jeudi 12 juillet 2007

Xây dựng nhà nước pháp quyền một đảng?

Nguyễn Quang
Gửi cho BBC từ Paris

Ông Nông Đức Mạnh là tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam từ nhiệm kỳ trước
Đảng chính trị thường được hiểu như một tổ chức tham gia các hoạt động chính trị nhằm giành được quyền lãnh đạo đất nước.

Các hoạt động của đảng cũng luôn luôn hướng tới mục đích cầm quyền như xây dựng cương lĩnh, vận động cử tri, ... các hoạt động này thường bận rộn nhất trong những kỳ bầu cử. Các cơ quan trong đảng do đó cũng được tổ chức nhằm phục vụ mục đích này.

Thông thường các đảng phái không bao gồm các cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý xã hội bởi đơn giản là khi chưa nắm được quyền thì không thể thực hiện nhiệm vụ này mà phải tập trung vào nhiệm vụ giành chính quyền nói trên, còn khi nắm quyền rồi thì các thành viên đảng đứng trong cơ quan hành pháp là chính phủ, thực hiện quyền và trách nhiệm của mình trong khuôn khổ cơ quan nhà nước này.

Tuy nhiên ở Việt Nam thì Đảng cộng sản Việt Nam, đảng chính trị duy nhất hiện nay, lại bao gồm rất nhiều cơ quan quản lý xã hội và thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong quản lý kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước.

Hệ thống lãnh đạo song trùng?

Đảng cộng sản Việt Nam (gọi tắt là Đảng) được tổ chức tương tự như một chính phủ với các ban, tương đương với các bộ. Một ví dụ cụ thể nếu như chúng ta nhìn vào thành phần ban đối ngoại của Đảng (1) thì sẽ thấy bao gồm:


Hoạt động của Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương được coi là việc "nội bộ Đảng", nhưng quyết định lại liên quan đến vận mệnh cả nước


Nguyễn Quang

-Văn phòng:
- Vụ Nghiên cứu tổng hợp
- Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương
- Vụ Tây Bắc Âu - Bắc Mỹ
- Vụ SNG-Ban tích – Đông Âu
- Vụ Trung Đông - Châu Phi - Mỹ Latinh:
- Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á
- Vụ Lào - Campuchia
- Vụ Đối ngoại nhân dân
- Vụ Lễ tân - Quản trị:
- Vụ Tổ chức – Cán bộ

Hệ thống này không khác mấy với sơ đồ tổ chức trong Bộ ngoại giao. Trong phần nhiệm vụ của Ban chúng ta cũng thấy chức năng quản lý nhà nước, ví dụ như: (1)

Thẩm định hoặc tham gia thẩm định các đề án về lĩnh vực đối ngoại của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể ở Trung ương trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Điều này cho thấy Ban đối ngoại Đảng thẩm định cả những đề án thuộc về Nhà nước và đoàn thể, hơn nữa những đề án này lại được duyệt sau cùng bởi Bộ Chính trị, Ban Bí thư thay vì Ngoại trưởng hay Thủ tướng chính phủ. Trong các ban khác chúng ta cũng thấy những cơ quan với những nhiệm vụ tương tự bao phủ mọi vấn đề quản lý kinh tế, xã hội, đối ngoại, tổ chức, ... của đất nước.

Các lãnh đạo Việt Nam và đại biểu tại quảng trường Ba Đình, trước lăng ông Hồ Chí Minh

Về phần địa phương thì mỗi tỉnh, thành lại có Đảng uỷ bao gồm các cơ quan Đảng cấp dưới tương tự, đứng đầu là Bí thư tỉnh uỷ. Trong mỗi cơ quan nhà nước như các Bộ, Vụ, Sở, Ban, Ngành, ... thậm chí trong các Doanh nghiệp Nhà nước, các Trường Đại học, các Hiệp hội cũng luôn tồn tại cấp uỷ Đảng song hành.

Có thể nói rằng tổ chức và nhiệm vụ của Đảng trùng lặp với nhiều tổ chức và nhiệm vụ của Nhà nước, Chính phủ. Với tổ chức và quyền hạn như vậy, Đảng tham gia vào nhiều quyết định quản lý Nhà nước quan trọng trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, ngoại giao, quốc phòng đến tổ chức cán bộ Chính phủ, Quốc hội, Toà án, ...Các nghị quyết Đảng được tôn trọng hơn cả những pháp lệnh.

Trong mỗi cấp, ngành thì người có thực quyền cao nhất là Bí thư chứ không phải giám đốc. Một tỉnh quyết định phát triển ngành nào, khu công nghiệp nào thì đều phải có tiếng nói sau cùng của Bí thư tỉnh.

Một ví dụ cụ thể là việc ban hành Chỉ thị 37 về quản lý báo chí vừa qua(3): "Chỉ thị số: 37/2006/CT-TTg, ngày 29 tháng 11 năm 2006, của Thủ tướng Chính Phủ về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí". Chúng ta có thể thấy rằng việc ban hành chỉ thị này chỉ là việc "thực hiện kết luận" của Bộ Chính trị. Ở đây, Bộ Chính trị đã trực tiếp điều hành các cơ quan báo chí, Chính phủ chỉ là cơ quan thi hành mệnh lệnh.

Như vậy mặc dù có sự chồng chéo trong cùng một lĩnh vực giữa các cơ quan Đảng (Ban Tư tưởng văn hoá trung ương) và Nhà nước (Bộ Văn hoá thông tin), nhưng thực chất đã có sự phân quyền khá rõ. Cơ quan Đảng ở vị trí cao hơn, chỉ đạo về đường lối và đưa phán quyết sau cùng. Cơ quan Nhà nước là nơi soạn thảo, đệ trình (lên cơ quan Đảng) và thực hiện đường lối mà cơ quan Đảng phê duyệt.

Việc các cơ quan Đảng điều hành Nhà nước là trái với Hiến pháp và ngay cả với điều lệ Đảng.

Quyền hạn lớn, trách nhiệm nhỏ

Tuy quyền hạn của cấp uỷ Đảng rất lớn nhưng trách nhiệm lại hầu như không có bởi các cơ quan này không bị quy định bởi pháp luật Nhà nước. Quốc hội có thể chất vấn cả Thủ tướng chính phủ theo đúng chức năng, nhưng không ai có thể chất vấn Bộ chính trị bởi Bộ chính trị không phải cơ quan Nhà nước.

Hoạt động của Bộ chính trị cũng như Ban chấp hành Trung ương được coi là việc "nội bộ Đảng", nhưng quyết định của họ lại liên quan đến vận mệnh của cả nước, thực chất là việc "lãnh đạo đất nước không trong khuôn khổ của pháp luật".

Trong hàng chục ngàn vụ tham nhũng trong suốt 20 năm qua, nhiều đảng viên bị truy tố nhưng đều do họ kiêm nhiệm chức vụ nhà nước cụ thể và bị kết tội dựa trên trách nhiệm hành chính của các chức vụ nhà nước này. Một số uỷ viên TW bị truy tố khi họ kiêm nhiệm chức danh giám đốc công an Tỉnh, Bộ, thứ trưởng, ... Chưa có uỷ viên TW hay bí thư Tỉnh uỷ (mà không kiêm Chủ tịch UBND) bị xử lý trước pháp luật. Các thành viên Bộ chính trị cũng dường như nằm trong vòng bất khả xâm phạm.

Một ví dụ điển hình trong việc tham gia quản lý nhà nước mà không phải chịu trách nhiệm là vụ xử án đất đai Đồ Sơn khi Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Thuận gợi ý chỉ đạo xử án (2). Thực quyền của Bí thư có thể nhận thấy qua lời thành thật của ông Phó chánh án TAND Hải Phòng Dương Văn Thành: "“Sếp” đã có ý kiến, thì mình phải tuân theo chứ"(4).

Vụ việc gây bất bình trong dư luận khiến Thủ tướng phải chỉ đạo nhưng quan chức này rồi cũng không phải chịu trách nhiệm gì về những chỉ đạo của mình cả. Không có quy đinh, luật pháp nào quy định trách nhiệm của Bí thư tỉnh uỷ trong công tác quản lý hành chính cả.

Như vậy có thể thấy rằng thực quyền của các cơ quan Đảng là rất lớn, nhưng trách nhiệm lại gần như không có. Vậy làm thế nào để đưa hoạt động lãnh đạo và quản lý của Đảng vào vòng pháp luật?

Gắn trách nhiệm và khung pháp lý vào sự lãnh đạo của người Đảng viên - mô hình nhà nước pháp quyền một đảng

Dù muốn hay không thì trong bối cảnh chính trị hiện tại, Đảng vẫn lãnh đạo toàn diện, thống nhất từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương. Do vậy mà việc người đứng đầu Đảng có xu hướng lãnh đạo những công việc chủ chốt của tỉnh, ngành mình là điều có thể hiểu được.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo quân đội và công an

Sự song trùng Đảng, Nhà nước thực ra được phân cấp theo hướng Đảng quyết định về đường lối, Nhà nước triển khai thi hành, điều này có thể hợp lý nếu xét theo chủ trương "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý" (trong bối cảnh chính trị là chúng ta thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng). Tuy nhiên điều này lại mâu thuẫn với nguyên tắc quản lý của mô hình Nhà nước pháp quyền theo đó mọi đối tượng lãnh đạo cũng như toàn xã hội công dân đều được đặt trong khung pháp lý bình đẳng, công minh. Tình trạng hiện nay đã cho thấy khuyết tật "không xử lý được đảng viên theo pháp luật" của hệ thống chính trị.(5)

Các đề xuất cụ thể

Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để gắn trách nhiệm và khung pháp lý vào sự lãnh đạo của người Đảng viên. Để làm được điều này đã có nhiều ý kiến và đề xuất được nêu ra: (trong bối cảnh chính trị hiện tại)

- Đề xuất thứ nhất là theo cách làm hiện nay, chỉ đạo các cấp Đảng không tham gia vào công việc quản lý Nhà nước, nhưng theo những phân tích trên thì đây là điều không thể.

- Đề xuất thứ hai là sát nhập cơ quan Đảng vào cơ quan Nhà nước, nhưng thực tế điều này lại rất khó bởi Đảng cộng sản, trên tư cách là Đảng phái chính trị có quyền tự tổ chức theo ý muốn của mình, đây là công việc nội bộ Đảng.

- Đề xuất thứ ba được coi là khả thi nhất là đưa người đứng đầu cơ quan Đảng giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan Nhà nước tương ứng. Đề xuất này gắn chặt quyền hạn của Đảng viên với trách nhiệm Nhà nước.

Theo đề xuất này thì ở cấp cao nhất Tổng Bí thư sẽ kiêm Chủ tịch nước, các Bộ trưởng sẽ phải là uỷ viên Bộ chính trị, ... Trong các cơ quan thì Bí thư đảng uỷ kiêm luôn Giám đốc, trong các địa phương thì Bí thư Tỉnh Uỷ kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân.

Cách làm này phù hợp với quyền làm chủ tối cao của nhân dân, của Quốc hội. Khi Quốc hội bầu chọn Đảng cộng sản lãnh đạo đất nước thì Đảng tự đưa người của mình ra nhận trọng trách này, ở đây là Tổng Bí thư. Ở các cơ quan dân cử địa phương (Hội đồng nhân dân) thì cấp uỷ Đảng đưa người đứng đầu là Bí thư ra ứng cử Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân. Việc chỉ có một ứng cử viên duy nhất được hiểu là do chỉ có một đảng duy nhất trên chính trường, và hoạt động bầu cử do đó là đúng luật, không mâu thuẫn với quyền làm chủ của nhân dân.

Với cương vị Nhà nước, lãnh đạo Đảng có quyền Nhà nước trong tay và trực tiếp điều hành, không cần phải "lấn sân" nữa. Việc chỉ đạo quản lý kinh tế, xã hội của địa phương có thể được giải quyết ngay trong cơ quan Nhà nước mà không phải "lôi" về Tỉnh uỷ, do vậy mà các cơ quản Đảng cũng dần dần được giảm tải. Không cần phải cấm thì Đảng cũng tự thu gọn các Ban, các nhiệm vụ quản lý xã hội mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính trị là giữ quyền lãnh đạo theo đúng chức năng của một đảng chính trị. Điều này dẫn đến tiết kiệm ngân sách nhà nước đáng kể.

Mọi quyết định quản lý, dù đứng trên vị trí của người lãnh đạo Đảng, cũng có thể bị xử lý theo pháp luật dựa theo trách nhiệm của chức danh Nhà nước mà người đó có. Ví dụ trong trường hợp trên Bí thư Thuận nếu kiêm nhiệm Chủ tịch UBND có thể bị truy tố theo tội "lợi dụng chức vụ (chủ tịch UBND)".

Biện pháp thực hiện

Mô hình nhà nước pháp quyền với một đảng chủ đạo đang được áp dụng ở Singapore và mang lại nhiều thành công. Thiết nghĩ trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, trước khi tìm được một mô hình chính trị phù hợp, có thể áp dụng mô hình này như một sự chuyển tiếp.

Thay đổi (hay cải cách) hệ thống hành chính ở Việt Nam đã được phát động từ rất lâu nhưng tiến triển rất chậm chạp. Xây dựng nhà nước pháp quyền, qua đó mọi chủ thể đều tồn tại và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật là điều mà Nhà nước đã đề cập đến.

Nhưng biện pháp thực hiện hiện nay chỉ tập trung vào việc tự giác từ phía người lãnh đạo, tức là Đảng cộng sản. Quyết tâm chính trị của bộ phận này chưa đủ mạnh vì còn nhiều ràng buộc về quyền lợi.

Do đó, để đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền cần phải có sự tham gia tích cực của xã hội, của các cơ quan dân cử như Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (HĐND). Sự phản biện chính quyền là cần thiết và tất yếu để xây dựng một chính quyền mạnh, không phải vô cớ khi mà báo Tuổi trẻ đã chọn "phản biện xã hội" là nhân vật của năm 2006.

(1) http://www.cpv.org.vn/details.asp?topic=114&subtopic=235&leader_topic=556&id=BT1610653887
(2) http://vnexpress.net/Vietnam/Phap-luat/2006/09/3B9EDF0C/
(3) http://www.vietnamjournalism.com/module.html?name=News&file=article&sid=1569
(4) http://vnexpress.net/Vietnam/Phap-luat/2006/09/3B9EE059/
(5) http://www.vnexpress.net/Vietnam/Phap-luat/2006/05/3B9EA4E1/

Bạn Nguyễn Quang, sinh năm 1980, đi từ Hà Nội, hiện đang làm bằng PhD tại Pháp. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có ý kiến tham gia tranh luận xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk hoặc dùng hộp tiện ích bên phải.

Xây dựng nhà nước pháp quyền một đảng?

(1) (2) (3) (4) (5)

Về những phát biểu của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An

Aucun commentaire: