMÐMH phát động chương trình về nước hoạt động, Hồ Chí Minh xung phong về nước, thề sẽ trung thành với VNCMÐMH. Cầm trong tay 20 vạn tiền Trung Quốc và 20 cán bộ do mình tự chọn, Hồ Chí Minh lập ra nhiều chiến khu ở Thái Nguyên, Tuyên Quang nhưng với danh nghĩa Việt Minh chứ không phải Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội (15). Nhờ đó Mặt Trận Việt Minh phát triển tốt đẹp và đã công bố một tuyên ngôn chính trị ngày 6/8/44, đặc biệt quan tâm đến việc thành lập một chính phủ lâm thời.

Nhờ khéo che đậy chủ trương CS cốt lõi bên trong, Việt Minh đã quy tụ được nhiều thành phần dân tộc, có nhiều uy tín đối với phe đồng minh, đặc biệt là Hoa Kỳ. Vì thế, sau khi Nhật đảo chánh, Hồ Chí Minh đã bắt tay hợp tác với tình báo Hoa Kỳ với bí danh là Lucius, và Hồ Chí Minh tuyên truyền khắp nơi rằng Hoa Kỳ đã ủng hộ ông ta (16).

Hồ Chí Minh, từ cướp chính quyền đến thủ tiêu các đảng phái để độc quyền thống trị
Ngày 15/8/45, sau khi Nhật đầu hàng phe đồng minh, phe Việt Minh đã áp lực buộc chính phủ Trần Trọng Kim phải nhường quyền qua sự xếp đặt của một số đảng viên CS đã được gài vào chính phủ này từ trước. Ngày 17/8/45, vua Bảo Ðại đã tuyên bố giao cho Việt Minh thành lập nội các mới.

Mặc dù trước đó, chính phủ Trần Trọng Kim đã công bố bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập ngày 11/3/1945 (do ông Phạm Quỳnh biên soạn), Việt Nam đã trở thành một nước độc lập, chấm dứt thời kỳ bảo hộ của Pháp. Nhưng phe Việt Minh muốn chiếm lấy công dành độc lập về phe mình nên ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh lại một lần nữa công bố Tuyên Ngôn Ðộc Lập cùng với sự ra đời của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại quảng trường Ba Ðình.

7 ngày sau, quân Ðồng Minh tiến vào để giải giới quân đội Nhật, quân đội của Tưởng Giới Thạch trách nhiệm miền Bắc, trong khi Anh, Úc, Hòa Lan, Pháp thì trách nhiệm từ vĩ tuyến 16 trở vào. Pháp được dịp tái võ trang và bất ngờ đánh chiếm lại miền Nam và miền Trung, bắt đầu trả thù, bắn giết những người chống đối.

Với lập trường tổ quốc trên hết, các đảng phái quốc gia như Ðại Việt Quốc Dân đảng, Việt Nam Quốc Dân đảng, Ðại Việt Dân Chính đảng..., bắt buộc phải liên kết với chính phủ Việt Minh để chống xâm lăng, tham gia chính phủ lâm thời. Sự hiện diện của quân đội Tưởng Giới Thạch tại miền Bắc càng làm tăng thêm uy thế của các đảng phái này nên Hồ Chí Minh không thể toàn quyền thao túng trong chính phủ liên hiệp và bắt đầu dùng những thủ đoạn để tranh giành quyền lực.

Chính sách của Hồ Chí Minh lúc đó đặt ra 3 đối tượng kẻ thù là : quân đội Tưởng Giới Thạch, quân đội Pháp và các đảng phái quốc gia. Một mặt liên hiệp nửa vời với phe quốc gia, một mặt Hồ Chí Minh tìm cách đẩy lui quân đội Tưởng Giới Thạch để làm giảm hiệu năng, mất chỗ dựa của phe quốc gia, loại họ dần dần rồi sau cùng mới chống lại Pháp (17).

Nhưng đáng tội nhất là Hồ Chí Minh giải quyết mưu đồ này bằng cách ký kết với Pháp (đại diện là Sainteny) Tạm ước Sơ Bộ ngày 6/3/1946 cho phép Pháp công khai trở lại Ðông Dương một cách chính thức. Khi quân đội Pháp rầm rộ kéo quân ra miền Bắc thì quân đội của Tưởng Giới Thạch phải rút về và Hồ Chí Minh bắt đầu đàn áp phe quốc gia khiến cho các lãnh tụ như Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam... phải chạy sang Trung Hoa lánh nạn. Hồ Chí Minh đã áp dụng những hành động vu khống cho các đảng phái quốc gia là Việt gian thổ phỉ, là phản động để bắt bớ và thủ tiêu không biết bao nhiêu người.

Tất cả các đảng phái không theo CS đệ tam đều bị Hồ Chí Minh ra lệnh tàn sát, ngay cả những người theo phe CS đệ tứ :

- tại miền Bắc : các đảng viên cao cấp của Việt Nam Quốc Dân đảng đều bị thủ tiêu như ông Nguyễn Thế Nghiệp, ông bà Nguyễn Ngọc Sơn, Ðào Chu Khái,... Cụ Nguyễn Hải Thần bị quân đội Việt Minh đánh úp tại trụ sở ở phố Lò Lợn (Hà Nội) sau khi ông lên tiếng tố cáo sự độc tài của đảng CS và Việt Minh. Hồ Chí Minh còn ra lệnh lùng bắt các thành viên của Việt Cách dọc theo biên giới Hoa Việt, ai không theo Việt Minh đều bị mang vào rừng thủ tiêu.

- tại miền Nam : các lãnh tụ chống lại Việt Minh đều bị vu cáo là Việt gian và đem ra cầu Bến Phân ở Hạnh Thông Tây hạ sát, trong đó có Huỳnh Văn Phương, Trần Văn Thạch thuộc Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất (do đức Huỳnh Giáo Chủ cùng phe đệ tứ quốc tế sáng lập, qui tụ các đoàn thể Việt Nam Quốc Dân đảng, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Ðài, Tịnh Ðộ Cư Sĩ, Liên Ðoàn Thanh Niên Tiền Phong...)

Riêng nhóm đệ tứ quốc tế, hầu hết các lãnh tụ đều bị sát hại : Phạm Văn Hùm, Hồ Văn Ngà, Tạ Thu Thâu, Phan vVăn Chánh, Trần Văn Sĩ, Phan văn Hòa, Nguyễn Văn Sổ, Nguyễn Văn Tiên, Huỳnh Văn Soi, Nguyễn Văn Bạch...

Về phía Phật Giáo Hòa Hảo, Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã tổ chức thật qui mô một cuộc biểu tình đòi độc lập tại Cần Thơ vào ngày 8/9/1945. Quân đội, công an cảnh sát được lệnh đàn áp và giải tán đoàn biểu tình, bắn xả vào dân. Ðoàn biểu tình đã rút lui trong hỗn loạn vì không có súng tự vệ. Tiếp theo, Ủy Ban Hành Chánh tỉnh tung ra chiến dịch truy lùng gắt gao các cán bộ PGHH, khám đường Cần Thơ không đủ chỗ để giam. Nhiều cán bộ cao cấp đã bị xử tử như Huỳnh Thành Mậu, Trần Văn Hoành, Trần Văn Soái, Nguyễn Xuân Thiệp ; một số nhân vật khác như Chung Bá Khanh, Ðỗ Hữu Thiều, Võ Văn Thời... bị neo dưới sông cho chết ngộp. Riêng tại Long Xuyên, phe CS đã tiến hành những cuộc khủng bố ác liệt, số người bị chết lên đến hàng chục ngàn người.

- tại miền Trung : nhiều nhà ái quốc không chịu tham gia CS đệ Tam đã bị thủ tiêu như các cụ Phạm Quỳnh, Ngô Ðình Khôi, Ngô Ðình Nguyên, Võ Như Nguyên, Phan Thúc Ngô, Tôn Thất Ðạt, Nguyễn Bá Trác, ... Tất cả đều bị giết một cách tàn nhẫn (18).

Tạm kết

Sau những cuộc tàn sát đẫm máu, Hồ Chí Minh và đảng CSVN đuổi được giặc Pháp nhưng chỉ giành được quyền thống trị tại miền Bắc. Hiệp ước 1954 ngăn đôi đất nước, giới hạn quyền lực của đảng CSVN ở miền Bắc nhưng không giới hạn được lòng tham của Hồ Chí Minh khi nhìn về miền Nam, một miền đất trù phú. Và cứ thế mà đi, cứ tiếp tục phục vụ cho chủ nghĩa bành trướng của đệ tam quốc tế, Hồ Chí Minh đã hạ lệnh Nam Tiến bằng mọi cách.

Với khẩu hiệu "Sinh Bắc Tử Nam", con đường "bác" đi (là con đường bi đát) đã vùi thây không biết bao thanh niên miền Bắc dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, con đường mang tên "bác" ; Chính sách tập kết sâu hiểm của "bác" đã làm cho bao nhiêu gia đình ly tán, nhiều người còn ở lại trong Nam về sau đã bị CS ép làm nội tuyến ; Tết Mậu Thân 1968 với những cuộc tàn sát dã man chắc hẳn không ai có thể quên...

Trong đoạn cuối bài "Miền Nam trong trái tim người" còn nhắc đến di chúc của Hồ Chí Minh với nhiều chi tiết thêm rợn người : "Người đã đề ra trong di chúc những việc làm cần thiết khi miền Nam giải phóng : "Ðiều đầu tiên là công việc đối với con người". Và đàn em của ông đã thực thi lời di chúc này, như lời của Nguyễn Khắc Viện tuyên bố sau khi công cuộc "giải phóng miền Nam" thành đạt : "Có ba điều khẩn thiết cho miền Nam. Thứ nhất là cải tạo, thứ nhì là cải tạo, thứ ba là cải tạo" !(19)

Thanh Thảo

Chú thích :
(1) "Nhà Cách Mạng Nguyễn Thế Truyền" của Ðặng Hữu Thụ - trang 125;
(2) "Mặt Thật" của Bùi Tín - trang 95;
(3) Tài liệu của ông Hoàng Văn Chí : From colonialism to communism - A case history of Vietnam", New York : Frederick A. Praeger, 1964, tr. 40;
(4) Hồi ký "Cuộc Ðời Cách Mạng" của Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể, Sài Gòn, 1968, tr.121;
(5) Phan Bội Châu Niên Biểu;
(6) "VN Quốc Dân Ðảng" của Hoàng Văn Ðào, in lần thứ 2, Westminster, Cơ sở xuất bản Yên Bái, năm 1990, tr. 108;
(7) "Giọt nước trong biển cả" của Hoàng Văn Hoan, Bắc Kinh, 1986, tập 1, tr. 105;
(8) Hoàng Văn Ðào, sđd, tr. 29;
(9) Hoàng Văn Hoan, sđd, tr. 134, 135;
(10) D.R.V, "Vietnam Studies" No 24, Hà Nội, Foreign languages Publishing House, 1970, tr. 129;
(11) "Những Năm Tháng Không Thể Nào Quên" của Võ Nguyên Giáp, Hà Nội : nxb Quân Ðội Nhân Dân, 1975, tr. 61, 62;
(12) "Giọt nước trong biển cả" của Hoàng Văn Hoan, Bắc Kinh, 1986, tập 1, tr. 237;
(13) "Histoire du Vietnam de 1940 à 1952" của Philippe Devillers, Paris, Editions du Seuil, 1952, tr. 103;
(14) Những Bí ẩn Lịch Sử Ðàng Sau Cuộc Chiến Việt Nam của Lữ Giang, tr. 132;
(15) Hoàng văn Ðào, sđd, tr. 213;
(16) Robert Shaplen, "The enigma of Ho Chi Minh, The Reporter, ngày 27/1/1955, tr. 13;
(17) Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Hà Nội, nxb Sự Thật, tr. 560;
(18) "Cụ Võ Bá Hạp và phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20" của GS Nguyễn Lý Tưởng;
(19) Tập Trung Học Tập Cải Tạo của Bửu Lịch, báo Việt Nam Dân Chủ số 31, tr. 15.

http://www.lmvntd.org/vndc0599/bai05.htm

Aucun commentaire: