jeudi 14 juin 2007

Hồ Chí Minh, cuộc tước đoạt lòng yêu nước - JF Ravel

Hồ Chí Minh, cuộc tước đoạt lòng yêu nước
(Ho Chi Minh, le détournement du patriotisme)

Jean–François Revel — Bùi Tín dịch
13-01-2007


Lời người dịch: Một số bạn trong nước khuyên tôi không nên đụng đến ông Hồ, vì đó vẫn còn là thần tượng, là khu vực cấm, số đông trong nước còn chưa tỉnh. Tôi nghĩ khác.

Sự thật luôn cứng đầu và có sức thuyết phục. Sau khi nước ta vào WTO, sự công khai minh bạch trong sáng là nếp sống mới. Đã đến lúc không thể tiếp tục lừa dối nhân dân.

Phải nói lên sự thật, dù với ai đó, đó là những sự thật đau lòng, chua chát, cay đắng. Phục vụ đảng hay nhân dân? trung thành với đảng hay với nhân dân? Tôi đã lựa chọn, tôi đã dứt khoát chọn nhân dân, cho dù bộ máy công an và tư tưởng cuả đảng Cộng sản lại sẽ chụp mũ tôi là phản bội.

Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả bài này, J-F. Revel, một trí thức chân chính, đầy trí tuệ và nhân cách.


Hồ Chí Minh đã có thể được coi là anh hùng của nước Việt nam hiện đại và dân chủ, đã có thể được coi là nhà lãnh đạo đã đưa đất nước của ông ra khỏi cảnh thuộc địa để bước lên nền văn minh mới, kết hợp truyền thống với đổi mới.

Nhưng khốn thay, mục tiêu của ông ta không phải là nền độc lập của nước Việt nam, mà là sự hội nhập vào quốc tế cộng sản. Mục tiêu của ông Hồ không phải là dành lại cho nhân dân quyền tự quyết, quyền bầu cử, quyền chọn lựa người lãnh đạo, quyền có luật pháp của mình và lối sống của mình. Mục tiêu của ông ta là cưỡng bức nhân dân phải chấp nhận chế độ toàn trị kiểu Stalin, với tất cả đặc điểm của nó: những cuộc hành quyết không qua xét xử, trại tập trung, sự chà đạp nhân phẩm trong “cải tạo”, quần chúng chết đói và tham nhũng của kẻ lãnh đạo.

Hồ Chí Minh là một trong những người kiên định nhất trong áp dụng phương thức cai trị kiểu cộng sản suốt thế kỷ 20. Nội dung phương thức ấy là khơi dậy những khát vọng tự nhiên của con người: khát vọng tự do, thịnh vượng, tiến bộ, độc lập dân tộc để rồi hướng tất cả ý nguyện ấy vào những mục tiêu hoàn toàn trái ngược với những khát vọng ấp ủ bởi quần chúng đã bị ông ta lợi dụng.

Khi quần chúng nhận được ra sự lừa đảo thì đã quá muộn. Họ đã bị cầm tù. Chính quyền độc đoán đã được thiết lập và cũi đã khóa chặt. Thật không có gì ma quái hơn là sự tước đoạt những tình cảm cao quý, những sự dấn thân đông đảo, những ý nguyện sâu sắc và chính đáng đầy nhân tính để đưa đến sự đầy đọa, bần cùng, ô nhục và đơn giản là Tội Ác . Chúng ta chớ quên rằng chế độ cộng sản là một trong những chế độ đẫm máu nhất, – cũng có thể là đẫm máu nhất, của toàn bộ Lịch Sử, bởi vì không một chế độ nào đã cai trị đồng thời nhiều nước đến vậy. Vào những năm 1980, hơn 2 tỷ người đã sống dưới ách cai trị dã man tàn bạo, và cũng bất lực vì sự ngu xuẩn của nó.

Dựa vào khát vọng tự do để ngự trị, đó là phương pháp Hồ Chí Minh, rất mực trung thành tuân theo phương pháp của nhân vật tồi tệ Lenin. Phương pháp này đã tàn phá những nơi khác: Cambốt (Cambodia), Êthiôpi (Ethiopia ), Môzambich (Mozambic), Algiêri (Algeria), Cuba, Angôla (Angola). Đằng sau cuộc chiến tranh giải phóng, một cuộc chiến đấu dành quyền sống bình đẳng, trong đó các chiến sỹ thành thật hiến thân, luôn ẩn dấu âm mưu của những kẻ cầm đầu chống lại tự do và quyền con người.

Hồ Chí Minh có thật lòng tin ở sự tốt đẹp trong tương lai của chủ nghĩa cộng sản? Tôi nghi ngờ điều này, bởi vì ông ta đã thấy chế đó đó vận hành ra sao trong nhiều nước. Có lý tưởng và cực đoan, có thể ông ta không tự đặt ra câu hỏi ấy. Và cũng như tất cả các nhà lãnh đạo độc đoán, ông ta vẫn giữ vẻ lương tâm thanh thản, cả trong khi nêu lên những mặt tiêu cực của chế độ ông ta đã lựa chọn. Lịch sử là hệ quả không phải của những ý định con người mà là của hành đông của họ. Mà những hệ quả thì sờ sờ ra đó, cảnh đọa đầy, máu chảy, chết chóc và nạn đói. Người ta không thể xin lỗi sau khi đã tước đoạt cuộc chiến đấu chống thực dân của quần chúng để dẫn đến cảnh tàn phá đến vậy. Trái lại, đó là một cuộc ăn cắp, một cuộc lừa đảo, với hoàn cảnh tăng thêm phần nghiêm trọng cho kẻ phạm tội.


Copyright © 2006–2007 DCVOnline


--------------------------------------------------------------------------------

Trích từ bài Ho Chi Minh, l’homme et son héritage, Jean–François Revel, đăng trên Vietnam Infos, số 36, ra ngày 15/05/2006. Hồ Chí Minh, con người và di sản, của Jean–François Revel, nhà văn, nhà triết học Pháp, từng đứng hàng đầu cánh tả, mất ngày 30-4-2006, 82 tuổi.

Aucun commentaire: