Nhân vật Hồ Chí Minh theo nhận định của giới trẻ Việt Nam
2007.05.23
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Ngày 19 vừa qua đánh dấu 117 năm sinh nhật cố chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân vật đã góp phần làm thay đổi dòng lịch sử Việt Nam. Trong sử sách quốc nội, Hồ chủ tịch được ngợi ca bằng những ngôn từ cao đẹp nhất và được tôn vinh như một vị cha già của dân tộc, một ngừơi hùng vĩ đại của đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, danh tiếng và sự kính trọng mà mọi người dành cho ông rất khác nhau. Nhiều ngừơi tôn thờ ông vì công lao lãnh đạo công cuộc đấu tranh đòi độc lập, dẫn đến việc thống nhất đất nước sau này.
Thế nhưng cũng có lắm kẻ chê trách bởi cho rằng ông đã nhầm lẫn mang học thuyết chủ nghĩa cộng sản về áp dụng trên quê hương, gây đau thương cho biết bao người.
Ông Hồ Chí Minh lúc sinh thời. RFA file photo.
Ngay trong giới trẻ, những ngừơi sinh sau 75, thế hệ được ví von là “con cháu Bác Hồ”, suy nghĩ và cảm nhận của họ về lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh ra sao?
Mời quý vị tìm hiểu qua cuộc hội luận với các thanh niên trong và ngoài nước xung quanh đề tài này, với sự góp mặt của các bạn Thanh, Phương, Trang là những sinh viên từ miền Trung và miền Bắc vào Sài Gòn trọ học; Hồng, vừa sang Hoa Kỳ du học hơn một năm, cùng với Thanh, cử nhân đại học hiện đang công tác tại phía Nam:
Thanh: Mình tên là Thanh, ở Sài Gòn.
Hồng: Em tên Hồng, em đang du học tại Boston, Mỹ.
Sinh viên Trang: Mình tên Trang, mình ở Bình Thuận.
Sinh viên Phương: Mình là Phương, ở Quảng Ngãi.
Sinh viên Thanh: Mình tên Thanh, ở Nghệ An.
Trà Mi: Xin cảm ơn các bạn đã dành thời gian tham gia chương trình hôm nay. Với đề tài “Cảm nghĩ của thanh niên Việt Nam về nhân vật HCM”, câu hỏi đầu tiên mình muốn nêu ra với các bạn là các bạn có cảm nghĩ như thế nào về HCM, một nhân vật rất nổi tiếng mà có lẽ là các bạn đã được biết tới từ khi còn rất nhỏ?
Sinh viên Trang: Trang là một sinh viên, đựơc tìm hiểu về Bác thông qua ngành học của mình.
Trà Mi: Ngành học của Trang là gì?
Sinh viên Trang: Ngành học của Trang là lịch sử.
Trà Mi: Cảm nghĩ của bạn như thế nào về lãnh tụ HCM?
Sinh viên Trang: Trong lòng sinh viên tụi Trang, Bác là người vĩ đại, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Trà Mi: Thế còn ý kiến của anh Thanh, anh có gì chia sẻ với các bạn?
Thanh: Trứơc giờ em cũng học ở trong lịch sử Việt Nam, thì dĩ nhiên chỉ thấy có một ý kiến chung đó là Bác là một lãnh tụ vĩ đại. Nói chung, tất cả thanh niên Việt Nam đều đựơc giáo dục như vậy hết. Mình cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, theo lý trí tự mình suy nghĩ thì ai cũng có mặt xấu, mặt tốt. Chẳng có ai mà tốt hết tất cả như những điều trong sách vở Việt Nam giảng dạy thì Thanh nghĩ điều này có vấn đề.
Trà Mi: Xin mời ý kiến của các bạn khác.
Hồng: Khi Hồng còn ở Việt Nam thì mình cũng học chuyên văn, cũng tiếp xúc được với khá nhiều tài liệu về Bác Hồ. Cho nên, khi còn ở trong nứơc, Hồng rất ngưỡng mộ Bác như một nhân vật vĩ đại, có một tấm lòng thanh cao tất cả vì dân, vì nứơc. Tuy nhiên, đến khi mình đi ra ngoài du học thì có đựơc nhiều cơ hội tiếp xúc với các tài liệu bên ngoài, những tài liệu mà trứơc đây trong nứơc mình chưa đựơc nghe đến bao giờ thì mình cảm thấy rất là sốc.
Bạn nghĩ gì về con người, cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ Chí Minh? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org
Trà Mi: Hồng nói là cảm thấy sốc trứơc những điều chưa từng đựơc nghe đến bao giờ. Đó là những điều gì mà khiến cho bạn bị sốc?
Hồng: Chẳng hạn như chuyện về Cải cách ruộng đất năm 1954, Bác và Đảng cộng sản Việt Nam đã tàn sát rất nhiều người, những ngừơi bị cho là địa chủ hay những ai có ruộng đất lúc bấy giờ. Đó là điều mà trứơc đây trong nứơc mình chưa đựơc nghe nói đến bao giờ cả.
Sinh viên Thanh: Cho mình hỏi Hồng, ngoài việc đó thì bạn còn nghe được hoặc đọc được những tư liệu về Bác như thế nào nữa, bạn có thể cho mình và những bạn trong nứơc biết rõ hơn?
Hồng: Những chuyện đó bạn có thể lên trang web www.lenduong.net thì sẽ tìm ra đựơc các tư liệu đó. Khi mình còn ở Việt Nam thì mình cũng biết rằng tất cả các tư liệu trong nứơc đều thần thánh hoá, thần tựơng hoá Bác Hồ. Tại sao các bạn không tự tìm đọc các tư liệu bên ngoài để có một cái nhìn đúng hơn, chính xác hơn từ hai phía để sau này các bạn có thể chia sẻ với các bạn khác cùng trang lứa ? Thật ra để tìm đến với các tư liệu như vậy cũng không có gì là khó. Trong nứơc, những tài liệu có cách đánh giá không giống như những gì Đảng mong muốn thì bị ngăn chặn rất nhiều, nhưng các bạn cứ thử vào các trang như www.lenduong.net hay các website tương tự thì sẽ có một cách nhìn khác hơn.
Sinh viên Phương: Khi bạn Hồng đọc tư liệu viết về Cải cách ruộng đất năm 54 nói rằng Bác đã ban ra những quy định làm ảnh hưởng, gây hại cho rất nhiều người, là một người Việt Nam, một sinh viên Việt Nam, thì bạn nghĩ như thế nào về những nguồn tin đó?
Hồng: Mình không hiểu rõ ý bạn muốn hỏi?
Trà Mi: Ý Phương muốn hỏi Hồng là độ tin cậy của Hồng như thế nào đối với những tin đó? Các tài liệu ấy có đáng tin cậy hay không?
Hồng: Ngoài những tài liệu mình đựơc đọc như vậy, mình cũng đựơc gặp những người từng là nạn nhân trực tiếp của Cải cách ruộng đất 1954, những ngừơi có cha mẹ ông bà đã bị giết chết trong sự kiện đó thì mình nghĩ đây hoàn toàn là sự thật.
Sinh viên Phương: Sao bạn không nghĩ là Bác ban ra những quy luật đó theo chiều hướng tốt nhưng những ngừơi thực hiện đã không hành động đúng theo nguyện vọng của Bác đưa ra ?
Hồng: Vì mình nghĩ là cho dù họ có là địa chủ, cường quyền, ác bá, bọc lột của dân hay như thế nào đi nữa thì họ cũng là con người, mình không nên đối xử với họ man rợ như vậy. Nếu Bác là một lãnh tụ vĩ đại, là ngừơi có thể thay đổi tất cả thì dĩ nhiên có đủ khả năng lãnh đạo, điều khiển các tứơng lãnh của mình, thì không thể có chuyện những tứơng lãnh của Bác đi ngược lại nguyện vọng của Bác đựơc.
Sinh viên Thanh: Những chủ trương Bác đưa ra hoàn toàn đúng đắn. Những người bên dứơi đã hiểu sai và thực hiện sai, ví dụ như những năm 30, mình đánh đổ đế quốc, phong kiến. Bác có phân loại ra hẳn hoi rằng mình chỉ đánh đổ đại địa chủ và những thành phần theo phe đế quốc thôi, những thành phần chưa đứng hẳn về phe đế quốc thì chỉ lợi dụng hay trung lập họ chứ không tàn sát. Nhưng do những ngừơi hiểu một cách quá sai lầm quan điểm của Bác rằng phải xoá bỏ sạch toàn bộ chế độ tư bản đi, dẫn đến việc tàn sát rất nhiều ngừơi. Sai lầm đó sau này đã đựơc sửa đổi rất nhiều rồi bạn ạ. Bạn đọc những tài liệu về sau sẽ thấy rằng cuộc cải cách này đã có đựơc những kết quả khi mình nhận ra những sai lầm.
Trà Mi: Xin mời ý kiến của anh Thanh.
Thanh: Nãy giờ nghe các bạn nói về Cải cách ruộng đất, theo ý bạn Hồng thì dù sao những người địa chủ hay đại địa chủ người ta cũng là con ngừơi, mình cũng không đựơc tàn sát ngừơi ta, huống chi theo mình đựơc biết thì thật ra những nạn nhân đó cũng chả giàu có gì đâu nhưng cũng bị quy là địa chủ. Hơn nữa, những người đó chính là những người đã từng nuôi dấu cán bộ, từng cung cấp lương thực, chỗ ở cho cán bộ của Bác. Mà sau đó lại quy cho họ là địa chủ, đấu tố họ, giết họ. Nên nhớ rằng năm 1945, sau khi tuyên bố độc lập, chính Bác Hồ đã đề cao quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền sống con ngừơi là quyền thiêng liêng nhất, thế tại sao lại có những chuyện như vậy xảy ra ? Nếu nói rằng cấp dứơi không hiểu ý Bác thì không ổn.
Cuộc cải cách ruộng đất bắt đầu từ 1949 kéo dài suốt mấy năm thì làm sao Bác không biết đựơc là có sai lầm hay không. Thật ra thì Bác cũng biết hết đấy, chứ không phải không biết, vì chế độ cộng sản bao giờ cũng theo dõi rất sát. Làm gì có chuyện hiểu sai ở đây đựơc? Nếu hiểu sai chỉ có một số người nào hiểu sai thôi chứ, làm sao mà đều làm sai hết trên diện rộng như vậy ? Mà số nạn nhân thì rất nhiều, ngay chính Đảng cộng sản cũng thừa nhận là có khoảng 170 ngàn ngừơi bị giết chết. Đó là con số do chính đảng đưa ra thôi, chứ còn thực tế chắc chắn phải nhiều hơn. Trong khi đó, đảng cũng công nhận là trên 70% bị tố sai, làm sao lại có chuyện để tố sai đến như vậy ?
Con số đó đã nói lên một điều rõ ràng nhất. Cái đó không thể nào hiểu sai đựơc, cả một diện rộng như vậy. Mình không tin là có chuyện hiểu sai ở đây. Nếu bạn cho là hiểu sai thì thật ra mình đã phải rút kinh nghiệm, nhưng thực ra đến năm 1975 lại xảy ra màn đó nữa, đánh bại tư sản bao nhiêu nhà cửa người ta bị tịch thu, người ta phải bỏ nứơc ra đi. Làm sao gọi là hiểu sai đựơc ? Hiểu sai thì chỉ một lần đầu thôi chứ, tức là thật sự không phải là hiểu sai và rút kinh nghiệm, mà họ đã làm đúng như những gì họ nghĩ.
Trà Mi: Xin cảm ơn ý kiến anh Thanh. Ở đây mình có 2 luồng ý kiến khác nhau. Xin đựơc hỏi thăm các bạn là sự hiểu biết của các bạn là do các bạn tự tìm hiểu hay bằng những phương tiện gì mà các bạn có đựơc những sự hiểu biết như vậy?
Sinh viên Trang: Một số tụi mình đã đựơc học và một số tự đi tìm hiểu. Bản thân gia đình Trang có ông nội cũng là nạn nhân của cuộc Cải cách ruộng đất 1954, nhưng gia đình Trang vẫn nhận thức đựơc điều đó là do sai lầm của phía bên dứơi thực hiện chứ không phải do chủ trương, chính sách mà Bác đề ra.
Trà Mi: Trang nói là tự tìm hiểu thì những kiến thức bạn tự tìm hiểu từ đâu?
Sinh viên Trang: Tất nhiên là từ sách vở, mình đi thư viện.
Trà Mi: Tức là sách vở trong nứơc ? Thế còn sự hiểu biết của anh Thanh và Hồng thì?
Thanh: Cho Thanh nói một chút. Bạn Trang nói là tìm hiểu trong sách ngay tại Việt Nam thì mình nghĩ không có gì để tìm hiểu cả.
Hồng: Đúng.
Thanh: Vì Thanh đã từng học 12 năm và 4 năm đại học trong nứơc nhưng chưa bao giờ mình đựơc nghe đến những chuyện như Cải cách ruộng đất hay Nhân văn giai phẩm đâu. Chưa bao giờ. Đó là những cái người ta muốn dấu làm sao mình có đựơc? Muốn tìm hiểu thì bản thân mình nên tìm tòi, bây giờ cách hay nhất là qua mạng internet hoặc ngay từ ngừơi thân trong nhà. Những ngừơi đã sống qua hai chế độ trứơc và sau 1975 ngay Sài Gòn hay những người từ Bắc di cư vào Nam, họ sẽ nói cho nghe sự thật. Đó là những nhân chứng sống mình cần phải tìm hiểu. Chứ tìm hiểu qua nguồn chính thống của nhà nứơc thì xin lỗi nha, không có gì để tìm hiểu hết.
Sinh viên Trang: Vậy tại sao các bạn lại cho là những thông tin trên mạng là chính xác? Bạn nên biết rằng những thông tin muốn biết đựơc chính xác thì phải qua sự kiểm nghiệm, chứng nhận đúng sự thật thì mới đựơc in thành sách. Còn trên mạng có những tin sai sự thật rất nhiều. Còn đã viết thành sách thì đã đựơc chứng nhận, kiểm tra sự thật như thế nào thì nhà xuất bản của nứơc mình mới cho đăng thành sách.
Thanh: Cho hỏi bạn một điều thôi. Hiện giờ ai là người kiểm soát các nhà xuất bản và các cơ quan truyền thông trong nứơc?
Sinh viên Phương: Những cuốn sách đã đựơc xuất bản rộng rãi thì tất nhiên đã đựơc Bộ văn hoá thông tin cấp giấy cho xuất bản lưu hành.
Hồng: Đúng, Bộ văn hoá thông tin là của đảng cộng sản Việt Nam đúng không?
Thanh: Có phải là đảng cộng sản không.
Trà Mi: Vì thời lựơng có hạn, Trà Mi xin phép được tạm ngưng chương trình tại đây. “Diễn đàn bạn trẻ” sẽ trở lại cùng quý vị và các bạn với phần thảo luận tiếp theo vào giờ này, sáng thứ tư tuần sau. Trà Mi kính chào.
(xin mời theo dõi toàn bộ cuộc hội luận trong phần âm thanh bên trên)
Chương trình rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để Diễn đàn ngày càng phong phú và bổ ích hơn.
Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org.
Tiếng Việt
© 2007 Radio Free Asia
Các tin, bài liên quan
Tiếng nói và nguyện vọng của giới trẻ Việt Nam
Tuổi trẻ Việt Nam và những nguyện vọng gởi đến giới lãnh đạo cao cấp
Vì sao phần lớn những người tự ứng cử bị gạt khỏi danh sách ứng viên?
Phản hồi của giới trẻ về cách thức chọn lựa ứng cử viên Quốc hội VN
Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về cuộc bầu cử Quốc hội khoá 12?
Thế hệ trẻ nghĩ gì đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 12 sắp tới (phần 1)?
Giới trẻ với sứ mệnh Thể hiện và Truyền bá Dân chủ
Dân chủ không thể có bằng “xin-cho”
Thực tế Dân chủ tại Việt Nam theo nhận định của giới trẻ
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire