lundi 9 juillet 2007

'Vô Ra Thằng Cha khi Nãy'



"Vô ra thằng cha khi nãy" là một thành ngữ người Việt thường nói để mô tả một sự kiện, một nhân vật cứ xuất hiện nhiều lần, dưới những hình thức khác nhau, khiến người ta tưởng lầm rằng đó là nhiều người, nhưng thực chất chỉ là một người, một "thằng cha ấy" mà thôi.

Ví dụ như trên sân khấu, nay thì khán giả thấy nhân vật nầy xuất hiện, chốc nữa lại thấy nhân vật khác nhưng thực chất cũng chỉ là một diễn viên mà thôi; khi anh ta đóng ông quan, khi đóng vai anh lính, còn thực chất cũng chỉ "một anh chàng", chỉ là "thằng cha khi nãy".

Cũng có thể đó là lời chê của khán giả khi họ bình phẩm một vở tuồng, một diễn viên khi vào khi ra sân khấu, cũng chỉ là "thằng cha" ấy mà thôi.

Đó là chuyện sân khấu cải lương hay kịch. Còn một thứ sân khấu khác nữa, cũng không kém nhàm chán. Đó là sân khấu chính trị. Trên sân khấu chính trị cũng có nhiều vở tuồng, nhiều nhân vật, coi cũng rất hấp dẫn. Tuy nhiên, trên những sân khấu chính trị của những chế độ độc tài, xem ra cũng có nhiều tuồng tích hấp dẫn, cũng có hiến pháp, cũng có phân quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, cũng có họp hành phê bình, cãi cọ, thậm chí đánh lộn nhau u đầu chảy máu, cũng có hoan hô và biểu quyết, nhưng tựu chung, cũng chỉ có một thằng: Đạo Diễn. Cho nên dù có nhiều tấn tuồng coi vui lắm, tưởng như dân chủ lắm, tự do lắm nhưng thực chất cũng chỉ là "Vô ra thằng cha khi nãy".

Trước đây nước ta có hai sân khấu chính trị. Một sân khấu ở trong Nam và một ở ngoài Bắc. Sân khấu nào coi cũng vui và cũng "hấp dẫn" đối với những người dân nhẹ dạ, dễ tin, ngu ngơ về những thủ đoạn chính trị.

Sân khấu trong Nam thì đã dẹp tiệm từ 30 tháng Tư rồi, đã "Nằm xuống trong lòng đất lạnh". Vì bài nầy nói chuyện phiếm nên tôi chẳng nhắc lại làm chi. Nói như Nhất Linh thì "Đời tôi để lịch sử xử". Lịch sử cũng sẽ xử cái sân khấu chính trị miền Nam đó. Bây giờ xin nói đôi điều "Thằng cha khi nãy" của sân khấu chính trị miền Bắc.

Sau khi nắm chính quyền nhờ cái gọi là "Cách Mạng Tháng Tám", Hồ Chí Minh xây dựng chế độ dân chủ cho nước Việt Nam hồi ấy. Bề gì thì cũng đã hô hào "Độc Lập - Tự Do". Nói là tự do mà một nước dân chủ không cho bầu quốc hội thì cũng kỳ cục nên mới có cuộc bầu cử quốc hội ngày 6 tháng 1 năm 1946. Bầu xong rồi mà đắc cử thì chỉ có cán bộ Cộng Sản với những người "ủng hộ Việt Minh". Nên nhớ cho rằng Việt Minh là một phong trào của Cộng Sản Việt Nam hay nói trắng ra là cái áo ngoài của họ. Trong quốc hội không có ai là người đối lập. Các đảng phái khác không tham gia hoặc tham gia nhưng không thể đắc cử được vì "Bầu cử không ngay thẳng" như lời cha tôi nói hồi ấy. Vì là đầu mùa dân chủ, vì là "người xưa", ăn nói còn dè dặt nên cha tôi không dùng những tiếng như người ta nói sau nầy như "bầu cử gian lận", "ăn gian phiếu", "tráo trở đổi thùng phiếu, đổi kết quả", v.v.

Do áp lực của "Quân Tàu Tưởng", tức là áp lực của mấy ông tướng Tàu phù thuộc phe Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh bèn nhường cho các "Đảng phái Quốc Gia" (Cộng Sản gọi là "Đảng phái phản động") 70 ghế trong quốc hội. Trò nầy chỉ là "hoãn binh chi kế" của Hồ già. Sau đó thì 70 ông đại biểu quốc hội trong cái trò nhường ghế đó, ai nhanh chân thì toàn mạng, ai chậm chân thì bị cho mò tôm dưới đáy sông. Mò tôm là một cách giết người bí mật và không còn dấu tích. Không cần bắn giết hay đâm chém gì cả, cứ cột một hòn đá cho thật nặng vào cổ nạn nhân rồi thả xuống giữa dòng sông. Hòn đá sẽ "keo sơn" giữ chặt nạn nhân cho đến khi xương thịt nạn nhân rã ra từng miếng nhỏ. "Ai biết mô mà tìm". Nhà văn Khái Hưng cũng bị Cộng Sản Việt Nam cho đi mò tôm theo cách như vậy đấy.

Năm 1955, sau khi Tây cuốn gói khỏi miền Bắc, quốc hội của chế độ Cộng Sản Việt Nam lại họp, lại bầu đi bầu lại mấy lần, bao giờ trong quốc hội của chế độ Cộng Sản Việt Nam cũng có đại biểu ba đảng "đàng hoàng". Một là đại biểu đảng Cộng Sản, hai là đại biểu đảng Xã Hội, ba là đại biểu đảng Dân Chủ. Nói tới đại biểu tức là nói tới đảng. Vậy thì miền Bắc hồi ấy có ba đảng: Đảng Cộng Sản, đúng đầu là "Bác Hồ muôn vàn kính yêu" của Nông Thị Xuân, hai là ông Nghiêm Xuân Yên đảng trưởng (hay chủ tịch gì đó cũng được) của đảng Dân Chủ, ba là ông Nguyễn Xiển của đảng Xã Hội. Hễ một khi đại biểu đảng Cộng Sản Hà Nội đưa ra một cái gì đó, chẳng hạn là một nghị quyết, một tuyên cáo (lên án đế quốc Mỹ thả bom miền Bắc chẳng hạn), một đạo luật để "giữ gìn kỹ cương phép nước" đại biểu hai đảng kia "triệt để ủng hộ" hay "nhất trí hoan hô". Ông Nguyễn Xiển là một người hay nhìn trời nhìn đất và nhìn trăng sao vì ông nguyên là cán sự khí tượng; còn ông Nghiêm Xuân Yêm tuy là "dòng dõi", tuy là "sinh viên" nhưng theo nhận xét của nhiều người ông có cái tật hay ngủ, nhất là khi vào ngồi trong nghị trường. Nhờ bệnh hay ngủ mà ông được một đời an nhàn sung sướng.

Đến khi "giải phóng miền Nam" xong rồi, ông Nguyễn Xiển cho đăng trên nhật báo Nhân Dân nhiều bài viết, ca ngợi "Thiên tài của Đảng Ta". Sao lại "đảng ta" nhỉ? Ông ta là thủ lĩnh đảng Xã Hội, tại sao gọi đảng Cộng Sản là "đảng ta". Có gì khó hiểu đâu mà thắc mắc. "Vô Ra Thằng Cha Khi Nãy" cả đấy. Dù là đảng Xã Hội của ông thầy bói thời tiết Nguyễn Xiển hay là đảng Dân Chủ của ông sinh viên hay ngủ gật Nghiêm Xuân Yêm, cũng chỉ do một mẹ sinh ra, người mẹ đó là đảng Cộng Sản Việt Nam. Bà Âu Cơ còn đẻ ra được một trăm cái trứng thì đảng Cộng Sản Việt Nam có đẻ ra đảng Xã Hội, đảng Dân Chủ, rồi đặt hai cái nôi trong tòa nhà quốc hội mà ru con thì cũng chỉ là "Vô Ra Thằng Cha Khi Nãy".

Sau đại hội Cộng Sản Việt Nam lần thứ tư (tháng 12/1976), Cộng Sản Việt Nam thấy cần phải đổi tuồng mới trên sân khấu chính trị, đảng Lao Động lột áo trở ra sân khấu trong vai chính đảng Cộng Sản Việt Nam, và hai tài tử phụ Dân Chủ và Xã Hội được nghỉ hưu non, cho về vườn. Bấy giờ thì không còn "Vô Ra Thằng Cha Khi Nãy" nữa mà độc chỉ có "Một mình Thằng Chả" mà thôi.

Lê Duẩn là người tự cao, tự đại. Duẩn làm cái việc mà Hồ Chí Minh không làm được: "Thống nhất đất nước", rửa mặt cho Hồ Chí Minh cái tội cắt đôi đất nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17, và "Mở ra một thời kỳ phồn vinh nhất trong lịch sử đất nước". Qua hai cái đó, y thấy y công lớn hơn hết những nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, mắng luôn Hồ Chí Minh "Bác biết gì!" Trên đời nầy, tự cổ chí kim, không ai bằng "Tổng bí thư sơ học yếu lược" nên y bèn cho hai anh tép riu Nguyễn Xiển và Nghiêm Xuân Yêm về vườn để nghiên cứu về "đảng ta" của chính ta và tiếp tục ngủ giấc ngàn thu, xuống âm phủ nhìn trăng sao mây gió để đoán thời tiết cho Diêm Vương.

Một thời mấy ông "Mặt Trận Giải Phòng Miền Nam" thấy mình to lắm. Nhiều ông thì được chức chủ tịch. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thì được chức chủ tịch mặt trận lớn (Cả miền Nam), luật sư Trịnh Đình Thảo thì được chức chủ tịch nhỏ (Mặt trận Dân tộc dân chủ hòa bình gì gì đó), Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thì được chức thủ tướng, tướng Trần Văn Trà thì được chức tư lệnh, và "tướng" Nguyễn Thị Định thì được chức Phó tư lệnh, nhưng sau 30 tháng Tư, "Thống nhất đất nước" thì được "Ngồi chơi xơi nước". Nguyễn Hữu Thọ tuy là Phó chủ tịch Quốc Hội nhưng khi nhân được đơn khiếu nại của chồng Nguyễn Thị Vàng thì vội vàng "ém" đơn. Nếu lương tâm một ông luật sư như Nguyễn Hữu Thọ, một ông miền Nam thẳng tính "Dẫu thấy bất bằng mà tha", "lương tâm cắn rứt" thì tới nha sĩ bẻ mẹ nó cái răng của lương tâm đi để nó lkhỏi "cắn rứt". Ông Phó thủ tướng Huỳnh Tấn Phát thì vê quê cũ ở Gò Công đắp mền nằm ngủ, "tướng không quân" Trần Văn Trà về Hà Nội làm thứ trưởng "Không bộ" Quốc Phòng.

Trên sân khấu, "nhờ đã thống nhất đất nước" nên bây giờ rộng hơn, thoáng hơn, nhưng nhìn đi nhìn lại cũng chỉ "Vô Ra Thằng Cha Khi Nãy" hay nói cách khác là chỉ có Cộng Sản "Một mình một chợ" mà thôi.

Sở dĩ Cộng Sản sắm những tấn tuồng "Vô Ra Thằng Cha Khi Nãy" hay "Một mình Một Chợ" là vì họ là đảng của giai cấp công nhân", "phục vụ đất nước", vì "chống lại tư sản, địa chủ bóc lột", v.v.

Nếu bọn tư bản là người ngoài đảng, nếu bọn địa chủ là người ngoài đảng, chúng sẽ bóc lột tàn tệ và trắng trọn công nhân, nông dân, chúng sẽ đàn áp nhân dân lao động.

Vậy để tránh cho nhân dân lao động khỏi bị bóc lột và đàn áp, đảng Cộng Sản Việt Nam cho đảng viên nám giữ lấy vai trò của bọn chủ tư bản, vai trò bọn địa chủ bóc lột. Nói như thế có nghĩa là đảng viên, nếu ai có tiền bạc, có vốn liếng từ nay có thể đứng ra làm "nhiệm vụ kinh tế", có thể lập nhà máy, hãng xưởng, mua cổ phiếu để làm ông chủ, mua đất đai để làm địa chủ.

Khi đảng viên làm ông chủ tư bản, khi đảng viên làm địa chủ, thì "vì lý tưởng Cộng Sản", "vì lợi ích của nhân dân lao động", "vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa", người dân việt Nam sẽ được "đảng ta" "phục vụ" kỹ hơn nữa, nhiều hơn nữa, "tích cực" hơn nữa, "triệt để" hơn nữa, chắc chắn chẳng mấy chốc nước ta sẽ thành đạt một "thời kỳ vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc" như "Đồng Chí Tổng Bí Thư Lê Duẫn kính mến" đã hứa cuội (hứa hẹn).

Từ là "Đảng của giai cấp công nhân" nay trở thành "Chủ của giai cấp công nhân", như thế cũng chỉ là "Vô Ra Thằng Cha Khi Nãy".

Từ là "người đầy tớ trung thành của nhân dân" nay bỗng trở thành ông chủ tư bản là "người bóc lột nhân dân". Thế cũng chỉ là "Vô Ra Thằng Cha Khi Nãy".

Bọn phản động và "Những thế lực thù địch" thấy rõ nguy cơ của chúng đang bị mất phần ăn ở trong nước. Chúng sẽ "ra sức chống lại đường lối chính sách của đảng ta". Chúng nói rằng "đảng ta" cho đảng viên làm nhiệm vụ kinh tế là để "rửa tiền" là một sự "vu cáo trắng trợn", chúng nói rằng khi đảng viên làm nhiệm vụ kinh tế, tự biến thành những ông chủ, địa chủ bỏ rơi chủ nghĩa Mác là một sự xuyên tạc và ngụy biện nhằm lật đổ vai trò lãnh đạo của đảng.

Chắc chắn "bác" Hồ ở dưới âm phủ sẽ rất vui mừng khi thấy đảng viên giàu có. May ra khi giàu có, chúng sẽ mua vàng mả cùng cho "bác" một cái mền vì hiện "bác" đang bị Diêm Vương trị tội, đêm đêm lạnh lẽo vô cùng.

"Bác" Hồ ơi! "Bác" có khôn thiêng thì hãy về đây mà xem con cháu của "bác" đang "vận dụng chủ nghĩa Mác một cách trí tuệ" để lột cho tới cái quần lót của nhân dân lao động Việt Nam.

Tuệ Chương hoànglonghải

Aucun commentaire: