mercredi 15 août 2007

AGIT–PROP Tuyên Truyền Và Vận Động

AGIT–PROP

Minh Võ

Trước hết tôi phải xin lỗi độc giả vì lại dùng ngoại ngữ để làm tiêu đề cho bài này, sau khi đã có một bài với cái tựa Orchestration.

Từ Orchestration dùng trong trường hợp nói về chiến tranh, tiếng Việt không có từ tương đương. Dịch là Phối Khí, hay Hòa Âm thì lại chỉ có nghĩa đen về âm nhạc, không áp dụng vào chiến tranh hay tuyên truyền được. Cho nên đành để nguyên một từ đã trở thành quốc tế.

Lần này danh từ kép Agit-Prop cũng vậy.

Đây là viết tắt của hai từ Agitatsiya-Propaganda (Agitation-Propaganda) mà trong tiếng Việt có người dịch là Tuyên Vận (viết tắt của Tuyên Truyền Và Vận Động Quần Chúng). Cách dịch này tuy tạm ổn, nhưng có vẻ hiền lành theo tinh thần công tác của các chính quyền quốc gia, dân chủ nên vẫn không diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa của nguyên ngữ vốn cô đọng trong 2 từ Agit-Prop là Khuấy Động-Tuyên Truyền. Đầy đủ hơn thì nội dung của Agit-Prop phải được hiểu là khuấy động quần chúng và tuyên truyền chính trị.

Đây còn là danh xưng một cơ quan quan trọng trong chính quyền Liên Xô là bộ Agit-Prop. Bộ phận tuyên truyền của trung ương đảng cộng sản Trung Quốc cuối thập niên 20 và đầu thập niên 30 do Lý Lập Tam kiêm nhiệm với chức ủy viên thường vụ bộ chính trị dưới quyền của Hướng Trung Phát cũng rập khuôn theo mẫu mực Agit-Prop của Liên Xô. Bộ Tuyên Truyền trong chính phủ đầu tiên của Hồ Chí Minh do Trần Huy Liệu làm bộ trưởng cũng thế. Nhưng về sau để đánh lừa dư luận, Hồ Chí Minh đã bỏ bộ này, đồng thời cũng giải tán đảng cộng sản, biến nó thành hội nghiên cứu Marx-xít (nòng cốt) và đảng Lao Động (ngoại vi). Nhưng “đội vũ trang tuyên truyền” của Võ Nguyên Giáp thì vẫn được duy trì rồi phát triển thành “lực lượng võ trang nhân dân” sau này, giống hệt như chủ trương tuyên truyền bằng bạo lực, vũ trang của Lý Lập Tam ở Trung Quốc.

Agitprop
Nguồn: wikipedia.org
--------------------------------------------------------------------------------

Trong bài này, chúng tôi xin miễn bàn về tổ chức, điều hành của cái bộ đặc biệt này. Mà chỉ nói đến nội dung công tác tuyên truyền chính trị và khuấy động quần chúng của nó mà thôi.

Sau bài Orchestration, có độc giả phê bình là nói bóng bảy “cao siêu” quá, lắm chỗ không biết người viết muốn nói gì. Thực ra, orchestration là tột đỉnh của tuyên truyền vì nó phối hợp sử dụng tất cả mọi hình thức tuyên truyền và khuấy động quần chúng một cách cao và đầy đủ nhất, khác nào nhạc sĩ sáng tác hòa âm đã sử dụng đến tất cả các nhạc khí, nhạc cụ để dàn dựng nên một tuyệt tác nhạc giao hưởng. Vì thế bài này có mục đích trở lại những kiến thức cơ bản về tuyên truyền của cộng sản, để giúp một số độc giả hiểu thêm về orchestration hơn. Dĩ nhiên, đây chỉ là tóm tắt đại cương mấy điểm cơ bản thông thường, vì nếu bàn kỹ ra cần phải có cả một pho sách lớn.

Ngày nay ta đã quá quen với từ Propaganda, cho nên khi nói tuyên truyền là hiểu ngay đó là tuyên truyền chính trị. Nhưng vào thế kỷ 19, nó hãy còn đuợc hiểu một cách đơn sơ là truyền bá, loan truyền. Tòa thánh Vatican có một bộ gọi là thánh bộ truyền giáo (Propaganda Fide), không ai dịch là bộ tuyên truyền đức tin cả.

Chữ agitation do động từ agitate (gốc từ động từ La Tinh agito) có nghĩa là lắc, lay động, lay chuyển, khuấy động … Ở đây, hiểu ngầm là khuấy động quần chúng. Người cộng sản để hai công tác tuyên truyền và khuấy động quần chúng vào làm một bộ phận duy nhất. Vì trong thực tế, hai công tác đó như bóng với hình, thường hỗ trợ lẫn nhau, chồng chéo lên nhau, quyện vào nhau, xoắn lấy nhau, rất khó phân biệt. Nhưng muốn hiểu đến nơi đến chốn về lý thuyết thì cần tách ra làm hai để dễ phân tích.

Tuyên truyền có mục đích đem đến cho một đối tượng – hay một nhóm đối tượng có lập trường khuynh hướng giống nhau – nhiều hay rất nhiều ý, nhằm lôi cuốn họ đi theo chiều hướng của mình, chấp nhận lập trường của mình, hành động theo ý mình. Điều này rất khó nếu những tin tưởng, suy nghĩ, sinh hoạt của đối tượng trái ngược với ta.

Cán bộ tuyên truyền có thể dùng nhiều hình thức khác nhau để đạt mục đích tuyên truyền như dùng lời lẽ trong các câu chuyện riêng tư, trong các buổi tọa đàm… hoặc dùng những tài liệu, sách báo, tranh ảnh, truyền đơn vv…
Những cử chỉ, thái độ, hành động của một người, một lãnh tụ, hay chiến thắng của một đơn vị, hoặc nhỏ, hoặc lớn từ tiểu đội đến đại đoàn đều có thể có một tác dụng tuyên truyền nào đó.

1. Tuyên truyền chính trị cũng như giáo dục và quảng cáo thương mại thường dựa vào những định luật tâm sinh lý giống nhau.

Hai nhà tâm lý học thực nghiệm Pháp là hai anh em Pierre Janet và Paul Janet đã dựa vào những cuộc thí nghiệm trên những bệnh nhân thần kinh u uất để chứng minh rằng hành động là kết quả của ý niệm. Khi chỉ có một ý duy nhất trong đầu bệnh nhân, thì lập tức ý đó biến thành hành động.

Khi có nhiều ý thì ý nào chiếm ưu thế, ý đó sẽ có khả năng nhất để biến thành hành động. Các nhà duy vật có thể bảo đó là theo chủ nghĩa duy tâm, lạc hậu. Nhưng không thể phản bác những kết quả cụ thể của công cuộc thí nghiệm theo đúng tiêu chuẩn khoa học thực nghiệm của hai nhà bác học này. (1)

Dĩ nhiên những nhà tuyên truyền cộng sản, theo thuyết duy vật, không thích lối giải thích duy tâm đó. Họ tìm tới Ivan Petrovich Pavlov (Nobel 1904), một khoa học gia người Nga, với thuyết phản ứng điều kiện, bắt nguồn từ những thí nghiệm trên con chó với tiếng chuông, để đi đến kết luận mọi hành động của con người đều do sự điều kiện hóa một cách máy móc.

Vì thế ông Hồ (có lẽ bắt chước Voltaire) đã từng có lần nói với cán bộ tuyên truyền rằng: “Nói láo, cứ nói láo, ban đầu người ta không tin, rồi nói mãi ngưòi ta cũng bán tín bán nghi, rồi thì cuối cùng tin như thật.” Chính vì chủ trương như vậy, cho nên khi tại Việt Nam xuất hiện lần đầu cái bộ tuyên truyền và đội vũ trang tuyên truyền, trong dân gian đã có thành ngữ “nói dối như Vẹm”. (2)

Muốn thu lượm kết quả, các nhà tuyên truyền, ngoài việc nắm vững quy luật về tâm sinh lý nói trên, còn phải “điều nghiên” (chữ CS thường dùng: điều tra, nghiên cứu) về đối tượng, khác nào nhà trồng trọtmuốn gieo trồng một giống rau, giống lúa … phải nghiên cứu đất xem cần đào xới theo phương pháp nào, cần thêm phân bón gì, độ ẩm bao nhiêu vv… Sau đó mới lựa cách thích hợp với từng đối tượng để tiếp cận và truyền đạt ý tưởng của mình: những triết thuyết, chủ nghĩa, chủ trương, lập trường chính trị … là những điều phức tạp cao siêu, hay chỉ là một lời khen, lời mời gọi, một gợi ý nhỏ, đơn sơ.

Với một cán bộ tuyên truyền cấp thấp, công việc có khi thật khó khăn, đòi nhiều thời gian, để thuyết phục đối tượng. Nhưng với những người có thiên khiếu về đắc nhân tâm, nhất là lại có cái mà ngoại ngữ gọi là “charisma” tức sức thu hút lạ lùng của lãnh tụ, thì có khi chỉ cần một lần tiếp xúc, một vài lời nói, một cử chỉ, một cái nhìn cũng có thể lôi cuốn đối tượng. Người ta thường nghe đồn về việc ông Hồ đã thu phục Tạ Đình Đề, Thụy An, Trần Đại Nghĩa theo cách đó. Và trong hồi ký của Trương Như Tảng, ông này đã thuật lại bị ông Hồ thuyết phục ra sao trong dịp ông ta và một nữ sinh cùng lớp tiếp xúc với ông Hồ ở thủ đô Paris của Pháp. Chỉ nguyên lời ông Hồ nói với hai sinh viên trẻ này rằng đừng gọi ông là chủ tịch mà hãy gọi ông một cách thân mật là bác đã đủ khiến họ cảm mến và muốn đi theo rồi. Trong cuốn tiểu sử của giám mục Lê Hữu Từ nhan đề Giám mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm, tác giả cũng thuật lại rằng ông Hồ đã dùng tới tuyệt chiêu của ông để cố chinh phục niềm tin của nhà tu hành này:

Trong lúc chỉ có hai người trong một bầu không khí thân mật cởi mở, ông Hồ, theo lời của vị giám mục nói lại với tác giả, đã ngỏ lời xin giám mục rửa tội cho mình! Có điều vị giám mục không bị lừa bởi con người khôn khéo nhưng giả dối này.

Những Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn … đã bị ông Hồ chiêu dụ dễ dàng. Thậm chí cả Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam cũng bị lừa khi nghe lời đường mật của ông Hồ, và lời khuyên – gần như cưỡng ép – của các tướng Tầu Lư Hán, Tiêu Văn để nhận lấy 70 ghế không được bầu trong “quốc hội” (hoàn toàn biếu không như một món quà hối lộ!) và mấy chức phó chủ tịch, bộ trưởng … cũng đã mắc mưu ông Hồ, nếu không nói là bị quái chiêu “tuyên truyền” của ông ta chinh phục.

Chỉ có ông Ngô Đình Diệm không bị lừa, không nghe ông ta mà nhận chức bộ trưởng nội vụ và đã may mắn thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Có người cho rằng ông Hồ không để đàn em “thịt” ông Diệm là nhằm mục đích dùng hành động đó tuyên truyền lấy lòng cộng đồng công giáo lúc ấy, hoặc ít nhất ông Hồ cũng nhận thức được rằng giết ông Diệm lúc ấy sẽ gây ác cảm với cộng đồng giáo dân là một tập thể mà ông Hồ cho rằng không thể thiếu trong cái mặt trận Việt Minh “cứu quốc” giả dối của mình.

Những người vốn có thiện cảm với ông Hồ thì cho rằng ông Hồ kính nể thân phụ ông Diệm là Ngô Đình Khả – người đã sáng lập trường Quốc Học Huế mà Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp … đều là học sinh sau này. Ông Ngô Đình Khả là người duy nhất trong triều lúc ấy đã can đảm chống lại việc thực dân Pháp xử biệt xứ vị vua yêu nước Thành Thái, rồi sau nổi tiếng với câu “đầy vua không Khả, đào mả không Bài”, truyền tụng nơi cố đô, mà ông Hồ cũng biết và chính ông ta đã viện dẫn câu đó để giải thích với đàn em về việc ra lệnh cho phóng thích ông Diệm. (3)

Ap dụng 5 chữ W (Who, What, When, Where, Why) của Mỹ vào tuyên truyền, cán bộ tuyên vận phải lựa lời mà nói, tùy lúc, tùy nơi, tùy người mà nói thì mới đạt kết quả mong muốn. Về điểm này cứ xét lý do thay đổi chính sách và đối tượng tuyên truyền tùy theo tình hình thế giới và tình hình trong nước, tùy theo sự thành bại của phong trào vận động quần chúng trong nước thì có thể hiểu tuyên truyền mà không đúng lúc cũng rất tai hại. Ví dụ khi mới thành lập và thống nhất (1930) cán bộ còn non nớt, hăng say nghe theo đường lối của QT3 theo nghị quyết đại hội kỳ 6, muốn sớm đưa cách mạng cộng sản, cách mạng giai cấp đến thắng lợi, họ bèn kêu gọi công nhân, nông dân nổi dậy lập những tổ chức giống như ở Nga, gọi là Xô Viết, mà mạnh nhất là ở vùng Nghệ Tĩnh, nên mới có cái gọi là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu sắt máu “Trí Phú Địa Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ.” Đó là khẩu hiệu rất kêu, rất hấp dẫn đối với giới vô sản, thành phần mà cộng sản cho là nòng cốt của cách mạng giai cấp. Nhưng đợt ra quân đầu tiên này đã chuốc lấy thảm bại. Nhiều cán bộ bị bắt, bị giết, tổ chức tan tành vì phát động không đúng lúc, chưa đến lúc. Lý do thất bại là vì không điều nghiên kỹ về đối tượng. Dân chúng Việt Nam lúc ấy chỉ muốn độc lập, không muốn cách mạng cộng sản, không muốn đấu tranh giai cấp. Hồ Chí Minh đã rút kinh nghiệm. Ngay lập tức, ông ta tìm cách len lỏi vào các tổ chức cách mạng dân tộc ở Hoa Nam, thề trước các cán bộ Trung Hoa Quốc Dân Đảng rằng mình không phải cộng sản. Trong nước, các nhóm đệ tam liên kết với đệ tứ, với các đoàn thanh niên không cộng sản. Cộng sản đưa ra một lời kêu gọi mới: mặt trận chống đế quốc ra đời. Rồi mặt trận thống nhất dân tộc, mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh). Toàn là những tổ chức có cái tên nhuộm màu sắc dân tộc. Nhưng trên thực tế thì mặt trận nào cũng chỉ là cái vỏ bề ngoài trong khi cốt lõi vẫn là các đảng viên cộng sản, hoạt động theo đường lối của QT3, thay đổi tùy theo sự thay đổi của tình hình thế giới được phản ánh qua các nghị quyết của các đại hội.

Chính sự thích nghi với hoàn cảnh, chiều theo xu hướng và nguyện vọng của nhân dân lúc ấy mà thay đổi đề tài tuyên truyền đã đánh lừa được nhiều ngưòi cứ nhìn cái vỏ xanh bề ngoài (chủ nghĩa dân tộc ngụy trang)không biết đến cái lòng đỏ bên trong (chủ nghĩa quốc tế vô sản tức cộng sản).

Để giữ cho cái vỏ xanh bên ngoài khỏi trầy da tróc vẩy mà để lộ cái lòng đỏ bên trong, bộ máy tuyên truyền cộng sản đã vận dụng mọi phương tiện, huy động mọi thành phần tổ chức, nam phụ lão ấu, tập trung họ vào những đoàn thể gọi là “cứu quốc” nhồi nhét vào đầu họ rằng Việt Minh là một phong trào, một mặt trận yêu nuớc. Sách báo, tranh ảnh, bích chương, truyền đơn, bươm bướm, khẩu hiệu, biểu ngữ, và mọi loại tác phẩm hội họa, âm nhạc, điêu khắc … được sử dụng tối đa để làm cho nhân dân tin vào đường lối của mặt trận. Nhưng mặt trận chỉ là cái vỏ. Cái cốt lõi là đảng cộng sản. Một đôi khi, ở một nơi nào đó, trong một lãnh vực nào đó cái vỏ xanh bị vỡ, lòng đỏ bên trong lòi ra, thì lập tức sửa sai, giải tán, tự phê … Chung quy mọi biện pháp cần thiết đã được thi thố để cố bảo vệ cái vỏ hầu che giấu cái cốt lõi là cuộc cách mạng vô sản không suy suyễn.

2. Khuấy động quần chúng có mục đích đem đến cho đại chúng hay nhiều tầng lớp nhân dân trong cùng một lúc chỉ một hai ý đơn sơ nhưng mãnh liệt, khiến cả đám đông ồ ạt đi theo chiều hướng, làm theo ý muốn của người chủ xướng.
Những diễn văn ngắn, những bài thuyết trình cô đọng, ít dùng lý luận, nhưng chứa nhiều lời hô hào, kêu gọi làm phấn chấn lòng dân, những khẩu hiệu như ủng hộ, đả đảo, vạn tuế, muôn năm … thường có tác dụng khuấy động quần chúng. Nếu đưa ra vào một lúc thích hợp, thời cơ thuận lợi, tình hình đã chín mùi, chúng có thể biến một đám đông ù lỳ trở thành năng động, lôi cuốn họ dấn thân vào những hành động nguy hiểm như một dòng thác, như một bầy thiêu thân.

Khuấy động (hay vận động) quần chúng thường được thực hiện, dựa vào những định luật về tâm lý quần chúng, có phần khác với tâm lý cá nhân thông thường. Một vài ví dụ sau đây có thể cho thấy sự khác biệt đó.

Trong một rạp hát hay hội trường, khi có một, hai người vỗ tay thật lớn, thì hầu như mọi người trong đó liền vỗ tay theo, dù phần đông chẳng hiểu họ tán thưởng cái gì.

Các nhà tâm lý đã làm cuộc thí nghiệm như sau: trước một cử tọa đông đảo, nhà tâm lý mở nút một chiếc lọ rỗng không, trong đó chẳng có bất cứ chất đặc, chất lỏng hay chất hơi nào cả. Tuy nhiên, nhà tâm lý bảo với cử tọa rằng trong lọ có chứa một chất hơi với mùi tỏi nồng nặc, rồi ông ta hỏi có ai ngửi thấy mùi tỏi không. Kết quả có nhiều cái đầu gật, gật, và những bàn tay giơ lên.

Những ví dụ trên chứng minh thành ngữ Pháp Mouton de Panurge không phải chỉ có nghĩa đen về những con cừu, mà còn đúng cả về nghĩa bóng đối với một số người, nhất là khi họ tập họp thành một đám đông (quần chúng), ít còn, hay không còn, sống với tri thức thông thường của cá nhân mình mà sống bằng một tâm lý tập thể, tâm lý quần chúng.


Hồ Chí Minh: “đồng bào có nghe tôi rõ không?”
Nguồn: marxists.org
--------------------------------------------------------------------------------

Các nhà tuyên truyền chính trị, nói chung các nhà chính trị, thích “chơi” trên những “phím đàn” tâm lý này. Khi ông Hồ hay ngắt quãng trong những bài diễn văn ngắn, đơn sơ, bình dị của ông bằng những câu hỏi “đồng bào có nghe tôi rõ không?” … hay giơ tay thề trước đám đông: “Tôi thề không bán đứng tổ quốc, đồng bào hãy tin tôi…” là lúc ông ta tỏ ra khá điêu luyện về phím đàn tâm lý quần chúng. Và cán bộ của ông ta – đã được rèn luyện về khoa tuyên truyền khuấy động – đứng trong đám đông sẽ là những kẻ đáp lại câu hỏi của ông ta trước tiên, hay cất tiếng hoan hô trước tiên, khơi động cho cả ngàn tiếng vang lên “Rõ” (để trả lời câu hỏi), “Hồ chủ tịch muôn năm” (để đáp lại câu “đồng bào hãy tin tôi”)…

Trong cải cách ruộng đất tại miền Bắc những năm 55-56, những khẩu hiệu hô lớn của đám đông “đả đảo địa chủ gian ác”, hay các điệp khúc ngắn do nhi đồng, thiếu nhi hát trong làng vừa hát vừa đánh trống cơm: “Cắt đứt là cắt đứt, Dứt khoát là dứt khoát, Không vương vấn giai cấp địa chủ” đã có tác dụng làm khiếp đảm những nông dân “có máu mặt” và khơi lên trong toàn bộ nông thôn một làn sóng đấu tranh ngút trời với lòng hận thù giai cấp ngùn ngụt.(4)

Hình ảnh những nông dân có dăm ba mẫu ta ruộng bị quy là địa chủ qùy gối trước tòa án nhân dân gồm những bần cố nông vô học chỉ biết làm theo lệnh của đội trưởng cải cách, hay bị đứng như trời trồng dưới hố sâu hàng giờ để nghe xỉ vả lăng nhục trong bầu không khí cuồng loạn của đấu tranh giai cấp cho ta thấy tác dụng xuất qủy nhập thần của “khuấy động quần chúng” của cộng sản.

Tại sao chúng tôi chỉ toàn trưng dẫn những hành động của cộng sản để minh họa cho lập luận về tuyên truyền và khuấy động quần chúng?

Bởi vì như đã trình bày ngay ở đầu, đây là ngón sở trường của phe cộng nói chung và của Việt Cộng nói riêng. Và phải thú thực, chúng ta đã thua vì kém địch thủ về tuyên truyền.

Tuyên truyền của cộng sản đã biến ít thành nhiều, biến bại thành thắng, trắng thành đen, ngụy nghĩa thành chính nghĩa. Những người “quốc gia” nạn nhân của cộng sản thường nguyền rủa ông Hồ Chí Minh. Những cựu cán bộ cộng sản hay những người vì lầm lẫn từng đi theo mặt trận Việt Minh trong một thời gian dài cũng nói ông Hồ là xấu. Thậm chí có người gọi ông ta là Ma Đầu (như Hoàng Quốc Kỳ), là Qủy Chúa (như Nguyễn Chí Thiện), Qủy Vương (như Vũ Thư Hiên, gián tiếp qua lời một người bạn của ông là tiểu đoàn trưởng Đích). Thế mà nhờ tuyên truyền, ngày nay HCM vẫn được tôn sùng. Không phải chỉ có Võ Nguyên Giáp viết trên Tạp Chí Cộng Sản số 24, tháng 12, 1999 rằng “Làm theo lời HCM thì thắng lợi, làm sai tư tưởng HCM thì thất bại; thế giới đổi thay, nhưng tư tưởng HCM sống mãi …” Không thiếu những nhà văn, nhà báo, sử gia tên tuổi trên thế giới, kể cả các tác giả soạn tự điển bách khoa của Mỹ, của Anh … mãi đến tận năm 2000 vẫn ca tụng HCM hết lời.

(Còn tiếp)


© DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------

(1) Cách nay 11 năm, tại Mỹ, những cuộc thí nghiệm suốt gần 20 năm của bác sĩ Dorsey cũng đi đến kết luận rằng lời cầu nguyện có ảnh hưởng đến cách chữa bệnh, nhất là bệnh tim, đã làm dư luận trong giới khoa học gia Mỹ xôn xao.
(2) VẸM là viết tắt của 2 chữ Việt Minh, do cộng sản hoàn toàn chi phối. Việt Minh, chỉ mặt trận Việt Minh, là viết tắt của 7 tiếng “Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội” ban đầu do ông Hồ Học Lãm làm chủ nhiệm, gồm có nhiều đảng phái quốc gia và cả một số đảng viên cộng sản, trong đó có HCM hoạt động ở Hoa Nam trong thập niên 20 và 30; về sau Hồ Chí Minh dùng mánh lới và tuyên truyền dối trá dần dần thao túng Hội này, trừ khử những thành phần quốc gia chống cộng, để cuối cùng hoàn toàn điều khiển nó, biến nó thành cái gọi là mặt trận Việt Minh.
(3) Xem Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Paris, 1988, trang 226-227
(4) Xem Những Thiên Đường Mù của Dương Thu Hương.

http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3775

1 commentaire:

Anonyme a dit…

Hello. This post is likeable, and your blog is very interesting, congratulations :-). I will add in my blogroll =). If possible gives a last there on my blog, it is about the Servidor, I hope you enjoy. The address is http://servidor-brasil.blogspot.com. A hug.