mardi 29 mai 2007

Chuyện quan chức nói dối ở TQ: Vì sao nói dối?

Chuyện quan chức nói dối ở TQ: Vì sao nói dối?
23.05.2007 15:06

Trong đợt bùng phát dịch cúm gia cầm, dịch Sars trước đây, nhiều địa phương ở Trung Quốc sau một thời gian giấu nhẼ/td>

Sự thật giới quan trường một số địa phương ở Trung Quốc đã tồn tại một “dây chuyền nói dối”: quan làng nói dối quan xã, quan xã nói dối quan huyện, cứ thế nói dối lên trên.

Cấp trên lại không có khả năng thiên lý nhãn hay tai thính ngàn dặm, họ chủ yếu dựa vào nguồn thông tin bên dưới cung cấp, những số liệu báo cáo cứ thế nhảy lung tung.

Bốn nguyên nhân

Nguyên nhân thúc đẩy các quan chức nói dối thì có nhiều. Ý kiến cư dân mạng tham gia “Diễn đàn nhân dân Trung Quốc” trên hệ thống Nhân Dân Nhật Báo tập trung tóm tắt mấy điểm sau:

Thứ nhất, các quan chức có tội, có sai lầm nhưng vẫn muốn giữ ghế.

Ví dụ: các vụ sập hầm lò than gây chết người, các chủ mỏ liên kết với cơ quan chính quyền bao che, như vụ chết hai người ở hai mỏ khu vực Nhữ Chân, tỉnh Hà Nam, họ đã trao “phong bì” cho các nhà báo để giấu nhẹm sự thật.

Thứ hai, một số quan chức cho rằng muốn thăng quan tiến chức nhanh để mưu lợi nhiều hơn thì dùng các “kế hoạch nói dối”.

Cách này trước hết phải kể đến Vương Hoài Trung. Vương làm bí thư huyện ủy huyện Hào (tỉnh An Huy), giá trị sản lượng công nghiệp hương trấn hằng năm chỉ mấy chục triệu nhân dân tệ, nhưng Vương đã thổi lên đến mấy trăm triệu nhân dân tệ.

Sau đó làm bí thư thành phố Phụ Dương, GDP hằng năm tăng trưởng chỉ 4,7%, nhưng Vương báo cáo là 22%. Khi lên làm phó chủ tịch tỉnh An Huy thì mọi việc bị phanh phui: động cơ nói dối của Vương chính là để thăng quan tiến chức và tham nhũng, phải lãnh án tử hình.

Thứ ba, một số quan chức bản thân sa đọa hưởng lạc nhưng cố tạo ra hình tượng “trong sạch”. Ở tỉnh Quảng Đông, một phó bí thư huyện ủy huyện Phật Cương tên là Diệp Quảng Chương, ban ngày lên lớp giảng cho cán bộ đảng viên về việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, nhưng buổi tối bị công an phát hiện đi mua dâm! Nhiều cán bộ rao giảng đạo đức nhưng bản thân tha hóa sau đó đã bị vạch trần bộ mặt thật.

Thứ tư, có những lãnh đạo cấp trên thích nghe cấp dưới nói dối, bởi những thành tích của cấp dưới làm tăng thành tích của cấp trên. Cấp trên thích, cấp dưới ăn theo.

Ở một số nơi, phong khí quan trường bất chính, lãnh đạo thích nhiều công nên chỉ thích nghe thành tích, không thích nghe khuyết điểm, do đó cấp dưới tha hồ nói dối. Ở một địa phương mà trò nói dối “thịnh hành” thì người nói thật sẽ gặp rủi ro lớn.

Trường hợp Lý Xương Bình và Hạ Nhất Tùng là những ví dụ cụ thể. Lý Xương Bình, nguyên bí thư Đảng ủy xã Bàn Cờ, huyện Giám Lợi, tỉnh Hồ Bắc, đã làm tờ trình gửi Thủ tướng Chu Dung Cơ về “sự nghèo thật của nông thôn, sự khổ thật của nông dân, sự nguy hiểm thật của nông nghiệp Trung Quốc”.

Hạ Nhất Tùng, bí thư huyện ủy huyện Lợi Tân, tỉnh An Huy, đã công khai cự tuyệt hối lộ và vạch trần những điều “bí mật” trong giới quan trường ở địa phương.

Nhưng oái oăm thay, cả Lý và Hạ đều bị “đào thải ngược”, đều bị gây sức ép từ địa phương và kết cục là từ quan.

Tuy rằng dư luận xã hội ủng hộ thái độ nói đúng sự thật của Lý và Hạ, nhưng không ít quan chức “nói dối có sách” lại cho đó là làm trái “qui tắc trò chơi”.

Vận động nói thật!

Một số quan chức Trung Quốc khi sắp về hưu mới bắt đầu lên tiếng nói thật. Nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Trương Bảo Khánh đã công khai nói lên thực trạng của ngành giáo dục, như nguồn đầu tư ngân sách quá ít, học phí quá cao vượt khỏi khả năng của người dân.

Khi được hỏi vì sao đến bây giờ mới nói lên sự thật, ông đã nói một điều phũ phàng: “Dù sao tôi cũng sắp về hưu rồi”. Dân chúng luôn mong đợi quan chức nói thật, nhưng có một thực tế là một số vị quan khi nói thẳng đều là những người đã làm sẵn thủ tục về hưu, nghĩa là họ chuẩn bị rời khỏi chốn quan trường.

Một số quan chức nói thẳng rằng khi tại chức họ không thể nói, không dám nói và không muốn nói vì đó được gọi là “qui luật ngầm” của quan trường tại một số địa phương: nói thật sẽ bị kỷ luật, không dám nói vì sợ đụng chạm đến nhiều quan chức, không muốn nói vì mình còn tại chức, cần giữ cái ghế của mình.

Không chỉ người dân thích nghe sự thật mà hơn ai hết những nhà lãnh đạo Trung Quốc lại càng muốn nghe sự thật. Đầu năm 2006, Thủ tướng Ôn Gia Bảo có tổ chức một buổi tọa đàm về y tế, ông Mã Văn Phương - một bác sĩ trạm y tế làng Văn Trang ở tỉnh Hà Nam - được mời tham dự, là đại biểu duy nhất đến từ cơ sở.

Khi được mời, ông không biết nên nói những gì và không nói những gì, lúc đó phòng y tế huyện đã soạn sẵn cho ông bài phát biểu với nội dung khen ngợi những chính sách của Đảng và chính quyền địa phương. Lúc đến Bắc Kinh, Bộ Y tế cho biết thủ tướng chỉ muốn nghe sự thật, lúc này ông mới thẳng thắn nói hết những khó khăn của y tế nông thôn.

Nhằm tăng ngăn ngừa tình trạng nói sai sự thật, cục trưởng Cục Kiểm soát an toàn quốc gia Trung Quốc Lý Nghị Trung cho biết Bộ luật hình sự sửa đổi 6 của Trung Quốc có bổ sung điều 139 về xác định tội báo cáo sai các sự cố, tai nạn.

Trong đó, tai nạn hầm mỏ có qui định rõ về tội giấu nhẹm, thế nào là nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; qui định rõ việc xử phạt với hành vi báo cáo sai, không báo cáo, báo cáo trễ. “Diễn đàn nhân dân Trung Quốc” khi khép lại trên hệ thống Nhân Dân Nhật Báo đã lên tiếng yêu cầu làm một cuộc vận động nói thật, đề cao tính tự giác.

Bởi vì nếu cứ để xảy ra tình trạng “giả như thật, thật như giả” thì người dân từ việc mất lòng tin với một vài vị quan chức sẽ dần dần mất lòng tin với cả tập thể quan chức, và đó là một điều nguy hiểm với xã hội.



Tháng 12-2005, bí thư và phó bí thư huyện Phụ Nam (tỉnh An Huy) ra chỉ tiêu kêu gọi đầu tư cho năm 2006 của toàn huyện, trong đó có ghi rõ mỗi thị trấn phải kêu gọi đầu tư từ 4,6-30 triệu nhân dân tệ, bốn vị lãnh đạo của huyện có nhiệm vụ kêu gọi đầu tư với số vốn 100 triệu nhân dân tệ.

Các cán bộ phải dành 1/3 giờ làm việc đi xúc tiến đầu tư, trích 10% lương đặt cọc, nếu cuối năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ coi đó như là vốn đầu tư, sáu tháng đầu năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải dành toàn bộ thời gian làm việc đi xúc tiến công tác đầu tư, nếu cuối năm không hoàn thành nhiệm vụ thì tự nguyện từ chức.

Kết quả, đến tháng 10-2006, ông cục trưởng cục giám sát an ninh của huyện, cục trưởng cục đô thị huyện bị cách chức, cảnh cáo vì không kêu gọi được nhà đầu tư nào.

Cuối cùng thì số dự án đầu tư năm 2006 của huyện Phụ Nam tăng gấp đôi so với năm 2005, nhưng theo cán bộ địa phương thì đó là con số không thực tế.

Theo báo cáo chín tháng đầu năm 2006, huyện có 114 dự án đầu tư với số vốn 264.750.000 nhân dân tệ, nhưng sau khi khảo sát phát hiện chỉ có 30,61% dự án là có thật, nghĩa là có đến 70% dự án chưa được xác định, báo cáo khống.

Vì lo sợ không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cách chức nên các quan chức đã nói dối, và đó là cách duy nhất để giữ lại cái ghế cho mình. Đây là điển hình của việc chạy theo bệnh thành tích của cấp trên, khiến cấp dưới bắt buộc phải nói dối.

Đến tháng 1-2007, Đại hội đại biểu nhân dân toàn tỉnh An Huy đã kịp sửa sai, hai vị quan bị cách chức trước đó đã được phục chức, còn hai vị bí thư và phó bí thư bị kiểm điểm khiển trách vì ra chỉ tiêu mù quáng.

(Theo Tuổi Trẻ)

Aucun commentaire: