mercredi 13 juin 2007

TÌM HIỂU SỰ THẬT TRONG BÀI "HUYỀN THOẠI HỒ CHÍ MINH" CỦA LỮ PHƯƠNG

TÌM HIỂU SỰ THẬT TRONG BÀI "HUYỀN THOẠI
HỒ CHÍ MINH" CỦA LỮ PHƯƠNG
Trần Viết Ðại Hưng

Lữ Phương là một trí thức miền Nam, đã tốt nghiệp Đại học sư phạm trước năm 1975. Năm Mậu Thân 1968, Lữ Phương vào bưng theo Việt Cộng. Cùng vào bưng trong dịp này có thêm những trí thức miền Nam nổi tiếng như Bác sĩ Dương quỳnh Hoa, nhà biên soạn tự điển Thanh Nghị Hoàng trọng Quy v..v .Lữ Phương được cấp chức Thứ trưởng trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Nguyễn hữu Thọ trong thời gian hoạt động với Việt Cộng ( 1968-1975). Sau 1975, ông bị thất sủng, không được giao chức vụ gì và trở thành người nghiên cứu chủ nghĩa Mác và thỉnh thoảng có trả lời phỏng vấn với phóng viên Đinh quang Anh Thái ở hải ngoại. Năm 2002, ông cho xuất bản cuốn sách "Từ Nguyễn ái Quốc đến Hồ chí Minh " . Lữ Phương hiện nay sống ở Sài gòn

HUYỀN THOẠI HỒ CHÍ MINH
Hồ chí Minh là một nhân vật quan trọng trong phong trào Cộng sản quốc tế và giải phóng dân tộc thuộc thế kỷ 20. Ông đã lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức cuộc chiến đấu bền bỉ chống lại các thế lực thực dân hiện đại, đã hoàn thành độc lập thống nhất, tạo cơ sở quyền lực để thiết lập chế độ gọi là " chủ nghĩa xã hội hiện thực " ở Việt Nam. Đã có khá nhiều ý kiến nhận định, đánh giá sự nghiệp của ông theo nhiều quan điểm khác nhau trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, trong chế độ Cộng sản, từ một nhân vật lịch sử ông đã trở thành một nhân vật huyền thoại có tác dụng huyễn hoặc rất đặc biệt.

Theo những người nghiên cứu về Việt Nam, hiện tượng này có ba nguồn gốc : 1) Tự ông cố ý tạo ra để lôi kéo quần chúng 2) Đảng Cộng sản đã dày công làm cho ông thành một biểu tượng thờ phụng của chế độ 3) Người Việt Nam hy vọng vào ông như một người cứu độ, giúp họ thực hiện được những mong mỏi nghìn đời của đất nước và bản thân.

Nếu huyền thoại Hồ chí Minh đã cho Đảng Cộng sản uy tín hầu như quyết định để chiến thắng trong chiến tranh, thì do những thất bại của Đảng Cộng sản trong xây dựng hòa bình mà huyền thoại Hồ chí Minh từ từ rạn vỡ trong nhân dân và cả trong Đảng. Một cái nhìn công bằng là một cái nhìn hiện thực về nhân vật lịch sử này.

VẼ RỒNG THẤY ĐẦU KHÔNG THẤY ĐUÔI
Do phải giữ kín tung tích trong hoạt động bí mật, lý lịch của Hồ chí Minh cũng là một bí mật. Sau cách mạng 1945, nhiều người còn chưa biết ông là ai. Nhiều đoạn đời của ông có một thời bị nhiều nhà viết tiểu sử ông để trống ( như sau vụ thất bại của Xô viết Nghệ tĩnh năm 1931, ông đi đâu không biết cho đến năm 1941 mới xuất hiện lại và về nước ). Phần ông, ông lại không chịu viết hồi ký hoặc chính thức công bố đầy đủ lý lịch của mình. Nếu có viết thì ông lại không ký tên thật. Với bút danh Trần dân Tiên trong " Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch ", hình ảnh mà ông tự giới thiệu chỉ là một người cách mạng rày đây mai đó, không có cuộc sống riêng tư. Nhưng đó cũng chính là ý muốn của ông. Trong cuốn sách nhỏ này ông có khen ngợi tài của người họa sĩ Trung hoa vẽ rồng và cho rằng vẽ rồng giỏi là chỉ cho người xem trông thấy đầu còn đuôi thì dùng những cụm mây che khuất đi. Thủ thuật ấy rõ ràng ông đã sử dụng để tự họa. Cái cốt cách thanh thoát mờ ảo ấy thật ra cũng đã toát ra từ chính con người của ông : với khuôn mặt xương xương, dáng người gầy, mới 50 tuổi đã để râu dài, ông có vẻ xuất thế hơn rất nhiều so với một số lãnh tụ châu Á khác - như Mao trạch Đông chẳng hạn.

Hình ảnh xuất hiện chính thức của ông trước công chúng do vậy ngoài một lãnh tụ Cộng sản tầm cỡ quốc tế tài ba, còn là một hiền triết phương Đông. Nhưng đối với ông, không phải chỉ có như vậy. Trong thời chống Pháp, có một dạo, mấy chữ " cha già dân tộc " đã được bộ máy tuyên truyền Việt Minh dùng để tôn vinh ông khá ồn ào ( như một câu hát : " Thi đua thi đua cha già nhắn tin về .." Thật sự thì hình ảnh này đã được chính ông sử dụng để tự đề cao trong cuốn sách " Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch " do chính ông viết " Nhân dân gọi Chủ tịch là Cha già của dân tộc, vì Hồ chủ tịch là người con trung thành nhất của Tổ quốc Việt Nam "). Về sau có lẽ vì thấy hơi quá lố, hình ảnh ấy không còn được nhắc lại, mấy chữ " Bác Hồ " được thay vào và giữ mãi cho đến khi ông mất.

Trong tiếng Việt, chữ " bác " chỉ vai người anh của cha, dùng để xưng với các cháu thiếu nhi thì thích hợp. Nhưng sau này, nó lại trở thành phổ biến để mọi người gọi theo. Theo nhiều người gần gũi ông cho biết thì điều đó cũng do ông chỉ đạo : ai mới gặp ông mà gọi ông bằng " anh" hoặc " đồng chí " thì bị ông chỉnh ngay (tôi nghe nói trong những người bị ông chỉnh có Trần văn Giàu và nhà văn Nguyễn huy Tưởng).

Cung cách ứng xử của ông thường được coi như tấm gương để toàn Đảng, toàn dân học tập, trong đó tác phong giản dị, cần kiệm, thân dân (lo chuyện tương cà mắm muối cho dân ) thường được đề cao nhiều nhất. Năm 1968, sau khi vào chiến khu, suốt 7 năm ở R, năm nào đến 19 tháng 5( người ta cho là sinh nhật của ông), trong các buổi lễ kỷ niệm tôi đều được nghe không biết bao nhiêu lần những câu chuyện như vậy.

_ Chuyện đôi giép râu. Bác Hồ đi giép râu thì ai cũng biết. Bác đi một đôi giép đến mòn lẳn. Cậu bảo vệ đề nghị Bác thay nhiều lần nhưng Bác nhất định không chịu. Cuối cùng nài nỉ mãi không được, cậu đã phải lén lấy đôi giép ấy đi đổi. Khi phát hiện, Bác không vừa lòng và nhất quyết bắt cậu bảo vệ đi lấy lại đôi giép cũ.

_ Chuyện lá giong gói bánh chưng của dân Hà nội. Mửi năm khi gần tết, mặc dầu " bận trăm công ngàn việc ", Bác vẫn điện thoại hỏi đồng chí Trần duy Hưng, bấy giờ là bí thư thành ủy Hà nội, xem có lo đủ lá giong để gói bánh chưng cho dân chưa.

Còn nhiều chuyện khác có nội dung tủn mủn, lẩm cẩm và " bao cấp " như vậy. Chưa kể đến những bài nhạc, bài thơ - nơi không cần phải mô tả những chi tiết - người ta đã tha hồ dùng sự bay bổng của phạm trù mỹ học gọi là sự cao quý để đưa ông lên chín tầng mây ! Từ một người anh hùng giải phóng dân tộc, ông trở thành một ông tiên trong các truyện thiếu nhi, một nguồn cảm hứng vô tận để hình thành những bài tụng ca, và hơn nữa, còn là hình tượng của người đi cứu độ chúng sinh nữa. Sau 1975, tôi thấy người ta đã dựng bàn thờ ông ngay giữa bùng binh Sài gòn, khói hương nghi ngút. Ngày nay nhiều nơi vẫn còn giữ thói quen này, không phải chỉ với riêng ông ( nhiều liệt sĩ Cộng sản đã thành thần trong các miễu, các đền ).

CUỘC SỐNG RIÊNG TƯ
Chuyện tình ái, vợ con của ông là điều được dư luận quan tâm, nhưng sách báo của Đảng thường né tránh. Cả một đời vì nước vì non thì màng chi đến những hệ lụy nhân gian ấy ! Nhưng điều này hoàn toàn không đúng ngay cả đối với ông: có lần ông đã cho rằng sai lầm lớn nhất đời ông là không lấy vợ ! Nói chơi thôi nhưng thật sự trong thực tế, đã có nhiều chuyện kể cho biết ông có rất nhiều nhân tình ở khắp nơi, từ Pháp, Nga, Trung quốc..

Kim Hạnh lúc làm Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, vì đăng ở trang nhất tin nói về bài thơ của ông ( bí danh Lý Thụy khi từ Liên xô ông sang Trung quốc khoảng 1925) gửi người vợ Tàu mà bị cách chức và đuổi khỏi làng báo. Một nhà nghiên cứu Mỹ, khi truy tầm hồ sơ mật của Đệ tam quốc tế lưu trữ tại Moscou sau khi Liên xô sụp đổ, đã tìm thấy tài liệu cho biết khi đi dự một Đại Hội Quốc Tế Cộng sản ở Nga, ông đã khai có vợ và người ấy chính là đồng chí Nguyễn thị Minh Khai chứ không phải ai khác !

Trong nước chuyện tình của ông nhiều hơn và cũng nhiều tính chất bi thảm hơn. Dư luận Hà nội râm ran từ lâu chuyện ông ăn ở với một cô tên Xuân, cô này do mật vụ Trần quốc Hoàn đưa về để phục vụ ông nhưng sau cho người giết đi để bịt tung tích, có đứa con trai được Vũ Kỳ, thư ký riêng của ông cứu thoát, đem về nuôi. Gần đây nhân Đại hội 9 của Đảng ( tháng 4 năm 2001), các hãng thông tấn phương Tây đã nói đến khá nhiều chuyện năm 1941, khi về nước, ông đã quan hệ với một nữ cần vụ người dân tộc và sinh ra Nông đức Mạnh, nay mới được bầu làm Tổng bí thư Đảng.

Những chuyện tình nói trên, hư thực ra sao chưa được chứng minh thật thuyết phục, nhưng xét về mặt đạo đức cá nhân thật ra chẳng có gì quan trọng lắm : các lãnh tụ Cộng sản cũng là những con người, vợ con này nọ đủ cả, một số lại rất hoang toàng trong cái khoản mục này ! Giả sử Hồ chí Minh có như vậy đi nữa thì công lao chống thực dân của ông chẳng hề bị suy suyển. Nhưng do Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ muốn dừng lại với cái công lao ấy mà còn vượt lên thời gian tồn tại muôn năm, nên hình ảnh của Hồ chí Minh phải được tô vẽ sao cho thật lý tưởng, thật phi thường.

Và đó cũng chính là chính sách tạo thần tượng của guồng máy. Người ta có thể vẫn sống một cuộc sống bình thường, nhưng khi Đảng cần thì cái bình thường sẽ được thay vào bằng những việc làm, những sự tích thần thánh. Anh là người có tính Đảng cao thì anh phải biết tuân phục: cứ việc sống bình thường nhưng phải biết cố gắng đóng cho tròn cái vở kịch được tạo ra cho mình. Chỉ vì lợi ích cách mạng thôi. Càng có nhiều tấm gương phi thường để những người bình thường noi gương hy sinh thì sự nghiệp của Đảng mới huy hoàng: cờ Đảng chẳng đỏ rực màu máu hay sao? Chính vì đã dựa trên cái lý lẽ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng đó mà Đảng đã tạo ra khá nhiều những truyền thuyết trong tất cả mọi lãnh vực từ bộ đội, tình báo đến nhà báo, nhà sư.. Hồ chí Minh cũng chỉ là một huyền thoại trong những huyền thoại do Đảng tạo ra, nhưng là huyền thoại của những huyền thoại cho nên phương pháp tạo dựng cũng phải hết sức đặc biệt .

Không biết có khi nào suy ngẫm lại những cái đã qua, ông cảm thấy những bất ổn trong những vở kịch do mình tạo ra hay không, nhưng từ bên ngoài, nhiều người đã thấy khá nhiều những bực bội, buồn phiền gây ra cho ông bởi chính cái đám âm binh cách mạng của ông. Có nhiều chuyện không vui vẻ lắm, nhưng chuyện ông bị cho ra rìa suốt trong quãng đời còn lại trước khi ông mất là đáng chú ý nhất. Sau cải cách ruộng đất năm 1956 ở miền Bắc, do nhập từ Trung quốc, quá thất đức và sai lầm, ông đưa Võ nguyên Giáp, uy tín như cồn sau Điện Biên Phủ , ra thay mặt Đảng xin lửi nhân dân, sau đó định sẽ lên thế chử Trường Chinh làm Tổng bí thư. Lúc bấy giờ ở Liên xô, Krushchev đang thắng thế với đường lối hòa bình, trong Đảng Việt Nam cũng có xu hướng ấy. Nhưng tình hình Việt Nam lại không thuận lợi để phát triển. Do cường độ cuộc chiến tranh ở miền Nam đã lên cao, đường lối quyết liệt dùng bạo lực để giải quyết chiến tranh thắng thế đã đưa cánh Lê Duẩn / Lê đức Thọ lên nắm quyền.

Về Võ nguyên Giáp thì kết quả ai cũng nhìn thấy: bị quy là kẻ cầm đầu chủ nghĩa xét lại và bị trù dập suốt một thời gian dài, đến khi Lê Duẩn chết mới thôi. Còn về Hồ chí Minh thì dường như chẳng có gì, nhưng thật sự cũng đã chịu số phận chung với tướng Giáp. Bên ngoài thì vẫn đi đây đi đó, chỉ đạo việc này việc kia..nhưng bên trong đã dần dà bị cô lập, chỉ giữ vai trò của một ngọn cờ tượng trưng, không có ảnh hưởng gì lắm tới những quyết định lớn. Theo một bài viết của Vũ Kỳ ( đăng trên một số báo Văn Nghệ Xuân cách đây vài năm ), công lao của Hồ chí Minh trong cuộc " Tổng tấn công và nổi dậy " 1968, vỏn vẹn chỉ có bài thơ " Xuân này hơn hẳn mấy năm qua. Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà.." Sau khi ghi âm bài thơ này thì ông được đưa đi..nghỉ. Vũ Kỳ thuật rằng ông Hồ chỉ biết ngày giờ cuộc " Tổng tấn công và nổi dậy " nổ ra qua Đài phát thanh nghe được ở nơi ông được gửi đi nghỉ là Bắc Kinh - cùng với giọng đọc của ông, ra rả suốt ngày về bài văn vần nói trên. Nhiều người đã nói đến nhiều khuynh hướng đối nghịch nhau trong Đảng Cộng sản Việt Nam thời chiến tranh; nhưng qua câu chuyện trên, ta thấy có hai xu hướng chính trong suốt một thời gian dài : Lê Duẩn/ Lê đức Thọ đối đầu với Hồ chí Minh/Võ nguyên Giáp.

Dù sao chế độ vẫn cần sự thiêng liêng của ông để tạo ra sự thiêng liêng cho chính mình nên cái chết của ông cũng đã được cánh Lê Duẩn / Lê đức Thọ khi thác triệt để để " xài " một cách thoải mái. Ngày chết của ông là 2/9 vì trùng với ngày quốc khánh nên người ta dời lại ngày 3/9/1969. Trong di chúc cuối cùng, ông muốn được hỏa táng và đem tro rải xuống biển hoặc chôn vào một vùng đất nào đó, người ta lại bỏ không biết bao nhiêu tiền bạc ra ướp xác và xây lăng nghìn đời cho ông.

NHỮNG LỰA CHỌN CHÍNH TRỊ
Con người của Hồ chí Minh được thần thánh hóa chỉ nhằm mục đích thần thánh hóa những lựa chọn chính trị của ông cho Đảng Cộng sản. Những chủ đề sau đây đã trở thành kinh điển trong các khóa giảng dạy về tư tưởng của chế độ : Từ thuở ấu thơ, Hồ chí Minh đã ưu tư về tình trạng nô lệ của dân tộc, vì thế đã quyết định bỏ xứ ra đi tìm đường cứu nước; chu du khắp thế giới để tìm hiểu và so sánh, cuối cùng ông đã nhận ra chủ nghĩa Mác - Lênin thần kỳ, không những giúp dân tộc giành được độc lập mà còn mở đường đi vào cõi hạnh phúc muôn đời. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất thực hiện được cái tất yếu ấy của lịch sử cho nên quyền lãnh đạo của Đảng đối với dân tộc sẽ là vĩnh viễn và tuyệt đối.

Qua sự kiểm nghiệm của lịch sử hơn nửa thế kỷ đã qua, người ta thấy những xác tín trên đây nếu đúng một phần nhỏ thì sự cường điệu và phóng đại lại là quá nhiều.

Thí dụ như việc tìm đường cứu nước. Có lẽ không cần tranh luận về cái giả định khởi đầu này: Hồ chí Minh là một trong rất nhiều những thanh niên yêu nước lúc bấy giờ. Nhưng từ đó cho rằng vì yêu nước mà ngay từ đầu đã có ý định phải ra nước ngoài để tìm giải pháp cứu nước thì điều này không nhất định phải là tất yếu. Một người Pháp nghiên cứu về Việt Nam là D.Hémery có tìm ra được một tờ đơn của Hồ chí Minh đề ngày 15-9-1911 ở Marseille - ký là Paul Tất Thành - gửi chính phủ Pháp xin vào học trường Ecole coloniale ( một loại trường tạo công chức cho các thuộc địa ) và đã bị từ chối. Nhà sử học này cũng tìm ra một số thư của ông - cũng ký là Paul Tất Thành - nhiều lần gửi về nước nhờ Khâm sứ Trung kỳ hỏi thăm tin tức và chuyển tiền cho cha. Từ những tài liệu này - Biên niên tiểu sử Hồ chí Minh ( Chính trị Quốc gia, Hà nội, 1993) có ghi lại phát hiện của Hémery - người ta có thể bàn luận nhiều chuyện, nhưng để đừng đi quá xa chúng ta chỉ cần ghi nhận điều hiển nhiên sau đây : YÙ định " cứu nước " của Hồ chí Minh chưa chắc đã có ngay từ lúc bỏ nước ra đi, ý định ấy có thể đã đến sau những dự tính khác không thành ( thí dụ không được chấp nhận vào học tại Ecole coloniale ). Giả thiết này chẳng hề hạ thấp tình cảm yêu nước của ông, nhưng tất nhiên, như vậy thì sẽ rất khó để tạo ra cái chủ ý lý tưởng hóa cuộc đời ông từ nhỏ cho đến lớn. Làm sao có thể cho là " lý tưởng " cái hiện tượng Hồ chí Minh tự gọi mình là " Paul Tất Thành ", xin đi học làm công chức cho chính quyền thực dân đồng thời nhờ cả chính quyền thực dân ấy chuyển tiền từ nước ngoài về cho cha !

Cái lập luận cho rằng sau khi đã bôn ba khắp nơi để nghiên cứu tìm hiểu, từ đó thấy chủ nghĩa Mác -Lênin tuyệt vời nên Hồ chí Minh mới chọn - lập luận này cũng tỏ ra rất khó thuyết phục. Việc ông đi đây đó trên thế giới không đủ để chứng minh được rằng ông đã thâu đạt được tất cả những tinh hoa của nhân loại như đã được những người xưng tụng ông giả định. Khác với nhiều lãnh tụ châu Á khác, chẳng hạn như Tôn dật Tiên

, Gandhi, ông không hề có ý định đào sâu kiến thức của mình qua các trường Đại học. Thời gian ông trở lại nước Pháp hơi lâu ( 1917-1923), nhưng công việc của ông ở đây vẫn đi theo cái chiều hướng nghiêng về phần thực hành, quan hệ tiếp xúc, viết báo, vận động.. Các sách ông đọc ở đây chỉ là những loại phổ thông, không có gì chứng tỏ được chiều sâu cần thiết về tư duy để nghiêm chỉnh tiếp thu chủ nghĩa Mác. Tôi đã viết ra nhiều lần nhận xét này, nay không sợ lặp lại để nói thêm một lần nữa.

Những nhà ý thức hệ Cộng sản có thể rất tức giận vì nhận xét ấy, nhưng tiếc thay, điều đó lại được chính Hồ chí Minh nói ra. Ai đã đọc cuốn sách mang tên " Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch " do chính ông viết ( dưới bút danh Trần dân Tiên) thì sẽ thấy ngay. Xin dẫn một vài đoạn ông kể về Đại hội Tours cuối năm 1920 của Đảng Xã hội Pháp :

" Người ta thảo luận rất sôi nổi ( ..) .Ông Nguyễn lắng nghe nhưng không hiểu rõ lắm, vì người ta thường nhắc đi nhắc lại những tiếng, những câu : Chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản, bóc lột, chủ nghĩa xã hội, cách mạng, không tưởng, khoa học, Saint-Simon, Fourrier, Marx, chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa cải lương, sản xuất, luận đề ..giải phóng...chủ nghĩa tập thể..chủ nghĩa Cộng sản, khách quan, chủ quan..v..v"

Không hiểu rõ lắm, nhưng đến lúc biểu quyết, gia nhập Đệ tam hoặc ở lại Đệ nhị Quốc tế thì ông vẫn bỏ phiếu cho Đệ tam Quốc tế .

" Rất ngạc nhiên, Rô-dơ, làm tốc ký của Đại hội, hỏi ông Nguyễn:

" Đồng chí ! Bây giờ đồng chí hiểu tại sao ở Pa-ri, chúng tôi đã bàn cãi nhiều như thế rồi chứ ?"

_ Không, chưa thật hiểu đâu

_ Thế thì sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Đệ tam quốc tế ?

_ Rất đơn giản. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác. Nhưng tôi hiểu rõ một điều là Đệ tam Quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Đệ tam Quốc tế nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ. Còn Đệ nhị quốc tế không hề nhắc đến vận mạng các thuộc địa. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành Đệ tam Quốc tế. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu. Đồng chí đồng ý với tôi chứ ?"

Rô-dơ đồng ý, chị cười và nói, " Đồng chí đã tiến boä."

Những đoạn trích dẫn trên đây đã cho chúng ta biết mấy điều quan trọng như sau :

_ Hồ chí Minh chưa biết gì về chủ nghĩa Mác với tư cách là một học thuyết triết học - chính trị. Những khái niệm rất tầm thường trong báo chí có khuynh hướng thiên tả như đấu tranh giai cấp, bóc lột, sản xuất..ông còn chưa biết rõ, nói gì đến những tư biện về lao động tha hóa, giá trị thặng dư, sứ mệnh giải phóng của giai cấp vô sản ..?

_ Đối với chủ nghĩa Lênin ông có biết đến nhưng lại rất hời hợt. Ông chưa đọc gì về Lênin, ngoại trừ bài " Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa " đăng trên tờ Lhumanité vào tháng 7 năm 1920 trước Đại hội Tours vài tháng. Có đọc nhưng thật sự ông cũng chẳng hiểu bao nhiêu, ngay cả các khái niệm căn bản.

_ Ông chọn lựa đi theo Lênin hoàn toàn chỉ vì, qua Đệ tam Quốc tế, Lênin hứa " giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập ". Đó là một chọn lựa hoàn toàn cảm tính, vội vàng, phiến diện : Chủ nghĩa Lênin là một học thuyết toàn diện về cách mạng vô sản ở những nước chưa có chủ nghĩa tư bản phát triển, trong đó vấn đề giải phóng các thuộc địa chỉ là một bộ phận.

Với những thiếu sót trầm trọng như vậy, làm sao có thể gọi được là nghiêm chỉnh đối với thái độ chọn lựa nói trên của ông?

Tất nhiên không thể không xét đến chuyện về sau, cùng với thời gian hoạt động, ông đã tiếp cận lý luận cách mạng ngày càng nhiều hơn. Nhưng dù vậy đi nữa thì cũng không vì thế mà coi sự lựa chọn ấy là tuyệt đối đúng, phải trung thành để chuyển giao cho các thế hệ mai sau. Có rất nhiều lý do:

_ Sau khi Lênin mất, " chủ nghĩa Mác- Lênin đã dần dà bị Stalin hóa. Cách mạng vô sản ở những nước tư bản phát triển thoái trào, " chủ nghĩa xã hội " ở Liên xô thực chất là chủ nghĩa tư bản nhà nước, chủ nghĩa vô sản quốc tế chỉ là cái bình phong bảo vệ Liên xô và sự bành trướng của chủ nghĩa dân tộc xô viết.

_ Mục tiêu xây dựng một xã hội mác-xít có nền kinh tế phát triển cho một xã hội công bằng và tự do là hoàn toàn ảo tưởng. Các nước lấy Liên xô làm mô hình đều dẫm chân trong lạc hậu nghèo nàn, còn thể chế chính trị thì chỉ là sự nối dài của chế độ phong kiến, độc tài. Là vũ khí hiệu nghiệm trong lật đổ và cướp chính quyền nhưng bất lực trong phát triển.

Sự lựa chọn đường đi của Hồ chí Minh cho Việt Nam vì vậy là chọn lựa bất toàn : Nó có thể giành được độc lập cho dân tộc qua các hình thức đấu tranh bạo lực, nhất là chiến tranh, nhưng đã thất bại toàn diện xây dựng hòa bình. Không thể coi đó là " cái cẩm nang thần kỳ " để đưa nhân dân đến cõi hạnh phúc nghìn năm. Cũng không thể nói bừa rằng ta phải đi theo con đường xã hội chủ nghĩa vì " nhân dân ta đã chọn ". Nhân dân ta chẳng biết gì về chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ để chọn. Rất nhiều người chỉ đặt lòng tin vào Bác Hồ nhưng sự lựa chọn của Bác Hồ lại chẳng có gì được gọi là khuôn vàng thước ngọc cả.

Nhìn lại mọi việc đã xảy ra một cách bình tâm, chúng ta thấy sự chọn lựa của Hồ chí Minh đã bị quy định bởi cái tạng văn hóa sau đây của ông:

_ Hồ chí Minh là một người rất thực tế. Thúc đẩy bởi vấn đề bức xúc của đất nươc là độc lập, ông nhận thấy sự hứa hẹn của Đệ Tam Quốc tế là rõ rệt và rất triệt để, khác hẳn với những thế lực khác ( Mỹ, Nhật ), nên đã chấp nhận. Đối với ông chủ nghĩa Lênin thực tế lúc bấy giờ đồng nghĩa với giải phóng dân tộc là vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam. Cái tạng thực tế ấy sau này đã biểu hiện trong việc lãnh đạo của ông đối với mọi công việc: Nói năng, hành động, bao giờ cũng cố tránh những cái cao xa, trừu tượng.

_ Ông cũng lại là một người nhiều tình cảm và lý tưởng. Đọc Lênin, thấy gãi đúng ưu tư của mình, ông đã khóc lên vì vui sướng và tin ngay. Sau này tìm hiểu thêm thấy chủ nghĩa Cộng sản hứa hẹn chấm dứt những khốn khổ của những người lao động bị áp bức ông càng tin hơn. Khát vọng độc lập cho dân tộc của ông cũng gắn liền với mong mỏi đấu tranh cho một xã hội công bằng, nhân đạo. Cũng chính vì vậy mà óc thực tế của ông không trở thành óc thực dụng tầm thường. Ông chọn Lênin không chỉ vì con đường giải phóng đất nước mà còn vì nhu cầu có một người thầy, người cha tinh thần theo kiểu phương Đông để thờ phụng, tôn kính.

Tất cả những thuộc tính trên đây đều đã biểu hiện trong sự chọn lựa nói trên với những ưu và những nhược điểm của nó. Những người thần phục ông chỉ nói đến những cái ưu nhưng không hề dám nói đến những cái nhược quan trọng của ông sau đây : 1) Quá vội vàng, không suy xét can thận, cái trí không theo kịp cái tâm 2) Trung thành mù quáng với sự chọn lựa ban đầu, không học được tinh thần phản tỉnh để can đảm nhìn lại toàn diện con đường đã đi.

Những cái ưu của ông đã bộc lộ trong thời hoạt động bí mật, khi còn phải sống trong dân và phải nhờ dân che chở. Tính chất trong sạch lý tưởng, biết hy sinh vì nghĩa lớn của những người Cộng sản theo con đường của ông hoàn toàn không phải chỉ là chuyện tuyên truyền. Cũng nhờ thái độ ấy mà Đảng đã được đa số nông dân ủng hộ, góp sinh mạng và tài sản cho cuộc tranh đấu chung. Việc chiến thắng nhiều đế quốc hùng mạnh đã từng đến thống trị Việt Nam không đơn thuần chỉ là vấn đề thủ đoạn, chiến thuật. Trên nhiều mặt, Đảng Cộng sản hơn hẳn những lực lượng chính trị yêu nước khác. Trong thời kỳ bị lệ thuộc, người dân có nhìn vào ông như kẻ " cứu độ " thì cũng có gì đáng ngạc nhiên.

Những nhược điểm của sự chọn lựa của ông đã bộc lộ thật rõ rệt trong thời kỳ xây dựng hòa bình. Đấu tố, cải cách: phá hoại đến tận nền tảng đạo lý dân tộc. Hợp tác hóa: phản bội nông dân về ruộng đất. Chỉnh huấn: bơm máu đen vào cơ thể Đảng. Trấn áp, chà đạp trí thức văn nghệ sĩ : phản bội lời hứa về tự do văn hóa. Khoác lác về cái gọi là " dân chủ gấp triệu lần ", nhưng lại đè đầu cưỡi cổ nhân dân một cách rất tự nhiên như những cường hào. Làm mất hoàn toàn động lực về phát triển kinh tế qua chủ trương nhà nước hóa toàn bộ sản xuất. Nói chung: giam hãm dân tộc trong cái ao tù chuyên quyền độc đoán, lạc hậu nghèo nàn.

Những sai lầm trên đây không phải là những " tồn tại " hoặc những " khuyết điểm " như Đảng đã giải thích. Chúng nằm ngay trong sự chọn lựa của Hồ chí Minh - hợp nhất quá vội vàng giữa hai vấn đề hoàn toàn khác nhau về bản chất : giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội. Chân giép lốp mà đi vào vũ trụ. Một bên là giép lốp, một bên là vũ trụ; với giép lốp thì không thể đi vào vũ trụ được, nhưng ta cứ " thừa thắng xốc tới " , vì vậy mà bao nhiêu điều tàn tệ đã xảy ra. Cái ý thức hệ Mác-xít Lêninnít mà Hồ chí Minh ghép vào chủ nghĩa dân tộc của ông ( " từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội " ) đã bộc lộ hết thực chất không tưởng và bất lực của nó. Trung thành mù quáng, căn cứ vào đó buộc thực tế phải uốn theo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã biến sự lựa chọn của Hồ chí Minh thành vật cản đường cho sự phản triển tự nhiên của đất nước.

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Sự thất bại của mô hình Lêninní t về phát triển cho những nước nghèo nàn, lạc hậu là quá rõ ràng. Do sự thúc ép của hàng loạt những nhân tố trong và ngoài nước, nhất là sự sụp đổ của Liên xô và Đông âu, Đảng Cộng sản Việt Nam phải chấp nhận điều chỉnh đường đi, chuyển nền kinh tế " bao cấp, mệnh lệnh " sang hẳn kinh tế thị trường, mở cửa làm ăn với thế giới tư bản. Khái niệm, " tư tưởng Hồ chí Minh " đã ra đời trong tình hình đó như một thích ứng.

Nhưng xét kỹ thì đây không phải là sáng kiến hay ho gì lắm. Hồi Hồ chí Minh còn sống, ông đã trả lời nhiều người rằng ông không có tư tưởng gì cả. Nếu có một người xứng đáng ở Á châu này thì đó chính là Mao trạch Đông ( chính vì vậy mà điều lệ Đảng Đại hội 2 đã ghi : Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao trạch Đông, phong cách Hồ chí Minh). Đối với ông, khi chọn chủ nghĩa Lênin rồi, đó đã là tất cả, là cái " cẩm nang thần kỳ" có thể giải quyết được mọi chuyện trên đời, chẳng cần phải nhọc công tìm kiếm làm gì nữa. Nói do ông khiêm tốn có lẽ chỉ một phần, chính yếu là do có óc thực tế, ông biết rằng mình không thể nào nắm tóc mình để tự đưa lên cao được. Gán cho ông điều ông không có và không muốn có, những đệ tử của ông chỉ làm cái công việc lợi dụng như họ đã từng bất chấp di chúc của ông khi cho ướp xác và xây lăng cho ông.

Sự lợi dụng đó cũng không phải là đắc sách lắm. Nó chẳng có tác dụng làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin được phát triển hay bổ sung thêm. Đó chỉ là một bước lùi ý thức hệ đi cùng với bước lùi về kinh tế, hoàn toàn chỉ có ý nghĩa thực dụng : Phải tìm cách làm dịu đi những giáo điều đã bị thời gian chứng minh là không tưởng, bất lực, sắt máu mà ai cũng biết như công hữu về tư liệu sản xuất, chủ nghĩa tập thể, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, quốc tế vô sản ..v..v. Và trong khi né tránh bớt những khái niệm đã mất giá ấy thì một số thuộc tính khác đã được nhấn mạnh hơn, ồn ào hơn : Nào là yêu nước, truyền thống, độc lập, tự chủ, nào là nhân ái, thân dân, hòa hợp .. toàn là những sản phẩm phương Đông và nội địa mềm mại, dịu dàng không có gì là ngoại lai, khắc nghiệt cả. Cái thủ đoạn thao tác lý sự ở đây cũng quá rõ ràng : Trong hai thành phần được Hồ chí Minh kết hợp lại trong sự chọn lựa của mình - chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế vô sản - thì thành phần thứ nhất đã được đưa lên hàng chính diện để làm lu mờ bớt thành phần thứ hai đi.

Những người có ý hướng cải cách trong Đảng đã nhận ra thủ đoạn này. Họ chỉ ra được cái mưu tính thực sự của những nhà ý thức hệ chính thống: Miệng nói Hồ chí Minh nhưng hành động vẫn không khác gì Stalin và Mao trạch Đông, nghĩa là vẫn chuyên chế, khắc nghiệt, giả dối, xảo quyệt. Sự chỉ trích không phải là vô căn cứ. Đảng chỉ dùng Hồ chí Minh như cái bung xung chứ chẳng có thật lòng gì cả. Theo những người cải cách thì thật lòng là phải thay đổi triệt để phương thức lãnh đạo của Đảng : Phải từ bỏ đường lối nửa vời, khập khiễng, từ bỏ hẳn chuyên chính vô sản và thực hiện dân chủ cho tương xứng với chính sách mở cửa và kinh tế thị trường. Chỉ với đường lối cải cách triệt để ấy, Đảng mới tạo ra những điều kiện tích cực để khắc phục những ruửng nát nội tại, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh chóng. Cũng theo những người cải cách thì sự thay đổi ấy không nằm ở đâu khác ngoài tư tưởng Hồ chí Minh đích thực. Trong hình dung của họ, thực chất của Hồ chí Minh là phi-Stalin và phi-Mao- một Hồ chí Minh nhân đạo dân chủ !

Dù cho có ủng hộ cải cách, chúng ta thật khó lòng mà tìm được sự khách quan trong cách lập luận trên đây : Nếu Hồ chí Minh đối với những nhà ý thức hệ chính thống chỉ là một hình ảnh giả thì đối với những người cải cách, Hồ chí Minh cũng không thật là bao nhiêu. Sự khác nhau giữa hai quan điểm chỉ là sự khác nhau về cách khai thác hai khía cạnh trong sự chọn lựa của Hồ chí Minh : Một bên nghiêng về phần quốc tế và vô sản, một bên lại nghiêng về phần quốc nội và dân tộc; một bên nghiêng về phần " chuyên chính vô sản " thì bên kia lại muốn loại bỏ nó. Cả hai đều làm biến dạng đi một Hồ chí Minh đích thực : Một người Việt Nam yêu nước, nhưng cũng là một người Việt Nam yêu nước theo phương thức của Lênin, một người đã có đem lại cho đất nước sự tự chủ va thống nhất nhưng cũng lại là một người đã cho du nhập vào đất nước một học thuyết ngoại lai mà tác hại của nó còn kéo dài cho đến ngày nay chưa gỡ bỏ được.

Có thể cho rằng lập luận của những người cải cách chỉ là một cách trình bày mang tính chất kỹ thuật tranh đấu trong hoàn cảnh không có tự do tư tưởng, và nếu như vậy thì có lẽ sẽ không cần bàn luận thêm. Nhưng nếu trong chúng ta có ai thành thật tin rằng với chủ trương ấy, đất nước sẽ bước vào được một chế độ dân chủ hiểu theo nghĩa hiện đại thì chắc chắn sẽ có không ít người lên tiếng bày tỏ sự nghi ngờ: Giả sử như có gạt đi hết tất cả những phần ngoại lai, ảo tưởng của Hồ chí Minh về con đường tiến lên " chủ nghĩa xã hội " theo kiểu Lênin, thì Hồ chí Minh vẫn không thể là ngọn cờ dân chủ được.

YÙ kiến này thật đáng suy nghĩ. Mặc dù Hồ chí Minh có nói nhiều đến dân chủ, nhưng quan niệm của ông vẫn rất xa lạ với cái nội dung mà Thời Hiện Đại đã sản sinh ra nó, đặc biệt là cái tính chất giao ước trần tục của sự phân chia và kiểm soát quyền lực, căn cứ vào đó tổ chức và quản lý đời sống công cộng. Ông không biết gì đến tính chất độc lập của xã hội công dân đối với nhà nước, và ông cũng không hiểu tính chất quyết định làm nên nhà nước hiện đại là nhà nước phi thiên mệnh, nhà nước sinh ra từ pháp luật và tồn tại bằng pháp luật. Quan niệm của ông về mối tương quan giữa nhà nước và nhân dân vẫn là quan niệm của Nho giáo lý tưởng; cái loại nhân dân mà ông yêu mến vẫn chỉ là loại " xích tử " cần phải được dạy dử về luật trời và phép nước, đồng thời lại phải biết lo cho họ về những chuyện " tương cà mắm muối " để sống trong yên ổn; còn nhà nước theo quan niệm của ông vẫn chỉ là thứ nhà nước của những người hiền, những bậc minh quân kiểu vua Nghiêu, vua Thuấn đời xưa. Những gì ông nói về " pháp chế xã hội chủ nghĩa " hoặc " cán bộ là đầy tớ của nhân dân" cũng đều dựa trên cơ sở ấy. Chúng chỉ là những ý định tốt của những đấng, những bậc bề trên.

Sở dĩ ông chọn chủ nghĩa Lênin một cách vội vã và vô điều kiện như ta đã biết có lẽ là do ông đã trực giác được tính chất " bên trên " của cách mạng vô sản Lêninnít trong việc làm lại nước Nga với những tàn dư nặng nề của thời trung cổ. Là người dân chủ, hiểu rõ học thuyết Mác, nhưng tình thế đã buộc Lênin làm ngược lại tất cả những gì mà Mác đã hình dung ra cho xã hội tương lai: Thay vì để cho giai cấp vô sản tự mình trở thành nhà nước như trong Công xã Paris 1871 thì nhà nước Xô viết lại phải đảm đương công việc giáo dục và tổ chức lại cái giai cấp vô sản đã tan tác và mất hết tính chất tiền phong sau cách mạng và nội chiến. Dự định khởi đầu là một lãnh tụ vô sản vượt xa nền dân chủ tư sản " hàng triệu lần ", cuối cùng, Lênin thừa nhận đã phải theo gương của một ông vua của thế kỷ 18 - Pierre Đại Đế - công khai dùng độc tài để ch᡻?ng lại dã man, lạc hậu.

Cảm nhận của Lênin về sự không ăn khớp giữa chủ nghĩa Mác hậu hiện đại và nước Nga tiền hiện đại, Hồ chí Minh hoàn toàn không hề biết đến, ông chỉ thấy trong những hành động độc tài của Lênin trách nhiệm tự nhiên của những minh quân thời trước, nay được hiện đại hóa qua khái niệm chuyên chính vô sản của Đảng Cộng sản : Đó là một nền chuyên chế nhân đức và cách mạng, một nền chuyên chính vì nhân dân chứ không phải là cái gì khác. Cái lô-gích của vấn đề ở đây vẫn là cái lòng tốt từ trên ban xuống. Muốn được giải phóng, muốn có quyền lực, nhân dân phải hết lòng đi theo Đảng. Đại biểu cho quyền lợi lâu dài của nhân dân nên Đảng được phép làm tất cả để tạo dựng nên cuộc đời mới cho họ. Sự chuyên chính của Đảng là sự chuyên chính của đám đông, của chính nghĩa, của khoa học, của chân lý, của cách mạng. Vì vậy phải tập trung quyền lực vào Đảng một cách tuyệt đối và vĩnh viễn, không chia với bất cứ ai, không nhân nhượng với ai một mẩu xác tín nào về chân lý, ai có ý đi ngược lại thì chỉ là những lý lẽ của bọn thù địch với nhân dân, cần phải thẳng tay trừng trị.

Với một quan niệm về quyền lực sắt thép như vậy, Lênin đã dọn đường cho Stalin vắt cạn sức lực của người dân để nhanh chóng đưa nước Nga vào con đường công nghiệp hóa, còn Hồ chí Minh cùng với Đảng Cộng sản đã tích tụ được những hy sinh vô hạn của nhân dân để đánh bại nhiều thế lực xâm lược hung hãn, giành lại độc lập thống nhất cho Việt Nam. Nhưng còn về dân chủ, cùng với bao nhiêu thứ khác nữa mà các Đảng Cộng sản đã hứa sẽ đem lại cho nhân dân trước đây, như bình đẳng, tự do, hạnh phúc vv.v. Tất cả đều vẫn chỉ là những lời hứa, và tệ hơn nữa, về sau này đã biến thành những lời dối trá đơn thuần. " Chuyên chính vô sản " , "Chuyên chính nhân dân " bây giờ đã trở thành chuyên chính với giai cấp vô sản, chuyên chính với nhân dân. Hiện tượng suy thoái này, vào cuối đời mình, Lênin đã mơ hồ nhận ra như một bi kịch, nhưng ở Hồ chí Minh, mọi việc dường như đã êm xuôi như ván đã đóng thuyền, cứ thế lướt sóng mà đi, từ bây giờ cho đến cả muôn đời con cháu mai sau!

BÀI HỌC CỦA NGƯỜI ANH HÙNG
Gần một thế kỷ đã qua, cùng với những biến chuyển lớn lao trên thế giới và đất nước, hình ảnh Hồ chí Minh đối với dân tộc Việt Nam đã không còn như xưa nữa. Tính chất lý tưởng, cao vời mà Đảng Cộng sản đã cố sức tô vẽ cho một Hồ chí Minh thần thánh đã không chống đỡ nổi cho những sự việc tầm thường, sai lầm của một Hồ chí Minh thực tế nên càng cố thần thánh hóa ông bao nhiêu lại càng gây ra tác dụng ngược đời lại bấy nhiêu. Thỏa đáng nhất là nhìn ông với những gì ông có, một cách hiện thực.

Mặc dù tên tuổi của Hồ chí Minh gắn liền với những gì làm nên cái gọi là " Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam " ngày nay, thiết nghĩ không nên đồng hóa tên ông với toàn bộ chế độ. Thế giới đã có những kinh nghiệm tương tự. K.Marx không phải là không có liên quan đến cái thực thể gọi là " chủ nghĩa xã hội " ở Liên xô, nhưng đổ mọi sai lầm của Liên xô lên đầu K. Marx là hoàn toàn không đúng. Mối quan hệ giữa Lênin và Stalin cũng có những điểm cần phân tích theo chiều hướng đó. Trường hợp Hồ chí Minh đối với chế độ chính trị hiện tại ở Việt Nam có đặc biệt hơn nhưng cũng cần biết rằng hình ảnh của ông đã bị chế độ tô vẽ bằng mọi cách để huyễn hoặc quần chúng.

Cũng đừng quên rằng những gì làm nên đặc trưng của Hồ chí Minh là vai trò của ông trong thời kỳ chống ngoại xâm, một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt của thế kỷ 20, giai đoạn mà việc đấu tranh giành độc lập không thể tách rời việc chọn lựa một ý thức hệ. Cần chú ý ghi nhận đặc biệt này : Trong khi vấn đề độc lập là quá rõ ràng về ý nghĩa thì vấn đề ý thức hệ trong thời hiện đại lại chứa đầy cạm bẫy và phức tạp. Những cái hay cái dở không phải lúc nào cũng hiển hiện ngay từ đầu. Những gì tạm thời chưa được chấp nhận chưa hẳn đã sai, những gì mang đến thắng lợi chưa hẳn đã đúng. Hơn nữa sự sai/đúng cũng không phải lúc nào cũng như nhau: đúng lúc này có thể sai lúc khác; xem tất cả sự sai/đúng một cách trừu tượng, bất dịch rồi căn cứ vào đó để tâng bốc quá trớn hoặc kết án nghiệt ngã - một lần là xong - là quá đơn giản. Thái độ ấy không thích hợp cho những tiếp cận khách quan về lịch sử.

Nhìn tổng thể về thế kỷ 20, tôi cho rằng Hồ chí Minh là một anh hùng lớn của Việt Nam trong thời kỳ chống các thế lực thực dân. Những gì mà thế giới biết đến Việt Nam một cách tích cực cho đến nay vẫn là sự kiện Hồ chí Minh đánh bại các thế lực xâm lược hiện đại, giành được độc lập cho dân tộc. Thiết tưởng dù chính kiến và tình cảm có khác nhau như thế nào đi nữa, người ta không thể phủ nhận được tính chất hiển nhiên của các sự kiện ấy. Có thể với nhiều người ở những nơi nào đó, cái chuyện đánh nhau giành độc lập ấy thật sự chẳng có gì quan trọng lắm đối với cuộc sống, nhưng đối với đông đảo những người Việt Nam, tư xưa cho đến nay, điều đó lại là một trong nhiều lý do để sống, không thể coi như không có.

Thời trai trẻ, tôi quý trọng Hồ chí Minh là do ông đã tô đậm cái tình cảm tự nhiên đó trong tôi để tôi biết trách nhiệm với đất nước. Nhưng cũng chính vì tình cảm và trách nhiệm ấy mà khi tóc đã bạc rồi, tôi không còn có thể mù quáng tin vào ông nữa. Hồ chí Minh chỉ là một nhân vật của lịch sử, còn đất nước là chuyện của muôn đời : Không thể cột chặt vận mệnh đất nước vào sự chọn lựa bất toàn của một con người, dù đó là một anh hùng. Tốt nhất vẫn là ghi nhận tất cả những chuyện đúng sai của ông một cách bình thản, hy vọng chỉ có như thế mới rút ra được những bài học hữu ích cho những thế hệ đi sau.

Đối với tôi, sự chọn lựa ý thức hệ cho đất nước của Hồ chí Minh là bài học đáng suy ngẫm hơn cả. Tất cả đều là những ý định tốt đẹp nhưng tất cả đều thiếu cái chiều sâu của sự phản tỉnh triết học. Là sự chọn lựa vội vàng từ đầu và cũng là sự trung thành mù quáng về sau. Lầm lũi đi theo ông, dắt theo mình cái gói hành trang của những ý định tốt đẹp ấy, không biết thường xuyên quay đầu nhìn lại, không có gì bảo đảm để chúng ta không vấp lại những sai lầm của ông - đẩy cái đám đông nhân dân mà mình muốn đưa lên thiên đàng xuống chín tầng địa ngục ! Nhất là những ý định tự cho là duy nhất đúng đắn, cần được bảo vệ quyết liệt bằng một định chế quyền lực cũng tự cho là duy nhất đúng đắn.

Tôi nghĩ rằng bài học ấy không chỉ đáng suy ngẫm cho những người xưng tụng ông mà còn cho cả những người chống ông nữa.

LỮ PHƯƠNG


TÌM HIỂU SỰ THẬT QUA BÀI VIẾT TRÊN
Trước đây người đảng viên Nam kỳ kỳ cựu Nguyễn văn Trấn có viết cuốn sách " Viết cho mẹ và quốc hội " trong đó ông Trấn kể lại chuyện bạn ông là Bùi công Trừng nói cho ông nghe chuyện trong một buổi họp Lê đức Thọ đã ăn hiếp Hồ chí Minh một cách tàn tệ và thô bỉ, cùng tiết lộ là Lê đức Thọ có âm mưu muốn dùng Nguyễn chí Thanh để thay Hồ chí Minh. Nay thì có một đảng viên Nam kỳ thứ hai là Lữ Phương viết bài " Huyền thoại Hồ chí Minh " để bạch hóa những huyền thoại chung quanh ông Hồ, một người vốn có nhiều huyền thoại, huyền thoại có thể có căn cứ, có thể do những người yêu kính ông dựng lên cho ông và có thể do bản thân ông tự dựng lên để cho mọi người thấy con người tài giỏi, siêu việt của ông. Vấn đề là làm sao tìm ra những sự thật khả tín trong những huyền thoại bao quanh Hồ chí Minh đó. Bài viết của Lữ Phương nói chung cũng tiết lộ ra một vài sự thật, nhìn ra được những nguyên nhân mà bộ máy chính quyền ra sức thần thánh hóa ông Hồ để nhằm mục đích biến ông thành một biểu tượng thiêng liêng có lợi cho công cuộc đấu tranh.

Đầu tiên Lữ Phương kể ra những chuyện giai thoại mà ông được nghe kể từ khi ông vào chiến khu ở cục R năm 1968. Đó là chuyện ông Hồ từ chối thay đôi dép râu ông đi đã mòn lẳn. Có cậu bảo vệ đề nghị ông Hồ thay nhưng không được ông đồng ý nên cậu bèn lén thay đôi giép râu cũ rích, sờn rách của ông đi bằng một đôi giép râu mới .Nhưng khi phát hiện ra điều này, ông yêu cầu trả lại đôi giép râu cũ cho ông. Chuyện này nói chung cũng khó kiểm chứng. Còn câu chuyện năm nào gần tết , mặc dù bận trăm công ngàn việc, ông vẫn gọi điện thoại cho Bác sĩ Trần duy Hưng là thị trưởng Hà nội để hỏi xem có đủ lá giong cho dân gói bánh chưng chưa. Không biết ông Bác sĩ Trần duy Hưng có còn sống không để kiểm chứng câu chuyện này có thật hay không?. Lữ Phương cho rằng từ vai trò của một người anh hùng giải phóng dân tộc, ông còn là hình tượng của người đi cứu độ chúng sinh nữa. Lữ Phương kể chuyện ông đã thấy người ta đã dựng bàn thờ của ông Hồ ngay giữa bùng binh Sài gòn để thắp khói hương nghi ngút tưởng niệm ông. Trong cuốn sách " Từ thực dân đến Cộng sản" Học giả Hoàng văn Chí có kể những nông dân miền Trung, trong thời kháng Pháp, trước khi đi ra đồng, đã đến trước chân dung ông Hồ thắp hương khấn vái ông Hồ dù lúc ấy ông chưa qua đời.

Thật ra, ông Hồ còn có những chuyện lặt vặt mà người đời còn nhắc lại. Đó là chuyện ông hay đặt tên cho những người bên dưới. Hồi Bác sĩ Tôn thất Tùng có đứa con trai đầu tiên. Ông nói với Bác sĩ Tùng " Tên chú thuộc bộ mộc nên đứa con trai này nên đặt tên là Bách. " Cậu Tôn thất Bách sau này lớn lên cũng trở thành bác sĩ như bố và mới qua đời cách đây không lâu vì chứng bệnh nhồi máu cơ tim. Cựu bộ trưởng tư pháp của Mặt trận giải phóng miền Nam là Trương như Tảng, sau khi vượt biển qua tỵ nạn ở Pháp có viết một cuốn hồi ký nhan đề " Hồi ký của một Việt Cộng " ( Memoir of a VC" ( trang 14 , bản tiếng Anh) có kể chuyện khi ông gặp ông Hồ ở Pháp, ông Hồ có đề nghị đổi tên cho ông Tảng một cách khá tức cười như sau. Ông Hồ nói với ông Tảng rằng, " Trong gia đình cháu, tên anh và em cháu là tên của đá quý ( ông anh ông Tảng tên Quỳnh..tức Quỳnh Dao là một loại ngọc, đứa em ông Tảng tên Bích..tức Ngọc Bích là tên một loại ngọc). Còn cháu tên " Tảng " tức là " tảng đá" nghe không được hay cho lắm. Bác đề nghị đổi tên cháu là " Toàn " ..tức " Toàn bích " có nghĩa là " hòn ngọc không có vết" " .". Câu chuyện đặt tên cho con trai Bác sĩ Tôn thất Tùng và đòi đổi tên cho Trương như Tảng là câu chuyện thực được những người trong cuộc kể lại chứ không phải là giai thoại mù mờ không có căn cứ.

Bác sĩ Phan quang Đán có kể cho người viết bài này nghe một giai thoại về Hồ như sau : Trong túi áo của Hồ bao giờ cũng có hai bao thuốc, một là thuốc lá ngoại quốc, hai là thuốc rê. Khi gặp khách, Hồ mang thuốc rê ra mời, còn khi ở một mình thì hút thuốc lá ngoại quốc. Câu chuyện này cũng nói lên cái cá tính láu cá vặt , tinh ranh vặt của Hồ. Đôi khi những chuyện vặt vãnh tầm thường như thế cũng nói lên được cái cá tánh đặc thù của một con người.

Sang đến chuyện tình cảm cá nhân của Hồ, Lữ Phương có kể lại chuyện Kim Hạnh lúc còn làm Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, đã bị cách chức và đuổi khỏi làng báo ngay lập tức vì đã đăng trên trang nhất bài thơ tiếng Hán mà Lý Thụy ( biệt danh của Hồ chí Minh lúc đó) gửi cho người vợ Tàu. Rồi sau này những sử gia học giả Tây phương còn công bố ra những tài liệu mật cho biết khi đi dự một Đại hội Quốc tế Cộng sản ở Nga, ông Hồ đã khai có vợ và người vợ ấy chính là đồng chí Nguyễn thị Minh Khai chứ không phải là ai khác ! Cũng cần nói thêm ở đây Nguyễn thị Minh Khai là vợ của Lê hồng Phong và là chị ruột của Nguyễn thị Minh Thái, vợ đầu của Võ nguyên Giáp. Sau này bà Minh Thái chết trong tù Pháp, Võ nguyên Giáp lấy người vợ thứ hai là Đặng thị Hà, con gái của Đặng thai Mai.

Lữ Phương còn kể thêm chuyện ông Hồ ăn ở với cô Xuân ( Nông thị Xuân) một người thiểu số gốc Nùng, cô này do mật vụ Trần quốc Hoàn đưa về để phục vụ ông Hồ, nhưng sau đó cô Xuân bị giết đi và đứa con trai của cô và ông Hồ tên Nguyễn tất Trung được đưa cho Vũ Kỳ nuôi, và được đổi tên là Vũ Trung. Vũ Kỳ là người hầu cận thư ký của ông Hồ. Lữ Phương cũng kể thêm chuyện ông Hồ khi năm 1941 về nước có quan hệ tình ái với một nữ cán bộ cần vụ người Tày và sinh ra Nông đức Mạnh, hiện nay đang làm Tổng bí thư. Sau này khi bị báo chí nước ngoài truy hỏi ông Hồ có phải là cha của ông không thì ông Mạnh trả lời huề vốn cho qua chuyện, " Người Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ ". Ông Mạnh cho biết cha ông tên Lai nhưng không có giấy tờ hay hình ảnh nào chứng tỏ điều ông Mạnh nói. Dĩ nhiên đứng ở thế ông Mạnh thì ông phải chối mà thôi vì chế độ Hà nội trong mấy mươi năm qua đã tô vẽ ông Hồ như một vị thánh không gần đàn bà, thì làm sao có đứa con rơi như ông Mạnh được !

Chuyện bi thảm kịch Nông thị Xuân có lẽ Lữ Phương cũng đọc được từ những sách báo nước ngoài do hai nhân chứng quan trọng là nhà văn Vũ thư Hiên và ông Nguyễn minh Cần kể lại. Khi chế độ tàn ác Hà Nội quyết định giết cô Nông thị Xuân và người em họ Nông thị Vàng ( sau này có người cho rằng hai cô này họ Nguyễn )và cô em họ tên Nguyệt, họ tưởng là đã bịt miệng tất cả những người biết về chuyện giết cô Xuân, nhưng rồi không có gì che dấu được mãi dưới ánh sáng mặt trời. Chuyện giết cô Xuân đã được ba người biết và kể rõ mọi chuyện cho hậu thế nghe câu chuyện giết người kinh tởm này. Đó là nhà văn Vũ thư Hiên, ông Nguyễn minh Cần và người hôn phu của côVàng, em ruột của cô Xuân.

Xin ghi lại lời tường thuật của ba nhân chứng này để thấy toàn bộ chi tiết vụ án Nông thị Xuân, người mà ông Hồ ăn nằm có một đứa con trai. Đây là một chuyện có thật một trăm phần trăm chứ không phải là giai thoại hay huyền thoại vu vơ gì hết.

Đầu tiên là lá thư của một anh thương binh hôn phu của cô Nguyễn thị Vàng, trong một bức thư gửi cho ông Nguyễn hữu Thọ, Chủ tịch quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 29 tháng 7 năm 1983, trong đó có những đoạn sau :

" Đến độ một tuần sau, vào 7 giờ tối ngày 11 tháng 2 năm 1957, ngày em(lời cô Vàng kể với vị hôn phu) còn nhớ như đinh đóng cột. Một chiếc xe commăng ca thường đón chị Xuân lên gặp Bác Hồ, anh Ninh xồm, người bảo vệ Trần quốc Hoàn chuyển lên bảo vệ Bác, vào gặp chị Xuân nói lên gặp Bác. Chị Xuân mặc quần áo, xoa nước hoa rồi ra đi. Sáng hôm sau, ngày 12 tháng 2, một nhân viện Công an Hà nội đến báo tin chị Xuân gặp tai nạn ô tô chết rồi, hiện còn để ở nhà xác Bệnh viện Phủ Doãn. Em hốt hoảng đưa cháu cho chị Nguyệt, ra lên xe Công an vào bệnh viện. Em không được vô nhà xác, họ nói còn mổ tử thi. Lên một phòng chờ em thấy trong phòng đã khá đông người : Công an, Tòa án, Kiểm soát viên. Sau một tiếng, hai bác sĩ, một cán bộ Công an, một kiểm soát viên lên phòng chờ, đem theo một tờ biên bản đọc to cho mọi người nghe. Tử thi thân thể không có thương tích, thấy rõ không bị tai nạn ô tô và cũng không phải bị đâm chém đánh đập gì. Mổ tử thi trong cơ thể lục phủ ngũ tạng cũng không có thương tích gì. Dạ dầy không có thức ăn, không có thuốc độc. Tử cung không có tinh trùng biểu thị không bị hiếp dâm.

Duy chỉ có xương đỉnh đầu bị rạn nứt . Mổ sọ não không còn óc, mà chỉ còn nước nhờn chảy tuôn ra. Bác sĩ tuyên bố đây có thể nạn nhân bị chùm chăn lên đầu rồi dùng búa đánh vào giữa đầu. Đây là phương pháp giết người của bọn lưu manh chuyên nghiệp của nhiều nước đã sử dụng. Em vô cùng đau khổ chạy về kể chuyện lại cho chị Nguyệt nghe để hai chị em cùng khóc. Ít lâu sau một cán bộ Công an đến bế cháu Trung đi, chúng em không được biết đem đi đâu. Rồi em thì được đi học một lớp y tá của khu tự trị Việt Bắc ở Thái Nguyên. Chị Nguyệt không biết họ cho đi đâu sống chết thế nào. Học mấy tháng thì em được chuyển vào bệnh viện Cao Bằng, em khóc luôn, họ cho là em bị thần kinh nên cho về đây điều trị. Nay lại được gặp anh kể hết mọi chuyện cho anh nghe. Em nghĩ anh chỉ bị thương nhẹ, anh còn sống được lâu anh sẽ nói rõ cho toàn dân biết được vụ bê bối này. Còn em thì chắc chắn sẽ bị chúng giết vì em đã nói vụ này cho nhiều chị em bà con biết. Bọn hung thủ còn theo dõi em. Ở Cao Bằng có hôm em thấy thằng Ninh xồm tới gặp ông bác sĩ bệnh viện trưởng, được ít hôm họ tuyên bố em bị thần kinh được chuyển về điều trị tại Hòa An.

Tôi chỉ được gặp Vàng em tôi có một tháng, đến ngày mồng 2 tháng 11 năm 1957 đi về thăm ông cậu Hoàng văn Đệ. Hung thủ đi theo rồi giết chết em tôi rồi quăng xác xuống sông Bằng Giang, đến ngày mồng 5 tháng 11 mới nổi lên ở cầu Hoàng Bồ. Tôi được tin sửng sốt chạy về cầu Hoàng Bồ thì thi hài đã được kiểm nghiệm và chôn cất rồi. Nghe dư luận xôn xao là cô Vàng bị đánh vỡ sọ, đồng hồ vẫn còn nguyên và người nhà đã nhận về chôn cất. Tôi đâm bổ về Hà nội liên lạc với một cậu bạn cùng học làm việc ở Tòa án Hà nội. Tôi kể vụ án em tôi bị giết thì bạn tôi sao cho tôi một bản Công Văn Viện Kiểm sát hỏi tòa án về vụ em tôi và cô Xuân bị giết. Tôi xin sao bản văn đó trình ông để tiện việc điều tra. Vụ này nhiều người bị giết. Cô Xuân, vợ cụ Hồ chí Minh, cô Vàng, vợ chưa cưới của tôi, cô Nguyệt, còn nhiều người ở Trường y tá Thái Nguyên nghe chuyện Vàng kể đi nói chuyện lại cũng bị giết lây.. "

( Có thể tìm đọc toàn bộ bức thư này trong cuốn sách " Bí ẩn quyền lực và tình ái của Hồ chí Minh" của Trần viết Đại Hưng đã xuất bản, hay có thể vào mạng www.quehuongmedia.com tới phần TÀI LIỆU)

Những điều trình bày trong thư của người thương binh hôn phu của cô Nguyễn thị Vàng khá cụ thể và đầy đủ. Không biết người thương binh xấu số này tới bây giờ còn sống hay đã qua đời. Như vậy trong vụ án cô Xuân có 3 người bị giết là cô Xuân, cùng cô em ruột là cô Vàng và cô em họ là cô Nguyệt sống chung nhà cũng bị giết luôn để diệt nhân chứng. Một chi tiết trong thư cần phải nêu ra ở đây là câu nói cô Xuân nói với ông Hồ, " Sau ngày sinh cháu Trung, xin Bác cho mẹ con ra công khai." Bác nói, " Cô xin như vậy là hợp tình, hợp lý. Nhưng phải được bộ chính trị đồng ý, nhất là mấy ông Trường Chinh, Lê đức Thọ, Hoàng quốc Việt đồng ý mới được. Do đó cô đành phải chờ một thời gian nữa." Có hai cách giải thích cho câu trả lời của ông Hồ. Cách giải thích thứ nhất là nếu ông nói thành thật, thì rõ ràng ông không có quyền quyết định mọi chuyện mà còn phải chờ ý kiến của những người lãnh đạo cao cấp trong Đảng như Trường Chinh, Lê đức Thọ, Hoàng quốc Việt. Ngay cả chuyện cô Xuân vợ ông xin đòi ra công khai thì ông cũng không dám định đoạt mà xin hoãn để hỏi ý kiến mấy đồng chí nói trên trước đã. Cách giải thích thứ hai là ông vờ vịt nói dối với cô Xuân để mua thời gian hầu có thể chạy làng vì thời gian này ông chưa bị thất sủng nên quyền uy của ông còn lớn và ông có thể quyết định mọi chuyện ông muốn, kể cả chuyện lấy cô Xuân làm vợ.

Nhà văn Vũ thư Hiên trong cuốn hồi ký " Đêm giữa ban ngày " cũng đã nói đến vụ án cô Xuân nói rõ thủ phạm chính trong vụ án cô Xuân là Trần quốc Hoàn, nguyên bộ trưởng Công an như sau:

"Cha tôi sai tôi chở ông lên đường Cổ Ngư cũ về phía Chèm. Tới dốc lên đê, ông bảo tôi dừng xe. Châm một điếu thuốc, ông chọn chử cỏ sạch để ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên ông.

Ráng chiều bắt đầu nhuộm đỏ mặt hồ Tây và một phần hồ Trúc Bạch. Gió nồng ẩm mang theo hương dong nước ngọt bị vứt lên bờ và hương lá mục ngai ngái.

_ Con nhớ lấy chử này, quãng gốc cây thứ tư và thứ năm từ trên đê đổ xuống _ cha tôi chỉ tay về phía trước _ Nơi này đã xảy ra một tấn thảm kịch mà rồi đây con phải tìm hiểu để mà viết. Nó là tấn thảm kịch có tính chất tượng trưng cho một sự đổ vỡ lớn của một nền đạo đức và rộng ra,của một thời đại..

Mắt cha tôi mờ đi. Giọng ông đứt quãng.

_ Con không hiểu bố muốn nói gì..

_ Lúc này con không hiểu cũng được. Hiểu bây giờ vừa sớm, vừa nguy hiểm. Việc của bố là đánh động trí nhớ của con, bắt nó ghi lại một lời nói không rõ ràng để đừng quên, sau này.. Thôi, ta về ..

Trên đường về nhà cha tôi không nói thêm lời nào nữa. Tôi cũng không dám hỏi. Nếu cha tôi đã không nói, có nghĩalà hỏi cũng vô ích.

Ông Nguyễn Tạo đã giải đáp cho tôi câu hỏi đó, nhiều năm về sau :

_ Bố anh không muốn kể vì vào thời kỳ câu chuyện xảy ra bố anh không còn làm việc với Bác Hồ nữa, bố anh e mình không nắm rõ, không trực tiếp biết sự việc, không biết chi tiết, kể sẽ không đầy đủ, không khách quan. Hoặc giả, bố anh sợ anh biết câu chuyện quá sớm thì hại cho anh, tôi không rõ..Nhưng bố anh muốn anh biết để có lúc anh sẽ phải viết ra. Bố anh bảo tôi kể cho anh nghe cũng không ngoài ý đó.

_ Bác biết ?

Ông gật đầu:

_ Không phải chỉ mình tôi biết. Còn có người khác biết. Số cán bộ công an ở cấp vụ trưởng hồi bấy giờ đều biết cả..

_ Vậy chuyện gì đã xảy ra ở dốc Chèm, thưa bác ?

_ Một vụ án oan khuất

_ Ở chính nơi bố cháu chỉ cho cháu ?

_ Ở đó. Có một người đàn bà bị xe cán chết, hay nói cho đúng hơn, xác của người đó.

_ Một hiện tượng giả?

_ Chính là như vậy. - ông ngậm ngùi - Người đàn bà này bố anh cũng biết, tên là Xuân, quê ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Cô Xuân rất xinh gái, da trắng nõn, miệng tươi như hoa, được Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương tuyển vào trông nom sức khỏe cho Bác Hồ..

_ Thời gian nào, thưa bác ?

_ Sau khi hòa bình lập lại, khoảng năm 1955..

_ Cùng được Trần đăng Ninh tuyển một lúc với cô Xuân còn có hai người em gái cô ta, một em ruột, một em họ, cũng là con cái gia đình gốc gác cách mạng cả. Họ được bố trí ở trong một ngôi nhà ở phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, sát đường Quang Trung. Thông thường, Trần quốc Hoàn tự thân đưa cô Xuân vào gặp Bác rồi đưa về..

_ Mửi lần như vậy bà ta ở lại bao lâu?

_ Không chừng. Có khi chỉ một đêm, có khi đôi ba hôm. Cô Xuân rất được lòng Bác. Họ có với nhau một con trai, được đặt tên là Trung, Nguyễn tất Trung.

Về sau trước khi Bác mất, Bác ủy thác thằng Trung cho Vũ Kỳ chăm sóc, coi như con nuôi..

Tôi sững sờ. Lại thêm một bí mật tôi được biết trong những bí mật cung đình được giữ rất kín.

_ Như vậy, có thể coi như bà Xuân là bà hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam?

Ông cười chua chát :

_ Có thể coi là như vậy. Và là bà Hoàng hậu bất hạnh nhất trong lịch sử Việt Nam. Bất hạnh vì không một ngày được thừa nhận là hoàng hậu, vì đẻ đứa con không được gọi cha ruột của nó bằng cha.. Tất cả diễn ra trong sự lén lút nhục nhã, như thể đó là tội lửi.

_ Ai đã giết bà Xuân?

_ Đừng vội. Ta hãy ghi nhận sự việc này : vào một buổi sáng mùa xuân năm 1957, người ta thấy có xác một người đàn bà bị xe ô tô đụng chết ở dốc Cổ Ngư lên Chèm. Xác chết được đưa vào bệnh viện Việt Đức, được nhận dạng. Đó chính là cô Xuân. Nhưng xác không được nổ theo thường lệ, mà bị chôn cất vội vã, theo lệnh của Trần quốc Hoàn.

_ Tại sao lại Trần quốc Hoàn ?

_ Bởi vì cô Xuân là người của cơ quan trực thuộc Trung ương, việc xảy ra phải báo cáo ngay cho Trần quốc Hoàn biết.

_ Rồi sau thì sao?

_ Chưa hết. Sau, em ruột của cô Xuân bị điều đi học một lớp y tá ở Thái Nguyên, rồi bị đưa về Cao Bằng điều trị bệnh..thần kinh. Ít lâu sau xác cô nổi lên ở một cây cầu trên sông Bằng Giang..Cô em gái họ cũng biến mất. Như vậy là cùng một thời gian, cùng một sự việc,có tới ba người thiệt mạng.

_ Những đầu mối đều bị bịt?

_ Tất nhiên. Nhưng những lý do dẫn tới những cái chết đã bị lọt ra ngoài.

_ Về những cái chết này không có ai điều tra hết ?

Ông Tạo cúi mặt xuống

_ Không

_ Tại sao, thưa bác ?

_ Tại vì thủ phạm là một nhân vật quá to để có thể đụng tới.

_ Trần quốc Hoàn?

_Phải.- ông thở dài - Tất cả những người biết việc này đều có lửi với hương hồn cô Xuân và hai cô em, tất cả đã không dám làm gì để rửa mối hận cho họ. Tất cả đã cúi đầu trước guồng máy, trước uy tín của Đảng có thể bị mất đi vì vụ bê bối này. Mọi người đều lầm khi nghĩ như vậy ..- Vì sao Trần quốc Hoàn giết bà Xuân ?

_ Đó là một chuyện dài. Khi Bộ Nội Vụ, vì công tác bảo vệ, bố trí cho mấy chị em cô Xuân ở ngôi nhà của Bộ ở phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, thì chỉ có vài người biết họ là ai. Trong ngôi nhà này còn hai gia đình cấp vụ khác ở cùng. Thời gian trước khi cô Xuân bị giết ít lâu, Trần quốc Hoàn thường tới đó. Việc Trần quốc Hoàn tới thăm rồi cưỡng hiếp cô Xuân, cô em của cô Xuân biết, có nói lại cho người yêu của mình ở quê. Anh này về sau có làm đơn tố cáo gửi Trung ương.

_ Và Trung ương im lặng ?

_ Không phải anh ta gửi ngay lập tức. Ngay lập tức thì anh ta cũng bị giết ngay, mà mãi về sau này..

_ Cụ Hồ không có ý kiến gì về mấy cái chết oan khuất đó ?

Ông Nguyễn Tạo đăm chiêu suy nghĩ.

_ Có nhiều điều chúng ta không biết được - ông nói, giọng bùi ngùi - Tôi nghĩ thân phận Bác lúc ấy cũng tội nghiệp lắm. Biết nói với ai? Với Lê Duẩn chăng ? Hay Lê đức Thọ ? Hay nói thẳng với Trần quốc Hoàn ? Tôi nghĩ Bác cũng là người, Bác cũng biết đau khổ. Nhưng cái thế của Bác buộc Bác phải im lặng..

_ Nghĩalà, theo bác, ông Hồ không có lửi ?

_ Trong mấy cái chết nói trên ? Không.

_ Nhưng sự im lặng trước cái chết của họ ? Ông Hồ cũng không có lửi ? -tôi gặng - Bỏ ra ngoài mối quan hệ tình cảm, chỉ nói tới cái chết oan khuất của một con người, với tư cách đồng bào?

_ Thế hệ các anh khắc nghiệt trong sự phán xét. - ông thở dài- Tôi hiểu các anh. Các anh vô can. Chúng tôi thì không. Chúng tôi tự đặt mình trong sự ràng buộc với Đảng, với những quyết định của nó, dù sai hay đúng. Chúng tôi lo lắng cho uy tín cũa Đảng. Chúng tôi cảm thấy nhục nhã nếu Đảng bị phỉ báng. Đảng là cuộc sống tinh thần của chúng tôi, là danh dự của chúng tôi. Bác cũng vậy. Ông Cụ cũng đau đớn lắm chứ. Ông cũng là con người. Như mọi người. Các anh khác. Các anh chỉ nhìn thấy một lẽ công bằng, đòi phải có nó, đòi mọi sự phải sòng phẳng. Cái đó là phải thôi. Đúng, chứ không sai. Nhưng có nên như vậy không nhỉ? Hay là cần phải độ lượng hơn, thông cảm hơn với sự yếu đuối của con người? Dù họ là ai đi chăng nữa..

( Trích hồi ký " Đêm giữa ban ngày " trang 605-609)

Đoạn trích dẫn trên của nhà văn Vũ thư Hiên đã ghi lại lời tâm sự của ông Nguyễn Tạo về vụ án cô Xuân. Khi ông Tạo cho rằng Hồ chí Minh cũng đau đớn trong cái chết của người vợ gốc thiểu số Nông thị Xuân, như vậy ông Tạo không nghĩ rằng ông Hồ là thủ phạm mà có bàn tay bí mật giết cô Xuân. Thế lực nào đã coi thường ông Hồ để ra tay giết vợ ông? Giai đoạn này ông Hồ đã thất thế rồi sao để thế lực đen tối giết vợ ông gây cho ông phải đau khổ mà không nói nên lời ? Ông Tạo không giải thích cụ thể lý do nào gây nên sự yếu thế của ông Hồ trong vụ án mạng cô Xuân, nhưng qua cách nói ông Tạo không nghĩ ông Hồ là người chủ mưu giết cô Xuân. Dĩ nhiên Trần quốc Hoàn là thủ phạm chính nhưng Trần quốc Hoàn chỉ thi hành lệnh của một thế lực tối cao ở trên chứ với chức bộ trưởng công an, Hoàn không thể nào dám ra tay giết vợ Hồ chí Minh nếu không có một thế lực cao cấp lấn át uy quyền ông Hồ cho phép. Dù sao sự lên tiếng của nhân chứng Vũ thư Hiên cho thấy chuyện cô Xuân vợ ông Hồ bị giết là chuyện có thật và câu chuyện tàn ác thương tâm này được cha ông Hiên và ông Nguyễn Tạo kể lại cho ông Hiên nghe với những chi tiết cụ thể và hiện trường nơi vụ án mạng oan khuất xảy ra.

Vũ thư Hiên lại là người khám phá thêm một sự thật nữa về cuộc đời tình ái của ông Hồ. Trước đây Học giả Hoàng Tranh có viết một bài về người vợ Trung quốc của Hồ chí Minh là Tăng tuyết Minh và cho rằng sau khi chia tay nhau vào năm 1927 thì ông Hồ và Tăng tuyết Minh không còn gặp nhau nữa ngoại trừ một trường hợp duy nhất là Tăng tuyết Minh đến dự phiên tòa xử Hồ chí Minh tại Hồng Kông năm 1931. ( Xin vào www.daiviet.org số báo 31 để đọc bài viết của Hoàng Tranh về Tăng tuyết Minh, người vợ Trung quốc của Hồ chí Minh). Nhà văn Vũ thư Hiên có trả lời một cuộc phỏng vấn sau này cho biết rằng ông có dịp nói chuyện với con trai Bác sĩ Trần duy Hưng ( nguyên thị trưởng Hà nội ) là Trần duy Nghĩa hiện sống ở Paris. Ông Trần duy Nghĩa tiết lộ rằng ông có dịp chứng kiến cảnh Hồ chí Minh và Tăng tuyết Minh có gặp nhau ở nhà ông Hồ ở Hà nội. Ông Nghĩa lúc ấy là một cháu nhỏ đến chơi với Bác Hồ và ông Hồ có khoe với Nghĩa một cái bọc do bà vợ Tăng tuyết Minh tự tay đan tặng cho ông. Đúng là rồi không có gì có thể che đậy mãi dưới ánh mặt trời. Những mẩu chuyện lặt vặt về ông Hồ đã được những người chung quanh chứng kiến và kể lại để người đời sau có thêm dữ kiện mà đánh giá con người thật của ông.

Sau Vũ thư Hiên, có thêm một nhân chứng quan trọng là ông Nguyễn minh Cần, hiện nay đang sống tại Mạc tư khoa, Nga. Năm 1957 khi án mạng của cô Xuân xảy ra thì ông Cần đang là " Phó chủ tịch ủy ban hành chính Hà Nội " .Ông được báo cáo về vụ án mạng được ngụy trang là một tai nạn để rồi sau đó bị những cơ quan liên hệ bưng bít sự thật về chuyện giết người này. Sau này ông được đọc lá thư của người hôn phu cô Vàng và đi đến kết luận chuyện án mạng về người vợ thiểu số Nông thị Xuân là chuyện có thật . Sau này ông Nguyễn minh Cần có tung ra bài viết " Thêm vài mẩu chuyện về cuộc đời Hồ chí Minh " để nói về những huyền thoại về ông Hồ, có huyền thoại do chính ông tạo ra như tự mình viết sách ca tụng mình ( cuốn sách " Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ chủ tịch " với cái tên giả Trần dân Tiên.). Bài viết có đề cập đến vụ án mạng cô Xuân, sau khi kể lại chuyên mắt thấy tai nghe về vụ án cô Xuân, ông đưa ra những suy luận về thủ phạm giết cô Xuân như sau:

" .. Bây giờ xin quay trở lại câu chuyện những cô gái ở Cao Bằng. Theo những điều người ta kể cho tôi trong những năm gần đây và được xác minh qua tài liệu đã xem thì có hai chi tiết hơi khác là các cô họ Nguyễn ( trước đây có tin đồn là họ Nông ) và cô Xuân có một con với ông Hồ. Ngoài ra, các chi tiết khác về cơ bản đều giống nhau. Sự việc cụ thể như sau: Cô Nguyễn thị Xuân ( tên gọi trong gia đình là Sang) và em họ ( ruột?) là Nguyễn thị Vàng, 22 tuổi, quê làng Hà Mạ, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, cuối năm 1954, đã tình nguyện vào làm công tác hộ lý trong một đơn vị quân nhu. Được mấy tháng thì Ủy viên trung ương Đảng, chủ nhiệm Tổng cục hậu cần Trần đăng Ninh, gặp cô Xuân nói chuyện vài lần, rồi đầu năm 1955 cho xe đón cô Xuân về Hà nội, " nói là để phục vụ Bác Hồ " . Mấy tháng sau, cô Xuân cũng xin cho cô Vàng và cô Nguyệt ( con gái của ông Hoàng văn Đệ, cậu cô Xuân ) về Hà nội ở trên gác nhà 66 Hàng Bông Nhuộm. Vì các vị lãnh đạo không cho chị Xuân ở cùng với Bác trên nhà chủ tịch phủ, vì thế mới giao cho ông Trần quốc Hoàn, bộ trưởng bộ công an, trực tiếp quản lý chị Xuân, cho nên chị Xuân mới được đem về 66 Hàng Bôm Nhuộm, là nhà của công an. Cuối năm 1956, chị Xuân sinh được một cậu con trai. Cụ Hồ đặt tên là Nguyễn tất Trung.

"Em có nhiệm vụ bế cháu ", đấy là lời Vàng kể lại cho người chồng chưa cưới của mình trước khi cô bị giết. Và cũng nhờ Vàng đã kể lại, nên chúng ta biết được những việc sau đây : Khoảng mồng 6, mồng 7 tháng 2 năm 1957, Trần quốc Hoàn đến, nói chuyện vu vơ một lúc, rồi giở trò kéo cô Xuân vào cái buồng xép, định hãm hiếp. Cô Xuân ú ớ la lên. Vàng hoảng sợ tru tréo, còn Nguyệt khiếp sợ quá co rúm lại ngồi ở trong góc. May lúc đó có tiếng cửa sổ nhà dưới xô sầm vào tường, Hoàn sợ, bỏ cô Xuân ra, rút súng lục ra dọa, " Chúng mày im mồm, không ông cho chết hết " Rồi xuống thang, ra ô tô chuồn. Mấy hôm sau, Hoàn lại đến, lên gác, đi thẳng vào phòng, ôm ghì cô Xuân hôn. Cô Xuân xô nó ra và nói, " Không được hửn, tôi là vợ ông chủ tịch nước." Nó nói, " Tôi biết bà to lắm, nhưng tính mạng bà nằm trong tay tôi " Rồi lấy súng dí vào ngực cô Xuân, nó rút ra sợi day dù đã thắt sẵn thong lọng tròng vào cổ cô Xuân kéo cô lên giường, tự tay lột hết quần áo, ngắm nghía, rồi hiếp cô. Cô Xuân xấu hổ lấy tay che mặt. Nó kéo tay cô và nói, " Thanh niên nó phục vụ không khoái hơn ông già sao mà lại còn vờ làm gái. "

..Rồi sau đó là án mạng xảy ra cho cô Xuân,cô Vàng, cô Nguyệt

Những câu hỏi về Hồ chí Minh

Còn về cháu bé Nguyễn tất Trung thì sau khi mẹ chết, nó được gửi cho ông Nguyễn lương Bằng nuôi, độ 4-5 tuổi thì chuyển cho ông Chu văn Tấn, đến năm 13 tuổi là năm 1969, ngày Chủ tịch Hồ chí Minh mất thì giao về cho ông Vũ Kỳ, nguyên thư ký riêng của ông Hồ, làm con nuôi và đổi họ thành Vũ Trung. Tôi xin bỏ qua những tình tiết khác và dừng lại đây, vì đến đây, cũng đủ để có thể rút ra vài kết luận sơ bộ có liên quan đến đề tài cần nói

Tôi luôn luôn nghĩ rằng không nên " xoi mói " vào đời tư của người khác, kể cả đời tư của các lãnh tụ. Việc các lãnh tụ có vợ, có con là chuyện rất thường tình. Ông Hồ, cũng như bất cứ ông lãnh tụ nào khác, cũng như bất cứ người nào khác, đều có thể có cuộc sống tình dục, cuộc sống gia đình, có thể có vợ, có con, có thể ly dị với vợ, rồi lại lấy vợ khác. Những điều đó không ai nên can thiệp đến. Thậm chí, dù cho ông lãnh tụ nào đó có vợ rồi, lại đi ngoại tình, " cặp bồ " với ai đó, như trường hợp Lênin, hay vợ sờ sờ ra đấy mà vẫn ngang nhiên ngủ với gái, hết cô này đến cô khác, như trường hợp Mao trạch Đông, hay đi hoang, rồi có con với người khác, như trường hợp Karl Marx. Những ví dụ này tôi không nói vu vơ, các sử gia và các nhà báo đứng đắn trên thế giới đã viết quá đủ, với những bằng chứng không thể chối cãi, thì cũng đáng phê phán đấy, nhưng cũng chẳng sao cả, trời không vì thế mà sập được. Chỉ có cái đầu óc ngu muội, phong kiến của cái đám lãnh đạo Cộng sản kênh kiệu, tự coi mình là " trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại " hay là " đỉnh cao trí tuệ loài người " , mới nghĩ rằng phải tô vẽ cho lãnh tụ thành một ông thánh sống, chí ít là một con người siêu phàm, không vợ không con, thì càng thêm uy tín chính trị. Thế rồi cứ giấu kín cuộc đời riêng tư của các lãnh tụ như là bí mật quốc gia số một, hễ ai động khẽ đến là trừng trị tàn nhẫn. Đấy, cái vụ vừa qua Đảng " xử trí kỷ luật " một cách thô bạo đối với Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, chỉ vì báo đó dám nói sơ sơ chuyện ông Hồ có vợ hồi ở Trung quốc, là một chứng minh cho cái đầu óc ngu dốt, độc đoán, lố bịch của cái đám ấy. Lẽ cố nhiên, cách xử sự của người đàn ông đối với phụ nữ, đối với vợ con phản ánh toàn bộ tư cách, phẩm chất, đạo đức của con người, và điều đáng nói, đáng xem xét .

Theo tôi, các cô gái Cao Bằng, cũng như anh chồng chưa cưới của cô Vàng cùng các thương binh bạn chiến đấu của anh đều rất ngây thơ, tưởng là ông Hồ định lấy cô Xuân làm vợ thật, tưởng cô Xuân là vợ của ông Hồ thật. Khách quan mà xét, ông Hồ không muốn có vợ đàng hoàng, ông chỉ muốn giữ cái " uy tín chính trị " hão của " bậc siêu nhân " , ông chỉ muốn được " tiếng " vì dân vì nước đến nửi suốt đời không mơ tưởng đến chuyện vợ con.Và điều này nói ra chua xót thật, nhưng không thể không nói là cô Xuân chỉ là món đồ chơi trong tay ông mà thôi. Cô Xuân được đưa về Hà nội là để " phục vụ " ông Hồ, cũng như bào nhiêu cô gái Trung quốc đã được đưa đến Trung Nam Hải để " phục vụ " ông Mao. ( Xem hồi ký " Tôi là bác sĩ riêng của Mao " của Lý chí Tuy ). Mồm ông Hồ nói nào là giải phóng phụ nữ, nào là chống tư tưởng phong kiến, tôn trọng phụ nữ v..v.Thế nhưng ông đã hành xử với phụ nữ cực kỳ phong kiến, coi phụ nữ chẳng khác gì món đồ chơi. Nhận xét như thế không có tính chất võ đoán, vì thử hỏi :

Nếu coi cô Xuân là vợ thật, tại sao ông lại không để cô ở chung tại ngôi nhà riêng của ông ở trong khuôn viên Chủ tịch phủ, mà bắt cô phải ở riêng mãi tận nhà số 66 Hàng Bông Nhuộm. (ai biết rõ Hà nội thì dễ dàng hình dung được khoảng cách từ Chủ tịch phủ đến nhà 66 Hàng Bông Nhuộm ), là nhà của công an, lại phải chịu dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ trưởng công an Trần quốc Hoàn và chỉ khi nào ông cần " được phục vụ " thì cho xe đón cô lên Chủ tịch phủ mà thôi ? Trong những năm đó ông Hồ chưa đến nửi thất thế tới mức phải cho Trường Chinh, Lê dức Thọ, Hoàng quốc Việt có thể can thiệp vào cuộc sống tình cảm của ông như vậy, có thể khống chế ông như vậy. Ông đường đường là lãnh tụ tối cao, là chủ tịch Đảng cơ mà.

Nếu ông coi cô Xuân là vợ thật thì khi cô đẻ con trai rồi, tại sao ông vẫn để hai mẹ con ở riêng tận số 66 Hàng Bông Nhuộm và khi mẹ nó chết rồi, ông không đem con về nuôi, mà lại đưa cho người này, người khác nuôi cho đến khi thằng bé lên 13 tuổi, là năm ông qua đời, thì " người ta " cũng khó biết được là ai, Bộ chính trị hay là theo lời dặn của bố đẻ đứa bé chỉ thị chuyện nuôi đứa bé, rồi lại giao nó cho Vũ Kỳ làm con nuôi ? Và xin các bạn chú ý, Vũ Kỳøõ chắc chắn là không bao giờ dám tự ý đổi họ thằng bé thành Vũ Trung, xóa mọi dấu vết tội lửi của một ông họ Nguyễn tất nào đây. Khách quan mà nói, dường như ông Hồ không có chút tình thương yêu nào đối với đứa con đẻ của mình. Một người như vậy làm sao có thể thương yêu trẻ con người khác được ?

Theo tôi, thật khó mà bác bỏ ý kiến cho rằng từ đầu đến cuối, ông Hồ cùng đám cận thần của ông, những ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ chính trị, đã đánh lừa tệ hại cô Xuân, một cô gái quê ngây thơ ở miền núi, làm cho cô tưởng lầm ông định lấy cô làm vợ thật. Khi có con với ông rồi, cô xin cho hai mẹ con " được ra công khai " , chắc ý nói muốn hợp thức hóa, thì một mặt ông làm ra vẻ thông cảm, thừa nhận yêu cầu đó là hợp tình hợp lý, nhưng mặt khác ông lại chỉ vào các ông trong Bộ chính trị mà nói là các ông kia có quyền quyết định chứ không phải ông, phải chờ ý kiến của các ông kia, làm như ông không phải là " lãnh tụ tối cao ", không phải là Chủ tịch Đảng, làm như ông ở dưới quyền mấy ông kia trong Bộ chính trị . Rồi ông còn khuyên nhẹ nhàng , " Cô đành phải chờ một thời gian nữa " . Và thật tội nghiệp cho cô Xuân, cô đã chờ, chờ cho đến khi bị giết.

Còn có nhiều điều khác mà trong tình hình hiện nay khó có thể tìm ra được lời giải đáp. Tại sao Trần quốc Hoàn lại có thể có thái độ trắng trợn, đê tiện như thế đối với cô Xuân ? Dù cô không phải là vợ chính thức thì cũng là " bồ ",( nói theo lối nói thông thường hiện nay ở Việt Nam) của lãnh tụ cơ mà. Sao y lại có thể to gan phạm thượng đến như thế ? Hay là y đã thấy rõ tình thế bị " thất sủng " của cô Xuân, tức là cái thái độ không mặn nồng nào đó của ông Hồ đối với cô Xuân, nên mới bạo phổi làm chuyện bậy bạ đến thế ? Hay là y đã biết một quyết định nào đó về cô Xuân, nên y nghĩ rằng " không xài thì phí của trời " , trước sau rồi cô cũng chết ?

Còn câu hỏi mà ông Hồ đặt ra cho cô Xuân về những người lạ mặt thường đến chử các cô phải không, có ý nghĩa gì ? Có đúng là do Bộ trưởng công an mớm cho ông hay không? Việc giết cô Xuân, cô Vàng, cô Nguyệt là mưu đồ của cá nhân Trần quốc Hoàn, hay là chủ trương của một tập thể, nếu là của một tập thể thì tập thể nào, và ông Hồ có được biết hay không? Trách nhiệm của ông Hồ, của Bộ chính trị Trung ương Đảng, của Bộ công an, của Trần quốc Hoàn trong việc này như thế nào ? Khoảng thời gian từ khi cháu Trung được sinh ra( cuối năm 1956) đến ngày Hoàn tới dở trò hãm hiếp mẹ nó ( vào ngày mồng 6 hay mồng 7 tháng 2 năm 1957) vì sao lại gần nhau đến thế ? Điều đó có ý nghĩa gì? Vân vân và vân vân. Hy vọng là rồi đây, các nhà thám tử tài giỏi nhất, các chuyên gia về tội phạm có thể góp ý, góp sức, giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề.

Hồ chí Minh là một nhân vật lịch sử đã có ảnh hưởng rất lớn đối với vận mệnh đất nước và nhân dân Việt Nam trong nhiều thập niên của thế kỷ 20. Dù muốn dù không, không ai có thể phủ nhận điều đó. Nhưng, ảnh hưởng đó là tốt hay xấu , hay vừa tốt vừa xấu, tốt nhiều xấu ít, hay ngược lại ? Công trạng của ông thế nào, tội lửi của ông ra sao, chỉ có công không có tội, hay chỉ có tội không có công, hay vừa công vừa tội ? Ông là vị thánh nhân, là bậc siêu nhân, hay là kẻ phàm phu, hay là tên giả dối, bịp bợm ? Ông là biểu tượng của đạo đức với trái tim nhân ái, hay và một kẻ vô luân, vô đạo với lòng dạ bất lương ? Tất cả những câu hỏi đó đòi hỏi một sự nghiên cứu khách quan, cẩn trọng, sâu sắc, tỉ mỉ, toàn diện, và cuối cùng phải chờ lịch sử cân lượng, phán xét. Lịch sử được đúc kết từ muôn ngàn sự kiện chân thật. Nhận thức sâu sắc điều đó, người viết bài này không mảy may có tham vọng đánh giá cuộc đời của vị chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. YÙ muốn nhỏ nhoi đã được nó ngay từ đầu, chỉ là để góp thêm vài " mẩu chuyện " , qua đó người đọc có thể thấy thêm được vài nét chân thật trên bức chân dung hoành tráng, đồ sộ của ông mà giới cầm quyền Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay đã dày công tô vẽ.

.. Nhưng, vì chân lý, lẽ nào chúng ta có quyền chôn vùi, hoặc để cho ai đó được phép chôn vùi sự thật? Trái lại, bằng tất cả giá nào, phải tìm mọi cách để trả về cho lịch sử những sự kiện chân thật, khách quan, không bị tô vẽ, không bị bóp méo, để mọi điều, mọi người đều được đánh giá đúng dắn và công bằng. Công lý đòi hỏi như thế . "

Cùng một sự kiện vụ án chuyện cô Xuân bị giết nhưng có hai cách giải thích khác nhau. Ông bạn Nguyễn Tạo bạn của bố nhà văn Vũ thư Hiên nghĩ rằng ông Hồ cũng đau đớn trong cái chết của người vợ thiểu số tên Xuân của ông, nghĩa là ông Tạo không nghĩ ông Hồ đã ra tay giết vợ, trong khi ông Nguyễn minh Cần đưa ra suy luận rằng chính ông Hồ là thủ phạm trong vụ giết cô Xuân. Thật ra nếu không có chuyện ông Hồ bị thất sủng và bị tước quyền lực như sau này được biết thì sự suy luận của ông Cần coi như đúng hoàn toàn nhưng chuyện ông Hồ bị thất sủng và mất quyền lực là chuyện có thật nên sự suy luận của ông Cần cho rằng Hồ chí Minh là thủ phạm giết cô Xuân cũng không hoàn toàn chính xác và có tính thuyết phục cao. Có điều là cho tới giờ phút này, người ta không biết ông Hồ bị thất sủng từ năm nào, ông bị mất quyền lực trước hay sau cái chết của cô Xuân ? Có thể những người lấn quyền ông Hồ đã cho giết cô Xuân để tạo cho ông Hồ một biểu tượng đẹp đẽ hầu có lợi cho công cuộc đấu tranh. Ông Hồ đứng thế thất thế nên đành đau khổ trong im lặng ngồi nhìn người khác thủ tiêu vợ mình một cách tàn bạo. Dù sao đây cũng chỉ là một cách suy đoán. Hy vọng rồi đây sẽ có thêm nhiều nhân chứng lên tiếng thì người ta mới biết chắc chắn là ông Hồ có là thủ phạm hay không trong chuyện giết người vợ tên Xuân ? Trần quốc Hoàn chỉ là kẻ thừa hành lệnh giết mà thôi. Có lẽ ở trong nước Lữ Phương cũng nghe vụ án mạng cô Xuân qua sách báo hải ngoại. Nay xin nói rõ chi tiết về vụ này để có thể có một thông tin đầy đủ về vụ án tàn bạo,ghê tởm này. Có thể suy luận dứt khoát về thủ phạm vụ án cô Xuân như sau: Nếu lúc giết cô Xuân mà ông Hồ còn giữ nguyên quyền lực và không bị thất sủng thì chắc chắn ông là người đã ra lệnh cho Trần quốc Hoàn giết cô Xuân để tạo hào quang cuộc đời hy sinh vì nước vì non nên không lập gia đình của ông; nếu lúc cô Xuân bị giết mà ông Hồ đã bị tước mất quyền lực và bị cho ra rìa thì thủ phạm giết cô Xuân chưa chắc là ông mà là do nhóm đang có quyền lực ra tay và ông Hồ phải đau buồn vì cái chết của người vợ thiểu số này mà không dám hó hé gì cả vì thân phận bị thất sủng mất quyền lực của ông.

Với cách giết người và giết nhân chứng tàn bạo bỉ ổi như thế, Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam đã có một cung cách sát thủ tàn bạo, dã man rất giống bọn băng đảng xã hội đen Mafia chứ một nhà nước dân chủ cộng hòa không bao giờ có một cách hành xử giết người mờ ám và ti tiện như thế.

Lữ Phương đã ghi nhận rất đúng sự đấu đá để tranh giành quyền lực trong Đảng. Phe Lê Duẩn, Lê đức Thọ hoàn toàn khống chế phe Hồ chí Minh, Võ nguyên Giáp. Lữ Phương đưa ra bằng chứng cụ thể là Hồ chí Minh bị tống cổ qua Bắc Kinh cùng chung với người thư ký hầu cận Vũ Kỳ trong cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân. Ông Hồ tham gia đóng góp trận tấn công này bằng một bài thơ rồi cho qua Bắc kinh ..nghỉ. ( Bài thơ đó là " Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua. Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà. Năm Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên, toàn thắng ắt về ta"). Cũng xin nhắc thêm với Lữ Phương là Đại tướng Bộ trưởng quốc phòng Võ nguyên Giáp cũng bị tống cổ qua Hungary " gọi là chữa bệnh " từ năm 1967. Ở miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào thập niên 1960, Tướng Nguyễn chánh Thi khi bị đẩy ra khỏi nước cũng được loan tin là ông được đưa đi Mỹ chữa bệnh " thối mũi". Cho nên chuyện loan tin một người có bệnh để đẩy ra khỏi nước thì đó là một lối nói ngoại giao thế thôi. Tướng Giáp chẳng có bệnh gì mà phải đi Hunggary chữa bệnh. Ông cũng giống như Hồ, bị tống cổ ra khỏi nước cho khuất mắt những người đang cầm quyền lực không muốn thấy sự hiện diện của hai ông trước trận đánh lớn Mậu Thân. Duẩn và Thọ phải tống cổ Hồ và Giáp đi xa để giành công đánh Mậu Thân nếu thành công. Hồ là chủ tịch nước và Đảng, Giáp là bộ trưởng quốc phòng và là cha đẻ của quân đội nhân dân Việt Nam, thế mà một trận đánh cực kỳ lớn như trận Mậu Thân 1968 mà Hồ và Giáp không được ngồi ở nhà để điều binh khiển tướng thì cái lý luận cho rằng phe Duẩn, Thọ đã khống chế và tước hết uy quyền của phe Hồ, Giáp quả là quá đúng và không ai còn nghi ngờ gì nữa về điều này. Lý do Hồ và Giáp bị thất sủng cũng chưa ai giải thích được cho rốt ráo. Sau này người ta căn cứ vào di chúc của Hồ viết ngày 14 tháng 8 năm 1969 cho biết sở dĩ Hồ bị mất uy quyền là do Hồ tìm cách liên lạc để hòa hợp, hòa giải với ông Diệm vào xuân 1963 và do đó mà bị cô lập và tước quyền lực. Hy vọng rồi sau này sẽ có thêm nhiều dữ kiện đưa ra và nhiều nhân chứng lên tiếng thì người ta mới biết được nguyên nhân bị thất sủng của Giáp và Hồ.

Hoàng văn Hoan trong hồi ký " Giọt nước trong biển cả " còn kể thêm chuyện phe Lê Duẩn đã sát hại Đại tướng Nguyễn chí Thanh khi ông Thanh từ chiến trường miền Nam ra Hà nội họp vào năm 1967 . Ông Hoan kể rõ chuyện này như sau

" Là vì trong vụ anh Nguyễn chí Thanh bị ám hại, Nguyễn văn Vịnh là người được biết tất cả mọi chi tiết, nếu xử lý Nguyễn văn Vịnh đúng theo kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước thì Nguyễn văn Vịnh sẽ bươi ra hết cả, như vậy bộ mặt của bọn Lê Duẩn sẽ bị bóc trần, tội ác của bọn Lê Duẩn sẽ phơi bày trước Đảng và trước dư luận nhân dân.

( Trích hồi ký " Giọt nước trong biển cả " của Hoàng văn Hoan , trang 420)

Nói chung thì các đồng chí trong Đảng Cộng sản của Hồ đều ăn ở với nhau theo tinh thần " lừa thầy phản bạn "cả, nên chuyện đấu đá giết nhau cũng là chuyện tất yếu và thường tình thôi.

Lữ Phương có kể chuyện một người Pháp nghiên cứu về Việt Nam là ông Hémery có tìm ra một tờ đơn của Hồ chí Minh đề ngày 15 tháng 9 năm 1911 ở Marseille - ký là Paul Tất Thành gửi chính phủ Pháp xin vào học trường Ecole coloniale ( một trường đào tạo công chức cho thuộc địa). Đây là một tài liệu mà các giới chức Hà nội tìm cách dấu kín vì mấy mươi năm nay họ đã tuyên truyền là Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, thế mà tới đất Pháp Bác nộp đơn vào học trường thuộc địa thì giải thích làm sao bây giờ ! Lữ Phương nhận định rất có lý rằng cho dù có chuyện viết đơn này xảy ra thì chẳng hề hạ thấp tình cảm yêu nước của ông Hồ, nhưng tất nhiên, như vậy sẽ rất khó để tạo ra cáo chủ ý lý tưởng hóa cuộc đời của ông từ nhỏ cho đến lớn. Thế nhưng trong cuốn sách mới xuất bản năm 2002 tại Việt Nam nhan đề " Từ Nguyễn ái Quốc đến Hồ chí Minh " , Lữ Phương đã thay đổi giọng điệu và bênh vực cho Hồ chí Minh, Lữõ Phương nói rằng bức thứ ấy là do những người chung quanh Hồ như Nguyễn thế Truyền xúi Hồ viết. Mục đích Lữ Phương tìm cách giải thích như thế là để chạy tội cho Hồ. Ô hay! Chuyện gì đẹp đẽ thì cho là chính Hồ làm, chuyện gì không đẹp thì bảo là Hồ bị người khác xúi ! Xem ra cái lý luận bênh vực cho Hồ của Lữ Phương không công bằng chút nào. Phải nhớ năm Hồ rời nước ra nước ngoài là năm 1911, Hồ sinh năm 1890, như vậy khi rời nước Hồ đã 21 tuổi. Một người 21 tuổi là một người đã có sự suy nghĩ chín chắn độc lập, không thể nói hành động của người ấy là bị người này xúi, người kia dụ được. Hầu hết những nước trên thế giới đều cho phép công dân 18 tuổi là có quyền lập gia đình và đi bỏ phiếu vì khi tới 18 tuổi, con người được coi như đủ khôn ngoan và có những suy nghĩ độc lập để quyết định mọi chuyện. Chẳng qua vì muốn bênh Hồ mà Lữ Phương nói người khác xúi Hồ viết lá thư không đẹp kia. Xem ra Lữ Phương còn thiếu cái tinh thần lạnh lùng và vô tư của người viết sử vì còn để tình cảm lấn át lý trí trong chuyện biên soạn sách của mình.

Lữ Phương có nói chuyện ông Hồ đến với chủ nghĩa Mác-Lênin với cái tâm chứ không với cái trí. Ông Hồ bị thúc đẩy bởi vấn đề bức xúc của đất nước là độc lập, và nhận thấy sự hứa hẹn của Đệ tam Quốc tế là rõ rệt và triệt để nên cuồng nhiệt trở thành người tín đồ cuồng tín. Nhưng Lữ Phương cho rằng đây là một sự lựa chọn bất toàn : nó có thể giành được độc lập cho dân tộc qua các hình thức đấu tranh bạo lực của chiến tranh nhưng đã thất bại toàn diện trong công cuộc xây dựng khi thời bình. Lữ Phương cho ông Hồ chỉ biết đến chức năng giải phóng của chủ nghĩa Mác nhưng không hiểu đến triết học sâu sa của chủ nghĩa này, như vấn đề thặng dư giá trị, lao động tha hóa, hạ tầng cơ sở, thượng tầng kiến trúc v..v. Phải nói ông Hồ say mê đến độ mù quáng khi đến với chủ nghĩa Mác - Lê. Trong một bài viết ông có lần cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê là cái cẩm nang thần kỳ mà bất cứ lúc nào cảm thấy bế tắc trong đấu tranh và xây dựng thì cứ lấy cái cẩm nang thần kỳ này ra mà coi thì sẽ giải quyết được ngay vấn đề. Ông lại đồng hóa lòng yêu chủ nghĩa với lòng yêu nước qua câu khẩu hiệu nổi tiếng của ông : Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội. Thật ra sự phê phán của Lữ Phương là đúng nhưng phải nhìn vào trình độ văn hóa thấp kém của ông Hồ lúc ông đến chủ nghĩa Mác- Lê, lúc đó ông học trung học dang dở, sang ngoại quốc bằng cách làm bồi tàu. Ông có cái khôn lanh, láu lỉnh của một người sành đời nhưng không có đủ kiến thức văn hóa để phân biệt sự đúng sai của một chủ nghĩa phức tạp như chủ nghĩa Mác nên sự hiểu biết ông về chủ nghĩa này nói chung là hời hợt. Ông coi chủ nghĩa này như một thứ " khuôn vàng thước ngọc " để dẫn toàn dân đi theo. Ông dùng cái bè Mác - Lê để vượt qua con sông đấu tranh để đến bờ độc lập. Nhưng khi được độc lập rồi, ông không đủ sáng suốt để quăng cái bè Mác - Lê đi mà đội nó trên đầu, dùng nó làm kim chỉ nam trong chuyện xây dựng đất nước. Và cái bè này trở thành cái vòng kim cô ý thức hệ đè nén sự phát triển đất nước. Ông chưa đủ can đảm quăng cái bè đi khi sang sông. Điều đáng buồn là những người học trò đàn em kế tục sự nghiệp cách mạng của ông cũng không sáng suốt gì hơn ông. Cho nên tới giờ này vẫn rêu rao một cách khá vô duyên là " Làm kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa " . Định hướng xã hội chủ nghĩa chính là cái bè ý thức hệ mà đám lãnh đạo Đảng hôm nay chưa gỡ bỏ ra được. Đất nước Việt Nam vẫn còn trì trệ trong chuyện phát triển là vì như thế đấy. Đến giờ này thì ai cũng thấy rằng chủ nghĩa Mác - Lê là vũ khí hiệu nghiệm trong chuyện lật đổ và cướp chính quyền nhưng lại bất lực trong chuyện phát triển đất nước như Lữ Phương đã nhận định trong bài viết trên. Có những người lãnh đạo trong nước thấy rõ điều đó như ông Trần xuân Bách và muốn phát triển hệ thống đa đảng, đa nguyên để dẹp trừ chuyện độc quyền cai trị nhưng ông Bách lại đứng vào thế thiểu số, không đập vỡ được cái tâm thức quán tính ù lỳ của đa số trong lãnh đạo Đảng. Bản thân ông Bách cuối cùng bị đuổi ra khỏi Đảng vì cổ súy tư tưởng " phản động " này. Thành ra Đảng vẫn chưa cởi bỏ được ý thức hệ Mác-Lê để xây dựng đất nước. Vì còn giữ hệ thống độc đảng chuyên chính là tạo môi trường cho tham nhũng trở thành quốc nạn và sớm muộn gì cũng góp phần làm sụp đổ bộ máy nhà nước cồng kềnh, không hữu hiệu trong chuyện điều hành đất nước. Liên xô trước đây cũng tự sụp đổ vì bộ máy nhà nước cồng kềnh, không hữu hiệu chứ chẳng có ai đánh đổ cả. Liên xô hôm nay là Việt Nam ngày mai, câu khẩu hiệu này phải nhận là có tính tiên tri chính xác vô cùng.

Lữ Phương chỉ ra những khuyết điểm của chế độ Mác - Lênin do ông Hồ chọn lựa đã bộc lộ ra trong thời bình như đấu tố, cải cách ruộng đất đã phá hoại đến tận cùng nền tảng đạo lý dân tộc, cái cảnh con chửi cha, vợ tố chồng, họ hàng tố khổ nhau trong cải cách ruộng đấtõ là một thứ " đạo đức cách mạng " thời đại Hồ chí Minh. Đó là một vết nhơ và vết nhơ này sẽ không bao giờ rửa sạch được. Chuyện chỉnh huấn đã bơm máu đen vào cơ thể Đảng; trấn áp chà đạp văn nghệ sĩ từ vụ Nhân văn - Giai phẩm trở về sau đã là m᡻?t sự phản bội về tự do văn hóa. Lữ phương cho cái khẩu hiệu chế độ Cộng sản " dân chủ gấp triệu lần tư sản " là một điều khoác lác vì chế độ này đã đè đầu cưỡi cổ nhân dân một cách thô bỉ và thản nhiên dưới chiêu bài " chuyên chính vô sản " ; và đã làm mất động lực phát triển kinh tế vì chủ trương quốc doanh hóa toàn bộ sản xuất. Khi nhà nước nắm toàn bộ sản xuất như thế thì xảy ra cái tình trạng " cha chung không ai khóc " để rồi đưa đến tình trạng vô trách nhiệm trong sản xuất và cuối cùng đã gây ra sự lụn bại trong sản xuất, nghèo nàn về kinh tế.

Quan sát những năm gần đây, trước tình trạng suy thoái về mọi mặt của xã hội, nhà cầm quyền tìm cách đề cao " tư tưởng Hồ chí Minh " như là một cái bùa để hàn gắn mọi sai trái, đổ vỡ. Nhưng như Lữ Phương có chỉ ra trong bài viết là chính bản thân Hồ chí Minh xác nhận ông không có tư tưởng gì cả. Mọi tư tưởng đều có Lênin và Mao trạch Đông nói ra hết rồi. Những đệ tử sau này của ông đã gán cho ông những điều ông không có, chẳng qua họ muốn dùng hào quang của ông để lấp liếm những sai lầm tệ hại của bộ máy nhà nước trong công cuộc xây dựng đất nước hiện tại. Ông viết di chúc để lại yêu cầu được " hỏa táng " sau khi qua đời mà đám đàn em hậu duệ có nghe lời ông đâu, chúng xây lăng dựng mả cho ông để dùng thân xác ông như một biểu tượng có lợi cho sự nghiệp cách mạng của chúng, chúng chỉ dùng ông như một thứ bung xung không hơn không kém. Về điểm này thì phải nói là Hồ chí Minh giống vua Bảo Đại, bị người khác dùng uy tín của mình để sử dụng cho những chuyện riêng. Thực dân Pháp dùng Bảo Đại như một loại bù nhìn thì Đảng Cộng sản cũng sử dụng uy tín, tên tuổi Hồ chí Minh như một hình tượng không hơn không kém vào lúc ông còn sống và ngay cả khi ông đã qua đời. Thực tế đã cho thấy rằng chủ nghĩa Mác không giải quyết được bài toán dân chủ và xây dựng trong thời đại ngày nay. Chuyện Đảng Cộng sản cố gắng thổi phồng tên tuổi cùng tư tưởng Hồ chí Minh chỉ là một trò phù thủy gọi hồn âm binh để rồi không mang lại kết quả gì trước sự chán chường mệt mỏi của nhân tâm.

Lữ phương phê phán Hồ chí Minh là một người yêu nước, nhưng là một người yêu nước theo phương thức của Lênin, một người đã có đem lại cho đất nước sự tự chủ và thống nhất nhưng cũng lại là một người đã cho du nhập vào đất nước một học thuyết ngoại lai mà tác hại của nó còn kéo dài cho đến ngày nay chưa gỡ bỏ ra được. Vâng thưa ông Lữ Phương, người Việt Nam sẽ cởi bỏ gông xiềng Mác - Lê nếu đồng tâm cùng đứng dậy với những nhà đấu tranh cho dân chủ để lật đổ chế độ bán nước hại dân này.

Ngục sĩ Nguyễn chí Thiện đã có mấy câu thơ khá hay để phê phán sự tệ hại của chũ nghĩa Mác như sau:

" .. Học thuyết Mác, một linh hồn u ám
Không gốc rễ gì trên mảnh đất ông cha
Mấy chục năm phá nước,phá nhà
Đã tới lúc lũ tông đồ phải lôi ra pháp trường tất cả
... ( Trích từ bài trường thi " Đồng lầy" ( 1972) )

Mặc dù phê phán mạnh mẽ những sai lầm của Hồ chí Minh nhưng đoạn cuối bài viết Lữ Phương vẫn xưng tụng Hồ chí Minh là một anh hùng và Lữ Phương khuyên không nên cột chặt vận mệnh đất nước vào chọn lựa bất toàn của người anh hùng đó. Thật ra chữ anh hùng có ý nghĩa cao đẹp hơn nhiều. Người anh hùng ngoài chuyện tài cao còn phải có đức hạnh, có lòng yêu thương nhân dân sâu sắc. Chuyện Hồ chí Minh nghe lời hai quan thầy Nga và Tàu để tiến hành cuộc cải cách ruộng đất giết hại dân lành Việt vô tội thì không thể gọi Hồ chí Minh là người anh hùng được. Chữ anh hùng nên dùng để chỉ những vĩ nhân tài đức vẹn toàn của đất nước như Ngô Quyền, Trần hưng Đạo, Quang Trung thì hơn. Có thể đánh giá Hồ chí Minh như một gian hùng cỡ Tào Tháo, một người tuy có tài mà không có đức chứ không thể dùng chữ " anh hùng " để xưng tụng Hồ chí Minh như Lữ Phương xưng tụng được.

Lữ Phương cho rằng thời trai trẻ ông quý trọng Hồ chí Minh vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc của ông, nhưng nay khi tóc đã bạc rồi thì Lữ Phương không thể mù quáng tin vào Hồ chí Minh được nữa vì những lửi lầm do chủ nghĩa Mác mà Hồ chí Minh du nhập vào Việt Nam đã nẩy sinh ra trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Hồ chí Minh muốn đưa dân Việt lên thiên đàng nhưng thực tế phũ phàng cho thấy ông đã đẩy con cháu Lạc Hồng đang ở dưới chín tầng dịa ngục. Cái di sản độc hại do ông để lại cho đời sau không biết đến bao giờ mới rửa sạch hết được.

Một cuộc kháng chiến mới đã, đang và sẽ xảy ra để phá vỡ tan tành cái ngục mang nhãn Mác - Lê nặng nề, đầy đọa đó để tháo cũi sổ lồng cho 80 triệu dân Việt đau thương bất hạnh hầu có thể xây dựng một nước Việt Nam tự do và phú cường thật sự.


Lawndale, một chiều nóng hâm hấp, bức bối giữa tháng 9 năm 2004
TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG

Aucun commentaire: