mercredi 13 juin 2007

HCM: Thần tượng còn được tôn sùng hay vướng bận chưa tiện dẹp bỏ

HCM: Thần tượng còn được tôn sùng hay vướng bận chưa tiện dẹp bỏ
Hà Tường Cát

Nhật Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, số ra ngày Thứ Tư đăng tin “Kỷ niệm trọng thể 115 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh” (19 Tháng Năm) bằng một buổi lễ tại Hội Trường Ba Ðình Hà Nội, với sự hiện diện của tất cả các giới lãnh đạo cao cấp chính quyền và đảng. Các thành phố và địa phương cũng không thể thiếu những lễ nghi tương tự được coi như bổn phận, nếu các giới chức cầm quyền ở những nơi này không muốn tự tạo cho họ sự phiền toái tới mức độ khó lường.

Giống như vậy, trong mấy ngày qua người ta đều thấy trên tất cả những tờ báo và cơ quan truyền thông ở Việt Nam một vài bài nói đến Hồ Chí Minh mà xem kỹ nội dung thì không ngoài những ngôn ngữ quy ước có tính cách chiếu lệ. Ðiều dễ hiểu là ở Việt Nam cho đến nay chưa ai dám nói hay bày tỏ thái độ gì khác hơn đối với một thần tượng đã được đưa lên vị trí bất khả xúc phạm.

Trong thực tế, ngày nay Hồ Chí Minh không còn ở vai trò một vị thánh trong chế độ như 30 năm trước. Không ai dám công khai cho phép dẹp bỏ, và cũng không còn sự cưỡng bách bất thành văn về việc mỗi gia đình phải treo hình “Bác Hồ” ở một vị trí cao trọng nhất trong nhà. Cách ứng xử tùy tiện ấy dần dần đưa đến tình trạng Hồ Chí Minh chỉ còn là một biểu tượng chưa thể cất bỏ nhưng cũng không cần phải luôn luôn nhắc nhở đến trong xã hội “xã hội chủ nghĩa theo đường hướng kinh tế thị trường”.

Tuy nhiên trên một mặt khác, thần tượng Hồ Chí Minh vẫn còn được duy trì như một nhu cầu cho chế độ, hay nói đúng hơn là cho những giới cầm quyền nhân danh chế độ mà ông Hồ là người đã tạo dựng. Sau khi thành công trong việc thực hiện được mục tiêu thống nhất đất nước, thì thất bại rõ ràng nhất của Ðảng Cộng Sản và nhà nước Việt Nam là dần dần mất hẳn sự tin tưởng từ dân chúng về khả năng của họ trong việc kiến thiết trong hòa bình và đem lại thịnh vượng. Ðồng thời trong thành phần lãnh đạo sau này thiếu hẳn một nhân vật lãnh tụ có uy tín tầm cỡ như Hồ Chí Minh. Ðể bù đắp vào khoảng trống lãnh đạo ấy, họ phải cố gắng nuôi giữ hình ảnh “Bác Hồ” đã được huyền thoại hóa để trình bày với dân chúng, và cũng là để duy trì mối dây liên kết giữa họ khi còn bám víu lấy vị trí hiện nay.

Phương cách ấy chưa hẳn đã có hiệu quả khi càng ngày người ta càng phanh phui ra nhiều điều giả dối đã được tô vẽ cho nhân vật Hồ Chí Minh. Ðến nay hầu như chẳng có chuyện gì ở ông Hồ đã là chuyện thật. Ngày sinh 19 Tháng Năm của ông chẳng đúng. Ðời sống khắc khổ của ông đáng nghi ngờ, ông không có vợ chính thức nhưng ít nhất cũng có một vài người con hoang. Ðạo đức của ông phải đặt thành vấn đề qua vụ quan hệ với Nguyễn Thị Minh Khai hay một cô cán bộ tên Xuân sau này bị thủ tiêu ở Hà Nội. Quá trình “ra đi tìm dường cứu nước”, lưu vong ở Âu Châu và Trung Quốc, có nhiều chi tiết đáng nghi ngờ. Những lời nói được coi như khuôn vàng thước ngọc của ông đều là giả dối hoặc vay mượn đánh cắp của cổ nhân hay người ngoại quốc. Ngay cả đến bản chúc thư ông để lại cũng có nhiều nghi vấn. Vì vậy sự cố giữ hình ảnh huyền thoại, và sự không thể mãi che giấu những chuyện giả tạo là hai mặt mâu thuẫn cho việc sử dụng thần tượng Hồ Chí Minh của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam hiện nay.

Nhưng cũng chưa thể dẹp bỏ thần tượng này vì những ấn tượng đã được truyền bá quá sâu rộng và lâu đời vào trong quần chúng. Hơn nữa còn rất nhiều chứng tích cụ thể từ “lăng Bác Hồ”, nhà bảo tàng ở thủ đô, cho đến hàng ngàn tượng đài, hình ảnh ở khắp mọi nơi trên toàn quốc. Cuối năm ngoái, Vladimir Yarygin, trưởng một phái đoàn khoa học y học Nga trong chuyến đến thăm Hà Nội đã nói rằng các chuyên viên Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chí Minh như đã làm từ 35 năm qua. Mới đây phủ thủ tướng Việt Nam đã ban hành quyết định “Phê duyệt quy hoạch tượng đài Chủ Tịch Hồ Chí Minh cho đến năm 2010” tại một số địa phương trên toàn quốc.

Ðối với giới trẻ thì nhân vật Hồ Chí Minh chẳng thể có một tác dụng hay ảnh hưởng gì đáng kể. Học sinh ở Việt Nam vẫn còn phải học những điều đã xói mòn và nhàm chán về “Bác Hồ” chẳng có liên quan thực tế gì đến cuộc sống của họ trong xã hội mới. Giới trẻ Việt Nam hải ngoại biết đến Hồ Chí Minh - dù qua bất cứ cách trình bày với quan điểm trái ngược nào - thì cũng chỉ thấy như một nhân vật xa vời của một thời đại đã đi qua.

Các nhà sử học và quan sát viên ngoại quốc thường có một cách nhìn khác về Hồ Chí Minh. Tùy theo cách thâu thập dữ kiện, phân tích và nhận định, họ cố gắng đi đến chỗ cân nhắc Hồ Chí Minh là người yêu nước hay kẻ phản bội dân tộc chỉ phục vụ cho mục tiêu của quốc tế cộng sản. Người Việt Nam ít chia sẻ những quan điểm ấy bởi vì trong thế hệ đã trải qua thời đại Hồ Chí Minh và đảng của ông, sự phân chia ranh giới quốc-cộng vẫn còn sâu đậm. Ðối với dân chúng đã sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa và người Việt tị nạn bây giờ thì ông Hồ chỉ là một tội phạm. Mọi hình thức và chiêu bài mà ông sử dụng chỉ là những thủ đoạn mà hậu quả gây ra là cuộc nội chiến tương tàn và sự tụt hậu của đất nước.

Nhìn theo chiều dài lịch sử, có lẽ thành tích lớn nhất của Hồ Chí Minh, nếu có thể gọi như vậy, lại là điều mà ông hay những kẻ theo ông đã không bao giờ ngờ đến. Quá trình “ra đi tìm đường cứu nước” của ông cuối cùng chỉ gây ra những tổn hại và tang thương lớn lao cho dân tộc. Nhưng hệ quả không tính được của nó là sự trốn chạy những thảm họa này đã đem người dân Việt Nam đến hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Chủ trương đường lối của Hồ Chí Minh là quốc tế vô sản, thế giới đại đồng, nhưng kết quả lâu dài nhất lại là quốc tế hóa dân tộc Việt. (H.C.)

(Theo Web Người Việt online)
(Wednesday, May 18, 2005)

Aucun commentaire: