mercredi 4 juillet 2007

Cảm nhận của giới trẻ ngày nay về lãnh tụ Hồ Chí Minh

Cảm nhận của giới trẻ ngày nay về lãnh tụ Hồ Chí Minh (phần cuối)
2007.07.04
Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trà Mi hân hạnh được tái ngộ cùng quý vị và các bạn đang đến với chuyên mục “Diễn đàn bạn trẻ”, nhịp cầu thảo luận-giao lưu của thanh niên, phát thanh sáng thứ tư hàng tuần.
Bấm vào đây để nghe cuộc hội luận này
Tải xuống để nghe

Ông Hồ Chí Minh lúc sinh thời. AFP PHOTO

Cuộc trao đổi giữa 5 bạn trẻ trong và ngoài nước trên “Diễn đàn” mấy tuần gần đây đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của bạn nghe đài khắp nơi, vì nội dung tranh luận sôi nổi cùng những ý kiến đối lập của các bạn thanh niên về lãnh tụ Hồ Chí Minh và những chính sách Hồ Chủ Tịch và Đảng cộng sản cho áp dụng trên quê hương Việt Nam.
Trong câu chuyện tuần trước, khi tranh cãi về những nguồn tin xoay quanh sự kiện liệu Hồ Chủ Tịch có được UNESCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới hay chưa, các bạn sinh viên khoa Sử ở Bình Thuận, Quảng Ngãi, Nghệ An là Trang, Thanh, và Phương, khẳng định rằng việc này đã xảy ra.

Ngược lại, bạn Thanh ở Sài Gòn phủ nhận điều đó bằng những nguồn tin đa chiều từ bên ngoài mà bạn có dịp được tìm hiểu và cho là rất đáng thuyết phục. Trong đó có một chi tiết đặc biệt đáng chú ý mà, theo Thanh, nếu được nêu lên, chính những người không đồng tình như các bạn sinh viên khoa sử cũng sẽ không trả lời được. Chi tiết đó là là gì? Mời quý vị theo dõi trong phần thảo luận hôm nay:

Thanh: Đó là khi nói UNESCO công nhận Bác Hồ là danh nhân văn hoá thế giới thì dựa trên điều nào, nghị quyết nào? Bởi vì tất cả các nghị quyết của Liên hiệp quốc đều được đánh số bằng văn bản hết. Chưa bao giờ các cơ quan ngôn luận tại Việt Nam đưa ra được điều họ nói dựa trên nghị quyết nào của UNESCO. Trong khi đó, những bằng chứng ngược lại thì quá đầy đủ chi tiết, kể rằng đại sứ quán Việt Nam ở Paris…
Sinh viên Phương: Như vậy theo bạn, việc HCM là danh nhân văn hoá thế giới là chỉ do Việt Nam công nhận thôi mà thế giới không hề công nhận như thế phải không?

Thanh: UNESCO không hề có một văn bản hay nghị quyết nào công nhận Hồ chủ tịch của Việt Nam là danh nhân văn hoá thế giới cả. Điều đó đã được chính mình đi tìm hiểu sự thật. Mình không muốn nghe bất kỳ ai kể cả những người trong nước hay ở hải ngoại.
Mình viết thư trực tiếp đến UNESCO và được trả lời bằng tiếng Anh rằng “rất tiếc chưa có một văn bản nào của cơ quan chúng tôi công nhận Hồ chủ tịch là danh nhân văn hoá thế giới”. Các bạn nghĩ như thế nào? Có thuyết phục không? Bởi vì chính mình phải đi tìm sự thật chứ mình đâu nghe ai nói đâu.

Sau đó thì mình mới bắt đầu đi tìm hiểu các tài liệu xem vì sao lại không được công nhận, và mình mới phát hiện ra là do cộng đồng người Việt và rất nhiều người nước khác chứ không riêng gì người Việt đã phản đối kịch liệt, đưa ra những bằng chứng tội ác mà Hồ chủ tịch đã gây ra cho dân tộc thì UNESCO được thuyết phục và không công nhận.

Lúc đó, đại sứ quán Việt Nam tại Paris đã phải cuống cuồng tìm mướn 1 cái phòng của UNESCO để tổ chức. Chính UNESCO đã không cho đại sứ quán Việt Nam lấy logo của tổ chức này in trên vé mời, tức không được mượn danh của UNESCO để mời.
Rốt cuộc, buổi lễ gọi là công nhận Hồ chủ tịch trở thành danh nhân văn hoá thế giới chỉ có Việt Nam tiến hành thôi, UNESCO đâu có tiến hành. Và chỉ có 70 tham dự, trong đó 60 người là ngoại giao đoàn của Việt Nam cùng các đoàn văn công ở Việt Nam sang, 10 người còn lại là do Đảng cộng sản Pháp cử đi.

Đó chính là sự thật. Nếu các bạn không nghe những thông tin này thì các bạn hãy đi tìm trên net, phải tự mình đi tìm sự thật. Chính mình đã trực tiếp hỏi UNESCO thì điều đó không thể sai được, không thể nào nói là do “bọn phản động” nào viết trên mạng mà mình tin. Sao các bạn có thấy những gì đã kiểm duyệt ở Việt Nam là đúng sự thật không?
Theo như các bạn nói thì những gì đã in ấn ở Việt Nam đều là sự thật cả vì đã qua kiểm duyệt rồi. Các bạn có thấy sự kiểm duyệt tai hại như thế nào chưa? Các bạn phải suy nghĩ. Nếu đầu các bạn luôn luôn đặt dấu hỏi thì các bạn mới tìm ra sự thật. Còn những gì các bạn nghe chưa chắc là sự thật.

Sinh viên Phương: Để mình nói nhé. Hồi nãy có một bạn nói rằng những gì sách vở ở Việt Nam ghi đều là sự thật. Đó là ý kiến riêng của bạn ấy. Còn ý kiến của mình là không phải những gì ghi trong sách vở đều là đúng hết, nhưng đối với trường hợp của HCM thì mình nghĩ người vẫn là một danh nhân văn hoá và được thế giới công nhận. Hiện tại mình chưa đi tìm hiểu những điều bạn nói nên mình chưa biết được.
Mình sẽ trả lời bạn sau trong một buổi nói chuyện nào đó sẽ nói rõ. Nhưng mình nghĩ rằng vấn đề HCM là một danh nhân văn hoá hay không thì cả thế giới có nhiều người biết về người, tiếp xúc và giao lưu với người đều có thể công nhận người là một con người như thế nào rồi. Bạn chắc chắn cũng đã đọc được những thông tin đó rồi phải không?

Thanh: Không, cho mình nói như vầy. Cái vấn đề ở đây không phải là có nhiều người yêu mến chủ tịch HCM thì đương nhiên UNESCO công nhận. Vấn đề ở đây mình nói lên sự dối trá của truyền thông ở Việt Nam. Đó là không được công nhận mà vẫn tuyên truyền là được công nhận. Dĩ nhiên có rất nhiều người trên thế giới này yêu mến HCM, nhưng cũng có rất nhiều người căm thù.

Sinh viên Trang: Bạn ở Việt Nam tại sao bạn lại không lên tiếng phản đối, không lên tiếng nói với báo chí rằng đó là điều sai sự thật? Bạn sợ nói ra sự thật thì bị đàn áp phải không? Bạn sợ như vậy nên bạn không dám nói nên giờ bạn phải mượn tiếng nói của nước ngoài?

Thanh: Không, mình nghĩ như vầy này. Tại sao mà người ta không dám nói? Bởi vì người ta hèn nhát, đúng không? Nhưng tại sao người Việt Nam mình hèn như vậy? Tại sao không dám nói? Đó là bởi vì bị đàn áp. Mà tại sao đã gọi là dân chủ, là tự do mà người dân lại sợ như vậy? Các bạn phải tự hiểu được, chuyện đó rất đơn giản thôi.

Trà Mi: Các bạn sinh viên Phương, Thanh, và Trang cũng có công nhận là những điều lịch sử ghi chép có mang tính thần tượng hoá, không đúng xác thực. Vậy thì theo ý các bạn liệu sử sách có cần phải xem xét lại để phản ảnh một cách trung thực, khách quan tất cả những sự kiện và nhân vật thuộc về lịch sử hay không?

Sinh viên Phương: Theo em, đúng là lịch sử thì không nên thần thánh hoá hết tất cả. Mình phải nêu những mặt tốt và những mặt xấu để mình không thể chỉ nhìn thấy những mặt tốt mà nghĩ là đất nước đã phát triển, không nhìn thấy những mặt xấu để sửa chữa những sai lầm. Lịch sử nếu mà cứ thần thánh hoá quá thì thế hệ về sau cảm thấy đã tốt đẹp rồi, cứ sống ỷ lại và cứ đi theo như thế thì cũng sẽ sai lầm và không thể tốt đẹp thêm được.
Bạn nghĩ gì về con người, cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ Chí Minh? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Phương. Thế còn Thanh và Trang, các bạn có ý kiến nào khác muốn bổ sung thêm?

Sinh viên Thanh: Tụi em cũng đồng ý kiến như vậy.

Trà Mi: Xin mời ý kiến của anh Thanh.

Thanh: Dĩ nhiên chứ. Tại sao mình biết nó sai mà mình lại không tìm đến sự thật? Phải như sự thật khó tìm lắm hay sao, mà sự thật nó hiện còn lưu trữ ở khắp nơi, mình có thể sưu tầm để biết được cái nào chính xác hay không. Tại sao lại cấm người ta, không cho người ta tìm hiểu sự thật? Như vậy là có ý đồ gì đấy. Tại sao người ta không được quyền tìm hiểu về thân thế của HCM?

Trà Mi: Nếu như có lập luận cho rằng những sự thật đó chưa phù hợp, chưa có lợi trong thời điểm đó cho nên tạm thời phải “bỏ quên” đi thì phản hồi của anh như thế nào?

Thanh: Ai biết được cái đó không phù hợp với lợi ích của ai? Lợi ích của dân tộc hay của một số người nào đấy? Và ai quyết định được chuyện đó là không phù hợp với lợi ích của dân tộc? Cho nên nếu nói như vậy thì hoàn toàn hồ đồ. Có đưa ra được cuộc trưng cầu dân ý nào hay không? Chưa bao giờ có, thì làm sao biết được những sự thật đó là có hại hay có lợi?
Hơn nữa trong lịch sử người ta không phân biệt là có lợi hay có hại. Người viết sử cần phải viết khách quan, có sao viết vậy, chứ làm sao lại đi thần thánh hoá lãnh tụ? Ai cũng biết là ông Hồ có vợ, nhiều vợ chứ không phải một vợ nữa, ở Nga cũng có, bên Trung Quốc cũng có, ở Việt Nam thì ít nhất cũng 2 người.
Nói chung những điều đó mặc dù Đảng không muốn đề cập đến nhưng nhân dân vẫn biết. Như vậy thì nó hoàn toàn phản tác dụng. Bởi vì nếu anh càng cấm thì người ta càng cho rằng những điều đó mới là đúng đó, còn những gì đảng đưa ra mới là sai. Nếu anh công nhận những thông tin đó thì người ta ít nhiều cũng nghĩ rằng những thông tin đảng đưa ra bây giờ có thể tin được.

Trà Mi: Ý kiến của anh là sự thật vẫn cứ là sự thật, cứ trưng bày ra cho mọi người xem xét, và sự phán xét cuối cùng thuộc về người dân, phải không?

Thanh: Dạ, mà không những vậy, lịch sử cần phải tôn trọng sự thật, chứ không nói là lợi ích cho ai hết. Những nhà sử học nghiên cứu lịch sử mà có một cái dao kề ngay cổ bắt buộc phải viết theo một luận điểm nào đó thì cái đó không phải là sự thật nữa rồi.

Trà Mi: Cảm ơn anh Thanh.

Sinh viên Trang: Môi trường tiếp xúc của mỗi người khác nhau, nhưng ý kiến của anh Thanh quá ư là đối lập mà…

Trà Mi: Dĩ nhiên là mình ghi nhận hết tất cả các ý kiến. Mình không nói ai đúng, ai sai. Mình chỉ tạo điều kiện cho các bạn bày tỏ quan điểm mà thôi. Mình không thể nói là Trang đúng hoặc là anh Thanh sai. Cho nên là vẫn tôn trọng tất cả các ý kiến và cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian đóng góp những suy nghĩ của mình với chương trình.

Sinh viên Trang: Chúng em cũng mong là sẽ có những cuộc tranh luận về những chủ đề khác nữa, để được học hỏi thêm, để biết được thêm những thông tin từ bên ngoài.
(Xin mời theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)

“Diễn đàn bạn trẻ” mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp và sự tham gia của quý thính giả khắp nơi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775. Ngoài ra, quý vị cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ: vietweb@rfa.org. Xin quý vị nhớ để lại số phone để chúng tôi có thể liên lạc và mời qúy vị tham gia vào chương trình.

Đến đây thì Diễn đàn bạn trẻ xin phép được chia tay quý thính giả. Hẹn gặp lại qúy vị và các bạn trong một đề tài mới, sáng thứ tư tuần sau. Trà Mi kính chào.
Tiếng Việt
© 2007 Radio Free Asia
Các tin, bài liên quan
Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 14-6-2007)
Tranh luận của giới trẻ về chính sách “đổi mới” và vai trò của đảng CSVN
Cảm nhận của giới trẻ ngày nay về lãnh tụ Hồ Chí Minh (phần 2)
Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 31-5-2007)
Lịch sử Việt Nam qua sách vở, tài liệu của chế độ và thế giới tự do bên ngoài
Nhân vật Hồ Chí Minh theo nhận định của giới trẻ Việt Nam
Tiếng nói và nguyện vọng của giới trẻ Việt Nam
Tuổi trẻ Việt Nam và những nguyện vọng gởi đến giới lãnh đạo cao cấp
Vì sao phần lớn những người tự ứng cử bị gạt khỏi danh sách ứng viên?
Gửi trang này cho bạn

*
***
*

Cảm nhận của giới trẻ ngày nay về lãnh tụ Hồ Chí Minh (phần 2)
2007.06.06
Trà Mi, phóng viên đài RFA

Kính chào quý vị và các bạn đang đến với chuyên mục “Diễn đàn bạn trẻ”, nhịp cầu thảo luận-giao lưu của thanh niên trong và ngoài nước, phát thanh sáng thứ tư hàng tuần.
Bấm vào đây để nghe cuộc hội luận này
Tải xuống để nghe

Ông Hồ Chí Minh, ông Bùi Bằng Đoàn (thân phụ ông Bùi Tín) trưởng ban Thường Trực Quốc Hội và tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ phong quân hàm Đại tướng cho ông Giáp - Việt Bắc - 1948. Hình của ông Bùi Tín.

Với đề tài “Cảm nhận của giới trẻ ngày nay về lãnh tụ Hồ Chí Minh” phát sóng kỳ đầu tiên vào hạ tuần tháng năm vừa qua nhân dịp 117 năm kỷ niệm ngày sinh Hồ Chủ tịch, cuộc thảo luận giữa các bạn trẻ trong và ngoài nước bỗng trở thành tranh luận sôi nổi, không chỉ xoay quanh cảm nghĩ về nhà Cách Mạng Hồ Chí Minh, mà còn bàn về cả các sự kiện lịch sử.

Với những tư tưởng khác biệt giữa 3 sinh viên tìm hiểu lịch sử qua sách vở, tư liệu trong nước là Trang ở Bình Thuận, Phương từ Quảng Ngãi, Thanh ở Nghệ An với 2 bạn có điều kiện tiếp cận với các nguồn thông tin đa chiều, tự do, rộng lớn từ thế giới bên ngoài, là Thanh, một thanh niên đã tốt nghiệp đại học hiện đang làm việc tại miền Nam và Hồng, vừa qua Mỹ du học được 1 năm.

Cuộc hội luận tiến triển ra sao? Quan điểm phía nào sẽ dành ưu thế và thuyết phục hơn? Mời quý vị theo dõi tiếp trong chương trình hôm nay:

Trà Mi: Trong những cuộc thảo luận vừa qua, ý kiến của các bạn có rất nhiều sự khác biệt nên chúng ta đã đi khá xa với chủ đề ban đầu nói về “Cảm nghĩ của thanh niên với nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh.

Thanh: Nhưng mà chị ơi những cái đó thực chất có liên hệ đến HCM chứ không phải không, tại vì ông Hồ đã mang chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.
Sinh viên Phương: Anh Thanh cho em ngắt lời tí. Em cảm thấy mình đã đi quá xa với chủ đề chị Trà Mi đưa ra ban đầu xung quanh cảm nhận về Chủ tịch HCM. Bạn Hồng đưa ra ý kiến rằng có rất nhiều thông tin nói về bác không tốt, và bạn ấy cũng đồng ý với những nguồn thông tin như vậy.

Còn bọn mình nói rằng mình vẫn luôn xem HCM là một nhân vật vĩ đại và luôn tôn thờ chủ tịch HCM, vị cha già của dân tộc mà bọn mình rất kính yêu. Cuộc thảo luận của mình đã đi quá xa, từ Cải cách ruộng đất đến vượt biên. Nói chung mình đưa ra ý kiến như thế này.

Mình đã yêu chuộng chủ tịch HCM thì mình cảm nhận và học được là HCM là một người sáng suốt, những chính sách của bác thì luôn đúng đắn. Còn việc thực hiện nó có nhiều thiếu sót và sai lầm là do những người cấp dưới người ta thực hiện không đúng. Khi nhận ra sai lầm đó thì đã có những sửa đổi và đã thực hiện tốt hơn.

Thần thoại hoá nhân vật?

Trà Mi: Đó là những ý kiến Trang, Thanh, và Phương đã đưa ra. Trước những ý kiến của các bạn như vậy, mình có một câu hỏi như thế này hiện nay đã xuất hiện nhiều nguồn tin kèm theo những bằng chứng từ những người vốn trước đây rất thân cận với HCM, chứng minh rằng những tài liệu và sử sách viết về nhân vật này tại Việt Nam lâu nay có nhiều điều hư cấu, huyền thoại hoá, thần thoại hoá nhân vật này. Ý kiến của các bạn ra sao?

Các bạn có nghĩ rằng những gì trong sách vở nhà trường ít nhiều mang tính sùng bái cá nhân HCM hay không?

Du sinh Hồng: Con người không có ai hoàn hảo, nhưng những gì viết về HCM đều là hoàn hảo cho nên mình cảm thấy là chuyện đó không thể nào xảy ra. Các bạn nói rằng những gì xảy ra trong cuộc cải cách ruộng đất năm 1954 không hề liên quan đến bác, và những chính sách bác đưa ra đều đúng, thì tại sao lại có rất nhiều người chết trong cuộc cải cách này.
Hiệp định Geneve mà các bạn được học có thật sự đúng sự thật hay không. Sau hiệp định này, bác vẫn để lại người trong miền Nam để có thể lay chuyển cuộc trưng cầu dân ý. Đó có phải là các chính sách của bác đưa ra hay không? Có phải là chính sách nào của bác đưa ra cũng đúng đắn như các bạn nói hay không?

Trà Mi: Mời ý kiến của các bạn khác.

Sinh viên Thanh: Theo mình, tất nhiên khi người ta đã hâm mộ một ai đó rồi thì người ta thường đưa ra ý kiến chủ quan, và tất nhiên là có thần tượng hoá lên một chút, nhưng thần tượng hoá cũng phải dựa trên những điều có thật. Mình nghĩ sách vở nói về bác dĩ nhiên là dựa vào thực tế rồi mới thần tượng hoá lên đôi chút, đôi khi cũng hơi nói quá.

Trà Mi: Và điều này ảnh hưởng đến niềm tin nơi thế hệ trẻ ra sao? Một nhân vật lịch sử, một sự kiện lịch sử mà lại được thần thoại hoá lên như vậy thì còn mang tính xác thực, trung thực của lịch sử hay không? Nó có ảnh hưởng đến lòng tin của các bạn trẻ nhất là đối với các nhân vật lãnh đạo hay không?

Sinh viên Trang: Mình cho rằng những sự thật người ta thần thoại hoá lên thì cũng không quá đáng lắm.

Thanh: Chính sự thần tượng hoá như vậy dẫn đến rất nhiều tai hại. Thứ nhất, mình sẽ không có sự hiểu biết khách quan, không thấy được con người thật. Mình thần thánh hoá thì lấy gì còn sự thật? Sự thật đã bị che mất rồi. Người ta đã nói là phân nửa của sự thật cũng không phải là sự thật.
Cho nên, những điều mình biết trở thành sai. Nó sai mà mình cứ chấp nhận nó một cách mù quáng như vậy mà không hề đặt dấu chấm hỏi thì óc suy luận của mình sẽ ngày càng bị cùn đi. Việc này rất tai hại.

Bạn nghĩ gì về con người, cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ Chí Minh? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Hiểu biết của mình mà mình chỉ biết chấp nhận những cách suy nghĩ của người khác mà không hề có động não thì đó rõ ràng không phải là phương pháp tìm đến chân lý. Một ví dụ nhỏ, trong sách sử ghi lại bác chết ngày 3/9/1969, theo các bạn điều này đúng hay không?

Du sinh Hồng: Mình nghĩ là bác chết ngày 2/9.

Sinh viên Thanh: Ngày bác chết chính xác là 2/9 mà do ngày đó là ngày quốc khánh, ngày vui của dân tộc thì không thể báo một tin buồn cho nên đảng ta mới chủ trương là dấu tin buồn đó lùi lại một ngày sau ngày quốc khánh. Nhiều năm sau, nhà nước ta đã thay đổi lại và công bố ngày mất thật của bác là 2/9.
Nhưng đến năm nào điều đó mới được sửa lại? Cho đến năm 1989 vẫn chưa được sửa lại. Thế có lý do gì mà mãi đến năm 1989 vẫn chưa sửa? Thứ hai, như vậy rõ ràng những gì đảng đưa ra không phải là chính xác.

Điều này khẳng định là đảng có thể thay đổi bất cứ cái gì trong lịch sử, ngay cả ngày chết của lãnh tụ mà vẫn có khả năng sửa được huống chi những cái khác không sửa được? Có thiếu gì những điều khác đảng cũng cho là bất lợi, đảng cũng dấu đi, thế là bây giờ bạn cũng không biết. Bạn có chắc gì không có những điều đó không?

Đảng cộng sản Việt Nam

Sinh viên Phương: Những điều tốt của đảng đảng có ghi trong sách vở, mình có được học. Còn những điều xấu thì mình cũng đều biết hết. Nói chung mình không biết hết, nhưng có biết sơ qua về một số sai lầm của đảng sau 1954 khi đất nước bước qua thời kỳ xã hội chủ nghĩa, và cách mạng thắng lợi sau 1975 nữa.

Mình biết là đảng có mắc một số sai lầm trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, những điều đó mình cũng họ được trong sách vở. Thế thì không thể nói là đảng dấu những sai lầm của mình.

Thanh: Thế bây giờ cho mình hỏi một chuyện, theo bạn kinh tế thị trường theo xã hội chủ nghĩa là đúng hay không?

Sinh viên Phương: Nền kinh tế phát triển cần có sự quản lý của nhà nước mà nhà nước đó đang hướng tới xã hội chủ nghĩa. Nếu như nhà nước không quản lý nền kinh tế đó mà để cho nó phát triển thành tư bản thì liệu rằng nền kinh tế đó nó có phát triển không? Tình hình đất nước có ổn định không?

Thanh: Thế nếu bây giờ áp dụng nền kinh tế tập trung thay vì kinh tế thị trường có sai hay không.

Sinh viên Thanh: Bây giờ xã hội đang phát triển, bạn đem cái chế độ quá cũ áp dụng vào hiện tại này thì làm sao phù hợp ?

Thanh: Như vậy theo bạn, bây giờ kinh tế thị trường mới là hướng đi đúng, phải không?

Sinh viên Thanh: Đúng, từ năm 1975-1986 quan liêu bao cấp, người ta đã nhận thấy sai lầm đó và đã chỉnh đốn lại để đi theo con đường hiện tại.
Thanh: Mà theo kinh tế thị trường thì bạn phải chấp nhận có hoạt động của tư nhân, đúng không?

Sinh viên Trang: Chấp nhận.

Chủ nghĩa xã hội

Thanh: Thế thì bao nhiêu năm trên ghế nhà trường học về kinh tế chính trị Mác-Lênin, có bao giờ các bạn thấy trong đó có nhắc tới việc chấp nhận thành phần kinh tế tư nhân trong chế độ xã hội chủ nghĩa không? Sách vở nói rằng khi người vô sản dành được chính quyền thì phải thiết lập giai cấp chuyên chính vô sản, xoá sạch giai cấp bóc lột, chỉ còn lại giai cấp công-nông trong xã hội thôi.

Đó là trụ cột của chủ nghĩa cộng sản: phải đàn áp tất cả giai cấp khác, trong đó giai cấp tư bản là giai cấp bóc lột cần phải xoá bỏ, và mình còn lớn tiếng hô hào là phải đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản cơ mà. Ngay sau 1975 lập tức đánh tư bản, mình không cho hoạt động kinh tế tư nhân cơ mà. Đó không phải là quan điểm của Việt Nam thôi mà đó là chủ nghĩa Mác-Lê.

Sinh viên Trang: Bạn đã hiểu sai về chủ nghĩa xã hội rồi, ở đây không phải là xoá bỏ hay đào mồ chôn giai cấp tư bản.

Thanh: Sai. Bạn nói vậy là nói ngược rồi. Bây giờ bạn cứ coi lại sách vở về chủ nghĩa Mác-Lê, học lại kinh tế chính trị Mác-Lê, chủ nghĩa di vật biện chứng sẽ thấy rõ ràng xây dựng nền chuyên chính vô sản, xoá bỏ giai cấp bóc lột. Và điều đó Việt Nam đã từng thi hành sau 1975 mà.

Sinh viên Thanh: Bây giờ bạn phủ nhận là đảng đưa ra những đường lối đó, bạn cho là sai hay sao?

Thanh: Cái mình phủ nhận ở đây chính là ..

Sinh viên Thanh: Bạn phải khẳng định rõ chế độ tập trung quan liêu bao cấp hồi đó có thoả đáng hay không? Nếu mình vẫn giữ vậy thì nền kinh tế có phát triển như hôm nay không?

Thanh: Vậy tại sao đảng không nhìn thấy cái đó sớm hơn cho dân được nhờ?
Sinh viên Thanh: Sớm hơn thì hoàn cảnh lúc bấy giờ Việt Nam vẫn còn nghèo về điều kiện vật chất.

Thanh: Vô lý. Mình thấy vô lý chỗ này là tại sao ta tiến hành cuộc chiến tranh đó là vì muốn xoá bỏ chủ nghĩa tư bản ở miền Nam. Chính miền Nam lúc đó đã theo chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường, lúc đó tư nhân được quyền hoạt động.

Tại sao ta vô ta phá hết rồi mãi mười mấy năm sau lại quay lại theo kinh tế thị trường? Đó là sự sai lầm hay là phát minh gì đây? Trên thế giới này kinh tế thị trường có phải là cái do cộng sản phát minh không? Chưa bao giờ.

Sinh viên Phương: Mình thừa nhận những ý kiến của bạn rất đúng nhưng việc bạn nói sao không nhận ra sai lầm sớm thì mình đã nói là do hoàn cảnh đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, do điểm xuất phát thấp nên chưa nhận ra sai lầm.
Đến 1986 khi đổi mới thì mình đã kịp nhận ra sai lầm và từ đó mình đã đổi mới. Thì bạn phải thừa nhận là những chính sách sau năm 1986 là đổi mới chứ. Bây giờ thực sự nó đang đem lại hiệu quả cho Việt Nam.

Thanh: Mình nghĩ đó không có gì là đổi mới cả, mà cái đó phải nói đúng là để lại như cũ tại vì trước 1975 người ta đang là kinh tế thị trường cơ mà. Mình vô mình phá rồi mình để lại, chứ sao lại gọi là đổi mới!?
Có mới là mới ở ngoài Bắc, cái đó mình không nói. Còn ở miền Nam lúc bấy giờ đang là kinh tế thị trường cơ mà, mình vô mình phá đi rồi giờ để trở lại thì đâu gọi là đổi mới được? Phải gọi là để lại như cũ chứ?!

(Xin mời theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)
“Diễn đàn bạn trẻ” sẽ tái ngộ cùng quý vị và các bạn với phần tiếp theo, vào giờ này, sáng thứ tư tuần sau. Mong quý vị nhớ đón nghe. Chương trình rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để Diễn đàn ngày càng phong phú và bổ ích hơn.
Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org .
Trà Mi kính chào.

Tiếng Việt
© 2007 Radio Free Asia
Các tin, bài liên quan
Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 31-5-2007)
Lịch sử Việt Nam qua sách vở, tài liệu của chế độ và thế giới tự do bên ngoài
Nhân vật Hồ Chí Minh theo nhận định của giới trẻ Việt Nam
Tiếng nói và nguyện vọng của giới trẻ Việt Nam
Tuổi trẻ Việt Nam và những nguyện vọng gởi đến giới lãnh đạo cao cấp
Vì sao phần lớn những người tự ứng cử bị gạt khỏi danh sách ứng viên?
Phản hồi của giới trẻ về cách thức chọn lựa ứng cử viên Quốc hội VN
Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về cuộc bầu cử Quốc hội khoá 12?
Thế hệ trẻ nghĩ gì đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 12 sắp tới (phần 1)?
Gửi trang này cho bạn
Ðăng ký bản tin Ban Việt Ngữ
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2007/06/06/YouthDebateDifferencesBetweenHistoryLessonsTaughtAndReality_TMi/

*
***
*

Nhân vật Hồ Chí Minh theo nhận định của giới trẻ Việt Nam
2007.05.23
Trà Mi, phóng viên đài RFA

Ngày 19 vừa qua đánh dấu 117 năm sinh nhật cố chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân vật đã góp phần làm thay đổi dòng lịch sử Việt Nam. Trong sử sách quốc nội, Hồ chủ tịch được ngợi ca bằng những ngôn từ cao đẹp nhất và được tôn vinh như một vị cha già của dân tộc, một ngừơi hùng vĩ đại của đất nước.

Bấm vào đây để nghe cuộc hội luận này
Tải xuống để nghe
Tuy nhiên, trên thực tế, danh tiếng và sự kính trọng mà mọi người dành cho ông rất khác nhau. Nhiều ngừơi tôn thờ ông vì công lao lãnh đạo công cuộc đấu tranh đòi độc lập, dẫn đến việc thống nhất đất nước sau này.
Thế nhưng cũng có lắm kẻ chê trách bởi cho rằng ông đã nhầm lẫn mang học thuyết chủ nghĩa cộng sản về áp dụng trên quê hương, gây đau thương cho biết bao người.

Ông Hồ Chí Minh lúc sinh thời. AFP PHOTO

Ngay trong giới trẻ, những ngừơi sinh sau 75, thế hệ được ví von là “con cháu Bác Hồ”, suy nghĩ và cảm nhận của họ về lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh ra sao?
Mời quý vị tìm hiểu qua cuộc hội luận với các thanh niên trong và ngoài nước xung quanh đề tài này, với sự góp mặt của các bạn Thanh, Phương, Trang là những sinh viên từ miền Trung và miền Bắc vào Sài Gòn trọ học; Hồng, vừa sang Hoa Kỳ du học hơn một năm, cùng với Thanh, cử nhân đại học hiện đang công tác tại phía Nam:

Thanh: Mình tên là Thanh, ở Sài Gòn.
Hồng: Em tên Hồng, em đang du học tại Boston, Mỹ.
Sinh viên Trang: Mình tên Trang, mình ở Bình Thuận.
Sinh viên Phương: Mình là Phương, ở Quảng Ngãi.
Sinh viên Thanh: Mình tên Thanh, ở Nghệ An.

Trà Mi: Xin cảm ơn các bạn đã dành thời gian tham gia chương trình hôm nay. Với đề tài “Cảm nghĩ của thanh niên Việt Nam về nhân vật HCM”, câu hỏi đầu tiên mình muốn nêu ra với các bạn là các bạn có cảm nghĩ như thế nào về HCM, một nhân vật rất nổi tiếng mà có lẽ là các bạn đã được biết tới từ khi còn rất nhỏ?
Sinh viên Trang: Trang là một sinh viên, đựơc tìm hiểu về Bác thông qua ngành học của mình.

Trà Mi: Ngành học của Trang là gì?
Sinh viên Trang: Ngành học của Trang là lịch sử.
Trà Mi: Cảm nghĩ của bạn như thế nào về lãnh tụ HCM?
Sinh viên Trang: Trong lòng sinh viên tụi Trang, Bác là người vĩ đại, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Trà Mi: Thế còn ý kiến của anh Thanh, anh có gì chia sẻ với các bạn?
Thanh: Trứơc giờ em cũng học ở trong lịch sử Việt Nam, thì dĩ nhiên chỉ thấy có một ý kiến chung đó là Bác là một lãnh tụ vĩ đại. Nói chung, tất cả thanh niên Việt Nam đều đựơc giáo dục như vậy hết. Mình cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, theo lý trí tự mình suy nghĩ thì ai cũng có mặt xấu, mặt tốt. Chẳng có ai mà tốt hết tất cả như những điều trong sách vở Việt Nam giảng dạy thì Thanh nghĩ điều này có vấn đề.

Trà Mi: Xin mời ý kiến của các bạn khác.

Hồng: Khi Hồng còn ở Việt Nam thì mình cũng học chuyên văn, cũng tiếp xúc được với khá nhiều tài liệu về Bác Hồ. Cho nên, khi còn ở trong nứơc, Hồng rất ngưỡng mộ Bác như một nhân vật vĩ đại, có một tấm lòng thanh cao tất cả vì dân, vì nứơc. Tuy nhiên, đến khi mình đi ra ngoài du học thì có đựơc nhiều cơ hội tiếp xúc với các tài liệu bên ngoài, những tài liệu mà trứơc đây trong nứơc mình chưa đựơc nghe đến bao giờ thì mình cảm thấy rất là sốc.

Bạn nghĩ gì về con người, cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ Chí Minh? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Trà Mi: Hồng nói là cảm thấy sốc trứơc những điều chưa từng đựơc nghe đến bao giờ. Đó là những điều gì mà khiến cho bạn bị sốc?

Hồng: Chẳng hạn như chuyện về Cải cách ruộng đất năm 1954, Bác và Đảng cộng sản Việt Nam đã tàn sát rất nhiều người, những ngừơi bị cho là địa chủ hay những ai có ruộng đất lúc bấy giờ. Đó là điều mà trứơc đây trong nứơc mình chưa đựơc nghe nói đến bao giờ cả.

Sinh viên Thanh: Cho mình hỏi Hồng, ngoài việc đó thì bạn còn nghe được hoặc đọc được những tư liệu về Bác như thế nào nữa, bạn có thể cho mình và những bạn trong nứơc biết rõ hơn?

Hồng: Những chuyện đó bạn có thể lên trang web www.lenduong.net thì sẽ tìm ra đựơc các tư liệu đó. Khi mình còn ở Việt Nam thì mình cũng biết rằng tất cả các tư liệu trong nứơc đều thần thánh hoá, thần tựơng hoá Bác Hồ. Tại sao các bạn không tự tìm đọc các tư liệu bên ngoài để có một cái nhìn đúng hơn, chính xác hơn từ hai phía để sau này các bạn có thể chia sẻ với các bạn khác cùng trang lứa ? Thật ra để tìm đến với các tư liệu như vậy cũng không có gì là khó. Trong nứơc, những tài liệu có cách đánh giá không giống như những gì Đảng mong muốn thì bị ngăn chặn rất nhiều, nhưng các bạn cứ thử vào các trang như www.lenduong.net hay các website tương tự thì sẽ có một cách nhìn khác hơn.

Sinh viên Phương: Khi bạn Hồng đọc tư liệu viết về Cải cách ruộng đất năm 54 nói rằng Bác đã ban ra những quy định làm ảnh hưởng, gây hại cho rất nhiều người, là một người Việt Nam, một sinh viên Việt Nam, thì bạn nghĩ như thế nào về những nguồn tin đó?

Hồng: Mình không hiểu rõ ý bạn muốn hỏi?

Trà Mi: Ý Phương muốn hỏi Hồng là độ tin cậy của Hồng như thế nào đối với những tin đó? Các tài liệu ấy có đáng tin cậy hay không?

Hồng: Ngoài những tài liệu mình đựơc đọc như vậy, mình cũng đựơc gặp những người từng là nạn nhân trực tiếp của Cải cách ruộng đất 1954, những ngừơi có cha mẹ ông bà đã bị giết chết trong sự kiện đó thì mình nghĩ đây hoàn toàn là sự thật.
Sinh viên Phương: Sao bạn không nghĩ là Bác ban ra những quy luật đó theo chiều hướng tốt nhưng những ngừơi thực hiện đã không hành động đúng theo nguyện vọng của Bác đưa ra ?

Hồng: Vì mình nghĩ là cho dù họ có là địa chủ, cường quyền, ác bá, bọc lột của dân hay như thế nào đi nữa thì họ cũng là con người, mình không nên đối xử với họ man rợ như vậy. Nếu Bác là một lãnh tụ vĩ đại, là ngừơi có thể thay đổi tất cả thì dĩ nhiên có đủ khả năng lãnh đạo, điều khiển các tứơng lãnh của mình, thì không thể có chuyện những tứơng lãnh của Bác đi ngược lại nguyện vọng của Bác đựơc.

Sinh viên Thanh: Những chủ trương Bác đưa ra hoàn toàn đúng đắn. Những người bên dứơi đã hiểu sai và thực hiện sai, ví dụ như những năm 30, mình đánh đổ đế quốc, phong kiến. Bác có phân loại ra hẳn hoi rằng mình chỉ đánh đổ đại địa chủ và những thành phần theo phe đế quốc thôi, những thành phần chưa đứng hẳn về phe đế quốc thì chỉ lợi dụng hay trung lập họ chứ không tàn sát. Nhưng do những ngừơi hiểu một cách quá sai lầm quan điểm của Bác rằng phải xoá bỏ sạch toàn bộ chế độ tư bản đi, dẫn đến việc tàn sát rất nhiều ngừơi. Sai lầm đó sau này đã đựơc sửa đổi rất nhiều rồi bạn ạ. Bạn đọc những tài liệu về sau sẽ thấy rằng cuộc cải cách này đã có đựơc những kết quả khi mình nhận ra những sai lầm.

Trà Mi: Xin mời ý kiến của anh Thanh.

Thanh: Nãy giờ nghe các bạn nói về Cải cách ruộng đất, theo ý bạn Hồng thì dù sao những người địa chủ hay đại địa chủ người ta cũng là con ngừơi, mình cũng không đựơc tàn sát ngừơi ta, huống chi theo mình đựơc biết thì thật ra những nạn nhân đó cũng chả giàu có gì đâu nhưng cũng bị quy là địa chủ. Hơn nữa, những người đó chính là những người đã từng nuôi dấu cán bộ, từng cung cấp lương thực, chỗ ở cho cán bộ của Bác. Mà sau đó lại quy cho họ là địa chủ, đấu tố họ, giết họ. Nên nhớ rằng năm 1945, sau khi tuyên bố độc lập, chính Bác Hồ đã đề cao quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền sống con ngừơi là quyền thiêng liêng nhất, thế tại sao lại có những chuyện như vậy xảy ra ? Nếu nói rằng cấp dứơi không hiểu ý Bác thì không ổn.
Cuộc cải cách ruộng đất bắt đầu từ 1949 kéo dài suốt mấy năm thì làm sao Bác không biết đựơc là có sai lầm hay không. Thật ra thì Bác cũng biết hết đấy, chứ không phải không biết, vì chế độ cộng sản bao giờ cũng theo dõi rất sát. Làm gì có chuyện hiểu sai ở đây đựơc? Nếu hiểu sai chỉ có một số người nào hiểu sai thôi chứ, làm sao mà đều làm sai hết trên diện rộng như vậy ? Mà số nạn nhân thì rất nhiều, ngay chính Đảng cộng sản cũng thừa nhận là có khoảng 170 ngàn ngừơi bị giết chết. Đó là con số do chính đảng đưa ra thôi, chứ còn thực tế chắc chắn phải nhiều hơn. Trong khi đó, đảng cũng công nhận là trên 70% bị tố sai, làm sao lại có chuyện để tố sai đến như vậy ? Con số đó đã nói lên một điều rõ ràng nhất. Cái đó không thể nào hiểu sai đựơc, cả một diện rộng như vậy. Mình không tin là có chuyện hiểu sai ở đây. Nếu bạn cho là hiểu sai thì thật ra mình đã phải rút kinh nghiệm, nhưng thực ra đến năm 1975 lại xảy ra màn đó nữa, đánh bại tư sản bao nhiêu nhà cửa người ta bị tịch thu, người ta phải bỏ nứơc ra đi. Làm sao gọi là hiểu sai đựơc ? Hiểu sai thì chỉ một lần đầu thôi chứ, tức là thật sự không phải là hiểu sai và rút kinh nghiệm, mà họ đã làm đúng như những gì họ nghĩ.

Trà Mi: Xin cảm ơn ý kiến anh Thanh. Ở đây mình có 2 luồng ý kiến khác nhau. Xin đựơc hỏi thăm các bạn là sự hiểu biết của các bạn là do các bạn tự tìm hiểu hay bằng những phương tiện gì mà các bạn có đựơc những sự hiểu biết như vậy?

Sinh viên Trang: Một số tụi mình đã đựơc học và một số tự đi tìm hiểu. Bản thân gia đình Trang có ông nội cũng là nạn nhân của cuộc Cải cách ruộng đất 1954, nhưng gia đình Trang vẫn nhận thức đựơc điều đó là do sai lầm của phía bên dứơi thực hiện chứ không phải do chủ trương, chính sách mà Bác đề ra.

Trà Mi: Trang nói là tự tìm hiểu thì những kiến thức bạn tự tìm hiểu từ đâu?
Sinh viên Trang: Tất nhiên là từ sách vở, mình đi thư viện.

Trà Mi: Tức là sách vở trong nứơc ? Thế còn sự hiểu biết của anh Thanh và Hồng thì?
Thanh: Cho Thanh nói một chút. Bạn Trang nói là tìm hiểu trong sách ngay tại Việt Nam thì mình nghĩ không có gì để tìm hiểu cả.

Hồng: Đúng.
Thanh: Vì Thanh đã từng học 12 năm và 4 năm đại học trong nứơc nhưng chưa bao giờ mình đựơc nghe đến những chuyện như Cải cách ruộng đất hay Nhân văn giai phẩm đâu. Chưa bao giờ. Đó là những cái người ta muốn dấu làm sao mình có đựơc? Muốn tìm hiểu thì bản thân mình nên tìm tòi, bây giờ cách hay nhất là qua mạng internet hoặc ngay từ ngừơi thân trong nhà. Những ngừơi đã sống qua hai chế độ trứơc và sau 1975 ngay Sài Gòn hay những người từ Bắc di cư vào Nam, họ sẽ nói cho nghe sự thật. Đó là những nhân chứng sống mình cần phải tìm hiểu. Chứ tìm hiểu qua nguồn chính thống của nhà nứơc thì xin lỗi nha, không có gì để tìm hiểu hết.

Sinh viên Trang: Vậy tại sao các bạn lại cho là những thông tin trên mạng là chính xác? Bạn nên biết rằng những thông tin muốn biết đựơc chính xác thì phải qua sự kiểm nghiệm, chứng nhận đúng sự thật thì mới đựơc in thành sách. Còn trên mạng có những tin sai sự thật rất nhiều. Còn đã viết thành sách thì đã đựơc chứng nhận, kiểm tra sự thật như thế nào thì nhà xuất bản của nứơc mình mới cho đăng thành sách.

Thanh: Cho hỏi bạn một điều thôi. Hiện giờ ai là người kiểm soát các nhà xuất bản và các cơ quan truyền thông trong nứơc?

Sinh viên Phương: Những cuốn sách đã đựơc xuất bản rộng rãi thì tất nhiên đã đựơc Bộ văn hoá thông tin cấp giấy cho xuất bản lưu hành.
Hồng: Đúng, Bộ văn hoá thông tin là của đảng cộng sản Việt Nam đúng không?
Thanh: Có phải là đảng cộng sản không.

Trà Mi: Vì thời lựơng có hạn, Trà Mi xin phép được tạm ngưng chương trình tại đây. “Diễn đàn bạn trẻ” sẽ trở lại cùng quý vị và các bạn với phần thảo luận tiếp theo vào giờ này, sáng thứ tư tuần sau. Trà Mi kính chào.
(xin mời theo dõi toàn bộ cuộc hội luận trong phần âm thanh bên trên)

Chương trình rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để Diễn đàn ngày càng phong phú và bổ ích hơn.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org.

Tiếng Việt
© 2007 Radio Free Asia
Các tin, bài liên quan
Tiếng nói và nguyện vọng của giới trẻ Việt Nam
Tuổi trẻ Việt Nam và những nguyện vọng gởi đến giới lãnh đạo cao cấp
Vì sao phần lớn những người tự ứng cử bị gạt khỏi danh sách ứng viên?
Phản hồi của giới trẻ về cách thức chọn lựa ứng cử viên Quốc hội VN
Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về cuộc bầu cử Quốc hội khoá 12?
Thế hệ trẻ nghĩ gì đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 12 sắp tới (phần 1)?
Giới trẻ với sứ mệnh Thể hiện và Truyền bá Dân chủ
Dân chủ không thể có bằng “xin-cho”
Thực tế Dân chủ tại Việt Nam theo nhận định của giới trẻ
Gửi trang này cho bạn
Ðăng ký bản tin Ban Việt Ngữ
*
***
*
Về nhân vật Hồ Chí Minh (2003 - BT)
Phỏng Vấn Ông Bùi Tín (2005)
UNESCO Không Hề Tổ Chức Sinh Nhật Hồ Chí Minh - BT...
Tâm tình với tuổi trẻ về Hồ Chí Minh
HCM, một người yêu nước lầm lạc (2007)
Unesco và Hồ Chí Minh (1990) - J F Ravel
Unesco Phủ Nhận Nghị Quyết HCM Là Nhà Văn Hóa
TỔ CHỨC UNESCO KHÔNG VINH DANH HỒ CHÍ MINH !
Cựu đại tá Bùi Tín nói về ông Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh, một người yêu nước lầm lạc
GIẢI TỎA HÀO QUANG ĐẢNG CỘNG SẢN
Mối liên quan giữa HCM, Đảng CSVN và Đệ Tam Quốc T...

Aucun commentaire: