Bỏ chế độ cộng sản được hay mất?
Việt Hồng
Vào lúc 11 giờ sáng 18/4/2007, tại thành phố Cardiff (xứ Wales), Michel Platini, Chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu (EUFA) đã công bố kết quả cuộc bỏ phiếu kín chọn nước đăng cai giải vô địch bóng đá Euro 2012.
Ba Lan và Ukraine đã trở thành 2 nước đồng đăng cai "Cup Euro 2012" (EURO 2012) sau khi giành được 8/12 phiếu, vượt qua các đối thủ Italia (4/12 phiếu), Hungaria cùng Croatia không giành được phiếu nào. "Đây là ngày trọng đại nhất trong lịch sử bóng đá Ba Lan” – ông Michal Listkiewicz, chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Ba Lan tuyên bố.
Ba Lan trúng số 40 tỷ € (euro)
Báo chí Ba Lan cho hay, việc thực hiện các cam kết của Ba Lan với EUFA không còn là bức tranh mờ ảo mà đang hoàn toàn thực tế. Ngoài việc nhà nước Ba Lan sẽ đầu tư trực tiếp khoảng mươi tỷ euros, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã dự trữ sẵn cho Ba Lan từ quỹ phát triển trong tài khoá 2007 – 2013 thêm khoảng 40 tỷ € nữa cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Những lĩnh vực được hưởng lợi nhều nhất từ số tiền này là ngành xây dựng và du lịch. Ba Lan sẽ phải xây dựng mới và hiện đại hóa các sận bay, xây dựng 5 sân vận động đạt tiêu chuẩn quốc tế, xây mới khoảng 1.000 km đường cao tốc và nâng cấp đường xá hiện có, xây mới và nâng cấp hàng chục khách sạn…
Các nhà chuyên môn đang bàn luận thành lập một uỷ ban liên ngành để triển khai các dự án ngay từ lúc này. Rút kinh nghiệm từ EURO 2004 được tổ chức tại Portugal, người ta đã đầu tư với con số khủng khiếp và thu lãi nhiều tỷ euro, các nhà lãnh đạo Ba Lan bàn bạc để làm sao không bỏ lỡ bất kỳ một điều kiện thuận lợi nào. Ngoài bóng đá, EURO 2012 sẽ đem đến cho Ba Lan một cơ hội chưa từng có để thúc đẩy và hiện đại hoá đất nước. Dự kiến, EURO 2012 sẽ mang lại cho người Ba Lan thêm 200 ngàn chỗ làm mới.
Ngay sau khi tin Ba Lan giành được quyền đăng cai Euro 2012, cổ phiếu của một số hãng xây dựng và du lịch trên thị trường chứng khoán đã tăng vọt lên 10%. Ngoài số tiền 40 tỷ € và tiền của ngân sách nhà nước đã nói tới, dự tính có khoảng 60 tỷ € sẽ được tư nhân đổ vào đầu tư. Đây cũng là một cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tại Ba Lan. Tổng thu nhập quốc dân từ năm nay nhờ EURO 2012 có thể tăng thêm tới 3%. [Tổng thu nhập quốc dân (GDP) của Ba Lan 2006 là 344,3 tỷ USD, thu nhập đầu người - GDP per capita (PPP) 2006 là 14.100 USD - theo CIA World Factbook)]. Nền kinh tế nước này đang tăng trưởng với tốc độ 6,3% trong năm 2006 và như thế sẽ có thể đạt tới tốc độ 9, 10% trong thời gian tới.
Cổ động viên Ba Lan trong giây phút công bố kết qủa EURO 2012.
Nguồn: http://www.kibice.net
--------------------------------------------------------------------------------
Báo chí cho rằng, Liên đoàn Bóng đá Châu Âu chọn Ba Lan và Ukraine đăng cai giải vô địch châu Âu 2012 là lương thiện vì xuất phát từ quan điểm chia cơ hội đồng đều cho các nước châu Âu. Từ Thế vận hội 1980 tại Moscow, khu vực này chưa bao giờ có một cuộc tranh đua thể thao tầm cỡ. Ba Lan đã là thành viên của Liên hiệp Âu châu từ 2004, còn Ukraine là quốc gia đang vươn tới con đường dân chủ mặc dầu tình hình chính trị vẫn chưa ổn định. Tuy nhiên, báo chí Ukraine trong ngày 18-19/04 nhận định rằng, EURO 2012 tạo nên cơ hội bất ngờ cho việc kết thúc khủng hoảng chính trị giữa tổng thống Jushchenko và thủ tướng thân Nga Ianukovich kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay sau khi tổng thống Jushchenko ra sắc lệnh giải tán quốc hội. Lobby cho việc Ukraine đăng cai cùng Ba Lan “Euro Cup 2012” không chỉ riêng những người của phía cách mạng Cam mà còn cả từ phía của thủ tướng Ianukovich như Hryhori Surkis, chủ tịch liên đoàn bóng đá Ukraine, hay cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt Rinat Achmetov, nhà tài phiệt và cũng là sponsor của thủ tướng Ianukovich. Tất cả các nhà tài phiệt đều muốn chấm dứt “chiến tranh” để kiếm tiền từ sự kiện thể thao này. Julia Mostova của tạp chí Ukraine “Jerkalo Tijnia” còn nói thêm: “Dân tộc đang bị chia rẽ nhưng tất cả đều yêu bóng đá”.
Ở Ba Lan, các trận của EURO 2012 sẽ được tổ chức ở các thành phố: Warsaw, Wroclaw, Poznan, Krakow, Chorzow, Gdansk. Trong tối 18/4/2007, dân chúng tại nhiều thành phố đã hân hoan đổ ra đường ăn mừng, reo hò, nhảy múa. Vài nơi có bắn pháo hoa…
Dư luận nhận định rằng, 17 năm từ bỏ chế độ cộng sản, đất nước Ba Lan “được” rất nhiều. Ba Lan đã vượt qua những chặng đường khó khăn trong giai đoạn ban đầu, chứng minh tính hơn hẳn của cơ chế dân chủ và thị trường tự do, đất nước ngày càng phát triển. Theo các nhà kinh tế, với mức tăng trưởng cao hiện nay, chỉ cần 3 năm nữa, Ba Lan sẽ đạt mức sống của hai nước trong EU khi chưa mở rộng là Hy Lạp (Greece) và Bồ Đào Nha (Portugal). Sau khi nhận được tin của EURO 2012, tổng thống Ba Lan L. Kaczynski phát biểu với báo chí rằng, "sau 5 năm nữa chúng ta sẽ giàu thêm 30%" và ông cho rằng, cam kết với UEFA, Ba Lan đang đứng trước một sự “bắt buộc” phải tiến tới, nhưng là một “bắt buộc” quý giá.
Rõ ràng, Ba Lan đang thực sự đứng trước “Thời cơ vàng”, chứ không phải “Hiểm hoạ đen” khi chuyển hoá từ thể chế chính trị độc tài cộng sản sang thể chế đa đảng, dân chủ. Không như nguỵ biện, cảnh báo, hù doạ người dân thiếu thông tin của nhiều “chuyên viên cao cấp" trong nước trên các diễn đàn báo chí trước đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ X trong năm 2006. Đa đảng không hề loạn chút nào tại các nước cựu cộng sản mà Ba Lan chỉ là một trong nhiều điển hình khác!
Người Việt ở Ba Lan buồn hay vui?
Chợ trời sẽ trở thành "Sân vận động Quốc gia" trước năm 2012 - Bản thiết kế đã duyệt. - Nguồn: http://www.Dzielnik.pl
--------------------------------------------------------------------------------
Khi hơn 38 triệu dân Ba Lan vui mừng và tràn đầy hy vọng, người Việt ở Ba Lan đương nhiên không thể không chia sẻ với chủ nhà. Tuy nhiên, trong niềm hân hoan chung với đất nước tạm dung có một nghịch lý khác, đó là nỗi buồn và âu lo của vài ngàn người Việt làm ăn, buôn bán trên chợ trời Sân vận động Mười Năm. Sân vận động này được xây dựng cách đây khoảng 50 năm nhưng không đưa vào hoạt động thể thao được vì thiếu đồng bộ các khâu dịch vụ và chuyên dụng, vì thế trong thời cộng sản chỉ sử dụng cho những cuộc mít-tinh, diễu hành nhân các ngày lễ lớn. Nó được biến thành chợ trời thuộc loại lớn nhất châu Âu vào đầu những năm 90, nơi có khoảng 4.000 đến 5.000 người Việt làm ăn sinh sống, chủ yếu buôn bán hàng hoá nhập từ Trung Quốc và Việt Nam. Khu chợ - sân vận động này sẽ bị nhà nước thu lại để xây dựng một sân vận động cùng với các quần thể thể thao khác lớn nhất và hiện đại nhất Ba Lan phục vụ cho Euro Cup 2012, dự chi trên 400 triệu đô la. Bộ trưởng tài chính Ba Lan, bà Zyta Gilowska trong ngày 19/04/2007 (tức chỉ một ngày sau khi Ba Lan “trúng số”) đã tuyên bố rằng, chính phủ đã có nguồn tiền cho việc xây dựng sân vận động. Một dự luật mới về đánh thuế thu nhập các sòng bạc và trò chơi xổ số sẽ trình nay mai lên quốc hội và dư tiền chi cho đề án này.
Điều này có nghĩa rằng, việc nhà nước lấy lại sân vận động/chợ trời không còn gì để bàn cãi nữa. Trước đây, mỗi khi có tiếng đồn hoặc báo chí đăng tải về các ý định của thành phố trong việc lấy lại sân vận động dành cho mục đích khác, người Việt rất hoang mang và chỉ mong rằng tin đồn hoặc thất thiệt hoặc chưa có giá trị thực tế, vì nhà nước chưa tìm ra nguồn tài chính.
Chợ trời bị huỷ bỏ, hàng ngàn người Việt buôn bán và ăn theo nhiều ngàn người khác, không biết số phận của họ rồi đây sẽ ra sao, khi mà tới hơn nửa số người không có giấy tờ cư trú hợp pháp và không phải ai cũng có điều kiện chuyển vào thuê quầy hàng trong các siêu thị. Tại trung tâm thương mại ASG do người Việt đầu tư xây dựng cách thủ đô Wasaw 30 km, giá thành sang nhượng lại một quầy hàng (50 – 70 mét vuông) lên tới gần 200 ngàn đô la.
© DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------
Nguốn: Số liệu trong bài theo tin của hãng thống tấn Ba Lan PAP và các báo chí Ba Lan khác trong ngày 18-19/04/2007
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3262
CIA World Factbook:
https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/
https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/docs/profileguide.html
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3481
dimanche 8 juillet 2007
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire