mercredi 13 juin 2007

Di Sản Hồ Chí Minh

Di Sản Hồ Chí Minh
Trần Viết Ðại Hưng

Hồ chí Minh qua đời đã được 35 năm nhưng di sản ông để lại cho đất nước Việt Nam vẫn có những dấu ấn chưa phai mờ. Từ chuyện mượn thế lực của Quốc tế thứ ba để chống lại Pháp và sau này là Mỹ, với bản chất ít học, ông đã sa lầy vào ý thức hệ Mác – Lênin khi xây dựng một chính quyền dựa trên học thuyết phản khoa học và phi dân chủ này. Bộ máy nhà nước nặng nề do Hồ chí Minh xây dựng nên, qua năm tháng đã lộ ra những khuyết điểm tệ hại tronng chuyện phát triển đất nước. Trong thời kỳ chiến tranh, vì tất cả mọi người dân đều mang tâm niệm hy sinh nên mọi chuyện đều " chín bỏ làm mười ". Miền Bắc sau 1954 và miền Nam sau 1975 mới mở mắt cho người dân thấy chế độ Cộng sản là một chế độ cực kỳ tàn ác, phi dân chủ. Chế độ toàn trị này cứ nghĩ là với bạo lực chuyên chính và tù đày độc ác, nó sẽ tiêu diệt mọi mầm mống chống đối. Lúc đầu người ta nghĩ sự chống đối của những người đấu tranh đối với nhà cầm quyền Cộng sản là một chuyện làm " trứng chọi đá ", nhưng dần dà qua năm tháng đã cho thấy nhà cầm quyền ngày càng bị dồn vào chân tường vì bị thế giới cô lập và nhân dân oán trách, phẫn nộ và dã có những cuộc biểu tình và nổi dậy xảy ra. Muốn biết cái di sản mà Hồ chí Minh để lại cho đất nước Việt Nam tệ hại ra sao thì không thể nhắc đến những sự ghi nhận của Học giả Nguyễn hiến Lê trong Hồi ký ( tập 3) của ông và những lời tâm sự của cựu Trung tướng Trần Ðộ với Lữ Phương ( trích trong " Nhật ký Rồng rắn " ) .

Thật ra trước Nguyễn hiến Lê và Trần Ðộ cả nửa thế kỷ đã có Học giả Hoàng văn Chí trong cuốn sách " Từ thực dân đến Cộng sản " và Sử gia Trần trọng Kim trong hồi ký " Một cơn giớ bụi " đã vạch rõ những cái tàn bạo, vô đạo và phi dân chủ của chế độ Cộng sản do Hồ chí Minh cầm đầu. Học giả họ Hoàng và Sử gia họ Trần đã nhìn thấy cái bản chất dối trá, độc ác, côn đồ của chế độ Hồ chí Minh ngay từ trong những tháng năm kháng Pháp chứ không phải đợi cho chế độ đó được lập nên sau chiến tranh, khuyết điểm lộ hẳn ra mới phê phán như Trần Ðộ và Nguyễn hiến Lê

Học giả Nguyễn hiến Lê ở miền Nam, chỉ biết mùi Cộng sản sau 30 tháng 4 năm 1975. Sau mấy năm sống dưới chế độ hà khắc Cộng sản, ông đã đưa ra những nhận định chính xác như sau:

" Thất bại lớn nhất, theo tôi, là không đoàn kết được quốc dân. Tháng 5-1975, có ít nhất là 90% người miền Nam hướng về miền Bắc, mang ơn miền Bắc đã đuổi được Mỹ đi, lập lại hòa bình, và ai cũng có thiện chí tận lực làm việc để xây dựng lại quốc gia. Nhưng chỉ sáu bảy tháng sau, cuối 1975 đã có đa số người Nam chán chế độ ngoài Bắc, chán đồng bào Bắc. Tôi nhớ như ở phần trên tôi đã nói năm 1976, trong một cuộc hội nghị ở Sài gòn, bàn về vấn đề thống nhất quốc gia, một học giả lão thành miền Bắc, ông Ðào duy Anh ( đã có hồi sống ở Nam nhiều năm, có nhiều bạn thân ở Nam) khi được mời phát biểu ý kiến, chỉ nói một câu đại ý là thống nhất cái gì cũng dễ; quan trọng nhất là phải thống nhất nhân tâm đã. Cả hội trường sửng sốt và làm thinh.

Ông Anh đã nhận xét đúng và dám nói

. Quả thực là lúc đó có sự chia rẽ nặng giữa người Nam và người Bắc, Nam đã không muốn thống nhất với Bắc rồi. Từ đó, tinh thần chia rẽ cứ mỗi ngày mỗi tăng, năm nay ( 1980) có thể nói 90% người miền Nam hay hơn nữa, muốn tách khỏi miền Bắc.

.. Ðiểm thứ nhì làm cho chúng ta thất vọng là xã hội còn bất công hơn thời trước nhiều.

Marx và Lénin muốn tạo một xã hội không có giai cấp, công bằng, bình đẳng. Nhưng Staline cho sự bình đẳng là " không xứng " ( indique) với một xã hội theo chủ nghĩa xã hội ( Kravchenko, J’ai choisi la liberté. Trang 114 ( seft-1948).), và ở Nga, nhà bác học Sakharov ( trong một bài báo đã dẫn ) thì năm 1972 xã hội đã bất bình đẳng mà còn bất công. Không còn tình trạng tư bản bóc lột thợ thuyền, nhưng giai cấp lãnh đạo được hưởng rất nhiều quyền lợi còn giai cấp công nhân thì sống thiếu thốn. Cây quạt lương bổng ( eventail des salairs) vẫn mở rộng, có phần còn hơn ở các nước tư bản; nói cách khác, lương giữa một viên giám đốc với một thợ không chuyên môn còn cách biệt rất xa, hơn ở phương Tây. Kravchenko trong cuốn đã dẫn cũng phàn nàn rằng các đồng chí " bự" ( grosses légumes) sống như ông hoàng, có phòng ăn riêng, thức ăn riêng, tiệm mua dược phẩm riêng, thợ hớt tóc riêng, nhà thương riêng, cầu tiêu riêng..cái gì cũng riêng,và ông ta chua xót thấy cách bóc lột thời ông bất lương hơn thời Nga hoàng ( trang 525, 105).

Ở nước mình cũng như Nga, không còn cái tệ tư bản bóc lột thợ thuyền; chế độ lương của mình còn hơn Nga là không có sự cách biệt rất xa giữa cấp cao và cấp thấp : công nhân viên mới vô được khoảng 40 đồng một tháng, kỹ sư mới ra trường được khoảng 55 đồng, giám đốc khoảng 150 đồng, bộ trưởng 200 đồng; nhưng các cán bộ cao cấp cũng được hưởng rất nhiều quyền lợi, tha hồ mua thưc ăn, đồ dùng đủ thứ với giá chính thức; nghe nói có trường hợp vợ họ mua về bán chợ đen; và một người Nga hay Ðức đã phải bảo lương những cán bộ tuy chỉ có 200 đồng mà sự thực họ được hưởng ít nhất là 2000 đồng. Thủ tướng Phạm văn Ðồng có lần đề nghị sửa đổi chế độ lương bổng : tăng lương cho những cấp trên, nhưng sự phân phối nhu yếu phẩm thì đồng đều; đề nghị đó bị đảng bác bỏ.

Có người nói một số " ông lớn " đi đâu cũng có người hầu xách bình nước sâm Cao ly để ông lớn uống thay trà; một ông nọ luôn luôn có một bác sĩ ở bên và một thiếu nữ quạt hầu vì ông không chịu được quạt máy. Tôi không biết những tin đó đúng hay không, chỉ biết những tin đó do " anh em cách mạng " đưa ra cả.

Một ông bạn tôi bảo có vô nhà thương mới thấy có cả chục ( sic) giai cấp bệnh nhân, tùy giai cấp mà được ở phòng nào, khám bệnh ra sao, trị bệnh ra sao, cấp thứ thuốc nào v..v..

Người chết cũng phân biệt giai cấp khi đăng cáo phó: cán bộ thường thì được mấy phân trên cột báo, cán bộ bự thì được mười mấy phân; lời cáo phó cũng theo những tiêu chuẩn riêng. Ðúng là đường lối Staline.

Sài gòn được giải phóng vài năm thì ta thấy xuất hiện ngay một hạng giàu sang mới nổi, thay thế bọn giàu sang thời Thiệu, và cũng thích những xa xí phẩm ( áo hàng thêu, hột xoàn, máy điều hòa không khí v..v) của thời Thiệu. Tiền đâu mà họ mua những thứ đó nhỉ ?

Sự bất công chướng nhất, tàn nhẫn nhất là lương công nhân viên từ 1975 cứ đứng yên trong khi sự phân phối nhu yếu phẩm giảm đi gần hết, chỉ còn gạo, bo bo là tạm đủ, nhất là trong khi mãi lực của đồng bạc năm 1980 chỉ còn 1/10 năm 1975; thành thử lương một công nhân viên chỉ đủ để mua củi chụm, lương một bác sĩ mới ra trường chỉ đủ để mua rau muống ăn. Khắp thế giới không đâu có chế độ lương bổng kỳ cục như vậy ( Tháng 7 năm 1981, lương đã được tăng gấp hai , nhưng chính phủ cho tay này thì lấy lại bằng tay khác : giá nhu yếu phẩm, vé xe đò, tem gởi thư.. cũng tăng lên như vậy, có thứ tăng gấp 10 nữa ). Người nào cũng phải bán đồ đi mà xài, nhờ cha mẹ giúp đỡ, nếu không thì phải xoay xở mọi cách, làm sao sống được thì làm, chính phủ không biết tới. Một cán bộ ở Hà nội đã phàn nàn, " Người ta có rất nhiều quyền hành mà không có một chút tinh thần trách nhiệm nào cả. Thật lạ lùng ! " Kravchenko ( trang 185) nói chính phủ Nga bắt dân đói để dân biết phép chính phủ mà phải răm rắp tuân lệnh. Ở nước ta không đến nỗi như vậy, có áp dụng chính sách đó thì chỉ áp dụng cho những kẻ thù của chế độ thôi, tức bọn ngụy quân ngụy quyền còn ở trong một số trại cải tạo.

Không ai có trách nhiệm mà tinh thần bè phái quá nặng, nên không có kỷ luật, dưới không tuân trên, loạn.

...Vì mất kỷ luật, cho nên thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự : ở miền Nam trốn tới 90%, có nơi cả 100% mà vẫn sống yên ổn. Bắt được họ, đưa họ ra mặt trận, họ lại trốn nữa. Không thể giam hoài họ được, gạo đâu mà nuôi ? Họ sống yên ổn ngay ở làng vì chỉ cần đút lót cho công an là êm. Còn nạn đào ngũ thì toàn quốc tới 25% . Trước kia người ta hy sinh để giành độc lập; bây giờ độc lập rồi lại đánh nhau với nước an hem, người ta không hăng hái nữa.

….. Sự thất bại hiển nhiên nhất của chế độ này là sự suy sụp của kinh tế mà tôi đã trình bày sơ lược ở trên. Hậu quả là Việt Nam trước thế chiến tự hào là " tiền rừng bạc bể " , có những đồng lúa, đồn điền cao su mênh mông ở miền Nam, những mỏ than, mỏ phốt phát phong phú ở miền Bắc mà bây giờ thành một trong vài nước nghèo nhất thế giới.

….. Nhiều người vào Sài gòn thăm bà con, khi ra vơ vét đủ thứ, từ cây đinh, khúc dây chì, lon sữa, ve chai.. đem ra, vì ở ngoài đó thường cần dùng tới mà không kiếm đâu ra. Họ cho miền Nam này là thiên đường.

Nhưng một người Ba lan trong Ủy ban kiểm soát quốc tế năm 1975 bảo chỉ trong 5 năm, miền Nam sẽ " đuổi kịp miền Bắc ", nghĩa là nghèo như miền Bắc. Lời đó đúng, rất sáng suốt. Nếu không nhờ mấy trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gởi tiền, thuốc men, thực phẩm, quần áo..về giúp bà con ở đây thì chúng ta hiện nay cũng điêu đứng như anh em miền Bắc rồi.

.. Khổ nhất là bọn đi kinh tế mới, thất bại, tiêu tan hết vốn liếng, về Sài gòn, sống cảnh màn trời chiếu đất, ăn xin, moi các đống rác hôi thối, lượm một miếng giấy vụn, một túi ni lông, một miếng sắt rỉ, một quai dép mủ..để bán cho " ve chai" . Trông thấy đống túi ni lông được rửa qua loa trong nước dơ rồi phơi ở lề đường để bán cho tiểu thương đựng hàng, tôi ghê tởm quá.

.. Phải, lâu rồi thì quen đi. Nếu tình trạng không thay đổi thì chỉ mươi năm nữa, toàn dân sẽ quen đi, không thấy gì là bẩn nữa. Hiện nay ở trong Nam đã nhiều nhà để bụi đóng đầy bàn ghế – mà trước đây họ sống rất sạch – mạng nhện giăng đầy trần, còn dân thị xã thì đã quen với cảnh bốn năm người cùi nằm trên đường đưa tới chợ, lăn ở giữa chợ để xin ăn.

Câu " nghèo cho sạch, rách cho thơm " của ông cha, chúng ta không giữ được vì chúng ta nghèo tới mức không thể ở sạch được.

.. Ðiều đáng ngại nhất là sa đọa về tinh thần, tới mất nhân phẩm.

Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút…..

..Nếu một cán bộ nào bị dân tố cáo nhiều quá thì người ta cũng điều tra, đưa cán bộ đó tới một cơ quan khác ( có khi còn dễ kiếm ăn hơn cơ quan cũ ), đem người khác ( cũng tham nhũng nữa )lại thay. Ít tháng sau dân chúng nguôi ngoai rồi, người ta lại đưa kẻ có tội về chỗ cũ. Người ta bênh vực nhau ( cũng là đảng viên cả mà ) vì ăn chịu với nhau rồi. Dân thấy vậy, chán, không phí sức tố cáo nữa. Có người còn bảo : " Chống chúng làm gì ? Nên khuyến khích chúng sa đọa thêm chứ để chúng mau sụp đổ ."

.. Tóm lại bao nhiêu cái xấu xa thời trước vẫn còn đủ mà có phần còn tởm hơn nữa.

Trong một xã hội như vậy, con người dễ mất hết nhân phẩm, hóa ra đê tiện, tham lam, bất lương, nói láo, không còn tình người gì cả.

.. Sống dưới chế độ Cộng sản, con người hóa ra có hai mặt như Sakharov đã nói : chỉ giữa những người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia. Ngay một phó viện trưởng cũng làm việc điểm chỉ đó mà bạn trong viện không hay. Dĩ nhiên kẻ kiểm soát đó lại bị người khác kiểm soát lại. Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám đó.

… .. Tất cả chỉ tại cái lệ chính phủ định giá, định lương rẻ quá không cho dân đủ sống, dân phải tự xoay xở lấy, bóc lột lẫn nhau. Cổ kim chưa một xã hội nào phi lý như vậy. Vì biết mình phi lý nên có nơi chính quyền làm ngơ cho bác sĩ làm ăn, cho phép các giáo viên ngụy dạy thêm tại nhà.

Nói cho ngay, thời nào trong xã hội cũng có một số người lương thiện. Và ông Phạm văn Ðồng đã nhận rằng thời này hạng đó thiệt thòi nhất. Tôi được biết một hai cán bộ trung cấp liêm khiết, chịu nghèo, nuôi heo thêm, chứ không tham nhũng. Gia đình họ phải ăn rau muống; quần áo thì vá đụp; có thể nói họ nghèo như các nông dân nghèo nhất thời xưa.

.. Ông Hồ chí Minh có lần nói, " Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải có con người xã hội chủ nghĩa " ( *). Con người vẫn là quan trọng hơn cả. Có chế độ tốt, chính sách tốt mà không có con người tốt thì cũng hỏng hết. Ai cũng phải nhận rằng tinh thần, tư cách đại đa số cán bộ càng ngày càng sa sút, hủ hóa mà xã hội chủ nghĩa mỗi ngày một lùi xa. Ông Hồ đã thấy trước cái mòi suy vi đó khi ông thốt ra lời trên chăng ? "

" Tôi nhớ đâu như Ðảng Cộng sản Việt Nam thành lập năm 1930. Ðến nay đã nửa thế kỷ, đã có mấy triệu người ở trong Ðảng và ngoài Ðảng cùng nhau hy sinh để mong xây dựng một tương lai tốt đẹp cho quốc gia, dân tộc ? Xương các vị đó gom lại, chất lên, chắc thành một ngọn núi cao lớn gấp 10 ngọn núi Nùng. Anh hồn các vị đó nếu linh thiêng, nhìn xuống tình cảnh dân tộc mình mà tôi mới phác họa vài nét trong chương 16 sẽ phẫn uất ra sao, có về dự lễ ngày hôm nay nữa không. Anh hồn của ông Hồ nữa ! Tất cả những người có tâm huyết tôi được biết, tuổi từ 50 trở lên đều có lời than thở như vậy. Thật bi thảm ! Ai ngờ đâu? "

( Trích Hồi ký Nguyễn hiến Lê tập 3.. từ trang 90 đến trang 108, trang 145 nhà xuất bản Văn Nghệ Hoa Kỳ)

Nguyễn hiến Lê là một học giả có uy tín của miền Nam và những nhận xét trích dẫn ở trên là những nhận xét trung thực của ông với tư cách của một người dân miền Nam mới sống chừng 5 năm trong chế độ Cộng sản ( 1975-1980). Mặc dù sự nhận định của ông ở trên chưa toàn diện và chính xác như những nhân vật đấu tranh cho dân chủ sau này lên tiếng, nhưng nhận định của ông được coi là tài liệu có giá trị.

Nguyễn hiến Lê là một người suốt ngày vùi đầu vào sách vở. Kiến thức ông bao la nhưng ông chưa có dịp để đụng chạm với những cay đắng, tráo trở của cuộc đời. Có thể nói ông là một thứ trí thức " tháp ngà". Trong những năm sống ở miền Nam, dù có diễm phúc hít thở một chút không khí tự do của miền Nam, ông vẫn bất mãn vì sự tham nhũng của những người lãnh đạo mất tư cách, xôi thịt của miền Nam và từ đó có những cảm tình với những anh em kháng chiến nói riêng và chế độ miền Bắc nói chung. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, sự thối nát và tàn bạo của chế độ mới đã mở mắt cho ông. Ông đã tự nhận mình là " đã quá ngây thơ " khi cho rằng chế độ miền Nam sụp đổ sẽ được thay thế bằng một chế độ cởi mở, dễ thở hơn. Kinh nghiệm xương máu mà ông rút ra được là " Muốn thấy chế độ đó ra sao thì phải sống dưới chế độ dăm năm. Ðó là bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng mà tôi và có lẽ cả 90% người miền Nam rút được từ 1975 tới nay. Muốn nghe ai phê bình, khen chê gì thì nghe, muốn đọc sách gì thì đọc, dù là người thông minh, chịu suy nghĩ, cũng chỉ biết lờ mờ một chế độ thôi. " Ðúng là có " thấy quan tài mới đổ lệ. " . Có nhìn thấy những thực tế phũ phàng, đau lòng trước mặt thì Học giả Nguyễn hiến Lê mới đưa ra những lời nhận định thành thật và sắc bén nói trên. Những nhận xét khách quan và trung thực này là loại tài liệu có giá trị để lại cho hậu thế sau này.

Có hai điểm chính yếu cần ghi nhận trong lời phê phán của Nguyễn hiến Lê. Thứ nhất là chế độ Cộng sản đã làm cho nền kinh tế kiệt quệ, làm cho đời sống người dân cơ cực đến nỗi không còn có thể " đói cho sạch, rách cho thơm " như ngày xưa nữa. Và " bần cùng thì sinh đạo tặc " . Những chuyện lường gạt, gian trá từ từ nẩy sinh trong một xã hội nghèo đói và dối trá ấy. Ðiểm thứ hai là sự băng hoại về tinh thần vì lối sống rình rập, báo cáo nhau trong xã hội miền Nam sau 1975. Con người phải sống hai mặt, giả trá đã thành một cách sống để có thể tồn tại trong xã hội Cộng sản. Nước Việt Nam với 4000 năm văn hiến với bao nhiêu thuần phong mỹ tục dần dần bị thui chột và mai một trong xã hội Cộng sản mà không biết đến bao giờ mới khôi phục lại được.

Cho nên di sản Hồ chí Minh để lại cho đất nước Việt Nam sau khi ông qua đời có thể nói là: một sự nghèo nàn cùng quẫn về kinh tế và tạo ra một lối sống giả trá lưu manh cho hầu hết mọi người trong xã hội. Người xưa có câu nói thật hay: Làm thầy thuốc sai thì giết chết con bệnh. Làm chính trị sai thì giết mất vài thế hệ. Làm văn hóa sai thì di hại đến nhiều đời. Chủ nghĩa Mác – Lê nin mà Hồ chí Minh đem về du nhập Việt Nam đã góp phần trong việc đánh thực dân Pháp và Mỹ, nhưng đau đớn thay, chính chủ nghĩa này đã gây không biết bao nhiêu tai họa cho con người Việt Nam. Hồ chí Minh đã vận dụng chủ nghĩa Mác để chống thực dân nhưng sau đó không đủ bản lĩnh và trí tuệ chia tay với chủ nghĩa hoang tưởng này để xây dựng đất nước. Hậu quả cái học thuyết Mác do Hồ chí Minh để lại trở thành cái di sản làm trì trệ cho bài toán phát triển đất nước. Con người mới nếu được đào tạo theo đúng khuôn mẫu con người xã hội chủ nghĩa của Hồ chí Minh là một con người bất cận nhân tình, tàn nhẫn, dối trá, lưu manh như bọn giang hồ của xã hội đen. Ðạo lý tối cao của lối sống xã hội chủ nghĩa là " lừa thầy phản bạn " , " thượng đội hạ đạp " sẵn sàng làm bất cứ điều vô liêm sỉ để đem lại sự " vinh thân phì gia " cho bản thân mình.

Trịnh công Sơn dù sống trong miền Nam yên bình trước đây để ca hát, buồn vui cũng đã có một cái nhìn đen tối, tiêu cực về viễn cảnh sau này của quê hương Việt Nam qua bài hát " Gia tài của mẹ "

" Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn
…...Gia tài của mẹ một bọn lai căng, gia tài của mẹ một lũ bội tình "

Ðến bây giờ mới thấy cái viễn cảnh "một nước Việt buồn", " một bọn lai căng " , " một lũ bội tình " do Trịnh công Sơn tưởng tượng ra cho quê hương là quá nhẹ so với những di sản ( cũng có thể coi là một thứ gia tài) do Hồ chí Minh để lại cho đất nước và con người Việt Nam, đó là một đất nước tan hoang, nghèo đói, một lối sống dối trá, lưu manh. Nói theo nhà thơ Nguyễn Duy thì bây giờ xã hội Việt Nam nói chung có 2 thứ điếm , " Ðiếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng. Ðiếm cấp cao bán miệng nuôi trôn.". Ai là người còn một chút gì nghĩ đến quê hương dân tộc lại không đau lòng khi thấy đồng bào mình đã biến thành điếm vì cơ cấu xã hội chủ nghĩa rèn đúc nên thế ! Nguyễn Duy nói tàn nhẫn, đau lòng nhưng sự thật hiện nay cho thấy đó là những lời nói trung thực, chính xác.

Nguyễn hiến Lê phê phán với tư cách của một người dân. Tuy ông nhìn ra những sai trái nhưng cũng chỉ là cái nhìn phiến diện bên ngoài, chưa đi sâu vào nguyên nhân và thực chất của bộ máy nhà nước Cộng sản Việt Nam. Có đọc những đoạn bút ký trong " Nhật ký rồng rắn " của cựu Trung Tướng Trần Ðộ tâm sự với người bạn Lữ Phương người ta mới thấy hết cái bản chất xấu xa, tệ hại của chế độ Cộng sản. Nên nhớ có lúc Trần Ðộ giữ chức " Trưởng ban văn hóa tư tưởng " trong Ðảng. Cũng chỉ vì có lương tâm, không chịu nổi những cái sai trái của Ðảng mà ông đứng lên phê phán. Ðảng không coi những lời phê phán của ông là xây dựng mà coi đó là một sự nói xấu, xuyên tạc và rốt cuộc là ông bị đuổi ra khỏi Ðảng. Bao nhiêu tâm huyết, máu xương thời thanh niên Trần Ðộ đổ ra để rồi chính Trần Ðộ đau lòng nhìn thấy cái chế độ mà ông góp phần xây dựng nên còn tệ hại và khốn nạn hơn rất nhiều cái chế độ mà ông không tiếc máu xương giật sập xuống. Thời tuổi trẻ ông theo Hồ chí Minh để đạp phá mọi bất công, san bằng mọi trở ngại để mong có ngày nhìn thấy một xã hội dân chủ, ấm no hạnh phúc. Ðau đớn thay, di sản Hồ chí Minh tức bộ máy nhà nước hiện tại, đã trở thành một con quái vật uống máu người dân không biết tanh, đối xử tàn tệ không chút tình nghĩa với những " khai quốc công thần " như Trần Ðộ. Ngày ông qua đời, tất cả những vòng hoa phúng điếu đều bị cắt xén lời thương tiếc phân ưu vì Ðảng không muốn người khác vinh danh một " tên phản động" như ông. Ðạo lý của chế độ Hồ chí Minh không chỉ căm thù , đầy đọa, tù đày kẻ đối lập khi họ còn sống mà còn phải đối xử tàn tệ với kẻ đối lập khi họ đã qua đời. Ðám tang Trần Ðộ bị rình rập, kiểm soát là một chứng minh điển hình nhất về cái lề thói ăn ở " lừa thầy phản bạn " của chế độ Cộng sản Việt Nam, một di sản để lại của Hồ chí Minh.

Những dòng tâm huyết của Trần Ðộ gửi Lữ Phương được đánh giá là những tâm sự chân thành thống thiết Trần Ðộ gửi lại cho đời trước khi bước qua thế giới bên kia. Tâm lý của Trần Ðộ là một tâm lý của một con người bị phụ bạc. Bao nhiêu năm đổ mồ hôi xương máu ra để xây đắp nên một chế độ để cuối đời nhìn thấy cái chế độ mình đã góp công tạo nên trở thành một thứ vật cản trong chuyện dựng xây dân chủ và phát triển cho quê hương Việt Nam.

Cần phải đọc và phận tích kỹ mới thấy cái tâm trạng đau đớn và bức xúc của Trần Ðộ, một người bị Ðảng Cộng sản đánh giá là phản bội trong khi chính Trần Ðộ mới là người bị phản bội.

Người đọc cảm thấy yêu quý Trần Ðộ nhiều hơn khi thấy ông có một tầm nhìn sáng suốt về những sai lầm bản chất của bộ máy nhà nước độc tài chuyên chế và tâm huyết dâng trào của ông tướng già này trước thực tế hoang tàn, đổ nát của non sông

THƯ GỬI ANH LỮ PHƯƠNG

Tết Tân Tỵ ngày 5 tháng giêng ( ngày 28.1.2001)

Nhân dịp Tết, tôi lục lại các bài viết cũ, đọc lại chơi, tiện thể lục được bức thư anh viết cho tôi từ đầu năm 1999, sau khi anh đọc xong 2 bài bút ký " Một cái nhìn trở lại " của tôi, và biết tin tôi đã bị ( hay được ) khai trừ.

Ngay từ trang đầu của thư anh, tôi thấy anh đã hiểu rõ tâm can tôi. Anh viết rằng " Nếu có một cái gì đó có ý nghĩa mà Ðảng cho anh, thì đó là cái lý tưởng cực kỳ tươi đẹp để anh đi vào tù đày và chết chóc thôi. Anh có bảo vệ Ðảng thì cũng chỉ bảo vệ cái lý tưởng đã trả bằng máu ấy. Chính với lý tưởng ấy, thái độ của anh là nhất quán trước sau. Trước đây Ðảng có một thời đẹp đẽ thì bây giờ anh muốn Ðảng giữ gìn mãi mãi điều đẹp đẽ ấy." Anh đã nói rất đúng tâm tư của tôi.

Tôi không có điều kiện để nghiên cứu sâu vào các vấn đề lý thuyết, tuy rằng tôi cũng đọc được và được nghe giảng khá nhiều nhưng tôi chỉ " vận dụng những ý tưởng có trong sách vào cuộc đời " , và nhìn vào thực tiễn của cuộc đời mà suy ngẫm. Tôi đọc lại bút ký của tôi, tôi lại càng thấy rõ té ra hơn chục năm nay, có thể cả mấy chục năm nay, tôi cứ trăn trở chỉ có một điều và vẫn cứ tiếp tục trăn trở về cái điều đó, càng ngày càng sâu sắc, càng ngày càng day dứt đau đớn. Cái điều đó tôi đã khái quát vào bốn câu mà anh có nhắc đến :

Những mơ xóa ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ác xóa đi thay bằng Cực Thiện
Tháng ngày biến hóa, Ác luân hồi.

Với tâm trạng ấy tôi rất tâm đắc với mấy câu trong bài thơ " Cay đắng thay " của Bùi minh Quốc .

Cái guồng máy nhục mạ con người
Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất
….. .....
Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính bộ máy này.

Tôi cứ nghiền ngẫm mãi cái cay đắng và mỉa mai đó và ngày ngày, tháng tháng đau khổ về cái cay đắng ấy.

Không biết đã bao nhiêu lần, tôi muốn giải đáp mấy câu hỏi …cay đắng ấy :

Cuộc cách mạng ở Việt Nam, rút cục đã xóa được cái gì, đập tan được cái gì ? và đã lập nên được cái gì, xây dựng được cái gì ?

Rõ ràng ta đã xóa được cuộc đời nô lệ mất nước, nhục nhã. Ðời sống nhân dân giảm được đói nghèo, dốt nát. Mới giảm được thôi, chứ chưa thoát được hẳn đói nghèo và " dốt nát " , nghĩa là ta còn quá lạc hậu.

Ta mới đập tan được bộ máy đàn áp, nô dịch, bóc lột, xóa được nỗi nhục mất nước và ta đã xây dựng được một bộ máy như thế nào? Những tiêu ngữ Ðộc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc, Dân Chủ Cộng Hòa,và mục tiêu một nước độc lập, thống nhất, hòa bình, dân chủ giàu mạnh đã thực hiện đến đâu ?

Trong các mục tiêu lý tưởng của ta thì lý tưởng lớn nhất, tha thiết nhất, bao trùm nhất là tự do dân chủ.

Nhưng hiện nay, ta đã có một bộ máy nhà nước có mấy đặc điểm:

_ To lớn, cồng kềnh, chồng chéo và do đó ít hiệu quả, nhiều mặt bất lực.

_ Làm được một số việc xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhưng quá kém trong việc đưa đất nước phát triển nhanh. Ðất nước ngày càng phát triển chậm chạp và tụt hậu xa so với các nước láng giềng trong khu vực.

_ Nổi bật lên là một bộ máy độc đoán, độc tài toàn trị, đàn áp thẳng tay các ý kiến khác. Có một đội ngũ " lưỡi gỗ " rất đông đảo, chuyên " ngụy biện " , " nói lấy được ", ‘ nói bừa bãi ", " trắng trợn " bất chấp lẽ phải, đạo lý và cả luật pháp, và có lúc dùng nhiều thủ đoạn như " lưu manh ".

Trong khi ấy, bộ máy đã tạo nên một xã hội không có tự do dân chủ, đầy tệ nạn tham nhũng, đầy tệ nạn xã hội, làm tất cả mọi người trong xã hội không lúc nào được yên tâm và thường xuyên lo lắng, sợ hãi. Ðó, ta đã xây dựng nên một bộ máy như vậy và một xã hội như vậy đó.

Bao nhiêu những điều tốt đẹp xuất hiện sau cách mạng tháng Tám, ta tưởng nó sẽ mở rộng và nâng cao thì nay tình hình lại phát triển ngược lại.

Từ một Ðảng chịu gian khổ hy sinh để giải phóng nhân dân, nay trở thành một Ðảng cầm quyền xa rời nhân dân, cai trị nhân dân, bắt nhân dân phải sống hết thảy theo ý của Ðảng : nhân dân bị tước hết mọi quyền tự do dân chủ. Tất cả quyền và lợi trong xã hội, thâu tóm trong tay Ðảng và cụ thể là trong tay một nhóm đảng viên có địa vị ở các cấp. Ðảng tự do yêu cầu dân đóng góp và tự do sử dụng mọi sự đóng góp của dân, không có tổ chức và lực lượng nào giám sát và kiềm chế.

Ðảng nói những lời hay, làm ra Hiến Pháp và luật pháp có nhiều điều hợp lý, nhưng bộ máy của Ðảng đều làm ngược lại Hiến pháp và luật pháp, bất chấp đạo lý.

Ðảng còn làm ngược lại Ðiều lệ của chính mình như tự nhiên đẻ chế độ cố vấn; Bộ Chính trị và Trung ương quyết định những điều cấm đoán đảng viên ngoài quy định của Ðiều lệ như là tước cả quyền công dân của đảng viên.

Ðảng luôn tạo ra một không khí khủng bố đối với bất cứ ai có chính kiến độc lập, làm cho xã hội khô cằn. Ðảng bưng bít và cấm tất cả những ý kiến dồi dào phong phú để đưa đất nước tiến lên.

Thế là Ðảng đã tạo ra ở Việt Nam một xã hội đầy tham nhũng, phản dân chủ ( vì độc tài độc đoán và toàn trị ), đầy dối trá lừa bịp ( vì nói một đàng làm một nẻo ), đầy thủ đoạn ( nịnh nhau, hất nhau và hại nhau ). Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, ở bất cứ người nào, ta cũng nghe thấy được những lời phàn nàn về sự không dân chủ, tàn bạo, lừa bịp, dối trá; về những hiện tượng lưu manh, hãnh tiến. Trong bút ký của tôi, tôi đã nói nhiều lần.

Trước 1945, xã hội ta có một bộ máy của thực dân phong kiến có đủ các đặc điểm của sự tàn bạo, dã man, của sự vơ vét, bóc lột và xa hoa hưởng thụ, của sự lừa bịp, dối trá, thủ đoạn đểu giả.

Tôi " trọn tuổi xuân hiến dâng cuồng nhiệt " để tham gia đập tan bộ máy đó và tích cực tham gia xây dựng bộ máy mới, mà ngày nay ta gọi là " của dân, do dân, vì dân", có những nét đẹp như trong những ngày đầu sau cách mạng tháng Tám 1945 và một xã hội trong đó mọi người thương yêu nhau, tôn trọng nhau. Tôi đã mơ ước những nét đẹp ấy sẽ được mở rộng và nâng cao tạo nên một xã hội lý tưởng.

Nhưng rồi...

Cái không giống với mơ ước thì nhiều và những cái giống với cái đã được đánh đổ thì lại càng ngày càng nhiều.

Và những gì trước đây ta khinh bỉ, chửi rủa và chống phá thì ngày nay những cái đó lại xuất hiện nhiều và ngày càng nâng cao.

Như vậy ta lại xây nên chính cái mà ta đã đập tan. Ta đã làm cho xã hội hiện nay lại có đủ các đặc điểm của bộ máy ta đã đập tan, của cái xã hội ta đã phá bỏ.

* * *
Bộ máy cai trị bây giờ ngày đêm chỉ lo xây dựng bộ máy tuyên truyền, lo cổ động rầm rộ, dùng những " lưỡi gỗ " xây dựng và truyền lan các thứ " lý luận" " nói lấy được", dùng mọi thủ đoạn lừa bịp, dối trá, ngụy biện để nhằm một một đích duy nhất là duy trì và giữ vững bộ máy cai trị mà họ gọi là " sự lãnh đạo của Ðảng " . Suốt năm suốt tháng họ tổ chức đủ thứ đại hội, kỷ niệm,lễ hội.. để làm cho mọi người đều thấy đang sống trên những thắng lợi, và mọi thắng lợi từ trước đến nay đều do bộ máy này tạo nên, dân phải biết ơn bộ máy này. Tất cả những ý nghĩ, tư tưởng chệch chút ít so với tư tưởng chính thống đều bị kết tội " chống đối " nặng nề.

Do đó, trong thực tế bộ máy phản dân chủ một cách trắng trợn, tinh vi và tàn bạo.

Ngày 5 tháng 2 năm 2001

Như thế là tôi cũng như anh, ta đứng trước một sự biến động, một sự biến chuyển và biến dạng, là một Ðảng từ một tổ chức gồm những con người chịu hy sinh gian khổ, phấn đấu để đập tan một bộ máy thống trị gian ác, giải phóng nhân dân, rồi sau khi đập tan được bộ máy ấy thì lại trở thành một bộ máy cai trị, thống trị nhân dân. Nói thật gọn, là từ người giải phóng biến thành kẻ thống trị. Khi là người giải phóng thì mọi nguyện vọng, mục tiêu, tâm lý và tình cảm là của người giải phóng, và khi là kẻ thống trị thì sẽ có đầy đủ nguyện vọng, mục tiêu, tình cảm và tâm lý của kẻ thống trị. Ðó là " cố giữ vững địa vị thống trị của mình " , tình hình ấy hình như không phải của riêng Việt Nam. Ðó là một biến chuyển tất yếu. Xem ra không ai cố ý, không ai có ý kiến trong việc này, không ai ( kể cả những người chủ chốt ) tự giác được trong quá trình chuyển biến này, tất cả đều bị cuốn vào sự vận hành của một cỗ máy khổng lồ.

Vậy đâu là nguồn gốc của sự biến chuyển này. Có thể nói sự biến chuyển này có nhiều nguồn gốc :

Có nguồn gốc thứ nhất là từ ở những học thuyết

Rõ nhất là học thuyết về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Học thuyết này được người vận dụng nó đưa tới những chủ nghĩa kinh khủng như " chủ nghĩa thành phần ", " chủ nghĩa công nông ", " chủ nghĩa lý lịch " .. Các thứ chủ nghĩa ấy làm cho học thuyết giai cấp bị méo mó thành bất nhân bất nghĩa. Ta có thể tin một cách chắc chắn rằng nếu Mác và Lênin ( là những trí thức lớn) còn sống đến bây giờ thì các ông tổ đó cũng không thể chấp nhận các thứ chủ nghĩa " vô học " đó.

Học thuyết ấy bị méo mó ngày càng lớn, càng cực đoan, nó thành ra kiểu Mao-ít, cao hơn nữa là kiểu Pôn Pốt, và trở thành những tội phạm ghê tởm của loài người.

May mà Việt Nam ta chưa đi tới chỗ đó.

Còn nhiều vấn đề học thuyết khác, nhiều cách lý giải những khái niệm không theo kịp sự biến đổi tiến bộ của nhân loại, vì không theo kịp mà thành ra sai lầm, thiếu sót. Những khái niệm cơ bản như " lao động", " bóc lột", " sở hữu "..cứ bị quan niệm như cũ, như thế tất phải đưa tới những cách xử lý cứng nhắc, không đúng và nhiều tai hại. Phải thấy rõ rằng những đầu óc giáo điều đáng ghê tởm biết là chừng nào !

Về nguyên lý tổ chức của Ðảng

Khi cần tổ chức Ðảng thành một Ðảng chiến đấu thì cần có những nguyên lý tổ chức thích hợp với hoàn cảnh chiến tranh và cách mạng. Những nguyên lý ấy không thể thích hợp với thời hòa bình xây dựng. Nhưng khốn thay, vẫn không có sự phân tích lại để điều chỉnh cho hợp lý. Vì vậy Ðảng Cộng sản Việt Nam vẫn cứ như mắc trong mớ bòng bong những mâu thuẫn khi đề ra yêu cầu cho đảng viên của Ðảng : lúc thì đảng viên phải làm giàu để làm gương cho mọi người, và cũng để bảo đảm cho cuộc sống gia đình, lúc thì lại cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân. Cho nên có những đảng viên làm kinh tế đã phải thốt lên, " Tôi phải ra khỏi Ðảng thôi " . Cái kiểu gò bó, bảo thủ, giáo điều tạo nên một lớp người khá đông đảo chỉ biết " ngu trung " ( nghĩa là trung thành một cách ngu xuẩn), mất hết óc xét đoán để tìm hiểu thực tiễn đời sống mới đang tiến triển mạnh mẽ, làm cho cả Ðảng bị rơi vào trạng thái tê liệt, tư duy ngày càng xa cuộc sống và do đó càng xa dân.

Xa dân mà lại cai trị dân thì ngày càng đối lập với dân.

Nguồn gốc thứ hai của tình hình biến đổi xã hội, đó là vai trò của những người có trách nhiệm chủ chốt..

Những người này càng về sau càng là những người ít học,lại ít được tôi luyện, thành ra những người thô sơ đơn giản. Những người đó có trách nhiệm lớn, nhưng lại vẫn mang đủ trong mình bản tính tiêu cực của người bình thường: hám lợi, hám danh, thích quyền, ích kỷ ..v.v. Vì thế, những người đó trở thành thủ phạm của mọi tội lỗi : dốt nát, quan liêu, tham nhũng, mất đoàn kết, bè phái . Ðó là những tội không sao xóa bỏ được, chỉ có ngày càng nặng thêm, và kết cục là toàn bộ cơ chế quyền lực không có một sức mạnh nào làm phanh hãm và giám sát nó. Sức mạnh giám sát ấy chỉ có thể là sức mạnh của một chế độ dân chủ. Dân chủ phải là vấn đề của một chế độ, chứ không phải chỉ là mấy cái công tác lặt vặt như " dân chủ cơ sở " , " lấy ý kiến việc nọ việc kia ", " ghi điều nọ điều kia vào Hiến pháp, nghị quyết và luật pháp " v..v

Ta không thể mơ tưởng có những ông Thánh để thực hiện những học thuyết và nguyên lý. Rút cục thì vẫn là những con người trần tục phải thực hiện các học thuyết ấy, mà con người trần tục thì có đầy đủ những " cái trần tục ", làm hỏng học thuyết. Phải có một chế độ, một cơ chế, một chiến lược dân chủ, có tác dụng hạn chế các tệ nạn quan liêu độc đoán và tùy tiện.

Sự vận dụng các nguyên lý của học thuyết và của tổ chức, tùy thuộc vào cá tính của những con người chủ chốt. Người lãnh đạo như Hồ chí Minh vận dụng các nguyên lý của học thuyết và nguyên tắc tổ chức có lẽ sẽ mang lại những hệ quả xấu hơn. Ngược lại những người không đủ trình độ và nhiều ham muốn cá nhân sẽ đưa đến những hậu quả ngày càng tệ hại.

Nguồn gốc là ở " trình độ " cộng với lòng " ham muốn quyền và lợi " của cá nhân, hai cách đó có lẽ là nguyên nhân quan trong nhất.

Những tình trạng yếu kém và khuyết điểm trong quản lý, cai trị và tình trạng xã hội không tốt đẹp. Không thể tìm nguyên nhân gần được, mà phải tìm từ nguồn gốc xa, ở chỗ Ðảng đã xây dựng nên một thể chế phản dân chủ và trọng quyền lực. Những câu chữ tốt đẹp như " nhà nước của dân, vì dân, do dân" và " cán bộ nhà nước phải là đầy tớ trung thành của nhân dân " chỉ còn là những câu nói mỉa mai, những cái màn mỏng manh che giấu các thói hám quyền tham lợi, chia chác và giành giật nhau ghế ngồi và danh vị.

Thật ra, cuộc cách mạng với những lý tưởng cao đẹp của nó đã bị phản bội. Trốtky là người đã nhận ra điều này ở Liên xô từ năm 1936. Tôi cũng dần dần thấy ra điều này từ vài chục năm nay.

Tôi không thể trung thành với sự biến dạng này.

Tôi vẫn cầu mong Ðảng này tự phê bình mà nhận ra sự thật. Như thế tốt cho Ðảng, và quan trọng hơn là tốt cho đất nước. Nhưng tôi lại cũng thấy rằng cái Ðảng này, với thể chế và trình độ của nó hiện nay, không thể, không dám, và không muốn tự phê bình. Cuộc vận động chỉnh đốn Ðảng có tự phê bình chỉ là một sự " gãi ghẻ " thôi.

Tôi không thể không trung thành với lý tưởng tốt đẹp của thời tuổi trẻ, thời Ðảng là người giải phóng. Phải chăng quy luật lịch sử các triều đại là cứ lúc bắt đầu thì nhiều tốt đẹp, tiến bộ thông minh, sáng suốt? Thế rồi có những thắng lợi được ca ngợi nhưng dần dần cứ sa sút, kém cỏi, dốt nát, sa đọa, xuống cấp dần, đi đến phản bội.

Cái triều đại Ðảng Cộng sản này cũng đang thế chăng ? Ðảng Cộng sản cứ để mình bị sa vào cái quy luật suy thoái ấy hay muốn cứu mình thoát khỏi sự suy thoái?

Ngày nay Ðảng này muốn bước ra khỏi con đường phản bội cách mạng thì phải :

Xác định cho đúng vị trí khiêm tốn của mình là một bộ phận của dân tộc, thực hiện lãnh đạo đất nước bằng cách tôn trọng tất cả mọi người, nhất là những người trí thức, những người tài năng có chính kiến độc lập.
Phải thực hiện đúng Hiến pháp, thực thi đầy đủ các quyền dân chủ, đặc biệt là dân chủ về tự do ngôn luận và tự do bầu cử, nhân dân được tự do làm ăn.
Phải để cho mọi tổ chức, từ Cính phủ, Quốc hội, Tòa án, cho đến các tổ chức xã hội như Mặt Trận Tổ Quốc và các tổ chức của nó có quyền độc lập quyết định những vấn đề và hoạt động của mình. Phải để cho công dân, nhất là thanh niên, được suy nghĩ độc lập, có tư cách độc lập. Muốn thế phải xóa bỏ quyền lực của cơ quan tư tưởng và văn hóa của Ðảng, thu hẹp quy mô, ảnh hưởng và định chức năng rõ rệt của các lực lượng Công an.

Nhà nước phải được chỉnh huấn về tư tưởng và tác phong " đầy tớ của nhân dân"

Ðảng phải tách khỏi nhà nước, không làm những việc thay cho nhà nước, thay Chính phủ, Quốc hội phải được thành lập bởi những người thực sự có đức, có tài và do dân thực sự lựa chọn vô tư, không có bất cứ sự " sắp xếp " và " hiệp thương " nào.

Cụ thể là phải sửa ngay Luật báo chí, xuất bản, công nhận quyền có báo và xuất bản tư nhân. Các báo chí có quyền độc lập của mình, không chịu sự " chỉ đạo " và kiểm soát của bất cứ cơ quan nào.
Ngày 21 tháng 2 năm 2001
Ðúng như anh nói, tôi có một quãng đời tươi đẹp, sống với những lý tưởng cao thượng, tốt đẹp và ở trong một Ðảng cũng rất cao đẹp.

Và tôi mong muốn cho những cao đẹp đó cứ tiếp tục mãi mãi và ngày càng cao lên.

Nhưng thực tiễn cuộc sống lại diễn ra ngược lại.

Ðảng Cộng sản từ một Ðảng người-giải-phóng đã trở thành một Ðảng cai trị, thực hiện một nền thống trị không dân chủ và phản dân chủ. Ðảng thực hiện độc tài và toàn trị. Ðảng thực hiện đúng cái mà Ðảng đã từng phê phán, đó là chế độ Ðảng trị. Có người không thích chữ Ðảng trị, nhưng chữ đó chỉ là phản ảnh và diễn tả đúng cái thực trạng mà Ðảng đã tạo ra, không hơn không kém.

Ðảng đang thực hiện một nền thống trị khe khắt, kiểm tra từng người trong toàn xã hội, kiểm soát và can thiệp mọi chi tiết trong cuộc sống của xã hội, và điều dã man và tàn bạo nhất là độc tài về ý thức hệ. Bất cứ một khác biệt nào đều bị quy vào là chống đối, là phản động, là tội phạm. Hệ quả của chế độ này là trong xã hội không ai dám nói khác, không ai dám có ý nghĩ khác, hoặc ít nhất thì dù có nghĩ một đàng cũng phải nói một nẻo. Như vậy, xã hội bao trùm một sự giả dối, lừa bịp, bao trùm một sự sợ hãi, bao trùm một sự tê liệt,về tư duy và cả về tình cảm. Ðã có một xã hội và một chế độ, mà tôi biết có người đã khái quát( chưa thật đúng nhưng cũng không sai).

Lưu manh hóa xã hội
Bần cùng hóa nhân dân
Nô lệ hóa con người
Bình quân hóa cá tính

Như vậy, văn hóa chỉ còn ngày càng tàn tạ và hư hỏng . Buồn thay ! Ðiều đó không chỉ có tai hại trước mắt, mà còn có tác hại làm suy thoái đời sống tinh thần của cả một dân tộc, một giống nòi.

Thực ra, chắc chắn giống nòi sẽ không để cho có sự sa sút và suy thoái ấy. Nhưng cái chế độ thống trị của Ðảng Cộng sản đẻ ra hậu quả như thế. Ðảng không nhận ra điều này mà tự đổi mới, tự cách mạng, tôn trọng chế độ dân chủ và sinh hoạt dân chủ thì Ðảng sẽ bị giống nòi và dân tộc khai trừ. Ðảng không thể cứ ngoan cố và đi sâu vào vũng lầy tội ác được. Ðảng đã từng coi quyền lợi dân tộc và đất nước cao hơn sinh mệnh của mình, chính vì vậy mà Ðảng làm cho dân tộc thắng lợi. Thế mà ngày nay, Ðảng lại coi sinh mệnh và vai trò của mình quan trọng hơn sự phát triển của đất nước, hơn cả cuộc sống của nhân dân, hơn cả sự nghèo khổ và tụt hậu của đất nước. Chắc chắn là Ðảng sẽ đi vào ngõ cụt của sự tàn lụi.

Tôi nhìn thấy rõ điều này, tôi lo và buồn cho Ðảng nhiều. Ðảng đã phản lại cả nguyên lý của Mác và của Lênin. Lênin chuẩn bị cho nhà nước đi đến chỗ tiêu vong, để nhân dân tự tổ chức quản lý. Còn Ðảng Cộng sản Việt Nam thì ngày càng tăng cường mở rộng quyền lực của nhà nước và bó khuôn tất cả nhân dân vào khuôn phép và ý nghĩ của mình, làm cái việc triệt tiêu mọi sức sống tinh thần của xã hội.

Anh có chia sẻ với tôi nỗi buồn và lo ấy không ???

Ngày 13 tháng 3 năm 2001

Có người nói : Ðảng là một dòng nước chảy, cái dòng nước Cách mạng tháng 8 và kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã chảy ra biển Ðông mất rồi. Giữa hai bờ của Ðảng hiện nay là dòng nước khác, những người lớn tuổi chúng ta chỉ có thể trung thành với cái dòng nước " ngày xưa " ấy. Tôi thấy hình ảnh ấy khá đúng.

Tôi vẫn không ân hận gì về tuổi trẻ và lý tưởng của tuổi trẻ, tôi vẫn tự hào với lý tưởng đó và tôi thấy tôi vẫn trung thành với lý tưởng đó, cũng như tôi tự hào và trung thành với cái Ðảng của thời xưa mà có người gọi là Ðảng của Hồ chí Minh. Tôi không phân vân chút nào với cái lòng trung thành và tự hào ấy. Tôi cho rằng bất kể sau này ai viết lịch sử Việt Nam thế nào cũng không thể không có những trang đẹp nói về quãng 30 năm và 70 năm ấy.

Còn ngày nay thì cứ phải trăn trở day dứt với hiện tình, không thể nào yên được.

Cũng có người trách tôi là sao không đưa ra được một đường hướng gì, có những biện pháp gì để khắc phục tình hình ngày nay mà đưa đất nước phát triển mạnh mẽ lên. Còn nói về những chuyện mất dân chủ và những tệ nạn khác thì mọi người biết cả rồi, mọi người đều " biết rồi, khổ lắm, nói mãi ".

Ai đó mà cứ mong có người nào đó đưa ra được một đường hướng và những biện pháp nào có hiệu quả ngay để tác động vào tình hình đất nước thì đó cũng là một điều ảo tưởng.

Tôi cũng đã được nghe và đọc nhiều những ý kiến đề nghị với đại hội 9. Tôi thấy rất nhiều ý kiến hay, nhưng ngay như riêng tôi muốn chấp nhận một ý kiến nào cũng khó lắm. Mỗi ý kiến đều có những điều phải trao đổi lại.

Tôi vẫn mơ ước có một sinh hoạt dân chủ thật sự, gạt bỏ mọi cấm kỵ, mọi khuôn phép, bỏ qua những gì gọi là " vấn đề nguyên tắc" mà tổ chức nhiều cuộc hội thảo nghe hết những ý kiến ngược nhau rồi tổ chức tranh luận. Cuộc phát biểu và tranh luận phải được tổ chức trên các báo, phải cho xuất hiện những tờ báo độc lập có những cây bút độc lập đề xuất và tranh luận. Có những cuộc tranh luận công khai và độc lập trên truyền hình.

Làm như vậy để cả nước nghe, cả nước bộc lộ ý kiến của mình.

Tôi thấy rõ như bản thân tôi, tôi có nhiều nhận xét về tình hình, nhưng tôi thấy có những người có những nhận xét hay hơn tôi và tôi cũng thấy rõ có nhiều nhận xét khác nhau thì thế nào cũng tìm ra được một đường lối, một chiến lược cho đất nước đi lên, và chắc chắn nó sẽ hay hơn nhiều cái văn kiện Ðại hội 9 mà báo chí đang làm rùm beng.

Tôi tin là như thế, anh Lữ Phương ạ ! "

TRẦN ÐỘ

( Trích trong " Nhật ký rồng rắn " )

Qua những lời tâm sự với người bạn Lữ Phương có tính chất phân tích ở trên, Trần Ðộ đã lột tả được gương mặt xấu xa nhầy nhụa của Ðảng Cộng sản đang cầm quyền hiện nay ở Việt Nam. Ông mơ ước đến một nền dân chủ thật sự đến với nhân dân Việt Nam, ai cũng có quyền đóng góp ý kiến để xây dựng đất nước. Sự bày tỏ của Trần Ðộ thật chân tình pha lẫn xót xa. Ðúng ra ông có thể an hưởng tuổi già nếu ông nhắm mắt bịt tai trước những sai lầm của Ðảng làm cho nhân dân bị đọa đầy đau khổ. Nhưng là vì một người có lương tâm và trách nhiệm, ông không thể làm ngơ và đã mạnh dạn lên tiếng phê phán những sai trái lỗi lầm của Ðảng trong bài toán xây dựng đất nước. Cái giá mà ông phải trả là bị đuổi ra khỏi Ðảng, bị cô lập cho đến khi qua đời.

Tuy nhiên trong những phê phán của Trần Ðộ đối với những sai lầm của Ðảng, không biết vì vô tình hay cố ý, ông đã bỏ qua hai sai lầm chí tử của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Thứ nhất là chuyện trả thù những sĩ quan và công chức miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cứ nhìn Ðảng Cộng sản tù đày, giết chóc những người miền Nam cùng chung máu đỏ da vàng thì cũng đủ biết Ðảng đã lệ thuộc vào ý thức hệ Mác ngoại lai như thế nào. Hàng ngàn người đã ngã gục trong những trại cải tạo độc ác khắc nghiệt ở chốn rừng sâu mặc dù chiến tranh đã chấm dứt, tiếng súng tiếng bom đã ngưng. Ðược nuôi dưỡng trong một ý thức hệ ngoại lai cổ võ hận thù, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã gây thêm tang thương cho dân tộc bằng cách trả thù giết chóc một cách có hệ thống những người miền Nam ngã ngựa. Dĩ nhiên trước đây còn nắm chức vụ cao trong trung ương Ðảng, Trần Ðộ làm sao không biết rõ chính sách tàn bạo trả thù này của Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhưng qua những bài viết của ông, ông chưa bao giờ đề cập đến vấn đề này. Phải chăng ông không dám nói đến tội ác tày trời này của Ðảng vì ông là một thành viên của Ðảng ấy và như vậy coi như ông cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về chuyện giết những người miền Nam trong bộ máy chính quyền miền Nam cũ sau 1975? Chuyện thứ hai là chuyện hiến đất dâng biển của Ðảng Cộng sản cho kẻ thù truyền kiếp Trung Cộng đã xảy ra trong lúc Trần Ðộ còn sống cũng không thấy ông đưa ra một lời phê phán nghiêm khắc nào về tội ác bán nước của Ðảng Cộng sản. Trần Ðộ chỉ nhìn thấy công giành độc lập của Ðảng Cộng sản mà không nhìn thấy tội bán nước của nó. Ngay từ thời Hồ chí Minh, Thủ tướng Phạm văn Ðồng đã gửi thư công nhận một số đất lãnh hải của Việt Nam là của Trung Cộng ! Những hậu duệ của Hồ chí Minh thời nay là Lê khả Phiêu, Ðỗ Mười, Lê đức Anh, Trần đức Lương , Phan văn Khải và đứa con rơi Nông đức Mạnh đã công khai bán nước cho Trung cộng ( có văn tự hẳn hoi) để mong Trung Cộng bảo vệ ngôi vị quyền lực của chúng. Ải nam quan của người Việt Nam đã trở thành Mục nam quan của Trung Cộng ( cái tên Mục nam quan là do Mao trạch Ðông đặt cho Ải nam quan hồi Mao còn sống ). Phải chăng tội ác bán nước này quá tồi tệ, xấu xa bị nhân dân nguyền rủa nên ông tránh né không lên án nhằm bảo vệ chút xíu thanh danh còn lại của Ðảng mà ông là đảng viên kỳ cựu? Riêng về Hồ chí Minh thì Trần Ðộ đã sai lầm khi cho chế độ Cộng sản trong những ngày Hồ chí Minh còn sống là một chế độ đẹp đẽ, dân chủ thật sự. Ông vẫn thường nhắc đến những ngày huy hoàng đó để tiếc nhớ một thời vàng son của quá khứ. Thật ra trong lúc Hồ chí Minh còn sống đã có cuộc cải cách ruộng đất kinh hoàng, đã có chuyện bắt bớ văn nghệ sĩ trong phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm, đã có nghị định cho phép bắt người không có trát tòa án. Có thể vì quá yêu quý Hồ chí Minh mà Trần Ðộ không nhìn thấy những điều đó chăng? Hay có thể ông dùng hình ảnh Hồ chí Minh như một ngôi sao sáng để làm điểm tựa mà phê phán cái Ðảng Cộng sản hiện tại, cho rằng Ðảng không làm đúng những điều răn dạy của Hồ chí Minh nên đã làm cho cả nước đi xuống, đạo đức ngày càng tệ hại, nhân phẩm con người ngày càng bị coi thường, chà đạp.

Có người cho rằng nếu Hồ chí Minh còn sống thì đã không có những trại cải tạo ở miền Nam được lập lên để đày ải, giêt chóc những người ngã ngựa miền Nam như bọn Lê Duẩn, Lê đức Thọ đã làm. Giả thuyết này cũng không đứng vững vì trong thời Hồ chí Minh còn sống có bao nhiêu người của chế độ Pháp thuộc cũ và những người có chút tài sản bị đọa đày, thủ tiêu trong những trại cải tạo ở miền Bắc. Hồ chí Minh tự tô vẽ mình là một con người đạo đức, giàu lòng nhân ái. Người ta chưa ai quên câu nói nhân nghĩa của Hồ chí Minh " Một ngày mà dân không có cơm ăn áo mặc là Bác ăn không ngon, ngủ không yên." Nhưng đánh giá những hành động ông làm lúc sinh thời thì không có gì đáng ghi nhớ. Phải nói ông là một thứ đạo đức giả không hơn không kém. Cái " đạo đức cách mạng " mà ông rèn luyện cho đảng viên và người dân là một thứ hành xử vô luân như chuyện con tố cha, vợ tố chồng trong cuộc cải cách ruộng đất. Ðó là thứ "đạo đức " mà ông không dám nhìn nhận hai đứa con rơi Nông đức Mạnh và Nguyễn tất Trung. Ðó là thứ " đạo đức " làm cho ông dửng dưng trước cái chết thảm khốc của người vợ Nông thị Xuân của ông. Chỉ riêng chuyện vô đạo đức về tình cảm này cũng cho thấy ông cũng khó xưng tụng là " anh hùng " như Lữ Phương đang cố gào thét. Nghĩa của chữ " anh hùng" bao giờ cũng bao gồm nghĩa vừa tài cao vừa đức độ. Còn có tài mà vô đạo , tàn ác thì chỉ được gọi là " gian hùng " như Tào Tháo ngày xưa và Mao trạch Ðông, Hồ chí Minh ngày nay. Nếu Hồ chí Minh giết hàng trăm ngàn dân vô tội trong cải cách ruộng đất thì Mao cũng giết vài triệu người trong cải cách văn hóa. Riêng thứ " đạo đức cách mạng " mà Hồ chí Minh vẫn thường rao giảng lúc sinh thời là thứ đạo đức giả, vô luân, lừa thầy phản bạn, lưu manh dối trá. Dân Việt Nam ngày nay tiêm nhiễm thứ đạo đức này cũng khá nhiều nên tạo ra một nếp sống dối trá, bất lương đến nỗi nhà đối kháng Hà sĩ Phu phải báo động là Việt Nam đang có một cuộc " Tổng khủng hoảng về nhân cách " trầm trọng.

Phải nhận thấy thêm một điều là Hồ chí Minh chống Pháp , Mỹ không giống như Trần hưng Ðạo chống Nguyên Mông, Lê Lợi chống Minh và Quang Trung chống Thanh vì con đường chống ngoại xâm của Hồ chí Minh đã nhuốm màu ý thức hệ. Rõ rệt nhất cho sự ảnh hưởng ý thức hệ này là câu nói đồng hóa lòng yêu nước với yêu chủ nghĩa của Hồ chí Minh , " Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội ". Ông chống Pháp nhằm mang lại độc lập cho dân tộc hay chống Pháp theo nhu cầu chống thực dân của Quốc tế thứ ba mà ông là một tín đồ cuồng tín, là một chuyện còn gây nhiều tranh cãi. Liệu tinh thần vô sản quốc tế có lấn át tinh thần quốc gia trong ông không thì phải thêm nhiều tài liệu và dữ kiện được công bố thì mới trả lời được dứt khoát được điều này.

Mặc dầu Trần Ðộ đã thẳng thắn nói rõ hết tất cả những sai lầm tệ hại của Ðảng, song ông vẫn có ước mơ Ðảng sẽ sữa chữa những sai lầm chết người ấy để tiếp tục lãnh đạo đất nước ! Ðây phải nói mơ ước của Trần Ðộ mãi mãi chỉ là một thứ hoang tưởng không bao giờ thành sự thật. Vì chế độ Cộng sản không dung thứ được dân chủ, có dân chủ thì chế độ Cộng sản không thể nào tồn tại. Có cái này dứt khoát không có cái kia. Chỉ vì quá gắn bó và yêu thương Ðảng trong mấy mươi năm đã không cho phép Trần Ðộ có những tư tưởng dứt khoát đoạn tuyệt với Ðảng mà vẫn còn mơ Ðảng sẽ cho sinh hoạt dân chủ để nước giàu dân mạnh. Ðây là điểm hạn chế và bế tắc mà Trần Ðộ chưa vượt qua nổi trong khi phê phán Ðảng. Cựu Tổng thống Nga Yeltsin có nói một câu để đời rằng, " Chế độ Cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không thay đổi." Mọi cố gắng chữa cháy, bồi đắp cho một thể chế đã đến hồi bị lịch sử đào thải là sự cố gắng vô vọng, ngu xuẩn.

Hồ chí Minh đã để lại cho nhân dân và đất nước Việt Nam một di sản tồi tệ về cả tinh thần lẫn vật chất. Ðám hậu duệ cầm quyền thì hành động chẳng khác vua Lê chiêu Thống ngày xưa. Vua Lê chiêu Thống ngày xưa vì quyền lợi ngai vàng dòng họ mà " cõng rắn cắn gà nhà " thì bọn cầm quyền Cộng sàn hiện nay cũng vì quyền lợi phe nhóm cầm quyền mà " rước voi về dày mả tổ", chúng dâng đất, hiến biển cho Trung Cộng để đổi mong quan thầy bảo vệ quyền lợi thống trị cho chúng. Nếu ai có nói đến thành tích cứu nước chống ngoại xâm của Ðảng Cộng sản thì cũng xin đừng quên ghi thêm thành tích bán nước có văn tự của Ðảng này luôn và chuyện này có từ lúc Hồ chí Minh còn sống và được đám hậu duệ khốn nạn tiếp tục ngày hôm nay. Cho nên, bổn phận của người thức giả là phải tìm mọi phương tiện, mọi con đường để quật đổ cái bộ mấy nhà nước di sản này xuống và sau đó mới dựng lên được một bộ máy nhà nước dân chủ thật sự . Có làm được như thế thì mới mong nước giàu dân mạnh chứ bây giờ cứ ngồi đó mà tìm trăm phương ngàn kế để sữa chữa cho một chế độ thối nát đang đến giai đoạn rã rời sụp đổ và cáo chung thì đó là một chuyện làm thiếu trí tuệ, thiếu nhìn xa và thiếu một tấm lòng đối với đất nước, quê hương.

Lawndale, Một ngày nắng lạnh đầu thu đầu tháng 11-2004
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG
Email: dalatogo@yahoo.com
* Ðúng ra câu nói này là " Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa "

( http://geocities.com/tranvietdaihung/disan-hcm.html )

Aucun commentaire: